5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

20.

Ta nghe mà ngẩn ngơ, lẩm bẩm nói: "Hoàng thượng tại sao lại làm vậy?"

"Đúng vậy... Tại sao?" Đại công tử dừng lại một chút, giọng điệu châm biếm, "Bởi vì Hoàng thượng già rồi. Ông ấy già rồi, vừa phải dùng thái tử, lại vừa phải đề phòng thái tử. Ông ấy chỉ có thể yên tâm ngủ ngon nếu cắt hết cánh của thái tử; ông ấy hạ nhục ta, bãi quan của ta, để ngày sau thái tử đăng cơ, nếu dùng lại ta, ta sẽ cảm kích, một lòng trung thành với hoàng thất. Đây là nước cờ 'rút củi đáy nồi', vừa giảm bớt thế lực của thái tử, vừa trải đường cho tương lai. Trước đây đường ta đi quá suôn sẻ, lòng tự mãn quá cao, Hoàng thượng muốn đánh thức ta, để ta hiểu được rằng, sấm sét hay mưa móc đều là ân điển của quân vương. Thủ đoạn của bậc đế vương, một hòn đá trúng ba con chim, đây chính là—'nghệ thuật cai trị'."

Nói đến đây, đại công tử từ từ mở tay, nhìn kỹ những đường vân trong lòng bàn tay dưới ánh sáng, giữa hàng mi là một vẻ lạnh lẽo đến rợn người.

Lúc này, ta đã hoàn toàn quên mất rằng đại công tử đang nói những chuyện cơ mật gì, chỉ cảm thấy tim đập như trống, tay chân lạnh ngắt, gần như không đứng vững nổi.

Ta vốn tưởng, đại công tử chỉ nói sai hoặc làm sai điều gì đó mà rước họa vào thân, không ngờ đằng sau lại có những chuyện rắc rối như vậy.

Chốn triều đình, g.i.ế.c người không thấy máu, quả thực còn nguy hiểm gấp trăm lần chiến trường.

Phải rất lâu sau ta mới dần dần tiêu hóa được những lời của đại công tử, dè dặt hỏi: "Vậy, công tử sau này định làm gì?"

Đại công tử nhếch môi cười lạnh, đôi lông mi đen nhánh như mực, dù vẫn mang dáng vẻ phong độ ngời ngời của một công tử thế gia giữa cõi phàm trần, nhưng khắp người lại tỏa ra hàn ý sắc bén như dao.

Trong phòng chỉ có một ngọn đèn, dầu sắp cạn, ánh lửa chập chờn hai cái rồi tắt.

Đại công tử giật mình tỉnh lại, giơ tay gọi ta đến.

Ngài nhẹ nhàng chạm vào hai búi tóc trên đầu ta, giọng điệu nhẹ bẫng: "Chuyện này không phải việc ngươi cần lo lắng, trời đã khuya rồi, ngủ đi."

Ta sao mà ngủ được.

Nhưng đại công tử đã nói vậy, ta cũng đành về phòng nằm.

Suốt đêm ta lăn qua lăn lại trên giường không ngủ nổi, trong đầu không ngừng suy nghĩ về những lời đại công tử nói.

Nghe ý của ngài, vài năm nữa ngài vẫn sẽ trở lại, vì một khi thái tử lên ngôi, chắc chắn sẽ cần dùng đến ngài. Nhưng—sao cảm giác này kỳ lạ quá—nếu cứ đi theo con đường mà Hoàng thượng đã vạch sẵn, chẳng phải giống như bị người ta bán đi mà còn phải cảm kích, rơi nước mắt đếm tiền giúp họ?

Sáng hôm sau, ta bò dậy, mắt thâm quầng như gấu trúc, bắt đầu nấu cháo.

Đại công tử dẫn theo Kiếm Như đi đến phủ Vĩnh Xương Bá để từ hôn.

Thật ra, việc hủy hôn như thế này, theo lý thuyết phải là do trưởng bối trong gia đình đứng ra, chẳng tới lượt đại công tử đích thân đi.

Nhưng chuyện này, Vĩnh Xương Bá phủ vốn đã vô lý trước, hơn nữa Vi gia lại không có trưởng bối nào ở kinh thành, lễ nghĩa đầy đủ hay không cũng chẳng ai nói được.

Ta nhìn theo bóng dáng đại công tử rời đi, trong lòng chua xót.

Từ khi ngài chịu đánh roi đến giờ, lần đầu tiên ra khỏi cửa lại là để từ hôn.

Thật là bực bội mà.

Lúc trở về, mặt Kiếm Như đen như đáy nồi, tay không, giấy hôn thú cũng đã trả lại.

Đại công tử thì vẫn bình tĩnh, trên mặt không thể hiện gì.

Nhị công tử khoanh tay trước ngực, lạnh lùng nói: "Hủy là đúng, tiểu thư đích tôn vàng ngọc đó đã không vừa mắt chúng ta, nếu thật sự cưới về làm đại tẩu của ta, chỉ sợ sẽ khóc lóc, làm ầm ĩ rồi tìm cách tự vẫn."

Đại công tử nghiêm khắc liếc nhị công tử một cái.

Nhị công tử nhún vai, vẻ mặt không quan tâm.

"Có gì mà không thể nói? Vĩnh Xương Bá phủ nịnh hót kẻ quyền thế, chuyện họ làm được, người khác chẳng lẽ không thể nói?"

"Vi Lăng—"

Thấy không khí càng lúc càng căng thẳng, ta vội vàng bước ra hòa giải.

"Cái đó—đại công tử, trên đường về ngài có thấy bà lão bán kẹo hồ lô giọng to không?"

Kiếm Như nhỏ giọng nói: "Lúc ấy làm gì có tâm trạng mà nhìn những thứ đó."

Không ngờ đại công tử lại nghĩ ngợi một chút, rồi khóe miệng ngài khẽ nở một nụ cười.

Ngài nói: "Có thấy, giọng rất to, tinh thần cũng rất tốt."

"Thấy là tốt rồi, lần sau đi ra ngoài mua giúp ta vài xiên, mấy hôm rồi không được ăn, nhớ quá đi mất. Còn bà thím bán canh lòng dê nữa, đi muộn là không mua được đâu. Trời lạnh thế này, ăn canh lòng dê là hợp nhất—À, hay là chúng ta làm lẩu dê ăn đi. Các vị gia, phiền giúp Thập Lục một tay nhé."

Nhị công tử nhìn ta với vẻ mặt "Tiểu nha đầu này có biết mình đang nói gì không", rồi cười lạnh một tiếng, nói: "Gia từ khi sinh ra đến giờ chưa từng bước chân vào bếp."

"Vậy hôm nay đúng lúc cho nhị công tử mở mang tầm mắt—đi nào, đi nào, cả nhà cùng nhau xuống bếp nấu nướng mới là tốt," ta vừa nói vừa đẩy từng người một như lùa vịt, cuối cùng cũng lôi được mấy vị công tử ra khỏi chính sảnh.

21.

Ngoài trời nắng đẹp, gương mặt nhị công tử có vẻ thư giãn hơn chút, nhưng vẫn không tình nguyện, cúi đầu nhìn ta, nói: "Ngươi thật gan dạ, dám sai bảo gia."

Ta ngẩng cao đầu, nhìn hắn: "Sao lại gọi là sai bảo? Đây chẳng phải là giúp đỡ lẫn nhau sao? Có câu 'thấy chuyện bất bình rút đao tương trợ', nô tì một mình không thể làm nổi nồi canh dê, mấy vị gia rút đao giúp nô tì, nô tì cảm kích vô cùng."

Nhị công tử cười lạnh: "Miệng lưỡi sắc bén."

Ta không vui, quay đầu nhìn đại công tử, nói: "Công tử, ngài hãy phân xử cho nô tì."

Ánh nắng lấp lánh chiếu vào mắt đại công tử, ngài khẽ mỉm cười, xoa đầu ta một cái, nhẹ nhàng trách: "Nghịch ngợm."

Sau khi từ hôn, đại công tử dần trở nên bận rộn.

Không biết ngài đang bận gì, nhưng thường xuyên không có mặt ở phủ.

Kiếm Như cũng không thấy đâu.

Đôi khi ta thấy đại công tử, ngài vẫn mặc bộ quần áo của tiểu tư mà chưa kịp thay. Rõ ràng ta vừa mới đi qua thư phòng, không thấy ai, nhưng chỉ trong chớp mắt, đại công tử lại xuất hiện từ đâu đó.

Nhìn thấy ta, ngài cũng không lúng túng, chỉ giơ tay gọi ta lại.

Ta nghĩ ngài có việc cần sai bảo, nhưng không ngờ ngài chỉ đưa tay xoa đầu ta vài cái, rồi bảo ta đi nghỉ.

Đại công tử bận, nhị công tử cũng không có nhà.

Kỳ thi mùa xuân sắp đến, hắn đã quay lại thư viện để chuẩn bị.

Hơn một tháng sau, nhị công tử trở về để tham gia kỳ thi.

Nghe nói phu nhân cũng đang trên đường về, nhưng gặp mưa to làm sạt lở đường, e rằng phải trì hoãn vài ngày.

Có thể thấy trong tình cảnh của nhà họ Vi hiện tại, việc có người xuất hiện trên triều đình quan trọng biết bao.

Thế nhưng, sự đời thường không như ý muốn, kỳ thi mùa xuân vừa công bố bảng vàng, nhị công tử đã rớt.

Hôm đó, Kiếm Như đi xem bảng, nhưng đi cả hơn một canh giờ mà không quay lại, chúng ta đều hiểu rằng nhị công tử đã không đỗ.

Kinh thành thì nhỏ, tin tức lại lan nhanh. Nhà bên cạnh có người đỗ đạt, pháo nổ vang trời.

Ta chưa bao giờ thấy tiếng pháo chói tai đến thế, liền chạy quanh đóng hết cửa nẻo, khóa cả cửa sổ, chỉ ước gì có thể lấy bông bịt kín các khe cửa.

Nhị công tử không nói gì, lặng lẽ trở về viện của mình, cả ngày lẫn đêm, đồ ăn ta mang đến đều để ngoài cửa, một hạt cơm cũng không động đến.

Như vậy sao được? Dù buồn đến mấy cũng không thể không ăn.

Kiếm Như khuyên đại công tử đến khuyên nhủ nhị công tử.

Không ngờ đại công tử chỉ thở dài, nói: "Có lẽ hắn không muốn gặp ta."

Nghĩ lại cũng đúng, nhị công tử năm nay đã mười chín tuổi.

Nhưng đại công tử khi mười chín tuổi, đã đỗ trạng nguyên.

Nếu là ta, ta cũng không muốn gặp đại công tử.

Chiều hôm sau, thấy thức ăn vẫn không động đến, ta không nhịn được nữa, liền gõ cửa.

Lúc đầu không có ai trả lời, sau khi gõ thêm mấy lần, bên trong có tiếng đồ đạc rơi vỡ, nhị công tử cáu kỉnh quát: "Cút đi—"

Nhị công tử bảo ta cút, ta có cút không?

Tất nhiên là không rồi.

Nhị công tử mắng vài câu, ta sẽ không sao. Nhưng hắn không ăn cơm không uống nước, thì sẽ đổ bệnh.

Ta kiên trì gõ cửa, như một con chim gõ kiến, gõ mãi gõ mãi, cuối cùng cũng gõ mở cửa.

Cửa vừa mở, mùi rượu xộc ra nồng nặc, nhị công tử đứng chân trần trước mặt ta, mắt đỏ ngầu, không nói không rằng, liền đẩy ta một cái.

"Ngươi không nghe thấy ta bảo cút sao?"

Được thôi, ta rút lại câu nói lúc trước—"Nhị công tử mắng ta vài câu, ta sẽ không sao."

Thực tế, nhị công tử ra tay thực sự không nương, đẩy thẳng ta ngã xuống, cơm canh vung vãi khắp nơi.

Phản ứng đầu tiên của ta là, tiếc mấy cái bát sứ quá, biết thế đã lấy bát gỗ.

Sau đó mới dần cảm thấy đau đớn trên cơ thể.

Ngẩng đầu lên, nhị công tử đã đóng sầm cửa lại, không thấy bóng dáng đâu.

Giờ ta mới nhận ra Kiếm Như quả thực là người có trí tuệ. Mấy hôm nay, mặc dù hắn cũng lo lắng cho nhị công tử, nhưng đi lại đều cố ý tránh viện của nhị công tử.

Buổi tối, ta lại mang cơm đến. Lần này ta đã rút kinh nghiệm, thay bát gỗ, lại mang thêm một bát canh giải rượu. Chỉ gõ nhẹ cửa một cái, rồi nhấc váy lên định chạy.

Không ngờ lần này cửa mở ngay lập tức, nhị công tử đứng ở cửa, mặt không cảm xúc, gật đầu với ta.

Hắn nói: "Vào đi."

Vào... đâu?

Hắn định nhốt ta lại trong phòng để đánh à?

Ta thực sự không muốn vào, vết xước trên cánh tay vẫn chưa lành.

Ánh mắt nhị công tử lóe lên, yết hầu chuyển động, cuối cùng thốt ra một câu: "Xin lỗi."

Ta thấy hắn không còn hung dữ như ban ngày, liền xách hộp cơm lên, rón rén bước vào phòng.

Vừa vào ta đã thấy, phòng nhị công tử như một chiến trường, khắp nơi là những bình rượu nằm la liệt, chẳng còn chỗ nào để bước chân.

Nhị công tử tùy tiện đá vài cái bình rượu, dọn ra một chỗ trống, lười biếng nói với ta: "Ngồi đi."

Chủ nhân đứng đó, sao ta dám ngồi?

Ta gãi đầu, nói: "Nhị công tử, ngài ăn chút gì đi, để nô tì thu dọn phòng cho ngài."

Rồi ta xách mấy hũ rượu không ra ngoài, tiện thể lấy một cái chổi quay lại.

Nhị công tử tựa vào cửa nhìn ta quét dọn, tay vẫn cầm một bình rượu nhỏ, tiếp tục uống.

22.

Ta nhìn hắn hai lần, định nói lời khuyên, nhưng nghĩ đến việc bị đánh, lại không dám mở miệng. Không ngờ ánh mắt ta lại chạm phải ánh mắt nhị công tử, động tác hắn khựng lại, bước tới bàn, cầm bát canh giải rượu uống một hơi cạn sạch.

"Thập Lục, ngươi có phải cũng thấy ta vô dụng?"

"Sao lại thế được, nhị công tử chỉ là chưa phát huy tốt thôi, lần sau nhất định sẽ thi đỗ."

"Thi cử ba năm một lần, ba năm rồi lại ba năm, đời người có mấy lần ba năm?"

"Ta từng nghe nói, trong trường thi có những lão ông năm, sáu mươi tuổi vẫn còn tranh đấu, nhị công tử trẻ như vậy đã đỗ tú tài, đã vượt qua hàng triệu người rồi."

Nhị công tử thấp giọng nói: "Vượt qua hàng triệu người, nhưng ngay cả gấu áo của đại ca ta cũng không chạm tới được."

Ta im lặng một lúc, cuối cùng tìm được một câu an ủi: "Mỗi người đều có sở trường riêng, nhị công tử không cần phải so sánh với đại công tử đâu."

"Có gì mà không so sánh chứ, ta biết rõ mình không phải là người có tài đọc sách, đỗ tú tài đã là may mắn lắm rồi. Dù có học thêm ba mươi năm nữa, ta cũng không thi đỗ được như đại ca."

Nhị công tử nói vậy, trên mặt nở một nụ cười chế giễu, nhưng trong ánh mắt lại lộ vẻ cô đơn. Huynh trưởng của hắn nổi danh thiên hạ, mọi người đều chỉ biết đến ViChiêu, người đã liên tiếp đạt được tam nguyên, trở thành thiên hạ đệ nhất nhân ở tuổi mười chín. Nhưng có mấy ai biết rằng, nhà họ Vi còn có một nhị công tử tên là Vi Lăng chứ.

Ta đắn đo hồi lâu, cuối cùng chỉ biết nói một câu: "Nhị công tử... ngài bán trâm giỏi lắm."

Nhị công tử bật cười: "Thập Lục, ngươi thực biết cách an ủi người khác."

Á? Đây là đang khen ta hay là mắng ta vậy?

Hai ngày sau, phu nhân cuối cùng cũng sắp về đến nhà.

Chúng ta nhận được tin sớm, liền chuẩn bị chu đáo từ sáng. Ta đã quét dọn sân viện của phu nhân đến ba lần.

Trong lúc đó, đại công tử gọi ta lại, hỏi tay ta làm sao.

Ta ngẩn người: "Không có gì ạ."

Đại công tử nhướng mày: "Cái bình tưới hoa nặng đến mức ngươi chỉ dùng một tay không nhấc nổi sao?"

Vải băng lần lượt được tháo ra, bột thuốc được rắc lên, rồi một lớp băng mới lại được cuốn quanh. Khoảng cách giữa chúng ta quá gần, đến mức ta có thể thấy rõ nốt ruồi nhỏ dưới hàng mi của đại công tử. Ngài mặc áo trắng như tuyết, trông giống hệt tiên nhân. Ôi, trên đời sao lại có người vừa đẹp vừa dịu dàng như đại công tử thế này, ta nhìn ngài mà mê mẩn.

"Ngươi đang nhìn gì?"

Ta chống cằm, đáp: "Đại công tử, ngài thật là tốt. Không biết cô nương nào có phúc phận làm thê tử của ngài, chắc chỉ có tiên nữ mới xứng đôi với ngài thôi, nhưng không biết tiên nữ thì phải tìm ở đâu."

Lông mày đại công tử giật giật.

"Ngươi lại lo chuyện này làm gì. Nói xem, sao lại làm tay bị thương?"

Ta cười tươi đáp: "Chân trái vấp chân phải."

"...Nói bậy."

Để phạt ta vì nói bậy, ngài thắt nút dải băng thật chặt, đau đến nỗi ta co người lại.

"Đã biết đau thì lần sau phải cẩn thận hơn."

***

Sau khi phu nhân về, bà và nhị công tử cãi nhau một trận lớn.

Bởi vì nhị công tử muốn nhập ngũ.

Một người hiền lành, dịu dàng như phu nhân, lại tức đến mức ném vỡ chén trà, rồi bảo Kiếm Như đi lấy roi mây để đánh nhị công tử.

Nhị công tử cũng chẳng phải người yếu thế, hắn xắn áo lên, quỳ thẳng trên sàn, ra vẻ muốn g.i.ế.c muốn c.h.é.m gì thì tùy ý.

Thế là phu nhân vừa đánh vừa khóc.

"Con có biết phương Bắc chiến loạn liên miên, những người Đột Quyết ấy đều là những kẻ có thể ăn sống nuốt tươi người khác không? Con đi thì làm được gì?"

Nhị công tử đáp: "Đã có chiến loạn, thì càng cần nhân tài, con đi lập quân công."

"Nhà họ Vi sinh con ra nuôi dưỡng con, chẳng lẽ thiếu ăn thiếu mặc đến mức cần con liều mạng đi lập quân công? Hiện tại gia đình đang trong tình cảnh thế nào? Cha con một trận bệnh nặng, sức khỏe không còn như trước, đại ca con cũng chưa hoàn toàn bình phục. Nếu con lại có chuyện gì, ta e rằng chỉ còn cách đ.â.m đầu vào tường mà c.h.ế.t thôi. Gia đình đã sắp xếp cho con con đường mười năm đèn sách, vậy mà con nói từ bỏ là từ bỏ, chẳng phải chỉ là chưa đỗ khoa thi sao? Lần sau thi lại là được, Vi Lăng, con đúng là kẻ hèn nhát. Mẹ khinh thường con!"

Nhị công tử thản nhiên nói: "Nếu lần sau vẫn không đỗ thì sao? Nếu cả đời này con cũng không đỗ thì sao? Chẳng lẽ con phải sống nhờ cha và đại ca cả đời? Mẹ, từ nhỏ con đã không tĩnh tâm để đọc sách được, từ nhỏ đến lớn không biết đã bị đánh bao nhiêu trận. Đến giờ phút này, chẳng lẽ mẹ vẫn không hiểu lòng con sao?"

Phu nhân khựng lại một chút, rồi càng đánh mạnh hơn, đánh đến khi trên lưng và vai nhị công tử không còn một chỗ lành lặn.

Cuối cùng, đại công tử ra tay ngăn phu nhân lại.

Ngài đứng trước mặt nhị công tử, cúi đầu hỏi: "Đệ đã nghĩ kỹ chưa?"

Nhị công tử đáp: "Ý đệ đã quyết."

23.

"Vậy được," đại công tử quay người lại, hành lễ với phu nhân, "Mẹ, hãy để đệ ấy đi. Nhị đệ đã lớn, nên để đệ ấy tự quyết định."

Phu nhân khóc lớn: "Không cho đi, nói gì cũng không cho đi!"

"Vậy mẹ cứ đánh luôn cả con đi."

Nói rồi, đại công tử vén áo quỳ xuống bên cạnh nhị công tử.

Tim ta thắt lại—làm sao ngài chịu nổi chuyện này?

"Mấy đứa... mấy đứa... thật tốt, tốt lắm... Hai huynh đệ các con đều là muốn chọc tức ta."

Phu nhân nhìn từ bên trái sang bên phải, cuối cùng ném roi xuống đất, khóc đến nỗi thở không ra hơi.

Nhị công tử dưỡng thương suốt hơn mười ngày, còn phu nhân thì khóc suốt ngần ấy thời gian.

Không khí trong phủ trầm lặng, ta cũng cảm thấy buồn theo. Có lần ta trốn dưới gốc cây hòe già, ngồi thổi sáo lá, đại công tử tình cờ đi ngang, đứng nghe thật lâu.

Cuối cùng nhị công tử vẫn rời đi, hắn để lại một bức thư, âm thầm ra đi không nói lời từ biệt.

Nhưng hắn không biết rằng, một ngày trước khi hắn đi, phu nhân đã đến nhà bếp, tự tay làm rất nhiều bánh điểm tâm, lén bỏ vào bọc hành lý mà hắn đã chuẩn bị sẵn.

Dù sao cũng là đứa con do bà tự tay nuôi nấng, làm sao không biết hắn định lén bỏ đi chứ?

Lần này theo phu nhân trở về, còn có quản gia Ngô thúc và một nha hoàn tên là Thúy Nhi.

Còn về phần Thôi Cửu—lúc này ta mới biết, năm đó hắn chọn ở lại không phải vì nhà họ Vi có ân với hắn.

Người nhà họ Vi thật sự có ân, là với Châu Nhi tỷ tỷ. Thôi Cửu ở lại vì thích Châu Nhi tỷ.

Hai người họ cùng đến Ba Lăng, suốt dọc đường Thôi Cửu chăm sóc rất chu đáo, cuối cùng cũng lấy được mỹ nhân về làm vợ. Lão gia và phu nhân cảm kích lòng trung thành của họ, đã xóa bỏ thân phận nô tỳ và còn tổ chức hôn lễ cho họ.

Hiện tại Châu Nhi tỷ đã mang thai, sắp sinh rồi.

Nhị công tử đã đến phương Bắc nhập ngũ, từ khi hắn rời đi, phu nhân bắt đầu tu Phật, ngày ngày tụng kinh cầu bình an cho nhị công tử.

Phu nhân ở lại một thời gian, rồi cùng đại công tử bàn bạc chuyện bán căn nhà ở kinh thành để cả gia đình về Ba Lăng đoàn tụ, vì dù sao lão gia cũng đang ở đó.

Không biết đại công tử đã nói gì với phu nhân, cuối cùng ngài không đi, căn nhà cũng không bán.

Phu nhân lại trở về Ba Lăng.

Ta thật sự rất khâm phục bà, ở cái tuổi đáng ra nên được an nhàn dưỡng lão, mà bà vẫn cứ phải đi khắp nơi, chịu bao nhiêu khổ cực đường xa.

Trước khi phu nhân đi, ta đã làm tặng bà hai đôi giày nhẹ.

Mùa hè đang đến gần, phu nhân đến Ba Lăng, vừa đúng lúc có thể mang đôi giày mới.

Phu nhân nắm tay ta, nhẹ nhàng nói: "Thập Lục, con gái ngoan, ta nhận tấm lòng này của con. Giờ con cũng xem như người trong viện của Chiêu nhi rồi. Sau khi ta đi, phiền con chăm sóc tốt cho nó."

Viện... viện của đại công tử?

Mặt ta đỏ bừng, vội vã xua tay: "Không... không phải vậy, con chỉ là sợ bóng tối nên mới ở lại..."

Phu nhân cười hiền hòa: "Được rồi, không cần giải thích, ta hiểu mà. Ba Lăng có hồ lớn, hoa sen hồng rực như mây, cảnh sắc đẹp hơn Kinh Thành nhiều. Nếu con không muốn ở lại đây, lúc nào cũng có thể đến Ba Lăng tìm chúng ta."

Sau khi phu nhân và nhị công tử rời đi, phủ Vi gia lại trở nên trống trải.

Ta tiếp tục quét dọn, nấu cơm, cắt tỉa cây cối, học chơi cờ, học viết văn, thậm chí học tính toán với đại công tử. Một năm bốn mùa cứ thế trôi qua.

Khi ta đã học được cách đọc chữ, đại công tử gọi ta vào thư phòng, lấy cuốn sổ lần trước ra cho ta xem lại.

Lần này ta mới hiểu, đó là một cuốn sổ kế toán.

Bên trong ghi lại tất cả các khoản đất đai, ngân phiếu, đồ vật quý báu mà Vi gia có, thậm chí còn ghi rõ mấy cửa hàng.

Đại công tử hỏi ta: "Thế nào?"

Ta đáp: "Công tử, ngài cho ta xem sổ này làm gì?"

Đây có phải là việc một tỳ nữ như ta nên xem không?

Đại công tử nhướng mày: "Có thể nuôi nổi ngươi không?"

Ta?

Thì ra công tử tốn công dạy ta biết chữ chỉ để chứng minh điều này sao?

Ta chưa từng nghi ngờ rằng ngài không nuôi nổi ta mà...

Ta cười đáp: "Công tử của ta là tuyệt nhất, thiên hạ vô địch, không ai sánh bằng!"

Đại công tử khẽ hừ một tiếng, rút cuốn sổ khỏi tay ta, quay lưng bước đi. Nhưng ta cảm giác bóng lưng của ngài có chút phấn khởi xen lẫn tự mãn.

Khi công việc không nhiều, ta xin phép về thăm nhà. Chân của cha ta đã khỏi, và đứa đệ đệ út của ta cũng đã qua cơn nguy hiểm.

Người ta nói, con gái gả đi rồi như bát nước hắt ra ngoài. Tuy ta chưa gả, nhưng kể từ khi mẹ ruột mất, mẹ kế lại sinh thêm đệ muội, ta cũng chẳng khác gì bát nước bị hắt đi.

Ta đều đặn gửi tiền về nhà mỗi ba tháng, nhà đã rào lại một khu đất rộng và nuôi thả gà.

24.

Cha và mẹ kế nói chuyện với ta, lời lẽ hàm ý rằng hai đệ đệ cần có của hồi môn để cưới vợ, còn muội muội cũng cần chuẩn bị sính lễ. Dường như họ thấy chủ nhân nơi ta làm việc không tệ, nên dặn ta phải hầu hạ cho tốt.

Mẹ kế còn bảo ta là con gái, không biết giữ tiền, nên tốt nhất là gửi hết lương tháng về cho bà giữ hộ. Đợi đến khi nào chủ nhân cho phép ta về nhà, bà sẽ đưa lại số tiền đó để ta có vốn mở tiệm hoặc lấy chồng.

Cha nghe xong cũng tán thành.

Người nhà rõ ràng đã tính toán chu đáo cho ta, nhưng ta về nhà sau hơn một năm, ngay cả một bát canh gà cũng chưa được uống.

Thu Sinh ca vẫn chưa lấy vợ, ta chỉ dám lén nhìn từ xa, ánh mắt của huynh ấy chạm vào mắt ta, rồi lập tức lảng tránh trong sự bối rối.

Thôn Bạch Vân không tốt, Kinh Thành cũng không yên bình.

Triều đình liên tiếp xảy ra mấy vụ án lớn, Cẩm Y Vệ khắp nơi bắt người, nhà thì bị tịch thu, người thì bị lưu đày. Nghe đâu còn liên quan đến thái tử nữa.

Nhưng những chuyện thế này, người như ta làm sao biết được sự thật? Chỉ toàn là tin đồn trên phố mà thôi.

Khi đông đến, ta hỏi ý đại công tử rồi may vài bộ áo bông, gửi tới biên cương. Ta còn lén khâu một ít bạc vào lớp lót áo.

Nhị công tử có lương lính, nhưng không biết liệu có đủ dùng không. Biên cương lạnh lẽo, có thêm chút bạc trong người cũng chẳng phải chuyện xấu.

Hơn một tháng sau, nhị công tử gửi thư về. Ngoài bức thư cho đại công tử, không ngờ lại còn có một bức gửi riêng cho ta.

Nhưng chỉ vỏn vẹn hai dòng:

【Thập Lục, biên cương thật tẻ nhạt, so với nơi đây, ngươi thú vị hơn nhiều.】

Ta hỏi đại công tử, liệu nhị công tử có gặp nguy hiểm ở biên cương không. Gươm đao không có mắt, nếu thật sự xảy ra chuyện thì phải làm sao?

Đại công tử nhìn lên bầu trời, im lặng hồi lâu, tay chầm chậm lần chuỗi hạt.

Cuối cùng, ngài nói với ta: "Người nhà Vi gia không thể chết. Dù có ngã, cũng sẽ đứng lên được."

Xuân đến, đại công tử không biết tại sao lại muốn xuống Giang Nam một chuyến.

Ta xin đi theo, nhưng ngài nói lần này không thể, vì có việc quan trọng phải làm.

Ta hỏi ngài khi nào sẽ trở về.

Đại công tử đáp: "Ngày về chưa định. Có thể là ba, năm ngày, có thể là mười ngày hoặc hơn, cũng có thể là một, hai tháng. Ai mà biết, nhưng đừng để ta bắt gặp ngươi lén ăn thức ăn thừa."

Đi Giang Nam mà sao có thể về trong ba, năm ngày?

Nhưng đại công tử đã nói vậy.

Ngài lại hỏi: "Ngươi có dám ngủ một mình không?"

Ta gật đầu: "Dám chứ, dù sao ta cũng đã lớn thêm một tuổi rồi."

Đại công tử cười: "Giỏi lắm."

Đêm đó, trời mưa nhỏ lất phất, ta ngồi co gối trên giường, lắng nghe tiếng mưa rơi ngoài hiên. Xung quanh yên tĩnh đến lạ, ngoài tiếng mưa, chẳng còn âm thanh nào khác.

Lẽ ra ta nên cảm thấy sợ hãi, vì ta vốn sợ bóng tối, sợ ở một mình.

Nhưng không hiểu sao, trong lòng ta lại không thấy sợ mấy.

Đây là viện của đại công tử.

Giống như ngài đã nói, có lẽ ngày mai ngài sẽ trở về.

Lúc đó, ta sẽ không còn một mình nữa.

Ta nhúng tay vào chút nước đọng trên khung cửa, chậm rãi viết trên mép giường.

Đại công tử đã dạy ta rất nhiều chữ, có hai chữ ta chưa từng viết liền nhau bao giờ.

Chữ viết bằng nước chỉ sau chốc lát sẽ khô đi, biến mất không dấu vết. Rõ ràng là một khoảng không, nhưng ta lại ngẩn ngơ nhìn rất lâu.

Hai chữ đó là "Vi Chiêu."

Có lẽ lòng ta chân thành nên trời xanh nghe thấu, sáng hôm sau, khi ta đang phơi quần áo trong sân thì nghe thấy tiếng xe ngựa bên ngoài. Đại công tử thực sự đã trở về.

Ngài không mang theo hành lý gì, chỉ cầm theo một cây non.

Cây non cao đến nửa người, chân đại công tử vẫn chưa hoàn toàn lành, ta vội chạy lên giúp đỡ.

Ta hỏi sao ngài lại về đột ngột thế, mà còn không mang Kiếm Như theo.

Đại công tử dừng lại, theo thói quen định xoa đầu búi tóc của ta, nhưng tay đưa được nửa chừng lại dừng, chuyển thành vỗ nhẹ phủi chút đất dính trên tay.

Ngài cười bảo ta: "Thập Lục, ngươi đã đến tuổi cập kê rồi."

Lúc đó ta mới chợt nhớ ra, hôm nay chính là ngày sinh của ta.

Chúng ta cùng đào hố, lấp đất, tưới nước. Cây non ấy cuối cùng được trồng ngay trước thư phòng của đại công tử, nơi chỉ cần mở cửa sổ ra là có thể nhìn thấy.

Đó là một cây lựu.

Buổi tối, sau khi rửa bát xong, ta về phòng và thấy trên bàn có một chiếc hộp gấm. Mở ra, bên trong là một cây trâm, cùng với một đôi khuyên tai, làm bằng đá quý, đỏ rực như lựu, được chạm khắc tinh xảo.

Chủ nhân dù tốt đến đâu, cũng hiếm khi tặng lễ cập kê cho một tỳ nữ.

Ta không thể nhận được.

Ta ôm chiếc hộp gấm, gõ cửa phòng đại công tử.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#cổtrang