Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề bài: : Tác phẩm văn học là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp (Sóng Hồng)

Hãy làm sáng tỏ nhận định trên qua một tác phẩm văn học.

[một tác phẩm văn học ở đây, tớ lựa chọn là tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính".]

Lưu ý:

- Bài viết hoàn toàn mang tính chất tham khảo.

- Tớ không luyện và học hỏi cách làm bài này một cách bài bản, kỹ lưỡng, trường lớp. Do đó, nếu mà có gì đó khác với cách giảng dạy, hướng dẫn của giáo viên trường mọi người thì tốt nhất là làm theo ý của họ.

- Thật ra thì, tớ viết không giống kiểu lý luận văn học cho lắm, có lẽ thế. Không chứng minh sâu sắc mà lại thiên về phân tích hơn. Vậy nên mọi người đọc rồi tham khảo phần phân tích để làm theo đề bài "Phân tích tác phẩm BTVTĐXKK" cũng được.

- Lưu ý thêm cái nữa là tớ xin lỗi mọi người, càng về sau tớ làm càng sơ sài, không đủ ý cho lắm. Nếu thầy cô có nhiều chi tiết hay hơn thì thêm vào nhé, để bài làm hoàn hảo hơn.

- Độ dài: 2384 3890 chữ - tương đương khoảng 3 đôi giấy kiểm tra (giấy vở bình thường, dựa trên cỡ chữ vừa vừa của tớ).

Bài làm

    Văn học được dựng lên, được cấu thành chính nhờ chất liệu chính là ngôn từ đa dạng, phong phú - khi thuần túy mộc mạc, khi bóng bẩy mỹ miều. Thế nhưng, văn học muốn hóa thành đóa hoa không bao giờ lụi tàn trong lòng độc giả thì lại phải là tác phẩm bao hàm cả tinh thần, tâm khảm, tư tưởng của mỗi con người. Chính tâm hồn của người pha thêm những nét chấm phá của ngòi bút mượt mà lại là lăng kính phản ánh cuộc sống, vẽ nên bức tranh đời thực và phả vào hơi thở mãnh liệt của thời đại lúc bấy giờ. Sóng Hồng đã từng nói: "Tác phẩm văn học là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp".

    Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật sáng tạo, là kết tinh hoàn hảo của lời văn câu chữ, là sản phẩm tinh thần dồi dào cảm xúc. Đó cũng là kho tàng khơi gợi lên cái hay cái đẹp của xã hội và phê bình những hành động xấu, những kẻ tồn tại vô dụng giữa đời. Các tác giả bằng chính cảm nhận và khiếu quan sát của mình đã khắc họa nên những điểm thiện lương, những tinh thần phơi phới của con người ở mỗi thời đại giúp bật dậy cái tốt lành của mọi bạn đọc. Giá trị thực tiễn đan xen trong từng cẫu chữ lồng ghép chặt chẽ với nhau đã nâng ý nghĩa tác phẩm lên một tầm cao mới, đồng thời mở ra một quãng mênh mông về tư tưởng cao đẹp. Nhận định của nhà thơ Sóng Hồng đã nêu lên và khẳng định về mối liên hệ giữa một tác phẩm văn học với con người và cuộc sống thời đại vào cột mốc sinh ra nó. Tuy nhiên, sự thể hiện của văn học về con người và thời đại không hề đơn giản, nhỏ bé, thấp kém mà là "cao đẹp". Đó là một tính từ bộc lộ mức độ cao quý, đẹp đẽ rất đáng trân quý, tôn trọng, cần được xã hội vinh danh và noi theo cái thanh cao, tích cực ấy. Nghĩa là, tác phẩm văn học phải khám phá ra những đường nét đẹp, vấn đề bình dị trong cuộc sống một cách đáng ca ngợi và phô bày hiện thực một cách đáng tự hào.

     Tựa những trang hồi ký chiến trường đầy cảm xúc hào hùng, "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khắc họa vẻ hiên ngang, dũng cảm của người lính lái xe ở Trường Sơn. Bài thơ đã mang vào hơi thở của cả một thời đại kháng chiến chống Mỹ đầy khí phách, đầy ngang tàng. Chính cái oái oăm, khốc liệt nơi đây đã làm nổi bật lên hình ảnh tuyệt mỹ của những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi quả cảm, gan góc:

"Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng."

     Bước vào một tràng thơ dài độc đáo là chiếc xe ngạo nghễ, đường hoàng lăn bánh đều đều tiến bước về phía trước. Chiếc xe ấy hiện không có kính, tuy nhiên đó lại không phải cấu tạo vốn dĩ ban đầu của nó mà là vì sau thoáng chốc vẹn nguyên thì bom đạn đã đánh vỡ màn kính trong suốt, hữu ích ấy rồi. Cuốn theo câu thơ lại vô tình hiện ra dáng dấp của binh đoàn những thanh niên trẻ tuổi vui tươi, tinh nghịch không hề nản lòng, nhụt chí trước điểm yếu của binh đoàn. Động từ "giật", "rung" trong câu thơ thứ hai đã gợi lên thanh âm rõ rệt oanh tạc, tàn phá của trận chiến bom đạn đầy rẫy. Thế nhưng, dường như tác giả đã mượn nhờ sự thật tàn khốc ấy để vẽ nên nụ cười lạc quan, hóm hỉnh không hề hấn gì trên môi các người lính lái xe Trường Sơn. Một tâm thế ung dung, một tâm hồn thư thái, một tâm trạng bình tĩnh đã hoàn toàn hiện hữu trong từng người chiến sĩ xuyên suốt chặng đường dài. Các anh tràn trề dũng khí, kiên quyết đương đầu với mối hiểm nguy cận kề, đảm đương trọng trách. Biết rằng thần Chết chẳng phải trò đùa nhưng các anh vẫn gan dạ "nhìn" đoạn đường đất phía trước toàn hố bom nổ chậm ngổn ngang, gồ ghề; các anh vẫn can đảm "nhìn" bầu trời đã từng xanh thẳm nay chỉ còn tồn đọng đạn nổ bom rơi. Và đặc biệt hơn tất thảy, các anh lính ấy vẫn luôn tâm huyết một tấm lòng không bao giờ nao núng, lung lay, hướng mắt, hướng tình yêu quê hương đất nước về phía trước.

     Chất thơ tếu táo, độc đáo của nhà thơ đã vượt lên hiện thực khắc nghiệt bằng niềm vui, hy vọng của các người lính lái xe:

"Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái."

      Bằng cách sử dụng từ ngữ kỳ diệu, miêu tả hình ảnh độc đáo truyền tải qua những vần thơ, Phạm Tiến Duật đã giúp độc giả cảm nhận rõ ràng hơn vào hiện thực sinh động của cuộc đời chiến trường gian nan. Cụm từ "Nhìn thấy" được điệp ngữ đã hoàn toàn mở ra một cái nhìn khái quát của người đọc đối với các anh chiến sĩ. Dẫu rằng sự thật ngang trước mắt là xe không còn kính, bao cát bụi đen nhẻm từ đoạn đường Trường Sơn vào thẳng trong xe. Thế nhưng, các người lính dũng cảm đã "nhìn" hiện thực khốc liệt, khó khăn bằng đôi mắt trong ngần, vô tư nhưng cũng thật trìu mến, Bụi đầy đường bay vào mắt các anh nhưng tác giả đã dùng biện pháp nhân hóa đưa ngọn gió lộng vào "xoa" đôi mắt bám bụi ấy. Không có kính, gió từ ngoài thiên nhiên bao la dễ dàng luồn vào, hóa thành bàn tay mềm mại xoa dịu đôi mắt chịu cay vì bụi, vì thức xuyên đêm của các anh lính. "Con đường chạy thẳng vào tim" mang một ý nghĩa lãng mạn và liên tưởng đến việc chiếc xe lao lên còn con đường lùi lại phía sau. Nó còn thể hiện lòng lạc quan của người lính trẻ bất chấp gian lao. Con đường ấy là quãng đường lý tưởng khắc ghi trong tim chiến sĩ. Xe không kính, các anh có cái nhìn trực diện, nhìn được thiên nhiên thật hơn và dường như đắm chìm vào vẻ đẹp chan hòa, gần gũi vốn có của nó. Ngôi sao đêm sáng rực trên dải trời lung linh, huyền ảo và cả cánh chim trời trắng bình yên mỗi buổi sớm mai đều có thể hạ thấp, xuyến xao rơi vào tầm nhìn của các anh chiến sĩ. Ngôi sao óng ánh ấy, cánh chim vụt bay ấy dẫu có ở trên cao vời vợi nhưng lại tựa người bạn thân mật đang hiện diện ngay sát bên những tay cầm lái vững vàng. Động từ "sa" và "ùa" chân thật đến mức tưởng chừng như đang quấn quít, vui đùa bên người lính làm nhiệm vụ. Hiện thực gian khổ nơi chiến trường đạn bom khốc liệt dường như đã được lấp đầy bằng những niềm vui, sự lãng mạn và bao bọc của thiên nhiên bát ngát, dịu dàng và nhân hậu ngoài kia.

"Không có kính, ừ thì có bụi,

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính ừ thì ướt áo

Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời.

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa.

Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi."

Tấm cửa sổ chắn bụi, chắn mưa gió bão bùng nay đã không còn, bụi mù được dịp cuốn lốc hết vào phủ thành một đan dày trên mái tóc rối của các anh chiến sĩ không màng muộn phiền. Mái tóc đen hơi ngả màu nắng ngày nào giờ đây đã biến hóa tài tình thành những cọng bạc trắng như người già. Ấy thế mà, bụi bay ấy thì làm gì có nỗi gì đáng lo ngại với họ. Với những người lính trẻ, đó chỉ là một chuyện cỏn con mang lại tiếng cười hóm hỉnh trêu chọc lẫn nhau và từ đó, khói thuốc lại vô tư lự phì phèo nhả ra thành từng vòng trong không khí. Khi bầu trời kéo về mảng đen kịt, giăng những đám mây xám và đổ mưa xối xả xuống, từng sợi mưa đua mình với ngọn gió tha hồ bay lượn đùa nghịch trong từng lọn tóc người chiến sĩ, thấm đẫm xuống vai áo. Cái lạnh lẽo, buốt giá thấm đẫm vào da thịt vẫn không làm sờn đi lòng kiên gan bền bỉ của họ. Với tâm thế thản nhiên, gạt bỏ đi những hạt mưa mong manh, họ tiếp tục vững tay lái trên đoạn đường dài còn nhiều trắc trở phía trước.

"Những chiếc xe từ trong bom rơi

Ðã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm."

      Khổ thơ thứ tư như một lời điểm danh tập hợp "những chiếc xe từ trong bom rơi". Giọng điệu sao lại bình thản, điềm nhiên đến thế. Phải chăng những chiếc xe chịu thương chịu khó, đồng hành cũng chiến sĩ trong suốt thời kỳ tranh đấu gian khổ đã được tôi luyện rất nhiều. Nhưng thực chất, những chiếc xe hiên ngang ấy cũng là tượng trưng cho lớp người trẻ quả cảm ngồi phía trong. Họ di chuyển, hứng chịu những cơn mưa bom đạn đã quen thuộc để rồi có thể có mặt, tập trung lại cùng nhau an toàn, vững tâm để vẽ nên niềm vui ở khóe môi. Cái bắt tay thông qua ô cửa trống tựa lời động viên, an ủi, chúc mừng lẫn nhau, tràn đầy cảm thông và thấu hiểu. Tình cảm anh em đồng chí gắn bó mật thiết như gia đình đã được thể hiện qua khổ thơ thứ năm. Dẫu có nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, thẳng thắn vượt qua nhiều mối hiểm nguy, đâu đó giữa trái tim của các người lính vẫn còn điều linh thiêng gọi là tình đoàn kết. Họ yêu thương, quan tâm nhau, xem nhau như một gia đình vẫn luôn là trên hết – đó là nguồn động lực to lớn để ánh nhìn chắc chắn luôn luôn hướng đến một tương lai sáng chói, rạng rỡ hơn. Trong thời đại gian khổ khi ấy, con người có sự cơ động nhất định và tất nhiên cũng tồn tại một niềm vui ở đáy mắt và hạnh phúc vĩnh cửa trên đôi môi tươi tắn.

"Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim."

      Lại đi lại đi, chiếc xe dần trở về trong điêu tàn, trong thảm thương. Xe không kính nay đã mất đèn, không có mui xe nhưng thùng xe lại chi chít những vết xước. Chiếc xe thuở ấy đã đương đầu, đã chống chọi với từng cú bom đạn giáng xuống để rồi đến một ngày, xe trần trụi mà ngang tàn rời khỏi hố tử thần nhưng vẫn hiên ngang trên con đường hành quân. Trong chiếc xe thiếu thốn đủ điều ấy chỉ cần có trái tim ấm nóng cùng nhịp đập thổn thức, dâng trào, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc thì tinh thần trong ấy vẫn mãi lạc quan và rắn rỏi chiến đấu trọn vẹn mỗi ngày còn sống sót. Bất chấp khó khăn nguy hiểm, những con người thời ấy anh hùng ngập tràn dũng khí với tư thế khí phách và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam dạt dào tình yêu nước đã lần lượt tiếp nối nhau vươn lên hiện thực, trùng trùng hùng hồn ra trận.

     Gam màu đậm nét hào sảng toát lên từ câu thơ mạnh mẽ mà tự nhiên, vô tư, thoải mái của Phạm Tiến Duật đã mang đến giá trị để khắc ghi, thương nhớ mãi cho những người thế hệ sau này. Những con người quả cảm không bao giờ quên trọng trách đang gánh trên vai song lại vô cùng lãng mạn, lạc quan để bước lên hiện thực khốc liệt. Tóm lại, ý nghĩa từ bản chất con người và thời đại hiện lên từ một tác phẩm văn học luôn mang đến cho ta những suy tư, nhận thức đúng đắn, hướng thiện. Ở tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", độc giả đã nhìn được một đoàn lính và thời kỳ cao đẹp, anh hùng vô cùng mỹ mãn. Sứ mệnh của nhà văn là viết nên những tác phẩm dâng lên giá trị tinh thần cho mọi người, gửi gắm những thông điệp quý báu qua từng lớp người, từng thời đại.

     Đó là "một thời đạn bom, một thời hào hùng" của dân tộc, là những người trẻ tuổi yêu nước bằng cả thớ da tấc thịt, yêu nước bằng dòng máu, bằng hết thảy hơi thở của mình. Chúng đã dần dà đi vào tâm trí của độc giả bằng lối thơ mới lạ, rất riêng của Phạm Tiến Duật qua tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính". Quả thực, "Tác phẩm văn học là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp."

Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro