Chuyện người con gái Nam Xương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề bài: Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng: "Thiên chức của nhà văn là đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người."

Em hiểu thế nào về "hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người" trong tác phẩm văn chương? Hãy phân tích một số truyện ngắn để làm sáng tỏ điều em

[Một số truyện ngắn ở đây, tớ phân tích chủ yếu là "Chuyện người con gái Nam Xương"; bên cạnh đó, vì là "một số" nên tớ phân tích thêm "Lão Hạc".]

Lưu ý:

- Bài viết hoàn toàn mang tính chất tham khảo.

- Nếu mà có gì đó khác với cách giảng dạy, hướng dẫn của giáo viên trường mọi người thì tốt nhất là làm theo ý của họ.

- Bài này là do lục lọi trong thư mục laptop nên mới phát hiện là mình từng mày mò, viết linh tinh ra. Viết lâu rồi ý nên có vẻ không ổn cho lắm nhưng mà công sức, nên thôi vẫn đăng. Thảm khảo nhé!

- Có thể tham khảo phần phân tích để làm đề bài "Phân tích tác phẩm CNCGNX" chứ không nhất thiết sử dụng toàn bộ ý của bài lý luận văn học này.

- Độ dài: 3407 chữ - tương đương 4 đôi giấy kiểm tra (giấy vở bình thường, dựa trên cỡ chữ vừa vừa của tớ).

Bài làm

   "Nhà văn của những biểu tượng" – Nguyễn Minh Châu là người dành cả đời thiết tha tìm đến những cốt lõi, giá trị đẹp đẽ và tìm cái "hồn" thật trong văn chương. Ông được biết đến với những tác phẩm đậm chất sử thi và được mệnh danh là "người mở đường tinh anh và tài năng" của triều đại văn học mới. Nhà văn họ Nguyễn này đã từng quan niệm rằng: "thiên chức của nhà văn là đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người". Tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ và "Lão Hạc" của Nam Cao đã cho ta cảm nhận được giá trị thẩm mỹ và nhận định nghệ thuật sâu sắc trong hành trình đi tìm những cảm xúc, những cái đẹp còn ẩn giấu trong cuộc sống bộn bề.

    Cuộc đời con người ngoài trải nghiệm học hỏi thì còn là một hành trình dài tìm đến cái đẹp, cái thuần khiết quý giá trong đời. Để truyền tải thông điệp, truyền cảm hứng và đồng bộ cảm xúc với mọi người đón nhận thì các nghệ sĩ đặc biệt cần có một trái tim giàu xúc cảm, đôi mắt tinh tường và ý tưởng sâu sắc để tìm ra cái đẹp còn nằm trong góc khuất mong mỏi sự khai phá "hạt ngọc" trong mỗi con người được ngợi ca chính là một loại đá quý giá, sáng trong, lấp lánh và nổi bật vô cùng. Hạt ngọc ấy biết tỏa sáng, thể hiện bản thân là một trang sức đắt giá và được mọi người yêu thích, nâng niu. Ngọc sáng lòa là thế, xinh đẹp là thế nhưng trong nhận định của Nguyễn Minh Châu, đó chỉ là một "hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người" mà thôi. Thứ quí báu ấy kín đáo, không bao giờ để lộ mình ra ngoài mà chỉ nấp sâu trong tâm tư, tình cảm của đời sống nội tâm của con người. Ngọc dù chói lóa, sáng rực rỡ tự nhiên nhưng đơn thuần chỉ khuất lấp, trú ngụ kỳ bí. Thế nhưng, hạt ngọc không chỉ là chịu thiệt thòi ẩn mình suốt đời như thế, ngọc che đậy bản thân bởi đó là nhân cách, là vẻ đẹp phẩm chất đạo đức, là tâm hồn sâu sa, là tình cảm rung động ẩn kín nơi mỗi con người. "Hạt ngọc" giờ đây đã mang trọng trách vĩ đại vô cùng. Dù chỉ ẩn khuất phía sau nhưng giá trị vẫn không hề thay đổi. Hạt ngọc ấy thắp sáng, tỏa rực rỡ những ánh hào quang của tâm tư, nghĩ suy và cảm xúc thật bên trong tâm hồn mỗi cá thể. Và vẻ đẹp nhân cách ấy không thể nhìn thấu được với con mắt hời hợt, thoáng qua. Bên trong âm thầm lặng lẽ ấy, chỉ có cảm nhận, phải tìm hiểu chuyên sâu thì mới có thể thấu được phần nào vẻ tỏa sáng xinh đẹp của "hạt ngọc" nhân phẩm đang ngày một được phát triển ấy. Và những nhà văn chính là tay bút điêu luyện có trái tim trắc ẩn, nhiều điều đồng cảm để có thể bắt đầu cuộc hành trình văn chương khám phá và phát hiện cái đẹp ở những nơi không ai ngờ đến để khẳng định được giá trị tác phẩm và quan trọng nhất là giá trị thực sự của một con người.

    "Hạt ngọc ẩn giấu" trong cái bóng âm thầm câm nín của Vũ Nương đã được nhà văn Nguyễn Dữ khắc họa tài tình. Bản thiên cổ kỳ bút ấy của ông được mài giũa trên trang giấy để trở thành một câu chuyện xúc động kể về người phụ nữ Vũ Thị Thiết. Nàng là một nhân vật đức hạnh, khao khát một cuốc sống hạnh phúc nhưng vẫn phải chịu những cảnh ngộ oan khuất, số phận bất hạnh, hẩm hiu của xã hội xưa đưa đẩy. Dưới ngòi bút ghi chép tâm huyết, tài tình của Nguyễn Dữ, ông đã vẽ lên hình ảnh người phụ nữ dưới thời phong kiến chịu nhiều khổ cực, nghiệt ngã dù có phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Vũ Nương vốn dĩ là người con gái dịu hiền, thùy mị, nết na cùng nhan sắc xinh đẹp vô cùng. Khi được sum vầy gắn bó một nhà với Trương Sinh, dung hạnh của Vũ Nương càng được bộc lộ diễn tả rõ ràng. Nàng là một người vợ hiền, dâu thảo và là người phụ nữ thủy chung, son sắt, hết mực yêu thương con nhỏ. Trong đời sống hôn nhân, nàng luôn giữ gìn khuôn phép, là người có phép tắc để các cuộc thất hòa giữa vợ chồng không bao giờ xảy ra. Đất nước có biến động, Trương Sinh phải lên đường khi chưa ở bên nàng vợ được bao lâu. Giữa giây phút chia ly, Vũ Nương đã kịp nhỏ nhẹ, ngọt ngào tiễn chồng nhưng không dám nghĩ đến chuyện "được ấn phong hầu" hay "mặc áo gấm". Và điều nàng mong mỏi nhất khi tạm thời chia xa mối tình chỉ là "ngày về mang theo được hai chữ bình yên". Vũ Nương nói lên những nỗi nhung nhớ khắc khoải của lòng mình giúp người đọc nhận thấy một Vũ Nương hiền dịu chẳng màng đến danh lợi và một Vũ Nương chỉ biết ngấn lệ mong mỏi ngày chồng về với trái tim trọn vẹn tình yêu cùng nỗi buồn nhớ tha thiết.

    Năm tháng trôi qua cùng cậu con trai bé nhỏ đang dần lớn khôn trong vòng tay mẹ và bà nội nhưng chẳng có bố. Ngước mắt ngắm "bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi" thì trong lòng Vũ Nương lại dấy lên "nỗi buồn góc bể chân trời" không thể nguôi ngoai. Theo nhịp sống chảy trôi hàng ngày, Vũ Nương vẫn là một cô con dâu hiếu thảo, hiền lành bên người mẹ chồng đang dần ốm nặng. Nàng không những dành "lời ngọt ngào khôn khéo" khuyên bảo động viên tha thiết mà còn "thuốc thang lễ bái thần phật" đủ đầy để giúp đỡ cho bệnh tình của mẹ chồng thêm êm đẹp. Tuy nhiên, bà không thể cầm cự nữa. Khi ấy, dù Trương Sinh chưa trở về nhưng Vũ Nương đã được mẹ chồng cầu "ban cho phúc đức, con cháu đông đàn". Bởi, trong mắt bà, nàng quả thực là một người phụ nữ hiếu hạnh, thanh lịch và tốt bụng. Trước cảnh "nước hết chuông rền đầy thương xót", nàng liền "lo liệu ma chay tế lễ như đã với cha mẹ đẻ của mình". Trong xã hội xưa, mẹ chồng tìm nàng dâu cho con trai mình sở dĩ là để sinh hạ đứa cháu nối dõi tông đường. Có thể nhận thấy rằng mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu không phải lúc nào cũng tốt đẹp, không dễ dàng hòa thuận. Ấy thế mà, dưới cách "tô vẽ" điêu luyện của Nguyễn Dữ, độc giả có thể nhận ra được tình cảm giữa nhân vật Vũ Nương và mẹ của Trương Sinh hoàn toàn hòa hợp. Vũ Nương không những hết lòng săn sóc, lo toan cho mẹ chồng mà bà cũng hết mực đánh bóng lên nhân phẩm tuyệt mĩ của nàng. Vũ Nương là cái đẹp được nhà văn khắc lên trang viết và nâng hình ảnh đẹp đẽ ấy lên một giá trị thẩm mỹ để người đọc cảm nhận được tâm hồn trong trẻo và lòng nhân ái của nàng.

    Người phụ nữ có nhan sắc cùng tấm lòng thật thà mộc mạc ấy chỉ có mỗi hình bóng của người chồng đang trên đường chinh chiến. Ấy thế mà, nàng lại có một số phận nhạt nhòa hoàn toàn bị chìm lấp trong xã hội phong kiến tàn nhẫn xưa. Bi kịch đã xảy ra khi chàng Trương trở về sau chiến tranh. Với bản chất của một gã vô học, cộc cằn và đa nghi, Trương Sinh vô tình nghe theo lời kể ngây ngô của cậu con nhỏ. Đó chính là ngọn gió dập tắt mối tình nhấp nhem của đôi vợ chồng trẻ là móng vuốt sắc nhọn "lướt qua" để lại vết thương đau đớn cõi lòng nàng Vũ Nương. Nghi ngờ nàng vợ không chung thủy đã đẩy Vũ Nương vào sự nghiệt ngã, éo le của số phận oan ức. Để rồi, chúng ta có thể thấy được một con người đầy lòng tự trọng biết kiên trì đấu tranh để bảo vệ danh dự trong sạch của mình. Trước lời mắng nhiếc tàn nhẫn, trước đôi mắt rực lửa tràn đầy sự thiếu tin tưởng của Trương Sinh, nàng Vũ Nương đã có một chuỗi hành động đấu tranh, dám nói, dám bảo vệ nhân phẩm của mình. Nàng xin chồng cho mình được minh oan: "cách biệt ba năm giữ gìn một tiết.. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp". Nàng tìm sự ủng hộ những người hàng xóm để có được tiếng nói bênh vực khách quan. Nàng ứa lệ, lấy cả nỗi niềm thân phận "thiếp vốn con kẻ khó, về làm dâu nhà nghèo" và bày tỏ những nỗi thất vọng khi tình nghĩa vợ chồng nay đã rạn nứt đến tan vỡ. Không cắn răng chịu đựng tủi nhục mà giữ nỗi oan khổ trong lòng như Thị Kính trong "Quan âm Thị Kính". Vũ Nương dự cảm chia lìa nơi nước thẳm khi đã cố gắng giải thích nhưng chồng vẫn một m   ực không tin tưởng. Ngay cả hành động "tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngước cổ lên trời mà than" cũng diễn ra trong đớn đau tột cùng khi suy nghĩ đã chín trong bão giông lặng lẽ . Vũ Nương chọn cái chết gieo mình nơi dòng sông lạnh lẽo là hành động đấu tranh cuối cùng để bảo vệ nhân cách trong sạch khi đã bị dồn vào bước đường cùng.

   Báu vật ngọc ngà sáng ngời ẩn giấu bên trong vẻ ngoài của Vũ Nương chính là một bề sâu tâm hồn, là vẻ đẹp nhân cách và tình cảm. Nguyễn Dữ là một nhà cầm bút chuyên nghiệp có trái tim đầy trắc ẩn và ông có một cái nhìn tinh tường đã khám phá ra cái đẹp nấp mình trong thân phận âm thầm như cái bóng kia để trân trọng, đồng cảm và ngợi ca. Nhân vật Vũ Nương được nhà văn tài ba đẩy vào các tình huống và mối quan hệ đời thường trong gia đình để tô đậm hình ảnh đặc biệt của người phụ nữ hiền thục nhưng vẫn nhận được một số phận thê lương, đành sống một cuộc đời như tro tàn hòa vào cát bụi, như bọt biển hòa vào dòng nước xanh thẳm. Dù nàng Vũ sống một cuộc đời trần gian ngắn ngủi, trải qua một cuộc hôn nhân cũng thật chớp nhoáng nhưng cũng để ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của một người vợ nhân hậu, nghĩa tình thủy chung, người mẹ thương yêu con và một nàng dâu hiếu hạnh biết kính trọng, hết lòng phụng dưỡng như cha mẹ ruột.

    Nét đẹp nhân cách ấy không chỉ bộc lộ khi nàng sống nơi trần gian mà còn khi Vũ Nương sống đời tiên nữ. Cuộc hôn nhân ngày ấy không thể nào níu kéo hay cứu vãn được, những lời ngửa mặt lên trời than khi ấy tựa như lời cầu xin minh chứng cho nỗi oan khuất và sự trong sạch, thủy chung son sắt hoàn toàn của cuộc đời bi ai này. Nàng Vũ Nương bị đẩy dồn ép đến bước đường cùng, chìm đắm trong tuyệt vọng và đắng cay. Dù ôm một mối hận bị chồng ruồng rẫy nhưng nghe nhắc đến "tiên nhân" là nàng lập tức không thể kìm lòng mà "ứa nước mắt" xót thương. Giọt nước mắt ấy có lẽ đã hóa giải hết những giận hờn. Cho đến cơ hội cuối cùng, Vũ Nương quyết định nhờ vào Phan để có thể gặp lại chồng lần cuối. Nàng lúc ẩn lúc hiện, bóng nàng rực rỡ loang loáng mờ nhạt trước mắt Trương Sinh cũng là lúc Vũ Nương tha lỗi cho chàng và ngỏ lời trân trọng tình nghĩa khi cả hai vẫn còn nên duyên vợ chồng. Tuy vậy, nàng "chẳng thể trở về nhân gian được nữa " là vì thề hẹn với đức Linh Phi sẽ mãi ở lại chốn thần tiên kì ảo kia. Nàng Vũ Nương ấy đầy bao dung, vị tha giàu tình yêu thương , nhân hậu và trọng nghĩa, trọng lời hẹn ước. Giữa xã hội bất công đầy dung túng bị che khuất, nhà văn Nguyễn Dữ đã hết sức tinh tế, có một tâm hồn sâu sắc để khám phá ra "hạt ngọc ẩn trong bề sâu tâm hồn" trong những mảnh đời cơ cực kém may mắn. Vũ Nương quả là một người phụ nữ đẹp về nhân cách truyền thống ẩn sâu bên trong cái bóng âm thầm, lặng thinh của nàng.

    Nam Cao – nhà văn hiện thực xuất sắc đã gắn liền với những tác phẩm cảnh nghèo đói xưa và người dân ở thời phong kiến. Thế nhưng, dù là ở cảnh ngộ éo le nào, ông cũng sáng suốt tìm ra cái hay, cái đẹp, cái đặc biệt trong xã hội, con người để khắc họa thành câu chữ trên mặt giấy. Những phẩm chất tốt đẹp ấy thể hiện qua cả nhân vật Lão Hạc nghèo khổ và Ông giáo tốt bụng trong truyện ngắn "Lão Hạc" nổi tiếng của Nam Cao. Nhân vật chính là Lão Hạc – một ông lão sống cảnh xa con trai, nghèo đói, bất hạnh nhưng vẫn lương thiện và mang những phẩm chất cao quý, ngọc ngà. Vợ Lão mất sớm, con trai đi làm xa ở đồn điền cao su và lão ở nhà chỉ có mỗi con chó vàng bầu bạn. Bao lần nhớ con, sống cảnh buồn tủi, đói khổ một mình, lão sinh bệnh rồi số tiền tích góp bao lâu nay lại cạn dần. Đã già, đã ốm yếu nhưng Lão Hạc vẫn không muốn tiêu hao một đồng tiền nào cho bản thân mình. Lão chỉ muốn để lại mảnh vườn và một ít tiền cho con trai sau này. Vì vậy Lão quyết định bán và chia xa người bạn tri kỷ gắn bó mật thiết bao lâu qua. Lão hạc đau lòng lắm, cảm thấy tội lỗi, dằn vặt nhiều lắm vì đã lừa "người bạn thân" ấy của mình: "Lão cười như mếu và đôi mắt Lão ầng ậc nước, mặt lão đột nhiên co rúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra". Những suy tính cho tương lai của Lão cũng thật đơn giản, thật thà và cũng có thể nhận thấy rằng, Lão Hạc chẳng hề màng đến thân già ốm yếu ấy nữa, chỉ lo lắng cho mọi người thôi. Cho đến cuối cùng, để giữ được bản chất trong sạch, lương thiện và để giải thoát, Lão Hạc đã tìm đến cái chết trong đau đớn, bi thảm. Cái chết thê lương trong bế tắc cuộc sống, dồn nén áp lực xã hội xưa ấy đã khép lại câu chuyện và hình dung được trong trí óc độc giả chính là nhân phẩm quí giá của Lão. Lão Hạc chính là một điển hình cho "hạt ngọc" quí giá, rực rỡ, sáng chói thể hiện trong tâm hồn, cảm xúc của mỗi con người. Cảm xúc của lão chính là cảm xúc chất phác, chân thật, thật thà của người nông dân và ý nghĩ chỉ lo lắng cho người khác, quan tâm lương thiện với mọi người.

    Nhân vật ông giáo trong "Lão Hạc" là một người tri thức nghèo vì bao ước mơ tuổi trẻ đang dần phai nhạt bởi nạn thất nghiệp. Kể cả những cuốn sách yêu quí vô cùng cũng phải bán đi để chữa bệnh cho con. Vì có hoàn cảnh nghèo cùng một vùng quê, ông giáo vô cùng đồng cảm và thường xuyên dành thời gian trò chuyện tâm sự cùng Lão Hạc. Ông thông cảm, sáng suốt mở trí óc để an ủi, động viên người cùng cảnh ngộ thay vì ruồng bỏ, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Dù bị vợ can ngăn, khuyên nhủ nhưng ông giáo vẫn một mực muốn giúp đỡ Lão Hạc phần nào và có nhận xét rằng: "Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi..toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương". Đúng vậy, điều đó cũng tương tự với "hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn". Với con mắt thoáng lướt qua, hời hợt và vô tâm thì chúng ta không thể nào thấu hiểu được bản chất con người của họ. Ông giáo và Lão Hạc cũng vậy. Cả hai đều là những người đại diện cho tầng lướp nghèo nàn lạc hậu nhưng vẫn giữ nguyên được tấm lòng thật thà, bao dung, biết cách đối nhân xử thế. Và đối với hình ảnh và tâm hồn của Lão Hạc, nếu ta nhìn theo góc độ hờ hững như vợ ông giáo thì ta sẽ chẳng đồng cảm được với lão.Thế nhưng, nếu nhìn theo góc độ rộng mở, sâu sắc như ông giáo thì phẩm chât đạo đức của Lão Hạc ắt hẳn ta sẽ hiểu rõ.

    Qua hai tác phẩm, ta có thể nhận thấy rằng việc thấu hiểu với nhân vật và sự cảm thông giữa các nhân vật với nhau là rất quan trọng. Nhờ vậy, "hạt ngọc tiềm ẩn" mới có thể phát sáng một cách tốt nhất bên trong chiều sâu tâm hồn. Những nhà văn điêu luyện và các nghệ sĩ tài ba cần tạo ra được những tình huống về nhân đạo, tấm lòng con người cũng như khắc họa linh hoạt, hấp dẫn. Để làm được điều đó, họ cần có tâm hồn nhạy bén, nhạy cảm và trái tim đủ sâu sắc, tinh tế để có thể phát huy khả năng tìm tòi, khám phá ra điều mới, điều đẹp và đặc biệt là chiều sâu tâm hồn. Trong những mảnh đời vất vả, cơ cực, bi ai thuở xa xưa ấy vẫn còn hiện hữu những tấm gương sáng với viên ngọc quí ẩn giấu kỹ càng trong tâm hồn đã bị cuộc đời che khuất. Nhà văn như một họa sĩ khi tô vẽ lên ấn tượng tính cách, màu sắc cá tính của mỗi nhân vật. Nhà văn cũng như một điêu khắc gia tài hoa tạc lên những bức chân dung vẻ ngoài và hoạt động của nhân vật thật sống động, linh hoạt về tâm hồn con người được thể hiện hấp dẫn qua nhiều hình thức nghệ thuật độc đáo tạo nên nét riêng, phong cách riêng. Từ đó mới có thể hình thành lên giá trị tuyệt vời cho tác phẩm riêng biệt của các nhà văn.

   Tựa một "nghệ nhân kim hoàn" trong nghề cầm bút, cả Nguyễn Dữ và Nam Cao đã thành công trong việc thổi hồn, mài giũa nên từng nét truyện độc đáo đi ra từ cảm hứng từ nhân phẩm con người. Hai tác giả đã xây dựng nhân vật riêng với số phận bi thương và cuộc đời tăm tối nhưng không mất đi phẩm chất của mình. Từ đó, các tác phẩm qua đôi bàn tay vàng của các tác giả, chúng đã trở thành một viên ngọc tỏa sáng rực rỡ vô cùng. Như nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nhận định, quả đúng là: "Thiên chức của nhà văn là đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người".    






Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro