Phần ba: Tặng Mẹ Những Ngày Tháng An Nhàn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Phần ba: Tặng Mẹ Những Ngày Tháng An Nhàn

🌷🌷🌷

(Phần ba)

Mùa xuân năm nay cuối cùng cũng đã đến. Ánh nắng vàng ươm phủ kín những mái nhà còn đọng sương mai, hệt như đang rắc lên trên đó từng lớp phấn phủ lóng lánh.

Nhiên ló đầu ra cửa, hí hửng cười trộm như một chú mèo nhỏ. Chẳng là, đêm qua nó đã phát hiện ra một bí mật - bí mật ấy quá đỗi khiến nó kinh ngạc. Có biết không, mẹ của nó... đang có người theo đuổi!

Nó vui vẻ xoay vai, lắc hông, vừa tập một bài thể dục nhẹ nhàng, vừa nhớ lại từng chi tiết.

Như thường lệ, cứ cách dăm ba ngày, nó sẽ lại quen thói, quen nết đem tiền bán ve chai lén bỏ vào túi mẹ. Bình thường mẹ nó cột tiền cẩn thận lắm ấy, gói gọn lại trong một tờ giấy trắng, bọc ngoài bằng hai lớp túi ni lông, chính giữa dùng sợi dây chun buộc thật chặt. Thế nhưng để dễ dàng cho việc đi chợ, cơm nước, tối nào sau khi sắp xếp lại số tiền thu được của cả ngày, mẹ nó luôn để dư ra một khoản, đặt ngay ngắn trong túi áo dài.

Nó chỉ cần nhìn qua là biết mẹ nó đã sắp xong tiền hay chưa. Nếu mà chưa, thì nó mới dám cho tiền riêng của nó lẫn vào trong đó. Chỉ là hôm qua lúc nó thò nhẹ tay vào, hóa ra khoang túi không hề trống không như nó vẫn tưởng. Mà như có một vật cứng nào đó, mong mỏng, cào nhẹ lên tay nó.

Nó ngẩn ngơ kéo "vật lạ" kia lên xem. Thì ra đó là chân dung của một người đàn ông, trông cứ như được cắt ra từ ảnh chụp tập thể nó vẫn hay thấy ở hiệu ảnh ngoài thị trấn. Ôi chà, ai đây nhỉ?

Người đàn ông ấy tư thế đứng rất thẳng, đôi lông mày rậm màu như vẽ, mái tóc hơi rối, tay trái đang duỗi ra khoác vai một người nào khác. Tổng thể mà nói, nhìn "chú" này cũng rất có cảm tình, có vẻ đứng đắn, lại... còn khá trẻ.

Nó suy tư hồi lâu, không biết vì sao trong túi mẹ nó lại có ảnh của chú ấy, hơn nữa, nó còn chưa được gặp qua bao giờ. Nó lật thử mặt sau lên xem, chỉ có hai hàng chữ nhỏ, đã thiếu đi một nửa:

"Kỷ niệm ngày...
Cùng nhau đi đến..."

Tối nghĩa quá chừng! Nó xem mà chẳng hiểu gì cả. Thế nhưng nó có thể chắc chắn rằng đây nào phải bà con của mẹ. Từ trước tới nay chỉ có mẹ con nó nương tựa lẫn nhau, ông ngoại nó đã mất từ trong chiến tranh, rồi bà nó cũng nằm xuống cách đó không lâu.

Nó thử tìm tiếp trong túi áo còn lại, lần này rõ ràng hơn, là một lá thư tay. Nó ngó nghiêng nhìn cửa ra vào, nhẩm tính thời gian mẹ đi từ ngoài về, rồi mới nhè nhẹ mở ra nhìn thử. Đọc được một nửa thì nó cuống cuồng gập bức thư lại, hoàn trả về chỗ cũ cho mẹ nó. Một giọt mồ hôi rơi xuống tóc mai, mắt nó khẽ cong lên, hai cầu vai cứ nâng lên, lại hạ xuống, hít lấy hít để. Ai mà không biết còn tưởng rằng nó vừa mới được lì xì hai, ba chục ngàn không chừng.

Thì ra là thế, nó le lưỡi. Đó giờ lần đầu tiên nó mới được đọc thư tình, vừa xấu hổ, vừa vui mừng! Vui vì mẹ nó đã bắt đầu bước vào một chuyện tình cảm mới, sẽ không còn cô đơn nữa rồi. Nó vu vơ nghĩ, nhìn nét chữ cứng cáp thế này, cộng thêm nhân xưng là "anh", rồi lại kết hợp với tấm ảnh nọ - chẳng phải của "chú" ấy thì còn của ai nữa!

Với nó mà nói, nó chẳng quá mong chờ ở một người ba dượng, nhưng nếu, lỡ như... có ba - thì càng tốt. Hơn cả thế, nó vẫn hi vọng được thấy mẹ cười nhiều hơn. Trong xóm nó cũng có không ít cặp vợ chồng, hoặc có con cái, hoặc không. Nhưng để coi như ấm êm, thì cũng nên có một người đàn ông - một người chồng, một người cha, đúng không?

Hai chữ gia đình vẫn luôn là từ ngữ mẫn cảm với nó. Gia đình thì sẽ có thật nhiều tiếng cười, gia đình thì bố sẽ lo lắng cho mẹ, và mẹ thì chăm sóc cho hai bố con.

Mẹ và nó cũng được gọi là "gia đình", nhưng đôi khi nó sẽ nhận ra được sự cô quạnh trong đôi mắt mẹ khi thấy cô hàng xóm nũng nịu gọi tên chồng, thấy mẹ lặng lẽ thở dài khi mẹ - con cùng nhau đổ bệnh. Dù cho mẹ có cố khoác lên mình cái vẻ ngoài chua cay, dè bỉu thiên hạ, thì những khi đêm về, nghe tiếng cãi vã từ ô cửa sổ nhà bên, một vài tiếng nhạc của khúc "ba ngọn nến lung linh" bi bô trong miệng lũ trẻ,... cũng đã đủ làm mẹ lặng thinh. Chứ đừng nói chi là lúc mà mẹ nghe được những âm điệu đầm ấm, vui vầy.

Còn nó thì lạc lõng trong vòng chơi của tụi trẻ, thi thoảng cái đứa hay đánh nhau nhất trong số đó lại khoe rằng bố nó vừa ghé về mua cho nó một bộ đồ chơi mới, hay cái lần một đứa nhóc khác kể rằng bố nó có thể nâng nó lên bằng một tay, nó đều cảm thấy xanh xám mặt mày. Nó... chẳng có ai để so sánh như thế cả, và cũng chẳng hề có một cụm từ nào đủ sức để liên kết tiếng "bố" với nó cả. Thế nên cho dù nó có cố gắng đỡ đần cho mẹ, cho dù mẹ có hết mực lo toan cho nó, thì mẹ con nó, vẫn là một "gia đình" ở lưng chừng. Lưng chừng của hạnh phúc và tròn vẹn.

Nó không biết chú ấy là ai, nhưng nó mong rằng trước khi nó đủ cao lớn để che chở lại cho mẹ nó, sẽ có một bờ vai dày rộng hơn để mẹ nó dựa vào mỗi khi yếu lòng. Vậy là tốt rồi.

Mẹ của nó tên là Hồ Hoàng Lan, mẹ mang tên của loài hoa tuyệt đẹp. Cho dù sinh ra trong rừng sâu tăm tối, thì loài hoa ấy vẫn mạnh mẽ vươn mình hướng về bầu trời, vẫn tự hào tỏa ra cho đời mùi thơm ngọt ngào. Bề ngoài của mẹ không rạng rỡ được như một đóa hoa, da mẹ nó hơi sạm màu, bờ môi tái nhợt, chiếc mũi nhỏ, trên khuôn mặt là những dấu vết của thời gian đường mờ, đường tỏ. Chỉ có đôi mắt mẹ luôn rất sáng, tròn trịa, hơi ươn ướt, và hàng lông mày thì đen nhánh, chẳng cần phải tô vẽ thêm gì cả. Tay của mẹ cũng khô ráp, quanh năm không có lấy một giờ phút ngơi nghỉ, bảo dưỡng. Thế nhưng nó rất thích nắm lấy bàn tay mẹ, hay đặt lên má, lên mũi mà hít vào hương thơm từ lòng bàn tay mẹ. Đó là vị của thuốc giặt, của đất cát, hơi gay nồng của nắng gió, và của cả những món hàng được mẹ cầm nắm qua.

Thật kỳ lạ là suốt chừng ấy năm mẹ chỉ có mình nó. Có lẽ do nhà nó quá nghèo, có lẽ vì từ nhỏ nó đã luôn ốm yếu, hoặc có lẽ vì mẹ của nó vốn không yêu thích những đứa trẻ lắm - kể cả nó. Tuy nhiên khi nó nghĩ về thời điểm mà nó được sinh ra, lúc ấy, mẹ hình như đã hai mươi ba. Ở nông thôn như vậy là rất muộn. Mẹ và bà ngoại cùng chăm sóc nó, thế rồi năm nó lên tám, bà rời mẹ con nó đến một chân trời khác. Nó tự hỏi, liệu như, ở thời điểm khốn khó đó có bóng dáng của bố nó, thì mẹ có đến nỗi vất vả như vậy hay không?

Nó không thể làm gì khác hơn là học theo người lớn, thở ra một hơi dài buồn tủi. Mẹ nó chịu đựng bao nhiêu năm, nay có thể tìm được một bến đỗ mới, thì nó cũng phần nào nhẹ lòng. Thế là nó bỗng dâng lên một quyết tâm mãnh liệt hơn bao giờ hết: nó phải giúp mẹ một tay!

Nhiên nhẹ nhàng khép cánh cửa lại, thong thả bước ra ngoài đón lấy gió trời. Những tia nắng dịu ngoan chạm vào mái đầu nó, tản ra những lọn tóc vàng như màu mật ong. Lại một ngày mới bình yên trên khu xóm nhỏ. Hôm nay nó không định đi nhặt phế liệu khắp nơi, nó muốn "đánh tiếng" giúp mẹ. Tối hôm qua ngoài lá thư tay, nó còn tìm được phong bì trong túi mẹ, bên trên có một dòng địa chỉ. Ý định của nó rất đơn giản, nó sẽ tới gặp người đàn ông ấy, làm quen một chút, nếu như nó thấy được, thì giúp chú biết thêm sở thích, thói quen của mẹ chẳng phải sẽ giúp ích được ít nhiều hay sao?

Địa chỉ rõ ràng ở trong nội thị thị trấn, con phố này nó quen thuộc vô cùng. Trên đường nó vừa đi vừa ngâm nga hát, gương mặt nó nhỏ nhắn mà sinh động, lại vui cười mấp máy miệng, ai nhìn cũng thấy thích. Nó tựa như một viên cảnh vệ của trấn, mỗi ngày đi tuần tra khắp ngõ lớn, ngõ nhỏ - quan sát cuộc sống của dân chúng. Khác một cái, là cảnh vệ người ta cao lớn, còn nó, thì lùn tủn.

Xa xa phía trước là khu dân cư nó muốn tìm, số nhà phân ra chẵn, lẻ rõ ràng, chứ cứ như xóm nhà nó thì thậm chí còn chẳng lần ra số nữa cơ.

Số 23.

Một căn nhà khang trang, sân trước rất rộng, ngoài cổng sắt là hàng rào quấn xanh ngát những sợi mây, trông rất có sức sống. Nó thập thò đứng ở cửa, không biết có nên gọi một tiếng hay không. Nó khá nhát, nhưng vì mẹ, nó nhất định phải thử trò chuyện với chú ấy một lần.

Chẳng bao lâu sau, chợt có một người phụ nữ đi ra ngoài, tay cầm một cây chổi đót, xem bộ dáng là chuẩn bị dọn dẹp. Nó nín thở gọi một tiếng:

"Cô ơi!"

"Ai ở ngoài đấy?"

Cô cùng lúc bước ra cổng, mới nhìn rõ được hình dáng của nó. Nó dè dặt hỏi:

"Cô ơi, có chú Thường ở nhà không ạ?"

"Ai cơ?"

"Chú Vĩnh Thường ạ."

"Oắt con! Mày ở đâu tới đây?"

Đột nhiên cô quát lên một tiếng, hùng hổ cầm cây chổi chỉ về nó. Khiến nó cũng chỉ biết sững người lại.

"Là, chú ấy là bạn mẹ cháu ạ."

Nó lắp bắp hỏi lại.

"Đây không phải nhà chú Thường ạ?"

Lần này thì cô hất thẳng cái chổi nghe một tiếng giòn vang trên nền gạch, chống nạnh hai tay, hét lên:

"Mày nghe ai nói mà tìm tới đây hả! Nhãi con đừng tưởng tao không dám đánh mày, hỗn láo như thế là không được đâu!"

"Nhưng là... Nhưng là..."

Nó không biết phải giải thích sao nữa.

"Cút! Tên chồng tao không phải để chúng mày lấy ra làm trò như vậy! Đi mau! Đừng để tao thấy mày. Đồ mất dạy!"

Nó đờ đẫn.

Chồng? Của cô ấy?

Vậy mẹ thì sao đây?

Nó từng nghe đến cụm từ "ngoại tình", nhưng mà theo như những lời mà mọi người nói, thì đó là một từ rất rất xấu. Gia đình nào cũng dễ dàng đứng trên bờ đổ vỡ chỉ vì một trong hai người: ngoại tình.

Nó còn nghe thấy nhà hàng xóm kể những câu chuyện "đi bắt chồng" đáng sợ thế nào, rồi về cảnh "cô bồ nhí" bị đánh đập tàn bạo ra sao...

Nó lùi về một bước, đưa mắt nhìn lên trời. Nếu như mẹ nó vì thế mà bị người ta đánh thì phải làm sao đây? Nhưng là... Đã lâu lắm rồi nó không thấy mẹ nở nụ cười. Vì sao mẹ không thể có một người đàn ông tốt để yêu thương, mẹ của nó chẳng có điểm nào chê được mà.

Nó ủ rũ bước về nhà. Giờ nó chỉ hi vọng mẹ sẽ không thích chú ấy. Chỉ cần như vậy, thì chuyện gì cũng ổn cả. Nó phải hỏi mẹ lại một lần mới được!

Tối đó mẹ nó về khá sớm. Trên mâm cơm nhỏ đã có một món mặn, nồi cơm đã được xới tơi, canh trên bếp lò còn bắt đầu sôi ùng ục.

"Mẹ đã về!"

"Ừ."

Nó chạy nhào ra cửa, ôm lấy mẹ.

"Bỏ ra nào, cái thằng, lớn thế rồi mà!"

Mẹ vỗ lên ót nó.

Nó cười tủm tỉm.

"Mẹ rửa tay ăn cơm ạ, con nấu nốt canh là xong rồi."

Hai mẹ con cùng nhau ăn tối, thi thoảng nó nhìn lén mẹ, dạo này trông mẹ nó có vẻ gầy hơn một chút, tinh thần cũng không mấy sáng sủa.

Dọn xong bát đũa, nó ngồi nghiêm chỉnh trên giường, khẽ nói với mẹ:

"Mẹ, chú Thường là ai thế ạ?"

Mẹ đang quay lưng với nó, xếp lại những đồng tiền xanh đỏ, nghe một câu này tay mẹ bỗng dừng lại. Mẹ nó quay người qua, hơi nhíu mày:

"Ai kể cho mày?"

"Con..."

"Bà già kia nói gì với mày? Bà ta đến lúc nào?"

Giọng mẹ đanh lại khiến nó hết hồn. Người nó run lên, thì thào:

"Bà nào cơ ạ?"

Mẹ nó chẳng đáp chẳng rằng, chỉ nhìn vào mắt nó hồi lâu. Lại hỏi:

"Thế làm sao mà mày biết?"

Nó mím chặt môi, sau cùng chỉ đành gục đầu thú nhận:

"Con đọc trộm thư mẹ. Con xin lỗi mẹ!"

"Mày..."

Mẹ nó thở hổn hển.

"Con còn tìm đến địa chỉ trên thư. Nhưng hình như, hình như chú ấy... Có vợ rồi."

"Mẹ không thể bị chú ấy lừa!"

Nó dứt khoát nói thẳng ra điều khiến nó cả ngày nay quay cuồng.

Mẹ nó đã đủ khổ rồi, không thể vì vài lời ngon tiếng ngọt, mà lại rơi vào bể khổ lần nữa.

"Đấy không phải việc của mày!"

Mẹ cũng hét lên.

"Tao thừa biết điều ấy. Tao..."

Nó giật mình ngước lên nhìn, và ngay giây phút ấy, nó chỉ thấy lòng mình quặn lại.

Mẹ nó đang rơi nước mắt.

"Mẹ ơi, con sai rồi! Con sai rồi, sai rồi..."

Nó quỳ bằng hai chân, hớt hải òa vào lòng mẹ. Tay nó vội vàng ôm lấy mẹ, xoa lung tung khắp tấm lưng gầy guộc của mẹ, tưởng như làm như thế có thể khiến mẹ nó đắp dựng lại những mảnh vỡ kiên cường đã ầm ầm đổ xuống.

Đừng mà... Nó chẳng thà làm mình câm miệng cả đời.

Những hạt nước nóng hổi rơi xuống vai nó, thấm vào áo như một loại trừng phạt, lại càng như một loại đau đớn nói không nên lời. Nó không cản được mẹ thích ai, nhưng mà người đã có vợ thì... Chỉ điểm này thôi đã làm nó cương quyết lên nhiều lắm, nó nên ủng hộ mẹ cắt đứt với chú ấy. Thế nhưng, lúc này đây nó lại hối hận rồi.

"Con có biết, người ta là ai không?"

Giữa những tiếng nức nở nghẹn ngào, mẹ nó đứt quãng nói.

"Vĩnh Thường... Là tên bố của con."

Bố?

Tai nó như ù đi, mẹ vẫn thều thào tự nói:

"Vĩnh Thường là con cả, trong nhà còn hai em gái. Tốt nghiệp cấp ba xong đáng lý ra được lên làm văn thư trên huyện, thì đúng lúc chiến tranh lại nổ ra."

"Vĩnh Thường nhập ngũ hai năm, lên được đại đội trưởng, còn có tên trong danh sách Đảng viên dự bị."

"Thế rồi, chỉ một năm sau đó, chiến tranh biên giới tới hồi nảy lửa, trung đội Vĩnh Thường gặp phải địch tập kích."

"... Chết khi hai mươi tuổi."

Nói xong mẹ khóc càng lúc càng lớn, bàn tay hao gầy gắng gượng che bớt đi tiếng nghẹn càng khiến cho đôi vai mẹ run lên bần bật. Chưa khi nào nó thấy mẹ đau khổ đến thế.

Vĩnh Thường - hóa ra bố của nó đã đi cùng ông ngoại rồi.

Nó ôm mẹ thêm chặt. Chẳng hiểu sao áo mẹ lại ướt đẫm một mảng lớn, nó biết tên của bố rồi, lý ra phải vui mừng mới đúng. Từ nay có ai hỏi "Bố mày là ai?" nó đã có thể dõng dạc trả lời, "Bố tớ là Vĩnh Thường."

Thế nhưng...

Ngay khi mẹ khóc ngất đi trên vai nó, nó cũng méo miệng gào to.

Thế nhưng bố chưa thấy được mặt nó. Thế nhưng nó không còn được gặp bố nữa rồi!

"... Mẹ yêu ông ấy. Khi cùng là thanh niên xung phong, bọn mẹ thường cùng làm việc cho hợp tác xã."

"Có một lần cả hai uống say, thế rồi có con... Khi đó ông ấy đã có vợ rồi. Mẹ không muốn ông ấy hiểu lầm, sáng hôm sau rời đi từ sớm..."

"Bức thư kia, nếu con để ý thì địa chỉ ghi phía trên là ở mục Người Nhận. Là thư Vĩnh Thường gửi về từ tiền tuyến - cho vợ."

"Mẹ quen với đoàn giao liên, thư ấy là tự mẹ trộm về."

Mẹ...

"Dĩ Nhiên, con đừng hận mẹ. Đời này mẹ chỉ vì con để tiếp tục sống. Mẹ không thể để con về nhà bên ấy được."

"Dù cho mẹ nghèo, thì con cái, ở với mẹ ruột vẫn là tốt nhất."

"Con đừng hận mẹ, Nhiên à..."

Mẹ ơi...

Mười lăm năm đắng cay, sao con còn không hiểu được lòng mẹ. Mẹ ơi, dù thế nào con vĩnh viễn là con của mẹ. Nguyện đời này dâng cho mẹ một đời bình an, tặng mẹ những tháng ngày an nhàn.

Mẹ kính yêu của con!

...

Ở một góc chẳng ai hay, nửa kia của tấm ảnh cũ, bên cạnh người đàn ông chất phác diện một bộ đồ vải sáng màu, là cô gái với mái tóc đuôi sam thả trên vai, gương mặt rạng rỡ.

Từng nét bút rắn rỏi viết lên đó ký ức một thời đã phai màu,

"Kỷ niệm ngày cưới của chúng mình.
Cùng nhau đi đến bạc đầu em nhé."

Mèo Yêu

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro