Phần hai: Tặng Anh Một Miền Đất Bình Yên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Phần hai: Tặng Anh Một Miền Đất Bình Yên

🍭🍭🍭

Hôm nay bầu trời trong vắt, từng vạt nắng vàng tràn qua những kẽ trống nhỏ xinh dưới mỗi tán cây, phủ là tà xuống mặt đường. Nó xắn tay áo lên thật cao, vui thích nhảy nhót đến thăm "cái tổ" của nó. Giống như một chiếc kén tự nhiên, chiếc tổ được bện nên bởi những thân dây leo xanh mướt, ôm lấy từng tán lá xòe ra, trên cây đa cả trăm năm tuổi.

Bữa nay là ngày nó sửa sang lại thành quả của cả một tuần trời. Ngoại trừ những chồng báo, chồng sách mà nó vẫn cẩn thận nâng niu, thì những vật dụng khác - từ một chiếc săm xe đạp, một vài cuộn dây đồng, một ít băng cát-sét còn nguyên vẹn, đến một cái nắp vung nồi, một ống nước ngắn ngủn - nó đều dự định sẽ đem đi đổi lấy tiền về. Từ ngày bị ngã trước cửa nhà anh Phương, nó đã biết tác dụng của đài dự báo thời tiết trên ra-đi-ô, tối tối nó đều sẽ lắng nghe thật kỹ, để còn kịp chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Mà nói thì cũng thật kỳ lạ, buổi sáng hôm ấy trở về nhà, nó cứ thấp thỏm lo không biết mẹ có đánh nó không - dù thực sự cùng lắm mẹ chỉ lấy chiếc chổi nan khẽ vụt xuống bên chân nó - nó vẫn rất sợ hãi. Ấy thế mà, vừa đặt chân tới ngay đầu xóm, mẹ đã nhào vào lòng nó, bật khóc nức nở. Nó cuống quít không biết phải làm sao, chỉ đành khuỵu gối xuống ôm lại mẹ, vừa chậm rãi thử vỗ lưng cho mẹ, vừa mếu máo thưa, "Con xin lỗi! Con xin lỗi mẹ..."

Chao ôi, nó sợ mẹ nó khóc lắm, bờ vai mẹ rất nhỏ, nhưng nó đã quen coi đó là cả chân trời của nó, chẳng dễ dàng thay đổi được. Thế mà nó vừa đi cả đêm không về nhà, mẹ lại chỉ biết ôm lấy nó mà khóc. Anh Phương đứng bên cạnh cũng phải giải thích mãi, mẹ mới sụt sịt lau nước mắt, và nói cảm ơn anh. Tới khi nghe anh kể nhà anh ở tận phía bên trường tiểu học thị trấn, mẹ nó liền đứng phắt dậy, vỗ ba cái liền vào mông nó, hét lên, "Ôi trời ạ! Cho mày chừa cái tội ham chơi này! Chừa đi này!" Và rồi thì đến lượt nó khóc thảm thiết. Quả nhiên đòn roi nên tới thì vẫn sẽ tới, nó chỉ biết kêu trời mà thôi.

Chuyện đó với nó đã sớm nguôi ngoai rồi, dạo gần đây nó có một sở thích mới - đó là viết thư. Nó không có vở trắng, nên nó hay viết vào mặt sau của tờ lịch cũ, đến khi gập lại nhìn qua cũng đẹp mắt lắm. Nó phát hiện ra rằng mỗi lần nó nhét một "tờ lịch" vào túi áo mẹ nó, cho dù mẹ nó chẳng biết nhiều chữ gì cho cam, nhưng tên của mẹ thì ghi sao mẹ cũng biết. Những lần tìm ra được những tờ giấy như thế, mẹ lại tủm tỉm cười, còn bảo nó đọc lại cho mẹ nghe.

Bức gần đây mà nó viết là:

"Mẹ Hoàng Lan,
Mỗi ngày con đều thấy mẹ thật vất vả. Con không biết làm cách nào để đỡ đần cho mẹ cả. Con chỉ cầu mong cho mẹ luôn mạnh khỏe, hi vọng mẹ sẽ mãi ở cùng con.
Mẹ ơi, tối nay con vẫn sẽ nấu cơm đợi mẹ về nhé!"

Ngoài viết cho mẹ, nó còn muốn viết cho một người bạn. Người bạn ấy của nó lớn hơn nó năm tuổi. Đó là một người bạn còn đáng thương hơn cả nó. Ba và mẹ của người bạn ấy đều đã không còn, cho dù có một căn nhà mái ngói để ở, nhưng tối đến cũng chỉ có thể ăn cơm một mình, sao mà không đáng thương cho được!

Mẹ cấm nó đi về muộn, mà tự nó cũng muốn dần học cách cơm nước, cho nên không thể qua nhà bạn nó cùng ăn mỗi bữa. Thế nhưng, cũng như ánh mắt trìu mến của mẹ mỗi lần nhận được thư từ nó, nó thật lòng muốn người bạn cao lớn của nó - anh Phương - sẽ có được những niềm vui giản đơn như vậy.

Thế là mỗi lần viết cho mẹ một vài dòng, nó lại để cạnh một tờ lịch phẳng phiu, ghi thêm cho anh những lời "hỏi thăm" nho nhỏ. Nó cũng viết rằng mong anh mạnh khỏe, mong anh có nhiều may mắn, mong cho anh luôn luôn vui vẻ. Rồi thì nó lại nhớ tới bí mật không thể "bật mí" giữa anh và nó, thế là bức đầu tiên nó viết thêm vào thế này:

"Anh Phương ạ. Mẹ em không biết mỗi ngày em đều đi lượm ve chai đâu! Nên anh không được kể lại cho mẹ em đấy nhé. Em rất tin tưởng ở anh đó, anh Xe Đạp!"

Đúng vậy, nó tự đặt cho anh cái biệt danh là anh Phương Xe Đạp. Không hoàn toàn vì nó thích nhất là được anh chở vi vu trên đường bằng xe đạp. Mà đối với nó, nếu một ngày hai chân có thể mang nó đi xa thật là xa, thì cũng chỉ chừng một nửa thời gian đó, Xe Đạp có thể đưa nó đi vòng quanh khắp ngõ lớn, ngõ nhỏ, rồi lại đưa nó an toàn trở về nhà. Cũng giống như ở trong lòng nó, anh Phương có thể làm được mọi điều mà nó mơ ước, hơn nữa anh còn không hề từ chối làm bạn với nó - cho dù nó chỉ đi bộ, và anh thì ngồi trên xe đạp.

Thắt chặt lấy chiếc bao vải đã căng đầy, nó thả nhẹ xuống dưới "tổ", nhanh nhẹn tha lôi đến nơi thu gom phế liệu. Bên hông nó là chiếc cặp đeo chéo, mới hôm trước anh Xe Đạp tặng cho nó, chất da màu nâu sáng không hề thấm nước, dây đeo cũng rất vừa vặn, nó vô cùng yêu quý chiếc cặp này. Bán được đồ xong, nó lại phủi tay một chặp, rồi vén nhè nhẹ miệng túi ra, cho tiền vào cùng bức thư nó viết cho anh ngày hôm qua, nhìn mặt ngoài là biết ngay điều đó, tiện lợi quá ấy chứ!

Thở phào một cái, nó cảm thấy ngày hôm nay tiết trời thật là đẹp, mặt trời từ xa trông còn rạng rỡ hơn cả màu tờ tiền 500 đồng nữa kìa.

Bên kia, trường tiểu học thị trấn vẫn đứng im lìm dưới những tầng cây xanh, sân trường trống trải, đường phố người tới, người đi thong thả, chỉ có nó khe khẽ hát lên một khúc đồng dao con trẻ, nhịp nhịp bước chân tới thăm nhà anh. Gõ lên cánh cửa màu lam đã phai màu, chờ hồi lâu cũng không có ai trả lời, nó mới nhận ra ổ khóa nằm ở bên ngoài. Bình thường ban ngày anh Phương có một sạp rau củ ở chợ - là những hoa màu anh trồng sau vườn nhà, đôi khi là bán hộ bà con xóm giềng. Rồi chiều về anh lại lên lớp, mẹ anh từng là một cô giáo, cho nên trường cũ cũng nhận anh vào trường dạy học.

Nó huýt sáo sải bước về khu chợ dân sinh gần đấy, chợ nằm cách trường tiểu học không xa lắm, dựng ven đường lớn, tấp nập suốt từ sáng tới tối. Từ xa xa nó đã thấy thấp thoáng nụ cười của anh, cùng với tiếng chuyện trò rôm rả của cảnh chợ. Nó hơi đắc ý vì biệt danh mình đã nghĩ ra cho anh, nhìn xem, đặt bên ghế ngồi và hai thúng rau đằng trước, không phải chiếc xe đạp của anh thì là gì?

Nó vui vẻ chạy tới hô to:

- Anh Phương!

Anh gói nốt túi rau cho khách rồi lau tay vào chiếc chăn khoát trên vai, xoa má nó một cái:

- Giọng khỏe thế nhóc! Nom mặt mũi bữa nay hồng hào rồi đấy.

Anh cười.

Nó tự giác xách cái ghế đẩu bên cạnh ra ngồi sát chân anh, nghểnh đầu lên hồ hởi đáp:

- Em vừa chạy qua nhà anh đấy, hôm nay anh tan chợ muộn thế ạ?

- Ừ. Chiều nay anh không có tiết, nên đứng trông hàng lâu thêm chốc nữa ấy mà.

Nó gật đầu ra vẻ đã hiểu. Đoạn giơ chiếc cặp chéo lên mở ra cho anh xem, chum tay lại nói thật là nhỏ:

- Anh Xe Đạp nhìn này, tiền em vừa bán được đấy! Không ngờ mấy cuộn dây nhẹ tênh thế mà lại bán được nhiều tiền nhất, hì hì.

- Ái chà! - Anh trầm trồ. - Nhiên nhà ta giỏi quá, anh cả ngày chẳng kiếm được bằng em đâu.

Rồi anh hơi vươn tay ra, thích thú chỉ vào tờ lịch đẹp mắt còn lại.

- Cái này là?

Nó vội vàng đóng cặp lại, hai tay "vút" một cái, giấu ngay sau lưng, đáp qua loa:

- Là, là giấy ghi tiền sinh hoạt của em. Không có gì hay đâu ạ!

Anh cười xòa, lại niềm nở đón một bác gái ghé qua hàng, không tiếp tục hỏi nó nữa. Từ ngày làm bạn anh, nó luôn để ra một phần thời gian để đi chơi với anh. Có khi hai anh em chỉ đứng bán hàng thế này, anh thu tiền, nó gói đồ cho khách, có khi thì anh và nó ngồi trước sân đọc sách, và nhiều lần là cùng nhau ra ngoài dạo chơi. Rảnh rỗi anh sẽ chở nó đi bằng xe đạp, nó chỉ việc ngồi đằng sau chỉ tay, bất cứ nơi nào anh cũng có thể dẫn nó tới, thậm chí bao vải của nó anh cũng gác lên xe luôn, vi vu với anh Phương là thích nhất!

Nó cứ thế chống má nhìn khu chợ trải dài những gian hàng, những đòn gánh, nhìn quanh những gương mặt lam lũ, chất phác khác, lại nhìn về phía anh. Hình như anh sinh ra không phải để làm những công việc thế này. Anh chẳng bao giờ rao lên rõ to, cũng chẳng lúc nào chèo kéo, hay nhăn mặt nhăn mày vì khách đến trả giá. Ai đòi thêm cái gì thì anh cho thêm cái đó, lúc nào nó cũng thấy anh nở nụ cười với mọi người. Mà hình như anh còn đi dạy nữa, lúc đứng lớp học trò sẽ gọi anh là "thầy giáo" nhỉ? Lúc ấy, trông anh sẽ như thế nào?

Nó tưởng tượng ra anh mặc một chiếc sơ mi trắng ngần, cổ áo thẳng thướm, lưng đeo một chiếc thắt lưng gài bốn nấc, quần vải tối màu, viết những con chữ thật ngay ngắn lên tấm bảng đen. Nó dám chắc rằng đó sẽ là hình ảnh đẹp nhất, mà mọi cô cậu học trò nhớ về mỗi khi nghĩ tới trường học. À, thêm một chi tiết nữa, là nụ cười như khi các bác nông dân thấy những hạt bắp đầu tiên hé miệng chào mặt trời, như là những tia nắng của ngày mới sau cả một tháng dài ủ ê vẫn gắn liền với anh, như là...

Như là Hạnh Phúc ấy. Nó thầm thì.

Anh chỉ đứng đó thôi, chẳng cần phải làm gì cho nó, thậm chí cả khi anh không hề nhìn qua nó. Nó vẫn thấy ấm áp như đang được che chở dưới một đôi cánh bạc, dày thật dày. Anh là người bạn đặc biệt với nó. Và nó muốn gửi cho anh sự quan tâm của nó, chỉ mong sao anh sẽ giữ mãi vẻ rạng rỡ thế này.

Trời dần về trưa, anh tặng nốt cho khách quen thêm chút rau dưa, và vỗ nhẹ lên vai nó:

- Dọn hàng thôi nào, trưa nay anh làm cơm cho em ăn.

Nó vươn vai một cái, không quá thích ý nói:

- Em có cơm nắm mà.

- Ăn mỗi cơm nắm sao mà lớn! Đi, sáng nay anh vừa dặn được một khúc sườn non, về hầm lên với khoai tây thì ngon hết biết.

Nghĩ đến thịt nước miếng nó lại tràn ra, không còn dãy giụa nữa, tay nó xếp rau cũng nhanh hơn đến vài phần.

Anh đẩy xe qua đầu chợ, lấy phần sườn từ cô hàng thịt, sóng vai cùng nó trở về nhà. Cửa mở, nó chạy ra giếng rửa tay chân thật sạch sẽ, rồi tìm một cái rổ nhỏ, nhặt bỏ từng cây rau bị nát. Phần rau còn thừa này, để lại cũng đủ ăn cả ngày, chỗ nào còn tươi mới, thì bó lại thành bó, để lên chạn bát đũa, tới mai vẫn có thể bán tiếp được. Anh thì đi xuống bếp nhóm lửa, trước tiên bắc một nồi cơm tẻ. Chờ cho nước sôi, anh cũng đã chặt mảnh sườn thành ra những khúc ngay ngắn, gọt thêm dăm củ khoai, thong thả nhìn nồi cơm sôi lục bục.

Nó hết chạy ra vườn, lại ló đầu vô bếp, rồi lại mò lên buồng trong, vừa phải canh lúc anh không nhìn thấy, vừa phải suy nghĩ nên đặt lá thư này ở đâu. Đi ngang qua bàn anh học, nó nhìn thấy một cuốn tập thật dày, bên trên ghi hai chữ Giáo Án, nó chợt cười thật ranh mãnh. Lật một vài trang đầu tiên, tên anh cùng nội dung môn học được viết cách điệu, tô vẽ lên trông rất bay bổng. Nét chữ anh mềm mại, từng hàng, từng hàng chỉnh tề, chú thích thật đầy đủ, khiến cho nó hâm mộ quá chừng. Nó gấp cuốn vở lại, vuốt ve phần bìa đã hơi cũ màu, khẽ nở nụ cười. Nhẹ nhàng đặt tờ lịch gập đôi in những cành đào khoe sắc thắm lên trên, nó rón rén bước chân ra ngoài.

Anh Xe Đạp chỉ ở một mình, nhưng phòng ốc chỗ nào cũng gọn ghẽ, sân vườn cũng được chia ra từng luống rau rõ ràng, ở giữa là lối đi nhỏ. Đôi khi nó còn tự hỏi, có phải anh giấu một cô Tiên Quả Thị trong nhà mình hay không, thế nên đi làm về là trong nhà, ngoài ngõ đã sạch sẽ, tinh tươm cả rồi.

- Nhiên ơi! Ăn cơm nào.

Nó bước nhanh tới phụ anh dọn chén đũa. Bữa cơm đơn giản với một món mặn, một món canh, hai anh em lùa cơm ăn vui vẻ. Ăn trưa xong, nó thoải mái xoa bụng, nằm trên chiếc giường gỗ của anh, thiu thiu ngủ.

Mơ mơ màng màng, nó lại nhận ra được "mùi hương" ấy, thế là cả người nó đều co rúc vào vòng tay của anh. Không rõ vì sao, nó lại biết được anh đang cười, một nụ cười rất trong sáng, rất rạng ngời.

Một buổi trưa êm ả như thế, cơn gió nhẹ đung đưa tấm rèm cửa vàng nhạt, ánh nắng len lỏi khắp gian phòng nhỏ bé, mà ấm cúng. Bên tai nó còn văng vẳng bức thư tay mà nó gửi cho anh.

"Anh Xe Đạp,

Em không biết đã là lần thứ mấy viết thư cho anh rồi.

Mỗi ngày tìm thấy chúng ở một nơi khác nhau, anh có vui hay không?

Mẹ em thì mỗi lần nhận được thư, gương mặt mẹ như trẻ ra thêm vài phần, trông mẹ rất đẹp.

Anh Xe Đạp, một mình anh tỉnh dậy có buồn lắm không?

Sáng nào mà mẹ đi làm sớm, em dậy xong rồi đều cảm thấy nhà mình thật vắng vẻ.

Nhưng anh đừng lo, anh Xe Đạp ạ!

Trong truyện cổ tích vẫn nói, người thân của chúng ta khi mất đi rồi thì sẽ hóa thành những vì sao. Mỗi ngày, mỗi đêm đều đang nhìn xuống chúng ta đó.

Cho nên anh đừng cảm thấy cô đơn, anh nhé!

Em trước đây cứ nghĩ, thế giới này chẳng có nơi nào thuộc về em.

Em nghĩ, ngay cả bố cũng không cần em, chẳng lẽ em ra đời là một sai lầm ư?

Thế nhưng khi thấy anh, thấy anh dù chỉ lớn hơn em một chút, dù khó khăn như vậy, anh vẫn có thể tươi cười đối diện với cuộc đời, thì em biết mình đã nghĩ sai rồi.

Nếu cuộc đời này là một tấm gương, thì việc đầu tiên mà ta nên làm là nở nụ cười với nó, phải không anh?

Em chúc anh Xe Đạp có thêm một ngày vui, một tuần vui, một năm đều có nhiều ngày vui vẻ hơn nữa nhé!

Kí tên:

Hồ Dĩ Nhiên."

- Tặng Anh Một Miền Đất Bình Yên

Mèo: Thực sự rất biết ơn bình luận của mọi người: có nhiều bạn động viên, có bạn thì mong chờ,... Nhờ thế mình mới có động lực để viết tiếp phần hai này. Tuy rằng nội dung vẫn bình dị lắm, lại còn "quen tay" thêm yếu tố BL vào *cười*, nhưng nhìn chung mình đã khá vừa lòng rồi.

Sắp tới mình định làm thêm audio cho mỗi phần, để kỷ niệm cho bài viết này. Một lần nữa, cám ơn các bạn!🐈💗 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro