#Zu [Vì ta yêu nhau - phần 1]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi xưa ấy, xưa ơi là xưa, xưa lắc xưa lơ, cái thời mà một cây cà rem chỉ có giá hai trăm đồng thôi. Hồi đấy đã xảy ra một câu chuyện tình đẹp ơi là đẹp nhưng cũng lắm trái ngang, khiến các bô lão thở dài thườn thượt còn bọn con nít đều khóc than khi nghe ai đó nhắc đến.

Chuyện bắt nguồn ở một thôn làng nhỏ tên Bồ, Bồ là tên dòng sông nằm vắt vẻo cạnh làng, nhưng các cụ cứ thích gọi thôn là thôn Bồ, gọi riết thành quen. Đến bây giờ cũng không còn ai nhớ tên thật của thôn này là gì nữa rồi. Thôn đẹp lắm, tuy nhỏ nhưng ruộng lúa mênh mông, cò bay lả lướt, không nơi đâu sánh bằng.

Trong thôn có cô nàng xinh xắn lắm, nửa tháng sau chị sẽ tròn mười tám tuổi, độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời người phụ nữ, độ tuổi mơ mộng về tình yêu của các cô gái. Nhưng đó là chuyện của người con gái khác, là mơ ước của các cô gái khác, còn chị thì không. Trên vai chị bây giờ phải gánh vác quá nhiều thứ nặng nề, lấy đâu thời gian rỗi mà suy nghĩ viễn vông.

Chẳng là vào hai năm trước, cha chị bệnh nặng, từ người đàn ông bình thường sau một đêm liền trở thành một người ngớ ngẩn không hiểu chuyện. Cha chị là trụ cột gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho các con, nhưng đột nhiên lại biến thành như vậy. Chị buồn lắm, chị khóc hết nước mắt, đêm nào chị cũng cầu trời khấn phật mong cha khỏe mạnh trở lại, nhưng sao đã lâu rồi mà ông trời vẫn chưa nghe thấy lời van xin của chị.

Ngày đó, mẹ chị khóc đến chết đi sống lại, bà thương ông lắm cơ, còn nhớ hồi trẻ chiều chiều mát mát ông đều dạy bà viết chữ, dạy bà đọc sách. Nếu không có ông, chắc giờ bà ngay cả nửa chữ bẻ đôi cũng không biết. Buồn cũng đã buồn, khóc cũng đã khóc, bà kiên cường tự nhủ bản thân rằng nhất định sẽ chữa khỏi cho ông. Từ hôm đó, bà dẫn ông hết đi chùa miếu rồi đến bệnh viện tâm thần, hễ chỗ nào có cơ hội giúp ông khỏi bệnh là bà đi. Mỗi lần đi như vậy bà ngốn cả mớ tiền. Thật ra nhà ông bà thuộc dạng khá khẩm trong thôn, lúa thóc chất đầy một kho, ăn không hết, bán không xuể. Nhưng tiền của, lúa gạo vơi dần đổ hết vào để chữa bệnh cho ông, rồi thêm việc lũ tháng bảy kéo tới bất ngờ, lúa hư, đậu úng, tai ương chồng chất tai ương. Nhà ông bà chẳng mấy chốc từ gia đình khá giả đứng thứ hai thôn, suy sụp trở thành gia đình nghèo khó nhất thôn Bồ.

Về phần chị, từ lúc nhà khó khăn, chị nghỉ học đi chằm nón bán lấy tiền nuôi hai thằng em ăn học. Anh cả chị đi bộ đội từ một năm trước, nên giờ ngoài mẹ chị thì chỉ có chị là đủ khả năng kiếm tiền giúp gia đình. Quãng thời gian đó, chị cực nhọc lắm, sáng trưa ra ruộng cày, chiều về chằm nón, tối đến thì dạy hai thằng cu tí học với chăm cha chị ăn uống. Chị mệt nhưng chị không nói, vì chị biết, mẹ chị còn mệt hơn. Chị thương mẹ, thương ba, thương cả hai đứa em nhỏ mới lên lớp bốn, chỉ mong sao gia đình chị trải qua được giai đoạn khó khăn này, còn lại cái gì chị cũng làm.

Mong ước nhỏ nhoi, cớ sao lại khó đến vậy?

Hai năm trôi qua, nhanh như một cái chớp mắt vô tình. Cha chị vẫn như vậy, bệnh tình không ngớt, mẹ chị cũng đã buông xuôi việc chữa trị cho ông. Nhưng khoảng thời gian hai năm đó, mẹ chị chạy vạy khắp nơi mượn tiền xóm giềng, thành ra bây giờ dù không còn đem ông đi chữa bệnh, nhà chị vẫn không thoát khỏi cảnh đói nghèo.

- Quế, mẹ xin lỗi, hại con phải cực khổ như này.

- Không sao mà mẹ, con có thấy cực gì đâu. - Chị trả lời, giọng chua chát. Lâu lắm không để ý, mẹ chị đã già đi nhiều rồi. - Mẹ, con đi buôn nón đây, mẹ ở nhà trông cha đi.

- Nhớ về sớm đấy.

- Dạ. - Chị xoay người, đi ra cổng. Dáng chị vốn thấp bé nhưng khỏe mạnh, vui tươi nhưng còn bây giờ, cớ sao nó nặng nề, khắc khổ.

...

Chị đi nhờ xe bò của bác Én lên phiên chợ huyện trên, may mà có bác ấy chứ không chắc tầm tối chị mới đi bộ tới nơi. Như thường lệ chị ngồi ở một góc nhỏ của chợ huyện, bày nón lá ra bán. Nón chị chằm đẹp lắm, từng đường kim mũi chỉ khéo léo độc đáo, mấy bà lão mua nón của chị cứ tấm tắc khen mãi, thành ra nón được bán hết nhanh chóng. Lạ là hôm nay mới mở hàng thì đã có khách rồi, khách không phải đàn bà phụ nữ đâu nha, là con trai hẳn hoi đó. Dáng người khách cao ráo đẹp trai lắm, da hơi ngăm ngăm, toàn thân khoác lên một vẻ lãng tử hiếm thấy.

- Cô gì ơi, nón đây bán thế nào ạ?

- Dạ? Anh muốn mua làm quà hay dùng để đội?

- Làm quà biếu mẹ tôi. Nghe nói bà thích nón lá cô làm nên tôi mới tới đây mua.

- Dạ. Vậy anh lấy chiếc này đi, hợp với người lớn tuổi lắm. - Đoạn cô đưa anh chiếc nón lá trắng có quai bằng vải nhung màu tím sẫm.

- Vậy tôi lấy cái này, bao nhiêu cô nhỉ?

- Ba trăm đồng.

- Vâng, tôi gửi cô. - Nói rồi anh đưa cô hai tờ hai trăm đồng với một tờ một trăm đồng. Sau đó anh cười cười, rồi quay gót đi khỏi.

Anh nói chuyện lịch sự, nhã nhặn, chắc là con nhà gia giáo được cho ăn học đàng hoàng. Bóng anh khuất hẳn rồi mà chị vẫn ngóng theo, mãi đến lúc bán hết nón mới thôi. Trời cũng bắt đầu ngả bóng, chị dọn hàng về.

...

Sáng mai lại, chị cầm dao đi chặt chuối, đặn chiều có cái mà bán. Buồng chuối vườn nhà chị nặng trĩu, được hơn chục nải, chị mừng hớn hở, chắc mẩm chiều nay được kha khá tiền. Định bụng chặt xong sẽ quay về sớm, nhưng bỗng con Muối - người hầu nhà bá hộ trong thôn - te te chạy lại, bảo bên vườn nhà bá hộ cũng có hai buồng chuối vừa chín tới, bà cả sai nó tới báo cho chị biết, để chị sang mua, bà bán rẻ cho. Nghe thấy tin mừng, chị Quế liền đi theo con Muối tới vườn nhà bá hộ.

Nhà bá hộ giàu nhất cái thôn Bồ, khi xưa nhà chị giàu đứng thứ hai là tại vì luôn thua nhà ông này đây. Ông có hai vợ lận, đàn ông đàn an gì mà lăng nhăng sở khanh quá, chị không thích ông tí nào cả. Nhưng bù lại, chị Quế thích bà cả lắm, bà vừa tốt bụng vừa đẹp người đẹp nết, vậy mà bá hộ không biết trân quý, lại đi ngoại tình với bà hai tính tình chua ngoa, dữ dằn. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi, chứ gan hùm đâu ra mà đi bép xép chuyện nhà người ta, bị bá hộ lôi ra trói vào cột đình đánh thì mất toi mạng. Từ lúc bà hai bước vào nhà thì quyền hành của bà cả mất sạch, giờ bà cả đang ở khu nhà sau với con Muối thôi chứ chả bước lên khu trên nửa bước. Tội bà lắm.

Chị Quế đi theo sau con Muối một hồi mới ngớ ra điều quan trọng, vườn nhà nó sao chị vô được? Bà cả đâu còn quyền gì trong nhà đâu để chị đi lại thoải mái như lúc trước.

- Muối ơi Muối, chị hỏi này. Lát nữa mình làm sao vô được vườn nhà bá hộ? Bà hai mắng chết.

- Chị yên tâm đi, cửa chính không vào được thì vào bằng cửa phụ.

- Cửa phụ? - Sống ở cái thôn Bồ này cũng gần mười tám năm tuổi đời, sao chị không biết nhà bá hộ có cửa phụ dẫn vào vườn chuối.

- Dạ. - Con Muối trả lời chắc chắn như đinh đóng cột, tính con này thiệt thà có tiếng từ xưa đến giờ, chị Quế cũng yên tâm phần nào.

Nó dẫn chị đi vòng vèo một hồi mới tới nơi, xung quanh toàn bụi rậm cây cối, lấy đâu ra cửa phụ? Nghỉ một lát, con Muối tinh ranh cúi người thấp xuống, vén đám cỏ rậm rạp dưới chân, hiện ra ngay cái lỗ vừa đủ một người chui qua. Thì ra...thì ra cái cửa phụ mà con này nhắc đến nãy giờ...là cái lỗ chó. Chị khóc không ra nước mắt.

- Chị chui trước đi, em yểm trợ phía sau cho, phòng trường hợp bà hai nhìn thấy.

- Ừ. - Chị đáp rồi nhanh nhẹn chui vào, lạy trời lạy phật bà hai đừng bắt gặp.

Chị Quế, con Muối chui qua an toàn, nhanh chóng chạy đến chỗ hai buồng chuối chín kia, bà cả đang chờ ở đó.

- Quế mua hai buồng chuối này không? Bà bán cho, ba trăm mỗi buồng nhé.

Rẻ thế? Bà bán kiểu này thì thua lỗ chết.

- Thôi bà ạ, buồng nhiều nãi, tám trăm còn chưa mua được chứ bà bảo có ba trăm, con mang tội mua bán thất đức.

- Không sao, bà bán cho con tại bà thương, chứ bà cần gì tiền. Mua đi

Bà cho mà chị cứ từ chối miết cũng không hay, chị đành nhận vậy. Nhưng làm sao xách hai cái buồng này chui qua cái lỗ chó mới là vẫn đề nan giải. Chị nghĩ mãi, nghĩ hoài, nghĩ lâu ơi là lâu mà vẫn ngu không ra cách gì thiết thực. Bà cả tinh ý đoán ra, liền hiền hậu sai con Muối lên gọi cậu cả xuống đây bà nhờ. Kỳ lạ ghê luôn, bà cả có con trai cả khi nào? Không phải bà chỉ có mình chị Hiền vừa đi cưới chồng trên huyện nửa năm trước sao? Mọc đâu ra cậu con trai cả vậy? Dường như chị nghĩ gì bà cũng biết, bà nhẹ nhàng giải thích cho chị Quế nghe.

- Thằng con này từ nhỏ được ông bá hộ đưa lên Hà Nội học, giờ nó học xong rồi nên về nhà, nó là kĩ sư đấy.

- À vâng ạ.

Thì ra là con xa cách mẹ, tội bà cả quá, chắc bà nhớ cậu dữ lắm.

- Mẹ, con đây. - Giọng nói này, hình như quen quen.

Từ đằng xa có bóng dáng anh thanh niên cao ráo bước tới, thân hình này, khuôn mặt này, thấy cũng hơi quen quen.

- Ủa là cô hả? Cô nón lá.

- Anh...anh mua nón lá!!!

Cả hai anh chị đều giật mình sửng sốt, thật không ngờ trái đất thiệt là tròn, tròn vo luôn ý.

- Hai đứa gặp nhau rồi hả? - Giọng bà cả cắt ngang bầu không khí bất ngờ.

- Dạ, nón lá con tặng mẹ là mua ở cô này nè mẹ.

- À, hèn chi nhìn chiếc nón thấy quen mắt, thì ra là do Quế làm.

- Dạ, con không biết anh đây là con bà, nếu biết thì con giảm giá cho. - Chị đáp tiếp lời bà.

-Thôi giảm gì mà giảm. Huy, giúp em chở hai buồng chuối về đi.

- Dạ vâng. Để con đi lấy xe kéo. - Anh Huy nghe lời mẹ, xách một buồng chuối đi ra khỏi vườn, trước khi đi không quên ra hiệu cho chị Quế bảo chị đi theo.

- Vậy con chào bà, khi nào rỗi con lại sang chơi. - Chị lễ phép chào bà cả rồi lẽo đẽo theo anh. Con Muối nó phụ chị xách buồng còn lại nên cũng lủi theo.

Chất hai buồng chuối lên xe xong xuôi, con Muối chạy về với bà cả, còn anh Huy thì phụ kéo xe về nhà chị. Chị Quế chỉ dám đi ngang với anh chứ chẳng dám đi bừa, đi đằng trước thì người ta nhìn người ta bảo loại gái mất nết dám so hơn với con trai cả bá hộ, đi đằng sau thì sợ anh không biết đường rồi mất công, đành chọn cách tối giản nhất, đi ngang. Chỉ có cái chuyện đi thế nào cũng đủ làm chị nhọc công nghĩ ngợi nên cả đoạn đường đầu không gian xung quanh anh chị im ắng ngại ngùng. Bất chợt anh Huy lên tiếng đập tan bầu không khí ấy.

- Cô hay đi mua chuối như này lắm hả?

- Dạ, mua về để mẹ tôi bán lại trên huyện, cũng lời được dăm ba đồng. - Giọng nói chị ngọt ngào chân chất, không ẻo lả lướt thướt như mấy cô gái trên thành phố nơi anh sống. Từ lần đầu nghe được giọng của chị thì anh đã mê mẩn nó, rồi không biết từ bao giờ mà anh lại cố kiếm chuyện hỏi chị, để chị trả lời và cái giọng nói ấy lại được cất lên.

- Cô làm nhiều việc nhỉ?

- Làm nhiều thế mà vẫn đói nhăn răng anh ạ. - Chị đùa, anh cũng cười.

Đứng gần anh như này, chị mới cảm nhận được trên người anh và cả quần áo anh đều bao trùm bởi mùi xi măng gạch cát. Cái mùi nó không nồng nàn khó chịu mà lại nhẹ nhàng thoang thoảng, làm cho người khác tin rằng anh Huy là một kĩ sư siêng năng, thường hay đến công trường giám sát thợ thầy. Mỗi lần mùi xi măng bay vào cánh mũi chị, chị vừa cảm thấy thoải mái vừa cảm thấy tim chị sắp lụy tới nơi rồi.

Về đến nhà chị Quế, mẹ chị trông thấy chị thì mừng rỡ ra cổng đón, bà vừa mới đi nhổ cỏ thuê ngoài đồng về, áo còn đẫm mồ hôi chưa kịp thay.

- Con về rồi hả? Chuối đâu ra vậy? Cậu này là...

- Bà cả nhà bá hộ bán rẻ cho nhà mình đó ạ, anh này là con trai bà, ảnh phụ con kéo chuối về.

- Con chào bác ạ. - Anh Huy lễ phép tươi cười chào mẹ chị.

- Nếu là con trai bà cả... có phải thằng Huy không?

- Dạ phải, con tên Huy.

- Chà... mới đó mà đã lớn chừng này rồi, lúc trước con mới mấy tháng tuổi thì bác có qua thăm mẹ con con. - Bà vui vẻ nhớ lại chuyện xưa, ánh mắt xa xăm nhìn anh.

Ba người rộn ràng chất chuối xuống rồi vào nhà ngồi uống nước. Được một lát thì ba chị Quế xuất hiện, chân thấp chân cao tưởng chừng như sắp bước hụt, lò dò đi quanh sân, tay cầm nhánh tre dài sau vườn quét qua quét lại.

- Ba con Quế bệnh như vậy đã lâu rồi, con đừng sợ.

- Không ạ. - Anh cười trừ, ánh mắt chua xót nhìn về phía ông.

Từ ngày biết đường sang nhà chị Quế, cứ rảnh rảnh là chiều chiều anh lại qua chơi, mà lần nào anh cũng mang quà theo cả. Quà cáp chỉ là những thứ đơn giản thôi chứ không xa xỉ gì mấy, khi thì hai ba bịch kẹo cho ba chị Quế và hai đứa em, khi thì trái cây, khi thì nước mía. Dần dà chị cũng hình thành thói quen đợi anh vào mỗi buổi chiều, quà là quà cho người nhà chị, mà người cảm động lại là chị, sự đời thế mới bất ngờ.

- Quế ơi Quế, tôi muốn nói cái này cho Quế nghe, Quế đi theo tôi ra đây. - Anh Huy gương mặt bồn chồn, run run ngỏ lời.

- Dạ, anh nói cái gì?

Anh cứ ấp a ấp úng mãi mà vẫn chưa lòi ra được chữ nào, hình như cổ họng anh bị đá chặn rồi hay sao ấy, chị chờ hoài cũng sốt ruột theo.

- Anh đau ở đâu phải không?

- À... không... không có... tôi... tôi

- Sao ạ?

- Tôi... không biết nói ra thì Quế có bị sợ không... chứ mà tôi thương Quế lắm... thương dữ dội rồi nên hình như không hết thương được...

Mặt anh đỏ bừng, cũng may là anh run quá nên nhắm tịt mắt lại chứ không chị cũng ngượng không kém, vì giờ chị cũng đỏ lừ từ mang tai xuống cần cổ như cà chua cuối mùa. Ở công trường anh thuộc dạng kĩ sư nghiêm khắc, công nhân sai những lỗi vô lý thì anh mắng cho lên bờ xuống ruộng, chỉ có đứng trước mặt chị Quế thì anh dường như biến thành con người khác, chẳng khác gì cún con đứng với hổ bà bà.

- Sao Quế im quá vậy? Quế có bị sốc không? Có thì nói tôi một tiếng để tôi chừa lần sau?

- À lộn... Quế không bị sốc thì Quế cũng ráng nói cho tôi hay, để tôi biết đường tính tiếp.

- Tính gì ạ?

- Tính kế hoạch khác, chứ như này trần trụi quá.

Chị Quế cười, anh không hiểu gì hết mà thôi cũng cười.

- Anh Huy là người đầu tiên tôi dẫn đến nhà, nhìn thấy ba tôi mà không chê chọc, anh không giống với những người khác. Anh không chê nhà tôi nghèo, không chê tôi không học tới nơi tới chốn mà còn thương tôi. Tôi cảm ơn anh nhiều lắm.

Anh nín thở nghe tiếp.

- Thiệt ra từ lúc gặp anh ở chợ là tôi đã hơi thương anh rồi, mà sau này dần dần chắc cũng thương dữ dội như anh thương tôi.

Chị càng thổ lộ càng ngượng, hàng lông mi khép hờ để mắt khỏi phải ngước lên đối diện anh, bờ môi run run càng khiến anh rung động. Anh Huy chủ động tiến tới sát chị, thơm nhẹ lên trán chị rồi ôm chặt chị vào lòng, chị cao ngang cằm anh nên khi ôm như thế vừa hay mũi chị được dịp hít lấy hít để mùi hương nơi vai áo anh, vẫn là cái mùi xi măng thoang thoảng làm tim chị lụy không có đường chạy.

- Anh thì thương em từ cái giọng nói ngọt ngào đến cái tính cách hiền lành này, đảm bảo mai sau con anh cũng hiền như em, anh vui lắm.

_Còn tiếp_

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro