Năm đó xảy ra nạn đói.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

14) Năm đó xảy ra nạn đói.

Thời nay các ngươi không biết được cái gọi là "nạn đói" đó, nó kinh khủng như thế nào đâu. Nếu có ai đọc truyện tranh Doremon, hẳn sẽ nhớ tập mà ông bố Nôbi kể lại trong hồi ức, là khi còn nhỏ đã có lúc đói đến mức phải tìm lột vỏ cây, đào rễ để mà ăn. Hay ở Việt Nam thì có câu truyện về ông bá hộ giàu nứt đổ vách, nổi tiếng có lần đi cúng chùa, rồi tặng nguyên pho tượng phật màu vàng cho chùa, lúc đầu thì mọi người nghĩ là mạ vàng, nên đem trưng ngay giữa điện thờ, đến khi biết nó là vàng nguyên khối, thì sư trụ trì sợ quá liền đem đi giấu, nhưng giấu ở đâu thì chỉ mình sư trụ trì đó biết.

Giàu đến như vậy nhưng cũng chẳng thoát được nạn đói, khi nạn đói xảy ra thì ông phú hộ đó mới ôm bao vàng đi mua gạo, nhưng mua khắp nơi mà không có, cuối cùng vì tranh giành cái trứng chim đã ung thúi rớt trong hốc cây, mà bị mấy nạn dân khác dùng chính vàng trong bao đó ném chết.

Bọn trẻ bây giờ xem ti vi với chơi game sinh tồn nhiều quá, thấy thú vị, thấy dễ dàng. Gần như chẳng có đứa nào hiểu cho hết được nghĩa của từ 'đói'.. thế hệ này hay nghĩ rằng chỉ cần chạy vào rừng vài tiếng thì sẽ có đồ nướng để ăn, hay bơi một vòng dưới biển lúc trồi lên thì đã đủ nguyên liệu cho nồi cá hấp nghi ngút khói. Nói về kinh nghiệm tự sinh tồn khi rơi vào tình huống bất khả kháng, ta có hai kinh nghiệm bản thân muốn chia sẻ.

Một là nếu đi lạc trong rừng mà thiếu những món đồ cứu sinh cần thiết, đặc biệt là thuốc trị tiêu chảy hay nước sạch, làm ơn ngậm cái mỏ lại, đừng ăn đồ bậy bạ, ráng nhịn đói mà đi thẳng một hướng(nhớ dùng cái đầu để chọn), xác xuất sống sẽ cao hơn gấp chục lần đi lang thang kiếm ăn. Các ngươi không biết việc bị tiêu chảy hay ngộ độc trong rừng nó đáng sợ và dễ mắc phải tới mức nào đâu. Đừng bắt chước tivi mà ăn trứng chim hay trái cây dại... tiêu chảy ngay, dạ dày của các ngươi không được luyện tập đủ để quen với những thứ đó, sẽ là không hấp thụ được, chỉ ngộ độc hoặc làm mất nước. Không tin thì canh bụng đói múc một muỗng mắm tôm pha với nước loãng uống thử đi, 15 phút sẽ thấy bằng chứng đầu tiên.

Và hai, nếu thật sự bây giờ đất nước này có nạn đói, 100 triệu người cùng đi kiếm cái để ăn, rễ cây cũng không có để mà đào, chỉ cần nạn đói kéo dài khoảng bốn tuần, thứ đáng sợ nhất sẽ chính là để người khác tìm thấy mình. Sinh vật càng thông minh, thì dục vọng cầu sinh càng mãnh liệt, và càng tàn nhẫn. Muốn kiểm chứng cũng không khó, cứ thử đem hai con chó, hoặc mèo, hoặc chuột.. nhốt chung vào lồng rồi bỏ đói chúng, kết quả sẽ là cùng chết. Còn nếu là hai con người, thường thì chỉ chết 1 mà thôi.

**

Để ta kể thêm cho các ngươi nghe vài câu truyện cũng như kinh nghiệm có thật, được lưu truyền từ những nạn đói trong lịch sử.

Có vùng đất kia chuyên trồng dâu nuôi tằm, ở đó có hai ngôi làng là Tang thượng và Tang hạ, lấy hàng rào cây dâu ở giữa làm vách ngăn hai bên. Khi nạn đói xảy ra thì người dân hai bên làng mới đưa ra quyết định, đó là đem những đứa trẻ con của mỗi làng đổi cho nhau, tức là đem con của mình đổi lấy con của nhà khác để mà ăn thịt. Lấy bụi dâu làm nơi trao đổi, người trực tiếp giao dịch sẽ cầm một con dao trên tay, khi nhận được đứa trẻ thì liền lập tức cắt đứt đầu nó, rồi ném đầu trả về bên kia, coi như vẫn còn giữ được cái sọ để chôn trên đúng đất tổ tiên.

Đó là cách cuối cùng để bọn họ có thể sinh tồn, người ta nói hổ dữ không ăn thịt con, nhưng họ lại quên nói 'đem con cho hổ dữ ăn thịt'. Có lần có hai nhà kia sau khi trao đổi, thì nhà người bên làng Tang thượng mới nhận ra đứa trẻ kia nhỏ hơn con của mình nhiều quá, lượng thịt có thể ăn được của hai đứa không đồng đều. Thế là cãi nhau, sau cùng mới đưa ra quyết định là cho nhà bên Tang thượng giữ lại cái đầu, không cần phải ném qua. Vậy là một bên có nồi lẩu không đầu, còn một bên thì có nồi lẩu hai đầu. Cứ coi như là công bằng đi.

***

Có cái hay của nạn đói là như vầy, ở những nơi càng hẻo lánh, xa xôi, thì nạn đói sẽ khởi phát và kết thúc càng chậm. Dễ hiểu thì là vì chỗ càng đông người thì những món đồ có thể ăn được sẽ càng mau hết, rồi sau đó nạn dân mới rủ nhau tràn qua những chỗ khác để kiếm ăn.

Có ngôi làng kia cũng coi như là heo hút, người dân trong làng trên dưới tổng cộng chưa đến ba mươi người, chia làm tám hộ dân, đều là có họ hàng gần với nhau cả. Khi nạn đói ập đến thì theo thông lệ họ đưa ra quy định, đó là lần lượt từng nhà sẽ đưa ra một người để cả làng nấu ăn chung, cứ xoay vòng như vậy. Trước đây cũng nhờ kinh nghiệm đó mà ngôi làng mới còn tồn tại đến ngày nay, còn ở những nơi khác thì hay có cảnh, đầu nạn đói thì người dân trong làng kéo nhau bỏ đi, đến khi kết thúc thì chẳng còn ai có thể trở về.

Tự chia nhau ăn thịt họ hàng làng xóm, nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng ít nhất so với thế giới bên ngoài, thì bọn họ không phải lúc nào cũng phập phồng lo sợ. Tức là trong làng thì bọn họ chỉ cần đối phó với cái đói của mình là đủ, không cần sợ cái đói của người khác, như vậy đã là tốt hơn gấp trăm ngàn lần rồi.

Khi đến lượt nhà của ông trưởng thôn phải đưa ra 'đồ ăn', lúc mà dân trong làng đã mất đi gần nửa, thì chợt sáng hôm đó có xe chở lương thực của triều đình đem đến cứu đói. Cầm chén cháo trên tay, ông trưởng thôn khóc mà nói rằng: " Giá xe đến nhanh hơn một chút, thì nhà ta vẫn còn có con dâu rồi. "

Đó là vì rạng sáng hôm đó, nhà ông ta đã tranh thủ giết con dâu rồi nấu sớm, để cả nhà ăn trước, định sáng hôm sau mới đem phần còn lại chia ra cho làng. Với câu "phù sa không chảy ruộng ngoài", thật khó kiếm một ví dụ nào khác sát nghĩa hơn.

***

Đọc tới đây chắc hẳn sẽ có những người đọc tức giận mà làm trà sữa tràn lên tới não, cảm thấy phẫn nộ, ngậm bánh tráng trộn mà chỉ nuốt chứ không thèm nhai, chùi bàn chỉnh ghế mà hét lên rằng : "Tên Lang này chỉ giỏi nói khoát, thế gian sao có thể có những chuyện đáng sợ đến như vậy, chẳng lẽ cứ gặp nạn đói là phải ăn người à, không còn cái gì khác để ăn nữa hay sao ?"

Phải rồi, là ta sai. Có gì thì ngươi cứ bỏ ăn năm ngày rồi tìm tới gặp ta, ta sẽ đút cho ngươi một muỗng mắm tôm thượng hạng rồi chân thành cúi đầu xin lỗi ngươi. Còn về câu hỏi kia, thì đúng vậy, đúng là những năm đó vẫn còn cái khác để ăn. Chính là 'cạp đất mà ăn'.

Món bánh đất.

Dùng đất bùn nhão nặn thành bánh rồi phơi khô mà ăn, cái này thì hẳn nhiều người đã nghe, đến nay vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi, không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng có. Món bánh này trong những ngày no đủ thì quả thú vị, có thể vừa ăn vừa cười đùa, vừa chụp hình đăng báo... Nhưng trong những ngày đói, thứ bánh đất kia, sẽ vừa là mộng đẹp, vừa là ác mộng.

Ăn bánh đất có thể khiến người ta vơi đi cơn đói, khiến cái đầu nghĩ rằng mình đã được cho ăn no. Nhưng nếu chỉ ăn mỗi đất mà thôi, thì ngươi sẽ chết. Bởi đất không có đủ chất bổ dưỡng (là bổ với cây cối, chứ không bổ với ngươi), cũng không tiêu, ngươi nuốt một cái vào bụng, thì nó sẽ cứ nằm hoài ở đó.

Trong nạn đói người ta hay thấy những cái xác, ốm o xương thịt teo rút, nhưng bụng thì bự, trong nắng gió mà trương phình lên. Đó là vì trong đó toàn đất. Giữa nạn đói, cảm thấy no nhưng lại chết vì đói, cái gọi mộng đẹp trong cơn ác mộng chính là như vậy.

Có nhà thầy đồ kia có bốn người con. Người cha coi như là kẻ có chút chữ nghĩa trong đầu, cũng biết nghĩ sâu tính xa. Ngày thường ngoài ngân lượng ra, ông còn tích lũy lương thực, lâu lâu lại thay mới để tránh ẩm mốc hư hỏng. Khi nạn đói ập đến, thầy đồ suy đoán lượng lương thực có trong nhà chỉ đủ cầm cự được 2 tháng, mà kinh nghiệm cho thấy mỗi mùa đói thường kéo dài từ 6 tháng trở lên (cũng là thời gian thông thường của một vụ mùa).

Vậy nên ông ta mới quyết định làm bánh đất, để cả nhà ăn xen kẽ các ngày, hy vọng có thể kéo dài thời gian được nhiều nhất có thể. Đầu tiên là ba ngày ngũ cốc, một ngày bánh đất, rồi còn hai ngày ngũ cốc, một ngày bánh đất. Đến đỉnh điểm của nạn đói thì ba ngày bánh đất, một ngày ngũ cốc. Và lượng ngũ cốc thì ít dần, còn đất thì có sẵn ngoài sân.

Nãy giờ ta vẫn chưa hề miêu tả về sự khủng khiếp của cơn đói lên một người, bởi ta biết miêu tả cũng vô ích, trừ khi đã thực tế trải qua, nếu không các ngươi sẽ không tin đâu. Trong sử sách nếu lục tìm, có ít nhất là 10 câu chuyện về các vị vua vì đói quá mà phải ăn thịt người, trong đó có một truyện nổi tiếng mà hẳn tất cả ai cũng biết, chính là câu chuyện về tết Hàn Thực đó.

Bốn người con của ông thầy đồ quả thật đã bị cơn đói che mờ lý trí, chúng quyết định canh lúc cha của mình không để ý, trộm lấy chìa khóa nhà kho, định ăn một bữa cho thỏa mãn, rồi sau có chết thì cũng cam tâm. Thế là đêm đó chúng làm thật, quả là không gì sung sướng bằng lúc đói được ăn no.

Sáng hôm sau thầy đồ đến nhà kho, thì mới uất hận đau đớn mà chết ngay tại chỗ. Là do đêm qua khi đã ăn hết số ngũ cốc còn lại, vì vẫn chưa thỏa cơn đói nên đám kia mới quay sang ăn bánh đất ở gần đó, càng ăn càng no, càng no thì càng sung sướng. Cuối cùng sình bụng lăn ra chết ở đó, khi trên mặt vẫn còn nụ cười thõa mãn.

Câu tục ngữ : "Thầy đồ bỏ ngô ăn đất". Cũng là từ đó mà ra, ý có hai nghĩa, một là khen những người biết lo xa, biết lấy ngắn nuôi dài. Nghĩa còn lại là muốn nhắc nhở, kết quả không phải cứ tính toán là được, còn phụ thuộc vào việc đi chung xuồng với ai nữa.

****

Trương Lang Vương.

****

Cái gì cũng có lý do của nói. Lý do ta quyết định viết truyện này là vì ít hôm trước, có việc về gặp họ hàng. Rồi bọn họ kéo nhau đi ăn uống nhậu nhẹt linh đình (ta là buộc phải có mặt) . Khi bữa ăn kết thúc, đồ ăn trên bàn vẫn còn quá nhiều, có đĩa chỉ mới đụng một hai đũa rồi bỏ đó. Vậy nên ta mới xin hộp với bao đựng, gói ghém cẩn thận tất cả lại mang về. Sau mới nghe là ta bị cả dòng họ chửi rủa thậm tệ, cơ bản là bủn xỉn nghèo mạt, không có phẩm giá cao sang. Thậm chí có mấy người đăng status về chuyện đó, lời lẽ không tốt lắm.

Ta không quan tâm, từ lâu thì bọn họ đã không còn khả năng tác động được đến suy nghĩ hay cảm xúc của ta. Chỉ là đồ ăn còn dư quả thật rất nhiều, ta vì ăn không hết cũng như nghĩ đến những món nợ chưa trả nên mới gọi bạn bè đến ăn chung.

Người ta nói :" Làm người không thể chọn được họ hàng, nhưng có thể chọn được bạn." Và ta thì chọn sai cả bạn luôn, bọn nó ăn quá nhiệt tình, đi ô tô hút ba số mà ngồi giành giật với ta từng cục thịt, cá gắp vào chén nguyên con mà vẫn đưa đũa vào đĩa gắp thêm, cực phẩm là có một thằng gói bịch mang dĩa gỏi về, nói là để tối vừa ăn vừa viết. Ta xóa kết bạn, chặn số điện thoại của nó rồi, mọi người cứ an tâm, không cần quá lo lắng cho ta.

Thề với lòng luôn, sau này lỡ mà có nạn đói xảy ra thật, nó sẽ là thằng đầu tiên ta tới hỏi thăm.

Địa ngục có một tầng riêng cho những kẻ bỏ phí thức ăn, Lão Tử thì luận rằng "ăn là cách vạn vật kế thừa sinh mệnh, tôn trọng miếng ăn là tôn trọng sinh mệnh của mình".

Còn ở các nhà hàng cao cấp tây phương, nếu bỗng nhiên có đĩa thức ăn nào bị thực khách bỏ lại quá nhiều, thì thường nó sẽ được các đầu bếp thay nhau nếm thử. Nếu họ không tìm ra được lý do thì sẽ bếp trưởng sẽ trực tiếp ra gặp vị khách kia để hỏi.

Sau sẽ dựa vào câu trả lời để đưa ra cách giải quyết, thường nếu lỗi là do phía nhà hàng thì đĩa thức ăn đó sẽ được miễn phí, thực khách còn được tặng một chai rượu như quà xin lỗi.

Vài năm trước đây có câu chuyện khá nổi tiếng, được cả hãng phim dựng làm phim tài liệu. Đó là có đoàn khách giàu có người Trung Quốc đến ở trong một khách sạn cao cấp ở Paris, trong bữa tiệc mừng thì nhân viên phục vụ phát hiện bọn họ chỉ gọi món rồi khui rượu chúc tụng nhau, gần như không đụng đến thức ăn.

Đích thân giám đốc khách sạn đã đến và đặt ra câu hỏi, và ông nhận được câu trả lời rằng "đó là thói quen thể hiện sự sang trọng và giàu có của bọn họ, chỉ có người nghèo mới ăn nhiều trước mặt người khác, và bọn họ thì không nghèo".

Và đây là cách giải quyết vấn đề của ban giám đốc khách sạn đó. Họ triệu lập tức triệu tập toàn bộ ban giám đốc và các đầu bếp, có cả thành viên hội đồng quản trị, những người nổi tiếng đang lưu trú tại khách sạn, trong đó có cả vài vị chính khách đang có mặt trong khách sạn. Và bọn họ ngồi xuống, ăn những thức ăn mà đám người Trung Quốc kia bỏ lại, đưa ra cho tất cả mọi người thấy những đĩa thức ăn đã được ăn sạch đến hạt cuối cùng. Và họ từ chối gia hạn thời gian lưu trú của đoàn khách đó, như một cách lịch sự để đuổi đi.

Đây là lời phát ngôn với truyền thông từ ban quản lý khách sạn :" Chúng tôi muốn cho họ biết là chúng tôi không gọi sự lãng phí thức ăn là sang trọng hay bằng chứng giàu có. Chúng tôi gọi đó là thiếu trình độ nhận thức và thiếu tính nhân đạo."

**
The end.

Ta không muốn thấy những bình luận chê bai Trung Quốc này nọ gì ở đây. Bởi tính ra ở Việt Nam người sỉ diện cũng nhiều lắm. Và ta chắc chắn một việc, đó là tính sỉ diện và lòng tự trọng, chúng không bao giờ đi chung với nhau.

**

Lang viết dòng này.

Thật ra còn có một câu chuyện cũng kinh khủng cực kỳ về chuyện ăn uống mà ta biết. Nhưng ta không dám viết ra, sợ viết ra sẽ có người nguyền rủa ta tới chết. Đó là câu chuyện về cái phao câu vịt, một vụ hung án xảy ra giữa đêm khuya, chấn động trời xanh, Bao Công có sống dậy cũng không dám xử, nghĩ đến lại thấy, sao trên đời có những truyện dễ thương đến như vậy kia chứ, không biết những năm đó ta đang ở đâu, làm gì?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro