CHUYỆN VẤN ĐẠO TRONG NHÂN GIAN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHUYỆN VẤN ĐẠO TRONG NHÂN GIAN (1)

*****

Bảy tuổi đã thấy rõ được đất trời nhưng phải đến bảy mươi thì mới bắt đầu cảm ngộ, đó là chuyện thường tình của mỗi kiếp tha nhân khi sinh ra trong kiếp này với da thịt tóc tai chân tay đầu cổ.

Nhục thân không đủ để lớn lên thành người, cảm tri không đủ để thấu được mình trong bao la rộng lớn, vậy nên mới cần tới tâm linh để hòa hợp được nhiều hơn, khi đã đi qua hết một kiếp rồi thì tâm linh sẽ như nhịp cầu dẫn đường đưa ta qua chốn mới, hay dìu dắt ta khi lần nữa trở lại.

Ai trong đời rồi cũng sẽ có một thời điểm tương tác với đất trời vạn vật bằng chính tâm linh của mình, qua mộng hay cảm, nghe hay thấy, rung động hay chối bỏ, thức tỉnh hay quay lưng, dung hợp vào mình hay vạch rõ ranh giới...

Tất cả, đều do chính ta trong một khoảnh khắc nào đó đã tự mình đưa ra quyết định. Đó là sự công bằng để sinh mệnh của mỗi người đều thật sự thuộc về chính họ. Buộc phải vậy thôi, chứ ai rỗi hơi đâu mà quản mấy cái chuyện nhập nhằng này.

Bình thường là tốt nhất, bởi phải có bình thường thì mới có phi thường, như cây cao kia cũng từng có lúc nằm yên trong vỏ, như bão giông rồi cũng trở lại làm hạt sương nhỏ đọng trên cành, như ta đây lúc đứng lại giữa đường cũng đâu có ngờ rằng kể từ lúc rời nôi ta lại có thể đi xa được đến như thế.

Nhưng cũng có những người không bình thường, tuy thân xác thần trí của họ cũng bình yên giống như mọi người nhưng tâm linh của họ lại có nhiều rối loạn, khiến họ phải trải qua một cuộc đời đầy khó khăn, đầy lạ lùng và dị thường, đầy những điều khiến người khác phải thương hại hay thương tâm.

Và có người có nhiều kỳ ngộ hơn, khi tâm linh trong đời này của họ đã rất sâu sắc rồi mà còn có thêm cơ duyên gặp được sự chỉ dạy, sự dẫn dắt, sự thức tỉnh hài hòa, vì thế họ có thể đi thêm rất xa rất xa, để từ số mệnh mà tìm ra được sứ mệnh.

*

Nếu nói thấu được chuyện thiên hạ là cao nhân thì trong khu chợ này đang có một cao nhân.

Là một người năm bốn tuổi đã nhập đạo để hơn bốn mươi năm sau khi hạ sơn thì có thể gọi là 'trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa rõ lòng người, bấm tay biết chuyện trăm năm trước, mở quẻ định được chuyện trăm năm sau, có thể giữ cho thân phàm một hơi thở mà gửi hồn lên trên xuống dưới thông thấu lý giải rồi hóa giải được mọi chuyện dù là phàm tục hay tâm linh ở trên đời'.

Mấy bữa trước thì cao nhân này vẫn đang ăn nhờ ở đậu trong một đạo quán, sau do người ta thấy ông ta ở bẩn, lười biếng và hay nói ra mấy lời lường gạt quá nên mới hợp lại mà khiêng ông ta ném ra ngoài, khiến mông của ông ta khi đập vào đất thì mới sưng vù lên. Rồi vì tức giận nên cao nhân này mới trả thù cho cái mông của mình bằng cách lẻn vào đạo quán để trộm đi mấy tấm chiếu ngủ của các đạo nhân, ý muốn làm bọn họ bị đau lưng khi phải ngủ trên đất.

Còn ngay lúc này vì muốn kiếm tiền ăn cơm nên ông ta mới bày đống chiếu ra giữa chợ để bán, nhưng bụng vẫn đói vì từ sáng tới giờ ông ta chưa bán được tấm chiếu nào, còn lý do không bán được là tại mấy tấm chiếu này đều là chiếu cũ, đã rách nát tả tơi lại còn đầy vết ố bẩn mà ông ta cứ đòi bán với giá cao gấp chục lần so với chiếu mới. Người qua kẻ lại lúc đầu còn tò mò hỏi thử, rồi tất cả đều có chung nhận định rằng kẻ bán chiếu kia dẫu không bị điên thì cũng bị gàn. Gặp phải kẻ như vậy nếu tránh xa được thì hãy cố tránh, hễ tới gần thì mất công bị cắn càn rồi lại tốn tiền thang thuốc chứ chẳng được gì.

Mà trong chợ ngay lúc này thì vẫn còn một kẻ lạ đời khác nữa, là một người đàn ông khỏe mạnh đang quỳ lạy ở ngay bên kia đường để xin tiền mai táng cho vợ. Chuyện con gái bán thân nhằm kiếm tiền chôn cha thì người đời gặp đã nhiều rồi, còn chuyện đường đường là đàn ông trai tráng khỏe mạnh mà lại van nài quỵ lụy thế kia thì đúng là bọn họ mới gặp lần đầu.

Bởi chẳng phải có sức vóc thì cứ mượn cây cuốc để đào cái huyệt rồi đẽo miếng gỗ để làm tấm bia là xong rồi hay sao? Hà cớ gì mà phải làm chuyện mất mặt đến như thế, có chăng chỉ là phường lừa đảo đang lợi dụng cái chết của thân nhân để lừa gạt lòng thương hại của kẻ khù khờ. Trong nhân gian kẻ tự nhận mình khổ thì nhiều chứ chẳng ai lại muốn tự nhận mình ngu ngốc cả, vậy nên người đàn ông kia dù đã quỳ đến quá nửa ngày trời mà cũng chẳng có ai thèm đoái hoài.

Khu chợ này lâu nay vốn bình yên, trong một ngày lại xuất hiện đến hai chuyện lạ, mà cả hai đều là loại chuyện gàn rỡ kỳ cục nhiễu nhương, vậy nên người dân sau hiếu kỳ thì đều đã chuyển sang ghét bỏ. Là họ cần phải ghét bỏ, bởi nếu cứ dung túng thì những sự trái khoáy này sẽ càng lúc càng tác quái, rồi dần dần sẽ khiến thế gian càng loạn lạc trầm mê.

Cho đến khi có một phú hộ đi ngang qua, người phú hộ này vừa giàu có vừa tốt bụng, do lòng dạ rộng rãi nên ngày thường ngoài kết giao khắp nơi ra thì ông ta còn thường xuyên làm phúc mọi khi có thể, cứu đói người nghèo hay giúp đỡ chuyện con giống mùa màng cho bá tánh đều là việc ông ta quen tay hay làm, thỉnh thoảng ông ta còn tặng tiền để các sĩ tử trong làng có thể thêm vững bước trên đường lên kinh ứng thí. Nói chung thì ông ta vừa là quý nhân, vừa là phúc nhân của người đời.

Phú hộ đầu tiên là ghé qua chỗ người bán chiếu, dĩ nhiên là phú hộ hỏi người kia rằng chiếu này có cái gì đặc biệt mà lại bán với giá cao đến như thế? Thấy phú hộ cầm sẵn túi tiền nặng trịch trên tay thì người bán mới động tâm mà nói rằng:

"Trong đống chiếu này có một tấm đã được một vị cao nhân ngày đêm ôn dưỡng, khiến nó hấp thụ được phần linh lực dư thừa ra mỗi khi vị cao nhân đó thổ nạp linh khí trong thiên địa. Vậy nên nếu người thường mua được rồi nằm lên thì cơ thể sẽ càng thêm khỏe mạnh tráng kiện, kể cả có là người vừa chết mà được quấn trong tấm chiếu này thì cũng sẽ có cơ hội giữ được lâu thêm chút cho mình một hơi thở."

Phú hộ nghe vậy thì mới ngạc nhiên hỏi lại: "Có thể cho ta biết vị cao nhân kia là ai hay không? Để ta tới bái kiến và xin được vấn đạo."

Người bán chiếu mắt nhìn túi bạc tay sờ cằm, nói với giọng con buôn: "Mua trước vấn sau, tiền trao cháo múc."

Thế là phú hộ mới móc gần phân nửa tiền bạc trong túi của mình ra để mua đống chiếu cũ mốc meo kia, sau khi đếm tiền và cất giấu xong xuôi thì người bán mới giao đống chiếu cho đám gia nhân rồi nhìn phú hộ và nói: "Được rồi, cao nhân là ta đây, gặp thì đã gặp rồi đó, ngươi muốn vấn đạo gì thì cứ vấn đi."

Phú hộ nghe thấy vậy thì há hốc mồm mà kinh ngạc, được một lúc khi đã bình tĩnh lại thì phú hộ mới bật cười rồi lắc tay ý rằng không có gì để hỏi, kế đó quay lưng rời đi, coi như chỗ tiền kia dùng để đổi lại nụ cười này cũng đáng.

Rồi không hiểu vì sao mà phú hộ lại đưa chân đi đến chỗ người đàn ông đang xin tiền chôn vợ kia, cũng vì tò mò mà gặng hỏi mấy câu nhưng người đàn ông đều không trả lời, chỉ giữ nguyên tư thế cúi đầu van xin.

Phú hộ thở dài rồi đem chỗ tiền còn lại đưa cho người đàn ông, coi như hôm nay đã bị gạt một lần rồi thì có bị gạt thêm lần nữa cũng không sao, huống hồ lần trước là mua bán đổi chác còn lần này là tự mình cho đi chứ chẳng ai nói tiếng nào để mà phải gánh tiếng bị lừa lọc. Xong thì phú hộ còn kêu gia nhân cứ để lại đống chiếu cũ cho người đàn ông xin tiền chôn vợ kia, bởi đem về nhà thì cũng chẳng có chỗ để dùng còn đưa cho người thì biết đâu đó cũng giúp đêm nay họ được tươm tất thêm chỗ ngủ.

Chuyện chỉ dừng ở đó, phú hộ tiếp tục việc làm ăn mua bán của mình trong chợ trấn thêm một thời gian, đến khi xong việc thì lòng lần nữa chẳng vướng bận gì mà đi về nhà. Đường trần khấp khuỷu còn đường đời thì lắm lo toan, cỗ xe tốt là cỗ xe có vấp phải ổ gà thì vẫn có thể lăn bánh đi tiếp, còn người có lòng dạ tốt là người dẫu có phải nếm trải lắm can qua của đời thì vẫn có thể giữ lại nét thiện lương cho mình. Ví như phú hộ này thì ta có thể gọi là người tốt.

Mà người tốt thì sẽ được hồi báo, phú hộ khi vừa về tới cổng thì đã nghe thấy giọng báo tin mừng của phu nhân. Chuyện là hai vợ chồng sống với nhau đã lâu nhưng vẫn chưa có mụn con nào, vậy nên cả hai cũng từ nguyện ước đó mà ngày ngày chăm lo cố làm thêm nhiều việc tốt để mong trời cao để mắt đến tâm nguyện của mình.

Tối hôm qua khi đang ngủ thì phu nhân nhập mộng thấy cảnh có một vị bồ tát đã ghé đến trang viên của mình rồi để lại ở đó một hài tử đẹp như ngọc, tỏa sáng như ánh trăng. Đến sáng khi phu nhân ra thăm vườn thì bỗng thấy dù trái mùa nhưng trăm hoa bỗng nở rộ như vào xuân, còn cây trái mọc ven bờ thì cây nào cây nấy đều qua một đêm mà trái nặng trĩu đầy cành, đã vậy còn có đàn chim quý từ đâu bay đến để hân hoan ca hát.

Khi phu nhân đi đến chỗ con suối dẫn từ sông chạy ngang qua vườn thì thấy ở đó có một cái nôi trẻ con, bên trong là một hài tử xinh đẹp đang lim dim ngủ, lúc phu nhân bồng hài nhi đó lên thì cảm giác mẫu tử tình thân bỗng tương thông trỗi dậy, yêu thích tới không thể nào rời tay. Còn đứa trẻ thì rất ngoan ngoãn, không hề quấy khóc, gặp ai cũng đều hé môi xinh mà cười khiến lòng người như nở rộ, ai thấy cũng phải nảy sinh lòng yêu mến.

Phú hộ nghe vậy thì nửa tin nửa ngờ, đến khi nhìn thấy đứa nhỏ kia thì không còn chút nghi ngờ nào nữa, chỉ dâng lên trong lòng sự yêu thương vô hạn, không cần ai nói thì tự ông ta cũng biết rằng đây là đứa con mà trời cao đã mở lòng từ bi để tặng cho mình. Thế là phú hộ mới hai tay bồng con mà ra lệnh cho cả nhà trên dưới cùng mở tiệc mừng, trước là thông cáo cho bốn phương còn sau là để cảm tạ công đức sâu dày của tổ tiên cùng thiên địa.

Nhưng chuyện vui mới đó mà chuyện buồn đã vây quanh, ngày xanh chưa tắt mà bóng đêm đã trập trùng, đời người nửa bước là an yên kèm nửa bước là muôn trùng thử luyện, đã sống là phải kinh qua mà đã đi thì không thể nào tránh được.

Đứa trẻ kia khi còn chưa được đầy tháng thì bỗng phát bệnh lạ, ban ngày thì mặt mũi nó tối đen toàn thân tím ngắt còn ban đêm thì nóng hôi hổi với nước da đổi sang màu xanh lè, ăn không được mà ngủ cũng không xong, sức sống ngày một giảm dần, khiến người nhìn vào thì lòng đau xót thương tâm, chỉ hận không thể chịu nạn thay cho nó.

Thế là phú hộ cùng phu nhân mới sắp xếp dùng cỗ xe tốt nhất với bầy ngựa khỏe nhất để khẩn cấp đưa con lên kinh thành tìm đại phu danh tiếng để chữa bệnh, nguyện không tiếc giá nào kể cả có là giảm thọ thì cũng phải giữ được mạng cho con.

Đổi đến năm lần bảy lượt các vị đại phu thành danh nhất, đến vị cuối cùng đương là ngự tổng thái y của hoàng cung thì cũng chỉ nhận được một câu chẩn bệnh duy nhất, đó là đứa trẻ này không cứu được nữa. Căn bệnh của đứa nhỏ đừng nói là chẩn mạch bốc thuốc, ngay tới việc nói được nó đang mắc phải bệnh gì thì bọn họ cũng không thể, sau khi phải chịu sự van nài khẩn thiết của đôi phu phụ kia thì các thái y mới cùng nhau tra điển tịch, rồi sau đó khi tìm thấy được vài ghi chép có liên quan thì tất cả đều dẫn ra câu cuối là bệnh này vốn do trời đày đất đọa, vậy nên nếu hễ là người mà mắc phải thì không cách nào cứu được, mà kể cả có tìm được thần tiên để nhờ ra tay thì thần tiên cũng sẽ chối từ vì làm như vậy là đã phạm vào thiên điều địa giới nhân hòa pháp tắc.

Cùn đường mạt lộ, hai vợ chồng phú hộ chỉ có thể cảm tạ các thái y rồi thất thểu bồng con ra về, dù không cam tâm thì họ cũng chẳng biết phải làm gì khác, chỉ có thể ráng ngày ngày kề cận con tới phút cuối cùng rồi tiễn nó về lại với trời, bồ tát đem đến thì bồ tát đem đi, chỉ mong sao con của mình sẽ yên vui trên đường đến với cõi bồng lai cực lạc.

Khi ra đến cổng lớn của kinh thành thì từ trong xe ngựa họ nhìn thấy có đám ăn mày đang ẩu đả với nhau, là cả một đám đang đánh một người, nhưng lạ một điều là người kia dù ở vào thế cô thì vẫn có thể tả xung hữu đột, đánh đông đỡ tây rất thành công, khiến cả đám cùng chật vật hồi lâu mà vẫn chưa ngã ngũ được là ai đang đánh ai.

Còn nghe chuyện của đám người đang đứng xem gần đó thì đám ăn mày kia vốn đã đóng quân từ lâu ở cổng này, ngày thường bọn họ đều sống bằng của bố thí đến từ người qua kẻ lại hay thức ăn gieo duyên của chùa chiền xung quanh. Hôm nay, khi sư sãi từ trong chùa vừa đem ra ít bánh bao chay để phát chẩn, lúc đám ăn mày đang hành lễ để cảm tạ nhà chùa thì bỗng nhiên xuất hiện một kẻ từ đâu nhào tới rồi ôm giấu hết đống bánh bao kia vào trong bụng, kế đó thì hắn vừa đánh nhau với nhóm ăn mày vừa bốc bánh bao để ăn, càng ăn thì đánh càng hăng còn đám ăn mày thì vì sợ kẻ đó ăn hết bánh bao nên lại càng ra sức để đánh.

Kể xong thì bọn họ thở dài, thế sự đúng là càng lúc càng nhiễu nhương, đến nỗi một người có thân thủ tốt như thế kia mà lại cùng quẫn tới mức phải đi cướp đồ ăn trên miệng của ăn mày. Chẳng phải cứ đi làm đại hiệp, làm bảo tiêu hay đầu quân làm lính thì cuộc sống sẽ tốt hơn nhiều rồi hay sao?

Nghe xong, dù lòng còn đang nặng trĩu nhưng phú hộ vẫn muốn phát tâm hành thiện, bởi chuyện tốt thì không bao giờ là nhiều còn chuyện xấu thì bớt được chút nào hay chút đó. Vậy nên phú ông mới lấy ra chút bạc lẻ đưa cho gia nhân, nói là phát cho đám ăn mày để bọn họ tự đi mua bánh bao mà ăn chứ đừng đánh nhau nữa, coi như vừa giúp cho họ mà cũng giúp cho người đứng xem khỏi đau lòng.

Đến khi đám ăn mày cầm được tiền rồi tản đi thì phú hộ mới chợt nhận ra rằng kẻ cướp bánh bao kia là người mà mình đã từng gặp, không ai khác mà chính là kẻ bán chiếu lừa đảo nơi ven đường hôm nọ. Kế đó thì phú hộ mới nhìn đứa con đang nằm trong lòng của phu nhân hồi lâu, sau thì mới thở ra mà quyết tâm rồi nhảy xuống xe ngựa chạy tới cúi đầu với người lạ kia:

"Ta không cần biết ngươi là cao nhân thật hay cao nhân giả, nhưng có bệnh thì vái tứ phương, tình cảnh của hài tử đã đến mức này cho dù ngươi có kêu cỏ dại ven đường là tiên dược thì ta cũng xin cúi đầu vâng theo. Nếu ngươi còn nhớ trước đây chúng ta đã từng hẹn ước với nhau về một lần vấn đạo, vậy lúc này xin ngươi hãy cho ta biết là liệu còn có cách nào để có thể cứu được con của ta hay không?"

- Đưa đứa nhỏ đến đây. - Người kia vừa ăn bánh bao vừa nói.

Rồi lát sau, trong ánh mắt vừa trông chờ vừa lo lắng của đôi vợ chồng phú hộ thì người kia bắt đầu chẩn bệnh:

"Đứa nhỏ này vốn là một người chết, ngay từ lúc chưa sinh ra thì nó đã chết rồi, chỉ là không biết vì sao mà nó vẫn còn có thể kéo dài hơi thở cho đến ngày hôm nay.

Người có ba hồn bảy vía, bảy vía là duyên của cõi này còn ba hồn là để liên kết với luân hồi đại đạo.

Địa hồn là để liên kết với Minh Giới rồi từ đó mà biết mình là ai, mình đến từ đâu, mình đang như thế nào trước khi bước vào cổng đầu thai. Phải có điểm khởi đầu thì mới có đường đi và điểm đến.

Nhân hồn là duyên cha mẹ sinh ra, duyên ông bà gửi gắm, duyên vạn vật xây đắp mà thành, là thứ mà ta mang theo để sống trong một kiếp. Khi thân xác không còn thì nhân hồn chính là thành tựu mà ta có được trong kiếp này, ít thì chuyển vào địa hồn như hành trang bước tiếp, còn nhiều thì coi như chuyển lên để tính vào thiên hồn.

Thiên hồn là thứ đã thuộc vào thiên cơ nên không nói được, mà có nói thì các ngươi cũng không ngộ được, cứ coi như Minh Giới công bằng thì dĩ nhiên Thiên Giới cũng công minh. Khi ngươi làm ra đại sự thì cả trời đất đều cùng biết, phạt thì tính vào địa hồn còn thưởng thì tặng thêm vào cho thiên hồn của ngươi, từ đó mà chuyển được từ tầng thứ này sang tầng thứ khác mà không cần tới cổng đầu thai.

Còn như đứa trẻ này thì chẳng hiểu vì sao mà nó không có nhân hồn, vậy nên ta mới nói rằng nó đã chết, bởi làm người mà sống vô hồn thì làm sao có thể gọi là sống được, rất nhanh thôi nó sẽ kết thúc sinh mệnh trong cõi trần này.

Ban ngày nó tối đen là tại duyên trong nhân gian không nhập được vào nó, chỉ có địa hồn lưu chuyển nên mới gần chết hơn sống. Ban đêm nó hóa đỏ là vì thiên hồn theo quán tính do không có nhân hồn cân bằng nên muốn thoát ly rời khỏi rồi tiêu tán đi. Có thể trước đây nó được ai đó tặng cho chút tiên khí để thay cho hồn nên mới cầm cự được, nhưng thứ vay mượn thì không thể xài lâu, cũng càng không thể tương thích, vậy cho nên khi tia tiên khí cuối cùng tan đi thì cũng là lúc nó phải rời xa cõi đời này.

Đây là quy tắc vận hành giúp vạn vật giữ được sự cân bằng trong đại đạo, dù không biết từ lúc đầu ai đã làm sai trước, nhưng lúc này có muốn sửa thì cũng không thể nào, không thể tiếp tục lấy cái sai để sửa sai được, người thường không làm được mà người có đạo thì lại càng không thể làm sai.

Vậy nên, hãy dừng lại ở đây đi."

Hay vợ chồng phú hộ nghe được lời chẩn mệnh của cao nhân, dù bản thân còn chưa thông suốt nhưng tự biết rằng vị trước mắt đây là cơ hội duy nhất cho con trai của họ, vậy nên họ liền quỳ sụp xuống để van nài hòng cầu xin một đường sống cho con của mình.

Vị kia thấy vậy thì thở dài, cố ăn cho hết mấy cái bánh bao đang giấu trong bụng rồi nói với phú hộ: "Ta hỏi ngươi một câu, ngươi phải trả lời cho thật, nếu hôm đó trước khi đưa tiền mà ta nói rằng ta chính là cao nhân thì ngươi có tiếp tục mua chiếu của ta hay không?"

Phú hộ nghe hỏi thì mới bối rối một chút, xong thì cũng cắn răng mà đưa ra câu trả lời thật lòng: "Ta sẽ không mua, nhưng ta vẫn sẽ đưa cho người một ít tiền lẻ."

- Vì sao?

"Vì ta nghĩ người đang đói, mà chuyện giúp người đỡ lòng thì làm được cứ làm, không cần phải đắn đo."

Nghe vậy thì vị kia mới ngửa mặt cười to mấy tiếng, xong thì mới mời đôi phu phụ đứng lên và bồng lấy đứa nhỏ, rồi vừa xoa đầu đứa nhỏ vừa nghiêm cẩn nói với đôi vợ chồng rằng:

"Lần này ta ra tay thì sẽ giữ được mạng của đứa trẻ này nhưng cũng chỉ là tạm thời, bởi dùng sức của một người thì không thể thắng ý trời được. Nhân định thắng thiên, là định thắng chứ không phải nghịch thắng.

Trẻ con vô tri, nhưng đến lúc thành niên thì mọi việc đều sẽ được mình, được người, được trời sáng tỏ, tới lúc đó thì mọi việc đều phải tự dựa vào mình, không thể oán trách, nương tựa hay vay mượn được nữa.

Ta sẽ truyền cho nó nhân hồn của ta, rồi truyền thêm tiên thiên và đạo hạnh cả đời này ta tích lũy để giữ cho phần nhân hồn đó không tiêu tán, giúp cho nó được lớn lên khỏe mạnh bình thường. Nó còn nhỏ thì có thể dùng đạo hạnh của ta để che mắt nhưng khi đến thời điểm trời đất chiếu rọi rồi thì sẽ không thể gạt được nữa, lúc đó thì phần nhân hồn của ta sẽ bị trời loại bỏ rồi phạt cho tiêu tán đi, còn nó thì cũng không thể sống tiếp.

Vậy nên phải nhớ là trước lúc thành niên thì chính nó phải tìm được một vị nào đó có đạo hạnh sâu dày, giúp chủ động loại bỏ đi phần nhân hồn của ta rồi gieo vào đó hạt đạo duyên mới, đủ sâu sắc vững mạnh để từ đó tự nó liên kết với vạn vật, tự nó xây lại nhân hồn của riêng mình, tự sống tiếp với chính thứ thuộc về mình. Còn chính ta thì cũng phải nhờ đó mà lần nữa lấy lại được nhân hồn của ta.

Ta chỉ có thể cố giúp nó đi tiếp tới thời điểm đó thôi, còn đi được đến đâu thì đành phải để nó tự trông vào chính mình vậy."

Nói xong, khi đã chắc chắn rằng đôi vợ chồng phú hộ đã nghe và nhớ kỹ thì vị đó mới đưa mắt nhìn về phía trời đất xa xăm mà tự nói với mình:

"Là thứ gì giữ ta có trong trời đất này đây? Nếu là pháp thì tại sao biết sai mà vẫn làm? Nếu là đạo thì tại sao biết lỗi mà vẫn thi? Nếu là số thì tại sao biết quở mà cứ vận vào người? Là thứ gì đây, phải tới bao giờ ta mới ngộ ra được đây?"

Hỏi trời, trời không đáp, hỏi đất, đất không hay, vị đó sau phút tĩnh lặng thì bắt đầu chữa trị cho đứa nhỏ, lát sau khi giao lại vào tay của đôi phu phụ thì sức sống của đứa nhỏ đã phục hồi, đã hồng hào và tươi tắn trở lại.

Rồi khi hai người kia chưa kịp nói tiếng cảm ơn thì vị cao nhân đó đã hú lên một tiếng kì cục rồi bỏ chạy giống như bị ai rượt, khiến người khác không kịp trở tay cũng càng không thể đuổi theo.

Đôi vợ chồng thấy vậy thì chỉ đành theo hướng bỏ chạy của người kia mà bái lạy, đành coi chuyện vừa rồi như kì ngộ chỉ có thể gặp chứ không thể cầu. Ôm đứa con mới vừa rồi còn trong cửa tử mà giờ đã khỏe mạnh bình thường thì tự họ trong lòng tâm nguyện, nếu nhân là thiện thì cứ tiếp tục chăm bón bằng thiện, để đến khi kết quả thì dù có như thế nào họ cũng không hối hận. Bởi sống qua một đời thì chỉ cần tâm can có thể tự soi mình rồi không hối hận thôi thì đã là quá mãn nguyện rồi.

*****

Thời gian như nước chảy qua cầu, rong rêu mỗi năm mỗi mới, cỏ xanh mỗi mùa mỗi thay, cá tôm từ lứa này đến lứa khác tan ra hợp lại thành đàn, người làm trong trang viên cũng đã đổi qua vài lượt, thấm thoát thì đã gần hai mươi năm kể từ ngày thiếu gia của bọn họ hồi phủ. Hôm nay thì trong ngoài trên dưới tất cả đều xôn xao, lý do là vì bảng vàng đề tên danh trạng của thiếu gia vừa được quan sai đưa tới cổng, làm bọn họ phải chạy đôn chạy đáo tất bật để chuẩn bị tiệc chia vui với toàn bộ bá tánh xung quanh.

Dù mệt nhiều nhưng gương mặt của mọi người đều tràn đầy nét vui vẻ, gia chủ đối đãi với họ như người thân còn thiếu gia từ nhỏ đã thân thiết với họ như người nhà, vậy nên sự vui vẻ này là thật lòng thật dạ và còn kèm thêm rất nhiều sự tự hào.

Thiếu gia từ nhỏ đã đẹp đẽ phi phàm lại thêm thông minh tuyệt đỉnh, tính đến năm bảy tuổi thì lão gia đã phải đổi đến mấy lượt lão sư cho thiếu gia, đơn giản là vì mỗi vị lão sư đều nói rằng không còn gì để dạy nữa nên mới chủ động rời đi để khỏi cản trở việc học của thiếu gia. Sau thì lão gia đã gửi thiếu gia đến học ở phủ nổi tiếng nhất kinh thành để tiếp tục chuyện đèn sách, chỉ qua vài năm thì họ đã đặc cách cho thiếu gia hoàn tất sớm mà bắt đầu quá trình tự học cho đến nay.

Không chỉ tinh thông sử sách đạo lý cổ kim, thiếu gia còn thành tài cả cầm kỳ thi họa, đồ bàn sa dụng hay quân cương lĩnh tắc, nói chung là chỉ có thứ chưa biết đến chứ không có chuyện đã biết đến rồi mà lại không thông thuộc, không thành tựu. Năm đó mới mười bốn tuổi thiếu gia đã được gọi là tài tử, đến năm mười sáu thì tất cả đều đổi cách gọi thành đại tài tử khôi nguyên. Ví như chuyện thi đậu trạng nguyên này, nếu không phải do quy định về tuổi tác thì thiếu gia đã là trạng nguyên từ lúc đó rồi chứ không phải chờ đến tận hôm nay.

Dù tài ba là vậy nhưng điều mà mọi người yêu quý nhất ở thiếu gia chính là tính tình chứ không phải sở tựu. Nhờ có sự chăm sóc nuôi dưỡng của hai vị thiện nhân là lão gia và phu nhân nên tính tình của thiếu gia cũng rất lương thiện, ngày thường luôn lấy đức để đãi người và lấy thiện để cầu nhân. Tướng tự tâm sinh, chính nhờ lòng dạ trong sáng nên người khác khi nhìn vào thiếu gia ngoài ngưỡng mộ ngũ quan đẹp đẽ ra thì còn cảm thấy rất thân ái với nét khí độ ôn hòa tự nhiên mà thiếu gia có.

Nghe nói đâu lần này khi vừa đăng khôi tại kinh thành thì đã có tới mười mấy vị quan lớn trong triều gửi thiệp môn đăng cầu rể đến thiếu gia, rồi đến cả hoàng cung cũng đã đánh tiếng mong tuyển được thiếu gia làm phò mã. Việc đó khiến hai vị phụ mẫu ở nhà vừa mừng vừa lo, sợ là phúc đến nhiều quá thì sẽ gánh không nổi, cuối cùng thì họ cũng chỉ đành chọn cách không nghĩ đến, cứ để mặc cho thiếu gia tự đưa ra lựa chọn của mình.

Đêm nay, khi đang ở giữa buổi tiệc mừng thì thiếu gia bỗng nhiên thấy chóng mặt rồi ngất xỉu, mọi người thấy vậy thì cũng chỉ xôn xao thêm một chút rồi thôi, bởi họ chắc tới tám chín phần là thiếu gia vì vui và vì bị chúc rượu quá nhiều nên mới gục sớm như vậy. Gì chứ chuyện kinh bang tế thế thì họ không dám so, riêng chuyện rượu chè thì thiếu gia còn phải học họ nhiều, khi có người nói như vậy thì tất cả lại cười phá lên mà cạn chén tiếp.

Chỉ có lão gia và phu nhân biết rằng chuyện không đơn giản như vậy, thế nên sau khi ráng ở lại để chào hỏi thêm một vòng thì họ liền nắm tay nhau mà vào gặp con trai, gương mặt của cả hai lúc này đều tràn đầy nét lo lắng. Chuyện đã sớm biết là sẽ đến thì dẫu có cố quên cũng vô dụng, bởi khi nó đến rồi thì mọi thứ đều sẽ tan thành mây, để lâu nay vui vẻ hạnh phúc bao nhiêu thì lúc này sẽ đau buồn bất hạnh bấy nhiêu.

Chàng trai trẻ sau khi nghe cha mẹ kể xong cố sự lúc còn ấu nhi của mình thì gương mặt vẫn giữ nguyên nét điềm tĩnh thường ngày, phần vì không muốn cha mẹ thêm lo, phần khác là vì ít nhất lúc này vẫn còn cách để hóa giải chứ không phải đã hoàn toàn tuyệt vọng.

Rồi chàng trai xuống giường, mời cha mẹ ngồi trên cao, xong thì quỳ xuống dập đầu trước cha mẹ ba cái, một là để cảm tạ công ơn tìm thấy rồi nhận mình làm con, hai là cảm tạ cha mẹ vì muốn giữ mạng cho mình mà bôn ba khắp phương tìm cách, và ba là cảm tạ công ơn đã nuôi dưỡng suốt bao năm qua, đã cho mình hình hài và mọi thứ trong suốt từng đó năm được sống thêm trên đời.

Công sinh không bằng công dưỡng, nay lại thêm cả công cứu mạng và bảo toàn, nói rằng nếu không có hai bậc phụ mẫu trước mặt thì sẽ không có kẻ làm con này cũng không sai, vậy nên ba lạy này là để tự đứa con nhắc nhở bản thân chứ không phải hồi báo, bởi công cha nghĩa mẹ lớn như trời biển, phận làm con có muốn báo thì cũng không thể nào mà đủ được, muốn hồi thì dẫu một phần cũng là điều không thể.

Kế đó thì chàng trai xin từ giã cha mẹ rồi chuẩn bị lên đường tìm chân sư để cầu đạo, trước là để giữ mạng cho mình sau là giữ vẹn đạo hiếu với phụ mẫu, tránh chuyện kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh làm cha mẹ phải thương tâm rồi tổn thọ, và phần nữa cũng là để tiếp nối ân tình của vị cao nhân năm xưa, vậy nên không thể cứ buông xuôi rồi để mặc cho tất cả trở nên vô nghĩa được.

Thế là chàng trai trong đêm đã khăn gói ra đi, để lại sau lưng là bảng vàng cùng công danh lợi lộc, chỉ một tấm thân trần với tay nải treo vai, nhìn đất dưới chân mà bước, nhìn trời trên đầu mà đi, nhìn lại ta trong nhân gian để thấy ngã rẽ hồi.

Hỏi đạo ở đâu? Hỏi đi nơi đâu để cầu đạo?

Nơi cung cao vọng các có giữ đạo hay không?

Tìm nơi tài bảo nén chặt vách tường thành, hỏi đạo giấu ở đâu trong đó?

Đường đi thấy núi xanh, nằm nghiêng nghe tiếng người

Chốn xôn xao thanh âm sao nhiều quá, chỗ tĩnh mịch cảnh vật chẳng nói năng

Hỏi ta phải đi về đâu để tìm đây?

Biển xanh rồi lại biển xanh, cát trắng cát chập trùng,

Nơi băng tan hay nơi tuyết đọng, chỗ thâm sâu hay chỗ chắn cao vời

Hỏi đạo nơi đâu? Hỏi đạo ở chốn nào?

Chàng trai cứ vậy mà bước đi, lấy thân phận kẻ hành hương để xin sự chỉ lối của người đời chứ không phải thân phận khôi nguyên tam đỉnh vốn ngang bằng với chức quan tam phẩm của triều đình. Cứ ở đâu mà nghe dân chúng nói là có cao nhân ngự thì chàng trai sẽ đi đến để bái phỏng rồi cầu đạo, dù có là nơi biển xa cách trở sóng ghềnh hay nơi non cao trùng trùng điệp điệp thì chàng trai vẫn sẽ tự mình đưa thân đến đó.

Đường dưới chân ta, do ta tự đi mà thành, nếu điểm cuối của hành trình này có là vô vọng thì chàng cũng quyết tự mình đi đến cùng sự vô vọng đó.

Chỉ là trên hành trình này thì chàng trai phải chịu đựng nhiều sự khổ tâm hơn những người khác, bởi vì bản thân chàng trai cũng đã có thể coi là bậc kỳ nhân phúc tướng hiếm gặp ở trên đời, mà tài nhân thì sẽ hiểu được tài nhân, hay ít nhất là cũng thấu được đối phương có mấy phần bản lĩnh. Vậy nên nếu như những người khác tìm được một 'giả cao nhân' nào đó thì thông thường họ sẽ mất một khoảng thời gian dài mới có thể nhận ra sự mê muội của mình rồi hối hận, còn như chàng trai này thì sẽ vừa gặp là đã thở dài thất vọng rồi liền quay lưng thử tìm nơi chốn khác.

Thất vọng không đáng sợ, thất vọng nhiều lần mới đáng sợ, cũng đã có không ít lần chàng trai vì thất vọng quá nhiều mà chán nản rồi muốn bỏ cuộc, để kệ cho mọi sự cứ mặc nhiên diễn ra với mình. Nhưng rồi chàng vẫn tiếp tục đi tìm, bởi vì lúc này trong lòng chàng không chỉ đơn giản là chuyện sống hay chết. Mối bận tâm sinh tử là chuyện mà ai cũng có và chàng không tự huyễn rằng mình có thể có nhiều hơn tất cả. Chàng có thêm động lực để tiếp tục bước đi là bởi vì trong lòng chàng có một câu hỏi lớn đang gieo trong đó, chính là: "Trên đời này có thật sự là có chân sư hay không? Nếu có thì tới lúc nào ta mới có thể tìm thấy? Còn nếu không thì liệu có phải vị 'cao nhân' năm xưa cha mẹ ta từng gặp cũng là không?"

Mong muốn cộng với hồ nghi, chàng trai vẫn còn trẻ, cho dù có tài ba như thế nào thì cũng làm sao mà thoát được hai cái lưới giăng ngang nhân tình đó, mà nói đi thì cũng phải nói lại, có nhiều người dù đã lâu rồi cũng không còn trẻ nữa mà họ có thoát được đâu.

Hôm nay, chàng trai đặt chân xuống bến thuyền xa lạ, đi tiếp con đường này lên đỉnh núi thì có một ngôi chùa, trong chùa có một vị đại sư là trụ trì, vị đại sư này nổi danh khắp thiên hạ là thánh tăng đương thời, vài năm trước triều đình cũng đã từng ngỏ ý mời vị đại sư này làm quốc sư đương triều nhưng lại nhận được lời từ chối, lý do là vì đại sư cảm thấy bản thân trong Phật đạo còn nhiều chỗ chưa thông tuệ nên không dám đảm nhiệm chức vụ kia, chỉ xin nhường lại cho người khác.

Cũng kể từ đó mà danh tiếng của đại sư lại càng thêm vang dội, bởi rõ ràng trong thiên hạ người tự nhận có đạo hạnh thì nhiều nhưng người từ chối được đỉnh cao danh lợi thì chẳng mấy ai, nếu chức danh kia là phép thử thì đó là phép thử mà không phải ai cũng có thể nhận, lại càng là không phải ai cũng có thể vượt qua.

Chàng trai theo danh tiếng của vị đại sư kia mà tới đây, đại sư chính là người mà chàng đặt vào nhiều kỳ vọng nhất. Có thể đây là hy vọng cuối cùng của chàng, bởi vì chàng đang cảm nhận được rất rõ rằng mạch sống của mình nay đã không còn nhiều nữa.

Lúc chàng trai vừa rời khỏi thuyền và đi được mấy bước thì thấy ngồi ngay ở đó là một ông lão lang thang mặt mày nửa điên nửa dại cứ ngơ ngác nhìn theo từng bóng người lướt qua. Chàng trai thấy ông lão khổ sở nên mới phát thiện tâm mà lục lọi trong hành lý của mình để lấy ra chút đồ ăn đưa cho ông lão, người lái thuyền rồi thêm mấy người dân sống ở đó thấy vậy thì mới vội đưa tay ra định ngăn cản nhưng không kịp, chỉ có thể lắc đầu rồi tiếc cho chàng trai là khách phương xa kia đã vô duyên vô cớ mà rước họa vào thân.

Chuyện tiếp theo thì chàng trai phải tự gánh, đó là suốt cả quãng đường từ bến thuyền lên đến đỉnh núi chàng phải chịu đựng và đối phó với sự đeo bám của ông lão điên kia. Là một người tuy điên nhưng lại rất khôn lỏi, cứ hễ có ai cho lão ta đồ ăn thì lão ta sẽ đi theo từ ngày này sang ngày khác để xin thêm, rồi nếu cho lão đồ ăn tiếp thì lão sẽ càng bám riết còn nếu không cho thì lão sẽ chửi rủa hoặc ném đá, cứ như vậy đến khi nào người kia chịu không nổi mà bỏ trốn đâu đó mất dạng mấy ngày thì lão mới chịu buông tha.

Người dân ở đây vì sống gần nơi thành tín nên ai cũng có lòng lương thiện, kinh nghiệm của bọn họ là nếu muốn cho lão đồ ăn thì cứ để ở chỗ miếu hoang nơi lão thường ngủ rồi lúc đói thì lão sẽ tự lấy mà ăn. Còn ví như hôm nay khi lão đang ngồi ở bờ sông để sưởi nắng thì tốt nhất là không động vào nếu không muốn bị phiền hà suốt mấy ngày kế tiếp.

Chàng trai khi đã rõ đầu đuôi thì hối hận cũng đã muộn rồi, chỉ đành vừa đi vừa kéo theo cục nợ đang đu bám theo chân của mình, người dân dọc đường thấy vậy thì cũng chỉ cười thương hại chứ chẳng biết phải nói gì, bởi sự tình thế kia thì họ đã thấy và đã tự mình trải qua nhiều rồi.

Đến khi tới chân núi thì chàng trai lại thấy một chuyện lạ khác, cũng lại là một người già, chỉ là người này đang cong lưng để gánh hai thùng nước to mà trèo từng bậc thang lên núi. Khi chàng trai định tới để đỡ thùng nước giúp cho người kia thì các chú tiểu ở gần đó liền đưa tay ngăn cản, nói là cho dù chàng có muốn giúp thì lão nhân kia cũng sẽ không đồng ý, và nếu các vị sư huynh trông coi cổng chùa phía trên núi mà biết chàng trai định giúp đỡ cho lão ta thì họ có thể sẽ không cho chàng trai bước vào chùa.

Khi chàng trai hỏi vì sao thì những người đi cùng đường mới kể cho chàng nghe một câu chuyện. Đó là ngôi chùa trên núi này mấy chục năm nay có hai điều xấu hổ. Một là lão già đang đeo bám kia, lão ta là nỗi xấu hổ của người dân sống quanh đây, nếu không phải vì họ đều là người lương thiện thì ông ta đã bị đánh đuổi đi từ lâu rồi. Và hai thì chính là lão già đang gánh nước kia, ông ta chính là nỗi xấu hổ của những tăng nhân đang sống trong chùa.

Đó là nhiều năm trước thì ông ta với sư trụ trì hiện tại chính là hai đệ tử nhập môn của sư trụ trì tiền nhiệm, theo lý mà nói thì ông ta còn là sư huynh, là người sẽ kế thừa y bác của bổn môn.

Chỉ là ông ta trong quá trình nhập thế để lịch luyện trong nhân gian thì đã sa đọa rồi vướng sâu vào nghiệp nặng của hồng trần.

Đầu tiên là phạm sắc giới khi đã gian dâm rồi kết thành vợ chồng với người nữ trong thế tục.

Tiếp là tham dục khi đã tham gia mua bán cầu tài cầu lợi với thế gian, đã vậy còn lường gạt người đời để thu lợi cho mình.

Sau là dối trá khi đưa người nữ kia về nhà thì đã xảo ngôn lừa gạt hòng khiến người nhà của cô ta chấp nhận mình, lấy đó làm nơi nương tựa.

Cuối cùng khi không còn chỗ nào để hưởng lạc, để lợi dụng hay lường gạt thì ông ta mới đói khổ tha phương khắp nơi rồi lại mò về chùa để kiếm ăn qua ngày.

Tất cả những điều trên đều có đầy đủ nhân chứng vật chứng và do chính ông ta đã tự mình thừa nhận, theo giới luật thì nhẽ ra ông ta phải bị tước hết pháp danh, đánh đủ trăm gậy rồi bị đuổi vĩnh viễn khỏi chùa cũng như đưa ra thông cáo công khai để những nơi thờ tự khác quanh đây biết mà đề phòng. Nhưng cũng là nhờ sự từ bi của trụ trì hiện tại, vì không muốn sư huynh của mình tiếp tục lầm lạc trong hồng trần nên đã rộng lượng mà chứa chấp ông ta.

Dù vậy thì giới luật vẫn phải giữ, nên ông ta trên danh nghĩa hiện không phải là tăng nhân tu tập trong chùa, chỉ là một người bình thường đang dựa vào nơi từ bi để sống qua ngày. Hàng ngày với thức ăn chay thì chùa có thể công bình mà bố thí cho ông ta nhưng những chuyện sinh hoạt riêng như củi lửa nước non chỗ ở thì ông ta phải tự lo lấy, ngoài ra thì trụ trì còn cấp cho ông ta một mảnh đất phía sau chùa, hay thùng nước kia chính là nước ông ta dùng để tưới riêng cho mảnh đất đó chứ không được dùng nước trong giếng đào của chùa.

Đó là giới hạn cuối cùng rồi, tốt cho ông ta mà cũng tránh gây hại cho danh tiếng của chùa. Với các sư thầy lớn tuổi thì sẽ ít hỏi tới nhưng với những sư huynh đảm nhiệm việc bảo vệ hay canh cổng thì họ coi hình phạt dành cho ông ta vẫn còn là quá nhẹ nhàng, vậy nên nếu biết có ai mà giúp đỡ cho ông ta thì họ sẽ coi như đồng phạm mà phạt người đó. Như trước đây cũng từng có lời đồn rằng trụ trì vì thấy hổ thẹn về người sư huynh kia nên mới từ chối chức quốc sư, việc đó lại càng khiến mọi người thêm ghét bỏ kẻ tội đồ đang gánh nước kia.

Chàng trai nghe vậy thì cũng thở dài rồi lắc đầu mà tiếc cho một đời tu hành, khi có kẻ vốn xuất môn từ cổng từ bi mà lại phạm tới từng đó tội lỗi thì đúng là khó trách sao người đời không thể dễ dàng dung thứ, nhưng cũng may cho ông ta là lúc này chỉ đơn giản là tự làm tự chịu chứ không phải gánh thêm khổ nghiệp gì của người đời. Rồi cũng vì thế mà chàng trai càng thêm kính trọng vị sư trụ trì hiện tại, bởi phải là người có lòng bao dung nhiều lắm thì mới có thể lấy đức vị tha để đối đãi tốt với người phạm nhiều trọng tội như vậy.

Khi lên tới cổng chùa thì rất may là các sư giữ cổng đã giúp chàng trai trong việc tách lão già điên kia ra rồi giữ lão ở yên bên ngoài, vậy nên chàng trai mới có thể trong trạng thái tốt nhất mà bái kiến sư trụ trì.

Lúc gặp, khi đã tự mình cảm nhận được sự sâu sắc trong tâm linh của sư trụ trì thì chàng trai liền yên tâm mà nói ra kiếp nạn của mình, ngay khi nhận được lời đồng ý thử ra tay một lần của sư trụ trì thì chàng trai liền lăn ra bất tỉnh. Đây vừa là duyên mà cũng vừa là số mệnh, bởi việc có thể dùng ý chí mà cầm cự được cho tới lúc này của chàng trai cũng đã là cực hạn rồi, việc có thể làm thì chàng cũng đã làm xong, nơi phải đến thì cũng đã đến rồi, tới lúc này chuyện có - không - được - mất - thành - bại buộc phải dựa vào vị chân sư kia mà thôi.

Nhìn chàng trai từ xanh chuyển qua đỏ rồi đến tối đen thì sư trụ trì cũng không dám chậm trễ, liền ngay lập tức cho gọi các cao tăng khác trong chùa đến để cùng nhau tụng kinh nhằm hóa giải kiếp nạn cho chàng trai.

Mọi việc tuy tiến hành khẩn trương nhưng vẫn đúng với giáo lý và pháp tắc, tất cả các vị đại sư đều mỗi người tọa đúng vị trí của mình mà đọc kinh, quá trình kéo dài từ khi trời còn sớm đến giữa khuya, cho đến khi có nhà sư vì đạo hạnh và sức lực không đủ mà lăn ra ngất thì sư trụ trì mới tạm ngưng để mọi người có thể nghỉ ngơi.

Rồi sư trụ trì dùng mắt để nhìn và dụng tâm để cảm nhận mà biết được rằng sinh mệnh của chàng trai kia đang héo rũ dần theo tốc độ tan đi của khối tiên thiên đang bao bọc nhân hồn bên trong, đến khi không còn nữa thì phần nhân hồn ngoại lai đó sẽ thoát ly cùng với sự kết thúc sinh mệnh của chàng trai.

Thế là sư trụ trì kêu mọi người giải tán ai về phòng nấy, chỉ để lại một mình chàng trai nằm trong chánh điện.

Rồi sư trụ trì thắp một ngọn nến để soi trên con đường đi vào hậu viện, tại đó sư trụ trì đi đến một căn nhà gỗ đơn sơ, gõ cửa xin phép rồi mới đi vào. Lúc nhìn thấy bóng lưng của người đang tĩnh tọa bên trong thì sư trụ trì mới hành lễ mà nói:

"Bạch sư huynh, chùa đang có kiếp nạn, mong sư huynh đại thiện từ bi mà ra tay giải nạn giúp cho chùa."

- Là giúp người. - Bóng lưng kia ôn tồn hồi đáp.

"Bạch sư huynh, là đệ sai, đệ đã thiếu chân tâm, đúng là đệ muốn nhờ sư huynh giúp người."

Rồi bóng lưng kia đứng lên và nói: "Đệ lại sai nữa rồi đó, nếu là giúp người thì đệ không cần phải nhờ cậy, bởi chỉ cần nói thôi thì tất huynh phải làm theo."

Nói xong thì vị kia bắt đầu đi theo sự dẫn đường của sư trụ trì đến chánh điện, lúc dẫn đường phía trước thì sư trụ trì mới như ngộ ra gì đó rồi cười khổ mà nói:

"Phải tới lúc này thì đệ mới hiểu được ý trong câu nói năm xưa của sư phụ, rằng đệ chỉ là người giữ đèn để có ánh sáng đèn thì mới đi được, còn sư huynh thì chính là ngọn đèn.

Đèn sáng không vì nó, còn người giữ thì luôn là vì mình. Có lẽ đó là lý do mà sư phụ để cho đệ làm trụ trì của chùa này, vì đệ cùng lắm chỉ biết giữ chùa mà thôi.

Còn sư huynh thì là đạo."

Vị sư huynh kia nghe vậy thì cũng không nói gì, chỉ cười nhẹ rồi nhìn sư trụ trì với ánh mắt giống như mấy mươi năm trước vị đó vẫn luôn dùng để nhìn tiểu sư đệ của mình. Chính là ánh mắt tán thưởng và khích lệ khi dõi theo sự trưởng thành của sư đệ.

Rồi khi đi đến cửa của chánh điện thì vị kia mới dừng lại để nói với sư đệ của mình: "Đệ hiểu được như vậy thì tâm cảnh của đệ đã tăng tiến nhiều rồi, đã có thể bắt đầu thử bước thêm một bước nữa trên đại đạo vô biên, ta ở đây xin thay sư phụ để chúc mừng cho đệ."

Lúc đẩy cánh cửa ra mà bước vào thì vị đó lại nói thêm một câu nữa với sư đệ của mình, câu nói như đang từ biệt: "Cảm ơn đệ, thấy đệ như vầy thì ta cũng an tâm mà bước thêm một bước nữa, cũng an tâm vì biết rằng đạo của sư phụ nay đã có người tiếp bước rồi."

Tiếp theo thì vị đó bắt đầu dùng sinh mệnh và đạo hồn của mình tụ lại và gieo vào làm hạt nhân để giúp chàng trai kia tự xây lại nhân hồn của riêng mình. Còn chàng trai trong lúc mê man đã bắt đầu nhập mộng, một giấc mộng rất thường tình thế nhân.

...

...

Năm đó khi tuổi nàng vừa mười ba đã theo thương đoàn cha để học làm ăn mua bán, rồi thương đoàn bị cướp, bọn cướp sau khi giết sạch hết tất cả đã giữ nàng lại để lăng nhục thỏa thê rồi bán lại nàng cho lầu xanh.

Tuổi vừa mười tám thì nàng đã được các tú bà đào tạo để trở thành đệ nhất kĩ nữ chiêu bài trong kinh thành, khiến nàng sớm tối đều phải lăn lộn trong vòng tay của những khách nhân nhiều tiền hay cao sang nhất.

Năm hai mươi hai tuổi nàng được một thương gia giàu có bỏ ra số tiền lớn để chuộc nàng về làm vợ lẽ cho hắn, tưởng đã yên bình thì ngờ đâu chỉ vài năm sau thương gia đó lại đột ngột qua đời, rồi các bà vợ của ông ta mới hợp mưu đánh thuốc rồi lần nữa bán nàng cho một nhà chứa hạng bét, nơi nàng phải tiếp vô số những gã đàn ông thô tục và đồi bại nhất.

Năm hai mươi tám tuổi thì nàng phát bệnh nên bắt đầu lở loét toàn thân, rồi lại thêm do bất cẩn mà khiến mình có thai với kẻ nào đó không biết, thế là chủ nhà chứa mới cho tay sai ném nàng ra đường trong đêm mưa lạnh mà không có một cắc bạc nào trong người chỉ với duy nhất một bộ đồ rách rưới mà nàng đang mặc trên thân.

Rồi nàng bị những tên lang thang trên đường lôi về ổ của chúng để luân phiên cưỡng hiếp, đến cuối cùng thì nàng phải để mặc cho bọn chúng chà đạp lên thân thể mình chỉ để đổi lấy miếng ăn, dù chỉ chút vụn bánh hay mẩu xương gà cũng đã là cái giá mà nàng buộc phải chấp nhận để sống tiếp qua ngày, còn cái gọi là phẩm giá hay danh dự của một con người thì đã chết từ khi nàng chỉ mới tuổi mười ba kia.

Cho đến khi bệnh đã lan ra trên khắp toàn thân mặt mũi cũng như khi cái thai đã đến tháng thứ tư bắt đầu giấu không được thì nàng lại bị vứt bỏ lần nữa. Lúc này thì nàng chỉ còn cách lê lết trong bãi tha ma hòng giành giật đồ cúng của người chết.

Cho đến một ngày trong đêm thâu, khi nàng thức dậy rồi thấy cảnh một hòa thượng đang cần mẫn đào huyệt để chôn từng cái xác của các nạn dân hay khổ nhân, lúc nàng tiến tới để thử xin đồ ăn thì hòa thượng mới lấy trong ngực áo ra nửa cái bánh bột cứng mà đưa cho nàng rồi kêu nàng ở yên đó chờ ông ta làm xong việc chôn xác.

Đến sáng thì hòa thượng dắt nàng vào làng, đem hết tay nải cũng như chút tư trang vụn vặt gom góp được từ mấy cái xác kia mà bán đi, rồi đem tiền mua cho nàng một bộ đồ và một cái trâm cài tóc. Hòa thượng nói đó là sính lễ, kể từ nay ông ta sẽ hoàn tục rồi nên duyên vợ chồng với nàng.

Còn nàng, thì trong cơn kinh ngạc chỉ có thể xuôi theo, bởi dù sao thì ít nhất từ nay cũng đã có một người đàn ông chịu chăm lo cho nàng.

Kể từ đó người đàn ông dựng một ngôi nhà nhỏ cho nàng, sáng sớm ông ta làm trong lò mổ, ngày thì đi cày thuê rồi làm thêm nhiều việc nữa để kiếm tiền dưỡng thai và chữa bệnh cho nàng. Mỗi lần nàng nằm trên giường mà nghe tiếng động rồi mở mắt ra thì đều thấy cảnh chồng của mình đang nấu cơm sắc thuốc hay đang gánh nước tắm cho mình. Chính nhờ sự chăm sóc đó mà dù trên thân vẫn còn nhưng trên mặt thì những vết lở loét của nàng đã kéo da non rồi liền lại.

Phận đàn bà nếu có thêm lầu son thì họ cũng sẽ muốn, nhưng nếu nói cần thì có lẽ họ cũng chỉ cần có nhiêu đó với một người chồng như thế. Còn với nàng thì chỉ nhiêu đó thôi cũng là đã đủ lắm rồi, không cầu thêm gì nữa.

Nhưng sự đời khó đoán, bệnh tật cùng thai kỳ đã rút kiệt sức khỏe của nàng, vậy nên người chồng mới quyết định thu gom mua một chiếc xe kéo rồi đặt vợ nằm lên, để vừa chăm sóc chữa trị vừa kéo xe vượt nghìn trùng núi non đưa vợ hồi hương, chỉ mong kịp lúc vợ có thể gặp lại người mẹ già nơi quê xa lần cuối.

Đường đi đá sỏi gập ghềnh, Muôn sông lắm bể vạn đèo núi cao. Phu nhân thiêm thiếp im lìm, trượng phu máu chảy vẫn ghì bước chân. Kia là vực đó là non, đưa thân chống lại chẳng mòn quyết tâm. Ngày đi son sắc phiêu bồng, ngày về sẽ thỏa có chồng với con.

Khi đã gần đến cuối đường rồi, khi cảnh vật năm xưa đã vào ngay trong tầm mắt thì nàng không cố thêm được nữa mà vội trút hơi thở cuối cùng với đứa con vẫn còn nằm nguyên trong bụng.

Người chồng biết sức người không chống nổi mệnh trời nên mới để vợ nằm nghỉ ngơi trong miếu hoang ven đường còn mình thì đến chỗ đông người để quỳ lạy cả ngày trong nắng non mưa gió mà van xin chút thương hại của người đời, chỉ mong kiếm đủ tiền mua được cỗ quan tài cho tươm tất để đặt vợ vào trong đó mà hồi hương yên nghỉ.

May sao thì đã gặp được quý nhân tặng cho mấy tấm chiếu và túi bạc vụn. Rồi khi người chồng lấy một tấm chiếu để phủ tạm lên di hài người vợ trong lúc chờ đóng xong quan tài thì bỗng người vợ sống lại, tươi tắn và khỏe mạnh đến lạ kỳ.

Người chồng biết đây là duyên kỳ ngộ và cũng biết là chuyện hồi dương phản chiếu này của người vợ cũng không thể kéo dài được lâu, vậy nên mới thay đổi kế hoạch để thỏa nguyện của vợ mình được thêm vẹn tròn. Thế là người chồng mới dùng túi bạc kia để mua hai bộ quần áo đẹp cho mình và vợ, rồi thuê một cỗ xe ngựa có kèm theo phu xe và còn mua thêm những món quà biếu để đem về.

Lúc đến quê nhà của vợ thì người chồng nói với mọi người rằng bản thân cũng là thương gia, trước đây có làm ăn chung với cha vợ rồi nhờ quen biết nên mới được ông ấy gả con gái cho trong một hôn lễ rất linh đình.

Rồi nói với mẹ vợ rằng cha vợ năm đó do bệnh đột ngột nên mới giữa đường đi buôn mà qua đời, trước lúc ra đi ông còn nắm tay dặn dò con rể phải đối tốt với con gái của mình và nếu hai người có con thì phải đưa cả hai mẹ con về thăm quê ngoại, để bà ngoại được thấy mặt cháu.

Xong thì người chồng còn tặng quà tặng tiền cho mọi người rất hào phóng, từ đó mà nhận được sự đồng ý của họ trong việc lập rồi đưa bài vị của cha vợ vào nhà thờ tổ, giúp hương hồn của ông dẫu có lưu lạc nơi đâu thì nay cũng đã có chỗ về để nương nhờ phúc trạch của tổ tiên mà đoạn đường kế tiếp được bình an thuận lợi.

Cứ như vậy, nói dối, giả danh và lường gạt không ngừng như vậy mà người chồng đã đem đến niềm vui cho cả ngôi làng, khiến mọi người vừa mừng vừa ghen tỵ với đứa cháu gái đã lâu năm không gặp, khiến nhiều buổi tiệc vui được mở ra với rất nhiều nụ cười hân hoan của những người tham dự.

Và quan trọng nhất là đã xoa dịu đi nỗi đau suốt bao nhiêu năm qua của người mẹ già vẫn luôn đau đáu chờ tin của chồng con sao lâu lắm không thấy về. Lúc chưa biết tin thì vừa lo sợ vừa hy vọng, cứ tưởng rằng sẽ ôm nỗi đau cùng tuyệt vọng kia cho đến cuối đời thì nay tin tốt lành đã hồi đáp, dù chồng không về nhưng con gái đã về cùng với người chịu yêu thương chăm sóc cho nó, thử hỏi còn hạnh phúc nào hơn với người làm mẹ nữa đây.

Kế đó thì người vợ lâm bồn với bàn tay đỡ đẻ cắt rốn của người thân, rồi trong nước mắt hạnh phúc mà một tay vuốt ve đứa con trai nhỏ bé xinh đẹp của mình và một tay thì nằm gọn trong lòng tay của phu quân.

Rồi cứ như vậy mà cô ấy nhắm mắt lìa đời, trong hạnh phúc vô biên nhất mà một nữ nhân có thể có. Dẫu có là nữ hoàng trong lầu son điện ngọc cũng phải ganh tỵ với khoảng khắc hạnh phúc đó của nàng, một người đàn bà dẫu mang mệnh khổ nhưng đến phút cuối đời thì không có chút nào hối hận hay khổ đau, chỉ có hạnh phúc đến rạng ngời và muôn trùng hạnh phúc vẹn tròn ở ngay bên cạnh, ở ngay trong tay mình.

Sau đám tang thì người chồng để lại mọi thứ cho mẹ vợ dưỡng già rồi bồng đứa con đi, chuyện đặt đứa con vào trong khu vườn của phú hộ vừa là duyên phận vừa là tâm linh của người mẹ nơi cao xa mách bảo chỉ đường cho chồng con, đó là chuyện chỉ có thể cảm nhận rồi nghe theo chứ không thể tùy tiện lý giải.

Rồi khi về lại chùa thì chính nhà sư đó đã cam tâm chịu phạt, dù sư đệ trụ trì có thấu mọi chuyện rồi không muốn phạt thì nhà sư kia vẫn yêu cầu phải phạt.

"Bởi đúng sai tốt xấu là chuyện mỗi cá nhân tự thấu còn giới luật thì vẫn phải lưu giữ để thiện toàn cho mỗi người tu hành trên con đường rèn giũa tâm linh.

Mỗi người sẽ tùy ngộ tính mà có riêng cho mình từng thời điểm khai ngộ, việc giữ giới sẽ là cách đơn sơ và tốt nhất để họ vượt qua được những sân niệm trên hành trình trong sáng được chân tâm.

Bởi giới luật vốn không sai không đúng, nó là một cột mốc thử rèn để kẻ tu hành dựa vào đó mà chống đỡ cho hành vi tâm niệm của mình trên con đường cầu đạo.

Bởi kẻ có đạo rồi thì sẽ luôn có đạo để soi rọi, còn kẻ chưa có đạo thì phải giữ giới để biết mình chưa quá lạc đường, chưa quá lạc bước trên con đường hữu đạo chung thân.

Đạo là ánh sáng, giới luật là ngọn đèn, giữ giới là giữ cho ngọn đèn được sáng để đạo luôn ở bên ta.

Kẻ có đạo như luôn bước đi trong trời nắng sáng, kẻ đạo thành giống như bản thân là nguồn sáng phát ra, vậy nên họ có bước như thế nào thì vẫn là tự mình chọn để bước đi, để không sao lạc được.

Kẻ chưa có đạo còn không giữ được giới thì khác nào đang mò mẫm đi trong đêm không đèn không ánh sáng, vậy thì làm sao biết bước chân nào là bước đúng, làm sao biết lối đó có dẫn đến đạo hay không, làm sao để thấy được trở ngăn rồi giữ được mình không vấp ngã đây?

Vậy nên nếu đệ đơn thuần chỉ là đệ của ta thì không cần, nhưng nếu đệ đã là trụ trì thì đệ phải nghiêm minh mà giữ giới cho tất cả tăng nhân trong chùa này.

Năm đó sư phụ cho ta nhập thế vì người tin rằng ta đã có đạo, còn bây giờ ta yêu cầu đệ giữ giới là vì ta muốn đệ giữ đạo ở gần bên, để một ngày nào đó đạo sẽ có trong đệ."

Rồi sau đó là gần hai mươi năm nhà sư kia chịu phạt để giữ giới cho chúng tăng trong chùa, giữ cho hành trình ban đầu của họ được đơn sơ và tốt nhất.

Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục đây!

Ta không đem thân mình làm đá thử thì lấy chi để họ có thể dùi mài?

Đạo này ta có khi nương thân trong nhân gian vậy thì nguyện đem hết cả thân này trả lại để đạo được lần nữa hòa vào nhân gian.

...

...

Sáng hôm sau, chàng trai tỉnh lại, chuyện ảo mộng đêm qua dẫu có là hư hay thực thì cũng đã là một lần kinh qua trong tâm cảnh của chàng, mười phần lướt qua thì tan biến hết cả mười phần, cả người hay cảnh. Lúc này có hỏi lại chàng cũng không thể nào nhớ, cũng giống như chính chúng ta có mấy khi nhớ được mộng của mình đâu, đọng lại là vướng bận còn để tự nhiên tan đi thì sẽ là một lần tỉnh thức giữa hồng trần, như một lần tôi luyện để từ nay chàng có thể từ đó mà bước được xa hơn. Cứ để yên như vậy là được rồi.

Sư trụ trì để lại lời nhắn là nếu như kiếp nạn đã trôi qua thì mong chàng hãy xuống núi rồi từ nay sống tiếp số mệnh của mình, chuyện xưa muốn nhớ thì cứ nhớ nhưng bận lòng thì mong thôi. Kiếp này của người tuổi trẻ vẫn còn lâu, chỉ mong chỗ tâm niệm thiện lương có trong chàng sẽ còn được kéo dài.

Rồi chàng trai rời chùa để xuống núi, đi lại con đường ngày hôm qua, bỗng thấy cảnh vật có chút thân thiết đến lạ kỳ.

Chàng đi đến bến rồi lên thuyền để qua sông, lúc nhìn sang thì chàng thấy ngồi cạnh là một người vừa quen vừa lạ, thoạt nhìn thì thấy người này thấp thoáng khí độ của bậc cao nhân phi phàm, còn nhìn kỹ thì cảm giác như người này đã phản phác quy chân đến mức thân ảnh như hòa vào trời đất, nửa thực nửa hư không cách nào định rõ, chỉ biết là trong lòng chàng bỗng dâng lên một sự kính ngưỡng khó tả với vị trước mặt kia.

Khi thấy chàng trai nhìn mình thì vị đó mới xoay đầu nhìn lại mà hòa ái nói:

"Này chàng trai trẻ, cậu có biết vạn vật trong nhân gian này kết nối với đại đạo ở đâu và bằng thứ gì hay không?"

Lúc chàng trai vừa lắc đầu định nói không biết thì trên đỉnh núi bỗng nổi lên một hồi chuông vang vọng khắp đất trời, khiến người lái đò và những người dân sống xung quanh vừa nghe thấy thì liền nhìn về phía đỉnh núi với ánh mắt thương tâm rồi cùng cúi đầu để bái vọng. Bởi họ biết tiếng chuông vừa rồi đang báo hiệu cho mọi người biết rằng trong chùa vừa có một vị cao tăng đắc đạo nào đó đã viên tịch.

Lúc tiếng chuông đã tan đi thì vị cao nhân kia trầm ngâm thêm một chút như đang tiễn biệt cố nhân, rồi mới nhìn lại và nói tiếp với chàng trai một điều mà phải qua gần năm mươi năm cầu đạo và thêm hai mươi năm rời đạo để nhập thế hồng trần thì vị đó mới tự ngộ ra được.

Vị đó chỉ vào trái tim của chàng trai và nói:

- Là tại tâm, để luôn có một chữ tình.

*

Trương Lang Vương

*

*"*"*

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro