KHÔNG PHẢI CHUYỆN TÂM LINH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BA LẦN MỞ CỔNG.

*

Có chàng thư sinh kia đường công danh trắc trở, tạm thời đành phải xin làm nha sai gác cổng thành ban đêm để mưu sinh.

Công việc rất nhàn hạ, cơ bản là đứng dựa tường ngủ cả đêm, bởi theo quy định thì tới giờ tuất, tức là trước nửa đêm hai canh giờ, thì cổng thành sẽ khép lại mãi đến sáng hôm sau mới mở ra. Còn nếu ai có chuyện đột xuất cần xuất nhập thành thì phải dựa vào công văn hay lệnh bài để đưa ra quyết định, là chuyện hiếm gặp.

Gác cùng với chàng thư sinh là một lão ông tóc bạc lưng gù, hẳn cũng là kẻ lánh nặng tìm nhẹ để sống yên ổn tuổi già. Hai người một già một trẻ coi như cũng hòa hợp, thường xuyên chia nhau lần lượt ngủ, chỉ cần sáng ra tỉnh táo bàn giao thì coi như chẳng có chuyện gì.

Đêm nay không trăng không sao, lúc hai người đang chuyện trò đôi câu thì bỗng xuất hiện một hồn ma thiếu nữ, khóc lóc xin được vào thành. Hồn nữ đó nói :

_ Tiểu nữ là a hoàn trong phủ Cao viên ngoại, một ngày trước bị nhị thiếu gia cưỡng bức, giết chết rồi vứt xác xuống giếng cạn để phi tang. Đêm nay tiểu nữ xin được phép vào thành để báo thù rửa hận cho chính mình, mong hai vị quan sai niệm tình mà mở cổng.

Trong khi chàng thư sinh kia còn đang lạnh người kinh hãi thì lão ông nha sai đã im lặng hé cổng ra một chút để hồn nữ kia bay vào. Lát sau ông mới ung dung giải thích :

_ Chuyện vừa rồi ít gặp, nhưng đứng đây lâu thì sẽ thấy quen. Trong thành dương khí thịnh, lại có trận pháp hộ thành, linh hồn có bài vị nhang khói thờ cúng thì không sao, chứ oan hồn còn yếu mới sinh ra thì tự khắc sẽ bị đánh bay ra khỏi thành. Trước cổng trên tường thành cũng có trận đồ bùa trấn, cho nên đám oan hồn đó có mạnh lên, thì không phải muốn vào là sẽ tùy tiện vào được. Còn chuyện có cho họ vào hay không, trong quy định không nói gì, vậy nên phụ thuộc vào ý của người gác là hai ta. Vừa rồi ta mở cổng, hẳn cậu sẽ không giận ta chứ ?

Cậu thư sinh vẫn còn đang run, hai hàm răng lập cập mà gật đầu.

"Cũng là vì muốn tốt cho hai người chúng ta thôi, nếu vừa rồi không để cho hồn nữ đó đi qua. Thì sợ rằng sẽ phải thức trắng cả đêm để phải nghe tiếng khóc lóc ai oán, nếu vậy thà để người nhà phủ Cao viên ngoại nghe còn hay hơn." Nói xong thì ông lão ngáp dài, bắt đầu lim dim giành lượt ngủ trước.

Lát sau lại có tiếng động, là có một vị cao tăng đi tới, ông ta chắp tay nói :

_ Vừa rồi là bần tăng dọc đường nghỉ chân, chợt thấy có âm khí tụ tập nên quyết định đi xem thử. Được một lúc lại thấy âm khí chuyển thành oán khí bay đi nên vội vã đuổi theo. Rượt đến đây thì thấy ác khí đang hội tụ bên trong thành, vậy nên mong hai vị thí chủ hãy mở cửa, để bần tăng vào đọc kinh siêu độ, thử hóa giải kiếp nạn này cho chúng sinh trong thành.

Người gác cổng lớn tuổi liền lập tức mở cổng, a di mấy câu rồi cung kính mời vị cao tăng kia đi vào trong. Lúc khép cổng lại thì ông ta mới nói với chàng thư sinh :

_ Giang hồ tứ kỵ, hòa thượng đứng đầu. Mặc kệ ông ta muốn đọc loại kinh gì, cứ đi chỗ khác mà đọc là tốt nhất, loại hòa thượng hành khất này, hoặc là vô cùng bản lĩnh, hoặc là vô cùng tự tin. Dù thế nào thì bớt liên quan vẫn tốt hơn, chàng trai trẻ cậu có nghĩ vậy không ?

Chàng thư sinh gật đầu, lòng nghĩ đến việc đem hai chữ an nhàn gán ghép vào công việc này, liệu có đúng hay không ?

Chuyện chưa dừng ở đó, chỉ thoáng chốc sau thì xuất hiện một đạo sĩ khinh thân bay đến, giọng hấp tấp dữ dằn :

_ Ta trước đây có nhận lời bảo hộ cho Cao gia trang, vừa rồi bấm quẻ nên biết được nơi đó có chuyện, là bị thứ nhơ bẩn quấy phá, mau mở cổng thành, ta phải đến thu thập thứ nhơ bẩn kia.

Ông già gác cổng liền tỏ ra vội vã, lật đật mở cổng thành, còn nhiệt tình đưa tiễn vị đạo sĩ kia. Xong xuôi thì ông chặc lưỡi lắc đầu nói :

_ Với loại mũi trâu đó, chịu hé miệng nói một câu đã là may mắn lắm rồi, không mở thì chắc chắn hắn sẽ phá cổng, chuyện lại rầy rà ra. Thôi ta ngủ tiếp, chuyện đêm nay theo lẽ thì dừng ở đây là được rồi.

Cho đến hơn một canh giờ sau, thì bỗng xuất hiện một vị cô nương có gương mặt mệt mỏi u buồn, nhìn y phục lấm lem bụi đường thì có thể dễ đoán rằng cô ấy vừa trải qua một hành trình không dễ dàng. Vị cô nương đó nói, là năn nỉ và cầu xin :

_ Tiểu nữ có người tỷ tỷ ruột, xin được công việc làm nha hoàn trong phủ Cao viên ngoại, cũng đã lâu chưa gặp mặt. Bỗng nhiên hôm qua khi tiểu nữ đang ngủ, thì thấy tỷ tỷ của mình báo mộng là đã gặp chuyện không may. Vậy nên tiểu nữ mới lập tức lên đường tìm đến đây, mong hai vị quan gia thương tình cho tiểu nữ lúc này được vào thành, để sớm biết được tin tức của tỷ tỷ.

Chàng thư sinh nghe vậy thì mủi lòng, toan mở cửa. Nhưng lập tức bị ông lão chặn lại, còn ông ta thì hét lên với cô gái :

_ Chúng ta ở đây là mang chức trách trong người, cổng thành ban đêm đâu phải muốn tùy tiện mở là mở. Mặc kệ cô có chuyện gì, nếu không có giấy phép thông hành thì đừng mong bước vào trong. Khuyên cô tìm quán trọ ngoại thành mà lánh đến sáng mai, đúng giờ đúng giấc tới kê khai danh tính rồi hãy vào. Đó là luật, ta chỉ làm đúng theo luật, không có niệm tình gì ở đây hết.

Nói xong thì ông dùng giáo xua đuổi cô gái, phải đến khi cô ta đã thất vọng bỏ đi thì ông mới dừng lại.

Chàng thư sinh vừa ngạc nhiên, vừa tức giận. Với chàng thì rõ ràng là ông lão kia mềm nắn rắn buông, lại cậy thế hiếp người. Với những ai không dễ đối phó thì ông ta thả cửa cho vào, còn với một cô gái chân yếu tay mềm, mặc dù nói chuyện có tình có lý, thì ông ta lại đóng cửa đuổi đi. Cậy luật thì sao chứ, ngay từ đầu ông ta đã không làm đúng luật, dù thế nào thì lần này chàng cũng không thể nào đồng tình với ông lão được. Vậy nên chàng thư sinh quyết định hỏi cho ra lẽ :

_ Lần này nếu ông không cho tôi một câu trả lời sao cho thỏa đáng, thì ngày mai tôi sẽ xin chuyển nơi trực, hoặc là thôi không làm nha sai nữa, chính bởi vì tôi không muốn đứng chung một chỗ với ông.

Ông lão mới mỉm cười, ung dung nói :

_ Cho oan hồn kia đi vào, dù có chuyện gì xảy ra, thì cùng lắm cũng chỉ là ân đền oán trả, giết người đền mạng. Đó là công đạo.

Cho tăng nhân kia đi vào, không cần biết là có khuyên giải được hay không, thì ít nhất cũng có một tâm nguyện được hoàn thành, đó là tâm đạo.

Cho đạo sĩ kia đi vào, âm trần hai giới, không cần biết ông ta có phải là người hiểu lý lẽ hay không, thì mục đích chính của ông ta vẫn là làm việc của mình, bảo vệ người ở giới này. Đó là tư đạo.

Còn cho cô gái đi tìm tỷ tỷ kia vào, cậu nói thử coi, chuyện gì sẽ xảy ra ?

_ Cô ta sẽ tới phủ Cao viên ngoại để tìm tỷ tỷ ?

"Sẽ là tìm không thấy, rồi sao nữa ?"

_ Cô ta sẽ đi báo quan.

"Nếu anh là người nhà họ Cao, anh có để yên cho cô ta làm điều đó hay không ?"

_ Họ dám sao ?

"Có gì mà không dám, nhị thiếu gia nhà họ cưỡng bức sát nhân giữa thanh thiên bạch nhật, không lẽ là lần đầu, không lẽ không ai biết ? Mà cho dù họ không biết thì sao, không lẽ họ để một tiểu cô nương vô danh tiểu tốt tùy ý dựa vào một giấc mơ mà tố cáo, bôi nhọ danh tiếng của họ hay sao ?"

_ Sẽ không đến mức độ đó chứ ? Danh tiếng nhà họ Cao lâu nay cũng đâu quá tệ.

"Được, là ta nghi oan cho họ. Vậy nếu ngươi là quan phủ, nhận được báo án mất tích rồi, ngươi sẽ tính sao ?"

_ Tôi..

"Là làm sơ sài cho xong, bởi chẳng ai hơi đâu mà vì một nha hoàn lại khiến bản thân mất lòng một viên ngoại. Thế là cô gái kia sẽ không cam tâm, cho nên sẽ tiếp tục đi tìm. Lần này thì chuyện gì sẽ xảy ra với cô ấy ?"

_ Là..

"Là gặp họa, đúng hơn là tự chuốc họa vào mình. Điều ta vừa nói đã là giảm nhẹ, bởi thử nghĩ theo một hướng khác nữa, là hướng cậu mới vừa rồi có biết. Đó là lỡ oan hồn kia đã báo thù xong, cô ta đi tới ngay lúc nhà Cao viên ngoại phát tang cho nhị thiếu gia nhà họ. Rồi ăn nói dò hỏi không cẩn thận, thử hỏi xem bọn họ sẽ làm gì khi có chỗ để trút giận, để báo thù cho cái chết của vị thiếu gia kia ?

Nói một câu đơn giản, đêm nay ai cũng có thể vào cổng để tới Cao gia trang, quỷ sứ hay thần phật gì ta cũng đều có thể mở cửa mời vào. Chỉ riêng một mình cô gái kia là không. Đó là chính đạo của ta."

Cậu thư sinh giật mình, lặng người suy nghĩ, cuối cùng cũng có hiểu ra ít nhiều, sau mới hỏi thêm một câu nữa.

_ Nếu vậy thì việc kêu cô ấy chờ đến sáng mai mới vào thành thì cũng đâu có khác gì đâu ? Chẳng phải vấn đề vẫn nguyên như vậy hay sao ?

Ông lão mỉm cười lần nữa :

"Khác chứ, khác nhiều, bởi vì ngày mai chắc chắn sẽ có người đi theo để dẫn đường, chỉ vẽ cho cô ấy. Ít nhất sẽ không khiến cô ấy tự chuốc họa cho mình."

_ Là ai ?

"Chẳng phải chính là chàng trai trẻ cậu đó sao ? Làm sao biết chuyện rồi mà cậu lại có thể bỏ mặc cô ấy được chứ. Bởi đó chính là nhân đạo của cậu.

Thôi ta nhường cậu ngủ trước đó, đằng nào thì ngày mai cậu cũng sẽ bận rộn nhiều hơn ta."

Chàng thư sinh vậy mà gật đầu rồi ngồi bệt xuống ngủ thật, đêm nay từ ba lần ông lão mở cổng thành, những gì mà chàng trai học được, chưa chắc đã ít hơn từng đó năm trời đèn sách.

Còn chuyện gì sẽ diễn ra tiếp vào ngày mai, thì phải dựa vào cái gọi là nhân đạo của chàng ta rồi.

*

Trương Lang Vương

*

NHÂN GIAN LỘ.

*

Có một chàng trai từ nhỏ đã đi theo thầy của mình để hành nghề bốc thuốc giúp đời, người thầy kia chính là một danh y nổi tiếng đương thời, không chỉ là về tài năng, mà còn là về đạo đức và nhân phẩm.

Năm tháng trôi đi, chàng trai đã gần 30 tuổi, từng đó năm theo thầy lang thang khắp miền xuôi ngược, hái đủ loại cỏ cây, gặp đủ hạng người, thăm đủ loại bệnh, mưa gió bão bùng, hanh khô gió rét, cay đắng khổ cực hay vinh nhục đều đã trải qua. Cho đến lúc người thầy gầy dựng được một y đường rộng rãi, có thể nói chàng trai lúc này đã kế thừa được trọn vẹn y bát của thầy, là một lang y có đủ tâm tài và đức. Mối quan hệ giữa hai người, là thầy trò là cha con là đồng sự, hiếu kính lễ nghĩa hiểu thấu cảm thông có thừa.

Một hôm giữa chính ngọ, người thầy mới nói với chàng trai rằng : "Cũng đã đến lúc rồi, hôm nay lấy con làm chủ, mọi ca bệnh thăm khám đều do con tùy nghi mà hành sự, ta một chút cũng không can thiệp vào. Sau này cũng vậy, vừa là tre già măng mọc, vừa là nước mát rửa tay." Chàng trai tuân theo lệnh của thầy, khoác áo y chính, tự tin ung dung ngồi tiếp đón ở chính đường.

Lạ lùng, ngày hôm nay vậy mà trời quang mây tạnh, bốn phương được thái hòa, cả ngày từ sáng sớm đếm chiều tàn, không có một ai bước vào cổng tìm đại phu. Với mọi người thì đó dĩ nhiên là chuyện tốt, nhưng với chàng trai thì khó tránh trong lòng có chút bồi hồi, ngẫm lại thì cũng không khác mấy so với việc đem thịt heo ngon ra chợ bán vào đúng ngày toàn quốc ăn chay. Không buồn, nhưng cũng khó vui.

Rồi đến đúng nửa đêm thì bỗng có tiếng đập cửa, gia nhân ra mở thì tiến vào chính là một thiếu phụ mặt mày đoan trang diễm lệ, trang phục sang trọng cầu kỳ, nhưng trên gương mặt thì ngập tràn vẻ hớt hải lo lắng, mắt thâm môi quầng, lúc gặp được thầy lang thì nước mắt tuôn ra như mưa, chính là khẩu cầu xin thầy hãy cứu lấy đứa bé trên tay mình. Là một bé trai mới sinh chưa đầy tháng.

Thầy thuốc trẻ xem mạch đoán bệnh, không kìm được mà buông ra một tiếng thở dài. Đứa trẻ đã trúng phải một loại độc vô cùng thâm hiểm, độc tính đã truyền vào tận tâm can, sớm phát hiện thì còn có ba phần cứu được, nhưng đến lúc này thì không thể nữa rồi. Là người lớn thì còn có cách kéo dài hơi thở một hai canh giờ để buông lời trăn trối, nhưng nhỏ thế này thì chỉ còn có thể đếm bằng nhịp đập mà thôi.

Chàng trai nhìn người thiếu phụ khóc lóc kêu gào, nhìn đứa nhỏ tím tái đang rời xa từng chút, rồi quay lại nhìn người thầy đang ngồi nhắm mắt dưỡng thần. Chàng thở hắt ra một hơi rồi quyết định dứt khoát, lấy ra một lọ thuốc vẫn còn dấu niêm phong. Lúc chàng trai cầm lọ thuốc trên tay, đôi mắt người thầy có hé mở ánh ra một tia nhìn, rồi cũng từ từ khép lại.

Từng đó năm hai thầy trò phiêu bạt, lý do chính là để hành nghề, nhưng cũng có một việc quan trọng không kém chính là tìm dược liệu. Rồi theo một đơn thuốc bí truyền mà luyện ra được một loại linh đơn, sau nhiều lần thử không thành, kết quả là chỉ có một lò cuối cùng thành công, số lượng ít đến thảm thương, chỉ có bốn viên thành hình. Loại linh đơn trân quý này mất một thì chính là mất một, không biết phải đợi đến ngày tháng năm nào mới có thể luyện ra thêm. Vốn được cả hai thầy trò thống nhất coi là báu vật áp hòm hay bảo bối cứu mệnh. Công dụng của loại linh đơn đó có thể miêu tả ngắn gọn trong bốn chữ "Cải tử hoàn sinh".

Khi chàng trai khui phong ấn, bỏ viên linh đơn vào miệng của đứa bé, việc đó có ý nghĩa ra sao không phải vài từ là có thể nói hết được. Quả nhiên, đứa bé đã được cứu sống, chuyện kế tiếp cũng dễ đoán, từ nước mắt sang nụ cười, là tốt đẹp.

Khi hai mẹ con kia vừa rời đi, cửa chưa kịp đóng thì bỗng xuất hiện một toán cướp tay lăm lăm vũ khí tràn vào. Bọn chúng khống chế đám hạ nhân, kề đao sát cổ hai thầy trò, yêu cầu bằng mọi giá phải cứu đầu lĩnh của chúng, làm không được thì tắm máu y đường.

Tên đầu lĩnh kia bị trọng thương, mặc dù đã được băng bó nhưng do mất máu quá nhiều lại thêm nhiễm trùng, da thịt bắt đầu hoại tử lan vào nội tạng. Đây cơ bản là một cái xác chứ không phải người sống, nhẽ ra nên đem đến nghĩa trang thì sẽ đúng hơn. Đứng trước sự đe dọa của bọn cướp, lại thêm lo lắng cho an nguy của thầy, chàng trai không còn cách nào khác ngoài việc dùng đến một viên linh đơn. Tên đầu lĩnh kia được cứu sống, bọn cướp vui vẻ hù dọa thêm mấy câu rồi bỏ đi, mọi người vẫn bình yên không ai gặp thương tổn gì, vậy là được rồi.

Bọn cướp vừa lui thì trước cổng bỗng xuất hiện một hắc y nhân, đầu che khăn, hông đeo vũ khí, trên lưng lại có cái bọc gói ghém vội vàng, nhìn thoáng qua là đã biết ngay đây là một tay đạo chích chuyên nghiệp, loại sẵn sàng vì tiền tài mà ra tay thủ ác.

Tên trộm không chút kiêng dè, tiến tới chỗ chàng trai rồi phanh ngực áo đòi xem bệnh. Trên ngực của hắn có một vết lở loét nhìn thấu xương, thấy rõ nhịp tim đập, là do một loại độc trùng cắn phá. Đây là biểu hiện thường thấy của một loại bùa ngải trù ếm, thông thường là người một khi đã dính bùa rồi, trừ khi được đích thân người ếm bùa phá giải, nếu không coi như đã nắm chắc cái chết. Y học bình thường không cứu được.

Tên trộm biết rõ điều đó, vậy nên hắn chủ động nói trước rằng : "Kẻ ếm bùa ta, sớm đã bị ta giết chết ngay lúc đó rồi." Sau đó hắn lôi cái bọc trên lưng ra, trong đó có rất nhiều vàng bạc châu báu ngân phiếu, ý rằng chỉ cần chữa được bệnh thì toàn bộ sẽ xem như chi phí.

Người chứ không phải thánh nhân, mà thánh nhân thì cũng không dám thiếu phần xem trọng tiền tài. Ánh sáng lấp lánh kia quả thật làm chàng trai lóa mắt, nhưng có một thứ trong đống đó làm chàng ta chú ý nhiều hơn. Đó là vài cây thảo dược đặc biệt vô cùng hiếm có khó tìm, mà có tiền cũng chưa chắc có thể tìm thấy để mua. Vô tình hơn nữa là, đó chính là những cây thuốc chủ đạo còn thiếu để tiếp tục mở lò luyện loại linh đơn cải tử hoàn sinh kia.

Chàng trai cắn răng suy xét trước sau, giữ gạo trong bồ không bằng vác cày ra ruộng. Huống hồ đã treo bảng hành nghề, không phân biệt bệnh nhân cũng là một phần y đức, việc không hẳn là quá đúng, nhưng nếu không sai và có lợi ích rõ ràng, thì vẫn nên buông tay để làm. Chàng trai quyết định dùng thêm một viên linh đơn nữa. Công hiệu của nó quả nhiên quá ư thần kỳ, sau khi vết bùa ếm được chữa khỏi, tên trộm liền giữ lời trao ra hết vật báu. Chỉ là có một việc, đó là sau khi nhìn thấy và biết được công dụng của linh đơn, tên trộm khi đã chắc chắn bản thân mình thoát nạn. Hắn liền nhanh tay đoạt lấy cái bình đựng linh đơn rồi phóng ra cửa đi mất, cũng may là trong bình đó vốn cũng chỉ còn một viên linh đơn duy nhất. Tính ra nếu so với những thứ vừa nhận được, thì cũng còn là có lợi.

Đúng lúc này thì người thầy lại ho khan, chính là bệnh cũ tái phát, người học trò vừa bắt mạch thì liền sợ hãi, chính là đã đến mức không thể cứu vãn được nữa rồi. Bệnh tình của người thầy thì cả hai đều đã sớm biết rõ, linh đơn kia gọi là bảo mệnh cũng chính là vì lý do này. Người học trò vốn đã luôn tâm niệm rằng bằng mọi giá phải giữ lại để tới đúng lúc giữ mạng cho thầy. Để rồi ngay ngày đầu nắm quyền làm chủ, chỉ trong một đêm mà xảy ra cơ sự như thế này. Muốn hối hận, cũng không có mặt mũi mà hối hận.

Rồi bỗng nhiên người thầy giống như hồi dương, kêu học trò rót trà ngồi ngay ngắn nghe ông nói chuyện. Người học trò không dám không nghe theo, bởi anh biết rõ đây có thể chính là di ngôn của thầy. Một ngày làm thầy cả đời làm cha, thật khó nói hết tâm trạng của anh ta lúc này như thế nào.

Người thầy tỉnh táo, từ tốn mà kể lại một câu chuyện.

"Tám mươi năm trước có một cô gái con nhà gia giáo được gả vào làm thiếp của một gia đình quan lại giàu có. Những tưởng rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp nhưng chẳng may tai họa lại ập đến. Khi cô đang mang thai đến tháng thứ tám thì phu quân đột nhiên qua đời. Kể từ đó cô phải sống dưới sự hành hạ ghét bỏ của vợ cả vợ kế, cô cố gắng cam chịu cho đến khi sinh ra được đứa con trai thì bị vu là con hoang lang chạ. Không dừng lại ở đó, khi đứa bé chưa tròn tháng tuổi thì bị bọn họ nhẫn tâm hạ độc, chính là muốn diệt đi người kế thừa gia sản sau này.

May mắn, đứa trẻ được một vị lang y dùng thần dược để cứu sống, nhưng mẹ góa con côi không dám về lại nơi hang hùm miệng hổ đó, đành phải dắt dìu nhau lưu lạc trong nhân gian. Cuộc sống khổ cực, hơn mười năm sau thì người mẹ lâm bệnh rồi qua đời, đứa con sống kiếp đầu đường xó chợ, chịu đủ đau khổ ghẻ lạnh của người đời. Nó mỗi ngày mỗi lầm lạc, cuối cùng sa chân vào tội ác, tuổi mới 30 đã là đầu lĩnh của một băng cướp nổi tiếng khắp vùng, không có chuyện xấu gì không làm qua, chính là có thể gọi bằng ba tiếng đơn giản : "Đại ác nhân."

Một lần kia trong cuộc vây hãm của quan quân triều đình, hắn ta bị trọng thương tưởng rằng đã chết, nhưng không ngờ lại được thần dược cứu sống. Sau đó băng cướp của hắn ta do mất đi nhiều thành viên nên cũng từ từ tan rã. Có chút tài sản dành dụm nên hẳn ta quyết định hoàn lương, nhưng không ngờ lại gặp trúng năm chạy giặc, của cải mất sạch trong một đêm, mèo lại hoàn mèo, một lần nữa hắn ta lại chọn cách cầm đao lên để kiếm sống. Là một tướng cướp độc hành, một tên trộm khét tiếng.

Năm 40 tuổi hắn ta đột nhập vào một đạo tràng thần bí, nhân lúc sơ hở một đao giết chết đạo trưởng canh giữ, rồi trộm lấy báu vật trấn phái của nơi đó. Là một cái hộp, bên trong có một quyển sách về y dược, một bí kíp ngũ hành độn giáp và một viên ngọc có mùi thơm. Nhưng người tính không bằng trời tính, người đạo sĩ kia vốn đã đặt sẵn bẫy bên trong hộp, lúc mở ra thì tên trộm đã dính bẫy, là một loại ngải trùng ăn thịt người.

Nhờ bí kiếp về thuật đạo kia, khả năng trèo tường khoét vách của tên trộm ngày một xuất quỷ nhập thần, vàng bạc kiếm được nhiều không kể xiết. Nhưng theo đó thì ngải trùng kia cũng ngày một phát triển, sớm muộn gì hắn cũng sẽ chết đau đớn, đừng nói là không toàn thây, đến xương cốt cũng sẽ bị ngải trùng nhai vụn ra thành cám. Thật không thể ngờ là một lần nữa hắn ta lại được cứu, rồi lại ngựa quen đường cũ, ra đi cướp lấy bình linh đơn của vị ân nhân vừa cứu sống mình.

Lý do hắn làm vậy không phải là vì nhất thời tham lam, mà vì viên linh đơn đó khiến hắn nghĩ về một bài luyện thuốc trong quyển sách y dược, có tên là hoàn sinh đan. Hắn ta cướp lấy là để nghiên cứu, mà mục đích cuối cùng chính là bài thuốc cuối cùng trong sách, loại thuốc có tên là "trường sinh đan".

Con người ai mà không sợ tuổi già, không khát khao được sống mãi, chẳng qua vì biết điều đó là không thể nên họ mới hướng tới mục tiêu khác như tiền tài vật chất. Để rồi lúc này khi đã thấy một tia hy vọng thì tên trộm kia mới hoàn toàn hướng vào mục tiêu đó, chính là muốn được trường sinh.

Muốn chế ra bài thuốc cuối cùng khó khăn nhất, thì phải bắt đầu bằng bài thuốc đầu tiên đơn giản nhất, thế là hắn ta bắt đầu bằng con đường nghiên cứu y dược. Nhờ có sự giúp đỡ của quyển sách kia, có thể nói là so với người khác, hắn một ngày đi vạn dặm. Thời gian trôi qua, y học càng tinh thông, trong quá trình học hắn ta cũng bắt đầu chữa bệnh cứu người, lúc đầu là thử nghiệm, lúc sau lại trở thành tâm nguyện. Dần dần, cách sống và con người của hắn thay đổi, không còn quá khứ đầu trộm đuôi cướp nữa, mà đã trở thành một danh y có tiếng. Cứu người, tìm dược liệu luyện thuốc để tiếp tục cứu người đã trở thành lý tưởng sống của hắn lúc nào không hay.

Rồi đến một ngày năm vị danh y kia hơn 50 tuổi, trong một lần vô tình đi ngang qua cái đạo tràng năm xưa, ông ta bỗng nghe được tiếng khóc của trẻ con. Bước vô thì thấy trên bồ đoàn giữa chính điện có một bé trai đang lịm dần, chính là sắp chết. Không kịp để điều chế thuốc, lại nghĩ về chuyện năm xưa, ông ta quyết định đem viên hoàn sinh đan kia ra để cứu sống đứa trẻ. Rồi từ đó xem nó như con, chăm sóc nuôi nấng, truyền dạy y bát.

Mỗi ngày đứa trẻ lớn lên, ông càng nhận ra một điều đó là gương mặt nó vô cùng giống với vị đạo sĩ mà năm xưa ông giết. Nhưng càng như vậy thì ông lại càng yêu thương nó hơn, chính là muốn biến nghiệt duyên thành nhân duyên, rồi thiện duyên.

Rồi năm ông 80 mươi, người học trò đó 30, trong đêm trao hết quyền hạn di sản cho người học trò của mình, khi chứng kiến hết tất cả mọi chuyện diễn ra trong đêm. Ông mới ngộ ra được một điều, chỉ cần còn là người, chỉ cần còn ở nhân gian, thì không có cái gọi là trường sinh. Có chăng chỉ là cố lấp liếm tạo hóa, cái gọi là trường sinh đan kia thực chất nên gọi là "luân hồi đan" thì sẽ đúng hơn. Chính là thứ mà ông vốn luôn giữ bên người, chính là viên ngọc đó, mùi thơm kia chính là dược hương."

Cuối cùng, người thầy mới tự nói nhỏ với bản thân một câu : "Luân hồi chính là luân hồi, không thể hẹn kiếp sau bởi mãi mãi chỉ có một kiếp này." Rồi sau một tiếng thở dài cuối cùng, ông nhắm mắt ra đi.

Người học trò sau khi chôn cất thầy, mới tìm thấy trong tư trang để lại hai quyển sách và viên ngọc kia. Rồi cũng theo đó mà học tập. Mấy chục năm sau khi tuổi đã cao, học trò của y đường cũng đã nhiều, người đó mới quyết định thoái ẩn đi ngao du. Đến khi vô tình tìm thấy một đạo tràng thanh tịnh, nằm ở nơi phong cảnh hữu tình ít người qua lại, mới quyết định ở đó để tịnh tu.

Cho đến một ngày trong đêm, có một tên trộm lẻn đột nhập vào.

"Năm viên linh đơn, ba viên cứu một người, một viên vẽ vòng nhân quả, một viên tái tạo luân hồi.

Vòng xe lịch sử luôn tiến lên, nhưng cũng luôn lặp lại, chuyện trong thế gian muôn đời là mới nhưng mỗi thời đều là chuyện cũ kể lại đó thôi.

Thế gian không bao giờ mờ mịt, chỉ có thế nhân mịt mờ trong hạn trường cuốn lấp. Người không nhìn mà thấu đến cao xanh, cảm thấy mọi chuyện chẳng ngỡ ngàng."

*

Trương Lang Vương.

*

Lời bình vốn đã viết ra, tự bản thân cũng thấy rất ưng ý. Nhưng phút cuối lại chọn xóa đi, chính là muốn nghe nhiều hơn những lời luận từ mọi người.

Có một quỷ sai đến gặp Diêm Vương, quỷ sai nói rằng nó đã làm quỷ quá lâu rồi, nay muốn cầu xin được làm người.

Diêm Vương bảo nếu muốn đầu thai làm người thì trước đó nó phải trải qua 9 kiếp làm thú vật cỏ cây, quỷ sai kia đồng ý.

Rồi nó lần lượt trải qua 9 kiếp súc sanh không hề oán thán. Diêm Vương thương tình cho nó được quyền tự lựa chọn cổng đầu thai của kiếp người, bảo nó ra gặp những linh hồn đang xếp hàng ở trước cổng địa ngục mà hỏi thăm. Thích sống cuộc đời như thế nào thì sẽ cho nó đầu thai như thế đó.

Nó đi rất lâu rồi mới quay về, ủ rũ mà nói:

- Thưa Diêm Vương, con không muốn làm người nữa.

Diêm Vương mới hỏi tại sao. Nó trả lời:

- Bởi vì ngoài đó ai cũng luyến tiếc cả, tiếc vì những việc đã làm hoặc chưa làm. Đến cuối cùng vẫn luôn là bỏ lại hết tất cả mà ra đi. Vua chúa hay ăn mày cũng đều chung một kết cục như vậy. Thế thì làm người cũng đâu có ích chi?

Diêm Vương thở dài, câu hỏi này ngài cũng không trả lời được, thế là mới quyết định dắt theo quỷ sai kia đến gặp Địa Tạng Vương Bồ Tát để hỏi chuyện.

Địa Tạng Vương nghe xong thì hỏi quỷ sai:

- Dầu trong vạc dầu có thay mới hay không?

Quỷ sai đáp:

- Dạ không thưa Bồ Tát, cứ chiên người này, rồi lại dùng mỡ của người này để chiên người khác.

Địa Tạng Vương lại quay sang hỏi Diêm Vương:

- Địa ngục này, có thay mới hay không?

Diêm Vương trả lời:

- Là không thay đổi.

Địa Tạng Vương lại hỏi cả hai:

- Vậy từ đâu có quỷ sai, từ đâu có Diêm Chúa, từ đâu có Địa Tạng ta, là cũ hay là mới? Cũ thì từ đâu tới? Mới thì từ đâu đổi về?

Thấy hai người kia im lặng, Địa Tạng Vương giảng tiếp:

- Là từ nhất niệm mà ra. Nhất niệm thành Phật, nhất niệm thành ma.

Làm quỷ có quỷ đạo, làm người có nhân sinh, làm thần tiên cũng có tiên lộ, Phật cũng có Niết Bàn.

Chúng sanh bình đẳng, ai nói Phật đáng giá hơn cỏ cây? Như Lai nói phật pháp vô biên, chứ không nói Phật là vô biên.

Vốn dĩ luôn là hành trình, để trải nghiệm chứ không phải để so đo.

Đầu thai là quy luật công bằng của vạn vật, cho một cơ hội để tìm thấy niệm của mình, từ đó mà bước tiếp. Trời không triệt đường sống của ai, đạo cũng không bít lối của những ai muốn tìm, cỏ cây thay lá, chim chóc thay lông, vậy thì hà cớ gì ta lại không cho mình thay cốt?

Có thể tìm không thấy, nhưng không thể không có cơ hội để tìm, càng không thể không cho mình cơ hội.

.

Quỷ sai nghe xong thì ngẩn ra nghĩ một chút, sau cảm tạ rồi bước vào cổng đầu thai của mình, tự nhiên không chọn lựa.

Vốn là không thể so đo, vậy nên cũng không cần biết quỷ kia đã đi đến bước đường nào.

Chỉ cần biết là mỗi chúng ta đều đang ở trong cơ hội, trong hành trình của mình.

Có thể luyến tiếc, nhưng xin đừng là vô nghĩa.

*

Tặng người tặng ta.

Có cô gái mồ côi, từ nhỏ đã bước chân vào đường tu.

Tuổi thiếu nữ động tình, bỏ chốn tu để chạy theo người trần tục.

Ba năm sau, nửa đêm khuya mưa gió, có cô gái run bần bật ngồi nép nơi mái hiên chốn lạ. Hành trang ít ỏi, ôm đứa con bé nhỏ đang kêu khóc trong lòng.

Vài năm sau trong hợp phố, có nữ nhân nổi tiếng phong trần, chốn thanh lâu người đông nườm nượp, đàn ông là khách, khách là món hàng, món hàng thì cân đo đong đếm.

Rồi nàng gặp một thư sinh, đáy lòng trần lại động. Trên đời này luôn có thứ có thể bán cho người, nhưng lại không thể trao cho người.

Động, là đau lòng. Biết đau nhưng vẫn động.

Người hẹn người ba tháng, khi đi áo vải, khi về sẽ áo quan, sẽ có xe to ngựa lớn kiệu đầy, để cùng nhau vào chốn mộng.

Có hẹn có thề thì sẽ có chờ có đợi, chốn bùn ấy đã có một đóa sen, hương sen không phải trên thân cành, hương sen là tâm của chân tình chờ vẹn.

Thấm thoát lại ba năm, thư sinh xưa bây giờ đã trở thành hành khất. Đóa sen xưa dẫu khô héo vẫn cố đợi chờ, hoa phai rồi nhưng chút hương xưa sen vẫn cam lòng níu kéo.

Rồi thêm ba năm nữa, chén mẻ đã thay thành trì bát. Người buông áo vải, người bỏ áo quan, người rời xa áo tục, để mặc lên áo tràng.

Trần duyên đưa đẩy, trăm lối dẫn về đây, luật tăng không phạm, nhưng thâm tâm lỗi dẫn đường. Chốn hẹn năm xưa nay người đã lại rồi.

Người ngẩng đầu lên, nhìn thấy người trong lầu phấn.

Người cúi đầu xuống, đắng cho mình hoa nát tan.

Nhân duyên đã tận, sao lệ vẫn đong đầy.

Tình xưa đã tan, sao hương nồng còn chưa dứt.

Một người đêm cười ngày khóc, một người trăm tiếng cất vào trong. Ân ái không cho đi miễn phí, kinh kệ không ép người cầu xin.

Cõi trần có thêm chi thì cũng là cõi vắng, chốn tịnh có xua tan thì vẫn là chốn đông.

Chỉ mỗi một sẽ là vắng, có được một đã là đông.

Cách nhau chỉ một tầng lâu nhưng còn xa hơn cả thiên trùng vạn nẻo. Mãi mãi vẫn là cách một tầng lâu.

.

Có cô bé kia, tuổi còn nhỏ nhưng đã phải làm người hầu dọn dẹp trong nhà chứa. Công việc nặng nhọc, mặt mũi lấm lem, y phục cũ kỹ, lúc nào trên thân cũng hôi hám.

Cô bé chỉ biết là mình bị chủ mua về để làm người dọn dẹp, từ nhỏ đã không có mẹ không có cha, chỉ có chủ nhân. Ai cũng là chủ nhân, dù là khách hay kỹ nữ. Họ sai bảo thì cô bé phải làm theo, họ làm dơ thì cô bé phải dọn rửa.

Trong đám kỹ nữ thì có một người hay nói chuyện với cô bé, thi thoảng có lén lút cho cô bé vài món ăn ngon, cho chăn mới gối mới đệm mới, nhưng không bao giờ cho quần áo mới. Có lần kia dịp lễ tết, cô bé tắm rửa sạch sẽ rồi khoác lên bộ đồ mà cô bé xin được từ ai đó, nhìn cô bé rất đẹp, rất xinh xắn, rất dễ thương.

Chợt kỹ nữ kia đi qua, nhìn thấy thì liền nổi giận, lớn tiếng mắng chửi cô bé, bắt cô bé phải mặc lại đồ cũ, rồi còn vò tóc vò tai cho rối hết cả lên, lấy bụi bẩn trây trét lên mặt cô bé. Thấy đủ bẩn đủ xấu rồi thì kỹ nữ mới cam lòng rời khỏi.

Đêm đến, kỹ nữ đó lại đem đồ ăn ngon cho cô bé, cho ăn rồi dặn dò, rồi ru ngủ.

Hôm qua, kỹ nữ đó vừa chết, bạo bệnh đến bất ngờ, còn là người thì không tránh được.

Hôm nay, tú bà tắm rửa cho cô bé sạch sẽ, thay đồ mới xịt nước thơm, thoa thêm son phấn, chuẩn bị bán đi cái lần đầu.

Khách mua nườm nượp, ra giá nhiệt tình, tú bà bán được cả cái suất lần đầu lần kế rồi cả lần sau của cô bé. Là bán được rất nhiều suất cho nhiều lượt với nhiều khách trong một đêm.

Rồi khi cô bé sắp mất đi cái lần đầu, khi mà khách mua đã chốt cửa phòng lại với nụ cười nham nhở trên môi. Thì bỗng khu nhà phía sau của kỹ viện chợt bùng cháy lên dữ dội, khiến người người phải nháo nhào đi dập lửa. Lúc xong xuôi hết thì mới nhận ra là vị khách kia đã bị ai đó đánh ngất, còn món hàng thì bị cướp đi.

Lúc cô bé bình tĩnh lại thì thấy mình đang ở trong một cái am thanh tịnh, xung quanh là các ni cô hiền hậu. Từ đó mà cô bé bước chân vào đường tu.

Dĩ nhiên, là lòng trần sẽ động, mà đã động thì giống như nhiều cô gái mới lớn khác, cô bé đó đã bỏ am đi trong đêm.

Vài năm sau, trong một đêm mưa gió đói rét bơ vơ nơi đất khách quê người, khi đứa con nhỏ đã khóc nhiều đến mức lả đi vì đói, cô gái đó nhìn vào cửa lớn của chốn thanh lâu đang sáng đèn trước mặt, là chỉ còn một nơi đó để nhìn.

Cô gái nhắm mắt thở dài quệt cho khô đôi dòng lệ rồi đứng dậy, dấn bước về hướng có ánh đèn màu hồng phấn. Đó là nơi mà cô có thể bán đi cái gì, đổi được cái gì, hay mất đi cái gì đó để có thể níu tiếp sự sống cho hai mẹ con cô.

Chỉ khác là lần này khi chỉ còn cách cửa động mấy bước chân thì có một vị sư xuất hiện trước mặt cô gái, vị sư nhận lấy đứa bé, hứa là sẽ chăm sóc cho nó đàng hoàng cho đến khi cô gái có thể nhận lại.

Khi vị sư rời đi thì cô gái cũng bước tiếp. Nhưng không phải là hướng đến chốn thanh lâu kia, là hướng khác, hướng nào cũng được, không quan trọng. Chỉ cần cái hướng đó có thể giúp cô giữ lại cho con của mình được một lần gọi mẹ.

*

.

Cái có thể trả mọi giá để có được, thì vẫn là cái trả giá được.

Cái mà mất đi hết tất cả rồi mà nó vẫn còn, thì nó sẽ luôn là chính nó. Là 'chân' để muôn đời cần trân trọng.

*

Trương Lang Vương.

*

Người không thấu được cõi trần, sẽ sống trong trần tục.

Người không hiểu được cõi tục, sẽ chìm trong hồng trần.

Người mệt mỏi với hồng trần, sẽ tìm cách cắt đứt.

Cắt đứt không được, thì bi ai.

Tại sao phải bi ai? Tại sao cần cắt đứt? Tại sao đắm hồng trần? Tại sao chìm trần tục? Tại sao lại để ta chỉ mỗi trong cõi này?

Hiểu được rồi, thấu được rồi, đến được rồi sẽ thấy cõi trần, cõi tịnh, cõi thanh, cõi cao xanh hay cõi vô lượng, cũng chỉ là một mà thôi.

Hạt trong hoa, hoa trong chậu, chậu trên kệ, kệ trong phòng, phòng trong nhà, nhà trên đất, đất trong bao la, bao la trong vô lượng, vô lượng trong vĩnh hằng. Nở ở đâu là do hạt mầm kia tự ngộ.

Chỉ có thế nói nhỏ với hạt mầm đó rằng: "Tất cả đều có trong đó một chữ tình."

Tình đậm trong thân là tình đủ, tình nhạt trong tâm là tình tràn, tình mơ hồ trong luân luân kiếp là tình ôm trọn cả nhân gian. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro