THẾ NÀO LÀ CỨU NHÂN? THẾ NÀO LÀ ĐỘ THẾ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

.

Ngoài kinh thành mấy dặm, có một mái nhà tranh.

Trong nhà có một sư thầy và một chú tiểu, ngoài nhà có một tấm bảng gỗ viết hai chữ Thiền môn, nhưng những người dân sống xung quanh thì không cho là như vậy.

Bởi nơi này chẳng có gì là giống chỗ tịnh cư của con nhà Phật cả, hàng rào tre trúc hay mái tranh tiêu điều thì không nói, tới một pho tượng cho ra hồn thì nơi đây cũng không có, thậm chí tóc trên đầu của sư thầy kia cũng lổm chổm, phải mấy tháng mới tự cạo một lần rồi trầy tróc lung tung. Với họ, rõ ràng đây không phải là chỗ của Phật môn.

Nếu nghĩ rằng nhân gian mắt trần nhìn không thấy chỗ cao thâm, thì dùng tai để nghe cũng được. Sư thầy với chú tiểu kia mỗi ngày vẫn ăn ngủ đúng giờ như người ta, không có dậy sớm thức khuya để gõ mõ tụng kinh, lúc gặp người thì cũng không niệm được câu kệ nào cho nguyên vẹn. Thậm chí tới mấy cái nghi thức của chuyện hành lễ ma chay hiếu hỉ thì sư cũng chỉ chống đỡ thoáng qua, ai kêu gì thì làm nấy, ai chỉ gì thì làm theo, không giống với tác phong của những tăng nhân đã trải qua tu tập bài bản.

Muốn nhìn nhận chính xác hơn thì đến vị nhận mình là sư thầy kia, lúc được hỏi cũng không nói được là mình đến từ chùa nào, môn nào, phái nào, tông nào, dòng thừa pháp nào? Là Pháp tông, Thiền tông, Mật tông, Thế tông, Thường tông hay Chánh tông? Hoặc là được nhận y bát của vị sư thầy nào, xuất gia ở đâu, kinh văn chép từ nguồn nào? Nói chung là chẳng có gì cả, chẳng có gì để chứng minh là con nhà Phật cả.

Có chăng là trong ngôi nhà tranh đó cũng có được một pho tượng chút xíu được đặt giữa nhà trên cái bàn gỗ cũ kỹ. Pho tượng nhỏ xíu, chỉ cao cỡ hơn gang tay, điêu khắc thì tệ hại, nhìn chỉ thấy dáng chứ không thấy hình, phải miễn cưỡng lắm thì mới tạm coi là tượng Phật, đã vậy lại còn bị mẻ mất một góc lớn, thật chẳng ra làm sao.

Nhưng cũng may, là hai thầy trò này ngày thường sống cũng biết điều, ra vô không quấy phá gì ai, lâu lâu có chuyện gấp ai đó nhờ thì cũng có phụ giúp một tay. Thành ra mọi người cũng không ghét bỏ gì lắm, coi như có giả mạo nhưng không có bôi bác, tính ra thì cũng không phải là tội nghiệt gì nặng, còn chấp nhận được.

Sư thầy an tĩnh trong nhà, mỗi ngày làm xong mấy chuyện ruộng vườn thì chỉ lấy việc dạy chú tiểu đọc sách viết chữ làm chính. Sách gì cũng dạy, kinh cũng có dạy, nhưng chỉ là mấy cuốn kinh sao chép phổ thông thôi, bởi kinh cao thâm gì gì đó thì phải vô chùa lớn mới có.

.

Ngày kia chú tiểu ra ngoài chơi, nghe ngóng được cái gì rồi chạy về nói với thầy:

- Bạch thầy, chỗ trung tâm vừa mới khởi công xây thêm chùa mới, nhìn khang trang lắm.

Sư thầy đáp:

"Gần đây thấy ngoài đường người ngựa nườm nượp, xe hàng đầy ắp, tức chuyện giao thương đang trên đà thuận lợi. Thương nhân đem đến tiền tài, tiền tài vẽ thêm phú quý, phú quý sinh ra lễ nghĩa.

Đủ nghĩa thì quý tâm.

Thiếu nghĩa thì phú lễ.

Có thương gia lui tới thì chuyện xây thêm chùa là tất nhiên thôi, cái quan trọng là phải xem trong khang trang chứa được gì, là tâm, hay là lễ."

.

Bữa khác chú tiểu lại về kể với sư thầy:

- Bạch thầy, chùa lớn xây xong rồi, có cao tăng về đăng đàn giảng pháp, họ đang loan tin tuyển người trợ niệm, càng nhiều càng tốt, tụng xong thì sẽ có lễ mang về, vậy mình có tới không thầy?

Sư thầy thở ra nhẹ, mắt đăm chiêu nhìn theo hướng chỉ tay của chú tiểu, giọng nói có mấy phần cô tịch:

"Lễ, nhiều tới vậy sao...?"

.

Hôm sau, chú tiểu lại chạy về:

- Bạch thầy, người quanh đây ai cũng đi chùa lớn, có người cách bữa một lần, có người ngày tới mấy bận, họ xếp hàng dài chen chúc trước cổng chùa. Mình có nên tới xem thử không thầy?

Sư thầy đáp:

"Hôm qua ta ra đồng mót lúa, thấy cỏ chân ruộng xanh rờn nhưng cỏ ven đê thì héo úa, vậy hoặc họ quên tháo nước ngâm đồng, hoặc nước sông rút ngược quá nhanh.

Nếu là chuyện của con sông, thì tức thượng nguồn đang có hạn. Thượng hạn một ngày thì hạ khô một tháng, cỏ muốn từ xanh qua vàng rồi héo khô thì phải mất ít nhất gần nửa con trăng. Tức nửa năm này rồi thêm năm sau nữa chuyện tưới tiêu đồng áng sẽ bước vào buổi khó khăn.

Người thấy khó thì sẽ lo lắng, lo lắng sẽ dẫn theo hoang mang muộn phiền, vậy nên sẽ cần tìm một điểm tựa là tâm linh để xin chút an yên.

Nếu tâm tựa đã linh, thì sẽ giúp cho lòng người thêm mạnh mẽ, thêm tỉnh táo để vượt qua bước khổ nạn này.

Còn nếu tâm tựa chưa linh, thì sẽ khiến cho lòng người thêm hoang lạc, mất đi gốc rễ trong thần trí để chỉ có thể tiếp tục dựa dẫm vào thứ bên ngoài. Lâu dần sẽ lung lay rồi sụp đổ.

Thời điểm này người dân chăm tới chùa là chuyện tất nhiên thôi, cái quan trọng là Tâm Vị trong chốn nương nhờ đó, đã Linh hay chưa?"

.

Chú tiểu vốn ham chơi, lần khác lại chạy về:

- Bạch thầy, chùa to kia đang khai đại lễ cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa. Lễ lớn lắm, người ùn ùn kéo tới từ bốn phương, chỉ đợi đúng ngày đúng điển thì sẽ cử hành. Bây giờ chỉ mới luyện tập trước mà người đứng xem đã chen tới mức không còn chỗ để lấn. Vậy mình có tới xem thử không thầy?

Sư thầy lặng lẽ:

"Có quy tụ có chờ đợi, thì sẽ có mê cầu, có cầu thì có dục, dục động sẽ không thiêng. Vậy, sợ là tâm tựa kia vẫn chưa linh rồi..."

*

Hôm sau nữa, chú tiểu hớt hải chạy về:

- Bạch thầy, quan binh ngoài đường đông lắm, quan cao ngự nhà cao, lính lệ ngủ trại lề, chùa lớn kia đang cùng với quan binh huy động quân lương cho binh sĩ. Quan dùng gươm dọa, sư dùng kinh dụ, thứ kiếm được thì nhà cao bảy phần, chùa to ba phần. Vậy mình có quyên góp không thầy?

Sư thầy nghe vậy thì không nói gì, chỉ đứng ngay dậy mà vác túi cầm cào đi thẳng một mạch lên núi, phải mấy hôm sau mới trở về.

Lúc về khi sư thầy đổ túi ra, thì chỉ thấy trong đó là những đoạn cây khô kỳ lạ, nhìn không giống như thứ có thể ăn được.

Rồi sư thầy cuốc đất ngoài sân trước, cuốc thêm mấy thửa nữa ở vòng quanh, cuốc lan ra cả xa tắp phía sau, cuốc xong rồi thì cứ cách khoảng mà chôn từng đoạn cây khô đó xuống, chôn tới đâu thì lấp đất cho bằng phẳng tới đó, vất vả mấy ngày trời thì mới trả xong mặt bằng về nguyên trạng.

Chú tiểu có ngạc nhiên, nhưng thấy thầy chuyên tâm vất vả nên cũng không dám hỏi nhiều, chỉ chạy qua chạy lại để giúp thầy một tay.

.

Hôm sau chú tiểu ra ngoài chơi, rồi chạy về nhà báo tin cho thầy tới ba lần.

Lần một chú tiểu nói: "Bạch thầy, do ruộng vườn khô hạn mất mùa, nên dân đói đang lũ lượt kéo nhau về kinh đô, họ đã tới rất gần rồi."

Lần hai chú tiểu hớt hải: "Bạch thầy, cổng thành vừa mở, nhưng không phải để đón nạn dân vào, mà là quan binh đang kéo quân ra để xua đuổi."

Lần ba chú tiểu sợ hãi: "Bạch thầy, nạn dân bị đuổi đi vừa hợp cùng với quân phiến loạn mà đánh ngược về phía kinh đô, nhưng quan binh triều đình vẫn đông hơn, đang giết thẳng một đường, xác người nằm la liệt."

Sư thầy nghe thấy vậy thì chẳng nói gì, chỉ vội vàng đun nước để hai thầy trò tắm rửa sạch sẽ, thay bộ tăng y tươm tất, bỏ hết mọi thứ chỉ cầm theo pho tượng Phật nhỏ cất vào lòng, rồi dắt nhau đến trước cổng chùa lớn.

Tại đây, sư thầy xin cho mình một chân quét dọn gánh nước tưới rau, chấp nhận lao dịch ngày đêm chỉ mong có được miếng ăn ngày hai bữa cho thầy và trò.

Chùa lớn đồng ý, từ đó những ngày tháng kế tiếp của hai thầy trò dần trở nên vất vả hơn.

Cho đến một hôm khi hai thầy trò đang chẻ củi thì nhận được tin quan quân triều đình kéo vào chùa để trưng thu lương thực. Đám tăng nhân kia sau một hồi cò kè cự cãi thì cũng đành phải giao ra mấy phần cất giấu trong kho. Kế tiếp là bọn họ ra lệnh đóng cửa chùa và bắt đầu đóng gói mấy thứ lấp lánh có giá trị.

Sư thầy thấy vậy thì liền vứt dao chẻ củi, cõng chú tiểu trên lưng rồi chạy như bay trèo tường nhảy ra ngoài.

Chú tiểu hỏi: "Có chuyện gì vậy thầy?"

Sư thầy đáp: "Tới sư quốc doanh mà còn bị cướp miếng ăn, vậy thì tức triều đình đã không còn cần tới mặt mũi, cũng không còn hậu thuẫn nào khác. Kế tiếp sẽ là bất nghĩa, và bất nhân."

Quả nhiên, khi hai thầy trò chạy chưa được bao xa thì đã thấy một toán quan binh khác khôi giáp vũ trang tiến về hướng chùa to, bọn họ thuộc chi quân đội khác, cũng tới kho của chùa để trưng thu một phần lương thực.

Trưng thu lương thực, trưng thu tiền tài, kế tiếp là trưng thu các tăng nhân trẻ để tòng quân. Còn với các sư quốc doanh lớn tuổi thì họ tự khắc đã có tích lũy để tự sắp xếp tốt cho riêng mình.

Sư thầy và chú tiểu về đến nhà cũ, trong đêm hai người ra sức đào đất, những khúc cây kia nay đã dài hơn gấp mấy lần, sư thầy chia ra cất trong hai cái gùi, thầy gùi lớn chú tiểu gùi nhỏ.

Rồi ra đi.

.

Họ đi chữa bệnh khắp bốn phương.

Khi gặp binh sĩ hay nạn dân bị thương tích do giao tranh, cho dù vết thương đã nhiễm trùng sâu đến xương tủy, thì chỉ cần đem khúc cây kia mài ra thành bột trộn với nước rồi đắp vô, vết thương sẽ dần khô lại, khép miệng rồi kéo da non.

Khi gặp những người vì quá đói mà phải ăn những thứ bậy bạ, không sạch sẽ, khiến cơ thể tụ độc thì nấu khúc cây đó trong nước sôi, đợi gần cạn rồi chắt ra cho họ uống, độc tính sẽ được giải trừ.

Với những người bị suy nhược tinh thần, bị điên loạn do thời cuộc, hay bị thú hóa do ăn quá nhiều thịt người, thì đem khúc cây đó xắt lát phơi khô rồi đốt lên cho họ ngửi. Sẽ giúp tinh thần của họ dần dần bình ổn trở lại.

Cuối cùng, khi gặp những nơi mồ chôn tập thể, ác khí oán khí tích tụ quá dày đặc. Thì đi vòng quanh cắm khúc cây đó xuống, từ từ ác khí sẽ bị khúc cây đó hấp thụ, khi cây chuyển sang màu đen rồi mục rữa thì bầu không khí của nơi đó sẽ được trong lành, hồn oán được siêu linh.

Là cứu cơ thể xương thịt của người, cứu lòng dạ tim gan của người, cứu thần trí của người, rồi cứu luôn hồn người.

Cứ như vậy mà hai thầy trò đi ngang qua thời can qua loạn lạc, triều đình năm xưa nay đã sụp đổ, loạn giặc bốn phương vẫn đang không ngừng tranh đấu để chiếm được ngai vàng.

Mấy mươi năm trôi qua, sư thầy trong một ngày biết thân trần của mình đã cạn, thì đưa pho tượng Phật nhỏ kia cho học trò, dặn dò mấy câu rồi an yên viên tịch.

Chú tiểu đã trưởng thành, cũng đã trong hồng trần rồi hoàn tục để kết duyên luyến ái, rồi hai vợ chồng chọn nơi thanh vắng để dựng nhà hòa thân. Chồng làm thầy thuốc, vợ ruộng vườn vun vén, cũng đã có được với nhau một đứa con trai, nay đã được hơn ba tuổi.

Thời buổi loạn lạc, người chồng mỗi lần đi thì cũng phải non tháng mới về nhà, nhớ lời thầy dặn nên lúc nào cũng chuyên tâm cứu người trước, còn chuyện hồi báo thì cứ tùy duyên, cố gắng chắt chiu thì cũng tạm đủ để sống qua ngày.

Lần kia người chồng về nhà thì thấy vợ đang hấp hối, có băng cướp vừa mới ngang qua đây, chúng cưỡng hiếp rồi bạo hành người vợ, rồi bắt đứa nhỏ đi, để bán hoặc để làm lương thực dự trữ.

Vết thương của người vợ quá sâu, máu mất quá nhiều, nên không cứu được. Người chồng vuốt mắt cho vợ rồi tìm nơi chôn cất cho đàng hoàng tử tế. Sau đó mới theo hướng người vợ nói mà lên đường tìm con.

Cuối cùng cũng tìm được, lúc đó đứa trẻ đang đứng chơ vơ trên đường, nó thấy cha thì chạy tới rồi òa khóc mà ôm lấy.

Chuyện là băng cướp kia đã gặp phải một băng cướp khác đông hơn, hai bên đánh nhau, bên ít thì toàn quân bị diệt, bên đông thì cướp hết tài vật rồi bỏ đi, đứa nhỏ là nhờ canh lúc hỗn loạn nên mới trốn thoát được.

Người cha tìm chỗ trốn an toàn cho con rồi đi tới chỗ giao tranh của hai nhóm cướp, thấy xác chết la liệt, oán khí quá nhiều. Nên mới theo tâm niệm mà đi vòng quanh để chôn khúc cây kia xuống, ai ngờ đâu đến chỗ kia khi đang lom khom, thì người cha bỗng bị ai đó đâm một dao xuyên từ lưng ra tới trước bụng.

Thì ra là có tên cướp chưa chết hẳn, không rõ phe nào, chỉ là giật mình tỉnh dậy thấy bóng người thì theo phản xạ mà xuất chiêu để phòng vệ. Hắn ta đâm xong thì cũng cạn lực mà nằm đơ ra đó, trên người hắn cũng đã có quá nhiều vết thương.

Người thầy thuốc nhìn vết dao đâm thì cũng đã đoán được số phận của mình, rồi nhìn sang vết thương của tên cướp. Vì thấy còn cứu được nên mới dùng chút sức cuối cùng để bỏ khúc cây kia vào miệng nhai nát rồi đắp lên vết thương của tên cướp. Xong xuôi thì mới đưa pho tượng Phật nhỏ cho tên cướp, dặn dò thêm mấy câu rồi trút hơi thở cuối cùng.

Còn kẻ được cứu kia, từ lúc bắt đầu chứng kiến thì nước mắt của hắn đã chảy tràn. Là cả thân, tâm, trí, hồn của hắn đều đã được cứu.

Vài năm sau, khi thời loạn đã qua đi.

Người ta lại thấy ở nơi kia có một mái nhà tranh, bên trong có một sư thầy và một chú tiểu. Sư thầy toàn thân loang lổ nhưng gương mặt thì hiền lành, ai kêu gì cũng giúp, ai nói gì cũng nghe, ai bảo gì cũng dạ. Còn chú tiểu thì lanh lẹ khỏe mạnh và ngoan ngoãn, ngày ngày học chữ xong thì chạy nhảy khắp nơi để vui chơi với bạn bè.

Ngoài cổng nhà tranh có tấm bản ghi tên thiền viện, trong thiền viện có một bức tượng Phật nhỏ xíu chẳng nguyên lành.

*

Trương Lang Vương.

*

Cứu mạng là cứu để sống.

Cứu nhân là cứu để sống thành người.

Độ thế là dẫn đường cho thế gian thấy lối để thành NHÂN.

(Xin phép nói thêm vài câu dư thừa, không liên quan đến truyện chính.)

Trầm, Kỳ, Ngân, Lân, Hương.

Trong đó: Trầm, Kỳ, Ngân, Lân, là tứ hành bảo, không sinh ra trong tự nhiên nhưng được tạo thành bởi tự nhiên, phải đi tìm và hữu duyên thì mới có. Thứ sau lại quý và hiếm gấp mười lần thứ trước.

Trầm, Kỳ thuộc về nhân gian (mắt thường thấy được),

Ngân, Lân thuộc về thế gian (mắt thường thấy cũng chưa chắc đã biết được.)

Còn Hương, bản thân tôi cũng chỉ mới nghe qua chứ chưa từng được gặp, nó là thứ nằm ở phía bên kia của cánh cổng tâm linh, nghe nói rằng nó là cái cây đầu tiên trong cõi này mà có thể 'linh' được, để rồi có thể dẫn đường và dẫn dắt cho tất cả những cái cây khác hướng linh.

Người có hồn, thú có tính, vậy thì cây cũng có thể có linh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro