TU ĐỂ LÀM GÌ? CHÂN TU Ở ĐÂU? THẾ NÀO LÀ THIỆN?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

*****

Trên ngọn núi có một ngôi chùa nhỏ, trong chùa có một sư thầy và một chú tiểu ngày ngày thanh tu.

Một ngày kia khi chú tiểu đang ngồi học kinh thì bị một con kiến đen bò lên mặt, chú tiểu vì nhột nên muốn bóp chết con kiến đen, sư thầy thấy vậy thì mới lên tiếng ngăn cản: "Kiến đen không có lỗi, bò đi khắp nơi để kiếm ăn là bản năng của nó. Nếu con vì bản thân không thích mà giết nó, thì sẽ là con có lỗi."

Chú tiểu nghe vậy thì bỏ con kiến đen xuống mặt đất để nó đi nơi khác tìm ăn.

Đến chiều khi chú tiểu ra vườn tưới rau thì thấy cảnh một con kiến đen đang bị vây hãm bởi nhiều con kiến đỏ, khi chú tiểu định múc gáo nước tạt vào đám kiến thì sư thầy ngăn lại: "Kiến đen là bản chất, kiến đỏ cũng là bản chất, bản chất với bản chất hợp thành tự nhiên. Tự nhiên không có đúng sai, chỉ có chọn lọc và tuần hoàn. Nếu con can thiệp vào chọn lọc, thì tuần hoàn sẽ mất đi, như vậy thì con đã có lỗi với tự nhiên, với đạo trời."

Chú tiểu nghe lời thầy nên tìm chỗ khác để tưới rau, lát sau quay lại thì thấy bầy kiến đỏ kia đang bị ăn bởi một con cóc. Rồi đến lúc cuối chiều thì lại thấy có một con chim sà xuống tha con cóc đó đi.

Chú tiểu quay lại nhìn sư phụ, thấy thầy đang thanh tĩnh nhìn theo cánh chim đó cho đến khi nó mất hút trên bầu trời.

*

Hôm nay, khi chú tiểu và sư phụ đang thiền tọa thì có một lão nông phu ghé vào chùa để xin chén nước. Nhìn lão nông tiều tụy, chú tiểu chờ đến khi ông ta uống xong chén nước thì mới lễ phép hỏi thăm ông ta vài câu. Lão nông đỡ mệt đỡ khát thì mới thở dài mà kể ra một câu chuyện.

.

Ông ta sống trong một ngôi làng xa dưới chân núi, là một nơi thanh bình, lòng người lương thiện, dân làng quanh năm chăm chỉ cuốc đất trồng cây, cả đời chỉ cố để giữ được sự êm ấm an yên.

Đến một trong làng bỗng xuất hiện một tên sơn tặc, hắn cầm đao lớn đe dọa, ép dân làng phải giao ra một phần lương thực cho hắn.

Phần lương thực cho một người thì cũng chẳng nhiều nhặn gì, dân làng vì muốn yên ổn nên đã bằng lòng giao ra.

Vài hôm sau tên sơn tặc kia quay lại, hắn dẫn theo ba tên đàn em vừa thu nhận được, yêu cầu phần lương thực cho bốn người. Dân làng lại giao nộp.

Ít lâu sau tên sơn tặc đó quay lại, lúc này hắn đã là thủ lĩnh của băng cướp có hơn chục tên. Hắn đòi dân làng cống nộp lương thực, ngựa, và những đồ vật bằng sắt để hắn đem về rèn thành vũ khí. Đứng trước sự áp đảo như vậy, dân làng buộc phải giao ra những gì mà chúng muốn.

Từ đó về sau, cứ cách ít lâu thì băng cướp lại cử đại diện tới để thu gom đồ cống nạp của dân làng. Việc đó đã thành một thói quen mà dân làng buộc phải chấp nhận.

Rồi đến một ngày, muốn mở rộng quy mô, bọn cướp yêu cầu dân làng giao ra bé trai, thanh niên nam giới để chúng huấn luyện nhập băng. Từ đó đàn ông trong làng một nửa là lão nông, một nửa thì thành cướp. Qua một đoạn thời gian thì những đứa trẻ xuất thân từ làng kia lại quay về để cướp từ chính ông bà người thân của nó.

Chưa dừng lại ở đó, bọn cướp còn đòi cả bé gái, nữ nhân để làm công cụ giải trí, sinh sản. Trong những tên cướp mà các nữ nhân kia phải phục dịch, dĩ nhiên là có cả anh em cậu chú, hay người thân trực hệ.

Rồi khi mang thai đẻ ra, trai làm cướp, gái làm nái.

Còn ngôi làng kia thì dần chết mòn, do chỉ còn người già nên dân số ngày một giảm, ông lão đang ngồi đây chính là người cuối cùng còn sống trong ngôi làng đó. Vì buồn khổ nên ông ta định lên núi để nhảy xuống vực tự sát, chỉ là khi nhìn thấy vực rồi thì ông ta lại sợ quá nên không dám nhảy xuống. Ông ta quyết định là uống xong chén nước này thì sẽ quay lại chỗ cũ để sống cho hết những ngày cuối đời.

.

Nhìn bóng lưng ông lão đang dần khuất nơi chân núi, chú tiểu đau thương mà hỏi sư phụ: "Chúng ta có thể làm được gì cho ông lão không?"

Sư thầy nói: "Không! Đó là bản năng của ông ta, sinh ra đã có, tồn tại không đổi, kết thúc chủ nhận. Tâm không động, thân không động, vậy thì hồn cũng không động. Để nay khi hồn cũng đã tiêu tán mất rồi thì có muốn có lại cũng không thể. Ta không thể giúp được gì."

Nói xong thì người thầy quay lại tiếp tục tĩnh tu.

Nhưng chú tiểu không cam tâm, chú hét lớn lên với thầy: "Nếu không giúp được ông lão đó, thì ta tu để làm gì? Thử hỏi có ích gì?"

Sư thầy không trả lời, chỉ im lặng mà quay lưng lại với chú tiểu. Từ đó, chú tiểu không ngoan ngoãn thanh tu nữa, trong lòng chú luôn chất chứa một nỗi niềm oán hận, chú cảm thấy những gì mình đang làm trong ngôi chùa này, với thầy, với Phật, với kinh thư đạo lý thật vô nghĩa.

*

Cho đến một ngày kia, có một thiếu phụ quần áo tả tơi, toàn thân thương tích lớn nhỏ, máu còn đỏ hồng không ngừng ứa ra, tay bồng một đứa bé trai sơ sinh còn đỏ hỏn mà hớt hải bi thương chạy tới cổng chùa.

Thiếu phụ ngã gục xuống ngay bậc thềm đầu tiên, lúc sư thầy và chú tiểu vừa tới thì cô chỉ kịp thốt lên một câu "Xin hãy cứu lấy đứa trẻ này..." rồi tắt thở.

Thiếu phụ là chạy thoát từ hang ổ bọn cướp, cái thai hay đứa bé thì cũng từ đó mà ra, chỉ là cô oán hận bọn cướp ấy, cô không muốn con của mình cũng trở thành thứ cầm thú như vậy, nên cô mới liều cả tính mạng để tìm cho đứa con một cơ hội khác trong sinh tồn.

Sư thầy bồng đứa trẻ, ngài nhìn xa về phía chân núi, bọn cướp theo vết máu loang cũng đã sắp đuổi đến đây.

Sư thầy liền lập tức bồng xác cô gái vào trong, chỉnh trang di thể cho ngay ngắn, rồi châm một mồi lửa. Hỏa chùa táng thi là để tránh chuyện cưỡng thi xả đạo.

Rồi sư thầy một tay bồng đứa trẻ, một tay dắt chú tiểu ra đi.

Chú tiểu quay đầu nhìn lại, thấy tượng phật đang bốc cháy, chú tiểu hỏi thầy: "Tại sao thầy đốt Phật?"

Sư thầy trả lời: "Phật không nằm trong tượng."

Chú tiểu nhìn cả ngôi chùa trong biển lửa rồi hỏi: "Tại sao thầy hủy đạo?"

Sư thầy trả lời: "Đạo không nằm trong chùa."

Chú tiểu băn khoăn, hỏi thầy thêm lần nữa: "Vậy ở đâu?"

Sư thầy nhìn đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn đang ngủ yên trên tay mình rồi nói: "Đạo trên tay ta, tay con. Phật trong tâm của người có đạo."

.

Từ đó trong nhân gian có cảnh một sư thầy tay bồng hài tử tay dắt tiểu đồng, băng rừng lội suối, vượt biển vượt đèo, xuyên ải trùng trùng, đội nắng đội mưa, đội cả gió rền sấm chớp. Khổ lao có đến, thì đến trước thân thầy để đọng lại là cửa sinh cho hai mệnh hài nhi còn nhỏ tuổi.

Lúc sư thầy đến được nơi đô thành có đông người thì sức của thầy đã cùn, lực đã kiệt, trần thân cũng đã tận. Thầy gửi chú tiểu vào một ngôi chùa thanh tịnh, phó thác cho một sư thầy có đạo tâm. Thầy giao đứa trẻ sơ sinh cho một gia đình lương thiện, tín cẩn mà gửi nhờ.

Rồi thầy tìm một nơi cô quạnh để viên tịch.

.

Mấy mươi năm sau, có một tướng quân trẻ tuổi hào khí ngất trời, dũng mãnh phi thường, lấy ít địch nhiều trong một trận mà càn quét sạch đám thổ phỉ vô lương, lập lại trật tự, trả lại cho vùng đất này luật lệ cùng sự bình yên nên có.

Lúc chiến trận đã yên, vị tướng trẻ tuổi an lòng mà tản bộ, vô tình sao lại đi tới một ngọn núi kia. Tại đó vị tướng thấy một sư thầy chỉ hơn mình vài tuổi, đang cần mẫn kiếm gỗ chẻ đá để xây ngôi chùa mới trên nền cũ vốn cháy tận bỏ hoang.

Vị tướng trẻ mới bật cười: "Ta không hiểu đám hòa thượng các ngươi tu để làm gì, sư vô năng kinh vô dụng. Tụng niệm thì thử hỏi có đem lại được sự yên bình an ổn cho thế gian này như quân chính của ta hay không? Có trừ được ác, có diệt được gian hay không?"

Nhà sư đó đang dở tay đẽo gỗ thì quay đầu nhìn lại, thấy vị tướng kia khỏe mạnh, hào khí, quân nghiêm và trung nghĩa thì mỉm cười hòa ái, chỉ nói một câu rồi tiếp tục công việc của mình:

"Tu là để dưỡng đạo cho thế gian."

*

Trương Lang Vương

*

Yêu con người, tin con người, để hướng con người tới chỗ NGƯỜI, tới Chân Thiện Mỹ Đức.

Cho dù có thế nào đi chăng nữa, cho dù có chìm xuống tận đáy sâu tối tăm nhất, đến tận tuyệt nạn bi ai như thế nào thì cũng không bao giờ được mất đi lòng tin đó, hy vọng đó, và tình thương bác ái đó.

Đó là chân tu, chân thiện.

****

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro