1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Đây câu chuyện kể về cuộc đời của tôi, người tôi yêu nhất."

Tôi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ. Làng tôi nằm dưới chân một ngọn đồi thoải cách thị trấn nửa ngày đi bộ, quanh năm khí hậu ôn hòa nên cây cối sinh trưởng tươi tốt vô cùng, vì vậy quanh làng toàn là cây là cỏ, vừa thơ mộng lại vừa hoang vu. Từng ngôi nhà nhỏ cách nhau chỉ bằng một cái rào chắn thô sơ, nhưng dân làng tôi đã quen với việc đó và chẳng có ai phàn nàn gì mỗi khi con gà của nhà mình chạy lẫn vào bầy vịt của nhà hàng xóm. Mọi thứ trong làng thật yên bình, thanh tĩnh, và tuổi thơ của tôi gắn liền với ngôi làng ấy như tuổi thơ của bao đứa trẻ khác trong làng.

Nhà tôi nghèo nhất làng. Căn nhà của chúng tôi là căn nhà nhỏ và tồi tàn nhất, thậm chí sân nhà tôi chỉ to bằng nửa sân nhà người. Nhưng bọn trẻ trong xóm mới thật hòa đồng và đáng yêu biết bao, khi chúng luôn sẻ nửa cho tôi khi thì chiếc bánh bao nóng hổi mua của bà Tư, hoặc không thì cũng là vài cái kẹo, cái bánh hay hộp sữa mà chúng lén lấy trong tủ bếp ở nhà.

"Chơi với mày vui mà, vui hơn cả chơi với bọn con trai. Không có mày thì chán lắm."

Thằng Tèo con ông Huyện nói vậy với tôi sau khi tôi bị bọn lớn hơn từ thị trấn đến bắt nạt. Chúng nó chê tôi nghèo, thấp bé và đen nhẻm, ăn mặc chỗ may chỗ vá chứ chẳng có quần áo mới như chúng nó. Tèo và tôi khi ấy đều còn nhỏ, nên tôi cũng chẳng biết nó nghĩ gì khi nói câu đấy. Nhưng có lẽ nó muốn an ủi tôi, mặc dù nhà nó cũng chẳng khá giả hơn là bao. Tôi vẫn chỉ quen mồm gọi nó là Tèo mà chẳng nhớ tên thật của nó. Tèo cũng thường hay nói nó thích tôi gọi nó như vậy, vì nghe tên thật thì xa lạ lắm, đấy là lý do của nó. Một nam một nữ nhưng chúng tôi chơi với nhau mà chẳng suy nghĩ gì, và chính vì cái tính thẳng thắn và thật thà của Tèo, tôi thân với nó hơn hẳn là với mấy đứa con gái như con Mai và con Lan. Do đó dù còn nhỏ tí nhưng tôi suốt ngày bị gán ghép với thằng Tèo, ban đầu thì chúng tôi còn phản đối bằng cách lắc đầu nguầy nguậy hoặc rượt đuổi theo mấy thằng con trai thích đùa dai đó, nhưng về sau thì cũng quen dần và chỉ cười hì cho qua chứ chẳng làm gì nữa.

Lũ bạn trong xóm, bao gồm cả Tèo, luôn chạy sang nhà tôi từ khi trời còn chưa sáng hẳn, khi mà mẹ tôi vẫn đang say ngủ, để lén bà ra ao tắm. Trẻ con mà, nào đâu phân biệt gái trai, cứ nhảy tùm xuống ao rồi bơi bơi, vầy nước, hoặc là ngụp xuống nước để xem đứa nào nhịn thở lâu hơn. Và chúng tôi sẽ lại trở về nhà trước khi gà gáy, lau khô mình mẩy rồi lại leo lên đệm giả vờ như đang ngủ. Mẹ tôi sẽ chẳng phát hiện ra nếu như không có cái lần tôi vầy nước rồi suýt chết đuối, và được Tèo lặn xuống để cứu lên. Bọn tôi lên được bờ sau khi có vài người lớn nghe tiếng hét hoảng loạn của mấy đứa còn lại và chạy tới cứu. Bọn tôi ngồi bệt trên bờ, ho khù khụ và người thì ướt như chuột lột. Mẹ tôi tá hỏa chạy đến, tay cầm theo cái khăn bông mới tinh mà bà chưa nỡ dùng và một thau nước ấm nhỏ. Bà nhìn thấy tôi an toàn lên được bờ rồi thì nước mắt chảy dài, làm rơi cả thau nước và chạy đến ôm tôi vào lòng. Tôi cứ ngỡ bà sẽ mắng mỏ tôi như những hôm điểm kém hay không chịu làm bài tập, nhưng bà chỉ sụt sịt nước mắt, cầm tay tôi, nhặt lại cái thau và dắt tôi về nhà. Bà để cho tôi ngồi trên võng, lấy khăn lau tóc cho tôi, rồi bảo tôi đi thay quần áo cho khỏi lạnh. Khi tôi từ trong buồng đi ra với một bộ quần áo đã được mặc ngay ngắn, thì bà bước ra từ bếp, tay còn bê một bát thuốc nóng hổi và bảo tôi uống hết đề phòng bị cảm. Bà đã ngừng khóc nhưng mắt bà vẫn sưng húp và đầu mũi thì đỏ hồng. Đôi tay bà vẫn còn run, tôi thấy được điều đó khi thấy bát thuốc đầy đã bị sánh ra ngoài một chút. Bát thuốc vốn đắng kinh khủng, nhưng tự dưng tôi thấy thương mẹ nên đã uống sạch chẳng còn một giọt. Mẹ ngồi xuống cạnh tôi, bà cầm bát thuốc đặt xuống đất, trầm ngâm nhìn tôi, rồi lại ôm tôi vào lòng. Mẹ tôi không giỏi bày tỏ bằng lời nói, dù còn nhỏ nhưng tôi cũng đã để ý thấy được điều đó. Bà chẳng mấy khi trò chuyện như mẹ thằng Tèo mỗi khi ăn cơm, bà chỉ lẳng lặng đặt vào bát tôi những miếng thịt ngon nhất mà chẳng mấy khi tôi có cơ hội được thưởng thức, và rồi lại lặng lẽ dọn sạch bát đũa khi tôi ăn xong. Bà hay mắng tôi khi tôi lười học, nhưng bà chẳng bao giờ nặng lời, và bà luôn mua cho tôi một cây bút chì hay một cục tẩy mới ngay sau đó, chắc bà sợ tôi nghe mắng nhiều mà chạnh lòng. Miếng thịt trong bữa cơm, chiếc bút chì hay cục tẩy đều là những cách mà mẹ tôi bày tỏ niềm yêu thương thầm kín của bà đến tôi. Và lần này cũng vậy. Mẹ tôi lại trở nên thầm lặng bảo vệ và an ủi tôi như vậy bằng chiếc khăn bông, bát thuốc và cái ôm của bà.

Đêm tôi nằm trong buồng, trằn trọc mãi không ngủ được. Tôi cứ lăn qua rồi lăn lại, xong lại nhìn chằm chằm lên trần nhà. Buổi đêm, không gian tĩnh lặng đến rợn người, tôi có thể nghe thấy rõ ràng tiếng nước nhỏ giọt từ cái vòi nước cũ kĩ cách chỗ tôi nằm một bức tường gạch. Rồi bỗng nhiên tôi lại nghe tiếng loạt soạt ở ngoài gian chính, chỗ chiếc võng mà mẹ tôi vẫn nằm ngủ. Tôi lồm cồm ngồi dậy, vén chiếc màn ngăn cách giữa buồng ngủ và gian chính, thì thấy mẹ tôi đang thắp đèn dầu lên, và cầm cái đèn dầu ấy tiến lại gần bàn thờ ở góc nhà. Bà cúi người tìm thứ gì đó trong tủ thờ, và một lúc sau tôi thấy bà cầm lên một bó nhang mà bà mua đã từ lâu. Bà thắp ba nén nhang rồi cắm vào bát hương. Bà khấn vài cái, và rồi bằng ánh sáng mờ ảo từ chiếc đèn dầu, tôi thấy giọt lệ từ mắt bà lại một lần nữa chảy ra. Bà vừa khóc, vừa nói gì đó rất nhỏ, nhỏ đến mức tôi chẳng nghe thấy. Nhưng rồi tôi nghe được lời cảm ơn của bà gửi đến bố tôi - người đã phù hộ cho tôi bình an trở về.

Bố tôi mất từ ngày mẹ tôi mang thai tôi, và do nhà tôi nghèo, nên trong nhà chẳng có một bức ảnh nào của bố. Tôi vĩnh viễn chẳng thể biết được mặt mũi ông trông như thế nào, dáng dấp ông ra sao. Nhưng nhìn ánh mắt đượm buồn của mẹ mỗi lần tôi nhắc về bố, tôi không gặng hỏi nữa. Mẹ tôi chỉ kể rằng bố tôi là một người có tướng mạo tuấn tú, điển trai. Khi mẹ tôi sinh tôi ra đời, mẹ đã có chút ghen tị khi nhìn thấy tôi có nhiều nét giống bố hơn giống mẹ. Nhưng rồi mẹ lại vui vẻ vì tôi có cái nét thông minh và đôi mắt màu nâu sáng long lanh giống bố. Mẹ bảo mẹ yêu bố tôi ở đôi mắt ấy, và việc tôi có đôi mắt giống ông vừa làm bà vui, mà đâu đó còn có chút tự hào. Mẹ còn kể rằng bố tôi từng là một kẻ đào hoa khi còn đi học, và điều đó làm tôi cười khúc khích đầy thích thú. Nhưng mẹ lại bảo từ khi cưới mẹ về, bố lại thật chung thủy, và ông chẳng giấu mẹ tôi bất kì điều gì. Mẹ cũng từng kể ông có những mười cái hoa tay, và rằng gần như mọi đồ dùng trong nhà đều do ông tự mày mò làm nên từ những vật liệu cũ kĩ. Dù mẹ tôi ít khi kể về bố, nhưng những câu chuyện về ông luôn làm tôi lắng nghe và ghi nhớ thật kĩ, chẳng sót một từ ngữ nào. Chỉ duy lý do bố mất là tôi chưa từng hỏi mẹ, vì tôi sợ làm bà buồn. Cũng có lẽ do bố mất và bà chỉ còn mình tôi là người thân, nên bà mới yêu thương và chiều chuộng tôi hết mực như vậy.

Tôi lặng lẽ kéo lại rèm cửa rồi nằm lên đệm, mắt nhắm nghiền cố chìm vào giấc ngủ. Nhưng tôi thương mẹ quá, và nước mắt tôi ứa ra, không thể ngừng lại được. Đêm đó tôi và bà đều không ngủ.

Sáng hôm sau, tôi chạy ra ngoài ngay khi nghe tiếng gà gáy để đi tìm lũ bạn. Tôi chạy đi tìm thằng Tèo đầu tiên, và chẳng ngoài dự đoán, nó đang cho gà ăn ngoài vườn.

"Tèo! Tao này!"

Tôi lớn giọng gọi Tèo, và nó chạy ra bịt miệng tôi ngay tức khắc.

"Suỵt. Mẹ tao còn đang ngủ. Hôm qua mẹ mắng tao xong nên mệt, giờ vẫn còn chưa dậy đâu. Nói be bé cái mồm thôi."

Việc Tèo bị mẹ nó mắng chẳng có gì xa lạ với cả làng này, vì mẹ Tèo vốn là người nóng nảy và lớn miệng. Bà còn từng mắng cả tôi và mấy đứa khác do cùng Tèo đi chọc con chó của bà Tư bán bánh bao. Nhưng tôi biết bà chẳng có ý gì xấu, nên cũng chẳng để những lời nặng nề ấy trong lòng. Tôi kéo Tèo đi dọc trên đường làng, chẳng biết nên nói gì.

"Tèo này..."

"Tao đây."

"Sao hôm qua mày lại lặn xuống cứu tao ? Nếu người lớn không đến là chết cả hai đứa đấy."

"Tao cũng chẳng biết. Nhưng tự nhiên tao chỉ muốn cứu mày lên thôi. Nhỡ mày chết thật thì tao chơi với ai đây..."

Tèo cười hì hì, giọng nó cứ nhỏ dần lại và rồi nó vừa đi cạnh tôi vừa cắm mặt xuống đất. Chắc là nó ngại, do chúng tôi chưa từng nói mấy thứ này với nhau bao giờ. Tôi vỗ vai Tèo.

"Tèo này..."

"Ừ."

"Cảm ơn Tèo nhé!"

Nó ậm ừ rồi đỏ mặt. Tèo như một người anh hùng làm nhiều việc tốt nhưng lại ngại ngùng khi được tán dương. Và đây là lần đầu tôi thấy Tèo như vậy. Bọn tôi cứ im lặng đi hết con đường làng rồi lại quay lại, mãi cho đến khi mấy đứa còn lại thức dậy và đến nhập hội với chúng tôi. Bầu trời hôm ấy trong xanh và thoáng đãng như tâm trạng của chúng tôi vào lúc ấy, nhẹ nhõm và thảnh thơi biết bao.

Từ cái ngày hôm đó về sau, mẹ tôi cấm tiệt tôi lại gần ao chơi. Tôi vẫn cảm thấy có chút gì đó may mắn vì bà không cấm tôi chơi với bọn trong làng, chắc hẳn bà cũng hiểu nếu không có chúng thì tôi sẽ chẳng biết chơi với ai. Nhưng rồi chứng nào tật nấy, bọn tôi không ra ao chơi thì lại chạy đến đồng cỏ hay leo lên đồi, và mẹ tôi cũng chỉ mắng cho có mỗi lần phát hiện ra, vì bà chẳng nỡ đánh tôi bao giờ. Và mùa hè năm ấy trôi qua từ từ và chậm rãi, như thể đó là mùa hè cuối cùng của cả đám chúng tôi vậy.

Trái lại với gia đình tôi, trong làng có một căn nhà lớn và trông mới hơn hẳn những cái còn lại. Đó là nhà của chị Liên. Căn nhà ấy có những hai tầng, một tầng trệt và một căn gác xếp nhỏ đi bằng cầu thang từ tầng dưới lên. Đó cũng là phòng của chị Liên. Tầng trệt nhà chị có hẳn một bộ trường kỉ để ăn uống và tiếp khách, một cái buồng rộng cho bố mẹ chị và một cái bàn thờ to gấp ba lần cái ở nhà tôi. Xung quanh nhà là cả vườn cây rộng với rất nhiều cây ăn quả và hoa thơm. Trong góc vườn là một gian phụ để làm bếp và chứa đồ. Khỏi phải nói, có một căn nhà như nhà chị là ước muốn to lớn nhất của chúng tôi hồi đó.

Chị Liên chung làng với tôi từ hồi tôi còn chưa biết nói. Mẹ tôi nói rằng gia đình chị chuyển vào làng sau, trước đó ba mẹ chị làm ăn phát đạt ở thị trấn nên mới về đây để sinh sống. Ba mẹ chị Liên là người từ thị trấn tới, nên họ làm mọi thứ khoa học hơn chúng tôi. Và họ cũng không thích để chị chơi cùng chúng tôi nữa, do họ sợ chúng tôi sẽ phá phách đồ đạc gì đó trong nhà họ.

Chị Liên lớn hơn tôi hai tuổi. So với bạn bè cùng trang lứa, thái độ của tôi với chị cũng khác đôi chút. Tôi ngoan ngoãn và nghe lời chị, và chị thường xoa đầu tôi như để tán thưởng. Từ ngày còn bé tôi đã hay sang nhà chị để chơi với mấy con búp bê mà tôi chẳng bao giờ đủ dũng khí để xin mẹ tiền mua. Lớn hơn, chị nhường tôi hết những thứ đồ chơi thuở bé mà chị rất thích. Tôi hỏi chị chị cho tôi hết như vậy có tiếc không, chị bảo chị cho tôi nên chị không tiếc. Tôi quý chị như chị ruột của tôi, mặc dù tôi sẽ chỉ được gặp "chị ruột" của mình mỗi khi ba mẹ chị ấy đi vắng.

Thi thoảng tôi lại chạy sang nhà chị, không phải để chơi búp bê mà là để nghe chị kể chuyện. Ba mẹ chị muốn chị học thật giỏi, nên trong phòng chị có một cái kệ để toàn sách là sách. Nhưng trong số sách đó chẳng có quyển nào tôi đọc được, nếu không phải những cuốn tiểu thuyết dày cộm và chán ngắt thì cũng là vài quyển toán nâng cao với những dãy số mà tôi đọc chẳng hiểu. Nhưng chị luôn lén lấy tiền tiêu vặt để mua vài cuốn truyện cổ tích, và để xen kẽ vào đống sách kia. Mẹ chị cũng chẳng kiểm tra chúng bao giờ, nên số truyện thành công ở trong nhà chị, có lẽ là đến tận bây giờ. Cứ khoảng trưa trưa, khi nắng đã dịu bớt, tôi lại sang nhà chị và lẻn lên phòng chị. Tôi đi thật khẽ, sợ ba mẹ chị nằm trong buồng tỉnh khỏi giấc mộng ban trưa và nghĩ rằng tôi sang nhà họ để trộm thứ gì đó. Và khi tôi thành công lên phòng chị, chị em chúng tôi sẽ ngồi bệt xuống đất và nhìn nhau cười khì. Chị ngồi một góc giường, còn tôi thì nằm xuống và gối đầu vào đùi chị. Chị lật từng trang sách, dùng cái giọng nhẹ nhàng và trong trẻo ấy để đọc truyện cho tôi nghe. Giọng chị vốn đã hay, nay còn uyển chuyển và dịu dàng hơn gấp ngàn lần. Tôi nghe chị đọc đi đọc lại những câu truyện ấy không biết bao lần, đến mức tôi thuộc làu và có thể kể lại lưu loát những câu truyện ấy mà chẳng cần nhìn sách. Và cho dù tôi chẳng được nghe chị kể chuyện đã lâu rồi, nhưng tôi vẫn nhớ những câu truyện đó, từng chi tiết một.

Tôi sang nhà chị ngày một nhiều hơn khi tôi lớn hơn một chút, và điều đó làm thằng Tèo buồn.

"Mày có bạn mới rồi không chơi với tao nữa đúng không ?"

Tèo hỏi tôi khi cả hai đứa đang ngồi vắt vẻo trên cây sấu của nhà nó. Mắt nó long lanh nước, mặt mày mếu máo và hai tay vò chặt vạt áo như sắp khóc. Tôi không nghĩ việc tôi sang nhà chị Liên chơi lại làm Tèo buồn, và trong giây lát tôi bỗng thấy mình thật vô tâm. Tôi xích lại gần Tèo, rồi xoa nhẹ lưng nó.

"Tao đâu có bỏ mày, tao sang nhà chị Liên chơi có một xíu à. Chị kể chuyện cho tao nghe, rồi giờ tao kể lại cho mày nè. Tèo có muốn nghe không ?"

Thằng Tèo ngẩng đầu nhìn tôi, nó thút thít nhẹ, nhưng rồi gật đầu lia lịa. Tèo vốn dễ dỗ, nó chẳng giận ai được quá lâu. Nay nó lại còn được tôi kể chuyện cho nghe, nên nó chẳng thể từ chối được.

Rồi bỗng một ngày, chị Liên bảo với tôi, mai chị phải lên thị trấn học. Tôi ôm chị khóc cả buổi chiều hôm đó, mặc dù chị nói tôi cũng sẽ lên thị trấn với chị sớm thôi. Năm chị lên thị trấn là năm chị mới học lớp sáu, ba mẹ cho chị lên ở trọ để chị được học trường tốt hơn trường làng. Sau đó vài năm, thằng Tèo, cái Mai, con Lan rồi cũng theo gót chị, đứa lên cùng thị trấn với chị, đứa lên thành phố để học, chỉ còn lại mình tôi bơ vơ giữa những kỉ niệm thời thơ ngây.

Chị đi biền biệt, ba mẹ chị biết chị bận học, nên tự mình lên thị trấn thăm chị chứ nhất quyết không để chị về quê.

"Về quê rồi lại chơi với con Ninh hàng xóm, nhà quê, chơi với rồi mụ mẫm hết cả đầu, học hành nữa."

Đó là những lời mẹ chị nói với ba chị khi chị gửi thư ngỏ ý về thăm quê. Tôi tình cờ đi qua nhà chị nên đã nghe được, và đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in bóng lưng mẹ chị vừa lúi húi chạy qua chạy lại trong bếp, vừa nói ra những từ ngữ tàn độc đó, và nhớ cả cái điệu vuốt cằm như tán thành của ba chị. Từ đó tôi cũng chẳng dám gửi thư cho chị nữa. Tôi sợ làm phiền chị. Và hai từ "chị Liên" đã bị tôi đưa vào dĩ vãng.

Chị Liên bảo tôi sẽ sớm được lên thị trấn gặp chị, nhưng chỉ đến khi chị học năm cuối cấp ba, chúng tôi mới gặp lại. Năm đó tôi vào cấp ba, may mắn được trường hỗ trợ học phí, nên tôi rời quê hương để thực hiện ước mơ đã ấp ủ từ lâu của mình. Đặt chân đến nơi đất khách quê người, những kí ức ngày xưa về người chị thân thiết cứ ùa về từng đợt trong lòng tôi như sóng thủy triều dồn dập bên bờ cát trắng. Tôi tìm mãi, tìm mãi và cũng tìm được đến chỗ ở của chị. Chị ở trong cái trọ gần trường chứ không ở ký túc xá, nên việc tìm được chị khó khăn biết bao.

Nhớ ngày gặp chị, chị nhìn tôi ngẩn người mất vài giây, rồi vứt chậu quần áo bẩn xuống đất, chạy đến và ôm siết lấy tôi thật chặt. Chị bảo con bé ngày xưa ấy, chị nhìn không ra. Có lẽ chị nói phải, vì đã quá lâu chị em tôi không gặp lại. Đêm đó chúng tôi tâm sự như anh em ruột thịt lâu ngày không gặp chứ không còn chỉ là bạn bè nữa. Tôi cũng chẳng nhớ khi ấy tôi đã nói những gì với chị. Tôi chỉ biết tôi đã nói thật nhiều, thật nhiều, nhiều hơn bao giờ hết. Còn chị thì lặng lẽ nằm cạnh tôi, thỉnh thoảng lại cười lên vài tiếng, tay vòng ra sau lưng tôi vỗ nhẹ theo nhịp như khi xưa chị vẫn hay ru tôi ngủ. Chúng tôi cứ thế chuyện trò, và rồi tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào chẳng biết.

Tôi học khác trường với chị. Ban đầu tôi định ở ký túc xá cho gần trường, nhưng tôi lại muốn ở cùng chị Liên sau bao năm xa chị, nên tôi ngỏ ý muốn thuê chung trọ với chị. Ban đầu chị không đồng ý. Chị bảo trọ của chị xa trường tôi lắm, đi lại bất tiện. Nhưng tôi bảo chỉ cần chị không thấy phiền thì tôi sẽ ở lại, dù trọ có xa trường đến cách mấy. Và thế là chị gật đầu, dù cho cái gật đầu ấy chẳng thoải mái là bao. Tôi cứ đi sớm về trễ, nhưng chỉ cần về đến nhà và ngửi mùi đồ ăn chị làm, bao mệt mỏi bỗng dưng tan biến hết.

Thời gian tôi ở bên chị làm tôi cảm thấy tuyệt vời hơn bao giờ hết. Chị luôn biết tôi muốn gì và thi thoảng sẽ tạo ra cho tôi một vài bất ngờ, ví dụ như một cái bánh kem nhỏ chẳng nhân dịp gì hết. Chị bảo hồi nhỏ tôi luôn nói rằng tôi thích ăn bánh kem, và giờ chị mua bù lại cho tôi. Tôi chẳng thể ngờ rằng đến bây giờ chị vẫn nhớ những lời tôi từng nói. Và cứ dần dà như vậy, tôi lại thân với chị hơn một chút. Tôi có cảm giác gì đó thật khác lạ, một thứ cảm xúc tôi chưa từng có bao giờ.

Chỉ có chủ nhật chúng tôi mới được nghỉ xả hơi. Ở làng tôi, chủ nhật cũng chẳng khác ngày thường là bao khi mọi thứ vẫn cứ nhộn nhịp và sôi động như vậy. Nhưng từ khi tôi lên thị trấn, chủ nhật của tôi bỗng trở nên lười biếng hẳn. Tôi chỉ luôn nằm ườn ra trên cái phản và chờ đợi mọi thứ trôi qua một cách thật yên bình, vì chẳng mấy khi tôi có được những giây phút thảnh thơi ấy. Có lẽ tôi được hưởng từ người bố đã mất sự thông minh và nhạy bén, nên việc tiếp thu kiến thức ngay trên lớp chẳng có là gì so với tôi. Vì vậy tôi cảm thấy thật may mắn khi chẳng bao giờ phải ôn bài bù đầu bù cổ vào những ngày chủ nhật như bọn cùng lớp. Chủ nhật của tôi đáng lẽ ra vẫn chán ngắt như vậy, nếu chị Liên không dựng tôi dậy, kéo tôi ra trước bàn học của chị và ấn vai tôi để tôi ngồi yên vị trên ghế. Chị kéo chun buộc tóc của tôi xuống và lấy lược chải lại một cách nhẹ nhàng mái tóc luôn rối tung bời của tôi. Chị xịt lên tóc tôi một ít nước để làm ẩm rồi bắt đầu lấy kéo tỉa lại phần đuôi tóc. Song, chị rẽ mái của tôi sang hai bên rồi tỉa lại một lần nữa. Chị mày mò một lúc, cười mãn nguyện trước tác phẩm của mình rồi kéo chiếc gương trên bàn lại gần cho tôi xem. Tôi cầm chiếc gương mà miệng không thể ngừng cảm thán. Chưa bao giờ tôi thấy bản thân lại giống một cô tiểu thư nhà giàu đến vậy, mái tóc mới chỉ gọn gàng một chút mà tôi bỗng thấy mình như một người hoàn toàn khác.

"Là con gái phải yêu thương chính mình chứ. Mình chưa yêu bản thân mình thì anh nào chịu nhòm ngó đến mình đây mình ơi ?"

Chị hỏi tôi bằng giọng đùa cợt rồi cười rộ lên đầy thích thú khi thấy mặt tôi ửng đỏ. Chị còn kéo tôi đi chọn quần áo mới, dù tôi nhất quyết không nhận vì đây là tiền của chị, nhưng chị lại mua hết thảy về mà chẳng cần tôi mặc thử. Chị bảo quần áo chúng tôi không cùng cỡ, nếu tôi không lấy thì đống đồ này sẽ bị bỏ phí, và chị ép tôi nhận bằng được. Chị bảo chị còn áy náy vì do chị mà tôi phải thuê trọ xa trường, nên mới lấy đống quần áo này để đền bù cho tôi. Và tôi cũng đành phải nhận hết, dù có muốn hay không đi chăng nữa.

Từ ngày được chị Liên tỉa tót ngoại hình cho, số người để ý tôi bỗng nhiều lên đáng kể. Thi thoảng tôi sẽ nhận được vài cái liếc nhìn của mấy ông anh lớp trên, thỉnh thoảng lại là vài hộp sữa hay cái bánh trong ngăn bàn, cùng với đó là tiếng ồ lên đầy thích thú của lũ bạn tôi. Tôi thường cất cẩn thận từng tấm thư tình tôi nhận được vào trong cặp rồi lôi ra đọc đi đọc lại vào buổi tối. Tôi ngượng chín mặt khi đọc được mấy lời đường mật của chủ nhân mấy bức thư, nhưng tôi chưa từng hồi âm lại bất cứ một bức nào trong số chúng. Tôi chẳng có cảm giác gì với lũ con trai đó, tôi nghĩ tôi và chúng nó chưa đủ thân thiết để tôi cảm thấy rung động. Khi đó tôi nghĩ vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro