Chim mỏi về rừng.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thôi Tú Bân là kẻ kiếm cơm từ những con chữ. Bân không dám nhận mình là nhà văn, vì Bân nghĩ mình đã có gì là thành tựu? Đến khi nào Bân tả được đôi mắt biếc trong như Nguyễn Nhật Ánh, trồng được cây cam ngọt đẹp đẽ như José Mauro, và làm được những điều vĩ đại hơn thế, chừng đó Bân mới dám nhận cái danh này.
Tác phẩm của Bân không tệ, công chúng đón nhận rất nhiệt tình. Ai yêu những áng văn bay bổng, tả cảnh mây cảnh núi mà cứ như tả đôi tình nhân đang ôm ấp tình tứ sẽ phải lòng văn Bân. Ai thích nhìn sông qua chữ, nhìn chim qua thơ, cảm nhận hương hoa thơm ngọt, gió lay nhành cỏ qua trang sách chắc sẽ yêu những đứa con của Bân lắm. Bân có cái tài miêu tả tuyệt diệu, qua ngòi bút của Bân cảnh như sống, như dựng lên trước mắt. Từng có độc giả nói thế này: "Tôi từng đọc những dòng anh ta viết về Paris và cũng đã đến Paris. Tôi ngắm Paris qua văn Bân mới biết Paris đẹp."
Để viết được hay, Bân phải đi nhiều, đi lâu, ngắm nhiều, ngắm lâu. Bân từng đến một ngôi làng, nhìn một triền đê trong bốn ngày, viết ra ba mươi chữ tả lại triền đê ấy, vẻn vẹn 2 dòng văn. Bạn hỏi vì sao phải cần nhiều thời gian thế ư? Chẳng ai biết, chỉ Bân biết, mà dường như Bân muốn giấu, không giải thích với ai bao giờ. Đừng gọi đó là phí thời gian, Bân nghe, Bân giận bạn đến già.
Bân có nhà. Mà nhà Bân chỉ như nhà trọ, kém cả nhà trọ. Nói trắng ra, nó là một chốn dừng chân tạm thời. Mỗi lần về là Bân có bản thảo, hai ba bản thảo sẽ được một tác phẩm.
Bạn lại hỏi, người như Bân thì ai yêu? Vì yêu Bân như yêu ngọn gió...
Bạn nói thế tội Bân, gió đi suốt, còn Bân cần về. Chỗ dừng chân tạm bợ thì cũng là chỗ dừng chân, Bân phải về. Nếu phải ví, cứ ví Bân như một chú chim, nuôi đam mê và lý tưởng bằng những lần sải cánh, đến khi mệt sẽ lặng lẽ quay về khu rừng già, lặng lẽ đậu lại một cành cây quen.
...
Hôm nay, Thôi Tú Bân về nhà, kết thúc chuyến đi dài nửa tháng đến một vùng núi cao. Cuốn bản thảo trong túi Bân lại dày kín gần hai chục mặt toàn chữ, điều đó khiến Bân hài lòng. Cửa không khóa, khóe môi Bân kéo lên từ lúc nào, lấp ló đôi đồng điếu trông rất duyên.

"Anh ơi, Bân về rồi."

Chưa thấy mặt đã nghe tiếng, Bân hướng vào nhà gọi to cho ai kia nghe. Ba giây sau, đúng như dự đoán, Bân nghe cái giọng trong trong, xen vào sự mừng rỡ cất cao tên mình.

"Bân, Tú Bân, chồng!"

Rồi cái giọng ấy càng ngày càng gần, chữ "chồng" thốt ra khi mái đầu tròn trịa ghì vào hõm cổ Bân, đôi tay vòng qua eo siết lại, chặt cứng. Còn Bân đã kịp dang tay đón lấy ai kia vào một cái ôm ấm sực, từ khi nhìn thấy dáng dấp nọ lao vút ra khỏi căn phòng.
Bân nghe anh gọi, Bân cười hiền, cười đúng lúc Thuân ngẩng đầu khỏi vai Bân, Thuân thơ thẩn. Cái cười làm Thuân mê, cái cười làm Thuân nhớ đến mòn mỏi đang hiển hiện trước mắt Thuân, như trêu ngươi. Thuân giận, ấy là Thuân nói, Thuân hôn lên cánh môi ấy cho bõ bèn. Nhưng anh ơi, có ai giận mà hôn, còn hôn say mê, dịu dàng đến thế?
Người như Bân thì ai yêu? Có Thuân, Thôi Nhiên Thuân.

"Em về sớm thế?"

"Ừ, tại nhớ anh."

"Anh nấu cơm em ăn, nhá?"

"Bân muốn ngủ, anh ơi, ngủ với Bân."

Giống như một thói quen, lại như bản năng bén rễ từ lâu trong Bân, về nhà là Bân muốn ngủ, dù chẳng mệt. Mà phải ôm Thuân ngủ Bân mới chịu cơ.
Bân không lạ giường. Trước kia khi đi xa, Bân đặt lưng xuống giường là ngủ. Nhưng từ ngày có Thuân trong đời, Bân kén lạ. Dù nằm cái võng ở miền quê, nhà sàn ở vùng núi, hay khách sạn cả triệu bạc một đêm ở cái thành phố nào xa hoa, Bân cũng không ngủ được. Chắc vì thiếu ai rúc trong lòng, thiếu cái cảm giác tê dại khi cánh tay bị gối cả đêm. Chắc vì thiếu Thuân.
Thế là hai người vào phòng, lăn ềnh ra cái giường thơm phức mùi nước giặt và nắng sớm, vùi mình vào nhau, siết chặt vòng tay ôm ấp, ngủ. Vài tia sáng con con nhảy nhót trong phòng. Nó khôn ngoan, nó lẻn vào được qua khe hở của rèm cửa sổ. Nó nhuộm tóc Thuân thành màu của nắng, nghịch ngợm trên gò má Bân đang say giấc chiêm bao.
Nằm trong vòng tay Bân, Thuân chưa ngủ. Thuân chạm lên điểm sáng trên má Bân dịu dàng, rồi cười khì như đứa bé tuổi lên ba.
...
Bân đi suốt.
Nhưng đó là cái chuyện ở một đoạn ký ức nào đã quá xa xôi, khi Bân chưa có Thuân để yêu, để được yêu.
Còn hiện tại, mười lăm ngày với Bân xem chừng đã quá nhiều.
Cái nơi người ta gọi là nhà đối với Bân chỉ là nơi tạm nghỉ, Thôi Nhiên Thuân mới là nhà.
Bân nhớ nhà nên chỉ muốn về cho mau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro