Và họ nói cuộc đời chúng ta là Vinh quang (P2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thế là tôi xuất ngũ. Chơi vơi, chênh vênh như người mãn hạn tù. Hai mươi ba tuổi. Tôi một lần nữa bước ra đời và nhận ra mình chẳng có gì trong tay ngoài một cơ thể tàn tạ. Thực ra anh trông tôi không khác gì người bình thường chứ nội tạng bên trong thì hỏng hóc hết cả. Nhưng kêu ca thì có làm chi, kể ra tôi không phải cắt đi thứ này thứ nọ đã là tốt lắm rồi.

Giờ còn nói gì đến chuyện học tiếp nữa, tôi khoác ba-lô lên đường hồi hương, tính chuyện nghỉ ngơi một khoảng thời gian rồi về sau tính tiếp.

Thị trấn nơi tôi sống quả thực đã thay đổi nhiều. Quá nhiều. Tôi đã sống ở đây hơn hai chục năm có lẻ mà còn không thấy nó biến chuyển nhanh đến thế. Mà tất cả chỉ tính bằng hai năm chiến tranh thôi.

Không khí mang một vẻ gì đó trống rỗng, mệt mỏi và ngơ ngác. Có lẽ niềm hân hoan đã qua, bây giờ người ta tỉnh mộng để thấy mình phải đối diện với biết bao nhiêu đống đổ nát phải gây dựng lại từ đầu.

Nhưng dẫu sao, quê hương vẫn là quê hương. Khung cảnh ngoài cửa xe càng dần trở nên quen thuộc, tôi lại càng thấy phấn chấn.

Cuối cùng tôi cũng sắp được về nhà.

Không biết bố mẹ khi nhìn thấy tôi sẽ nói gì nhỉ? Liệu họ còn nhận ra con mình không? Còn thằng nhóc Shuhei nữa, hẳn là giờ đã trưởng thành ra dáng lắm rồi. Tuy nó không đi chiến đấu nhưng hồi lâu tôi nghe nói nó cũng rất hăng hái đóng góp sức lực cho cuộc chiến.

Tôi quyết định qua hành chính công trước để xử lý giấy tờ rồi mới về nhà sau. Thấy tôi, bọn họ vô cùng ngạc nhiên. Họ tưởng tôi đã chết. Người ta còn làm giấy chứng tử đàng hoàng cho tôi rồi nữa kìa.

Qua cơn sửng sốt rồi thì họ bắt đầu bực mình. Cái gì vậy? Thế là bằng ấy giấy tờ phải làm lại hết cả, mất bao nhiêu thời gian! Đáng lẽ bọn họ có một liệt sĩ, vậy mà bây giờ lại thành ra thương binh. Người ta tức giận vì công việc phức tạp, tức giận vì đáng lẽ nếu tôi hy sinh thì họ sẽ bớt được gánh nặng phải thông báo cho tôi một tin chẳng vui vẻ gì.

Cả nhà tôi đã chết hết.

Họ bị trúng bom trong một cuộc oanh kích. Thực ra bên địch cũng đã nương tay mà tránh khu vực đông dân cư. Nhưng ngôi nhà nhỏ bé của chúng tôi lại không nằm ở nơi đó. Nếu anh còn nhớ, thì tôi đã kể là nó nằm ở bìa rừng, tình cờ lại gần nơi quân ta đóng quân cố thủ. Nên đã hứng trọn quả bom ân huệ ấy. Cả em trai tôi, người đáng lẽ đang làm việc ở xưởng sản xuất vũ khí ở trung tâm thành phố, lại trở về đúng hôm đấy để nghỉ ngơi, cũng không thoát."

Anh ngừng lại, lấy tay che mắt. Tôi thấy bàn tay anh đang run. Tôi đã định bảo hay dừng lại, để cuộc nói chuyện tiếp tục vào khi khác. Nhưng anh đã dứt khoát nói tiếp:

"Không, anh đừng lo cho tôi. Chúng ta phải kết thúc câu chuyện này. Cũng như tôi phải tự vượt qua bóng ma của chính mình, nếu không tôi không thể thanh thản được.

Dù sao đây cũng chỉ là vết thương cũ. Thi thoảng nhói lên một chút, tôi quen rồi.

Anh hình dung được không, khoảng đất nơi đã từng là căn nhà và khu vườn giờ chỉ còn là một cái hố sâu hoắm. Trời mưa đã làm đọng một vũng nước đục ngầu ở đó. Chẳng ai tưởng tượng được nơi đây đã từng có người sống, từng rất hạnh phúc và êm đềm đến như thế nào.

Vừa nãy anh đã thấy tôi rất xúc động đúng không? Phải, cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ về gia đình, tôi đều muốn ứa nước mắt, muốn đập vào ngực để trái tim đừng đập nữa. Vì đau đớn quá.

Nhưng ngay lúc ấy tôi thì chẳng phản ứng gì cả. Tôi nhớ mình đã ngồi vắt vẻo trên miệng hố, châm điếu thuốc hút. Tôi nhìn vũng nước đọng và tính toán liệu mình có thể đâm đầu xuống đấy mà chết ngay không. Tôi bỗng tiếc sao hồi ấy mình thật thà đem nộp lại cả viên thuốc "thiên đường". Giá nó còn ở đây thì tiện lợi biết bao nhiêu. Người ta đã thu hết lại của chúng tôi, cả tư trang, đồ đạc, sức khỏe, tuổi trẻ, tương lai... và thậm chí cả quyền được chết. Chỉ để lại cho chúng tôi một tâm hồn vỡ nát.

Hình như tôi còn ngồi hát nữa thì phải. Bài hát cổ động ra chiến trường rất nổi hồi ấy mà thỉnh thoảng thanh niên chúng tôi hay lôi ra để ngâm nga. Nó có một đoạn như thế này: "Ta bước chân đi, đầu không ngoảnh lại. Phía trước là khó khăn, phía trước là gian khổ. Nhưng tuổi trẻ đâu có sợ gì. Đất nước cất tiếng lên, chúng ta cùng đáp lại. Và họ nói cuộc đời chúng ta là vinh quang..."

Tôi ngồi đấy, hút hết cả bao thuốc lá thì vứt toẹt xuống hố rồi xách chiếc ba-lô tồi tàn đi ngược lại con đường ban đầu. Quả bom đó đã cắt đứt mọi liên hệ của tôi với mảnh đất này. Giờ tôi không còn chuyện gì để nói với nó nữa.

Tôi quay lại hành chính công để hoàn tất thủ tục. Đến chiều thì tôi đã lên bước lên một chuyến tàu khác để rời đi mãi mãi.

Tôi đi đâu?

Ngay lúc mua vé, tôi còn chưa có ý niệm gì cụ thể. Tôi chỉ muốn đi thật xa. Nhưng khi yên vị trên tàu rồi, tôi chợt nhớ ra một nơi có thể nương tựa được.

Thế là tôi lại xoay sở mua vé đổi chuyến. Đồng thời đánh điện cho người ấy. Cũng phải vạ vật mất khoảng năm sáu ngày ngủ nhà ga bến tàu thì mới đến được nơi.

Kể từ đó tôi bắt đầu sống cùng chị Tomoko.

Tomoko cũng là một Omega, đồng thời là đồng đội cũ của tôi trên chiến trường. Chị xuất ngũ trước tôi, vì bị thương quá nặng không đủ khả năng chiến đấu. Thực ra lần cuối cùng tôi nhìn thấy chị, Tomoko chỉ là một khối người be bét máu. Chúng tôi còn không dám tin là chị còn sống.

Mà không, có lẽ bây giờ chị sống cũng chẳng khác gì cái chết. Tomoko - như bao cô gái khác đã quyết xông pha vào chiến trường - rất dũng cảm. Nhưng sự dũng cảm ấy đã hại chị. Khi vị trí mai phục bị lộ và đồng đội đã chết, chỉ một mình chị cầm chân cả một tiểu đoàn, hễ còn ngón tay cử động được là chị còn bắn. Tomoko đã chiến đấu như thế, cầm cự suốt nửa tiếng đồng hồ cho đến khi chúng tôi đến ứng cứu.

Nghe đâu người ta đã gắp được cả khay đạn trong người chị, một quả lựu đạn nổ gần làm trước ngực chị gần như dập nát. Tomoko sống được là cả một điều kì diệu. Nhưng chị phải cắt bỏ đi một phần ngực, còn tuyến thể thì đã bị hỏng vĩnh viễn. Vậy là Tomoko vẫn sống, nhưng đã bị tước đi cả tư cách của một người phụ nữ lẫn một Omega bình thường.

"Giờ thì chị là một người đàn ông hoàn toàn, thiếu mỗi cái ấy nữa thôi. " Tomoko đã từng chua chát nói như vậy.

Chị có sự đồng cảm sâu sắc đối với tôi. Cả hai chị em đều mất đi gia đình. Chỉ khác là tôi mất vì chiến tranh, còn chị là sau chiến tranh. Tomoko vẫn còn một mẹ già và em gái, nhưng họ không mở rộng vòng tay chào đón chị, họ thích một Tomoko đã chết hơn. Mẹ chị nhìn đám huân chương và bằng khen của chị mà bật khóc, bà nói: "Tại sao con lại về? Con về để làm gì? Rồi Sachiko nó biết làm sao đây? Ai sẽ chịu lấy nó khi biết nhà này có một Omega trong quân ngũ? Những thứ này giờ có ích chi hở con?"

Tomoko còn biết nói gì hơn? Chị rời ngôi nhà ấy, tự thuê căn hộ để ở như một người không gia đình. Chị đã thỏa mãn mong muốn của người thân, ít nhất là biến đi cho khuất mắt, cho cuộc sống họ được yên ổn.

Tomoko không phải trường hợp duy nhất. Anh sẽ ngạc nhiên nếu biết chuyện như thế xảy ra với cựu chiến binh Omega nhiều đến như thế nào.

Đáng lẽ chỗ xứng đáng cho chúng tôi là phải nằm lại trên chiến trường.

Không hiểu tại sao, ngay khi chúng tôi thay đi bộ quân phục, rửa sạch mùi thuốc súng, là người đời không còn nhìn thấy gì nữa ngoài giới tính của chúng tôi. Họ sợ hãi bọn Omega không an phận làm công việc nhẹ nhàng, bình thường, mà lại lăn lăn lộn lộn, xưng tao xưng tớ, quàng vai bá cổ với một đống Alpha xung quanh. Người ta thì thào về những chuyện phóng túng của chúng tôi trên chiến trường, về những đứa trẻ đẻ rơi đẻ rớt trong chiến tranh mà không ai biết nguồn gốc. Họ còn khinh thường cả việc chúng tôi đã bị lôi vào cuộc chiến quá sớm, để rồi ra đời với bàn tay trắng, ngây ngây ngốc ngốc, không rõ một cái gì ngoại trừ lau súng, nạp đạn.

Tôi có biết một anh bạn Omega từng là lính pháo binh. Anh rất thông minh, sáng láng, ra trận mà bắn hạ máy bay địch thì không ai bằng anh. Trở về nhà, anh vẫn vừa học vừa làm, là thư ký hội đồng nhân dân của thị trấn. Nhưng bất chấp như vậy, anh vẫn bị chồng bạo hành. Và anh phải chịu, vì danh dự, vì thể diện, và vì ngoài gã đó không ai chịu lấy anh. Tên đó bình thường hiền như cục đất, cạy miệng nửa ngày không nói, nhưng cứ rượu vào là hắn đánh, vơ tất cả mọi thứ trong tầm tay mà quất, mà ném. Hắn vừa đánh vừa chửi: "Chúng nó bảo tao không bằng mày! Tao không bằng mày ở chỗ nào? Hở? Mày bảo xem tao không bằng ở chỗ nào? Mày có là ông nọ bà kia ở ngoài thì trong nhà vẫn chỉ loại Omega chổng mông lên cho người ta đụ thôi. Tao thì tao thèm vào, tao đập hết!"

Nhà đó vẫn còn ông bà và bố mẹ chồng nữa. Nhưng không ai bênh anh. Không một ai. Ý chừng họ còn thấy hổ thẹn vì con mình phải lấy người quá khứ khuất tất như anh.

Thế mà anh ấy cũng sinh được hai đứa con gái cho hắn đấy. Mấy đứa nhỏ thật xinh xắn và ngoan ngoãn, tuy chưa biết tính hướng sau này thế nào nhưng tôi thấy tội khi nghĩ đến chúng còn bé quá mà đã phải chứng kiến sự bất công của người đời.

Đấy là tôi chỉ lấy trường hợp của nam, nên anh cũng tưởng tượng được nữ còn khổ đến mức nào. Có những người không dám nhận mình từng là quân nhân, họ giấu huân huy chương tận đáy hòm, thà sống như một nông dân còn hơn là được hưởng những ưu đãi vốn dành cho mình. Còn cả các Omega bị tàn tật, bị tổn thương về tinh thần, thậm chí đã không còn ý thức nữa mà còn bị người ta lợi dụng, xâm hại thân thể. Mấy chuyện đấy anh có được nghe không? Không chứ gì, vì có ai muốn kể ra đâu. Đó là những nỗi nhục mà gia đình họ chỉ muốn giấu nhẹm đi, không ai muốn khơi ra cả.

Mà chắc ngay cả chuyện này anh cũng không biết đâu nhỉ? Rằng chính phủ có lập hồ sơ theo dõi các Omega. Chúng tôi được kiểm tra sức khỏe, được đánh số hiệu như những mặt hàng. Cũng phải thôi, vì bọn tôi được coi như cái máy đẻ. Sau chiến tranh, dân số hao hụt quá nên chính phủ buộc phải áp dụng việc kích cầu sinh sản. Ngay cả cựu chiến binh cũng không thoát. Hễ ai mà họ nhắm thấy còn trong diện khỏe mạnh là chính phủ sẽ bật chế độ theo dõi lịch trình, buộc đối tượng phải khai báo nơi tạm trú, đồng thời đốc thúc bên địa phương mau chóng tìm cho "máy đẻ tiềm năng" một hôn phối phù hợp. Còn nếu quá ba lần sắp xếp mà anh vẫn ngoan cố không chịu hở? Thì họ sẽ hạ thấp quyền công dân cơ sở của anh xuống, hạn chế những nơi anh được đến được đi, hạn chế cả cơ hội xin việc nữa. Đấy, anh thấy chưa? Người ta đã tính toán chu đáo từng đường đi nước bước cho chúng tôi đến mức ấy đấy. Chúng tôi được hoạch định tương lai cho tới tận cuối đời.

Thế nên nghĩ lại thì hai chị em bọn tôi vẫn còn may mắn chán. Sở dĩ chị Tomoko và tôi được tha khỏi vụ "kế hoạch hóa gia đình" này chỉ vì một người thì đã tiệt nòi còn một người chỉ còn 30% khả năng sinh sản. Chứ không thì còn khuya mới thoát nợ mà sống yên ổn được.

Vậy đó, thế là hai kẻ cô độc chúng tôi bắt đầu thu vén cuộc sống cùng nhau. Bọn tôi chen chúc trong một căn hộ bé tí, chỉ đủ chỗ kê một cái giường. Tôi nhường nó cho chị, còn mình thì trải nệm ngủ dưới sàn. Cũng chẳng vất vả lắm, vì so với điều kiện ở chiến trường thì thế này đã như khách sạn năm sao rồi.

Chị Tomoko hiện là kế toán ở một kho hàng gần cảng nên đã xin cho tôi làm chân bốc vác ở đấy. Công việc kiếm không được bao nhiêu, đủ cho hai chị em sống tằn tiện. Tôi cứ nghĩ đời mình thế là xong, cứ vậy cho đến chết mà thôi.

Nhưng cũng rất nhanh, cuộc đời đã dừng ngay sự tưởng bở của tôi lại. Tôi đã ngỡ cả hai chúng tôi cùng cô độc, hóa ra chỉ có mình tôi như vậy. Còn Tomoko, chị ấy vẫn còn người để trông ngóng. Người ấy là Machida Keita, người yêu cũ của chị.

Hay ít ra, là "cũ" theo ý chị Tomoko.

Hai người đã hẹn ước với nhau từ thời còn học cấp ba, rồi lại cùng nhau xung trận với lời hứa chừng nào còn sống thì nhất quyết sẽ vẫn tìm đến nhau, mãi mãi không chia lìa. Nhưng đến khi Machida đến tìm chị thì Tomoko lại không thể giữ lời hứa ấy nữa. Chị hổ thẹn với chính mình, chị không đủ tự tin để có thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho anh. Nhưng xét cho cùng, Machida cũng có phải người hoàn mỹ đâu. Anh ấy trước là phi công, vì một tai nạn trong khi làm nhiệm vụ nên đã phải cắt bỏ một chân trái. Anh ấy cũng rất rõ tình trạng của chị hiện giờ và đã bày tỏ rằng mình không hề để ý đến việc đó, chỉ cần họ ở bên nhau. Nhưng sự bướng bỉnh của phụ nữ thì anh biết rồi đấy, chị ấy vẫn không chịu tiếp nhận anh.

Tuy vậy, Machida vẫn rất kiên trì. Thế mới dẫn đến những buổi tối vô cùng gượng gạo khi tôi thấy mình tự dưng thành con kỳ đà cản đường. Bởi không rảnh thì thôi, chứ hễ rỗi ra một chút là anh lại đến chơi, và ngồi lì ra đó từ tám giờ đến tận mười giờ. Ban đầu thì chị Tomoko định không gặp, không tiếp. Nhưng anh lì lợm quá, chị đành phải cho anh vào. Để xua đuổi Machida, Tomoko thậm chí còn không thèm ra mở cửa, không mời nước, cứ ngồi nguyên đấy mà ôm đống sổ sách và máy tính cả buổi. Machida có hỏi gì chị cũng chỉ đáp nhấm nha nhấm nhẳng, tôi ngồi nghe mà phát ngượng. Căn hộ thì bé tí, tôi không tránh đi đâu được, thành ra cũng đành phải quanh quẩn gần đấy, đau lòng nhìn hai con người đã từng yêu nhau đến thế, nay xa cách, lạnh lùng như người dưng qua đường.

Hình như tôi đã từng thấy anh Machida nén tiếng thở dài sau mỗi lần nói câu "Chào em, anh về nhé. Mai anh lại sang", mà không thấy chị trả lời. Hình như tôi còn thấy cả chị Tomoko, nhiều đêm xả nước ào ào để rửa mặt, có lẽ để át đi tiếng thổn thức của chính mình...

Nghĩ mà buồn. Giá như không có chiến tranh thì hai người bọn họ đã xứng đôi biết bao nhiêu, hạnh phúc biết bao nhiêu.

Tôi thấy tội cho anh Machida. Thế là tôi bắt đầu lân la trò chuyện cùng cho anh đỡ buồn. Anh biết đấy, hai người đàn ông thì cũng dễ bắt chuyện hơn. Mà thực ra Machida có kiến thức uyên thâm hơn tôi tưởng. Nói chuyện với anh cũng giúp tôi mở mang thêm nhiều. Ban đầu tôi cứ nghĩ anh chỉ hứng thú với máy móc, xe cộ - vì anh đang học thêm bằng lái xe tải để xin việc - nhưng rồi dần dần đá sang chủ đề gì anh cũng biết, kể cả văn chương, nghệ thuật. Thành ra chúng tôi cứ lan man, lảm nhảm cả buổi tối không muốn ngừng.

Tôi bắt đầu cảm thấy mình mong ngóng những buổi tán ngẫu cùng anh. Hôm nào anh không đến thì chính tôi lại thấy trống trải, thiêu thiếu. Cứ gặp được việc gì ngồ ngộ, đầu tôi sẽ tự động nhảy số sang Machida, chờ mong được kể với anh, để xem anh có phản ứng thế nào.

Thôi được rồi, chuyện cũng đã qua lâu, tôi thừa nhận là mình đã phải lòng anh ấy. Nhưng hồi đó thì tôi không biết thực. Vì đã quá lâu rồi không được hưởng cảm giác yêu đương. Dĩ nhiên hồi còn chiến đấu thì tôi cũng có vài người chú ý. Nhưng chỉ là mấy bức thư nhăn nhúm nhét vội, những cái nắm tay nhớp nháp mồ hôi, vài nụ hôn vụng trộm giữa các lần hành quân... Các cuộc tình chỉ được tính bằng phút rồi lại trôi đi vội vã vì hai bên còn chẳng hy vọng gặp lại được nhau, vì có khi sớm mai kia là đã âm dương cách biệt rồi. Thế nên tôi vẫn dối lòng mà cho rằng giữa mình và Machida chỉ là bạn mà thôi.

Có lẽ thời khắc khi tôi nhận ra mình đã sập hố không lối thoát là vào một tối nọ. Như thường lệ, đồng hồ điểm mười giờ thì Machida đi về. Anh với tay lấy chiếc mũ trên móc đội vào, không quên nói lời chào với Tomoko đang lạch cạch bấm máy tính, vẫn không chịu ngẩng đầu lên. Theo lẽ thường là anh sẽ đi luôn. Nhưng đã sắp quay lưng đi rồi, anh lại ngoái đầu nhìn tôi mỉm cười: "Cái áo trông hợp với cậu lắm đấy. Trời sắp lạnh rồi, hai chị em nhớ giữ ấm nhé."

Ngày hôm ấy tôi đã mặc một chiếc áo len mỏng màu mận chín bên ngoài chiếc sơ mi. Chỉ là một cái áo hết sức đơn giản, rẻ tiền mà tôi mua để phòng gió lạnh lúc chớm thu.

Nhưng Machida đã đặc biệt khen tôi.

Vào trong nhà, tôi phải phi vội vào phòng tắm, lấy cớ vệ sinh cá nhân để che đi gương mặt đang ngoác miệng ra cười không ngậm lại được của mình.

Tôi thấy bản thân hạnh phúc không thể tả. Đã lâu lắm rồi chẳng có ai khen ngợi tôi. Tôi dần quên mất là mình vẫn còn trẻ, mình mới hai mươi tư tuổi đầu. Bởi lần gần nhất tôi được người ta khen đẹp lại là từ một bệnh nhân hấp hối sắp chết.

Đó là khi tôi đang điều trị hồi sức ở bệnh viện sau mấy tháng hôn mê. Vì cơ thể đã nằm lì quá lâu, tôi bắt buộc phải tập luyện để dạy lại cho nó những thói quen cơ bản nhất, từ cầm, nắm, nhai, nuốt cho đến đứng, ngồi, đi lại. Đau đớn vô cùng, mệt mỏi vô cùng. Sáng nào tôi cũng phải ép mình chống nạng mà dò dẫm từng bước một quanh phòng. Có tầm chục bước bọ mà khó khủng khiếp anh ạ, cứ như học đi lại từ đầu. Nhiều khi tôi còn tưởng đây là cơ thể người khác ghép vào chứ không phải của mình, đầu bảo một đằng, chân lại đi một nẻo.

Vào một buổi sáng cũng như thế, khi tôi đang đếm bước chân thứ hai mươi thì nghe tiếng thều thào gọi lại:
- Cậu gì ơi... Cậu vừa đi qua cái giường này đấy... Phải, chính là cậu đó, quay lại đây tôi nhờ chút.

Tôi ngạc nhiên vì người lạ lại gọi đúng mình nhưng cũng tò mò lại gần. Anh ấy nằm cách tôi ba giường, nghe đâu các cơ quan đã bị tổn thương rất nặng, chỉ nằm chờ chết. Tội nghiệp cho anh. Chết trong chiến trận đã buồn, mà còn chết khi chỉ cách ngưỡng cửa hòa bình vài tấc nữa thì lại còn đáng buồn hơn.

Nghĩ vậy nên tôi cũng lê lết tấm thân tàn tới chỗ anh. Hình như anh cảm nhận được, giọng anh sốt sắng hẳn lên:
- Cậu là một Omega phải không?... Đúng rồi, tôi biết mà. Tôi chỉ muốn xin cậu một ân huệ. Xin hãy cho tôi được ngửi hương tin tức tố từ cậu một chút. Đã lâu lắm rồi tôi không được về nhà, tôi không còn nhớ nổi mùi hương của vợ mình thế nào nữa...

Anh bảo, người mỗi tháng hai lần thuốc ức chế như tôi thì còn mùi mẽo gì đây? Nhưng anh ấy đáng thương quá, chẳng lẽ tôi lại từ chối? Thế nên tôi cũng đành nới cúc ở cổ tay, khẽ cọ cọ tuyến mùi của mình vào cổ, vào mặt của anh ấy. Con người đã đến bến bờ của sinh mệnh đó sung sướng lắm, anh cứ lẩm bẩm xuýt xoa mãi:
- Ôi tuyệt vời quá! Ôi xinh đẹp quá!...

Dối trá! Anh ta còn nhìn thấy gì đâu. Đôi mắt anh đã hỏng từ lâu, và bị băng kín trong mấy lần vải rồi. Nhưng tôi không có lòng dạ nào mà đính chính lại cho anh. Hãy cứ để cho anh được hạnh phúc trong cái ảo mộng tồi tàn này đã...

Đến chiều thì anh chết. Thư thái, nhẹ nhàng với một nụ cười mãn nguyện trên môi.

Vậy đấy, tận từ hồi ấy cho đến mãi sau mới có một người khác khen tôi, chả trách sao tôi lại hân hoan đến không giữ nổi mình.

Tôi bắt đầu lén ăn vụng ăn trộm hạnh phúc của chị Tomoko. Bây giờ, trước mỗi tối mà Machida đến, tôi sẽ cố gắng chuẩn bị áo quần tươm tất, gọn gàng; bàn ghế, ấm nước cũng sắp xếp sẵn sàng. Trước khi ra đón anh, tôi còn nán lại chiếc gương con lâu hơn một chút, để chỉnh trang lại mình, để xem có cọng tóc nào chỉa ra hay cổ áo đã thẳng thớm hay không.

Đúng, hồi ấy tôi ngớ ngẩn thế đấy, trong khi vẫn cầu mong chị Tomoko không phát hiện ra.

Nhưng anh hãy hiểu, tôi tuyệt đối không có ý cướp Machida từ tay chị ấy. Họ là để dành cho nhau, tôi luôn đinh ninh như vậy. Chẳng qua từ lâu rồi không ai đặt kỳ vọng hay chú ý vào tôi, nên hễ có chút mật ngọt người ta ban phát cho là tôi vồ lấy, hồ hởi níu lấy nó để tô điểm cho cuộc đời xám xịt của mình.

Nói thẳng ra, anh cứ tưởng tượng một con chó quá thiếu thốn tình thương, đến nỗi nó sẽ liếm tay tất cả những người nào từng vuốt ve nó hay cho nó một mẩu bánh mì.

Là như vậy đấy!

Nhưng rồi Machida cũng không kiên nhẫn được mãi. Anh bắt đầu nói bóng nói gió về việc mình sắp nhận được bằng lái, và có một đồng đội cũ đã hứa sẽ tìm việc cho anh. Nhưng không phải ở nơi này. Có vẻ như Machida đã đưa ra tín hiệu cuối cùng.

Còn tôi, tôi chỉ lo sợ bị mất đi liều thuốc phiện mà mình đã quen mui, cũng cố nói hùa vào để chị níu giữ anh.

Nhưng Tomoko vẫn nín lặng.

Bẵng đi mấy hôm, Machida không thấy đến nữa.

Rồi một tối nọ, trời vừa hơi sâm sẩm, chị Tomoko đã sấp sấp ngửa ngửa thu xếp đám giấy tờ. Chị bảo sắp có đợt thanh tra, nên chị và đồng nghiệp phải đi làm thông ca, soát lại sổ sách. Cảm thấy mấy vết thương cũ lại nhức mỏi - anh thừa hiểu rồi đấy, thương binh thì như cái máy dự báo thời tiết vậy, trái gió trở trời biết tay nhau ngay - nên tôi cũng giục chị đi mau không mắc mưa.

Quả nhiên một lúc sau, trời mưa thật. Không to lắm nhưng dày hạt. Tôi ngồi nghe tiếng mưa rơi rả rích mà không hiểu sao lòng cứ bồn chồn. Đến chín rưỡi thì tôi quyết định leo lên giường đi ngủ. Nhưng nằm chưa kịp ấm hơi chăn, đã nghe tiếng chuông. Nghĩ là chị Tomoko trở về, tôi vội vàng ra mở cửa.

Nhưng không, là Machida.

Cơ mà, trời đất ơi! Anh ấy ướt sũng từ trên xuống dưới. Nhìn không cũng thấy người anh ấy đang run lẩy bẩy, đôi môi tái xanh tái xám giữa làm da trắng bệch.

Đôi mắt anh nhìn tôi nhưng như đang xuyên thấu vào hư vô, nó đỏ ngầu lên, nhuốm một nỗi đau không thể cất thành lời:
- Tại sao? Tại sao cô ấy không xuất hiện? Tại sao cô ấy lại lừa dối tôi?

Làm sao mà tôi biết được? Nhưng tôi không thể để anh về với tình trạng như vậy. Thế là tôi đành dỗ dành anh bằng lời nói dối vụng về:
- Chắc chị Tomoko sắp về rồi đó anh. Trời mưa to quá mà. Anh vào đây đi! Vào rồi chúng ta cùng đợi chị ấy.

Thế mà anh ấy cũng chịu vào. Hoặc có thể cơn mưa đã làm anh mụ mị đầu óc. Tôi kiếm một bộ quần áo rộng rộng của mình rồi đưa cho anh thay. Trong lúc đó thì tôi đi đun ấm trà nóng. Nhưng trà nước xong rồi mà mãi không thấy Machida ra, tôi lại chạy vào tìm. À, chỗ này phải nói thêm là trong căn hộ nhỏ của chúng tôi, phòng ngủ và phòng tắm thông nhau. Nên là thay vì thấy anh ở phòng tắm thì hóa ra Machida đã nằm vật lên chiếc giường của chị Tomoko từ thuở nào rồi. Anh vắt tay lên trán, có vẻ mệt mỏi. Người anh còn chẳng nằm cho tử tế, chân vẫn còn vắt vẻo ở cạnh giường, cúc áo cũng chưa cài cẩn thận. Tôi chỉnh lại tư thế cho anh, nhưng rồi phát hiện cơ thể Machida đang nóng hầm hập, khắp người túa mồ hôi. Chết thật, khéo anh bị cảm lạnh mất thôi! Tôi lại lật đật kiếm chậu nước ấm để chườm và lau mồ hôi cho Machida.

Tôi cứ tưởng anh ngủ rồi, té ra không phải. Vừa chạm được cái khăn vào cổ, anh bỗng bật dậy, siết chặt lấy cổ tay của tôi:
- Tomoko? - Anh thì thào.
- Không, là Akaso thôi. - Tôi cay đắng đáp lại.

Machida ỉu xìu như cọng mì ướt, nhưng vẫn không buông tay tôi ra. Bấy giờ tôi mới nhận ra là anh đã khóc. Những dải nước mắt vẫn còn chảy dài trên má chưa kịp khô. Trông anh thẫn thờ, tiều tụy đến đau lòng.

- Tại sao hả Akaso? Rốt cuộc thì tôi đã sai ở điểm nào? Tôi phải làm gì để cô ấy chấp nhận lại tôi? Phải làm gì để chúng tôi lại được như xưa đây?

- Không, anh không làm gì sai cả. Chẳng có ai sai ở đây hết. Nhưng đôi khi người ta cần nhiều thứ hơn là chỉ có tình yêu. Anh hãy cho chị ấy thời gian. Và cho cả mình nữa. Anh đã cố gắng hết sức rồi. Buông tay không có nghĩa là chạy trốn. Anh hãy nghỉ ngơi đi.

Cuối cùng thì anh cũng mỉm cười, dù đó là nụ cười đau khổ:
- Cậu nói phải, có lẽ đã đến lúc tôi tự giải thoát cho mình rồi. Cảm ơn cậu rất nhiều, Akaso. Chắc cậu cũng mệt mỏi với chuyện của hai chúng tôi lắm. Vậy mà lúc nào cậu cũng kiên nhẫn lắng nghe tôi.

Chẳng lẽ tôi lại bảo là vì tôi thích anh? Nhưng không, tôi lại còn ăn nói ngu ngốc hơn thế nhiều:
- Cũng không có gì to tát đâu anh Machida, chẳng qua là vì tôi thấu hiểu cảm giác đấy. Khi mình yêu quý một ai đó mà lại không thể truyền tải cho người ấy hiểu được họ có ý nghĩa quan trọng với mình đến mức nào.

Thế rồi, anh cũng biết đấy, bầu không khí kì lạ bắt đầu dâng lên. Anh Machida cứ nhìn tôi mãi, một cái nhìn thực sự đúng nghĩa của nó, khiến nhịp tim tôi đập liên thanh từng hồi. Còn tôi cũng không vừa, đôi tay đặt lên vai anh để an ủi, giờ lại nhích dần ra đến cổ, khẽ khàng vuốt ve tuyến thể của anh. Tôi quá liều lĩnh. Nhưng anh cũng chẳng đẩy tôi ra. Hai người chúng tôi cứ nhích dần, nhích dần lại với nhau, cho đến khi không phân biệt được hơi thở của ai với ai nữa...

Chuyện gì phải đến cũng đã đến. Chúng tôi quấn lấy nhau quên hết cả lý trí. Mấy chuyện đáng xấu hổ thế này đáng lẽ không nên muối mặt mà kể ra mới phải. Nhưng tôi muốn thành thật với anh. Tôi thực sự là kẻ trơ trẽn thế đấy, chứ chẳng tốt đẹp gì. Trong chuyện này, xét cho cùng, tôi đã gần như là kẻ chủ động, châm ngòi cho tất cả.

Và lại còn là kẻ hèn nhát nữa. Đến sáng hôm sau, nhìn thành quả mà mình tạo ra, tôi liền bỏ trốn. Tôi chạy khỏi căn nhà như một tên trộm, vùi mình vào công việc từ sáng đến chiều, không dám vác mặt về nhìn chị Tomoko. Đến lúc bắt buộc phải về, tôi lê từng bước chân nặng nhọc đứng trước cửa, tự nhiên thấy mình không xứng đáng bước chân vào đó nữa.

Tôi đã đứng đó trong bao lâu nhỉ? Chắc cũng phải tầm năm phút, cho đến khi chị Tomoko xách túi rác đi đổ và hết hồn vì tôi.

Chị Tomoko vẫn rất bình thản. Tôi lén lút quan sát chị và không thấy một tia phản ứng bất thường nào cả. Tôi quyết định sẽ không nói gì về đêm hôm ấy, hãy để nó trở thành bí mật sẽ theo tôi xuống mồ. Mà có kể thì biết bắt đầu từ đâu? Rằng người đồng đội mà chị tin tưởng nhất, người chị coi như em trai, lại đi cướp người yêu của chị ư? Cho tôi đứng giữa cả đội hành quyết tôi cũng không dám nói như thế.

Suy cho cùng, bài học rút ra từ câu chuyện của tôi là gì? Là anh đừng bao giờ đùa giỡn với tình cảm. Đừng bao giờ nghĩ rằng đến lượt mình sẽ khác. Chính tôi, gần nửa cuộc đời tự hào mình là người trung thực, cuối cùng cũng bỉ ổi, lén lút chẳng khác gì những nhân vật trong phim mà người ta vẫn coi khinh. Kể cả khi tôi đã cố nén tiếng lòng mình thì cơ thể Omega đáng ghét đã quen mùi tình lại không chịu quên. Hằng đêm, nó vẫn cứ đói khát gợi nhắc lại về đêm hôm ấy, như nhắc nhở tôi về tội lỗi mình đã gây ra. Tôi khốn khổ bị dày vò giữa một bên là ham muốn, một bên là đạo đức luân thường. Tự nhiên, tôi bỗng thấy ghê tởm cả chính bản thân mình.

Vừa hay, ông trời cũng tiếp tay cho tôi. Machida Keita không bao giờ quay lại nữa. Tôi vừa thấy nhẹ nhõm nhưng cũng vừa thấy hụt hẫng, dù đã dặn lòng mình vốn không có tư cách mà làm vậy.

Cuộc sống của hai chị em lại quay về quỹ đạo bình thường.

Có điều, đạn đã bắn không thu lại được, chuyện đã làm sớm muộn gì cũng lộ ra. Mấy tháng sau, thấy cơ thể có triệu chứng bất thường, tôi quyết định đi khám. Và phát hiện ra mình đã... mang thai! Không chỉ tôi kinh ngạc mà đến bác sĩ khám cho tôi cũng không tin. Ông ấy phải gọi cả đồng nghiệp vào tham khảo mới dám khẳng định. Nhưng khi đã chắc chắn rồi thì tôi không mất đến một giây để quyết định.

Tôi sẽ giữ đứa bé. Tôi sẽ nuôi nó, bằng tất cả khả năng của mình. Không ai có quyền cướp đứa bé ra khỏi tay tôi.

Lúc đó lòng tôi tràn ngập hạnh phúc. Ngay cả bây giờ nghĩ lại, tôi cũng vẫn thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi đã mất đi gia đình. Nhưng ông trời đã cho tôi cơ hội để tạo ra một "gia đình" khác, của riêng mình. Nhỏ nhoi thôi, có điều với tôi nó là cả một chân trời mới mở ra. Giống như một thân cây đã chết, đã mục ruỗng nay lại thấy mầm sống hồi sinh bên trong mình vậy.

Lạ là trong suốt quá trình lâng lâng hân hoan ấy, tôi không hề nghĩ về Machida. Dù kết quả này là một phần của anh ấy. Thật sự tôi cũng hơi tàn nhẫn, khi tự mình quyền quyết định sẽ không cho anh biết. Mặc dầu tôi dám chắc, với con người chính trực như anh, Machida sẽ không ngại ngần chịu trách nhiệm đàng hoàng. Nhưng theo cách suy nghĩ của tôi hồi ấy, đứa bé này là một tai nạn ngoài ý muốn đối với anh, và nhìn thế nào cũng giống như tôi đang lợi dụng Machida để đạt được mục đích. Nếu đã như vậy, thì tôi còn mặt dày mà dồn gánh nặng lên vai anh sao?

Không, mình tôi làm tôi phải tự chịu. Vấn đề quan trọng hơn hiện giờ, là trình bày với chị Tomoko.

Ở lại là chuyện không thể rồi. Tôi không trơ trẽn đến mức bắt chị phải trơ mắt nhìn kẻ đã cướp người yêu chị, rồi lại còn nuôi con của người ta trước mặt mình. Nhưng tôi cũng không định bỏ đi mà chẳng đưa ra một lời giải thích. Lương tâm của tôi, tình cảm mến thương của hai chị em không cho phép tôi làm thế.

Tomoko hoàn toàn vô tội, chị ấy xứng đáng được biết và được quyền phán xét.

Hình như đứa bé đã cho tôi sự can đảm. Đúng, tôi đã từng thừa nhận là mình không dám, nhưng lúc này, bắt tôi phải chống lại cả thế giới vì con tôi cũng làm. Vì vậy, nếu giờ đây tôi chưa thể cho con cái gì, thì chí ít tôi phải gột rửa cho đứa bé khỏi vòng tròn tội lỗi mà bố nó đã gây ra.

Nghĩ là làm, ngay khi từ bệnh viện trở về, tôi đã thú tội với Tomoko. Tôi quỳ xuống trước chị, không quanh co, không bào chữa, và thuật lại trung thực tất cả mọi điều. Kể cả thứ tình cảm lén lút tôi đã nuôi dưỡng, kể cả ý nghĩ hèn nhát muốn trốn tránh, và cả đứa bé trong bụng cùng với dự định của tôi. Tôi kể hết. Cuối cùng, tôi kết thúc với cái đầu cúi thấp, hoàn toàn phó mặc cho cơn thịnh nộ của chị.

Tomoko lặng thinh. Rồi chị cười, lắc đầu nhè nhẹ như không tin vào những gì mình nghe. Chị cứ chống tay ngồi cười, cười cho đến khi hai hàng nước mắt đã chảy ròng ròng bên má.

Thú thực với anh, lúc đó tôi sợ lắm. Tôi sợ chị đã uất quá đến phát điên. Bàn tay tôi vặn xoắn vào với nhau, muốn an ủi mà không dám động vào người chị. Đôi tay nhơ bẩn này đâu có xứng. Nãy tôi đã tưởng mình can đảm lắm nhưng giờ thì tôi cũng khóc, tôi mếu máo nói với chị Tomoko:
- Chị ơi, chị cứ đánh em đi. Em chịu được, em biết em sai rồi, em không đáng được tha thứ. Chị cứ đánh em cỡ nào cũng được, chị đừng tự chịu một mình nữa, đau lắm...

Người phụ nữ ấy đúng là một vị thánh. Tomoko không một lời oán trách, chị ôm lấy gương mặt tôi mà nghẹn ngào:
- Không phải, Eiji. Em không có lỗi. Chúng ta không có lỗi, chúng ta chỉ là những con người khốn khổ mà thôi...

Thế là hai chị em lao vào vòng tay nhau, cùng khóc. Mỗi người khóc vì những lý do khác nhau nhưng tựu chung vẫn chỉ là những kiếp người khổ đau.

Đến khi dứt cơn xúc động rồi, chúng tôi lại bàn bạc về dự định tương lai. Chị Tomoko tha thiết muốn tôi ở lại, nhưng tôi không thể ăn bám tình thương của chị hơn nữa. Thấy tôi kiên quyết, chị cuối cùng cũng hiểu, dù lòng vẫn bịn rịn. Chị bảo mình có họ hàng xa có thể lo giúp tôi công việc tạm thời, chị sẽ biên thư giúp cho. Tôi chẳng biết cảm ơn chị thế nào cho phải. Nhưng Tomoko chỉ yêu cầu tôi đừng cắt đứt liên lạc với chị, ổn định rồi thì nhớ báo ngay cho chị yên tâm. Đương nhiên là tôi đồng ý. Tomoko giờ đây chẳng khác nào vị thần tái sinh cho tôi và cả đứa bé trong bụng. Sẽ chẳng bao giờ tôi quên ơn chị.

Sáng hôm sau, tôi bận rộn xin nghỉ việc ở kho cảng, nhận tháng lương cuối, chào tạm biệt mọi người, tạm biệt chị Tomoko. Và lên đường.

Một lần nữa, tôi lại rong ruổi đến đến nơi thật xa...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro