Và họ nói cuộc đời chúng ta là Vinh quang (P3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hẳn là anh cũng đoán ra nơi tôi đi đến tiếp theo là ở đâu phải không? Đúng vậy, chính là thị trấn mà chúng ta đang ngồi đây. Nên chắc anh cũng hiểu chúng ta sắp đến điểm cuối cùng của câu chuyện rồi.

Dù rằng để đi đến kết thúc cũng còn một hai sự vụ rối rắm nữa, mong anh không thấy quá sốt ruột.

À, quả thực là không có vấn đề gì chứ ạ? Vâng, thật lòng cảm ơn sự kiên nhẫn của anh. Tôi đã không chọn lầm người mà.

Xin phép được tiếp tục kẻo làm lỡ dở thời gian của anh. Đại khái là người họ hàng xa của chị Tomoko điều hành một nhà trẻ và đang thiếu chân phụ bếp. Thế là chị ấy giới thiệu luôn tôi. Khi tôi đến nơi thì họ mới ngã ngửa ra rằng tôi đang mang thai. Dù tôi cố chứng tỏ là mình rất khỏe, hoàn toàn chịu được vất vả thì họ - những con người đáng mến ấy - vẫn nhất quyết cho rằng tôi không phù hợp với công việc nhiều nặng nhọc. Nhưng đuổi tôi thì người ta không nỡ, liếc sơ cũng biết là tôi thân cô thế cô chẳng có nơi nương tựa rồi. Ban giám hiệu bèn bàn bạc và quyết định phân cho tôi làm bảo vệ kiêm lao công quét dọn, kiêm cả tưới nước chăm cây... Tóm lại là những việc hầm bà rằng không tên.

Thật tôi sung sướng muốn chảy nước mắt. Nói thực có bắt tôi cọ nhà xí tôi cũng chịu, có hơi đâu mà kén chọn, vậy mà mọi người vẫn nghĩ cho tôi như thế. Họ còn chu đáo sửa sang căn chòi nhỏ ở sát gần trường, vốn là nơi bảo vệ nghỉ tạm để trông nom thành một phòng ở đơn giản, ấm cúng. Nấu nướng, sinh hoạt thì cho phép tôi tận dụng căng tin trường. Tuy phải cuốc bộ một chút giữa hai nơi nhưng như thế đã là tốt lắm rồi.

Mà cũng lạ là không có ai tra hỏi gì tôi về bố đứa bé. Không rõ trong thư chị Tomoko đã viết những gì, chỉ biết là mọi người luôn thông cảm và tạo điều kiện cho tôi. Có lẽ họ nghĩ tôi cũng như rất nhiều Omega trên đất nước này, phải làm bố hoặc mẹ đơn thân chỉ vì người bạn đời đã hi sinh.

Dù sao "chẳng ai khảo mà mình lại xưng", tôi quyết định im lặng, mặc nhiên thừa nhận điều người ta lầm tưởng về mình.

Vậy là ở nơi xa lạ gần tận cùng của Tổ quốc, tôi bắt đầu lặng lẽ thu vén, chuẩn bị cho sự ra đời của đứa con giữa hơi ấm tình người.

Công việc hàng ngày kỳ thực cũng đơn giản. Sáng sớm dậy quét dọn sân trường, kiểm tra cửa nẻo. Đến khi mặt trời lên hẳn thì mở cổng đón các bé. Lúc các con đã vào lớp hết, mình lại quanh quẩn tỉa cành, tưới hoa, làm một vài công việc lặt vặt giúp bác nấu bếp. Cứ thế cho đến tối, tận khi cả trường đã vắng lặng và chỉ còn mình tôi.

Tôi không sợ nhưng thấy buồn. Có lẽ từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ đây là lần đầu tiên tôi chính thức chỉ có một thân một mình. Tính tôi rất ngộ, lúc thì tự nói lảm nhảm liên thanh liên hồi, lúc thì mệt mỏi đến mở miệng cũng lười. Nói thẳng ra là hay làm nũng ấy. Tôi biết tật mình nên bình thường hay cố giấu nhưng hễ có chỗ dựa dẫm là lộ bản chất ra ngay. Nên lúc nào tôi cũng thèm hơi người. Dù xa lạ hay thân quen, dù nói chuyện hay không, tôi vẫn cần có sự hiện diện của ai đó để thấy an lòng. Vì vậy, khoảng thời gian mới về đây, tôi thực sự rất cô đơn. Tôi không dám nghĩ vì sợ mình lại nghĩ quẩn; tôi cũng không dám ngủ sớm, vì sợ mình sẽ lại nằm mơ... Những giấc mơ chỉ khoét sâu thêm nỗi trống rỗng mênh mang.

Tôi buộc mình phải bận rộn. Thấy giáo viên thường phải làm đồ chơi, đồ học tập cho các con, tôi cũng lân la ngồi học, rồi làm cùng các chị. Tay đàn ông lóng ngóng, hồi đầu tôi làm dở ẹc, thua cả đứa trẻ con. Thế mà "trăm hay không bằng tay quen", giờ tôi đã có thể kết hoa giấy, làm đồ chơi, may búp bê chẳng kém gì ai cả đấy!"

Anh sung sướng cười tự hào khiến tôi cũng thấy vui lây. Con người này, có nụ cười thật mộc mạc làm sao! Đáng tiếc là chiến tranh đã chẳng cho anh cơ hội được cười nhiều.

Chợt có tiếng chuông rồi giọng trẻ con bi bô cười đùa vọng tới, chắc là đến giờ ra chơi. Anh quay ra nhìn về phía ngôi trường, gương mặt lại trầm ngâm:

- Dần dần, tôi phát hiện ra rằng mình rất hợp với trẻ con. Nhìn lũ trẻ tôi thấy tim mình ấm áp, tiếng cười nói của chúng như âm nhạc chữa lành vết thương. Mà hình như bọn trẻ cũng thích tôi, giờ ra chơi nhiều đứa lớn thường luẩn quẩn cạnh chân ngó tôi làm việc. Ngắm chúng tròn xoe mắt, bi ba bi bô hỏi đủ thứ chuyện, bất giác tôi cứ nghĩ về đứa em trai của mình, Shuhei.

Trước đây, chúng tôi luôn chành chọe với nhau suốt, từ nhỏ đến lớn. Hai anh em vốn sàn sàn tuổi nhau mà. Nhất là khi tôi tưng tửng, mộng mơ còn Shuhei lại chững chạc, chín chắn. Kiểu như ông cụ non ấy, đến phát mệt với thằng nhóc. Đã vậy, thể chất của một Beta lại càng rèn thêm cho nó tính điềm đạm, tỉ mỉ. Mới cấp hai thôi mà Shuhei đã có định hướng rất rõ ràng, thích những gì thiên về máy móc; đồng thời hùng hồn tuyên bố: không có vợ con gì hết. Nó bảo nhà này mình anh Eiji đẻ là được rồi. Đẻ nhiều vào, khi nào nó giàu nó sẽ chia tài sản cho các cháu. Nghĩ cũng thật buồn cười.

Có lẽ vì vậy mà khi biết mình hầu như không còn khả năng thụ thai, dù đã tiên liệu trước, tôi vẫn thấy hụt hẫng trong lòng. Và cũng chính vì lẽ đó, khi bỗng dưng nhận ra mình đang chứa một sinh linh bé nhỏ, người đầu tiên tôi nghĩ đến lại là Shuhei. Rằng anh đã có một đứa con đầu tiên của mình rồi, em sắp lên chức chú rồi đó.

Vậy mà trớ trêu thay, tôi không thể nhớ nổi mặt em mình như thế nào nữa. Quả bom đó đã xóa sạch, xóa hết mọi vết tích, đến một mẩu ký ức cũng không còn, như thể nhà Akaso chưa từng tồn tại trên đời. Khuôn mặt của cha, khuôn mặt của mẹ, và của em trai, giờ chỉ còn là kỷ niệm nhạt nhòa, mà thỉnh thoảng tôi phải chật vật gợi nhắc lại trên gương mặt mình. Nhưng tôi lại giống bố nhiều hơn, trong khi Shuhei thiên về phía mẹ. Đấy, anh bảo, con cái thế đó, bố mẹ mới cách xa không bao lâu, là đã quên tiệt cả rồi.

Thành ra bây giờ nhắc đến Shuhei, tôi chỉ tưởng đến nó hồi còn bé tí, khi thằng nhỏ vẫn còn là cậu nhóc lon ton chạy theo ông anh. Chứ chẳng thể hình dung nổi thanh niên Shuhei, cao ráo, trẻ trung, hơn anh trai hẳn cái đầu, mồm miệng thì luôn luôn càm ràm về thói ăn ngủ xấu tướng của anh.

Bởi thế tôi càng yêu trẻ con, yêu lắm lắm. Đặc biệt là bọn con trai. Nhìn chúng chạy đuổi nhau cười khanh khách, tôi lại nghĩ: "Ồ giống y như mình ngày xưa kìa", "cậu bé ấy có tướng chạy hao hao Shuhei", hay "ngày xưa mình cũng tranh giành với Shuhei y như vậy". Kể ra cũng vui. Vì giống như tôi được trở lại tuổi thơ.

Tiếc là khi tôi đã trưởng thành, muốn quay lại chăm sóc, quan tâm em trai cho ra dáng người anh thì đã chẳng còn cơ hội nữa rồi.

Nhưng nhờ đó, tôi chợt nhận ra mục tiêu của đời mình. Trở thành một giáo viên dạy trẻ!

Tự nhiên tôi thấy phấn chấn hẳn. Lâu rồi tôi chưa thực sự để tâm bắt tay vào việc gì, nay đã xác định được thì có mất bao nhiêu thời gian tôi cũng quyết làm. Chẳng tội gì phải sống vật vờ như xác chết khi mình có ước mơ cả.

Khi đã dứt khoát, tôi bèn lò dò đi hỏi thầy hiệu trưởng về cách thức cần làm. Thầy cũng rất tận tình chỉ dẫn. Quy trình không phức tạp lắm, tôi chỉ cần học bổ túc thêm một khóa học sư phạm tầm sáu tháng, có bằng thì sẽ đủ điều kiện xin làm người nuôi dạy trẻ. Nói chung thầy hiệu trưởng hoan nghênh ý định của tôi, nói nghề này quan trọng nhất là sự tận tâm, kiên trì và yêu trẻ. Thầy nghĩ tôi hoàn toàn phù hợp với nó. Nhưng thầy cũng khuyên cứ thư thả đi đã, để sinh đẻ xong xuôi rồi tính đến chuyện đó cũng không muộn. Trước mắt hãy bắt đầu học hỏi từ các chị trong trường cho quen.

Tuy không nói ra nhưng những lời đó ngầm ám chỉ rằng tôi đã được coi như một thành viên của ngôi trường này. Đời con người phiêu bạt còn mong gì hơn nữa? Cuối cùng thì tôi cũng đã tìm được chốn nương thân thật sự cho mình rồi.

Dường như cuộc đời tôi đã tiến vào bước ngoặt. Và cứ thế nó dẫn tôi đến những ngã rẽ không thể định trước. Một trong số đó là cuộc gặp gỡ với Hideo.

Cũng khá tình cờ mà tôi chú ý đến thằng bé. Ổn định được tầm một tháng thì tôi mới ngỡ ra cậu nhóc vẫn hay lon ton nhặt rau, rửa bát cho bác nấu bếp và thỉnh thoảng còn được bác ấy dúi cho vài mẩu bánh hoàn toàn không phải con cháu gì cả. Bác phân trần với tôi: "Tội nghiệp, bố mẹ thằng bé chết cả rồi. Nó không nhà không cửa, cứ lơ va lơ vơ ngoài đường. Bác thương quá thỉnh thoảng gọi lại cho ăn chút. Nó cũng ngoan, còn biết phụ bác khối việc."

Trò chuyện với mấy cô giáo khác thì hóa ra họ cũng chẳng lạ lẫm gì thằng bé. Hideo không phải đứa bé sinh ra ở đây. Cậu vốn đi cùng bố mẹ tị nạn về chốn hẻo lánh này để tránh bom đạn chiến tranh.

Mà rồi họ cũng không thoát. Đoàn tàu bị trúng bom. Tuy không trực tiếp vào chỗ gia đình cậu nhưng sức ép và các mảnh vỡ văng ra đã giết chết họ. Sở dĩ đứa bé còn sống vì nó đã được bao bọc trong vòng tay của bố mẹ. Bản năng làm cha làm mẹ đã khiến họ hành động trong tích tắc để bảo vệ lấy con. Những cái xác dập nát nhưng cánh tay vẫn ôm chặt lấy thằng bé. Họ đã dùng sinh mệnh để đánh đổi, bao bọc Hideo kể cả khi đã chết.

Khi người ta lôi được Hideo ra, thằng bé cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Cú sốc đã khiến nó quên đi mọi thứ, ngoại trừ cái tên Hideo. Người phủ đầy bụi đất và cả máu của bố mẹ, nó vẫn không ý thức được mình đã mồ côi. Người lớn không dám để nó nhìn xác song thân, khiến tâm tư trẻ thơ của thằng bé càng thêm kiên định. Hideo đã vào trại tế bần với một niềm tin sắt đá rằng bố mẹ vẫn còn sống và nhất định sẽ đến đón mình.

Trại tế bần, hay còn gọi hoa mỹ là "Nơi cưu mang trẻ em cơ nhỡ" - vốn đã quá tải - sau chiến tranh lại càng đông nghẹt trẻ con. Mỗi đứa một kiểu, mỗi đứa một hoàn cảnh, anh đến đấy thì chỉ có khóc mà thôi. Tội lắm.

Nghe nói vào nơi đó được vài ngày thì Hideo trốn. Chắc thằng bé sợ trong đấy bố mẹ không tìm ra. Mà cũng chẳng ai buồn đưa nó lại. Một đứa bé biến mất vào thời điểm ấy cũng như lá rụng trong rừng, họ không quan tâm hết nổi. Điều kiện chăm sóc quá thiếu thốn, có lẽ bớt được đứa nào hay đứa đấy. Thực ra bên đó người ta cũng cố gắng hết sức rồi. Chẳng trách họ được. Vì nhiều quá.

Hideo đã bắt đầu cuộc sống lang thang của mình như vậy. Nó xin ăn người này một tí, người kia một tí, thỉnh thoảng phụ giúp vài việc để kiếm chỗ tránh nắng trú mưa. Cũng có người thương, tính cưu mang thằng bé, nhưng Hideo không chịu, nó nhất quyết phải đợi được bố mẹ. Chẳng ai nói được nó, người ta chỉ còn biết thở dài sau lưng đứa trẻ tội nghiệp.

Nghe xong câu chuyện cuộc đời của Hideo, tôi cảm thấy có gì đó thân thuộc với thằng bé. Tôi muốn được nói chuyện nhiều hơn cùng Hideo. Biết đâu tôi lại giúp được gì.

Thì đây, cơ hội cũng đã tới.

Một buổi sáng, theo thói quen, thằng bé lại lò dò tới căng-tin. Nhưng bác nấu bếp đã đi chợ, thành ra nó không dám vào. Thấy Hideo cứ thập thò ngoài cửa, tôi cười thân thiện, vẫy vẫy đứa nhỏ lại gần. Chắc nó đã thấy tôi nhiều lần đủ để biết tôi là ai nhưng cậu bé vẫn rất rụt rè ngồi thu lu trên chiếc ghế. Tôi hỏi bé có muốn ăn gì không, Hideo lắc đầu nói:
- Mẹ cháu bảo không được lấy không của người khác. Phải làm cái gì đó mới xứng đáng được ăn. Hay chú sai cháu việc gì đi.

Ai dạy thằng bé mà khéo thế! Tôi lại càng thích nó hơn. Sẵn tiện đang ăn dở bữa sáng, tôi đẩy đĩa bánh về phía cậu bé:
- Phần này chú ăn no rồi nhưng còn dư nhiều quá. Bỏ đi thì phí. Cháu ăn hộ chú nhé, thế là giúp cho chú rồi.

Có lẽ do quá đói nên thằng bé chấp nhận ngay với cái lí lẽ ấy. Nó hồ hởi vồ lấy miếng bánh mì gặm từng miếng to. Chắc từ tối qua đến giờ cu cậu chẳng được ăn gì cho ra hồn. Tôi ngắm thằng bé mà thương đến nghẹn đắng cả cổ. Con trẻ, nó vốn có tội tình gì đâu!

Đang đà ngon trớn, tự nhiên Hideo lại nhai chậm dần. Nó cứ săm soi nhìn tôi chằm chằm. Tôi hỏi đùa:
- Sao vậy nhóc? Mặt chú có vết bẩn gì à?

- Không, không phải vậy đâu ạ. Mà là... - Thằng bé tuột khỏi ghế, dí sát lại gần tôi mà hít hít ngửi ngửi, - Chú à, sao chú có mùi thơm thế? Giống y như mùi bố cháu vậy. Giống cả nốt chấm trên mép nữa này.
Nó dí dí ngón tay tí xíu vào miệng tôi, đôi mắt ngập tràn hy vọng.

Tôi còn làm thế nào bây giờ?

Thế là xong, tôi đã quyết rồi. Tôi sẽ không buông thằng bé ra nữa. Nhấc bổng Hideo lên, tôi đặt nó lên đùi mình, để cậu bé nhìn thẳng vào mặt mà thì thầm vẻ trịnh trọng:
- Dĩ nhiên là giống rồi, vì con có biết ta là ai không?

- Chú là ai ạ? - Thằng bé hỏi lại, giọng đã nghẹn đi.

- Vì ta là... bố của con.

Trời ơi, anh phải thấy cảnh thằng bé vui sướng đến mức nào. Nó nhảy chồm chồm trên đùi tôi. Hai cánh tay ôm cứng lấy cổ, vừa cười, vừa khóc, vừa hét oang oang:
- Con biết ngay mà! Con biết ngay mà! Vừa nhìn một cái là con đã biết đúng là bố rồi. Ôi bố ơi! Ôi bố ơi! Bố của con! Sao bố tìm con lâu thế...

Con òa ra khóc. Tôi cũng khóc, mắt nhòe lệ, còn miệng thì lẩm bẩm những câu vô nghĩa xuống mái đầu bù xù của con:
- Ừ, bố đây rồi... Bố đây rồi... Bố cũng tìm con mãi, bố đã tìm con khắp mọi nơi...

Bác nấu bếp về đúng lúc ấy, đứng ngẩn ra nhìn hai bố con nước mắt nước mũi tèm nhem. Tôi nháy mắt với bác, nói giọng vui mừng:
- A, bác về đúng lúc quá! Bác xem, cháu đã tìm được đứa con thất lạc của mình rồi. Ông trời đã thương tình cho hai bố con được đoàn tụ cùng nhau.

Bác ấy hiểu ngay, đặt giỏ đồ xuống rồi cũng lấy vạt áo chấm chấm nước mắt: "Thế là tốt rồi... Mừng cho cậu, mừng cho cả thằng bé nữa..."

Đã từ lâu, Hideo coi bác nấu bếp như người bạn thân thiết. Thấy bác khóc, con rời khỏi lòng tôi, ôm chân bác ấy mà cười toe:
- Bác ơi, bác phải mừng cho cháu chứ, sao bác lại khóc? Đấy, bác thấy chưa? Cháu đã bảo mà. Nhất định bố sẽ tới đón cháu, bố mẹ không bao giờ bỏ rơi cháu đâu.

Ôi chao, thế là bác ấy càng khóc tợn. Sụt sùi cho đến tận giờ bọn trẻ vào ăn.

Các giáo viên trong trường nhanh chóng biết chuyện, và họ cũng đồng tâm hiệp lực vào để nói dối Hideo. Ai cũng mừng cho tôi. Chẳng ai buồn chất vấn xem một người bố đơn thân, sắp có em bé, mà lại định nuôi thêm đứa nhỏ nữa kiểu gì?

Thực ra thì bảo đầy đủ, sung túc e rằng cũng khó, chứ nếu chỉ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tôi đã nghĩ rằng bố con tôi có thể vượt qua được. Hai chúng tôi chỉ là những hạt cát của số phận, bị cơn bão lốc chiến tranh xô đẩy, chúng tôi chẳng đòi hỏi gì hơn ngoài việc được chia sẻ, đùm bọc bên nhau. Có lẽ ban đầu còn cập rập, nhưng dần dà rồi sẽ ổn thôi.

Rõ ràng là tôi đã quá lạc quan. Hình như tôi đã trót ngây thơ một lần thì cả đời tôi không thoát được sự ngây thơ đấy thì phải. Một mình tôi thì nhiều nhặn gì đâu, một mẩu bánh mì buổi sáng, trưa chiều chỉ bát cơm với rau, thế là đủ. Nhưng thêm Hideo là phát sinh đủ thứ chuyện, nào quần áo đúng mùa, cơm ăn ba bữa, dinh dưỡng đầy đủ, sách vở bút thước - vì thằng bé cũng cần đi học nữa chứ - bằng ấy cái phải lo.

Không biết bao nhiêu lần, tôi đã bị bác bếp quở trách vì không thể nấu cho đứa bé một bữa ăn chu đáo. Bác ấy còn cằn nhằn cả việc tôi không biết tự lo cho bản thân:
- Cậu không nghĩ đến mình thì cũng phải nghĩ đến đứa bé trong bụng chứ. Nuôi dưỡng một sinh linh cần nhiều lắm chứ đùa à? Giờ cậu không sống cho mình mình mà còn cho cả hai đứa trẻ nữa đấy. Ăn uống cho cẩn thận vào!

Bác ấy quát xong thì ấn vào tay tôi một lon sữa rồi ngúng nguẩy bỏ đi, không để tôi kịp phản kháng lấy một giây. Lần nào cũng vậy, cứ xong một bài giảng là bác ấy lại có gì đó để cho tôi, khi thì sữa, khi thì trứng, khi thì cả một con gà mới vặt lông xong.

Ngay cả các anh chị trong trường cũng giúp đỡ tôi nhiều. Hideo được nhận vào học miễn phí, được các thầy cô xin cho sách vở cũ để học. Kể ra thằng bé cũng đủ lớn để vào bậc tiểu học, nhưng vì sống lang thang quá lâu, sợ học đúng tuổi thì con không thể theo kịp; nên mọi người khuyên tạm thời cứ học với mấy em mầm non lớn cho quen đi đã, rồi vào lớp Một sau. Mà nhờ các thầy cô trông nom, tôi cũng yên tâm hơn.

Ngay bản thân tôi cũng phải thay đổi. Tôi phải vận hành lại lịch trình hàng ngày của mình cho phù hợp với một đứa trẻ. Tôi bắt đầu học thêm cách nấu ăn, giáo dục, chăm bẵm cho trẻ con, những điều mà hồi ở với chị Tomoko, chẳng có ai dạy cho tôi cả.

Nhưng tôi không hề hối hận. Hideo đã khỏa lấp nỗi cô đơn, thiếu vắng hơi người của tôi. Có tiếng nói líu lo của con cả ngày, tôi thấy sự vất vả của mình như có ý nghĩa. Tôi yêu con rất nhiều. Chưa gì tôi đã sợ mất con. Liệu có khi nào thằng bé tự hỏi tại sao người mẹ của nó chưa bao giờ xuất hiện? Vì sao từ một người cha Beta lại chuyển thành ông bố Omega đang mang thai? Tôi thật không biết trong cái đầu con trẻ của Hideo đang nghĩ gì. Có đôi lần đang ríu rít thì thằng bé lại im lặng, thở dài thườn thượt. Một gương mặt non choẹt nhưng lại mang trong mình tâm tình của ông già chục tuổi! Cũng may con không có thói quen giữ trong lòng, mà hỏi thẳng tôi:
- Bố ơi, cái áo khoác da màu nâu mà bố thường thích mặc đâu rồi? Ngày xưa con thấy bố mặc nhiều lắm mà. Con còn nhớ cả cảm giác man mát khi chạm vào nó nữa.

Tôi thót cả tim. Trần đời này tôi có biết khoác áo da là gì đâu?

Nghĩa là thằng bé vẫn nhớ, sâu trong trí óc nó vẫn lưu giữ ký ức về cha mẹ thật của mình. Chỉ là ký ức ấy rất mập mờ, thỉnh thoảng lóe lên rồi tắt ngay, như ánh sao băng giữa trời đêm.

Tôi đành bịa ra một lý do trí trá:
- Chiếc áo đó bị rách rồi. Bụi bặm rồi mưa gió nhiều quá đã làm hỏng nó. Bố đã bỏ nó lại hồi ở chiến trường miền Đông ấy.

Thằng bé có vẻ xuôi xuôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Hú hồn, hên là con không hỏi thêm gì nữa. Hy vọng là với đầu óc non nớt và dễ tái tạo của tuổi trẻ, nó sẽ nhanh chóng vùi lấp cát bụi ngày xưa, để trồng lên đó những mầm cây mới. Và khi đã phát triển đủ lâu, đủ cành, đủ lá, tự nhiên chúng sẽ biến thành sự thật. Sẽ không còn ai nghi ngờ những ký ức được tạo dựng ấy nữa. Chúng sẽ được coi như sự thật hiển nhiên.

Lẽ dĩ nhiên là trò lừa đảo của tôi rồi cũng sẽ bị lật tẩy thôi. Khi Hideo trưởng thành và nhận thức được mọi việc. Nhưng cho đến lúc đó, tôi vẫn muốn con được lớn lên với một tuổi thơ bình thường.

Dù cho đó là sự bình thường chắp vá, méo mó.

Thực tế thì chẳng có vết thương nào không để lại di chứng. Bản thân Hideo cũng có rất nhiều vấn đề. Những rối loạn tiềm ẩn mà chỉ khi sống chung lâu ngày tôi mới thấy. Đôi khi con nói rất nhiều, đôi khi lại im bặt. Thái độ con vui buồn thất thường. Con sợ tiếng sấm sét, âm thanh to dễ khiến con hoảng loạn. Có nhiều đêm, con bật dậy giữa chừng, mắt mở to hốt hoảng, la hét như trong cơn mê:
- Ôi sáng quá! Ôi to quá! Con không nghe thấy gì cả, không nhìn thấy gì hết! Bố mẹ ơi! Bố mẹ ơi! Trả lời con đi!...

Những lúc ấy, không cách nào làm con tỉnh trí được. Hideo chạy khắp nhà, gào thét như con thú bị thương tìm nơi trú ẩn. Tôi chỉ biết đuổi theo, vừa bất lực vừa xót xa, ôm chặt lấy con để nó không tự làm thương chính mình. Phải đến tận gần sáng Hideo mới lịm đi.

Và cả tôi nữa. Tôi cũng có hơn gì đâu. Đã cách xa tiếng súng bao nhiêu năm mà tôi vẫn không bỏ được thói quen đi lại rón rén như mèo, sẵn sàng xù lên cảnh giác bất cứ khi nào có người lại gần. Rất nhiều lần, người ta nói với tôi rằng họ thấy sợ ánh nhìn chằm chằm mà không nói năng gì của tôi. Họ cảm giác như đang bị thẩm vấn. Nhưng tôi đâu có muốn thế. Chỉ là những phản xạ trên chiến trường không phải ngày một ngày hai là anh bỏ được."

Tôi thú nhận với anh là ban đầu mình cũng hơi rén với ánh nhìn ấy. Anh phì cười.

- Thật thế sao? Xin lỗi anh nhiều, lại dọa anh sợ rồi. Tôi đúng là vị chủ nhà tệ quá.

Nhưng chiến tranh là vậy đó anh ạ. Bước qua lò lửa đó, nó như định hình lại con người mình. Dù ít dù nhiều, anh cũng đã bị nó đánh dấu, như vết xăm vậy, anh không xóa bỏ đi được, anh phải chấp nhận nó thôi.

Tôi thì tôi sao cũng được, nhưng tôi thương cho thằng bé, thương cho những người phụ nữ vô tội. Anh ạ, tôi đã ngộ ra một điều, khi có chiến tranh, phụ nữ và trẻ em luôn là những người bị tổn thương đầu tiên và cũng là người được bù đắp sau cùng.

Nhưng thôi, phàn nàn mà làn gì. Ta kể tiếp cho nhanh hết chứ nhỉ?

Nói chung là ngoài vài khó khăn lắt nhắt kể trên, tôi và Hideo sống rất ổn. Có điều, quá khứ không buông tha tôi. Lấp được cái này nó lại lòi ra cái khác. Lần này nó xuất hiện nguyên đai nguyên kiện dưới dạng một con người.

Anh đoán ra được không?

Đúng rồi, lại là Machida Keita đó.

Anh ấy từ trên trời rơi xuống đứng trước cổng nhà trẻ. Làm tôi luống cuống chỉ muốn độn thổ cho nhanh. Cũng may lúc đó bụng tôi chưa lớn lắm và tôi lại hay có thói quen mặc đồ rộng. Nhưng có tật giật mình, tôi vẫn chắp tay che giấu trước bụng, đồng thời cất giọng vô cùng lạnh lùng:
- Anh tới đây làm gì?

Thật tình giờ nói lại tôi chỉ thấy sao mình láo toét thế? Còn không thèm hỏi thăm người ta thế nào, khỏe không, đi đường xa mệt mỏi làm sao... mà đã tính đường đuổi luôn rồi. Trong khi lỗi là lỗi của mình chứ ai?

Nhưng thề với anh là ngay lúc ấy tôi chẳng kịp thương cảm gì hết, tôi chỉ muốn Machida đi ngay và luôn. Vì tôi sợ.

Machida, có lẽ đã quen với sự hắt hủi, chẳng hề nao núng mà đi thẳng vào vấn đề:
- Anh muốn chúng ta nói chuyện.

Cuộc nói chuyện rất đơn giản. Chủ yếu chỉ có Machida độc thoại. Anh nói anh đã suy nghĩ rất nhiều. Ban đầu anh cũng cho chuyện buổi tối hôm ấy chỉ là phút yếu mềm bị hormone giới tính chi phối. Nhưng dần dần khi thực sự rời xa Tomoko, anh mới nhận ra là mình không hề nhớ cô ấy. Có, dĩ nhiên là vẫn còn đó, những lưu luyến của quá khứ. Nhưng Tomoko bây giờ đã khác quá đến nỗi anh không còn tìm thấy sự liên kết nào với chị nữa. Machida thừa nhận sự cố chấp của mình từ trước đến giờ chỉ là trách nhiệm phải hoàn thành lời hứa, vì tấm lòng chính trực không cho phép anh bỏ rơi người yêu xưa. Tuy nhiên, tất cả chỉ có thế. Thay vào đó, anh lại nhớ đến... tôi. Về sự yên ổn, an toàn mà tôi đem lại. Ở bên tôi, anh thấy mình lại trở về là chàng sinh viên Machida, tràn trề ước mơ, sinh lực, lòng nhiệt huyết; chứ không phải một thương binh Machida tàn tật, đang vật lộn để kiếm chỗ đứng với đời. Anh thừa nhận, mình không thể tưởng tượng được việc anh và Tomoko sống cùng nhau, khi hai người không chuyện trò quá mười câu một ngày. Sự tồn tại của người này chỉ là nỗi khổ của người kia. Nhưng anh lại có thể hình dung được mái ấm gia đình êm ái, bình lặng và trong đó có tôi.

Anh đã quay về để nói chuyện thẳng thắn với Tomoko như hai người bạn. Dẫu sao anh cũng đã làm chuyện không phải với cô. Chị ấy tha thứ cho anh và cũng chính chị đã cung cấp địa chỉ của tôi. Có thể nói thế này hơi trơ trẽn, ảo tưởng nhưng Machida đã nghĩ rằng ở một thời điểm nào đó dường như tôi cũng có chút cảm tình với anh. Nên anh muốn gặp mặt tôi để xác định, để xem liệu tôi có thể cho mối quan hệ này một cơ hội nữa hay không.

Thật tình, tôi nghĩ Machida nên đi làm nhà văn mới phải. Ngôn từ của anh lúc nào cũng chau chuốt, chuẩn mực, đi sâu vào lòng người. Đáng tiếc, anh đã dùng lầm chỗ. Tôi ngồi đó, trơ lì như gỗ đá, từ đầu đến cuối chỉ nghĩ đến hai điều: Một, là Machida vẫn chưa biết tôi có thai. Hai, là lặp lại điều thứ nhất, mấy cái sau chẳng quan trọng nữa.

Vậy nên, trước ánh nhìn tha thiết của anh, tôi đã đáp gọn lỏn như thế này:
- Không, anh Machida ạ. Mọi việc đã kết thúc rồi. Giữa chúng ta vốn đã không có sự mở đầu thì làm sao nói đến chuyện tiếp tục được.

Machida không nói nhiều nữa. Anh đã hiểu cả. Anh đứng lên, vẫn vững vàng, mỉm cười với tôi:
- Vậy thì không tốn thời gian của em nữa, anh đi. Chúc em mạnh khỏe và... hẹn gặp lại!

Sao chị Tomoko lại cứng rắn được như thế nhỉ? Chị ấy có thể ngày ngày nhìn anh ấy quay lưng đi mà không hề động lòng. Người đàn ông cao lớn ấy, mà bóng lưng mới buồn và cô độc làm sao!

Tôi không biết mình đã ngồi bất động trong bao lâu. Cho tới khi con trai tôi bước vào, khẽ lay gọi:
- Bố ơi, bố làm sao thế? Sao bố lại khóc?

À phải, tôi đã rơi nước mắt từ lúc nào không hay. Những giọt nước mắt của sự hối tiếc muộn màng.

Tới chiều thì tôi nhận được bức thư. Của chị Tomoko.

Lá thư viết như sau:

"Akaso yêu quý, em có khỏe không? Chị hiện vẫn sống ổn. Chị không biết khi bức thư này đến tay em thì "người đó" đã tới chưa, nhưng dẫu sao chị cũng có trách nhiệm phải thú tội với em.

Em còn nhớ không, lần cuối khi nói chuyện với em, chị đã bảo em không có lỗi gì cả. Đấy không phải một lời an ủi, đấy là sự thực. Vì tất cả là một sự sắp xếp. Ngày hôm ấy, chính chị đã nhắn anh ấy đến. Cũng chính chị đã hèn nhát bỏ rơi anh, để anh lạc lõng trước cửa nhà. Là chị đã đẩy Machida vào tay em.

Dĩ nhiên, chuyện trời mưa, chuyện em và Machida phát sinh quan hệ, rồi cả việc em có thai, những sự vụ đó chị không tiên liệu trước được. Nhưng tựu chung, ông bà ta đã bảo "không có lửa làm sao có khói", phải vậy không Akaso?

Hẳn em cũng nhận thấy rằng, tình cảm của chị với anh Machida chỉ đi tới bế tắc. Chị không thể nào nhìn thẳng vào anh ấy mà không gợi nhắc rằng mình chẳng còn toàn vẹn như trước. Kim đồng hồ không thể quay ngược. Tomoko ngày xưa đã chết thực rồi.

Em yên tâm, chị không định chối bỏ hạnh phúc, nhưng chị biết, hạnh phúc ấy không thể có mặt Machida.

Còn em, Akaso thân mến, em vẫn nghĩ rằng chị không phát hiện ra đôi mắt sáng rực của mình mỗi khi nhìn thấy Machida ư? Hẳn là em vẫn ngây thơ như thế nhỉ? Tuy nhiên, đó cũng là điều bọn chị yêu quý ở em.

Thế nên chị đã vạch ra kế hoạch điên rồ ấy. Và nó còn thành công hơn cả chị mong đợi. Hóa ra chị đã rời quân đội quá sớm thật. Chứ với khả năng hoạch định như vậy, biết đâu chị chả leo lên được cấp tá, em thấy có đúng không?

Dù sao thì, Akaso ạ, trong chuyện này nếu em tự cho mình là ti tiện, hèn kém thì chị cũng chẳng có tư cách khá hơn. Chị biết sự thật nhưng đã ngồi yên nhìn em vặn vẹo trong khổ sở, tội lỗi. Và để mặc Machida khốn khổ bị tung hứng giữa hai chị em mình. Rốt cuộc ai mới là người đáng thương đây? Là chị? Là em? Hay là Machida, người duy nhất thành thực trong tam giác ba người này?

Mà thôi, chị đặt nhiều câu hỏi quá. Y như ngày xưa, chị hay làm Minako tức điên lên vì cứ thắc mắc điều lệnh của người khác vậy. Đúng là tính xấu khó bỏ, mong là em không bị chị lái đi vòng vòng bởi cách diễn đạt ngoằn ngoèo đáng xấu hổ này.

Nên là, Akaso, nếu em còn đọc đến dòng này mà chưa xé tan bức thư, thì hãy yên tâm rằng, giữa chị và Machida không còn vướng bận gì nữa. Chị đứng ngoài mọi quyết định của anh ấy. Nhưng tương lai về sau, ngược lại, có lẽ đều nằm ở tay em. Chị chẳng có gợi ý gì cả, mà chỉ hy vọng em sẽ sáng suốt hơn chị trong mọi sự.

Cuối cùng, chị cầu chúc cho em và đứa bé mạnh khỏe. Mong em hãy tha thứ cho chị.

Yêu thương em thật nhiều, Akaso Eiji.

Tái bút: Đề phòng em vẫn không hiểu điều gì thì: Phải, chị đã gặp Machida; phải, chị cũng vẽ đường để anh ta gặp em. Nhưng em yên tâm, chị không tiết lộ thêm điều gì ngoại trừ đưa cho địa chỉ cả. Nếu em cho là chị lại tự tung tự tác, chị đành nhận lỗi thêm vậy, chỉ vì Machida van nài quá.

Ký tên
Tomoko

Tái bút 2: Akaso, nếu em còn thương chị, chị vẫn muốn biết tên đứa bé và trở thành mẹ đỡ đầu của nó. Liệu có được không em?"

Sở dĩ tôi thuộc từng lời của bức thư vì bản thân đã đọc đi đọc lại nó không biết bao nhiêu lần. Anh có hiểu tâm trạng đó không? Khi không rõ cuối cùng điều gì mới là sự thực. Khi mọi nỗi dằn vặt của mình chỉ là trò hề.

Nhưng tôi không giận chị Tomoko. Trên đời này mấy ai giữ được cái đầu tỉnh táo, sáng suốt mãi. Ít ra thì chị cũng đạt được mục đích. Mà nó cũng chẳng làm cái tội của tôi bớt đi phần nào. Chỉ khiến tôi càng nhận ra rằng, thế giới này, vốn dĩ luôn nằm trong bàn tay điều khiển của đàn bà. Chỉ là bọn họ thường thích làm điều đó trong âm thầm mà thôi.

Nhưng dù sao, mọi sự cũng xong hết rồi.

Lầm to.

Chẳng xong ở chỗ nào cả. Tôi đã đánh giá thấp sự lì lợm của Machida. Làm sao tôi lại sơ sẩy mà quên mất anh ta từng là cựu phi công chiến đấu chứ? Những kẻ từng được coi là chim ưng của bầu trời, không bao giờ bỏ qua một chi tiết nào dù là nhỏ nhất, không bao giờ buông bỏ con mồi một khi đã xác định mục tiêu.

Kể từ ngày chia tay ấy, cứ đều đặn hai tuần anh lại gửi cho tôi một bức thư. Lá thư chỉ một mặt giấy, cũng chẳng có gì nhiều nhặn ngoài hỏi thăm sức khỏe của tôi, và kể lể về những điều anh ấy gặp, anh ấy thấy. Ngoại trừ dòng đầu tiên "Akaso thân yêu", còn lại không một lời yêu đương, hứa hẹn hay ép buộc gì. Tất cả đều được viết bằng dòng chữ nắn nót, ngay hàng thẳng thớm trên nền giấy trắng tinh không một nếp nhăn.

Người đàn ông này, cứ phải làm khổ mình vậy nhỉ? Trên đời thiếu gì người còn tốt hơn tôi?

Tôi thường thở dài nghĩ vậy, mỗi khi gấp lại những bức thư của anh, rồi cất vào đáy hòm.

Tôi không hồi đáp một lá thư nào cả mà Machida vẫn bền bỉ không ngừng. Dù không chịu thừa nhận, tâm hồn tôi quả thực cũng lung lay chút ít. Người mang thai vốn nhạy cảm, lại là Omega đơn thân, không có khí tức của Alpha bên cạnh, vô tình tôi đã bấu víu vào những bức thư của anh lúc nào không hay.

Mà nói đến thai kỳ, trải nghiệm quá trình ốm nghén thật chẳng vui chút nào. Đúng là mỗi người mỗi kiểu. Tôi đã sợ mình sẽ không ăn được gì. Ấy thế mà ngược lại. Lúc nào tôi cũng đói. Tôi thèm đủ thứ, kể cả những món mà ngày xưa đánh chết tôi cũng không bao giờ đụng đũa. Dù đã ăn gấp đôi bình thường vẫn không đủ, tôi còn thèm thuồng cả phần ăn của con trai. Thậm chí, tôi đã từng làm chuyện không mấy tự hào là lén ăn vụng quà vặt từ cặp của Hideo.

À thì rồi thằng bé cũng biết, vì kể ra tôi cũng không phải tên trộm khéo léo lắm. Nhưng Hideo chẳng nói gì cả, cứ lẳng lặng giả bộ vô tình khi thì quên vài viên kẹo, khi thì mẩu bánh con con trong cặp táp. Chỉ đến khi cô giáo phàn nàn là dạo này Hideo hay xin xỏ đồ ngọt từ bạn - thường bằng cách làm hộ bạn cái gì đó - thì tôi mới ngượng chín cả mặt. Hideo trưởng thành quá, còn tôi đúng là ông bố tồi.

Nhưng nào có phải tôi cố ý đâu, là đứa bé trong bụng cứ thôi thúc tôi phải lục tìm đồ ăn cho nó.

Khi tôi nhận lỗi với con, bảo sau này bố mà "hư" nữa con cứ thoải mái la rầy, thì Hideo chỉ lắc đầu quầy quậy. Con khoe với tôi cả gia tài của mình: đó là số kẹo con tích trữ được sau một tuần trao đổi với đám bạn. Hideo nói con lớn rồi, thực ra con cũng không thích đồ ngọt lắm, nên bố cứ ăn đi, ăn cho bố khỏe, em khỏe.

Anh ạ, không biết kiếp trước tôi tu được công quả gì mà kiếp này tôi lại có được đứa con như Hideo? Thế là tôi vừa ăn viên kẹo con đưa, vừa rơm rớm nước mắt, trong khi đứa bé bảy tuổi thuần hậu ấy vừa xoa đầu tôi vừa an ủi:
- Ngoan, ngoan, bố phải ăn nhiều em mới khỏe mạnh, vui vẻ chứ. Bố yên tâm, sau này con sẽ đi làm nuôi bố và em...

Thật không biết cuối cùng ai mới là người lớn, ai là trẻ con trong cái căn nhà này.

Nhưng vẫn chưa hết, chuyện ăn uống chỉ là phần nhỏ, thứ hành hạ tôi là những cơn nhức đầu, khó ngủ. Nhiều đêm tôi thức thao láo đến sáng. Nó làm tôi mụ mị, mê muội đi, quên hết thứ này đến thứ khác. Có lần tôi thấy mình cắt cỏ cho bồn cây, nhưng thay vì cỏ, tôi lại xén hết cụm hoa hồng, còn miệng thì đang gặm nhấm túm cỏ không biết cho vào từ bao giờ. Tôi từng khiến con mình xấu hổ với các bạn chỉ vì đã sắp cho thằng bé một cặp toàn vở mà không có một quyển sách, chiếc bút nào. Đến khổ với tôi. Hai bố con vụng về tìm cách vật lộn giữa những cơn đau lưng, tức ngực, chuột rút, chóng mặt, buồn nôn... sẵn sàng chực chờ bất cứ lúc nào. Những lúc như thế, Hideo tỏ ra là đứa trẻ hết sức kiên nhẫn và dịu dàng. Biết tôi đau chân, con tích cực đun nước để tôi ngâm cho đỡ nhức mỏi. Tôi kêu đau vai thì con sẽ ngồi đấm lưng, xoa bóp hết sức mình bằng đôi bàn tay bé nhỏ, luôn mồm hỏi bố đã dễ chịu hay chưa.

Ngay trong cái khổ cũng vẫn có những giờ phút thật sung sướng, ấm áp. Đó là khi tôi thư giãn trên chiếc gối bồng bềnh, để cơn đau nhức lùi thật xa vào góc, lắng nghe tiếng thủ thỉ của Hideo đang vỗ về cái bụng căng tròn của tôi:
- Em ngoan, đừng làm bố mệt nữa nhé. Nhanh lớn thật mau để ra ngoài, anh em mình sẽ chơi cùng nhau...

Dù khổ sở vì mất ngủ nhưng đến lúc ngủ được thì tôi lại sợ. Tôi sợ các hình ảnh ấy lại ùa về. Anh có biết điều gì còn đáng sợ hơn ác mộng không? Đó chính là những giấc mộng đẹp còn đẹp hơn cái thực.

Trong mơ tôi thấy mình trở về căn nhà xưa. Vẫn căn phòng ấy, đồ đạc ấy, rõ nét như mới ngày hôm qua. Bố và em trai ra đón tôi, trách móc sao lâu rồi không về thăm nhà. Tôi giới thiệu chồng và con mình, những người mà trong mơ tôi không thể nhìn rõ mặt. Mẹ tôi hạnh phúc thấy rõ, cứ lăng xăng, tất bật xung quanh. Bà cuống quýt sắp chỗ cho chồng con tôi, chuẩn bị làm đồ ăn, trong khi mồm vẫn luôn lẩm bẩm: "Lọ mứt đâu rồi nhỉ? Lọ mứt đâu rồi? Ai lấy mất lọ mứt của tôi..." đến mức tôi phải quát lên mới thôi.

Thường thì đến đó tôi sẽ tỉnh. Trong bẽ bàng. Trong dòng nước mắt ướt đẫm bên gối.

Tôi nhìn Hideo đang ngủ bên cạnh mà nghi ngờ cả thực tại. Lỡ đâu chính tôi cũng đang mơ thì sao? Lỡ đâu tôi chỉ đang chìm trong giấc mộng dài, rồi sớm mai tỉnh dậy sẽ lại thấy mình là cậu thanh niên hai mươi mốt tuổi Akaso Eiji, vô lo vô nghĩ, vẫn phải để bố mẹ nhắc nhở ăn ngủ đúng giờ? Có khi nào Hideo chỉ là ảo ảnh tội nghiệp tôi vẽ ra trong lúc mình đang phát điên trong viện tâm thần không?

Ôi, quá nhiều suy nghĩ điên rồ chỉ trong một đêm. Tôi phải cắn chặt lấy gối để ngăn không cho tiếng nức nở làm con thức giấc, ngắm nhìn lồng ngực phập phồng của con trong hạnh phúc lẫn đớn đau. Hạnh phúc vì con là thật, con là thiên sứ của cuộc đời tôi. Còn đớn đau là vì tôi thực sự đã chẳng còn ai để chia sẻ hạnh phúc này nữa rồi.

Tất cả đã làm tôi gần như kiệt quệ. Mọi người ái ngại cho tôi, khuyên tôi nên nhập viện để được chăm sóc tốt hơn, cứ dựa mãi vào Hideo cũng không ổn. Thằng bé sa sút đi nhiều, trên lớp con thiếu tập trung và hay ngủ gật. Tôi thật đã hành động bốc đồng, vô trách nhiệm khi đòi nuôi con mà bản thân chưa lo nổi cho chính mình. Những lúc ấy, tôi lại bất giác nghĩ sang Machida. Lòng tự nhủ là mình đã đuổi người ta đi rồi, mình không có tư cách nhưng dạ thì vẫn không yên.

Nhất là khi đã chậm một tuần không có thư anh. Bác bưu tá, người đã quá nhẵn mặt tôi, cũng lấy làm ngạc nhiên. Đã quen đưa thư vào ngày cố định, bác đạp xe qua cổng trường như thường lệ rồi lúng túng lục lọi túi thư dưới ánh mắt chờ đợi của tôi.
- Ủa, đâu rồi nhỉ? Sao lại không thấy được? Bình thường vẫn có mà... - Bác gãi đầu gãi tai, nhìn tôi áy náy, - Hình như hôm nay không có con ạ. Bác nhớ nhầm, bác xin lỗi nhé.

Cứ như thể việc người ta viết thư hay không nằm trong quyền kiểm soát của bác vậy.

Còn tôi, rõ tâm tính đã cầu anh cắt đứt cho xong, mà giờ anh cắt thật thì lại hờn giỗi. Chí ít cũng phải cho người ta một cái thông báo chứ!

Ngộ là tôi tự cho mình quyền được bực tức một cách chính đáng, làm như người ta đã đùa giỡn trái tim tôi không bằng.

Thật nực cười, dù tôi cứ dối lòng hết lần này đến lần khác, rốt cục tôi vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào sự tồn tại của Machida.

Thậm chí tôi đã định ngồi vào bàn viết cho anh một lá thư để hỏi cho ra nhẽ.

May là trước khi tôi tự làm xấu hổ chính mình, thì người ta đã gửi cho tôi một bức điện.

Là tin về Machida. Nhưng chỉ vài dòng đã đủ làm tôi dựng cả tóc gáy:
"Machida bị tai nạn. Rất nguy cấp. Mong được gặp anh ngay. Bạn của Machida, Onozuka."

Hồn vía tôi lên mây. Tôi chỉ kịp xin phép hiệu trưởng, quơ vội vài đồ tùy thân rồi lên đường. À quên, trước đó còn phải gửi Hideo cho bác nấu bếp chăm sóc nữa chứ. Lúc đó tôi làm tất cả mọi việc như cái máy, trong đầu chỉ còn "Machida, Machida" mà thôi. Ngay cả khi Hideo ôm lấy người tôi van nài: "Bố ơi, bố đừng đi lâu quá! Bố nhớ về với con nhé!", thế mà tôi cũng không nói được câu an ủi cho ra hồn.

Khi ấy tôi đã ở tháng thứ sáu, người thì yếu dợt yếu dẹo, nhưng không ai dám cản tôi. Họ cũng không kịp hỏi nguyên do. Mọi người kể lại rằng trông tôi thất thần như xác chết, mặt trắng nhợt không còn hột máu, nhưng giọng nói lại dứt khoát vô cùng. Cảm tưởng có trói cũng không ngăn được tôi.

Với khí thế như vậy, tôi cứ phăm phăm ra ga, mua vé, đi tàu. Trơn tru như một cái máy, tự vận hành mà không cần trí óc. Cho đến khi tôi đã an vị ở chỗ ngồi...

Cho đến khi ấy thì...

Nhìn cảnh vật lại bắt đầu chuyển dời và tôi chợt nhận ra, chưa đến một năm mà mình đã ngồi đến hơn ba chuyến tàu, để dời đi vào những chốn mông lung.

Chao ôi là buồn! Tôi ôm mặt khóc tấm tức.

Anh biết đấy, tôi thường tránh nhỏ nước mắt trước mặt người lạ. Nếu không kìm nén được thì cũng thường để nó rơi rất lặng lẽ. Nhưng giờ thì tôi thây kệ! Người ta vẫn còn lũ lượt đi qua đi lại để tìm toa, sắp xếp chỗ ngồi, gọi kẻ này kẻ nọ... Tôi mặc xác! Cứ thế khóc ti tỉ như giữa chốn không người. Mà tôi có liên quan gì đến họ cơ chứ, họ có sống cuộc đời của tôi đâu. Bấy giờ tôi mới thấy là mình dại. Đã tàn tạ thể xác, tan nát tâm hồn, tứ cố vô thân, tôi lại còn khư khư giữ cái lòng tự trọng rẻ rách làm gì không biết? Tôi yêu Machida, tôi thực sự yêu anh ấy. Giữa chúng tôi nào có ngăn trở gì, tất cả chỉ tại sự lừng khừng của tôi.

Liệu có còn là quá muộn không? Liệu số phận có lặp lại với tôi?

Sao ông trời ác độc thế? Tôi đã gây ra tội nghiệt gì, để ông ấy hết lần này lần khác cướp mất người thân yêu của tôi? Cuộc đời này còn phải đền bù đến bao giờ?

Tôi khóc dữ quá, đến nỗi chẳng còn thiết gì xung quanh. Ông soát vé cứ tần ngần mãi, không biết làm cách nào để lôi được vé của tôi ra. May có cụ già bên cạnh đỡ lời vào:
- Thôi chú ơi, bỏ qua cho cháu nó lần này. Người thế này chắc cũng không lậu vé đâu. Khổ thân, bụng mang dạ chửa thế kia.

Ông ta đi rồi, bà cụ còn thương tình đưa cho tôi chiếc khăn tay. Tôi lau đám nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt, nói không ra lời cảm ơn. Cụ bà cũng chẳng lấy thế làm phiền, chỉ chép miệng:
- Đi tìm chồng hả con? Còn sống hay đã chết? Mà thôi, cứ được đoàn tụ với nhau là tốt lắm rồi... Khổ!

Chồng ư? Tôi với Machida còn chẳng phải người yêu chính thức. Nhưng giữa chúng tôi có một sợi dây nối kết đã thành hình. Vì vậy, anh ấy nhất định phải đợi tôi! Tôi không cho phép anh ấy rời thế giới này mà chưa biết mặt đứa con mình góp phần tạo thành.

Đây không phải là yêu cầu nữa, mà chính là mệnh lệnh!

Đó, anh ạ, tôi đã đi từ hốt hoảng, thẫn thờ, tuyệt vọng đến quyết tâm hừng hực như thế. Tôi không lường được một sự việc còn kinh ngạc hơn đang chờ mình ở cuối con đường..."

- Bố ơi, con về rồi ạ!

Cuộc nói chuyện bị ngắt quãng bởi một cậu bé đáng yêu chạy ùa vào nhà. Cậu dong dỏng cao, khoảng chừng chín, mười tuổi, trông rất lanh lợi. Cặp mắt nâu hấp háy nhìn tôi tò mò:
- Dạ, cháu chào chú ạ. Chú là bạn của bố cháu ạ? - Rất nhanh, cậu lại chuyển hướng chú ý sang bố mình, lại gần thì thầm với bố - Bố ơi, tí bố cho con sang nhà bạn Kai chơi được không ạ?

- Được, nhớ về trước tám giờ tối để làm bài tập. Thế em con đâu? Con không đi đón em à?

- Con có nhớ mà. Nhưng cha đã đón Shin-chan rồi, cha bảo con về trước...

Như giải đáp thắc mắc của tôi, ngay lập tức, ngoài cửa đã có giọng nói vang lên:
- Anh về rồi đây!

Một âm thanh trầm ấm, dịu dàng cộng thêm mấy lời ỏn ẻn của trẻ con đang tập nói.

Anh Akaso chỉ kịp nói vài từ "Xin anh thứ lỗi", đã vội vàng đứng lên chạy ra cửa. Tôi tò mò ngó theo, chợt hiểu tại sao anh vội vã, tất bật thế.

Đứng sừng sững ở cửa là một người đàn ông cao lớn, mang vẻ chững chạc, nghiêm trang mà người ta chỉ có thể thấy ở trong quân đội. Tuy mái tóc đã có vài sợi điểm bạc, trông anh vẫn nổi bật không chê vào đâu được, quả thực là một Alpha ưu tú. Chỉ đến khi anh lại gần, tôi mới nhận ra khiếm khuyết nhỏ của anh. Dáng đi của anh cao thấp không đều, đầu gối bên trái hơi cứng, thiếu tự nhiên. Một biểu hiện của việc chúng vốn không phải xương cốt của con người. Tôi ngầm hiểu. Ra đó là lý do, mà anh Akaso phải vội đi tới đỡ bé con từ tay người chồng. Có lẽ anh sợ chồng phải vất vả.

Hình như người chồng thấu hiểu sự quan tâm đó, anh nhìn hai bố con với tình yêu thương đong đầy trong ánh mắt:
- Shin-chan hôm nay giỏi lắm, các cô khen tự biết xúc hết bát cơm đấy.

- Thật vậy cơ à? Con trai bố quả là tự lập ghê cơ! - Người bố tự hào hôn đứa bé trên tay thật kêu.

Cậu lớn chứng kiến cảnh đó, cũng không chịu đứng ngoài, chạy lại hét toáng lên:
- Cả con nữa cha ơi, con hôm nay cũng ngoan mà. Con được cô khen về bông hoa tự gấp, con cũng hoàn thành được hết bài tập đọc nữa!

- Phải rồi, - Anh chồng xoa đầu con, ngắm nhìn thằng bé thỏa mãn dưới bàn tay ấm áp ấy, - Hideo cũng rất nỗ lực, không bao giờ làm cha thất vọng cả.

Bấy giờ anh mới chú ý đến sự có mặt của tôi, hơi cúi đầu chào, anh ướm hỏi chồng:
- Em có khách à? Người này là...

- Anh ấy là người của tòa soạn, đến để phỏng vấn. Chuyện mà lần trước em đã nói với anh đó. Nên hôm nay anh lo cho bọn trẻ giúp em nhé. Cũng sắp xong rồi.

Tôi cũng không phải dạng vô ý vô tứ đến nỗi cứ ngang nhiên ngồi mốc đấy phá hoại cảnh sum vầy của người khác. Biết ý, tôi đứng ngay dậy, tự giới thiệu về mình:
- Chào anh, tôi là Takeshi Uzuichi, phóng viên tờ Shikenshin. Xin gửi anh danh thiếp của tôi ạ. - Rồi không đợi anh trả lời, tôi cũng nói luôn, - Tôi vô cùng cảm tạ anh Akaso ngày hôm nay đã chia sẻ những câu chuyện thật xúc động. Nhưng giờ cũng đã muộn rồi, không tiện quấy rầy gia đình mình nữa. Tôi xin phép về trước ạ.

*

Bước ra khỏi căn nhà xinh xắn ấy, tôi còn ngoái lại để ngắm nhìn những bóng người hạnh phúc đó một lần nữa. Để chắc chắn rằng mọi thứ không phải là mơ.

Quá nhiều thứ cho một buổi chiều, tôi bỗng dưng thấy mình như già dặn thêm mấy năm tuổi đời. Nắm chặt chiếc máy ghi âm trong tay, tôi thầm cảm nhận sức nặng của nó. Đúng, cuộc chiến của những người như anh Akaso, anh Machida hay chị Tomoko có thể đã kết thúc, nhưng cuộc chiến lương tâm của tôi có thể chỉ mới bắt đầu. Làm sao để có thể xứng đáng với những điều họ truyền tải, làm sao để không phải hổ thẹn trước họ, đấy là nhiệm vụ của người cầm bút như tôi.

Bản thân tôi đã quá kiêu ngạo, tôi đã đứng trên lập trường của người trên cao mà cứu vớt họ, lo sợ họ sẽ bị người đời quên lãng. Chúng ta tự cho mình quyền được biết ơn, được bù đắp những gì họ đã mất. Làm sao mà ta có thể? Cuộc đời con người đâu phải như những đồ vật bị vỡ chỉ cần dính keo lại là xong. Ta không thể sửa chữa được quá khứ. Việc ta có thể làm chỉ là cúi đầu, kính cẩn nghiêng mình trước họ. Những anh hùng ấy, họ đâu có chiến đấu cho chúng ta, họ chiến đấu vì cuộc sống của chính mình mà thôi. Và trong cuộc vật lộn với sinh mạng ấy, họ đã trở nên vĩ đại lúc nào không hay.

Công việc của tôi sẽ còn cả một đoạn dài phía trước nhưng ngày hôm nay đã cho tôi thêm hy vọng. Vì tôi đã chọn đúng con đường, vì tôi đã được ban thêm sức mạnh để đi tiếp, trên mảnh đất đơn độc nơi tôi cố gắng níu lại những hạt cát nhỏ nhoi, những hạt cát vàng lấp lánh đã từng tập hợp với nhau để níu giữ đất nước này...


...Hết...

-------------------------------------------
Đáng lẽ có thể dừng ở đây được rồi, nhưng tôi vẫn muốn cung cấp thêm cho độc giả ghi chú từ một nguồn tin đáng tin cậy cung cấp. Một mẩu đối thoại có lẽ không nhiều, nhưng đủ để ghép nối vào bức tranh, tạo nên cái nhìn tổng thể, giúp giải đáp một số khúc mắc của người đọc.

Phần ghi chép được gửi đến như thế này:
"Trong một góc bệnh viện X, tầng hai, khuất người qua lại, hai người đàn ông đứng tựa vào lan can để nói chuyện. Một người có vẻ lớn tuổi, tay phải bó bột, đang chật vật châm thuốc hút. Người trẻ hơn, có lẽ là quen biết, thành thục châm lửa cho người kia. Sau đó anh ta cũng tự rút một điếu cho mình, lưng dựa lan can, ngửa cổ thưởng thức vị thuốc hút.

Bệnh nhân nọ nhìn anh chàng, cặp lông mày đẹp nhíu lại, hỏi:
- Ono, anh hỏi chú, xe anh vì tránh con chó nên phi xuống mương. Sao chú mày đã vội trù như anh sắp đi đời đến nơi vậy?

- Thì có sao đâu anh? Như thế chẳng tốt hơn à? Một tin nhắn mười sáu chữ của em lại chẳng hiệu quả hơn gấp mấy lần thư thẩn hàng tá dòng của anh. Một phát được cả trâu lẫn nghé còn gì!

- Ừm, cũng phải... Nhưng anh vẫn muốn đấm chú mày!

- Ơ cái ông này!

..."

Phần ghi chú kết thúc ở đấy. Hiện chúng tôi đang cố liên lạc lại với người đưa tin nhưng chưa có phản hồi. Nếu có bất kỳ tin tức nào, chúng tôi sẽ thông báo cho quý độc giả được rõ.

Mọi thắc mắc, góp ý xin gửi về số tổng đài 0800xxxx, trụ sở tòa soạn báo Shikenshin.

Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi!









Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro