#1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




#1.




Naples vào mùa hè là thiên đường dưới hạ giới. Đặc biệt là vào khoảng thời gian từ tháng sáu tới tháng tám, khi mà tiết trời hẵng còn ấm áp và mùa đông tuyết trắng chưa kéo về trên những bãi biển óng ánh nắng như vàng ròng của nó. Với số lượng du khách nằm chật kín trên bãi cát tựa một bầy cá bóng mỡ, những bãi biển ở Naples hẳn là thứ tuyệt vời nhất về thành phố cảng nơi bờ Tây nước Ý này.

Tuyệt vời hơn cả hai món ăn đặc sản là con trai và pho mát sữa trâu, tuyệt vời hơn cả rượu vang Lacryma Christi del Vesuvio hay 'nước mắt thiên chúa'. Dân chúng ở đây vẫn thường tương truyền đầy kiêu hãnh rằng một loài nho lạ có thể được chế biến thành đủ mọi loại rượu (trắng, đỏ, hoa hồng) đã mọc lên từ mảnh đất này sau khi chúa rơi lệ vì phát hiện ra Vịnh Naples hóa ra là một mảnh thiên đàng xưa kia đã bị Lucifer đánh cắp.

Nhưng chớ hiểu lầm rằng nước Ý của người Ý thì chỉ có mỳ Ý và rượu nho. Vì không những là địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho người có tiền mà nơi đây còn rất giàu văn hóa, với hai cung điện hoàng gia, ba lâu đài và vô kể di tích khảo cổ. Một trong số đó có một thành phố Hy Lạp - Rô ma bị chôn vùi ở Napoli Sotteranea, nhà hát Opera Teatro di San Carlo, hơn bốn trăm điện thờ cũ được xây dựng từ thời bán khai và Tân Phục Hưng trở về sau.

"Đi mà kể ba cái này với lũ khách du lịch ấy." Đến cả Charlie Cash, một người đàn ông hiện đang sinh sống ở Naples cũng phải bật cười ra nước mắt sau khi thưởng thức xong màn quảng cáo nhiệt tình vừa rồi. "Nghe như một trong những capo (ông trùm) của miền Campania đang chuẩn bị bỏ nghề để đi bán vé số."

"Anh chẳng lãng mạn tí gì cả. Anh có biết điều đó không Carlo (Charlie)?" Angelo Ambrosini hậm hực thở dài trước phản ứng dửng dưng của khán giả duy nhất ở đây và không khỏi cảm thấy không thỏa đáng. "Chả nhẽ tôi phải nói là: 'Xin chào các anh em người Mỹ, chúng tôi là dân Napoli (Naples). Chúng tôi thích xây nhà để rửa tiền và làm ở càng để dễ buôn á phiện, nhưng mà cùng lúc ấy chúng tôi cũng là những cư dân Ý đầu tiên đã phát minh ra pizza nữa'."

Người đàn ông ngồi ở phía đối diện lại bật cười thành tiếng. Gã ta hay có thói quen chỉ để lộ hàm răng trên khít rịt và hơi ngã đầu ra sau mỗi lần cười giống như kiểu những diễn viên trong một bộ phim Hollywood xưa lắc xưa lơ. Và nụ cười sảng khoái của gã dễ lây một cách kì lạ. Gã hẳn phải học cười từ đó.

"Thì có sao? Pizza ngon mà. Tất cả mọi người mà tôi biết đều thích pizza."

Charlie Cash chống cằm nhìn ra biển. Có một con chim hải âu lạc cánh vừa hất bay mũ của một du khách qua đường. Người đàn ông đang nói chuyện thì nhìn đi chỗ khác không phải là do gã đã chán cái bản mặt dày của Angelo. Hiện giờ bọn họ đang tận hưởng ngày cuối cùng được du lịch Hy Lạp sau khi hoàn tất xong một vụ làm ăn ở đây hay nói chính xác hơn là ngồi trên bao lơn một nhà hàng khá nổi tiếng tại cảng cổ Venetian, đảo Crete, nơi được bao quanh bởi màu xanh ngọc hoàn hảo của bầu trời và đại dương. Cả hai đã dùng bữa no nê và đang chờ thanh toán. Người kia muốn trò chuyện còn gã thì chỉ muốn nghỉ ngơi và đừng phải phí phạm phong cảnh mà mình đã trả một số tiền nhất định để ngắm.

"Tôi cá là bọn Mẽo sẽ phát cuồng lên nếu như cậu bảo rằng mình đã phát minh ra pizza."

Angelo phụng phịu. "Không. Nhưng mà tôi đâu có phát minh ra pizza. Đáng tiếc là một tên người Ý khác đã nghĩ ra việc rắc đầy phô mai với nước sốt cà chua lên một miếng bột nở hình tròn và nướng cháy nó trước." Rồi hắn đột ngột lái sang việc khác. "Vả lại, bàn về chuyện đi Mỹ. Tôi e rằng mình không thể qua bển với anh được đâu Carlo."

Charlie buộc bản thân ngoái đầu về phía một Angelo hoàn toàn nghiêm nghị. Biểu tình của gã ta không rõ ràng đằng sau cặp kính râm. "Sao tự dưng lại? Tôi nhớ là cậu đã hào hứng tới mức mất ngủ vì chuyến này mà."

Và quả thực đúng là như thế. Ai đã từng gặp hắn cũng biết rằng Angelo Ambrosini yêu sứ sở cờ hoa ấy nhất trên thế giới. Có lẽ là còn hơn chính nơi chôn rau cắt rốn của hắn. Cả cuộc đời hắn đã say sưa đến chán chê mê mỏi cái nền văn minh Châu Âu tinh tế xinh đẹp nhưng lại chưa từng đặt chân ra khỏi lãnh thổ của nó hay khám phá cực bên kia nửa bán cầu, cụ thể là ở đây là một nước Mỹ đầy cơ hội.

Cậu chủ nhà Ambrosini chẳng thể chờ được lên chiếc máy bay vượt biển Đại Tây Dương đầu tiên của mình và người kiểm toán năm năm của hắn, Charlie Cash cũng thế. Thật không ngoa khi nói rằng trong mắt hai người lẫn hầu hết những người trẻ được sinh ra và lớn lên trên đất nước hình chiếc ủng, cái sứ Hoa Kỳ kia vẫn là một khái niệm nào đó quá xa lạ mà bọn họ chỉ mới được biết đến qua phim ảnh, chữ cái và những bản nhạc.

Trong con mắt mơ mộng của Charlie Cash, Mỹ là một đất nước rộng rãi không thể tả mà người dân nơi ấy ai nấy đều cưỡi trên lưng những con ngựa giống, bắn súng vô tội vạ, đội nón rộng vành và nói tiếng Anh bằng một chất giọng đai đãi buồn cười. Còn nước Mỹ ở trong mắt Angelo Ambrosini lại chẳng hơn gì một cái lò cá độ toàn mùi tiền để hắn ta có thể thoả sức đốt hết chỗ của cải đã được vun vén cả hai đời nhà mình vào vòng quay Roulette, máy trái cây và bài Black Jack.

Mỹ là quốc gia đa chủng tộc dẫn đến việc nền văn hóa của nó cũng đa dạng, nhưng sứ cờ hoa đã vẫy gọi các băng đảng mafia nước ngoài lại chỉ gói gọn tại một thiên đường rực lửa nằm trơ trọi giữa sa mạc Mojave khô cằn mang tên Las Vegas. Hoặc, theo cái cách mà Charlie Cash đã gọi, là Sodom và Gomorrah ở trần gian.

"Dưới quê có chuyện rồi. Tụi cảnh sát trong khu vực đang điều tra lịch trình cá nhân của các thành viên gia đình tôi. Tôi đã phải thề trên linh hồn tội nghiệp của padre (cha) rằng đấy chỉ là thủ tục làm cho có hồi ổng còn sống thôi và nhà Ambrosini đã chẳng dính líu gì đến bọn Mafioso từ lâu rồi, nhưng cả đám cứ đổ thừa hết do tôi với khoảng vay mà tôi đã mượn nợ một sòng bạc khỉ khô nào đó ở Tây Ban Nha vẫn chưa được thanh toán. Lũ dở hơi ấy chỉ toàn nhớ ba cái chuyện đâu đẩu. Thế nên tình hình là ít bữa nữa tôi sẽ bị chính quyền quản thúc ở phạm vi Sicily, chờ cho tới lúc mọi chuyện lắng xuống."

Charlie nghĩ rằng Angelo đang đề cập về gia đình ruột thịt của mình ở thủ đô Palermo, Sicily. Cha của Angelo, hay ngài Ambrosini đệ nhất đã từng là một trong những ông trùm thuộc về Cosa Nostra điển hình với đầy đủ những phẩm hạnh thanh cao trước khi bị thủ tiêu ở Mỹ bởi chính đồng bọn mình vì đã ngoại tình với vợ của người khác. Sau đó thì mọi chuyện đổ bể và kể cả bà Ambrosini giờ là quá phụ cũng không thèm nhìn mặt chồng một lần cuối trong đám tang. Bà ta thà nhổ lên mộ ông ấy.

Tuy nhiên bỏ ngoài tai những lời bàn tán, cậu bé Angelo khi xưa chỉ vừa tròn tám tuổi vẫn giữ khư khư niềm tin rằng ngài Ambrosini là một người cha tốt và ngưỡng mộ danh tiếng lừng lẫy trong quá khứ của ông.

Không thể chịu nổi việc Angelo càng lớn càng giống chồng, bà chủ Ambrosini vẫn còn thù hận ông đã gửi đứa con trai út của mình sang Naples học tập từ đó và tuyên bố rằng gia đình Ambrosini sẽ chính thức đoạn tuyệt mọi mối quan hệ với thế giới ngầm kể từ đây để chừa đường sống cho con cái. Ấy cũng là lúc mà đầu óc non nớt của Angelo Ambrosini bắt đầu xuất hiện những sự thay đổi. Ghẻ lạnh trong chính ngôi nhà mình và buộc phải lớn lên xa quê đã khiến cho suy nghĩ của hắn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lối sống hoang đàng, tệ nạn, ăn chơi trác táng của chốn đô thị phồn hoa, và đặc biệt là tư tưởng từ những nền văn hóa ngoại lai dần cập vào bến cảng.

Đầu thập niên 70 hay Những Năm Lãnh Đạo, kinh tế và chính trị nước Ý đạt đến đỉnh điểm bất ổn là hậu quả của những biến động trong nước kéo dài từ thập niên 60. Khởi động bằng việc một cảnh sát bị sát hại ở Milan trong cuộc bạo động của phe cánh tả, hàng loạt vụ dội bom và ám sát nối đuôi nhau. Tỉ lệ người trẻ thất nghiệp đang gia tăng chóng mặt và cuộc khủng hoảng năng lượng hoặc lạm phát dầu khí đang xảy ra này như thể giọt nước tràn ly. Nhưng đấy chỉ là những công nhân viên chức bình thường bị trì trệ thôi. Còn mấy kẻ nằm ngoài vòng pháp luật như họ thì càng bận tối tăm mặt mũi tới mức phải vắt giò lên cổ chạy bằng kịp.

Và chẳng phải là Angelo bé bỏng đã thề trên linh hồn tội nghiệp của ông già mình rằng cái họ Ambrosini đã không dính dáng gì đến tổ chức Mafia nào nữa?

Chà, nửa đúng, nửa sai. Nếu như coi phe Mafia ở Sicily là tổ chức hoạt động theo mô hình kim tự tháp với một người đứng đầu duy nhất có quyền lực tối cao, thì quyền lực của phe Mafia ở Naples - Camorra, lại được chia đều cho hơn một trăm nhóm độc lập. Chẳng có quá nhiều điểm khác biệt giữa thành viên thuộc hai miền, ngoại trừ việc Mafia ở Naples thường đông đảo, thực dụng và hoạt động mà không cần tuân thủ một bộ luật nghiêm. Tất cả những gì mà bọn họ làm là đánh vào dân nghèo và sự phân tầng giai cấp không đồng đều của xã hội. Trong trường hợp ấy thì Angelo bé bỏng đã nói dối.

Nhân viên phục vụ cuối cùng cũng trở lại bàn cùng với hóa đơn trong khi Charlie và Angelo còn đang bận đắm chìm vào những suy nghĩ riêng. Angelo lại xua cô ta đi chỗ khác.

"Cậu không lách luật được?" Charlie Cash hỏi. Xin đính chính cho những ai còn thắc mắc là gã không phải dân anh chị và cũng chẳng kiếm chác thêm được chút gì từ những vụ cướp của hay giết người. Gã chỉ ở đây để đấu thầu và làm việc cho Angelo với tư cách là một kiểm toán bởi vì gã đã nợ hắn rất nhiều. Thế thôi.

"Đi theo tôi gần năm năm nay rồi mà anh vẫn còn hỏi câu đó à Carlo? Tôi là criminale (tội phạm) chứ có phải thẩm phán đếch đâu?" Mặt của cậu chủ trẻ buồn muốn chảy xệ xuống cả dĩa sườn cừu đã bị gặm sạch tới tận xương. Hắn tiếp tục kể lễ. "Tôi đã lách luật quá nhiều lần và hiện giờ thì tôi bị kẹt cứng ngắc mà anh không thấy sao?"

"Vậy cậu có cần tôi hủy vé máy bay chuyến này không?" Đối phương đành đề nghị. "Cuộc đấu thầu với phe Mỹ có thể chờ tới lúc cậu được tự do. Las Vegas không mọc giò chạy đi đâu đâu mà sợ."

"Anh bị điên hả, Carlo? Khi ấy thì chả còn kịp nữa! Những thứ như bán cổ phiếu chỉ xảy ra một lần vào một dịp nào đó thôi. Nếu như bỏ qua cơ hội ngàn vàng này thì sòng Shahrzad sẽ biến thành miếng mồi béo bở bị những tên sừng sỏ hơn xâu xé và việc đấu thầu chỉ là viễn vông..."

Angelo bất lực ôm mặt. Hắn ta luôn luôn làm như thế mỗi lần cảm thấy cay cú và chuẩn bị đưa ra một quyết định liều lĩnh khi bị tình hình gấp rút bắt buộc. Hắn hẳn là đã tuyệt vọng lắm rồi.

"Madonne (Đức mẹ) ơi, tôi sẽ phải cử anh đi một mình đến Las Vegas mà không có tôi thôi." Hắn ta vừa nói vừa kéo những đầu ngón tay chai sần có móng tay nham nhở xuống để nhìn chằm chằm vào người đàn ông đeo kính mát đang ngồi ở phía đối diện bằng cặp mắt bự như mắt bò. Charlie dường như bỏ ngoài tai những lời này. Bằng cách nào đó Angelo vẫn chưa bỏ hẳn thói quen cắn móng tay ngày bé còn gã vốn là một người đàn ông coi trọng vẻ bề ngoài thì vô cùng chán ghét điều đó về hắn.

Angelo cầu xin. "Hãy giả bộ làm tôi và kí hợp đồng đó với bất kì ai hoặc là bằng bất cứ cách nào mà anh cần. Tôi đếch quan tâm anh phải dùng thủ đoạn đê tiện ra sao. Tôi muốn phần của mình ở cái sòng chó chết ấy bởi vì nó đang ăn nên làm ra và tôi không thích nhìn cái cảnh những gì đáng lý ra nên thuộc về tôi lại bị một thằng ất ơ nào khác cuỗm mất."

Charlie suy ngẫm cẩn thận rồi đưa ra câu trả lời của gã mà không dám nhìn thẳng vào mặt người đối diện. So với Angelo thì trông gã điềm tĩnh hơn, nhưng đó chỉ là do Charlie đã luôn giỏi kiềm chế sự hỗn loạn của mình. "Cậu có biết là mình đang nói gì không, cậu Ambrosini? Cho dù đã làm việc dưới trướng cậu hay ai thì tôi chỉ được đào tạo để trở thành một kiểm toán viên không hơn không kém. Tôi lo chuyện tiền nong chứ không phải là lừa đảo."

"Gọi là lừa đảo chi cho chối tai. Trên ti vi tôi thấy người ta làm như này suốt mà có bị gì đâu. Anh thay tôi kí hợp đồng thì sao? Thế là được rồi chứ gì?" Angelo sốt vó vồ lấy mặt của Charlie và bắt gã ngừng trốn tránh ánh mắt của mình. "Chớ có lo, mio amico (bạn hiền của tôi). Tật xấu của anh là hay lo lắng nhiều quá. Anh không đơn độc ở ngoài kia, ít nhất là không còn nữa bởi vì anh đã có tôi sát cánh bên anh, amico (bạn hiền). Kể từ đại học luật Naples trở đi chúng ta lúc nào cũng như hình với bóng. Lần đầu tiên mà tôi gặp anh, anh có nhớ không, Carlo? Khi mà tôi mới mười tám còn anh thì vừa tròn hai mươi mốt tuổi. Tôi là một sinh viên và anh là người trốn thuế. Anh thậm chí còn chẳng thạo tiếng Ý và chỉ sống vật vờ cho qua ngày nhờ số tiền trợ cấp ít ỏi từ chính phủ. Tôi đã biết rằng chúng ta giống nhau kể từ đó và anh là một người đàn ông muốn có tất cả, giống như tôi. Thế nên tôi đã dạy cho anh học, mua đồ cho anh ăn và hứa sẽ chia sẻ cho anh một phần vinh quang của mình. Và bây giờ thì tôi đang chia sẻ nó cho anh đây, amico. Tôi muốn anh trả ơn tôi vì những gì mà tôi đã làm cho anh suốt những năm qua kể cả nếu điều có nghĩa là anh phải đi vào chỗ chết. Và làm ơn đừng bắt tôi phải quỳ gối cầu xin. Cả cuộc đời này tôi chưa từng phải xin xỏ ai cái gì cả."

"Nếu cậu đã khăng khăng như vậy thì tôi e là không còn cách nào khác." Người đàn ông đã bị Angelo nắm thóp. Kẻ họ Ambrosini nói chẳng sai. Không phải nhờ ơn hắn chỉ dạy thì giờ này chắc là Charlie vẫn còn đang bục mặt đi lao động khổ sai cho những tên buôn hàng lậu thấp hèn ở bến cảng. "Nhưng lỡ tôi thất bại thì sao? Bọn họ cần chữ ký của Angelo Ambrosini chứ đâu phải là Charlie Cash."

"Anh sẽ không thất bại. Tôi sẽ soạn sẵn một kịch bản cho anh để đảm bảo rằng mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ và anh phải gọi điện về Sicily hỏi ý kiến tôi trước khi tự ý đưa ra quyết định hoặc nếu như gặp rắc rối." Angelo bóp má bạn đồng hành của mình một lần cuối cùng rồi buông gã ta ra. Mặc dù Charlie thấy chuyện mà bọn họ đang làm ở đây lẫn dính líu tài chính với một tổ chức Mafia Mỹ thật điên khùng và rất miễn cưỡng can dự, thì ông chủ của gã lại cố chấp kì lạ. Hắn trấn an. "Chỉ cần đợi khoảng chừng ba tháng nữa có khả năng là tôi sẽ được tại ngoại và khi ấy thì tôi sẽ bắt chiếc máy bay sớm nhất tới chỗ anh để hai chúng ta có thể cùng ăn mừng chiến công đầu tiên của anh, Carlo. Tôi rất nóng lòng nghe tin vui từ anh đấy."

Charlie chỉ biết gật đầu.

"Còn về phần bữa ăn. Tôi không có ý tỏ ra thô lỗ nhưng mà anh có thể đãi tôi lần này được không?" Giờ đây, Angelo Ambrosini mới dám rụt rè bày tỏ mục đích thực sự của mình. "Nhờ vả anh hoài tôi cũng ngại lắm chớ bộ. Nhất là khi mà tôi là sếp của anh. Nhưng hồi ở Tây Ban Nha tôi lỡ đánh bạc đến rỗng túi mất rồi. Cơn nghiện đỏ đen này đang hút máu tôi khô đét và tôi chỉ có thể sống sót nhờ vào kết quả của việc anh thành công hay thất bại."

Bạn hiền của hắn không ca cẩm. Gã chỉ im lặng móc ví ra và đặt hai tờ năm ơ-rô lên mặt bàn. "Chừng này đủ chưa?"

"Cám ơn, Carlo thân ái của tôi. Anh thật hào phóng đối với những thói hư tật xấu của tôi. Vắng anh thì tôi không biết rằng cuộc đời mình sẽ đi về đâu nữa." Người đàn ông trẻ hơn hài lòng mỉm cười. Một nụ cười phởn phơ và đầy răng, giống như của loài linh cẩu. "Anh có muốn ăn tráng miệng không? Tôi chưa từng dùng thử bánh put đinh gạo. Hay là gọi cà phê thôi nhé?"

Charlie Cash phủi tay đứng dậy. "Đi nào, cậu Ambrosini. Cậu phải trở về Ý còn tôi thì có một chặng đường dài tới Mỹ. Tôi e rằng thời gian đúng là tiền bạc và ta không có cả thời gian lẫn tiền bạc để mà lãng phí đâu."




Còn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro