Ngô Tử Văn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ bao đời nay trong dân gian vẫn luôn lưu truyền những câu chuyện kì ảo, không có thật nhưng lại mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc mà nhân dân muốn truyền lại cho con cháu đời sau. Nếu Trung Quốc có bộ truyện "Liêu Trai chí dị" của Bồ Tùng Linh thì Việt Nam ta cũng có "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ, ra đời vào khoảng thế kỉ XVII. Trong đó, "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" với ngòi bút thấm đẫm tinh thần nhân đạo đã khắc họa thành công hình ảnh Ngô Tử Văn vô cùng đẹp, một con người đại diện cho chính nghĩa, chống lại thế lực gian tà.

Ngô Tử Văn - một kẻ sĩ ở đất Lạng Giang, huyện Yên Dũng - đã châm lửa đốt đền của tên hung thần vốn là tướng giặc xâm lược để trừ hại vì dân. Hồn ma tên tướng giặc họ Thôi giả làm cư sĩ đến đòi Tử Văn dựng trả ngôi đền và dọa sẽ kiện tới Diêm Vương. Thổ Công nói cho Tử Văn biết sự thật về tung tích và tội ác của hắn, đồng thời chỉ dẫn cách đối phó. Ngô Tử Văn bị quỷ sứ bắt xuống âm phủ. Trước mặt Diêm Vương, Ngô Tử Văn đã dũng cảm tố cáo tội ác của tên hung thần cướp đền với đầy đủ chứng cứ. Cuối cùng, công lý được thực hiện, kẻ ác bị trừng trị, Thổ Công được phục chức, Tử Văn sống lại và được Thổ Công tiến cử chức phán sự ở đền Tản Viên.

Ngô Tử Văn là một nho sĩ với tính cách được miêu tả qua lời giới thiệu của tác giả "...vốn là người khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà là không thể chịu được" với giọng văn khen ngợi. Tính cách này thể hiện rõ nhất qua hành động đốt đền, nơi mà hồn ma tên tướng giặc đang trú ngụ quấy rối dân làng. Vốn là một người cương trực, Ngô Tử Văn đã bỏ mặc sự lo ngại của dân làng, trong tâm trạng giận dữ mà "vung tay không cần gì cả". Qua hành động "tắm gội sạch sẽ, khấn trời" trước lúc đốt đền và "vung tay không cần gì cả" khi đốt đền, Ngô Tử Văn đã thể hiện rằng mình là người trong sạch, chàng đã khấn thần linh để được đốt đền, đó là đạo lý làm người, một thường dân bình thường sao có thể động chạm đến thần linh? Chàng biết điều đó chứ, ấy vậy mà Tử Văn vẫn làm, vẫn vung tay, nhưng ai có thể nói đốt đền là hành động bộc phát của chàng? Ngô Tử Văn đã suy nghĩ kỹ càng, chàng hành động một cách chín chắn, chứ nào phải vì nông nổi, nhất thời! Hơn hết cả, Ngô Tử Văn đốt đền vì hồn ma tên tướng giặc đã chiếm lấy đền của Thổ Công, quấy rối nhân gian, là một người cương trực, làm sao chàng có thể mảy may không để ý? Cho dù mọi người trong dân làng "đều lo sợ thay cho Tử Văn", chàng vẫn vì lý tưởng của chính mình mà vung tay đốt đền. Đối với chàng, không phân biệt con người hay ma quỷ, lẽ công bằng sẽ và phải được thực thi. Chàng không sợ sự trừng phạt, đường hoàng công khai hành động của mình, phải hay chăng vì chàng tin rằng, kẻ hại dân là kẻ xấu, mà đã là cái xấu thì tại sao cái thiện phải sợ? Phải hay chăng ý thức trách nhiệm cùng lương tâm của một kẻ sĩ đã không cho phép Ngô Tử Văn đứng nhìn ngay cả khi chàng biết rằng những hành động đó là vô cùng nguy hiểm? Từ việc đốt đền, Tử Văn hiện lên trong mắt người đọc là một người chính trực, khảng khái, dũng cảm, quyết tâm bảo vệ công lý, gìn giữ hòa bình, là một kẻ sĩ cứng cỏi của đất Việt, thể hiện rõ khí phách của một đấng quân tử:

"Phú quý bất năng dâm

Bần tiện bất năng di

Uy vũ bất năng khuất"

(Mạnh Tử)

Qua cuộc chiến đấu quyết liệt với thế lực gian tà, Ngô Tử Văn như vàng thật không sợ lửa, sáng bừng tinh thần dũng cảm, thể hiện rõ trách nhiệm của một người nho sĩ biết phân định rạch ròi cái đúng sai, cái tà gian ác.

Hồn ma tên tướng giặc họ Thôi giả làm cư sĩ đến đòi Tử Văn dựng trả ngôi đền và dọa sẽ kiện tới Diêm Vương, ấy vậy mà chàng lại không hề nao núng, "vẫn cứ ngồi ngất ngưỡng tự nhiên". Hành động này không chỉ thể hiện sự kiên quyết trước gian tà, mà Ngô Tử Văn đã thực hiện đúng trách nhiệm của một người có học thức: không chỉ vì nghe một hướng mà mất bình tĩnh, mất chính kiến của mình. Sau khi gặp Thổ Công thật, nghe đầu đuôi câu chuyện, Ngô Tử Văn lại hỏi "Hắn có thực là tay hung hãn, có thể gieo vạ cho tôi không?", câu hỏi bật ra làm chàng trông có vẻ như đang chùn bước, nhưng không! Ta nhận ra rằng, trong hoàn cảnh này cùng tính cách của Ngô Tử Văn, câu hỏi này không được thốt ra với sự hoang mang lo sợ, ngược lại, đây lại là câu hỏi có ý thăm dò, vì chàng tin rằng "biết người biết ta trăm trận trăm thắng". Chàng hỏi vậy vì muốn tìm cách đối phó với địch, muốn biết sự ranh ma độc ác của người mình sắp đối đầu. Chàng tin tưởng vào cái chính nghĩa mà bản thân đã thực hiện. Không thẹn với lòng, ắt cũng sẽ không thẹn với trời đất. Chàng thực sự là một quân tử sở hữu đạo hữu tam "nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ".

Cuộc đối đầu ngày càng quanh co quyết liệt khi Ngô Tử Văn bị kiện xuống âm ti. Dù bị bắt xuống âm phủ, đối mặt với bọn quỷ Dạ Xoa nanh ác và quang cảnh đáng sợ nơi cõi âm cùng hình phạt ghê gớm "tội sâu ác nặng, không được dự vào hàng khoan giảm" nhưng Ngô Tử Văn vẫn không chùn bước, ngược lại còn đầy gan dạ, kiên định và bất khuất. Không chỉ vậy, trước lời phán quyết có phần hồ đồ của Diêm Vương, chàng đã "kêu to" khẳng định: "Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian" và dũng cảm vạch mặt tên bại tướng gian tà với lời lẽ "rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào". Không chỉ thuyết phục Diêm Vương bằng lời lẽ, chàng còn nghe theo lời Thổ Công mà nói "đem tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi; không đúng như thế, tôi xin chịu thêm cái tội nói càn". Lời lẽ đanh thép, giọng điệu mạnh mẽ, bản lĩnh kể cả khi đối mặt với Diêm Vương. Chính những hành động và lời nói này đã cho ta thấy sự kiêu hãnh và khí phách của một vị chính nhân quân tử, một người sẵn sàng bỏ mặc tất cả để đứng dậy vạch trần bộ mặt của kẻ ác. Dù đối mặt với Diêm Vương quyền to chức rộng, Tử Văn vẫn kiên quyết, lời nói chắc nịch mà đưa ra những lý lẽ khẳng định hành động của mình. Ngô Tử Văn đã chiến đấu đến cùng vì lẽ phải và niềm kiêu hãnh của một kẻ sĩ, cuối cùng, tên tướng giặc cũng bị đánh gục, còn Ngô Tử Văn, chàng trai đã giải trừ được hậu họa, đem tới sự bình yên cho nhân gian, nay được được tiến cử vào chức phán sự đền Tản Viên, đảm đương nhiệm vụ giữ công lý, một công việc rất phù hợp với tính cách của chàng. Tử Văn đã khẳng định một ý nghĩa đầy sâu sắc: Thắng lợi vốn dùng để khẳng định những người tốt, vì thế, phe chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng phe gian ác. Ngô Tử Văn hiện lên là người cứng cỏi, hành động đúng đắn, dám đấu tranh để thực hiện công lý, đồng thời là một người chính trực, có niềm tin vào chính nghĩa.

Trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên", tác giả đã thành công trong việc sử dụng nghệ thuật, nổi bật là đan xen những yếu tố "kỳ ảo" và yếu tố "thực" trong rất nhiều tình tiết truyện. Câu chuyện diễn ra rất ly kỳ, nhiều chi tiết độc lạ thu hút người đọc, những xung đột khiến mạch truyện ngày càng căng thẳng, dẫn đến các cao trào cùng kết thúc có hậu: kẻ ác đền tội, người thiện được đền đáp. Đồng thời, Nguyễn Dữ đã khắc họa tính cách nhân vật vô cùng sâu sắc, thể hiện niềm tự hào về những tri thức Việt - những con người kiên định, dũng cảm, luôn đứng về phía lẽ phải và công lý. Không chỉ vậy, tác giả còn thêm vào lòng tự hào về dân tộc. Đó là chi tiết tên tướng giặc khi sống thì thất bại nhục nhã trên đất Việt, lúc chết lại biến thành hồn ma quấy rối nhân dân, làm điều càn bậy, nên mới bị trừng phạt, nếm mùi thất bại. Phải chăng đó chính là kết cục chung của những kẻ xâm lược? Truyện không chỉ dừng lại ở việc nêu cao tinh thần chính nghĩa của kẻ sĩ Ngô Tử Văn, mà nó còn vạch trần bộ mặt gian tà của không ít kẻ đương quyền "quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược", là tiếng tố cáo mạnh mẽ hiện thực xã hội với "rễ ác mọc lan khó lòng lay động", vì tham của đút mà bênh vực cho kẻ ác.

Tóm lại, "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" đã dùng nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật một cách sâu sắc để đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn - một kẻ sĩ của nước Việt. Thông qua cuộc đấu tranh của Ngô Tử Văn, truyện ngầm phản ánh thế giới thực của con người với đầy rẫy tệ nạn. Truyện gây ấn tượng với những yếu tố kì ảo, giàu kịch tích, cách xây dựng nhân vật sắc nét, ngôn ngữ kể chuyện trau chuốt, súc tích.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro