Trao Duyên - 12 câu đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     Văn học thế kỉ XVIII là văn học của những tiếng nói cảm thương, cảm thông cho số phận bất hạnh của người phụ nữ. Người thi nhân đã gửi gắm tâm sự, nỗi bất bình của mình vào các bài thơ, khúc ngâm, nổi bật là Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn,... Thế nhưng, ta không thể không nhắc đến tuyệt tác "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du. Như tên gọi, 'Đoạn Trường Tân Thanh là tiếng khóc, tiếng kêu xé lòng của những số phận tài hoa mà bạc mệnh dưới chế độ phong kiến tàn bạo, thê lương, đẩy con người đến tận cùng đau khổ được lột tả khéo léo thông qua thân phận nàng Kiều. Cuộc đời đầy đau thương, bi kịch ấy được khắc họa sâu sắc qua đoạn trích "Trao duyên". Đoạn thơ là nỗi lòng đau xót của Thúy Kiều khi phải trao mối tình mặn nồng giữa nàng và Kim Trong lại cho Thúy Vân.

"Trao duyên" được trích từ câu 723 đến 756 trong tác phẩm "Truyện Kiều" phần gia biến và lưu lạc. Bi kịch về tình yêu tan vỡ và bi kịch cuộc đời mỏng manh của Kiều đã được ngòi bút Nguyễn Du miêu tả qua hình thái ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc. Sau khi Kim Trọng về quê chịu tang chủ, gia đình Kiều bị oan, cha và em nàng bị bắt. Để cứu người thân khỏi những đòn roi tra tấn dã man, Kiều quyết định bán mình cho Mã giám sinh là vợ lẽ. Đêm cuối cùng trước ngày ra đi theo Mã giám sinh, Kiểu nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa, lấy Kim Trọng...

Nhan đề đoạn trích là "Trao Duyên" nhưng trớ trêu thay đây không phải là cảnh trao duyên thơ mộng của những đôi nam nữ mà ta thường gặp trong ca dao xưa. Có đọc mới hiểu được, "Trao duyên", ở đây là gửi duyên, gửi tình của mình cho người khác, nhờ người khác chấp nối mối tình dang dở của mình. Nhan đề gây cho ta nhiều bâng khuâng: Tại sao lại trao duyên? Trao đi một tình yêu đẹp, thiêng liêng, chung thủy. Thúy Kiều trước phút dẫn thân vào quãng đời lưu lạc, bán mình cứu cha, nghĩ mình không giữ trọn lời đính ước với người yêu, đã nhờ cậy em là Thúy Vân thay mình gần bó với chàng Kim. Có thể nói, đoạn thơ không chỉ đơn giản là chuyện trao duyên mà còn chất chứa biết bao nhiêu tâm tư trĩu nặng của nàng Kiều

Mở đầu đoạn là khung cảnh não nề, trầm lắng khi Thúy Kiều mở lời cậy nhờ Thúy Vân:

"Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa."

Chỉ trong 2 dòng thơ đầu, ta có thể thấy Nguyễn Du là một bậc kì tài trong sử dụng ngôn ngữ. Người thi nhân tài hoa ấy đã lựa chọn những từ "cậy", "chịu" thật tinh tế, chinh xác. Thúy Kiều đã nhờ cậy Thúy Vân giúp với tất cả niềm tin tuyệt đối, sự trông chờ. Không ai ngoài Thúy Vân có thể giúp nàng đạt được nguyện vọng. Kết hợp với từ "chịu" gợi ra thế bị động, khiến Thúy Vân khó lòng chối từ. Kiều muốn Thúy Vân biết rằng em chính là chỗ bấu víu, chỗ trông cậy duy nhất của chị. Trong xã hội phong kiến xưa coi trọng lễ nghĩa, tôn ti trật tự là một điều không thể thay đổi. Vốn dĩ Kiều là chị, làm sao có chuyện người chị lại đi "lạy thưa" em mình bao giờ. Thế nhưng trong hoàn cảnh éo le này, nàng đã đặt Vân ở bối phận cao hơn, hạ mình xuống cầu xin đứa em gái ruột. Giờ đây, Kiều không còn là một người chị của Vân nữa, nàng chỉ như một người mang ơn đang nhờ cậy người khác. Như vậy, chỉ với hai câu thơ nhưng chan chứa biết bao nỗi dằn vặt, biết bao nước mắt, đau đớn. Mối duyên với chàng Kim là mối duyên trời cho, nhưng số phận của Thủy Kiều giờ nổi trôi, bấp bênh, nàng không muốn phụ người tình của mình, nên đã muốn cây nhờ em gái nối tiếp mối duyên dở dang ấy. Câu thơ như cửa vào lòng người đọc bằng những nỗi chưa xót cùng cực. Thúy Kiều đã giãi bày hết tất cả những tâm tư của mình để mong được thông cảm, thuyết phục được Thúy Vân:

"Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim ,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.

Duyên tình đến nửa chừng thì đứt đoạn, thành ngữ "đứt gánh tương tư" như một lời than cay đắng tưởng niệm cho mối tình không trọn vẹn. Tình cảm của Kiều với Kim Trọng chưa kịp tới hồi viên mãn thì song gió đã ập tới, đành phải dở dang. Kiều đau khổ, chơ vơ biết mấy, thế nhưng nàng đành ngậm ngùi dứt ruột chao lại cho em. Nguyễn Du còn sử dụng điển tích "keo loan" mong rằng duyên sau với Thúy Vân sẽ bền chặt, rằng Thúy Vân sẽ bằng lòng nhận lấy duyên này. Dân gian ta có câu: "Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên". Thúy Kiều hiểu rằng vì chuyện tình dang dở của minh nên em gái sẽ có phần thiệt thòi, nàng bày tỏ sự day dứt đối với em, đem "mối tơ" sâu đậm của mình giờ đây chỉ còn là "mối tơ thừa" giao phó cho Thúy Vân, "mặc" cho Thúy Vân tự mình định đoạt, chắp nối. Thế nhưng trao duyên cho em nào đâu có thể giúp Kiều trút đi gánh nặng? Biết bao kỉ niệm đẹp, nỗi nhớ mong về ngày xưa năm cũ cứ liên tục ùa về trong lòng Kiều. Từ "khi" được điệp lại đến 3 lần, mở ra từng mốc thời gian khác nhau Thúy Kiều gặp được Kim Trọng, kết hợp với những kỉ vật minh chứng cho tình yêu chung thủy: "chiếc quạt", "chén rượu thề nguyền", gợi ra trong lòng bạn đọc thật sống động tình cảm sâu nặng, mối nhân duyên Kim-Kiều. Đó là một mối tình trong sáng và đẹp đẽ nhất: "Trăm năm tạch một chữ đồng đến xương". Có bao giờ Kiều quên được lời thề nguyện thiêng liêng đó, làm sao có thể dễ dàng chia lìa, xa cách như vậy được. Thế nên Thúy Kiều đã rất đau đớn, dằn vặt, xót xa khi phải trao duyên cho Thúy Vân cũng như cho thân phận của mình. Nỗi đau ấy như con dao khứa sâu vào tâm trí nàng.

Tiếp đó, Nguyễn Du đã kheo léo để Kiều nhắc lại cơ sự để mối tình đẹp như hoa mộng của nàng phải chia xa:

Sự đâu sóng gió bất kỳ,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?

"Sóng gió" ấy là phong ba ập lên đầu gia đình Kiều, cha và em bị bắt còn Kim Trọng phải về quê chịu tang. Sự "sóng gió" ấy đã làm "đứt gánh tương tư". Thúy Kiều hiểu được hoàn cảnh, hiểu được nỗi đau của bản thân mình. Qua lời Thúy Kiều, Nguyễn Du đay nghiến cả một xã hội tàn bạo bị chi phối bởi đồng tiền. "Hiếu" và "tình" là hai giá trị tinh thần vốn không thể đặt lên bàn cân so sánh. Thế nhưng Kiều đã phải đem cân chữ "hiếu" và chữ "tình", liệu rằng "bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?". Câu hỏi ấy xoáy sâu vào lòng Kiều. Nàng biết dù làm thế nào, cũng khó có thể vẹn toàn. Trong hoàn cảnh tính mạng của cha và em đang gặp nguy hiểm ấy, Thúy Kiều đã phải cay đắng mà lựa chọn chữ "hiếu" để rồi phụ chàng Kim, chứ không thể phụ cha mẹ: "Để lời thệ hải minh sơn/Làm con trước phải đền ơn sinh thành". Trái tim nàng đau như xé thành từng mảnh khi mối tình đầu tan vỡ. Vậy nên khi hy sinh chữ "tình", nàng dường như không còn tồn tại trên cõi đời. Kiều như phơi bày ruột gan, bộc bạch mọi nỗi niềm như mong rằng Thúy Vân có thể hiểu lòng chị mà gánh vác mối duyên này, vì hơn ai hết Thúy Vân là người đã chứng kiến mối tình đẹp Kim-Kiều cũng như cơn gia biến đã hủy hoại mối tình ấy. Sợ chưa thuyết phục được em, Kiều đã dùng hết những lí lẽ, sự tỉnh tảo còn lại của lý trí để thuyết phục:

Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây

Hai chị em đều "xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê", vậy mà Kiều lại nghĩ "ngày xuân em hãy còn dài", thật đau đớn biết chừng nào! Nàng nghĩ rằng Thúy Vân còn trẻ, tương lai còn dài, còn cơ hội để đón nhận tình yêu với Kim Trọng, hạnh phúc còn nhiều. Thế nhưng với bản thân mình, nàng đã hết hy vọng xa vời về tuổi xuân. Có lẽ bởi khi tình yêu đã tan vỡ, nàng cũng không còn thiết sống nữa. Như vậy, một lần nữa ta lại thấu được nỗi đau đớn xót xa đến cùng cực của Thúy Kiều. Mỗi lời của nàng không phải là nước mắt mà là máu đang rỉ ra trong lòng, đau khổi vì nghịch cảnh của gia đình và bản thân. Bên cạnh đó, Thúy Kiều thật thông minh, khéo léo khi thuyết phục em bằng tình nghĩa chị em. Từ "xót" cùng cụm từ "tình máu mủ" như chạm vào tình cảm huyết thống giữa chị em Thúy Vân, Thúy Kiều. Bởi lẽ "máu chảy ruột mềm", còn gì thiêng liêng hơn tinh chị em gắn bó, ruột thịt. Kiều đã đem "tình máu mủ" ra để van xin em "thay lời nước non" cùng chàng. Không chỉ vậy, Kiều còn nhắc đến cái chết, lấy sự thanh thản khi chết của mình như một lí do để thuyết phục Thúy Vân. Một sự chua xót đến đau lòng khi Kiều nhắc về cái chết. Phải chăng đó như một lời dự liệu chẳng lành về số phận, về cuộc đời lận đận chẳng hề bình an mà nàng sắp phải mang. Kiều biết tương lai của mình. Việc trả nghĩa cho Kim Trọng còn quan trọng hơn cả tính mạng Kiều. Nếu không thể "trao duyên", nàng ra đi không thể thanh thản. Câu thơ như một lời trăn trối của Kiều, sợ rằng sau này nàng không thể gặp lại Kim Trọng. Cũng vì lấy cái thanh thản, tâm nguyện của một kẻ sắp chết nên lời thỉnh cầu càng them nặng, khiến Thúy Vân không thể khước từ. Thế nhưng trong thâm tâm Kiều vẫn mong Vân với chàng Kim được hạnh phúc nên dù chết nàng cũng yên lòng. Kiều ghi tạc ân nghĩa của em gái giúp mình nối duyên với Kim Trọng, đồng thời mong sao cho chàng Kim có hạnh phúc trong tan vỡ của minh. Qua đó, ta như cảm nhận rõ ràng tình yêu sâu sắc mà Thúy Kiều dành cho Kim Trọng. Trong đau khổ tuyệt vọng, Kiều còn biết lo cho hạnh phúc của người tinh, biết ơn người đã giúp đỡ. Đó là đức hi sinh lớn lao cũng như lòng bị tha sâu sắc của nàng Kiều.

Với thể thơ lục bát được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo kết hợp với nhiều biện pháp tu từ, sử dụng sáng tạo thành ngữ dân gian và kết hợp tài tình ngôn ngữ bác học với ngôn ngư bình dân, Nguyễn Du đã khác họa rõ nét tâm trạng dân vật, đau đớn khi phải hi sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu của Kiều, khiến hình tượng của nàng trở nên đẹp để hơn trong lòng người đọc. Đồng thời, qua tác phẩm ta còn có thể thấy được sự yêu thương, cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình.

Có thể nói mười hai câu đầu của đoạn trích "Trao duyên" đã khắc họa thật rõ nét những dằn vặt, thống khổ trong nội tâm nhân vật Thúy Kiều, để từ đó, đoạn trích đã mang đến độc giả cái nhìn chân thực về thời đại của tác giả, một thời đại mà con người bị đồng tiền làm băng hoại đạo đức, bị chính đồng tiền dồn ép tới đường cùng, không còn lối thoát. Chính giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc ấy mà đoạn trích, cũng như "Truyện Kiều" đã để lại trong lòng nhiều thế hệ độc giả ấn tượng sâu sắc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro