Phân tích nv Liên (Hai đứa trẻ-Thạch Lam)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đề 1 Phân tích nhân vật Liên

Thạch Lam là một nhà văn có tuổi đời ngắn, số lượng tác phẩm không nhiều nhưng lại là cây bút xuất sắc trong thể loại văn xuôi lãng mạn 1930-1945. Tuy là thành viên của nhóm "Tự lực văn đoàn" nhưng Thạch Lam lại có quan niệm văn chương tiến bộ, lành mạnh, là người có tấm lòng đôn hậu, tinh tế, luôn hướng về những con người nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội qua đó khơi gợi những rung cảm mãnh liệt về lòng yêu thương con người. Truyện Thạch Lam là truyện tâm tình, thường không có cốt truyện,chủ yếu khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ. "Hai đứa trẻ" là một truyện ngắn như vậy. Truyện xây dựng thành công bức tranh phố huyện nghèo trong thời khắc từ chiều đến đêm, nhất là diễn biến tinh tế trong tâm trạng nhân vật Liên – nhân vật chính của truyện.

"Hai đứa trẻ" in trong tập "Nắng trong vườn" là một truyện ngắn đặc sắc hòa quyện 2 yếu tố hiện thực và lãng mạn, tự sự và trữ tình. Bối cảnh của truyện là một phố huyện nghèo xơ xác nằm ở vùng thôn quê nơi có đường xe lửa chạy qua. Thời gian nghệ thuật là từ chập tối đến nửa đêm. Nhân vật chính là Liên – cô bé khoảng 13,14 tuổi. Gia đình vốn sống ở Hà Nội nhưng bố mất việc, cả nhà phải chuyển về quê, mẹ Liên mở một cửa hàng tạp hóa cho Liên và em gái là An trông coi. Liên rất hãnh diện vì mình là một cô chủ nhỏ. Mẹ giao cho hai chị em bán hàng cả ngày đến tận khuya, khi nào đoàn tàu chạy qua để bán cho khách một ít hàng mới được đóng cửa đi ngủ. Không gian phố huyện và những hoạt động của con người đến tận khuya đều được cảm nhận qua ánh mắt và tâm trạng của Liên, đặc biệt là sự nhạy cảm và lòng trắc ẩn đối với những người nghèo khổ ở phố huyện này.

Bức tranh phố huyện mở đầu bằng âm thanh của tiếng trống thu không vang ra gọi buổi chiều, "phương tây đỏ rực như lửa cháy, những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại,...". Bức tranh quê được miêu tả bằng một câu văn đậm chất thơ: "Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào" và tiếng muỗi vo ve trong cửa hàng. Bức tranh có màu sắc, đường nét, âm thanh bình dị, mang hương đồng gió nội nhưng buồn, vắng lặng và tàn lụi. Đó cũng là thời khắc mở ra thế giới tâm trạng của Liên "đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều thấm thía và tâm hồn ngây thơ của chị. Liên không hiểu sao nhưng thấy lòng man mác trước giờ khắc của ngày tàn". Thạch Lam rất tinh tế để nhân vật tự nhận thức, tự bộc lộ tâm trạng của mình. Cũng trong không gian của buổi chiều chuyển dần về tối, ánh mắt Liên đã quan sát phiên chợ quê giữa phố. Chợ đã vãn từ lâu, người về cũng hết, tiếng ồn ào cũng mất, trên đất chỉ còn lại rác rưởi và một mùi âm ẩm bốc lên khiến Liên tưởng là mùi hương của đất, của quê hương. Chi tiết nhỏ nhưng làm nên sự ấm áp vì tình cảm gắn bó của Liên với quê hương, đặc biệt là hình ảnh của những người nghèo khổ ở phố huyện. Mấy đứa trẻ con nhà nghèo cúi lom khom nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất kì cái gì dùng đc của những người bán hàng để lại, Liên thấy động lòng thương nhưng chị không có tiền cho chúng, đó cũng chính là lòng trắc ẩn, là tình người nhẹ nhàng mà ấm áp. Hình ảnh mẹ con chị Tí xách điếu đóm, đầu đội chõng tre hàng nước và cơ man nào là đồ. Bà cụ Thi hơi điên, nghiện rượu. Sau khi uống hết một cút rượu , cụ lảo đảo bước đi và lẫn vào bóng tối. Liên sững người nhìn theo. Dường như Thạch Lam đã hóa thân vào nhân vật Liên để cảm nhận những chuyển biến tinh tế nhạy cảm trong tâm hồn non nớt, ngây thơ của cô bé. Nhân vật ít lời mà chỉ bằng ánh mắt, nỗi xót thương và cảnh phố huyện, phiên chợ quê, con người đều có chung sự tàn tạ, xơ xác.

Khi bóng tối bao trùm phố huyện, chị em Liên xếp lại hàng, tính tiền, đóng cửa và ngồi trên chiếc chõng tre gãy dưới gốc bàng trong bóng tối quan sát không gian phố huyện. Đêm tối đối với Liên quen thuộc lắm. Liên đón nhận nó một cách tự nhiên "chị không sợ nó nữa". Cả không gian tăm tối "tối hết con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ về làng lại càng sẫm đen hơn nữa." Bóng tối cũng chỉ là hiện thân của cuộc sống tù túng, ngột ngạt. Phố huyện có ánh sáng nhưng cũng chỉ là vệt sáng của đom đóm, hột sáng rọi qua phen nứa, khe ánh sáng, quầy sáng thân mật nơi ngọn đèn chị Tí, chấm lửa nhỏ của bác Siêu. Đó là thứ ánh sáng nhỏ nhoi, yếu ớt như những thân phận tàn lụi. Vì thế Liên thương hết thảy những con người nhỏ bé ở phố huyện nghèo, thương chị Tí ngày mò cua bắt ốc tối dọn hàng nước ngồi tận đến khuya mà "chẳng ăn thua gì", thương bác Siêu vs gánh phở - món ăn xa xỉ nhất của phố huyện lặng lẽ gánh kĩu kịt mò mẫn trong đêm, thương vợ chồng bác xẩm với manh chiếu rách, chiếc thau sắt trắng tinh ngồi chờ khách. Ánh mắt cô bé dõi theo những cảnh đời nhọc nhằn. Rõ ràng ngòi bút của TL không khai thác đề tài đấu tranh, không đi sâu vào phương diện đói nghèo mà xây dựng không gian phố huyện trong đêm tối với những kiếp người mò mẫm kiếm sống. Số phận họ chính là số phận chung của người dân VN, sống vật vờ leo lắt trong màn đêm của xã hội thực dân phong kiến trước cách mạng gây ám ảnh và xúc động cho người đọc.

TL dường như không muốn để cảm giác bi kịch đè lên số phận họ. Bằng thái độ yêu thương trân trọng, nhà văn đã nâng đỡ nhân vật vực dậy những khát khao trong họ "chừng ấy con người trong bóng tối, họ mong đợi cái gì tươi sáng hơn cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ". Sự hi vọng dù mơ hồ nhưng Tl vẫn gieo vào lòng người dân phố huyện, cả hai đứa trẻ niềm hi vọng. Nó như liều thuốc an thần giúp họ có niềm tin vào cuộc đời và TL đã giải tỏa sự bế tắc bằng hình ảnh chuyến tàu đêm qua phố huyện. Đoàn tàu đến rất khuya, lúc nửa đêm, không dừng lại nhưng "chừng ấy con người trong bóng tối" vẫn chờ đợi. Có thể họ không mong gì bán đc hàng mà chỉ muốn thấy đoàn tàu bởi nó như một niềm an ủi, một nỗi khát khao, một ước mơ không bao giờ tắt, một chút tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ hàng ngày của họ, là biểu tượng của sự sống mạnh mẽ, giàu sang, rực rỡ ánh sáng. Liên buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn thức chờ đợi tàu, còn An nằm xuống vẫn không quên dặn "Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé". Để diễn tả tâm lí háo hức chờ tàu, Thạch Lam miêu tả tỉ mỉ, kĩ lưỡng theo trình tự thời gian qua tâm trạng của Liên. Đầu tiên là sự xuất hiện của bác gác ghi rồi Liên trông thấy ngọn lửa xanh biếc sát mặt đất như ma trơi; nghe thấy tiếng còi xe lửa kéo dài theo ngọn gió; tiếng dồn dập tiếng xe rít mạnh vào ghi, một làn khói bừng sáng đằng xa, tiếng hành khách ồn ào, đoàn tàu rầm rộ lao tới. Các toa đều sáng trưng, những toa hạng sang lố nhố những người đồng và kền lấp lánh. Cả phố huyện huyên náo sáng bừng lên. Chuyến tàu thực sự là một biến cố lớn xua tan không khí buồn tẻ, chán ngắt nơi phố huyện nghèo. Đối với chị em Liên, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu, nó xoa dịu những tẻ nhạt buồn chán mà chúng hàng ngày phải chịu đựng ở phố huyện và đánh thức dậy trong Liên kỉ niệm về Hà Nội xa xăm rực sáng "Liên lặng theo mơ tưởng... thời bố chưa mất việc, hai chị em đi chơi bờ hồ, được uống những cốc nước mát lạnh xanh đỏ". Một tuổi thơ đẹp, đáng sống, còn giờ chúng đang bị đánh cắp tuổi thơ bởi cuộc sống đơn điệu nhàm chán tối tăm ở phố huyện. Tàu đến rồi lại đi, phố huyện rộn lên trong chốc lát rồi lại chìm vào bóng đêm yên tĩnh, Liên nhắm mắt lại và chìm vào giấc ngủ thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi như ngọn đèn con của chị Tí, chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Sự ám ảnh về cuộc sống tối tăm, tẻ nhạt đi vào cả giấc ngủ của Liên làm nỗi buồn thương càng thêm thấm thía. Thế nhưng qua tâm trạng Liên khao khát chờ tàu, Thạch Lam như muốn lay tỉnh những con người đang buồn chán sống quẩn quanh lam lũ, cố vươn tới ánh sáng. Đặc biệt, nhà văn còn biết nâng niu những khát vọng, hi vọng của nhân vật dù chẳng lớn lao, thậm chí là mơ hồ mong manh. Đây là niềm tin mãnh liệt vào khả năng vươn dậy của nhân vật.

Bằng cốt truyện đơn giản, giọng văn trữ tình nhẹ nhàng, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị mà tinh tế,cách miêu tả nội tâm nhân vật đặc sắc kết hợp bút pháp tương phản đối lập, tác phẩm chỉ dựng lên một khoảnh khắc của thời gian, một lát cắt của cuộc đời nhưng lại giàu chất triết lí. Thạch Lam là nhà văn lãng mạn,, bám rễ sâu vào hiện thực. Tác phẩm thể hiện niềm xót thương vô hạn, niềm đồng cảm với những kiếp sống lay lắt, tẻ nhạt, vô nghĩa, đặc biệt nhà văn lắng nghe những khát vọng nhỏ bé của con người, nhất là chị em Liên. Qua đó ngầm tối cáo xã hội thực dân phong kiến đã đẩy cả dân tộc ta vào con đường cùng, họ phải sống trong tăm tối, đói nghèo, bế tắc. Thạch Lam cũng đặt trọn niềm tin vào khả năng vươn dậy của con người. Chúng ta hôm nay được sống trong môi trường mới, tự do, hạnh phúc cần biết đồng cảm với nỗi đau của cha ông trong quá khứ vừa cần có thái độ sống đẹp, biết cảm thông, yêu thương, sẻ chia để cuộc sống này càng tốt đẹp hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#vanhoc