Nhân Vật Bà Cụ Tứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kim Lân nhà cây bút hiện thực tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết ít mà tinh, chân thật mà xúc động, đề tài chủ yếu xoay quanh cuộc sống của những người nông dân, về phong tục văn hoá cổ truyền và đời sống làng quê. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như "Nên vợ nên chồng", "Con chó xấu xí",... Lật những trang văn của Kim Lân, độc giả thường bắt gặp hình ảnh những người nông dân nghèo đói, khốn đốn trong mỗi hoàn cảnh riêng, nhưng đều có điểm chung là vẫn sáng ngời những phẩm chất đáng trân trọng. Trong đó, phải nhắc đến nhân vật bà cụ Tứ của truyện ngắn "Vợ nhặt" hiện lên qua ngòi bút hóm hỉnh, tài hoa của nhà văn với những phẩm chất tốt đẹp của một người mẹ, một người phụ nữ từng trải hiểu lẽ đời có tấm lòng bao dung, độ lượng.

Vợ Nhặt là một trong những truyện ngắn xuất sắc nằm trong tập truyện "Con chó xấu xí" sáng tác năm 1962. Trước vốn là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tuy nhiên chỉ được viết dở dang và sau đó mất bản thảo. Đến năm 1954, khi hòa bình lập lại, nhân một số báo văn nghệ kỉ niệm, Kim Lân đã nhớ lại tiểu thuyết "Xóm ngụ cư", dựa trên cốt truyện cũ viết lại thành truyện ngắn. Ngay từ khi ra đời, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn trong giới sáng tác bởi cốt truyện chân thực, lạ mà ý nghĩa.

Truyện kể về nạn đói năm 1945 ở miền bắc nước ta. Cái đói tràn lan khiến làng xóm xác xơ tiêu điều, "người chết như ngả rạ". Giữa hiện thực u ám ấy, Tràng - một nông dân nghèo, xấu trai, là dân ngụ cư, lại dẫn về một cô vợ trước sự kinh ngạc của người dân trong làng. Bà cụ Tứ - mẹ anh cũng không giấu nổi sững sờ, bà lo lắng nhưng cũng mừng vì con trai có vợ. Trong bữa cơm ngày đói chỉ có cháo loãng với muối và rau chuối thái rối, ít cháo cám - vốn là những thức ăn chỉ dành cho động vật, bà khuyên vợ chồng Tràng bảo ban nhau làm ăn rồi ông trời cho khá, nuôi đôi gà sẽ có đàn gà, mong gia đình vượt qua nạn đói. Cuối truyện là hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc của Nhật với lá cờ đỏ phấp phới hiện lên trong tâm trí Tràng.

Xuất hiện trên nền của nạn đói năm Ất Dậu là hình ảnh bà cụ Tứ với những phẩm chất đáng quý, được bộc lộ chân thực qua hoàn cảnh, ngoại hình và diễn biến tâm lí, thái độ của bà khi Tràng dẫn cô vợ nhặt về nhà. Bà cụ Tứ không xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm, hình ảnh người mẹ ấy chỉ được khắc hoạ khi Tràng dẫn thị về nhà, nhưng vẫn thu hút sự đồng cảm của độc giả bởi dáng vẻ gần gũi và tấm lòng nhân hậu. Dưới ngòi bút hiện thực của nhà văn Kim Lân, bà cụ Tứ mang những nét đặc trưng của tuổi tác và nạn đói khủng khiếp. Trong cái u ám của ngày đói, cái chạng vạng của chiều hôm tê tái, tiếng ho "húng hắng" vang lên, bà cụ Tứ xuất hiện với dáng người "lọng khọng" lưng còng vì tuổi cao, vừa đi vừa "lẩm bẩm tính toán gì trong miệng" như một thói quen của người già. Tác giả đã sử hàng loạt các từ láy tượng hình như "lọng khọng", "phấp phỏng", "nhấp nháy", "lễ mễ" để miêu tả hình dáng, cử chỉ của bà lão. Đặc biệt là từ láy "lòng khòng" đầy sáng tạo và có sức gợi hình, đã vẽ trong tiềm thức người đọc một dáng lưng còng xuống vì dãi dầu mưa nắng, mưu sinh mệt mỏi suốt cả cuộc đời. Bên cạnh đó cũng tạo cho lời kể giai điệu nhịp nhàng thấm vào lòng người đọc bao nỗi xót xa về hình ảnh con người hao gầy trong nạn đói.

Bà cụ Tứ là một nhân vật có tâm lí khá phức tạp với những nỗi niềm trắc ẩn trong chiều sâu của người phụ nữ từng trải và nhân hậu, mà bộc lộ rõ ràng nhất chính là tình yêu thương con cái. Khởi đầu tâm lí của bà lão chính là sự ngạc nhiên không lường trước được khi con trai bà dẫn một người phụ nữ lạ mặt về nhà. Đầu tiên, bà ngạc nhiên trước thái độ khác thường của con trai khi "hắn lật đật chạy ra đón" bà, vẻ mặt lại như mừng rỡ, trịnh trọng mời bà vào nhà, mời bà ngồi. Bà càng ngạc nhiên hơn khi trông thấy một người đàn bà lạ ngồi ở đầu giường con trai mình, lại hai lần chào mình bằng "U". Trạng thái ngỡ ngàng ấy được khơi sâu bởi hàng loạt các câu hỏi nghi vấn: "Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?". Câu hỏi cứ thế dồn dập xuất hiện, dường như không để trả lời mà để bày tỏ sự ngạc nhiên đến tột cùng của bà lão, cho đến khi Tràng giới thiệu thị bằng hai chữ đầy trân trọng "nhà tôi", bà lão mới hiểu ra. Hành động "cúi đầu nín lặng" thể hiện vẻ suy tư, sự im lặng ấy chất chứa bao suy nghĩ, nó là nỗi niềm xót xa, lo lắng xen lẫn sự vui mừng, lòng bà dâng lên bao cảm xúc.  Từ sự ngạc nhiên, "tỏ ý không hiểu ấy", bà cụ Tứ dần hiểu và "lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự". Bà "ai oán", "xót thương cho số kiếp đứa con mình", người ta "dựng vợ gả chồng là lúc nhà ăn nên làm nổi", nhưng hoàn cảnh con trai bà lại hoàn toàn trái ngược. Bao cảm xúc ngổn ngang trong tâm trí bà bật ra thành "hai dòng nước mắt", cũng là bao nhiêu hờn tủi trong lòng người đàn bà dâng lên, để rồi nghẹn ngào: "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không". Ở đây, bà gọi hai chữ "chúng nó", tinh ý ta sẽ phát hiện sự lo lắng và tình yêu thương của bà dần dà không chỉ có Tràng mà còn có thêm cô con dâu mới, phải chăng trong vô thức bà đã ngầm chấp nhận cô con dâu này rồi?
Bên cạnh đó, bà cụ Tứ còn là một người mẹ hiểu thấu sự đời. Bà thở dài, cái thở dài nặng trĩu không biết bao nhiêu nỗi niềm, bà "đăm đăm nhìn người đàn bà" mà lòng thương xót. Bà biết thị có "gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình", hoàn toàn không phải vì yêu nhưng bà vẫn cảm thông. Hơn ai hết, bà hiểu chính nhờ cái nạn đói này con trai bà mới lấy được vợ, nghe thật trớ trêu, một người mẹ thương con có thể nào không xót xa khi chứng kiến tình cảnh ấy. Nhưng bà không thể làm được gì cho con, bà chỉ có thể dùng sự bao dung, rộng lượng của mình để nhìn sự việc dưới một khía cạnh khác lạc quan hơn, rằng con trai bà đã có vợ, nó không còn phải cô độc nữa, rồi hai vợ chồng nó sẽ cùng nhau tu chí làm ăn vượt qua cái "tao đoạn này", rồi "ra may mà ông giời cho khá".

Đằng sau giọt nước mắt của cả niềm vui và nỗi buồn trộn lẫn vào nhau, bà cụ Tứ mở lòng, vui vẻ chấp nhận "nàng dâu mới" với sự yêu thương và cảm thông. Bà nói với nàng dâu mới bằng cái giọng nhẹ nhàng: "Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng..." Với bà cụ Tứ, cuộc hôn nhân của Tràng và thị cũng đẹp đẽ, cũng đáng trân trọng như những cuộc hôn nhân khác bởi lẽ cuộc hôn nhân nào cũng bắt nguồn từ cái duyên, cái phận với nhau. Dường như ở đây, bà cụ Tứ không chọn điểm nhìn của người mẹ chồng dành cho nàng dâu mà bà lựa chọn điểm nhìn của những con người cùng chung cảnh ngộ, cùng chung số phận để thấu hiểu, để cảm thông. Ở đây, ngoài một người mẹ thương con, người đọc còn nhìn thấy hình ảnh của một người phụ nữ hiểu thấu lẽ đời. Cũng giống như nhân vật người đàn bà hàng chài trong "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu, dù nghèo đói, ít học nhưng vẫn mang trong mình sự hiểu biết về lí lẽ cuộc đời, đồng thời, người đàn bà hàng chài và bà cụ Tứ đều gánh trên đôi vai thiên chức làm mẹ, cả hai đều yêu thương con vô bờ bến, dùng sự bao dung, cảm thông hy sinh bản thân chỉ mong con được hạnh phúc. Chính những điều đó đã cho chúng ta thấy, bà cụ Tứ không chỉ là người yêu thương con, luôn dành cho con tình yêu thương vô bờ bến mà bà còn có tình người, lòng yêu thương với những người nghèo khổ.
Rồi tình thương lại chìm vào nỗi lo, tạo thành một trạng thái triền miên day dứt. Hiện thực nghiệt ngã vẫn là nạn nói không cách nào thoát khỏi, "mùi đốt đống rấm" khiến bà nghĩ về ông lão chồng bà, nghĩ về đứa con gái út, nghĩ về nỗi khổ tâm của bà, lại nghĩ về tương lai các con, để rồi bật ra lời tâm sự nghẹn ngào với con dâu: "Chúng mày lấy nhau ngay lúc này, u thương quá". Tình thương con của bà không cầu kì cũng không giống như kho báu mà ta phải nhọc công đi tìm mới phát hiện được. Tình thương con ấy được bà bộc bạch trực tiếp qua từng câu nói, từng hành động giản đơn mà chân thành. Tình yêu thương ấy đánh mạnh vào trái tim người đọc những xúc động và rung cảm không thể nói thành lời.

Tâm trạng bà cụ Tứ đã có nhiều thay đổi, vui vẻ và rạng rỡ hơn trong buổi sáng hôm sau. Như có một làn gió mới tưới mát vào tâm trạng của mỗi nhân vật, không gian ngôi nhà chẳng hiểu vì sao lại trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết. Phải chăng là nhờ sự xuất hiện của nàng dâu mới, là một thành viên mới cũng là niềm hạnh phúc mới của cả nhà? Nhà văn Nga nổi tiếng Pautopxki từng nói: "Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm", chi tiết là sự tinh tế của người nghệ sĩ dụng tâm đặt vào "đứa con tinh thần" của mình, từng chi tiết nhỏ lại có thể tạo nên một tác phẩm văn học lớn. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng rất tinh tế sử dụng nhiều chi tiết nhỏ nhưng đắt giá để miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật, đặc biệt là bà cụ Tứ. Bà "tươi tỉnh" khác hẳn ngày thường, "cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên". Sự đối lập giữa hai tính từ "tươi tỉnh" và "u ám" chính là bằng chứng rõ rệt nhất cho sự thay đổi trong tâm trạng của bà cụ Tứ, niềm hạnh phúc, vui sướng và phấn khởi đã hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ, u ám, buồn bã thường ngày của bà. Đặc biệt, niềm vui sướng, hạnh phúc ấy của bà còn được thể hiện rõ nét trong bữa cơm sớm. Mặc dù, bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại, chỉ có "độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo" nhưng dường như cả nhà đều ăn rất ngon lành và vui vẻ. Thêm vào đó, trong bữa cơm sớm, bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này. Trên ngổn ngang những nỗi lo, người mẹ cố toát lên một tinh thần lạc quan và sức sống mãnh liệt chỉ qua nồi cháo cám, được bà hấp dẫn hoá lên thành một nồi chè khoáng "ngon đáo để". Chữ "ngon" trong câu nói ấy, không đơn thuần chỉ là ngon, mà nó còn có ý nghĩa khác cần cảm thụ một cách đặc biệt. Tác giả quả thực rất tinh tế qua từng chi tiết, dù là nhỏ nhất. Cái "ngon" mà bà cụ Tứ nói, không phải là vị ngon của nồi cháo cám, mà chính là sự thoả mãn những xúc cảm trong tâm hồn. Nồi cháo cám là lòng yêu thương của bà dành cho các con, tình cảm của người mẹ ấy có thể biến mọi thứ đắng chát trên cuộc đời này trở thành ngọt ngào, và bà đã gieo vào lòng con sự lạc quan, yêu đời, khát khao sống và niềm tin về một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

Bằng lối trần thuật hấp dẫn, tài miêu tả nội tâm nhân vật sắc sảo và có chiều sâu, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thành công trong việc tạo nên tình huống truyện độc đáo để các nhân vật có cơ hội bộc lộ giá trị của mình, đặc biệt là bà cụ Tứ. Tác phẩm mang một giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sắc sảo. Một mặt, nhà văn đã tố cáo tội ác tày trời của bọn thực dân, phong kiến đã đẩy nhân dân ta vào cảnh đói thê thảm, sinh mạng như một ánh lửa lập loè chực tắt. Mặt khác, nhà văn ngợi ca tâm hồn đẹp dễ của người dân Việt Nam dù trong cái khổ, cái đói vẫn cưu mang, đùm bọc lẫn nhau để hướng về một tương lai tươi sáng hơn.

Kim Lân với nghệ thuật viết văn già dặn, vững vàng đã đem đến một chủ đề mới về đề tài trong nạn đói năm 1945. Trong đó, nhân vật bà cụ Tứ đã góp phần thể hiện chiều sâu nhân đạo sâu sắc của tác phẩm, đó chính là sự phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ nông dân nghèo khổ nhưng giàu lòng thương con, giàu tình thương người, giàu đức hy sinh và sự vị tha. Đồng thời, nhân vật bà cụ Tứ đã in đậm dấu ấn nhân vật trong sáng tác của nhà văn Kim Lân rằng nhân vật của ông dù sống trong hoàn cảnh túng khó, nghèo khổ vẫn luôn lạc quan, yêu đời và tin vào một ngày mai tươi sáng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro