Nhân Vật Người Đàn Bà Hàng Chài

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông là nhà văn quân đội, là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mạn. Được mệnh danh là người mở đường tinh anh và thành công của nền văn học thời kì đổi mới, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm với những cái nhìn đa chiều nhằm tìm kiếm vẻ đẹp đích thực của cuộc sống. Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu như "Dấu chân người lính", "Cửa sông",... Nhưng tiêu biểu cho phong cách của ông, ta phải nhắc đến "Chiếc thuyền ngoài xa", đặc biệt là nhân vật người đàn bà hàng chài nghèo khổ đại diện cho người phụ nữ với phẩm cách tốt đẹp và người mẹ yêu thương con.

"Chiếc thuyền ngoài xa" là tác phẩm in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu, tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của một nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai trong cuộc đời. Truyện được sáng tác trong hoàn cảnh đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, cuộc sống kinh tế có nhiều mặt trái, nhiều tồn tại khiến ta băn khoăn. Tác phẩm được in trong tập "Bến quê", sau được nhà văn lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn in năm 1987.

Người đàn bà hàng chài xuất hiện đã làm đảo lộn hoàn toàn thước phim đẹp đẽ của Phùng, với lai lịch, ngoại hình và tính cách vô cùng đặc trưng của một người làm nghề chài lưới. Xuyên suốt tác phẩm, người đàn bà hàng chài không hề có một cái tên, nhà văn Nguyễn Minh Châu chỉ dùng những từ phiếm định như "người đàn bà hàng chài", "mụ" hay "chị ta" để gọi bà. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả không đặt tên cho nhân vật này, ông muốn thông qua người đàn bà hàng chài bày tỏ vẫn còn vô số người phụ nữ vô danh ở vùng biển này với số phận tương tự, họ lam lũ, nghèo khổ, nhưng vẫn mạnh mẽ đối mặt với cuộc sống.

Về ngoại hình, người đàn bà hàng chài "trạc ngoài bốn mươi" có thân hình xấu xí, tàn tạ "cao lớn với những đường nét thô kệch", "mụ rỗ mặt" và khuôn mặt đầy vẻ mệt mỏi "sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ". Bà mang đôi mắt của một cuộc đời không bình lặng, đôi mắt thật lạ, đôi mắt như nhìn suốt cả đời bà, nhìn về quá khứ, tìm về những gì tốt đẹp trước kia của người chồng vũ phu để tìm cách nhận lỗi về mình. Đôi mắt ẩn giấu cuộc đời, lúc bình lặng như nước, lúc quyết liệt như giông bão. Đôi mắt ấy như xuyên sâu vào tâm hồn người đọc, nó ám ảnh cho đến khi ta gấp cuốn sách lại vẫn còn mang dư âm.

Ngoại hình dường như đã dự báo trước cho độc giả cuộc đời đầy khó nhọc, vất vả của người đàn bà hàng chài. Cuộc sống trên biển lam lũ, lênh đênh vô cùng vất vả, gia đình nghèo lại đông con, thêm cả người chồng vũ phu thường xuyên đánh đập bà, "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" dường như đã trở thành một quy luật tuần hoàn giáng lên cơ thể thô kệch của người đàn bà. Cứ như vậy, người đàn bà hàng chài trở thành nạn nhân của sự nghèo đói, thất học và lạc hậu, bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần, được nhà văn Nguyễn Minh Châu tái hiện đầy cảm thông và chia sẻ.

Thật không sai khi nói tâm niệm sáng tác một đời của Nguyễn Minh Châu chính là đi tìm "hạt ngọc sáng ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người". Dù xấu xí thô kệch, người đàn bà hàng chài lại mang trong mình vẻ đẹp tâm hồn đáng quý. Đó là vẻ đẹp của sự chất phác thật thà, của sự nhẫn nhục cam chịu, và đặc biệt là tình yêu thương, chắt chiu hạnh phúc gia đình. Tất cả những điều đó chầm chậm toát lên qua từng lời nói, cử chỉ của bà, phẩm chất thấu hiểu lẽ đời cũng từ đó mà bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết. Đầu tiên, bà là người biết cam chịu, nhẫn nhục. Cam chịu khi bị chồng vũ phu, bà "không hề kêu một tiếng, không chống trả cũng không tìm cách chạy trốn". Phải chăng không kêu là vì không nói được, không chống trả là vì không đủ sức, không tìm cách chạy trốn là vì bà không có cảm xúc đau đớn nào? Tất cả đều không phải, bà đương nhiên nói được và cũng biết đau, nhưng bà lại càng hiểu hơn sự cơ cực của cuộc sống mưu sinh trên biển mà không có người đàn ông chèo chống. Sự nhẫn nhục còn được bộc lộ khi thằng Phát lăn xả vào bênh vực mẹ mà bà lại "ngồi xệp xuống", sau đó "ôm chầm lấy nó", buông ra rồi lại "chắp tay vái lấy vái để", cuối cùng vẫn là ôm chầm lấy con. Làm gì có người mẹ nào muốn con mình chứng kiến cảnh tượng như thế, bà xấu hổ, nhục nhã nhưng vẫn nhẫn nhục, chịu đựng, thật là một cảnh tượng đến đau lòng.

Có thể nói, nguyên nhân sâu xa của sự cam chịu này chính là tình thương con vô bờ bến của một người mẹ. Dù cho ngoại hình xấu xí, thô kệch, bà lại có trái tim mềm mại tình mẫu tử. Bà không muốn con chứng kiến cảnh tượng vũ phu của cha nó, bà sợ con bị tổn thương, "đau đớn" và "xấu hổ" khi để con nhìn thấy tình trạng khốn khổ của mình. Thậm chí khi bị đánh, bà còn xin chồng "đưa tôi lên bờ mà đánh", vì con đã lớn, bà không muốn chúng nhìn thấy cảnh tượng có thể phá vỡ tâm hồn mỏng manh của một đứa trẻ. Điều đó còn thể hiện lòng tự trọng của một con người. Với người đàn bà này, các con là lẽ sống, là cuộc sống, vì vậy bà sẵn sàng từ chối trút bỏ tấm bi kịch của cuộc đời mình. Khi toà án đưa ra giải pháp ly dị, bà đã từ chối: "Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó", lí do cũng thật đơn giản mà xót xa: bà cần người đàn ông để chèo chống, cần con bà được ăn no. Người đàn bà đã chủ động nhận về mình mọi đau đớn để đảm bảo sự sinh tồn cho con cái, phải sống cho con chứ không thể sống cho mình, hứng hết mọi nỗi đau cho riêng mình, chỉ cần các con được bình an. Tình thương ấy như một bản năng mãnh liệt ngàn đời được bộc lộ tinh tế qua từng suy nghĩ, lời nói và hành động của người đàn bà hàng chài. Bà hiểu sâu sắc thiên chức làm mẹ là phải vì con và hy sinh cho con, điều đó đã chứng tỏ bà là một người mẹ thương con thấu hiểu lẽ đời.

Không chỉ yêu thương, hy sinh hết mình vì đàn con, người đàn bà hàng chài còn có một tấm lòng bao dung, độ lượng đối với chồng. Tình thương ấy lại bộc lộ thông qua tình thương bà dành cho thằng Phác, bà yêu nó nhất trong mười đứa con vì "từ tính khí đến mặt mũi giống như lột ra từ cái lão đàn ông đã từng hành hạ mụ". Bà lo con trai nhìn thấy hành động vũ phu của cha sẽ sinh ra căm giận, làm điều dại dột với cha nó, cũng sợ nó bị tổn thương bởi bạo lực gia đình. Trong khi nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu nhìn người chồng là kẻ vũ phu, thô bạo, đáng lên án, thì người đàn bà hàng chài lại tỏ ra hiểu chồng. Trong tâm can của bà, lão chồng từng là một "anh con trai cục tính nhưng hiền lành" "không bao giờ đánh đập tôi", chẳng qua là do gánh nặng cuộc sống đè lên vai người đàn ông ấy quá nặng, lo lắng căng thẳng mà lại không biết uống rượu để giải toả "giá mà lão uống rượu... thì tôi còn đỡ khổ". Đan xen giữa tình thương chồng là sự hiểu biết về lẽ đời của người đàn bà ít học. Bà biết nguyên nhân khiến chồng bà trở nên hung bạo và tàn nhẫn, người ta làm điều ác nhiều khi không phải người ta xấu mà là vì khổ sở. Ở phiên toà, vốn quen sống giữa biển khơi nên khi đặt chân vào gian phòng "đầy bàn ghế và giấy má", bà tỏ vẻ "sợ sệt", "lúng túng", chỉ dám rón rén "tìm đến một góc tường để ngồi", khi được mời ngồi thì hành động cũng vô cùng rụt rè "rón rén đến ngồi ghé vào mép chiếc ghế và cố thu người lại", khép nép xưng hô với Đẩu bằng "con - quý toà", ta mới thấy người đàn bà ấy thật thà và chất phác làm sao. Thế nhưng, khi nhìn thấy Phùng đằng sau bức màn vải hoa, bà nhớ ra Phùng ngay và nghĩ rằng Phùng được mời về làm nhân chứng buộc bà ly dị chồng, thái độ của người đàn bà thay đổi hẳn. Không còn dáng vẻ khúm núm, sợ sệt, bà "ngẩng lên nhìn thẳng" Phùng và Đẩu, thay đổi cách xưng hô thành "chị - các chú", đây chính là thái độ mạnh dạn bênh vực chồng và cố gắng bảo vệ người đàn ông trụ cột trong gia đình. Phải giàu lòng vị tha và rộng lượng thế nào mới có để gạt sang một bên những vết sẹo đớn đau do bị đánh ấy đi, không những vậy còn nhận lỗi về mình "giá tôi đẻ ít đi" mà tha thứ và bênh vực cho chồng. Người đàn bà hàng chài có một trái tim yêu thương chồng, nhưng rõ rệt hơn cả là một trái tim nhân hậu, giàu lòng vị tha.

Bà thương chồng, bên cạnh đó cũng rất hiểu lẽ đời, bà hiểu thiện chí của Phùng và chánh án Đẩu khi khuyên bà bỏ người chồng tàn bạo, vũ phu. Song bà càng hiểu hơn sự cơ cực và vất vả trên chiếc thuyền làm nghề lưới vó mà không có người đàn ông, bà chắt ra từ cuộc đời lam lũ, nhọc nhằn một thực tế chân lý mộc mạc nhưng thấm đẫm vị mặn của cuộc đời: "đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông chèo chống khi phong ba". Giữa "biển động sóng gió", giữa cuộc sống mang vị mặn chát của biển, bà hiểu được "nỗi vất vả của một người làm ăn", đặc biệt là "nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông", cho dù là người đàn ông man rợ, tàn bạo, cuộc đời bà và các con sẽ ra sao nếu không có người đàn ông ấy. Bà cũng hiểu được nguyên nhân dẫn đến bi kịch gia đình, đó là do việc đánh cá của gia đình không được ổn định, lại không thể bỏ nghề. Con thuyền đang sinh sống chật chội mà nhà lại đông con, đẩy cuộc sống gia đình bà vào cái hố của sự nghèo khổ mà một khi đã rơi xuống thì không cách nào trèo lên được. Đáng quý hơn cả, bà còn hiểu được thiên chức cùng cái khổ thường tình của người phụ nữ: "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ", bà bày tỏ chân thành "Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!". Lời lẽ giản đơn như một sự cam phận, nhưng thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về cuộc đời cùng tình yêu thương con bao la của người đàn bà ít học. Vì con, không những bà phải bươn chải, mà còn phải chịu đựng lão chồng thô bạo, bị thời gian cùng sự lam lũ bào mòn vẻ ngoài vốn đã xấu xí càng trở nên tàn tạ, tuy nhiên lại bù cho người đàn bà ấy một trái tim nhân hậu hiểu sâu sắc lẽ đời.

Trong đau khổ triền miên, người đàn bà ấy vẫn có thể chắt lọc những giây phút vui vẻ hiếm hoi thường ngày, cũng chính là những giây phút gia đình quây quần bên nhau đầm ấm, hoà thuận. Bà bộc bạch vui nhất vẫn là khi "ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no", lúc ấy tình mẫu tử bên trong người đàn bà hàng chài càng được tô đậm hơn bao giờ hết, khiến người đọc không khỏi xúc động. Vì những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi ấy, bà chấp nhận đánh đổi bằng những lần bị hành hạ về mặt thể xác của lão chồng. Thế nhưng, mấy ai biết rằng, được tận tuỵ hy sinh cho con và cho gia đình chính là niềm vui lớn lao của người đàn bà hàng chài, cũng là niềm hạnh phúc của tất cả những người phụ nữ, để rồi khi nhắc đến, trên gương mặt tiều tuỵ của bà lần đầu tiên bỗng "ửng sáng lên một nụ cười". Đó là triết lí sâu sắc, cũng là quan niệm hạnh phúc đôi khi thật giản đơn của con người, nhỏ bé là thế nhưng đôi khi vẫn nằm ngoài tầm tay.

Bằng biện pháp đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách, giữa ngoại hình và tâm hồn, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào thế giới nội tâm phức tạp và đầy mâu thuẫn của một con người, chậm rãi tìm hiểu và phân tích qua nhiều khía cạnh. Để rồi qua nhân vật người đàn bà hàng chài, tác giả đã thể hiện một cái nhìn mới mẻ về con người. Ông tinh tế khai thác số phận và thân phận đời thường của người đàn bà hàng chài, để phát hiện những vẻ đẹp tiềm tàng trong con người bình thường, lam lũ ấy. Đó chính là nét đẹp của lòng vị tha, của sự nhẫn nhục cam chịu, của tình yêu thương chồng con vô bờ bến. Qua người đàn bà hàng chài, người đọc dường như thấy được thấp thoáng bóng dáng của người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hy sinh, những vẻ đẹp mà dường như đã trở thành truyền thống, là bản chất ngàn đời cũng không thể mai một.

Bằng tài năng của một cây bút giàu bản lĩnh, qua cuộc đời của người đàn bà hàng chài, nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội như nạn bạo lực gia đình, thất học, tha hoá nhân cách, sự nghèo đói,... đã hành hạ hàng triệu đồng bào. Khi đó, chính số phận của người đàn bà như một hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta, hướng ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời, từ câu chuyện của người đàn bà hàng chài, chúng ta học được một điều rằng không thể dễ dãi nhìn nhận và đánh giá một sự việc, một hiện tượng cuộc sống chỉ qua vẻ bề ngoài, bởi nó chỉ là cái nhìn phiến diện không chính xác từ một phía, cũng giống như nghệ thuật chỉ đẹp khi nó xuất phát từ những nét chân thực nhất, cơ bản, đa chiều và dám len lỏi vào những mặt khuất đen tối nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro