5. Thay danh đổi phận.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

      Suốt cả nửa tháng qua, kinh thành Khai Thiên luôn bị bao trùm trong một bầu không khí sợ hãi và lo ngại. Nó kéo dài từ triều đường đến cả những ngóc ngách nhỏ nhất trong thành. Thượng thư 6 bộ: kẻ mất mạng, người thương tích; công vụ cũng vì thế mà đình trệ không ít. Hoàng đế Đại Hưng vì để trấn an lòng dân, dẹp yên triều thần nên đã nhanh chóng cắt cử người thay thế các vị Thượng thư quá cố. Binh bộ Thượng thư Đường Văn Quân trọng thương nên tạm thời Lý tướng quân thay ông lo liệu sự vụ của Binh bộ. Chuyện thì nhiều, nhân lực có hạn; trong nhất thời không thể giải quyết ổn thỏa. Chính vì triều cục rối ren, nên tất cả các Hoàng tử đều phải túc trực cạnh bên Hoàng thượng để tiện bề phò trợ.
      Nói là tất cả các Hoàng tử, nhưng thực tế thì chỉ có 4 người trong số tất cả 5 Hoàng tử mà thôi. Bởi vì, Nhị hoàng tử Tiêu Tâm Viễn lúc nào cũng vắng mặt. Không phải vì lười nhác trốn việc, cũng không phải vì không muốn san sẻ với Phụ hoàng; mà là vì cậu đang bị Mẫu phi giáo huấn.
■■■■■■■■■■■■■■
Vài ngày trước,...
Cung Cảnh Dương của Anh phi nương nương....
                             "Xoảng..."
      Một thứ sành sứ gì đó không biết rơi ở nơi nào trong Chính điện Cảnh Dương cung mà khiến tất cả các cung nữ hầu hạ ở đó đều giật mình sợ hãi. Cung Cảnh Dương này trước nay vốn yên tĩnh, ồn ào thì cũng chỉ có tiếng cung nhân gọi nhau quét dọn, tiếng chim chóc hay tiếng gió luồn qua tán cây và những khóm hoa trồng trong đình viện. Có ồn hơn nữa cũng chỉ có Tết Nguyên đán hoặc những dịp lễ tiết bắt buộc trong cung mà thôi: vì những lúc ấy Nhị hoàng tử sẽ ở bên Anh phi cả ngày, tìm cách chọc cho Anh phi cười vui vẻ. Ấy vậy mà giờ, một ngày bình thường như bao ngày khác, Cảnh Dương cung này lại vang lên tiếng rơi vỡ khô khốc của một tách trà hay thứ sành sứ gì khác, xé toạc bầu không khí yên lặng này. Quả là một chuyện chưa từng có!
     Mà trong Chính điện Cảnh Dương cung lúc này, cũng hiện ra một cảnh tượng hết sức căng thẳng:
- Tâm Viễn, con bây giờ lớn rồi nên ta không quản nổi con nữa đúng không? _ Đó là giọng của Anh phi: có chút gì như tức giận và đang cố kiềm chế.
Tâm Viễn quỳ trên nền đất, cúi đầu không đáp. Anh phi lại càng thêm bực:
- Rốt cuộc con có nghe ta nói gì không hả?
- Mẫu phi, con sai rồi. Xin người đừng tức giận hại thân thể...
- Con vẫn còn biết ta tức giận hại thân thể, vậy mà con vẫn khiến cho ta tức giận. Con cố tình làm ta tức chết có đúng không?
- Nhi thần không dám...
- Không dám? Con còn có chuyện gì không dám làm sao? Nếu không phải Lý tướng quân lỡ lời khi bàn chính sự với Phụ hoàng con, thì ta làm sao biết là con ghi danh vào Thượng Lân phủ học tập.
- Mẫu phi, người bình tĩnh nghe nhi thần nói hết đã.
- Được, ta nghe con nói! Còn gì ta không biết nữa con mau nói hết ra cho ta. Đỡ mất công Phụ hoàng con lại phải phái người đến báo.
- Mẫu phi, thật ra lúc nhi thần quyết định ghi danh vào Thượng Lân phủ học tập, nhi thần đã suy nghĩ rất kỹ rồi. Con hiểu, người và Phụ hoàng lo lắng cho sự an toàn của nhi thần. Nhưng nhi thần cũng đã lớn rồi, nhi thần cũng có suy nghĩ và phán đoán riêng của mình. Hơn nữa, Phụ hoàng và Mẫu phi cũng đâu thể lúc nào cũng ở bên nhi thần được? Vì vậy, nhi thần muốn nhân cơ hội này ra ngoài học hỏi, lĩnh hội thêm kiến thức, thấu hiểu dân tình. Như vậy chẳng phải là sau này có thể giúp Phụ hoàng san sẻ triều chính sao?
        Nghe đến đây, Anh phi không tức giận nữa. Bà nhìn đứa con trai mà mình đánh cược cả mạng sống để sinh ra khi xưa giờ đây quả thực lớn rồi. Phải, Tâm Viễn đã lớn; bà cũng không thể giữ nó bên cạnh mình mãi. "Phận làm trai chí ở bốn phương" - đã đến lúc bà nên để Tâm Viễn theo đuổi tín ngưỡng đời mình rồi.
Lúc này, Anh phi mới hạ giọng:
- Tâm Viễn của ta lớn rồi, sắp không muốn ở bên ta nữa rồi...
- Mẫu phi, người nói gì vậy? Nhi thần dù có lớn cỡ nào cũng vẫn là con của người. Làm sao có thể không muốn ở bên người chứ? Nhi thần chỉ là...
- Được rồi, con không cần nói nữa đâu. Tính tình của con, ta hiểu nhất mà. Con lớn rồi, ta cũng không thể ép con làm theo ý ta mãi; con cũng cần phải có suy nghĩ của riêng mình... Như vậy đi, thời gian này con hãy ở lại Cảnh Dương ôn luyện, ta sẽ đi nói với Phụ hoàng chuyện của con. Nếu như Phụ hoàng con biết được suy nghĩ của con, chắc hẳn người cũng sẽ đồng ý thôi.
       Nghe Mẫu phi của mình đồng ý rồi, Tâm Viễn không giấu nổi vui mừng. Cậu nhanh chóng chạy đến bên Mẫu phi, ôm lấy bà, ngả đầu vào bờ vai của mẹ mình.
- Nhi thần biết Mẫu phi thương nhi thần nhất mà...
- Cái thằng bé này,...
- Phải rồi, Mẫu phi chỉ thương Nhị ca thôi; người đâu có thương Cảnh Nghi chứ!
     Mẫu tử Anh phi cùng nhìn ra cửa. Ở đó, một người con gái dáng tơ vóc liễu, xinh đẹp ôn hòa đã xuất hiện từ lúc nào. Cô ấy chính là Cảnh Nghi: Công chúa thứ 3 của Đại Hưng.
~~~~~~~~~~~
Cảnh Nghi công chúa là con gái duy nhất của Nghiên Tiệp dư. Vì phân vị thấp, nhà mẹ lại không mấy nổi trội, cho nên Nghiên Tiệp dư không thể tự nuôi con của mình mà phải mang cho phi tần có phân vị cao hơn nuôi dưỡng. Trong cung lúc đó, ngoài Hoàng hậu thì chỉ còn Anh phi, Hòa phi và Khánh phi là phân vị cao nhất. Vì biết mình mang thai khi mà Trưởng công chúa của Khánh phi và Nhị công chúa của Hoàng hậu đều không may yểu mệnh; Nghiên Tiệp dư không nghĩ nhiều, đã tìm đến Anh phi để xin được giúp đỡ: người tốt trong cung đã hiếm. Mà vừa tốt lại vừa ở vị trí cao thì chỉ có duy nhất Anh phi!
      Nghe thấy lời cầu xin từ một người mẹ, Anh phi dĩ nhiên không thể làm ngơ: chính bà cũng biết tình hình của Nghiên Tiệp dư lúc này. Vì thế, Anh phi đã đến tìm Hoàng thượng. Và, Cảnh Nghi công chúa đã trưởng thành ở Cảnh Dương cung từ đó.
     Nhờ Anh phi nuôi dưỡng tận tình, bao bọc che chở; nên suốt bao năm qua, dù mẫu tử phân ly nhưng mẹ con Nghiên Tiệp dư vẫn có thể gặp mặt, chăm sóc cho nhau. Nghiên Tiệp dư thương con vô hạn, Cảnh Nghi công chúa cũng không quên mẹ ruột của mình.
~~~~~~~~~~~~
         Cảnh Nghi công chúa vừa đi thăm Nghiên Tiệp dư về, nghe cung nữ bẩm báo sự việc, cho rằng Nhị ca đã khiến Mẫu phi bực tức nên vội vàng chạy đến Chính điện. Ai ngờ, lại vừa vặn nhìn thấy một màn mẫu từ tử hiếu thế này.
    Anh phi nhìn dưỡng nữ của mình, vui vẻ cười:
- Đi thăm Mẫu phi của con về rồi sao? Bà ấy vẫn khỏe chứ?
- Vâng, thưa Anh Mẫu phi. Mẫu phi của con vẫn khỏe, người bảo con chuyển lời thăm hỏi Anh Mẫu phi.
- Được rồi, đừng đứng đấy nữa. Qua đây ăn bánh phù dung với ta đi, ta bảo phòng bếp làm loại bánh con thích nhất đấy.
    Cảnh Nghi công chúa vui vẻ chạy đến bên Anh phi, nhỏ giọng làm nũng. Chính điện Cảnh Dương cung bỗng chốc ngập tràn tiếng cười của mẹ và con. Thật đẹp đẽ. Thật yên bình.
■■■■■■■■■■■■■■■■■
Đường phủ.
                             "Choang"
      Thật là một ngày náo nhiệt. Cảnh Dương cung vỡ đồ, phủ đệ của Đường Thượng thư cũng vỡ đồ...
       Sau tiếng rơi vỡ của tách trà bằng sứ Kim Nga ấy là những mảnh vỡ vương vãi khắp cả nền đất. Gia nhân hầu hạ tiền viện cũng đồng loạt quỳ rạp xuống sát đất; không khí lúc này yên ắng đến đáng sợ: Một chiếc lá rơi cũng có thể nghe thấy tiếng.
- Giỏi lắm! Đường Cao Trực, con giỏi lắm! Kỳ hôn chưa đến ngày mà con đã dám giả đám rước dâu đón Minh Y lên kinh thành; còn đặt điều nói dối Dương bá bá nữa. Đủ lông đủ cánh rồi nên không ai quản nổi con đúng không?
       Đường Thượng thư lớn tiếng quát tháo. Ông không thể ngờ ông mới trọng thương chưa được nổi 10 ngày mà thằng con trai của ông lại có thể to gan lớn mật đến thế. Đón Minh Y lên kinh đã đành; đằng này nó lại còn giả truyền lời của ông, bày lễ đến tận cửa Dương gia xin dâu, lại còn cả kèn trống rình rang khắp cả thành Thanh Đô. Chỉ có ông cùng phu nhân trong nhà là không biết gì: mãi đến lúc Minh Y bước chân vào phủ, phu thê hai người mới giật mình.
     Đang mang thương tích lại phải giận dữ như thế, Đường Thượng thư dĩ nhiên không chịu được. Ông loạng choạng vài bước, ngồi phịch xuống ghế và liên tục ho sặc sụa. Phu nhân ở bên cạnh thấy thế không khỏi cuống cuồng lo lắng:
- Được rồi, được rồi. Lão gia đang bị thương, đừng nóng giận quá.
      Nói rồi bà quay sang Cao Trực, nét mặt nghiêm nghị:
- Cao Trực, thường ngày dung túng cho con vô pháp vô thiên, thích gì làm nấy, chỉ cần không quá giới hạn là được. Nhưng con xem, hôm nay con đã gây ra chuyện tày trời gì thế này? Con muốn đón Minh Y lên kinh thành: được, ta đồng ý. Nhưng con nghĩ xem: Có cần thiết con phải giả rước dâu để đón con bé lên kinh không? Sau này mọi chuyện vỡ lở, Dương bá phụ biết được, Dương gia sẽ nghĩ chúng ta là loại người như thế nào?
- Mẫu thân, phụ thân; con biết lần này là con sai, là con khiến hai người tức giận. Nhưng xin song thân yên tâm, Đường Cao Trực con xưa nay chưa từng tùy tiện làm việc mà không có lí do. Lần này cũng vậy: con đón Minh Y lên kinh đô cũng là có lí do riêng. Đợi đến khi con và Minh Y giải quyết ổn thỏa một số chuyện, chúng con sẽ về Thanh Đô tạ lỗi với Dương gia.
- Còn có chuyện mà con giấu ta và phụ thân con phải không?
- Mẫu thân, xin thứ cho con tội bất hiếu. Chuyện này... bây giờ vẫn chưa thể nói cho 2 người biết được.
- Còn có chuyện gì không nói được hả?!
    Đường Thượng thư tức giận thét lớn. Đường phu nhân giật mình, gia nhân đang quỳ rạp trước tiền đường cũng thoáng run rẩy. Mà ở đằng xa xa kia, ngay lối ra vào hậu viện, cũng có người bị dọa cho kinh hồn bạt vía.

     Tiếng đồ đạc rơi vỡ, tiếng quát tháo của Đường Thượng Thư và những lời giáo huấn của Đường phu nhân; tất cả những âm thanh ấy hợp lại như gươm tuốt vỏ, nỏ cương dây, chỉ chờ một chút lực tác động nữa thôi là tất cả sẽ nhắm vào Minh Y nàng mà lao đến.
       Ngày mà Đường Cao Trực cho người giả đám rước dâu đến đón nàng lên kinh thành, nàng đã thấp thỏm lo sợ đến nhường nào. Nhưng đã đâm lao thì chỉ còn cách theo lao mà thôi: khi bước lên kiệu hoa, nàng hiểu rằng kế hoạch đã thành công một nửa rồi. Nửa còn lại... chỉ đành phụ thuộc vào kỳ ứng tuyển của Thượng Lân phủ nữa thôi.
         Nhưng mà giờ đây nhìn Đường Cao Trực vì chuyện này mà bị phụ thân cùng mẫu thân giáo huấn như vậy; nỗi sợ trong lòng nàng như tăng thêm một phần. Liệu rằng phụ mẫu của Đường Cao Trực có biết chuyện hai người họ đang trù tính? Liệu rằng chuyện nàng bí mật nữ cải nam trang nộp đơn ứng tuyển có bị phát hiện? Và còn biết bao nhiêu những sầu lo nối tiếp nhau hiện lên trong tâm trí nàng. Bất giác, nàng siết chặt chiếc khăn lụa trong tay: Nhất định đừng xảy ra sơ sót gì trong ngày thi tuyển. Nếu không thì tính mạng của hơn trăm người trên dưới hai phủ Đường - Dương khó lòng bảo toàn.
- Muội đang nghĩ gì mà đăm chiêu thế? Ta đến đây gần một khắc mà muội vẫn không nhận ra.
- Cao... Cao Trực. Huynh đến từ khi nào thế? Mọi chuyện sao rồi? Bá phụ và bá mẫu có nói gì không? Họ có còn trách phạt huynh không?
      Minh Y nhìn Cao Trực một lượt từ trên xuống dưới, không bỏ sót điểm nào. Nàng biết rất rõ rằng Đường gia theo nghiệp binh tướng: xưa nay gia quy sâm nghiêm, con cháu trong nhà đều trưởng thành trên lưng ngựa. So với Dương gia của nàng, gia quy Đường phủ quả thực đáng sợ hơn bội phần. Khi ấy nghe hai vị song thân nổi giận như vậy, nàng lo rằng Đường Cao Trực sẽ bị họ chiếu theo gia quy mà quản giáo.
      Như đọc được suy nghĩ trong mắt nàng, Đường Cao Trực lên tiếng trấn an:
- Đừng lo, ta không sao hiết. Chỉ là bị giáo huấn một chút thôi. Không tin thì muội xem, ta đâu mất cọng tóc nào.
- Huynh không sao thì tốt. Nãy giờ ta cứ lo rằng họ sẽ dùng gia pháp để quản giáo huynh một trận.
- Sao? Đừng nói là muội động lòng với ta rồi nhé?!
- Huynh nghiêm túc chút đi. Sao vẫn còn tâm trạng để đùa được thế?
      Nghe đến câu này, nét mặt Đường Cao Trực nghiêm túc trở lại.
- Muội nói đúng. Giờ không phải là lúc đùa cợt. Khi gia phụ, gia mẫu nóng giận trách mắng; ta đã hứa là nhất định sẽ đỗ trong kỳ ứng tuyển của Thượng Lân phủ. Họ nói rằng nếu thế thật thì sẽ xuôi theo màn kịch của ta, bình phục rồi sẽ về Dương phủ cáo lỗi. Vì vậy, tình huống này,... buộc cả 2 ta đều phải đỗ mới mong thoát được hôn sự...
- Huynh nói sao? Cả 2 ta đều phải đỗ?
      Minh Y hốt hoảng. Vốn dĩ kế hoạch ban đầu chỉ cần một trong hai người đỗ là thành. Như vậy thì nàng chỉ cần tìm cách thi trượt, để Đường Cao Trực đỗ là mọi chuyện ổn thỏa. Bây giờ lại buộc cả hai cùng đỗ thì hôn sự mới có thể hoãn lại: Đây chẳng phải là bảo nàng tự tìm đến cái chết hay sao? Một thân nữ nhi giả nam nhân tham gia ứng tuyển đã nguy hiểm vạn phần rồi; giờ lại phải tìm cách che dấu thân phận để bước vào học đường toàn nam tử? Mọi chuyện thành công thì không nói; nhưng ngộ nhỡ lộ ra, thì tính mạng của biết bao người Dương phủ và Đường phủ bảo nàng làm sao gánh vác?
- Chuyện này... thực sự quá nguy hiểm. Huynh nói muội tham gia ứng tuyển: muội đồng ý. Nhưng đỗ đạt rồi, huynh nói xem muội phải làm sao che dấu trong 4 năm khổ luyện ở Thượng Lân phủ đây?
- Chuyện này đâu phải ta không biết. Nhưng muội nghĩ xem: Dương bá phụ cùng cha mẹ  cho rằng ta đã đón dâu, dĩ nhiên sẽ không nghi ngờ. Vậy 3 ngày sau là ngày lại mặt, thì chúng ta sẽ phải làm sao? Dù gì trên danh nghĩa, chúng ta cũng là phu thê. Chỉ có 2 ta cùng nhau đỗ đạt mới có thể chuyển bại thành thắng.
- Nhưng ta là nữ nhi, sao có thể....
- Minh Y, tin ta. Từ bé đến lớn ta chưa lần nào gạt muội; lần này cũng vậy. Nếu không vì hai nhà hiểu nhầm mối quan hệ hai chúng ta, chúng ta có cần phải như thế này không? Trời không bao giờ tuyệt đường con người, chắc chắn sẽ có cách đối phó.
    Minh Y nhìn Cao Trực. Ánh mắt của người con trai này tràn đầy quyết tâm và một cảm giác nào đó mơ hồ không rõ nhưng vẫn khiến cho người khác thấy yên lòng và tin tưởng. Phải, Đường Cao Trực sẽ không lừa nàng.
    Khẽ thở ra, Minh Y nói, giọng quả quyết:
- Được, muội tin huynh.
- Cảm ơn muội, Minh Y.
■■■■■■■■■■■
     Kỳ hôn của Minh Y và Cao Trực vốn được định vào ngày 14 tháng này, tức là trước kỳ thi tuyển của Thượng Lân phủ một ngày. Nhưng mà trước khi kỳ hôn tới 7 ngày, Cao Trực đã đón Minh Y lên Kinh thành. Phần là vì lo đường xa vất vả, phần là vì giúp nàng có thêm vài ngày quen với đường sá kinh đô; tiện cho sau này đi lại bên ngoài. Và quan trọng nhất là: có thêm thời gian ôn tập cho kỳ thi tuyển vào Thượng Lân phủ.
       Dương Minh Y nổi danh Đệ nhất tài nữ Thanh Đô: cầm, kỳ, thi, họa tất thảy nàng đều tinh thông. Mỗi nét bút đưa đi là một bức họa hoàn mỹ, một thi phẩm tuyệt tác. Những chuyện vẽ tranh, làm thơ sao có thể làm khó được nàng? Điều khiến nàng lo lắng nhất chính là phần thi võ: Thượng Lân phủ không chỉ chú trọng văn chương mà còn muốn đào tạo những con người văn võ song toàn.
       Muốn qua được phần thi văn, trước hết phải qua phần thi võ. Thi võ không qua, lập tức đánh trượt. Minh Y nàng không phải không biết võ, chỉ là không giỏi mà thôi! Huynh trưởng ở nhà một lần thấy nàng bị ức hiếp, trở về liền cứng rắn ép nàng luyện võ. Nàng cứng đầu không chịu; nhưng sau cùng vẫn phải cúi đầu vâng dạ vì lệnh của phụ mẫu trong nhà. Qua bao nhiêu năm, nàng không nhớ, chỉ biết là từ khi huynh trưởng bắt đầu giúp phụ thân gánh vác chuyện buôn bán thì nàng cũng không bị ép luyện võ mỗi ngày nữa.
      Đường Cao Trực thì ngược lại với nàng. Cưỡi ngựa, bắn cung, kiếm thuật hắn đều rất giỏi; duy chỉ việc vẽ tranh, làm thơ là khiến hắn đau đầu. Biết thì biết thật đấy, nhưng về việc này hắn vẫn phải gọi Minh Y một tiếng "Sư phụ". Với Đường Cao Trực mà nói, giương cung, bạt kiếm dễ hơn múa bút, viết thơ rất nhiều.
       Chính vì vậy, trong những ngày chờ kỳ thi tuyển chính thức diễn ra, hai người họ đã phải cùng nhau khổ luyện. Minh Y dạy Cao Trực văn chương, thi họa; hắn giúp nàng bắn cung, luyện kiếm. Việc khổ luyện đòi hỏi lắm công sức, nên hai người thường xuyên phải ở cạnh nhau. Trên dưới Đường phủ không biết gì, cứ thế rỉ tai nhau chuyện hai người phu thê hòa hợp. Vợ chồng Đường Thượng thư dù không nói, cũng khó tránh khỏi mừng thầm trong lòng.
       Nhưng mà, chính chủ có vui không? Không, không vui gì hết!!! Nghe thấy những câu chuyện mấy thị tỳ rỉ tai nhau trong phủ, hai người họ chỉ còn biết nhìn nhau: Nhất định kỳ ứng tuyển này phải đỗ!
■■■■■■■■■■■■■
       Ngày thi tuyển chính thức bắt đầu.
     Trước cửa lớn Thượng Lân phủ, các sĩ tử tham gia ứng tuyển xếp thành hàng dài. Kẻ lo lắng, người bất an; có kẻ lại còn vênh váo tự đắc rằng kỳ này chắc chắn đỗ đạt.
      Xe ngựa của của Đường phủ dừng lại trước Thượng Lân phủ. Từ trong xe, hai thiếu niên anh tuấn bước ra: một người mang dáng vẻ của thế gia đệ tử võ tướng, một kẻ mang nét phong lưu nho nhã của bậc văn nhân.
       Cách đó không xa lắm, Lâm Tử An cũng xuất hiện. Bước xuống từ xe ngựa, khẽ liếc mắt nhìn dòng sĩ tử tấp nập, khóe môi khẽ nhếch lên một nụ cười. Kỳ thi này, ai muốn liền có thể đỗ sao?
       Giữa khung cảnh huyên náo trước cửa lớn Thượng Lân phủ, một chiếc xe ngựa nữa lại xuất hiện. Nhìn chiếc xe này thoáng qua có vẻ bình thường, nhưng nếu tinh mắt thì sẽ biết ngay rằng chủ nhân không phải kẻ tầm thường. Rèm xe làm từ gấm Thiên Điệp, loại gỗ dùng để chế tạo xe cũng là gỗ Lịch Mộc hiếm có của vùng phía nam chuyên dùng tiến cống cho Hoàng cung. Những thứ này muốn tìm ở bên ngoài thường rất hiếm, giá cũng lên tới trăm lượng vàng: có thể dùng không có được mấy người. Tại sao một chiếc xe như thế lại xuất hiện ở đây? À, nghe nói đó là xe ngựa của cháu trai Lý tướng quân: Lý Tâm Viễn. Phải, chính là người con trai ngọc thụ lâm phong đang bước xuống từ chiếc xe ngựa đó đấy!
        Và, còn một người kỳ lạ một thân áo đen, tay cầm bảo kiếm xuất hiện lẫn trong dòng người nhộn nhịp ấy nữa. Một thân phong trần, dáng người bụi bặm cũng khó giấu vẻ tiêu sái hiển hiện trên nét mặt. Vị huynh đài này... là ai thế?!
        Một tiếng trống dõng dạc vang lên.
             KỲ THI TUYỂN CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro