14

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


14.

Tôi vẫn tiếp tục chơi với Bạn Xinh Đẹp và Thuyền trưởng Hook.

Nguyên thấy chướng mắt lắm, hỏi đểu tôi: "Mày bị cái của khỉ gì thế? Bảo chỉ xã giao thôi mà thế à?". Tôi cười nhẹ: "Không như mày nghĩ đâu Nguyên!". "Thế thì là sao? Nói nghe coi!". "Chỉ là chuyện của con gái, mày đừng quan tâm làm gì cho mệt! Cách sống của tao khác tụi mày.". Nguyên không hài lòng với câu trả lời của tôi, nhưng vẫn cười bình thản: "Vậy cứ sống theo cái cách đó đi! Tao đéo quan tâm nữa.".

Nguyên không hỏi chuyện đó nữa thật, và cũng không thèm rủ tôi đi chơi hay kéo tôi lại nói chuyện nhiều như trước. Cậu ta tham gia Câu lạc bộ Học Làm Giàu gì đó nên bận liên miên, rồi bận cả chăm sóc đàn chó, đi chơi với bạn gái và mấy ông chiến hữu, không có thời gian cho tôi. Tôi chấp nhận điều đó như một lẽ tự nhiên, vì, hơi đau nhưng tôi bắt đầu tin lời Trung nói hồi trước: Khi lớn lên, chúng tôi ai cũng phải tự tìm con đường đi cho riêng mình, không thể dính lấy nhau như trẻ con mãi.

Tâm trạng tôi ngày càng lên xuống thất thường. Không biết can đảm ở đâu ra, tôi suốt ngày giỡn mặt với Hoàng Anh. Từ hôm hắn bỏ mặc tôi mà đi, tôi không cho hắn động vào người, dù vẫn có thể nói chuyện, đùa giỡn nhau. Tôi bảo: "Anh nghỉ chơi với con nhỏ Mi Mi kia đi rồi muốn gì cũng được!". Hoàng Anh đã có kinh nghiệm trong việc chịu đựng cái sự điên rồ của một "con điên mãn tính" là tôi nên không mấy lao đao. Hắn cười cười hỏi lại: "Tức là thích em khác cũng được phải không?". Tôi cắn môi, lườm hắn: "Cứ thử xem!". Hoàng Anh chống cằm nhìn tôi buồn bã: "Cưng của anh biến thành con cáo lai sư tử rồi. Buồn quá! Trả lại Peter Pan-của-ngày-hôm-qua cho anh!". Tôi hai tay chống hông, đóng vai mấy bà bán cá ngoài chợ, hất hàm: "Giỏi nói lại lần nữa coi!". "Dạ con không dám bà ạ!", hắn làm ra vẻ sợ sệt. Tôi cầm cái gối đập liên tiếp vào người hắn và cười ầm nhà.

Nhưng Hoàng Anh vẫn không chịu nghe lời tôi.

Gặp lại Thuyền trưởng Hook, hắn vẫn đứng lại nói chuyện bình thường. Tôi không cho, hắn vẫn chạm vào người tôi bất cứ lúc nào có cơ hội, hình như muốn giỡn mặt lại tôi thì phải. Chẳng biết ai điên hơn ai. Thậm chí, lúc tôi ngoan ngoãn học bài, hắn ngồi cạnh hỏi một câu rất "liên quan" với gương mặt tỉnh rụi:

- Này, hai tuần rồi đấy, em nhìn anh mà không cảm thấy thèm muốn gì à?

Tôi suýt đập đầu xuống quyển sách, nhưng cũng đã không còn lạ gì với sự tởm lợm của thanh niên tự luyến này nên cười đáp:

- Không, em rất thoải mái!

- Cưng ăn gì mà giận vớ vẩn thế? Muốn giận tới bao giờ?

- Anh ăn gì mà mê gái thế? Năn nỉ mãi không chịu nghỉ chơi con nhỏ Mi Mi!

- Mi Mi là bạn anh. Anh chỉ mê có em thôi! Nghỉ chơi với Mi Mi thì xem như thừa nhận anh mê nó à?

- Đừng có ngụy biện, em không tin đâu. Đồ mê gái!

Tôi nói và lè lưỡi trêu hắn, sau đó ôm máy tính giải bài tập tiếp ngon lành.

Hoàng Anh thấy nói lý lẽ không có tác dụng gì nên làm luôn. Làm cái chuyện mà hắn gợi ý trên kia ấy. Ban đầu, tôi định đẩy ra, nhưng thấy cũng tội nên thôi. Vả lại, tôi cũng chẳng còn gì để mất nữa rồi.

*

Tháng ba nắng đổ lửa mà vẫn có những ngày mưa to và kéo dài. Hôm diễn ra hội trại ở trường tôi nằm trong "những ngày" như thế. Vâng, thật may mắn muốn chết.

Tuy nhiên, đấy không còn là vấn đề mà tôi quan tâm nữa. Bởi vì tôi đã mất đi cảm giác hớn hở khi được đi cắm trại. Đại học không giống như cấp một, hai hay ba, nó buồn tẻ và nhạt nhẽo kinh hoàng. Hồi trước, tôi thích những hoạt động như thế này lắm, bao giờ trước hôm cắm trại đều cầu trời đừng mưa để được đi chơi thoải mái. Bây giờ thì không cần thiết nữa.

Cứ tưởng lần này tôi lại đóng vai "hội trưởng Hội Vô Dụng" vì trại của chúng tôi là trại chung cho cả hai lớp B và C, đông lắm, nhưng hóa ra, tôi cũng có việc để làm: phát áo lớp cho cả bọn. San San dù chỉ là Bí thư nhưng phong độ còn hơn cả lớp trưởng của cả hai lớp cộng lại, trở thành người chỉ đạo vì sự nhanh nhạy và oai vệ của mình. Nàng ấy giao cho tôi tờ danh sách lớp, bảo ai đến nhận "hàng" (áo lớp) rồi thì đánh dấu vào. Tôi ngoan ngoãn nghe theo. Cát Linh thì láu táu xung phong nhận việc phát thẻ cho các trại viên. Hai đứa tôi không còn làm dân "cù bơ cù bất" trong trại như dự kiến. Nhìn dòng chữ to đùng "Thẻ trại viên" trên mấy tờ giấy màu vàng, tôi cười nham nhở:

- Wendy ơi, đấy có phải là thẻ cho trại viên tâm thần không?

Vừa nghe thấy thế, thầy cố vấn lớp B quay lại nhìn tôi bằng ánh mắt bó tay, trong khi bọn đứng xung quanh thì cười ầm lên.

- Yeah, và mềnh là trại viên ưu tú! - Cát Linh lôi điện thoại ra và đứng sát lại gần tôi - "Selfie" cái coi Peter Pan!

- Hai đứa bây bệnh vừa thôi, mới sáng ra đã selfie tùm lum! - San San chống hông quát ầm lên, đoạn nhe răng cười toe tạo dáng bên cái cột - Chụp cho chị cái coi nào mấy cưng!

- Vãi cả San San! - Cát Linh lắc đầu ôm bụng cười.

Ngoài trời mưa rả rích nhưng trong trại khá là vui. Người leo lên dán lại chỗ rách trên trại, người dọn đồ ra chào hàng, người xúm lại tám, người thì đứng tự kỉ. Không khí này cũng không quá tẻ nhạt, tôi nghĩ.

Lăng xăng phát áo và thẻ cho cả hai lớp xong, tôi và Cát Linh kéo nhau đi tham quan hội trại. Trời bấy giờ đã bớt mưa, hai đứa chúng tôi qua lớp Kế toán rủ thêm Mọt Sách, thấy đám con trai lớp đó đang mở sòng bài. Ông thầy giám thị (tôi vẫn chưa biết có nên gọi thầy là giám thị không, thôi thì gọi tạm như hồi cấp ba vậy) bỗng lù lù xuất hiện, thế là cả lũ không ai bảo ai mỗi thằng một ngả chuồn đi. Có đứa hấp tấp quá trượt ngã cái rầm. Thật nhí nhố. Cả bọn được một phen cười no bụng.

Lúc đi lang thang ngắm mấy cái trại nhiều màu sắc, Cát Linh và tôi đăm chiêu bàn về cái sự thua thiệt của Đại học so với thời cấp ba, Mọt Sách bảo: "Thật ra học Đại học vui vẻ, sôi động hay nhàm chán, buồn tẻ là do cách nhìn nhận và cách sống của mỗi người. Không cần phải có đam mê gì cao siêu, nếu bản thân tìm được cho mình những thú vui để làm và bạn bè hợp tính để chơi thì quãng đời đại học cũng sẽ rất vui và có ý nghĩa không kém gì cấp ba". Tôi nghĩ là Mọt Sách nói đúng. Cuộc sống thì vẫn luôn tươi đẹp như trước nay vẫn thế, chỉ có suy nghĩ của con người làm cho họ cảm thấy nó buồn và u ám đi thôi.

Đi mỏi chân và chụp ảnh chán, ba đứa tôi ngồi trên cầu thang của giảng đường B kể chuyện đời, chẳng khác nào người vô gia cư.

- Tao cảm thấy nơi này không dành cho mình. - Cát Linh là người khởi đầu cho trò tự kỷ, tháo đôi kính mắt mèo ra, dụi mắt nhìn về phía khu trại đông vui, nói bằng chất giọng trầm buồn - Tao có thể kết giao với nhiều bạn, nỗ lực theo đuổi tấm bằng đại học, đi tình nguyện, tỏ ra là mình luôn thích thú với môi trường này. Nhưng thực ra, mỗi khi ngồi im lặng nghe giảng viên thao thao bất tuyệt, tao chỉ cảm thấy trống rỗng. Nơi này không phải chỗ của tao.

Tôi cố kìm nén sự xúc động, tựa đầu vào vai Cát Linh, lần đầu tiên bộc bạch suy nghĩ thực của mình - những suy nghĩ mà tôi chưa bao giờ dám nói với Nguyên hay Hoàng Anh:

- Mày giống tao. Thậm chí đến bây giờ tao vẫn chưa hề cảm thấy mình đã là sinh viên. Mọi thứ diễn ra nhanh quá, hồi đầu năm, tao vẫn chưa thoát ra được suy nghĩ rằng mình vẫn đang nghỉ hè, không cần phải học hành gì cả. Tao tưởng lên đại học được thảnh thơi, không ngờ, eo ôi, vẫn phải nướng não hằng ngày với sách vở! - Tôi không khỏi rùng mình khi nói đến đó.

- Lêu lêu, Peter Pan ham chơi làm gì mà nướng não, haha! - "Wendy quý tộc" trêu tôi.

Mọt Sách thì chăm chú lắng nghe, rồi mỉm cười hiền lành. Đôi mắt sau cặp kính cận dày cộm nom thật thông thái.

- Ai cũng vậy thôi. Cái đó giống như một cột mốc trong đời vậy, nếu không thì đã không ai gọi giai đoạn này là "khủng hoảng tuổi hai mươi". Hồi trước chúng ta bận rộn với chuyện học như một cái máy được lập trình sẵn. - Mọt Sách đếm đếm mấy ngón tay - Nào là học ở trường này, học thêm này, tự "cày" này, để thi đại học. Lúc nào cũng bận rộn liên miên như thế nên không có thời gian để suy nghĩ đến mấy thứ linh tinh, hơn nữa lại có bố mẹ lo cho mọi chuyện. Nhưng bây giờ, không còn phải học nhiều nữa, thậm chí là rảnh đến mức chẳng biết làm gì cho qua ngày, thì chúng ta bắt đầu nghĩ đến tương lai, quan tâm đến ti tỉ thứ khác. Mà cuộc sống này í, tụi mày biết đấy, vốn rất nhàm chán, chẳng có ai vui vẻ mãi, nên suy nghĩ của chúng ta dần trở nên tiêu cực. Rồi đến một ngày, phát hiện ra mình đang lạc lõng giữa thế giới, chả biết phải làm gì tiếp theo. Lúc ấy, người ta bắt đầu quyết định, có đứa thì quyết định đối mặt với thực tế cuộc sống, gồng mình chiến đấu với nó. Có đứa thì mặc kệ hết thảy, buông xuôi luôn. Đứa khác thì tìm kiếm đam mê riêng của mình để sống vì nó. Cũng có đứa cứ mãi chìm trong suy nghĩ, rồi sinh ra tự kỉ, trầm cảm, bệnh tật. Đại loại thế đấy.

Đúng là không nên coi thường dân đọc nhiều hiểu rộng. Tôi và Cát Linh cùng gật gù khen Mọt Sách. Lần đầu tiên sau bao ngày tháng tự kỷ với ý nghĩ mình là đứa ngớ ngẩn nhất bất lực với chuyện trưởng thành, tôi được an ủi hơn bao giờ hết. Tôi phát hiện ra, có nhiều thứ vẫn đáng để trải qua trong quãng đường nhàm chán này. Thôi thì, cố gắng tận hưởng vậy, dù sao tôi cũng chỉ mới học năm nhất, và không hề cô độc.

Ý nghĩ đó làm tôi phấn chấn hơn và quẩy vui vẻ suốt ngày hôm đó. Chúng tôi đội mưa ra đứng cổ vũ cho những màn kéo co giao lưu giữa các lớp và cả vụ chửi trong tài không công bằng, lượn vòng vòng xem tài nấu nướng của mấy anh chị năm hai năm ba, hát ké karaoke của trại bạn, chia nhau cơm hộp vào bữa trưa, đứa nào ăn xong sau cùng phải đi rót nước cho các bạn còn lại, thỉnh thoảng lại có tiếng con gái hét ầm lên khi bị nước mưa tạt vào.

Lúc đi nghe điện thoại trở vào, Cát Linh sung sướng kể với tôi:

- Peter Pan ơi, có cái chị năm hai ấy gọi tao là "chị", ha ha ha! Cuối cùng cũng có người thấy tao giống người lớn.

Tôi gãi cằm hỏi lại:

- Thế là chứng tỏ cái mặt Wendy đã già rồi chứ có gì mà mừng?

Chiều, hai đứa tôi đi ngang qua lớp của Nguyên - lớp A. Nguyên ngoắt tôi lại, trông mặt vui vẻ tợn. Đã hơi lâu rồi chúng tôi không đi chơi với nhau nên thấy vậy tôi lon ton chạy lại ngay. Ấy thế mà Nguyên tỉnh bơ bảo:

- Không có gì đâu, đi tiếp đi!

Tôi lườm:

- Đồ điên! Làm bổn đại gia mất công chạy tận từ ngoài kia vào! Chết đi!

Nguyên đẩy tôi ra khỏi trại, vừa cười vừa giục tôi đi chơi tiếp đi. Tôi chả hiểu gì cả, ngu ngơ đi tiếp, mãi một đoạn thì Nguyên gọi giật lại. Tôi, một lần nữa, chạy ngược trở vào. Nguyên chơi đểu, dắt tôi qua quầy lưu niệm của lớp bên cạnh, dụ dỗ tôi:

- Mua quà cho bạn tốt đi đại gia!

Tôi bị trấn lột 70 nghìn cho hai cái móc khóa hình cây guitar. Đã vậy, Cát Linh còn sấn tới, ôm tay tôi năn nỉ, mắt long lanh như thỏ con:

- Đại gia mua cho em một cái đi đại gia! Cái hình con Minions kia kìa!

- Đại gia sạt nghiệp rồi em ơi! - Tôi làm mặt đau khổ nói.

Nguyên bảo hai đứa tôi là một cặp đôi les thần thánh, còn chê Cát Linh:

- Đại gia thì phải đi với chân dài. Chân con mụ này ngắn thế làm sao mà sánh với đại gia? Thôi đi chỗ khác chơi!

- Hu hu bạn Nguyên bắt nạt Wendy kìa đại gia! - Cô nàng nhõng nhẽo với tôi.

Tôi cười nắc nẻ, rủ hai người cùng trốn khỏi trường đi cà phê ngồi nhưng Nguyên lượn mất. Cậu ta còn ném lại cho bọn tôi một câu, làm mặt khinh bỉ thấy ghét:

- Hai đứa bây là loại gì mà đòi mời anh?

- Cảm ơn nhé! Đỡ tốn xiền! Haha...

Tôi nói đểu và kéo Cát Linh đi.

Nhưng chỉ cần thấy Nguyên cười và nói chuyện vui vẻ với tôi vậy thôi là tôi vui rồi. Tình bạn có thể hâm nóng lại mà. Tôi hy vọng thế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro