Chương 15: Chuyện chị Thục

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những ngày gần Tết, việc học hành dường như bị chểnh mảng hơn bao giờ hết. Trong đầu bọn học trò chúng tôi, và biết đâu cả giáo viên nữa, chỉ toàn được lấp đầy bởi những cành hoa mai vàng rực, bởi những nồi thịt kho và khoanh bánh tét biến đổi hương vị từ thơm ngon đêm 30 cho đến ngán ngẩm những ngày mùng 4 mùng 5, bởi những tà áo mới xúng xính giữa rừng hoa xuân nhộn nhịp người qua lại,... Nói chung là, không khí này không thích hợp cho việc học!

- Trống tiếttttttt!!!!!

Tôi lê lết từ văn phòng lên lớp, dùng hết sức còn lại gân cổ thông báo tin vui.

Là trống tiết thầy Gia. Trước nay thầy ít khi nào bỏ lớp mà không nói trước như thế. Có bận việc thì thầy cũng sẽ nhờ giáo viên dạy thay. Hôm nay chẳng biết có gì quan trọng mà thầy Gia lại biệt tích?

Dù trong lòng có chút lo lắng nhưng ở giữa cái không khí nhộn nhịp như vỡ chợ của cái tộc 11A này, tôi nhanh chóng quên đi nỗi băn khoăn trong lòng mình.

Bọn tôi bầu Vinh làm tộc trưởng, đều là có lí do cả.

Vừa nghe tôi thông báo, hắn đã nhanh chóng chìa ra ba bộ bài: UNO, Ma Sói và tú lơ khơ. Hắn quăng đống bài lại cho chúng tôi rồi nhảy phóc ra khỏi bàn, đóng kín các cửa để bọn tôi tha hồ quẩy mà không sợ bị giáo viên hai lớp bên cạnh mắng vốn. Con trai con đứa, chu đáo để!

Chơi bời hết tiết 4, đến tiết 5 cả bọn lại tiếp tục được ăn. Cô Loan lôi từ trong giỏ ra một dây bánh snack, mỗi gói bé bằng bàn tay, bảo bọn tôi chia đều mỗi đứa một gói. Của ít lòng nhiều, 30 cái miệng chóp chép vừa ăn vừa đùa giỡn, 1 cái miệng hiền hậu kín đáo mỉm cười. Tôi nghiệm ra một chân lý: giáo viên ngày thường nghiêm khắc bao nhiêu, đến những ngày đặc biệt lại đáng yêu bấy nhiêu!

- Ê tao ăn hết rồi. - Vinh vừa nói vừa trút ngược bịch bánh.

Tôi ngơ ngác:

- Ừ kệ mày...

Đôi khi tôi phản ứng chậm quá thể! Đến lúc kịp nhận ra vấn đề thì gói bánh của tôi đã nằm gọn trong tay hắn.

Hắn để gói bánh bên kia bàn rồi chậm rãi cho từng miếng vào miệng, cố ý tòm tèm cứ như ta đây đang ăn sơn hào hải vị, mặc cho tôi loi nhoi giành giựt lại để rồi chỉ khổ sở vật lộn với một cánh tay của hắn. Tay kia hắn vẫn bóc bánh ăn ngon lành.

Có lẽ trông tôi yếu đuối tội nghiệp nên Vinh thoả thuận:

- Gọi một tiếng anh Vinh đẹp trai, tao sẽ cho mày một miếng.

Tôi hừ mũi:

- Méo!

- Thế tao ăn hết nhé!

- Không!

- Vậy gọi anh Vinh đẹp trai đi.

- Không!

- Không thì nhịn.

- Không mà.... - Tôi chống chế trong vô vọng.

Hắn cười ngặt nghẽo rồi nhìn tôi dịu dàng:

- Mở miệng ra.

- Um... không... mày nguy hiểm lắm...

- Thề không làm gì mày. Say A....

Tôi ngờ vực làm theo, chợt thấy vị mằn mặn thấm trên đầu lưỡi. Một miếng bánh nằm chễm chệ trong miệng tôi.

Cái tên rảnh rỗi, bảo trả thì không trả, lại kiên trì ngồi đút tôi từng miếng snack ngon lành. Bản thân hắn lại im lặng nhìn tôi cười cười trông hiền thật hiền.

Thế mà cớ sao, tim tôi bỗng là lạ vì cái tên rảnh rỗi này nhỉ?

Trong lòng đang hưng phấn vì hàng tá trò nghịch ngợm vừa rồi ở lớp, về đến nhà tôi tung tăng chạy tót ra sau bếp tìm thức ăn. Nhưng lạ nhỉ? Trưa lắm rồi mà sao ba mẹ vẫn chưa về?

Đang loay hoay giở nắp mấy cái nồi trên bếp thì tôi nghe tiếng anh Hai nói vọng xuống:

- Thay đồ đi vô bệnh viện.

Tôi hốt hoảng:

- Vô bệnh viện chi?

- Chị Thục bị tai nạn xe, đang cấp cứu.

Tôi nghe như có tiếng sét đánh bên tai sau lời thông báo của anh Hai. Chị Thục trước giờ chạy xe rất cẩn thận, cớ sao lại bị tai nạn? Là ai, tên ác nhân thất đức nào đã tông chị tôi? Rồi chị bị có nặng lắm không, sao lại cấp cứu thế này?

Đầu tôi rối tung cả lên. Tôi sợ, sợ lắm. Sợ chị có mệnh hệ gì thì tôi biết phải làm sao?

Anh em tôi đi như chạy dọc dãy hành lang dài nồng nặc mùi thuốc của bệnh viện. Phòng nào phòng nấy toàn những bệnh nhân đang bị thương, tay chân băng kín trông thật đáng sợ. Tôi ép mình cố tập trung nhìn thẳng về phía trước, không thì tôi xỉu trước khi đến nơi mất thôi.

- Ba mẹ kìa! - Anh Hai nói như reo.

Anh kéo tay tôi chạy vội đến. Cả bác tôi cũng đã có mặt. Sự lo lắng đã in một mảng màu y hệt nhau trên gương mặt ba người họ.

- Đồ của chị đây bác. - Anh Hai đưa túi xách cho bác, khẽ khàng nói.

- Chị sao rồi mẹ?

Thoạt đầu tôi định hỏi bác gái, nhưng thấy bác thất thần quá, nên đành quay sang mẹ.

- Chị được đưa vào hồi 10h. Cấp cứu từ lúc đó tới giờ chưa thấy ra.

- Vậy còn người gây tại nạn đâu mẹ?

- Họ đi lo thủ tục nhập viện với bác trai con rồi.

Tôi ngập ngừng:

- Chị... có nặng lắm không mẹ?

Mẹ tôi thở dài:

- Mẹ cũng không biết. Lúc mẹ đến đây thì chị đã vào phòng rồi.

Giờ đã là 12h. Hai tiếng đồng hồ. Hẳn hai tiếng đồng hồ mà vẫn chưa ra. Lòng tôi cứ như có ngọn lửa đang âm ỉ cháy.

Tôi định theo anh Hai lại phía ban công gần đó đứng cho trống đường bác sĩ ra vào, chợt phát hiện một dáng người rất quen thuộc. Dường như anh Hai cũng thấy nên anh thúc khuỷu tay tôi, hỏi nhỏ:

- Ai như thầy Gia?

Thầy Gia dạy anh tôi năm lớp 10, lúc thầy còn ở trường cũ. Anh tôi có cái tính lười học, hay phá phách nên luôn được thầy theo dõi sát sao. Mà thầy Gia lại có cách đối xử rất "chất" với đám học sinh cá biệt nên luôn khiến bọn họ càng thêm mến và phục thầy. Anh tôi không ngoại lệ.

- Thầy Gia ở đây làm gì Hai?

- Sao tao biết? Chắc người nhà thầy nằm đây.

- Hèn gì ban sáng thầy không đến lớp.

Anh em tôi đứng từ xa thầm thầm thì thì, không biết có nên đến chào hỏi hay không? Trông thầy đứng như người mất hồn, mắt trầm ngâm hướng ra xa, thỉnh thoảng còn gục đầu xuống, cứ như đang cố nén một nỗi lo, một nỗi đau canh cánh nào đó. Chiếc áo sơ mi trắng cũng xốc xếch luộm thuộm. Tôi chưa bao giờ thấy thầy như vậy.

Trong khi hai đứa tôi còn đang đứng ngập ngừng đằng xa thì thầy Gia bất chợt quay lại. Nếu như mọi ngày, nhất định thầy sẽ cười tươi hỏi "Hoàng và An đấy à?", còn hôm nay thầy chỉ khẽ thở dài, gọi:

- Hai đứa lại đây, nhường đường cho bác sĩ kìa.

Chúng tôi ngoan ngoãn tiến đến. Anh Hai hỏi thầy, như cách những người bạn hỏi thăm nhau:

- Người nhà thầy ở đây à?

Thầy đáp bằng giọng trầm trầm:

- Không. Thầy đưa chị Thục đến.

- Sao lại là chị Thục? - Tôi buột miệng.

- Thầy có đặt mua chỗ Thục cái đồng hồ. Lúc sáng thầy hẹn Thục mang đến. Trên đường đi thì...

Gọi là trùng hợp hay định mệnh đây? Mà cho dù là trùng hợp hay định mệnh thì chuyện này chắc chắn đã làm cho một người nhân hậu như thầy Gia cảm thấy day dứt.

- Thầy đưa chị Thục đến à? - Anh Hai hỏi lại.

- Ừ. Lúc đấy Thục đã gọi cho thầy.

Chị tôi quả thực rất có trách nhiệm. Bị tai nạn trên đường đi giao hàng cho khách, cuối cùng lại gọi cho khách mà cáo lỗi thay vì gọi người đến giúp. Cũng may thầy Gia là người tốt, nếu không chẳng biết chị xoay sở thế nào.

Khoảng 1h, chị Thục được đẩy ra. Quanh đầu chị được quấn dải băng trắng. Chân trái bó một cục bột to đùng. Tay chân cũng được băng rất nhiều chỗ. Bác sĩ bảo chị bị gãy xương chân, vừa rồi đã được phẫu thuật. Đầu do va xuống đường nên bị chấn thương nhẹ, còn lại chỉ là các vết xây xát thông thường. Vậy là chị đã tạm ổn. Tôi như trút được tảng đá trong lòng.

Ba mẹ chị, ba mẹ tôi, anh em tôi và cả thầy Gia, thay phiên nhau túc trực chăm sóc chị. Lại nói đến thầy Gia. Với lí do "vì cháu hẹn Thục nên Thục mới gặp tai nạn", thầy Gia nài nỉ bác tôi cho thầy được "góp công" chăm nom chị Thục. Trên đời này có người tốt đến vậy sao?

Kể từ hôm đó, mỗi buổi chiều tôi đều đến bệnh viện với chị. Suốt một tuần như thế. Lớp tôi có lên lế hoạch đi chơi, tôi cũng đã hứa hẹn sẽ có mặt, đến hôm nay tôi lại thông báo không đi được liền bị tên bên cạnh quát:

- Không đi được là sao? Đã hẹn trước rồi mà!

- Đã bảo nhà tao có việc bận.

- Bận gì mà bận? Hay mày không muốn đi chơi với lớp mình? Nếu vậy thì cứ nói từ trước đi, đâu cần viện lí do.

Tôi đang mệt, lại bị chọc tức nên chẳng giữ được bình tĩnh.

- Ừ đấy, không muốn đi đấy. Rồi sao?

- Ở nhà luôn đi. Sau này đi chơi lớp không cần rủ mày nữa.

Tôi hừng hực liếc hắn, định đôi co nhưng lại cảm thấy không cần thiết, đành bỏ ra ngoài.

Tôi đứng một mình ở góc ban công. Gió thổi nhè nhẹ từng cơn mát rượi, bầu trời trong vắt như gương, đâu đó còn thoang thoảng mùi hoa cúc dịu dàng. Thế mà cớ sao lòng tôi chẳng thấy thoải mái? Từ bao giờ tôi lại xem trọng suy nghĩ của ai đó đến vậy? Từ bao giờ tôi lại nghe tim mình rạn vỡ khi bị người ta hiểu lầm? Tôi có thể giải thích chứ, bảo là buổi chiều tôi phải chăm sóc chị vì ba mẹ và bác bận đi làm, anh thì đi học. Nhưng tôi lại chẳng muốn nói. Chẳng phải ai đó luôn hiểu tôi mà không cần tôi phải mở miệng hay sao?

Và thế là lần này tôi chủ động cạch "ai đó". Đôi lúc tôi cũng tự thấy tính khí mình thất thường và khó chiều, nhưng mặc, tôi chỉ biết tôi giận hắn.

***

- Thục ráng chịu đau xíu nha.

Giường chị Thục nằm khá gần cửa sổ nên từ bên ngoài tôi đã nghe tiếng thầy Gia dỗ dành chị.

Có lẽ đã đến giờ bác sĩ rửa vết thương. Chị Thục tính rất nhát, sợ đau, sợ máu. Lúc nhỏ mỗi lần bị chảy máu một tí là chị đã khóc vang nhà. Thế mà người lớn chẳng ai dỗ. Tôi nghe bác bảo tính con nhỏ này yếu đuối lắm, bỏ mặc nó vài lần cho nó mạnh mẽ lên. Tôi chẳng nhớ chị đã "mạnh mẽ lên" như ý muốn của bác hay chưa, nhưng từ ngoài cửa sổ nhìn vào tôi vẫn thấy vài giọt nước mắt lăn trên má chị khi bác sĩ bắt đầu chạm miếng bông gòn vào vết thương. Tôi thấy chị cố mím môi để không bật ra tiếng nấc, trông khổ sở vô cùng.

Ấy thế mà có người hình như còn khổ sở hơn. Mỗi lần chị Thục mím môi một cái thì thầy Gia nhíu mày một cái, thầy còn luống ca luống cuống lau nước mắt cho chị, trông vẻ mặt như chính thầy bị đau, luôn miệng ngọt nhạt "Thục cố lên", "Thục nín đi", "Sẽ hết đau ngay mà". Cũng lâu rồi tôi mới thấy có người lo về những giọt nước mắt mau chảy mau khô của chị như thế. Thấy hai người họ tình tình cảm cảm tôi cũng không tiện bước vào, đành tiếp tục đứng ngoài cửa sổ lặng lẽ "quan sát tình hình".

- Rình mò gì đấy?

Giọng ai đó vang lên từ phía sau. Tôi giật mình quay lại, nhận ra người quen, liền lạnh lùng bỏ đi thẳng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro