Lựa chọn nghề nghiệp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Năm tôi mười bốn tuổi, chương trình dạy học cấp phổ thông cơ sở bỗng nhiên có một bộ môn mới gọi là Hướng nghiệp, tức là dạy những kỹ năng cần thiết để hướng học sinh vào một ngành nghề cụ thể. Tôi nhớ là ngay cả giáo viên cũng lúng túng không biết dạy gì. Kết quả là chúng tôi được dạy nấu ăn trong giờ Hướng nghiệp, học thì ít, chơi là nhiều. Đến khi điền đơn nguyện vọng thi đại học năm lớp 12, tôi nghe theo lời khuyên của bố điền đơn vào trường cao đẳng sư phạm. Tôi hoàn toàn chẳng có một ý niệm nào về sự lựa chọn nghề nghiệp cả.

 Việc chọn nghề theo ý bố mẹ chắc chắn là phổ biến nhất ở Việt Nam từ xưa đến nay. Bố mẹ tôi là giáo viên, vậy nên họ cũng muốn tôi làm nghề giáo. Bố mẹ ai đó làm trong Bộ Ngoại giao, rồi họ cũng muốn con họ học ngoại giao rồi ra làm việc như họ. Thậm chí có những cơ quan như Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn chỉ tuyển con em trong ngành đến tận năm 1992. 

 Bố mẹ khuyên con theo cùng ngành thường chú trọng đến sự ổn định và khả năng xin việc, nhất là đối với con gái. Nhưng lời khuyên của bố mẹ không tính đến liệu công việc đó có phù hợp với đứa con hay không. Nếu nó không thích ổn định và không muốn làm gần nhà thì sao?

 Tiêu chuẩn thứ hai là chọn nghề theo lương bổng khi tốt nghiệp. Thường các ngành liên quan đến tiền như Tài chính, Ngân hàng, Kinh tế hoặc ngành dễ tìm việc như Công nghệ IT được nhiều người chọn. Nhưng thực tế là khi có quá nhiều người cùng chọn một ngành, đầu vào bội thực, còn đầu ra không đủ việc làm cho tất cả. Vậy những người này sẽ đi đâu? 

 Cũng phải nói thêm là không phải cứ ngành nào nghe tiếng tiền là dễ kiếm tiền. Khi công nghệ thay đổi, sẽ có những công việc bị đào thải, lấy ví dụ như nhân viên văn phòng giao dịch ở ngân hàng khi việc giao dịch chuyển lên internet, nhân viên nhập số liệu kế toán khi có phần mềm kế toán, hay người phiên dịch khi xuất hiện ứng dụng dịch tự động Google Translate.

 Có những người chọn việc mình làm dễ dàng mà không có hứng thú. Họ chọn nghề này chỉ vì nó đơn giản, không phải suy nghĩ phấn đấu gì nhiều. Nếu bạn giỏi văn, vậy bạn theo môn Văn rồi thành nhà giáo hay nhà báo. Nếu bạn hát hay múa giỏi, vậy bạn nên theo ngành Nghệ thuật. 

 Tôi đã từng dễ dãi lựa chọn học văn như vậy để rồi ba năm sau ra trường, tôi thất vọng hoàn toàn với nghề dạy văn. Vì nó dễ dàng quá nên nó không mới mẻ, không hứng thú. Vì nó quá dễ dàng, nên chẳng có đỉnh cao nào để chinh phục, thử thách nào để vượt qua rồi trưởng thành. Và viễn cảnh lặp lại năm này qua năm khác cùng một bài thơ, bài văn, và đồng lương còm cõi của nghề giáo đã không giữ nổi tôi ở lại với nghề. 

 Nếu bạn có nhiều khả năng mà chỉ làm một thứ, vậy bạn sẽ lãng phí tài năng của mình. Chúng ta sẽ không có ông hoàng thơ tình Xuân Diệu nếu nhà thơ vẫn giữ nghiệp viên chức ở Sở thuế Mỹ Tho. Nhà thơ Huy Cận sẽ tiếp tục sự nghiệp kỹ sư canh nông. Tướng Giáp sẽ làm luật sư thay cho vị trí đại tướng khiến cả thế giới kính phục. 

 Hiện tại tôi đang đọc truyện của Phan Việt và Phan An, một người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy, và người kia là kỹ sư thiết kế phần mềm. Họ rất xuất sắc trong chuyên ngành riêng của họ, bên cạnh những cuốn truyện hút hồn độc giả. Vậy ta có nên chỉ giới hạn nghề nghiệp trong một nghề không?

 Hãy làm thứ bạn thích, rồi tìm cách dung hòa nó với cuộc sống của bạn. Tuy nhiên bạn nên tính liệu bạn sẽ thích công việc này trong bao lâu và khả năng nó có thể dung hòa với yêu cầu của bạn như thế nào. Nếu bạn tìm được công việc có thể dung hòa thứ bạn thích, có thể nuôi sống bạn, và có thể phát triển khả năng của bạn, thì đó là một điều may mắn. 

 Nhiều khi, công việc tay trái hay thú vui giải trí của bạn trở thành nghề nuôi sống bạn sau này. Nhà văn yêu thích của tôi là John Grisham vốn là luật sư. Cuốn tiểu thuyết thứ hai The Firm đem lại thành công lớn đến nỗi ông bỏ hẳn nghề chính chuyển sang viết văn. Ở Việt Nam có nhạc sỹ Phú Quang mở nhà hàng để nuôi nghệ thuật, để có điều kiện tự do sáng tác như ông muốn. Tôi cũng không thể yên ổn ngồi viết những dòng này rồi đăng lên Wattpad cho mọi người đọc chơi nếu bị cơm áo gạo tiền thúc ép. Phải có một Bạch Lan Hoa làm kế toán để có thể nuôi một Bạch Lan Hoa mơ mộng online. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro