Lời nói đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đứng về phương diện tuyệt đối mà nói, chân lý vốn không có thời gian và không gian. Thời gian và không gian đã không, thì, trên cõi đời này có cái gì đáng gọi là lịch sử và ai là nguội chép lịch sử ? Xưa đức Phật tổ qua 49 năm thuyết pháp giáo hóa, khi gần nhập Niết-bàn, Ngài muốn khai thị cho chúng biết đạo lý "bất nhị pháp môn", Ngài dạy: Ta xưa nay chưa từng nói một chữ (1)

Huyền diệu thay ! Câu nói tuy rất vắn tắt, đơn sơ mà bao hàm biệt bao ý nghĩa. Vì sao ? Với chân lý tuyệt đối bản thể "pháp giới thanh tịnh tâm " thì văn tự hay ngữ ngôn đều là thừa cả.

Đành vậy, nhưng cuộc đời này là tương đối. Trăm ngàn hiện tượng phô diễn trước mặt, người ta không thể cùng nhau bảo là không được. Toàn thể nhân loại chúng sinh đã mê lầm, nhận vạn hữu trong vũ trụ cho là thật có, nên đã manh tâm tranh dành kiến thiết, để mưu cầu sự tiến hóa hạnh phúc. Nhưng trái lại, chỉ cùng nhau quay cuồng hụp lặn trong biển khổ ! Nỗi nguy hại của lịch sử đã biểu diễn ra rành rành, sao người ta không chịu xóa nhòa nó đi, để mọi người được sống trong cảnh giới hòa đồng, không còn phân chia văn hóa, chủng tộc của mỗi địa giới ? Nói vậy, không phải tôi bi quan, phủ nhận sự tiến hóa hiện thời của nhân loại. Nhưng tiến hóa bằng cách nào chứ ? Nếu tiến hóa mà buộc nhân loại mãi rước lấy sự chém giết lẫn nhau, thì khốc hại biết chừng nào ?

Mục đích và tinh thần Phật giáo vốn dắt dẫn mọi người đạt đến chân lý tuyệt đối. Và, chúng tôi bao giờ cũng thể theo tâm "Vô tướng" của chư Phật, chân lý tuyệt đối của "pháp giới" mà tu trì; ngoài ra không dám manh tâm tranh dành một địa vị hay một thiên lịch sứ gì cho Phật giáo hay cho cá nhân ở trong xã hội nhân loại này. Chẳng qua với giữa hoàn cảnh người người đều xem trong lịch sử, suy tầm lịch sử, mà Phật giáo lại là nền giáo lý vốn sẵn phương tiện tùy duyên khai hóa, đủ có pháp này pháp kia cho hết thảy mọi người biết mà tu học.

Vậy Phật giáo đã là một hiện tượng trên thế giới, nói hẹp là một tôn giáo đã truyền vào nước Việt Nam này, lẽ nào lại không có một lịch sử truyền bá ?

*

Kể Phật giáo từ khi truyền vào đất Việt Nam ta đến nay đã gồm có cái lịch sử gần 2.000 năm. Qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê không phải là không thạnh và, Phật giáo không bổ ích cho thế đạo nhơn tâm. Các vị Tổ sư, các bậc Cao Tăng xưa như ngài Pháp Hiền Thiền sư, Khuông Việt thái sư, Vạn Hạnh Thiền sư, Cảm Thành Thiền sư và Trúc Lâm tam tổ v.v... đã từng đem chỗ tu học hoằng pháp của mình mà mở mang nền đạo đức văn hóa cho nước nhà không phải là ít.

Thế mà trừ một ít tài liệu chép rải rác trong các sách sử và một đôi quyển Ngữ lục gia phổ ở các chùa, thì không còn có một quyển sách nào cụ thể đáng gọi là một quyển lịch sử có tổ chức để làm gương soi chung cho người sau, noi theo đó biết được điều hay cần bắt chước, điều dở phải tránh xa, đặng giúp về sự xét đoán trên bước đường tu học hoằng pháp. (Nói thế chứ tôi đâu dám chỉ trích gì cổ nhân. Không, tôi biết lắm !

1) Người xưa tánh tình thuần phác, vả lại nền kinh tế kỹ nghệ (2) chưa được phát triển mấy, nên người học đạo (Phật hay Nho cũng vậy) cốt để tu tâm dưỡng tánh, chứ đâu phải để chuyên về mặt văn hóa trước thuật. Vì vậy, không những riêng về Phật giáo thiếu quan niệm lịch sử mà cho đến thế gian các bậc tiền bối ta cũng thiếu hẳn quan niệm ấy. Huống nữa Phật giáo là một tôn giáo chứa đầy tư tưởng "vô tướng". Người hành đạo dù có làm việc gì to lớn đến đâu cũng không cần ai biết và chẳng lưu tâm biên chép điều đó để lại làm gì.

2) Nước Việt Nam ta là một nước nhỏ ở gần một nước lớn - Trung Hoa, ngót 1000 năm nội thuộc, hết thảy văn hóa, giáo dục đều phải học đòi theo những sách vở mà họ chở qua cho ta đọc còn không hết, có thì giờ đâu mà nghĩ đến việc trước tác. Vả dù có nghĩ đến việc trước tác thì, viết chữ Hán chi bằng đọc sách họ là hơn, mà nếu viết bằng tiếng nước nhà thì chữ Nôm ta thời ấy còn cho là nôm na, không có giá trị, chi bằng thôi là xong. Những khuyết điểm ấy ta phải nhận là một công lệ của thời đại trước. Mà thật ra người đương thời đó cũng không lấy thế cho là khuyết điểm.

Ngày nay nhơn phong trào học thuật tiến bộ, tư tưởng người ta đã quan niệm nhiều về lịch sử. Riêng về Phật giáo phần đông người học Phật cũng muốn biết đến tung tích nền Phật giáo của nước nhà mình thế nào ... Vẫn biết học đạo chỉ tìm thấy con đường về là được cần gì phải hỏi đến Tổ tông (3) . Nhưng thiết nghĩ, nếu biết được Tổ tông thì lại có hại gì ? Vả lại bước đầu nếu không biết Tổ tông thì nương vào đâu mà tìm thấy được con đường về.

Vì thiên kiến, muốn thích ứng với nhu cầu của thời đại, bổ khuyết vào chỗ khuyết hám trên nền Lịch sử Phật giáo nước nhà, quyển Việt Nam Phật giáo sử lược này ra đời. Nói lại lần nữa, bản ý chúng tôi không vì xua đùa theo danh lợi, hay phô trương cái hay cái giỏi trong Phật giáo, mà chỉ một lòng vì văn hóa học thuật, đi với mục đích hoằng pháp lợi sanh, chỉ mong được làm - dù công việc gì, nhiệm vụ của một Phật tử trong một thời đại.

Những tài liệu chúng tôi dùng viết sách này, về phương diện Phật học phần nhiều căn cứ vào quyển Việt Nam Thiền uyển tập anh, Thống yếu kế đăng lục, Việt Nam Thuyền tôn thế hệ và quyển Le Bouddhisme An-nam des origines au XIII è siècle của Trần Văn Giáp tiên sanh. Còn về sách ngoài thì có bộ Quốc Triều tiền biên. Chánh biên, Lịch sử nhân vật chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt ký, Đại Nam nhất thống chí, Việt Nam sử lược v.v... Tóm lại những sách vở hoặc báo chí gì đã dùng làm tài liệu để kê cứu trong khi viết sách này, chúng tôi đều có kê vào mục sách tham khảo rõ ràng để tiện độc giả khi muốn xét lại điều gì. Tiếc vì không gian quyển sách này có hạn và mọi phiền tạp trong sự biên tập nên chúng tôi không thể đánh dấu hết sơ suất của mỗi chỗ được. Điều đó, tưởng độc giả cũng xét biết mà lượng thứ cho.

Nội dung sách này chia làm hai phần : Tự luận và Lịch sử. Phần Tự luận chia làm bốn chương. Trước hết thuật qua lược sử đức Thủy tổ Phật giáo và tình hình duyên cách Phật giáo ở ấn Độ, rồi đến Phật giáo ở Trung Hoa; địa thế nước Việt Nam, nguồn gốc và tinh thần người Việt Nam v.v... Về phần Lịch sử chia làm mười chương. Bắt đầu khảo xét Phật giáo từ khi mới du nhập, lần lượt qua các triều đại cho đến hiện đại.

Trong khoảng thời gian gần 2000 năm, sự bố giáo của liệt vị Tổ sư ra thế nào, tình cảnh thạnh suy của Phật giáo qua các triều đại ra thế nào, chúng tôi đều tham hiệp với tình hình chính trị, kinh tế của mỗi thời đại trong nước mà ghi chép rõ ràng kỹ lưỡng. Sau mỗi tôn phái lại có một bản đồ kê về thế hệ cho độc giả tiện bề tham khảo. Chúng tôi không dám tự nghĩ là đã hoàn toàn trong công cuộc khảo xét, nhưng với tài liệu xưa, chúng tôi cố tìm và cố chọn lấy những điều xét thật đáng tin. Chúng tôi không có xa vọng gì hơn là mong sách này nó chỉ là một cuộn đại quan về một thiên lịch sử, phận sự của nó là mở đường cho những cuốn Việt Nam Phật giáo sử sau nầy.

*

Chúng tôi vẫn nhận thấy khảo xét lịch sử là một công việc rất lớn lao, không phải riêng phần cá nhân mà đảm đương nổi. Riêng về Phật giáo, Thượng Chi tiên sanh cũng đã từng than : "Sưu tầm tài liệu để viết quyển Việt Nam Phật giáo sử là một việc rất khó" (4). Nhưng chúng tôi đã đem hết nhiệt tâm, nhận lấy một trách nhiệm, trong ba, bốn năm nay với sự yếu đau, với những khi mệt nhọc, chúng tôi vẫn cố gắng quyết đeo đuổi một mục đích : Phụng sự Phật giáo.

Trong sự biên tập cũng nhờ có nhiều thiện hữu tri thức đã giúp cho tôi, hoặc về tài liệu, hoặc biên chép hay cho những đoạn Pháp văn có quan hệ đến lịch sử Phật giáo. Tiếc rằng không thể ghi hết được, vậy xin các bạn hoan hỷ nhận lấy ở đây, lòng thành thật cảm ơn của tôi.

Và chúng tôi rất trông mong các bậc Đại đức trong các Sơn môn cùng các học giả, cư sĩ trong nước, sau khi quyển sách này ra đời nếu được may mắn nằm trên tay quí ngài, như còn chỗ nào sai lầm khuyết điểm, xin quí ngài vui lòng chỉ giáo lại cho. Chúng tôi rất chân thành cảm tạ.

ĐIỀU NGỰ TỬ MẬT THỂ

Viết ở Trúc Lâm - Huế

Giữa mùa Xuân năm Quí Tị

(Phật lịch : 2506 - Tây lịch : 1943)

(1) Ngô bổn lai bất thuyết nhất tự. Đồng với tư tưởng này Lão Tử nói: "Đại biện nhược nói"

(2) Ngày xưa sự khắc bản in sách rất khó, nên ai có làm được quyển gì chỉ để đựng trong nhà, ít khi có dịp in thành sách mà công bố cho đời.

(3) "Xú đồ thành trệ, phất Tổ thành oan" Câu thoại đầu của Thiền tông... "Kim triệu nguyện môn hoàn gia lý, hà tất bôn man vân tổ tông" - tổ Liễu Quán.

(4) Phật giáo lược khảo - Nam Phong 40 (Mà cũng khó thật, sách vở nước ta ngày xưa ghi chép hết sức lan man. Đến cuối đời Trần lại bị người Chàm kéo vào cướp đốt khắp nơi; đời Hồ lại bị tướng Minh thu hết cả sách vở đem về Kim lăng (Trung Quốc) trước khi Gia Long phục quốc lại phải mấy năm chiến tranh với Tây Sơn nên sách vở và bia ký các chùa cũng đã tiêu tán mất nhiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro