Ánh chiều

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Việc chuyển đến nhà mới thật chẳng dễ dàng gì, nhất là với một đứa vừa chân ướt chân ráo bước ra khỏi tổ ấm của ba mẹ như tôi. Nói thật thì quá trình này có cho phép tôi tận hưởng chút hương vị vinh quang của tự do, nhưng núi công việc chồng chất chẳng cho tôi nếm nó lâu. Tôi bận túi bụi, đến khi cái giai đoạn cuối cùng là chuyển dời đồ đạc lết tới gần thì tôi đã kiệt sức chẳng muốn nhấc tay nhấc chân nữa. Nhưng vì tương lai tốt đẹp trong ngôi nhà mới, tôi buộc phải vực mình dậy.

Mệt mỏi nhất nhì trong cái giai đoạn này là phải đối phó với mấy công ty vận tải. Nhà không khá giả gì nên tôi đặc biệt cẩn thận khi giám sát họ chuyển các thứ sa-lông, bàn ghế, lỡ gãy đổ một thứ thôi cũng khiến tôi khóc thét. Đến cuối ngày, vẫn còn lại cái tủ sách ở nhà ba mẹ tôi, và tôi thì hết muốn gọi thêm chiếc xe tải nào.

Giải pháp cuối cùng của tôi là thuê xe ba gác. Những hàng xóm quanh nơi tôi dọn đến giới thiệu cho tôi dì Ánh, một người đạp xe hay "cắm chốt" dưới gốc cây điệp đầu hẻm. Dịch vụ của dì Ánh không phải là tốt nhất hay duy nhất, nhưng hoàn cảnh dì tội nghiệp, tính dì lại thật thà chân thành nên người trong khu phố muốn giúp đỡ dì. Tôi cũng có hảo ý như vậy mới đến gặp dì. Lúc đó trời đã xế chiều, nắng chang chang, nhưng tôi không màng. Ngày mai là chủ nhật, tôi muốn làm cho xong bữa nay để có thời giờ nghỉ ngơi.

Dì Ánh là một người phụ nữ nhỏ nhắn và khắc khổ. Thoạt nhìn, tôi không nghĩ dì có thể lái được chiếc ba gác cồng kềnh, cho dù xe có gắn động cơ đi nữa. Nhưng chẳng hiểu sao lúc dì nhanh nhảu dắt xe, đạp máy, rồi bảo tôi ngồi lên yên sau, tôi tin ngay. Đi cùng dì là một thằng nhóc cỡ mười hai tuổi, đầu cạo trọc, đội nón vải rộng vành. Nét mặt thằng nhỏ xanh tái, da nó căng trên khung xương còm cõi, hai lòng bàn tay chai sần và lấm chấm những vết bẩn. Tự nhiên tôi đâm ra ái ngại.

Một điều nữa mà tôi nghe mấy người hàng xóm dặn, là muốn thuê dì Ánh chở đồ thì hãy cố làm sao để mình đừng là người khách hàng cuối cùng. Cái "luật" này tôi không hiểu cho lắm, và rốt cuộc thì tôi cũng không thể nghe theo. Cả buổi sáng lẫn trưa tôi phải bám theo mấy chiếc xe vận tải, không có đủ thời giờ tìm đến dì. Nhưng tôi nghĩ, không sao, chỉ cần dì Ánh không phật ý là được rồi.

Dì Ánh quả nhiên chẳng lấy điều này làm bận lòng. Gặp tôi, dì chỉ niềm nở chào hỏi, rồi xin tôi địa chỉ. Tôi nói tôi muốn đi theo để đảm bảo cái tủ về tới nhà toàn vẹn, dì cũng chẳng phản đối. Chiếc xe ba gác sơn một màu xanh dương nhức mắt thế là rồ ga, len giữa những đoạn hẻm vắng ngang dọc trước khi tuôn vào đường lớn đông đúc xe cộ.

Cái nóng buổi chiều hôm đó thật quá sức tưởng tượng. Ông mặt trời cứ thả từng bựng nắng chang chang xuống như người nông dân phun thuốc diệt cỏ, mặc kệ ráng đỏ đã bắt đầu len lỏi dâng lên từ phía chân trời. Đường đi lại ít có bóng cây che nên trong thoáng chốc, hai bàn tay tôi đã đỏ lơ đỏ lưỡng. Đó là chưa kể bụi đường cứ mịt mù trước mắt mũi, tôi đã đeo khẩu trang rồi mà vẫn có cảm giác các xoang họng mình bị lấp đầy. Nhưng trông dì Ánh sao mà dửng dưng trước cái thời tiết quái quỉ này. Ở những đoạn kẹt xe đông đúc, dì thủng thẳng rà chân xuống mặt đường, nắm tay thằng con bóp nhẹ. Suốt chặng đi như vậy.

Tủ sách nhà tôi không lớn. Tôi thở phào khi nhận ra sau khi ràng nó lên xe, vẫn còn chỗ để thằng nhóc ngồi xuống. Mà nó thì cần nghỉ ngơi lắm chứ, bởi vì tôi để ý ngay khi phụ mẹ nó chất đồ, cái chân của nó cứ đi cà nhắc.

Trên đường về, thằng nhỏ bất chợt nói:

- Anh biết không, chiếc xe của mẹ em có thể bay được đấy!

Tôi chớp mắt, tưởng mình nghe nhầm.

- Xe bay?

- Xe có thể bay khắp nước trong vòng một ngày đêm! Phải không mẹ?

Tôi ngồi đằng sau, không thấy nét mặt dì Ánh, nhưng giọng dì vang lên vui vẻ:

- Đúng rồi. Con có nhớ là bữa nay con khởi hành từ đâu không?

Thằng nhỏ cắn môi, ngập ngừng:

- Ở... Ở Sa... Sa...

- Sa Pa! - Dì Ánh nhắc - Sa Pa giá lạnh với những vườn hoa đào, hoa ban lóng lánh sương buổi sớm. Lúc đó mặt trời chỉ mới ló nửa ở rặng núi phía đông, khung cảnh tuyền một màu xanh xám, nhưng không khí lại trong lành, mát mẻ như chính những giọt sương trên cỏ vậy. Con thức dậy trên chiếc giường rải đầy cánh hoa trắng hồng, hít thở hương xuân tươi ngọt, chuẩn bị cho chuyến phiêu lưu ngày hôm nay.

Nghĩ hai người họ đang đùa, tôi thận trọng thắc mắc:

- Nhưng hiện giờ đâu phải mùa xuân?

- Tại anh không biết đó thôi, chứ vương quốc Sa Pa là nơi mà mùa xuân luôn luôn hiện diện! - Thằng nhóc nhanh nhảu - Đó là nơi ở của nàng tiên xuân!

Dì Ánh tiếp:

- Con còn nhớ nàng tiên xuân cơ à? Hay quá! Lúc mẹ con mình sắp sửa bay đi, nàng tiên đã biến nơi ở cũ của con thành một vườn hoa hồng ngát hương! Cô ấy chuẩn bị một giỏ đầy của ngon vật lạ, và cả cuộn giấy trắng chuẩn bị cho con học những bài phép đầu tiên!

Đến đây thì tôi ngờ ngợ hai mẹ con này không được bình thường cho lắm. Nhưng những mộng tưởng giữa ban ngày của họ chưa làm hại gì đến tôi, nên tôi chỉ im lặng để mặc họ huyên thuyên.

- Hình như... đi cùng tụi mình còn có một chú mèo trắng nữa mà mẹ? Chú ta đâu rồi?

- Mẹ sắp kể tới đó rồi. Sau khi rời khỏi Sa Pa, chúng ta bay đến vịnh Hạ Long, là nơi ở của giống loài rồng mạnh mẽ nhất thế giới. Chúng ta đáp xe tại ngọn núi của Thần Rồng, xung quanh là bốn bề nước xanh ngọc bát ngát, nối kết với bầu trời thiên thanh bằng những núi đá xám rợp bóng cây trù phú. Con được mời vào một ngôi đền xây bằng vàng ròng, được học những câu thần chú đầu tiên do chính Thần Rồng truyền dạy.

Ánh mắt thằng nhỏ sáng rỡ, nhưng rồi nó khuỳnh tay:

- Con nhớ là Thần Rồng chẳng tốt với con chút nào.

Dì Ánh bật cười:

- Ừ, bà ta hơi nghiêm khắc, nhưng tất cả cũng chỉ để con tiến bộ thôi. Con nhớ không, chính bà ta đã giao nhiệm vụ cho con trèo lên đỉnh ngọn núi Âm Nhạc, và đàn lên bài ca của ánh bình minh. Khúc nhạc đó làm tất cả cư dân quanh vịnh phấn chấn hơn, khởi động ngày mới trong tâm trạng rạo rực. Có điều... chúng không ngăn nổi những đứa trẻ xấu.

Thằng nhỏ dường như nhớ được điều gì. Nó cụp mắt xuống:

- Có phải là những đứa cướp chú mèo trắng của con hay không?

- Mèo Trắng tự nguyện ở lại, con à. Chú rất can đảm, chống lại những đứa trẻ xấu lúc con tìm đường lên ngọn núi. Móng vuốt của chú đẩy lùi bọn chúng, nhưng sau một cuộc đấu tranh dài đằng đẵng thì sớm muộn gì chú cũng bị thương thôi. Chú chấp nhận ở lại trong hang núi nở đầy những tai nấm màu tím, hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại con.

- Rốt cuộc đâu có gặp lại...

- Nhưng chú đã cho con hòn ngọc sáng để giúp con tìm đường trong đêm tối. Nhìn xem. - Dì Ánh chìa cái gì đó ra cho đứa nhỏ mà tôi không nhìn rõ - Mèo Trắng đưa tận tay mẹ nè.

Mặt mày đứa nhỏ giãn ra, có vẻ đã hơi tin lời nói của người mẹ. Nó thu chân lên:

- Sao mẹ không kể gì về mẹ hết vậy? Mẹ cũng đi cùng con mà?

Dì Ánh dịu giọng:

- Tất nhiên, nhưng vai trò của mẹ chỉ là người chạy xe mà thôi. Con là hoàng tử của cỗ xe vượt ngàn dặm, và sứ mạng của cuộc đời mẹ là đưa con đi đến tận góc trời cuối cùng. Đôi khi... mẹ không hoàn thành được nó, nhưng mẹ rất là trân quý những chuyến hành trình đã thôi thúc con làm điều tốt, những thử thách mà con vượt qua.

Đến đây, tôi dường như nghe thấy tiếng khụt khịt mũi từ dì Ánh, nhưng rất nhanh, dì đã lấy lại giọng kể chuyện ngân nga:

- Kế tiếp, chúng ta đi đến Huế vào lúc xế trưa. Trời ở Huế chuyển mưa rất nhẹ, những hồ sen bát ngát đón chờ bước chân con tới. Mẹ đáp xe bên thành lũy cổ, nghe văng vẳng từ con sông Hương tiếng hò thật êm dịu. Đó là nơi con được tặng thanh bảo kiếm đó, con nhớ không?

Thằng nhóc cục cựa người, nhìn nhỏi quanh thùng xe.

- Tiếc là con không đem theo bảo kiếm. Đó là thành quả sau chiến công đánh cướp của con. Ngay khi vừa bước chân xuống mảnh đất Cố Đô, con bị năm, sáu kẻ vì ghen tức tiếng tăm của con mà xúm vào gây hấn. Một mình con chống lại chúng chỉ bằng những câu thần chú mà Thần Rồng chỉ dạy. Nhìn con thoăn thoắt bay nhảy giữa làn binh đao của kẻ xấu, mẹ hồi hộp gì đâu!

- Thế rốt cuộc con có thắng hay không?

Dì Ánh vò nón nó:

- Không thắng thì làm sao mẹ con mình tới đây được?

- Tại... tại vì con nhớ... - Thằng nhóc bỗng ngắc ngứ - Con nhớ là cái chân con bị thương vào lúc này...

Hai tay nó ôm lấy cổ chân, mặt se lại khiến cả tôi cũng ái ngại.

- Chỉ là một vết thương thôi, con à. - Dì Ánh lay vai nó - Mỗi vết thương trên người con là một chiến tích hào hùng sau những cuộc phiêu lưu ly kỳ. Con vì không muốn người dân quanh thành bị kẻ xấu quấy rối, nên đã đương đầu với chúng không chút chần chừ. Con xem, ngay cả quan giữ thành cũng rất ngưỡng mộ tài nghệ của con, tặng cho con thanh kiếm khảm ngọc lam vô cùng quý giá, và cho con vào nghỉ ngơi trong cung! Tại đó, con đã gặp công chúa!

Thằng bé ngẩn ra:

- Công chúa... Phải rồi! Là công chúa đã tặng cho con cái hũ chứa những vì sao?

Lựa lúc xe đang dừng đèn đỏ, dì Ánh vỗ tay bôm bốp. Dì nói:

- Mẹ mừng vì con đã nhớ được cô ấy! Mẹ vẫn còn giữ hũ sao trong phòng con đấy!

- Thế còn lão Sói thì sao hở mẹ?

Dì Ánh đột nhiên im lặng. Tôi tưởng tượng câu hỏi của đứa trẻ đã lau mất nụ cười trên khuôn mặt dì.

- Con... không có lão Sói nào hết đó, con à...

- Mẹ có kể về lão hồi sáng, con nhớ rõ ràng! Lão đến cung điện để gặp mẹ, đòi đánh mẹ. Lão ác lắm, cả người nồng nặc mùi xú uế của tà khí. Nhưng lão rất mạnh. Con không đánh bại được lão, mẹ à. Con xin lỗi...

- Không con. Đôi khi bỏ chạy lại là điều tốt nhất cho chúng ta. Con dũng cảm lắm. Cũng vì con nhanh chóng báo cho mẹ biết mà mẹ con mình mới kịp bay đến Phan Thiết, đến nơi ở của Chúa Đảo. Đó là một vùng biển bát ngát, cát vàng ruộm, gió bạt ngàn, tiếng rì rào của sóng như tiếng ru trong tâm khảm vọng về. Chúa Đảo đem con đến tòa lâu đài làm bằng vỏ sò ngũ sắc, tiếp tục dạy cho con những câu thần chú tuyệt vời nhất. Con nhớ không, có một lần con tạo nên được núi lửa đó! Một ngọn núi lửa bé nhỏ, mang lại niềm vui cho bất cứ ai nhìn thấy...

Nhưng đứa trẻ dường như không còn nghe mẹ nó nữa. Nó co ro trong góc thùng xe, mồ hôi bắt đầu rịn ướt bên dưới vành nón vải. Tiếng thở của nó dồn dập:

- Đây là lúc con bị bắt cóc...

- Không phải đâu con! - Dì Ánh van vỉ, hai tay dì vịn vào tay lái xe, những đốt tay tái trắng - Nơi con được đưa đến chính là Thủy Cung! Vua Thủy Tề nghe danh tiếng của con nên triệu con về, còn cho con biết bao nhiêu ngọc ngà, châu báu!

- Châu báu mà con bị bắt phải uống...

Dì Ánh vòng một cánh tay quanh vai nó, rối rít:

- Con nghe rõ từng lời của mẹ nè! Những người đó luôn luôn giúp đỡ con, luôn luôn muốn tốt cho con! Con được họ ban tặng chiếc áo choàng xanh có thể hấp thụ mọi đòn đánh của đối phương, và được cho ở trong một căn phòng nguy nga, tráng lệ dành cho vua chúa! Mẹ đã ở cùng con suốt quãng thời gian đó!

Lúc này, chiếc xe đã rẽ vào những con đường thưa thớt cuối cùng trước khi chạm tới đầu ngõ có cây điệp. Tốc độ xe chạy chậm hẳn, và trên đường không có đủ người để hối thúc dì Ánh rồ máy cho nhanh. Tôi không thấy phiền hà chút gì về điều này, bởi chính tôi cũng biết thằng bé đang rất cần mẹ nó an ủi. Nó cuộn người hẳn lại như một con nhím nhút nhát, cơ thể run rẩy còn những ngón tay trắng nhợt thì bấu vào cái nón nhàu nhĩ:

- Nhưng còn... cỗ máy...

- Đó là... lò rèn luyện pháp thuật! Vua Thủy Tề chỉ cho những đứa trẻ gan dạ nhất, mạnh mẽ nhất bước vào trong, và... và công dụng của nó là làm nguồn phép trong con lớn dần lên, chống lại mọi hiểm nguy tác động lên con! Ừ, có thể là nó nóng, nó đau, nó khó chịu, nhưng nó chính là... chính là minh chứng cho sự kiên trì bền bỉ của con.

Đứa nhỏ dường như không còn sức ngồi dậy nữa. Dì Ánh đậu xe bên đường, leo hẳn vào thùng, để mặc tôi ngồi trơ trọi trên yên sau, sững sờ nhìn dòng nước mắt lăn dài trên má dì. Dì ôm đứa con vào lòng, gấp gáp nói bằng giọng run rẩy, mỏng manh, cố ép cho mình trở nên dịu dàng mềm mỏng nhưng mọi cảm xúc cứ ứa ra như nước trong chiếc bình nứt:

- Con ráng lên, đừng kể gì đến hiện tại. Con hãy nhớ về những chuyến đi rực rỡ sắc màu của con. Con nhớ không... có một người cá vảy trắng rất yêu mến con. Cô ấy dâng đến tận giường con toàn sơn hào hải vị, rồi kể chuyện cho con nghe, giúp con học bài, làm t... Ý mẹ là học phép thuật. Và con... con cũng tốt bụng biết bao nhiêu. Khi nghe nói rằng mẹ cô ấy cũng bị bệnh, con đã bỏ biết bao buổi tối xếp nên những con hạc. Mẹ biết những con hạc đó đã giúp cho cụ bà sống thêm nhiều ngày nữa...

- Mẹ ơi... con đau...

Hai bàn tay tái xanh của đứa nhỏ bấu lấy lưng mẹ nó. Ánh chiều tàn nhẫn đổ dài trên cái áo lấm bẩn của dì Ánh, phập phồng theo tiếng thở dì. Dì siết nó vào lòng, cúi người phía trên nó, giằng nó khỏi ráng chiều bỏng rực:

- Không sao đâu con. Mẹ biết mà. Đau... đau chính là cái cảm giác cho con thấy rằng con vẫn còn sống, vẫn còn mạnh mẽ đương đầu với tất cả những gì cuộc đời đem lại. Con không cần phải nghĩ về nó, chỉ cần tập trung vào giọng nói của mẹ.

Cảnh tượng trước mắt làm tim tôi thắt lại. Tôi quính quíu nhảy xuống xe, nhớn nhác nhìn quanh con đường vắng:

- Hay... hay con kêu người giúp... Con kêu cứu thương...

Nhưng không một ai có mặt trên đường, hay qua những ô cửa sổ để mà tôi kêu. Ánh hoàng hôn vàng vọt nhuộm sắc độ héo úa lên toàn bộ những tòa nhà, vỉa hè hoang vắng, và cái nóng len lỏi vào tận phổi tôi, trói chặt tôi vào cái hiện thực hư ảo kế bên người phụ nữ lạ lùng và đứa con của dì ta.

Dì Ánh tiếp tục thủ thỉ vào tai thằng nhỏ đang quằn quại:

- Không sao đâu con. Con cứ ngủ đi. Không sao đâu.

Tay chân khẳng khiu của đứa bé quơ quào vào không khí như muốn bám víu tận những sợi nắng cuối cùng. Âm thanh ọc ra từ cổ họng của nó không còn là tiếng kêu khóc nữa, mà là những tiếng nấc nghèn nghẹt như có ai xoắn lấy thanh quản nó.

Một hồi sau, người nó lịm đi.

Dì Ánh nhẹ nhàng đặt nó xuống, vuốt mắt cho nó, đắp chăn cho nó, rồi đứng lên, nhìn tôi bằng đôi mắt ướt.

- Thành thật xin lỗi con vì đã để con nhìn thấy cảnh đó. Lẽ ra dì đừng nên chở con đi thì hơn, nhưng mà dì còn phải kiếm sống nữa. Mặc dù... - Ánh mắt dì lại lướt lên mặt đứa con - Chắc là dì sai rồi. Làm thế này chẳng khác nào lừa dối nó, lừa dối cả cuộc đời của nó.

Tôi trơ người, không thốt nên lời.

- Bệnh ung thư xương. Vô cùng đau đớn. Những ngày cuối cùng của nó cũng từa tựa thế này, có điều thay vì một buổi chiều thì kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng... - Dì Ánh vuốt trán đứa nhỏ - Khoảng một năm trước, lúc nó lâm vào cảnh nguy kịch, dì chạy khắp các đền đài, cúng kiếng, cầu nguyện, nhưng rồi nó cũng trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện. Dì muốn đem nó về dưới quê chôn cất, nhưng... ngày hôm sau, nó sống lại trong nhà xác. Lành lặn. Khỏe mạnh. Có điều, nó không nhớ gì hết về cuộc đời trước đó của nó.

Tôi trân trối nhìn người phụ nữ, chẳng thể tin một lời nào đang lọt vào tai mình. Trong khi đó, dì Ánh cứ trôi theo hồi ức, trút hết nỗi lòng ra với tôi, mà tôi chẳng cách nào hồi đáp.

- Nhưng rồi dì nhận ra cái đang chờ đợi dì, chờ đợi nó không phải phúc lành, mà là một lời nguyền rủa. Thằng con dì... nó không sống đủ một ngày. Dì chứng kiến nó mở mắt ra, đi đứng, nói cười, rồi chết đi khi bầu trời sụp tối. Ngày nào cũng thế. Tệ hơn nữa là trong suốt vòng đời ngắn ngủi của nó, nó từ từ khôi phục lại trí nhớ của mình, những kỷ niệm từ thuở lọt lòng dàn dần chảy vào não nó, và theo đó là... tất cả mọi đau đớn, thương tật mà nó từng trải qua. Thời điểm hoàng hôn là lúc kinh khủng nhất. Nhìn nó thét gào, quằn quại vì căn bệnh hiểm nghèo ăn sâu vào tủy, dì không thể nào chịu được. Dì đâm ra sợ hãi ánh chiều là vì thế.

Dì Ánh nheo mắt ngắm những sợi mây hồng kéo dài từ đường chân trời lởm chởm mái nhà bằng nét mặt pha giữa thương tâm và oán hờn. Tôi đoán cả đời dì, dì không hận ai bằng những tia sáng ác độc đó.

- Hiện tượng này diễn ra đến giờ đã trọn một năm. Nó sống lại cùng ban mai, và chết đi theo màu đỏ của ráng chiều. Thoạt đầu dì cứ tưởng cơn đau sánh đôi cùng ký ức, nên dì không dám kể lại chuyện đời cho nó. Nhưng dù dì có làm thế nào đi nữa, ký ức của nó cũng một mực đòi quay lại. Thế nên dì nghĩ ra cách biến những ký ức đó thành những câu chuyện phiêu lưu mà nó từng mê mẩn, rồi ngày qua ngày kể cho nó nghe, thuyết phục nó thay thế mọi đau thương bằng những cuộc phiêu lưu thú vị. Câu chuyện dì kể có nhiều chỗ tương khớp với đời thật của nó, đấy là vì dì không thể nào đánh lừa ký ức trong đầu nó một cách hoàn hảo. Dì chỉ cần giữ sự tương thích đó ở mức chừng mực, để nó tin rằng cái tai nạn xe làm chân nó bị tật là do nó đánh cướp bảo vệ dân lành, rằng cây gậy cô hàng xóm tặng cho nó là thanh kiếm, rồi buổi diễn văn nghệ, cuộc thi khoa học... Và... và dì muốn nó nghĩ rằng nó không cảm thấy đau trong giai đoạn cuối đời.

Cuối cùng, dì nhìn tôi, thở dài:

- Đây có lẽ không phải là lối giải quyết hoàn hảo nhất. Nhưng số phận đã nghiệt ngã thế này với nó rồi, dì chỉ biết ôm những câu chuyện của mình mà lăn theo. Nhìn nó vui vẻ đắm chìm trong những lời nói dối trắng trợn của dì, dì thấy vừa ấm lòng vừa hổ thẹn, nhưng dì chỉ cần nó cười mà thôi. Mỗi lần ánh mắt nó ngước lên chờ dì kể chuyện, dì vui lắm, bởi mặc dù nó quên hết tất cả mọi thứ khi ánh mặt trời mọc lên, điều duy nhất nó không quên chính là mẹ nó.

Tôi chào tạm biệt dì Ánh khi nắng gần tắt hẳn, sau khi cùng dì khuân tủ sách vào nhà. Tôi không vội đóng cửa lại mà cứ thừ người đứng trước hiên, dõi theo bóng dì đang ôm đứa bé vào căn nhà tồi tàn dưới gốc cây điệp. Cuối cùng, khi con đường hoàn toàn bị ánh sáng nhân tạo của những ngọn đèn nuốt chửng, tôi mới quay trở vào, đầu lẩn thẩn nghĩ đến ngày hôm sau. Tôi biết chắc rằng khi bình minh ló dạng nơi chân trời, đứa bé kia sẽ lại tỉnh dậy trên chiếc giường đầy hoa của nó...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro