Bọt nước

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ nhỏ, không biết bao nhiêu lần Tâm được ba mẹ dẫn đến thăm thủy cung Bảo Dương.

Thủy cung chỉ nằm cách nơi cậu ở có vài mét, rẽ vài khúc quanh là đến được ngay. Mặt tiền nó chỉ bằng một ngôi biệt thự khá khang trang quay mặt nhìn hẻm rộng tươi nắng. Toàn bộ bên trong tòa nhà là một khối vuông vức bị cắt xẻo bởi hàng chục vách ngăn phân chia giữa hàng tá khu trưng bày. Nhưng cái khiến cậu mê mẩn chính là những bể thủy tinh cao từ sàn tới trần, hùng vĩ, xanh bát ngát, như những khối đá quý gọt đẽo từ chính lòng đại dương.

Không biết bao nhiêu lần Tâm được chìm đắm trong thiên đường màu ngọc lam ấy, trầm trồ thích thú khi ngắm nhìn hàng nghìn loài vật đủ sắc màu bơi lượn trong những lồng kính.

Và cũng không biết bao nhiêu lần cậu đứng lại trước cái bể hình trụ to lớn ngay giữa toà nhà, nơi người ta trưng bày các loài động vật quý hiếm nhất, vĩ đại nhất.

Cho đến tận bây giờ, Tâm vẫn không biết người chủ thủy cung lấy những sinh vật đó từ đâu, và làm cách nào họ thả chúng vào giữa lòng thành phố xô bồ. Trí óc non nớt của cậu bé chỉ mải mê in hằn hình ảnh của biết bao loài cá lớn nhỏ. Chúng bơi lướt ngang con người, khi hờ hững, khi lại giương mắt lên nhìn họ qua lớp kính dày như nhìn vào một thế giới khác. Nhưng đối với trẻ con, không hề có một lớp kính nào cả. Trẻ con tận dụng trí tưởng tượng đa sắc của chúng để phá xuyên qua tấm màn ngăn giữa hiện thực và mộng tưởng. Chúng thấy mình chạm vào những loài cá xinh đẹp kia, sung sướng như vừa bắt được một vì sao rơi. Chúng nâng niu bằng mắt những cụm san hô xanh đỏ nở rộ như một vườn hoa được chính thủy thần vun trồng. Chúng bơi giữa đại dương và nhảy múa với những con sứa trong giấc mơ đêm đẹp đẽ nhất.

Tâm cũng từng yêu thích một chú cá voi con trong cái bể hình trụ. Cậu đã áp bàn tay lên mặt bể để tưởng tượng mình đang ve vuốt một loài vật nuôi, rồi bắt gặp mình đuổi theo chú cá voi trong cơn mơ, đắm chìm vào một phiên bản của biển cả mà đối với cậu dịu dàng hơn rất nhiều so với đời thật: không sóng, không gió, lặng im như một chú mèo đang phơi nắng, chỉ chứa trong lòng muôn vàn loài vật vô hại và những dòng hải lưu lấp lánh tựa sông Ngân.

Nhưng vào năm cậu lên mười tuổi, người ta dời con cá voi đi – có lẽ nó đã quá lớn so với bể chứa. Kỉ niệm của Tâm về loài vật đó cũng dần phai nhạt, chỉ còn lại chút luyến tiếc của một người bạn đã đi xa. Nhưng cậu không thấy buồn lâu, bởi thế vào chỗ của chú cá voi là một sinh vật có lẽ tuyệt diệu hơn gấp ngàn lần.

Tâm đã nhìn sinh vật đó lớn lên. Thoạt đầu nó chỉ là một đứa bé với khuôn mặt thanh tú và đôi mắt to hay trốn trong rặng san hô khổng lồ mỗi khi thủy cung lên đèn. Làn da của nó tái xanh, nhưng không phải thứ sắc xanh bệnh tật của con người, mà là của bạch ngọc được dìm dưới biển sâu. Mỗi lần sinh vật vạch đám rong bơi ra là một lần Tâm tưởng như nhìn thấy một vầng trăng mọc nơi đáy nước; thứ ảo giác kỳ lạ của biển khơi khiến màu da nó trông như phát ra một thứ ánh sáng dịu dàng chộp lấy hàng chục cặp mắt quan khách, và Tâm nghe thấy những tiếng trầm trồ không kìm nén vây lấy cậu. Trong những lúc hiếm hoi đó, ánh nhìn của cậu dõi theo cái hình hài bé bỏng đang chới với trong bể cá rộng lớn một cách thật tự nhiên, và tay cậu chạm nhẹ vào mặt kính, để mặc cho trí tưởng tượng của trẻ thơ đem cậu đến cái thế giới thần tiên đằng sau lớp thủy tinh nọ.

Lớn hơn một chút nữa, sinh vật đã có thể rời khỏi đám san hô khổng lồ mà làm chủ khối nước mênh mông con người đã hào phóng dành tặng cho nó. Bờ vai nó săn chắc hơn, hai cánh tay chuyên lùng bắt cá nhỏ trở nên cứng cáp, chiếc đuôi dài được lớp vảy óng ánh phủ lên như một thứ trang sức bình dị của tạo hoá đã có thể uốn lượn thuần thục và rẽ nước thành những dòng hải lưu uyển chuyển. Nó đã trở thành vị quốc vương uy quyền của bể cá hình trụ, ngày đêm quyến rũ mọi tạo vật quanh mình bằng những vũ điệu mê hoặc mà chính nó cũng không ý thức được mỗi khi tìm kiếm con mồi.

Đó là sinh vật đẹp đẽ nhất Tâm từng thấy.

Và không biết từ hôm nào, từ giây phút nào, khoảnh khắc nào, Tâm đã quyết định đến thủy cung vào mỗi cuối tuần.

Cậu ở lại thật lâu, đến khi khách viếng thăm đã về gần hết chỉ để đứng nơi bể cá lớn nhất, say sưa nhìn theo bóng sinh vật đang quẫy lượn. Ngày này qua tháng nọ, cậu lớn lên cùng nó.

Có lẽ sinh vật cũng nhận ra cậu. Nó lặn xuống, lặn rất sâu, đến tận đáy bể và để thân hình ngang tầm Tâm, đôi mắt xanh thẳm nhìn vào gương mặt ngây ra của cậu.

Lần đầu tiên Tâm quan sát nó ở cự ly gần, cậu đã tưởng mình đang thấy lại những giấc mơ tuyệt mỹ nhất đã lần lượt theo tuổi ấu thơ mà rời bỏ cậu. Lớp vảy bạc rải rác trên trán, má và hai vai sinh vật óng ánh như kim sa. Những ngón tay xương xương của nó được nối nhau bằng màn mỏng. Đồng tử nó sáng rỡ lạ thường, như hai vì sao ai đánh rơi trong đáy mắt. Sinh vật có khuôn mặt của một con người khoảng tuổi Tâm, đẹp đẽ nhưng mỏng manh, từa tựa vẻ đẹp của một bức tranh kính.

Sinh vật lượn lờ trong bể chứa suốt quãng thời gian khách khứa đến xem. Khi chỉ có Tâm, nó mới chịu thả người bồng bềnh một chỗ, hai bàn tay ịn lên kính và nhìn trân trân vào cậu thiếu niên, như chờ đợi điều gì.

- Chào. - Tâm thường nói. Sau một vài lần như vậy, sinh vật đã biết cách mấp máy môi theo đúng cái từ trên.

Ngoài cách đó ra, Tâm chẳng biết phải làm gì để trò chuyện với sinh vật. Những cuộc gặp gỡ mỗi cuối tuần thường kết thúc bằng cảnh cậu đứng huyên thuyên với nụ cười dịu dàng trên môi, kể về đủ thứ chuyện ở thế giới con người mà cậu muốn cho sinh vật biết. Chẳng rõ nó có hiểu những gì cậu nói hay không, nhưng cậu thầm hy vọng là có. Cậu linh cảm rằng giữa cậu và sinh vật kỳ lạ này tồn tại một mối liên hệ vô hình, vừa lý trí lại vừa cảm tính. Nó hiểu được tất cả những gì cậu đang cố truyền đạt, và ngược lại, mỗi lần sinh vật nhìn cậu, cậu thấy như có một dòng suối ấm áp chảy qua tim.

Tâm không thể ở lại lâu, nhưng những lần gặp gỡ giữa cậu và sinh vật như mưa dầm thấm đất. Sinh vật có một đôi mắt biết nói, và dần dần Tâm đã đọc được trong đó mọi thứ cảm xúc khác nhau: buồn bã, hạnh phúc, đau khổ, yêu thương, hay tất cả cùng một lúc. Và cậu thấy bất an về chuyện này.

Cậu đặt tay lên kính, áp lên bàn tay sinh vật, và nhận ra khoé miệng nó đang hé mở.

Mặt kính lạnh và vô tri.

Tâm chớp mắt. Không biết có phải do cậu tưởng tượng hay không, nhưng dường như sinh vật đang run rẩy. Như một biến thể của chính đại dương, khuôn mặt nó vẫn bình thản, nhưng đôi mắt lại mở to như hai mảnh gương trong màu xanh nước biển mà qua đó Tâm thấy được một cảm xúc mới: sự khao khát. Sinh vật tội nghiệp khao khát được tiếp xúc với con người, hay đúng hơn – với Tâm, một thực thể giống như nó, với đôi bàn tay như nó, khuôn mặt như nó, thân trên như nó, và là thứ đầu tiên trên đời chịu gắn kết với nó.

Những ngón tay run rẩy dưới bàn tay cậu, cào vào mặt kính.

Tâm chồm tới trước. Có lẽ cậu chỉ bị ảo giác, nhưng làn da cậu cảm nhận được sinh khí toả ra từ sự hiện diện của sinh vật. Cứ như mặt kính rắn chắc nọ chỉ là một mẩu giấy mỏng đang bị nước biển thấm ướt.

Có một cơn bão tràn qua tim cậu.

Thoạt tiên, trong Tâm bùng lên một ước muốn điên rồ, rằng giữa cậu và sinh vật kia sẽ không có bất kỳ lớp kính nào, khối nước nào. Rằng cậu sẽ được chạm vào làn da chắc hẳn là rất mềm mại và lạnh lẽo của nó, được nắm tay một sinh thể diệu kỳ bằng xương bằng thịt, chứ không phải qua tấm kính tàn nhẫn này. Và hơn hết, rằng nó sẽ được tự do nơi thế giới rộng mở ngoài kia, chứ không phải bị giam hãm tới mức chỉ biết đến một đại dương bé bằng cái lồng hình trụ, vĩnh viễn cuộn mình trong những giấc mơ vô thực của lũ trẻ cho đến khi thời gian phũ phàng xoá đi sự tồn tại của nó.

Tâm muốn phá vỡ lớp kính, muốn đến mức tim cậu như bị ai bóp nghẹt và những đầu ngón tay cậu trắng bệch ra vì bấu quá chặt.

Sinh vật này giống như một con người... Không, nó là một con người! Cái gương mặt đó, đường nét đẹp như vẽ đó, đôi mắt, bờ môi, sống mũi đó trông người hơn hết thảy nhân loại! Tâm không thể tưởng tượng được ai đã nhẫn tâm cầm tù nó, và điều này khiến ruột gan cậu quặn thắt. Trong vô thức, cậu áp trán mình lên kính, để khuôn mặt được gần với sinh vật nhất, như thầm mong hơi ấm từ người cậu có thể làm tan chảy cả thủy tinh, và thì thào:

- Đừng lo. Tớ sẽ đưa cậu ra khỏi đây. Cậu sẽ được tự do.

Đó giống như cảm xúc nhất thời đang cất tiếng, chứ không phải một lời hứa từ lý trí. Bởi vì trong thâm tâm, Tâm cũng biết điều này là không thể.

Thế nhưng, đằng sau lớp màn sương mà hơi thở cậu để lại trên kính là gương mặt của sinh vật chỉ cách cậu có vài xăng-ti-mét.

Một nụ cười vẽ ra trên môi sinh vật.

(Tâm chưa bao giờ thấy nó cười.)

Nhưng thứ hào quang rạng ngời ảo tưởng chỉ đậu trên khoé mắt bờ môi của nó có một chút thôi, rồi tan biến. Nó vẫn cười, nhưng đó là một nụ cười buồn. Buồn đến mức Tâm ước gì mình chưa bao giờ nói những lời trên.

Khoé mắt nó long lanh như có vài giọt pha lê vừa rơi ra, tan trong dòng nước lạnh. Tâm cứ tưởng mình nhìn nhầm.

(Phải rồi, những gì cậu vừa thốt ra nghe vô tình thế nào ấy. Giống như gieo một hạt mầm của hy vọng vào đất cằn rồi để mặc cho nó chết mòn đi theo tháng năm vậy.)

Đúng lúc cậu định mở miệng an ủi thì vẻ mặt của sinh vật lại đổi thay. Mắt nó như bật sáng và màn mây đen vừa nãy trôi đâu mất biến. Đôi mày nó chau lại. Môi nó mím thật chặt. Nó quẫy đuôi một cái mạnh rồi quay người bơi đi, khuất dạng trong đám huệ biển, để lại sau lưng một trời bọt nước đang vỡ ra như bong bóng xà phòng, một dòng pha lê lấp lánh hoà vào ánh sáng nhân tạo của bể chứa, và một Tâm đứng bất động trong sững sờ với hai bàn tay còn để trên kính.

Chính xác là hai tuần sau khi sinh vật biến mất, thủy cung mở cửa trở lại, và Tâm mới nghe được tin tức. Chủ thủy cung phát hiện một nhân ngư đang cố chui ra khỏi một đường ống nước dẫn ra sông. Nó cực kỳ hung dữ, phải hai ba người bảo vệ mới khống chế được tất cả sự giãy giụa và cào xé. Tuy thế, nó không chịu kêu lấy một tiếng, không chớp mắt lấy một lần, làn da khô cứng từ đầu đến bụng, chỉ trừ khuôn mặt vẫn loang loáng nước. Nó cố thoát ra khỏi đường ống bằng chiếc đuôi nay đã trở nên vô dụng, đôi mắt ướt mở trừng trừng như nhìn xuyên tâm can, hai cánh tay mảnh khảnh vùng vẫy cho đến khi không còn sức để cử động.

- Chẳng rõ ai đã dạy nó thoát ra khỏi bể chứa, nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là hành động theo bản năng. - Bà chủ bảo - Nó là một con vật không hiểu khái niệm của tự do. Nó không biết mình đang làm gì.

(Tâm thấy như từng tế bào trong cơ thể mình đang vỡ ra thành muôn vàn hạt cát nhỏ.)

Sinh vật quý hiếm nhất, giá trị nhất của thủy cung Bảo Dương được đem đi điều trị ở đâu đó, và sẽ không bao giờ trở về nữa. Người ta cũng không cho thêm sinh vật nào khác vào cái bể hình trụ. Khối nước xanh như được cắt từ đại dương cứ thế đứng im lìm trong ánh sáng nhân tạo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro