Tập 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

VỢ QUỶ
_______
Màn 1
_______
Phàm là hạ nhân, muôn đời đều muốn sân si hỉ nộ, thế nên mới nhận ra đời là bể khổ, lúc chào đời lại khóc tiếng oán than. Vì thế cao nhân đã từng dạy: "Đoạn tuyệt trần ai, nhất đoạn giác ngộ", ấy là để chúng sinh làm theo, thoát sân si ái ố mà tâm hồn thanh thản.

Than ôi, mấy người làm được như thế? Cái bản tính của con người vốn vị kỷ, dù cho lý trí không muốn thì cũng chẳng thoát nổi chốn u mê. Vậy nên dù cho có sống ở trần gian ngập ánh sáng, nơi ấy cũng chỉ là cõi U Minh.
______________

Xưa kia, tại vùng Kinh Bắc, tức Hà Nội ngày nay, có một gia đình họ Huỳnh sinh sống. Gia tộc này tài sản nứt đố đổ vách, họa chừng đủ mua cả đất Kinh Bắc. Người hầu kẻ hạ nườm nượp, khiến vua chúa cũng phải hổ thẹn không dám so bì. Tuy nhiên nhìn lại dòng dõi của gia tộc này khiến ai cũng phải cười khinh khỉnh, thậm chí còn xem mình là cao vọng hơn một bậc.

Nguyên là nhà này bắt nguồn từ Thượng đến, nghe đâu trưởng tộc là người Mường, xinh như đóa hoa dại, vì trót dại trong đêm tắt đèn gặp anh người Kinh, vướng tình không dứt ra được. Thế là lừa cha dối mẹ, bảo anh là người Mường xa bản nay trở về. Các cụ yên lòng, cũng cho theo tục ngủ thăm để dạm ngõ. Sau đó cả hai lợi dụng lúc ngủ thăm mà cho ong đi hút mật, ân ân ái ái tình tự bao ngày. Đến lúc đậu thai, anh người Kinh lấy cớ thi khoa bảng mà trốn mất, còn cô mang tiếng chửa hoang, bị đuổi khỏi bản. Có người nói cái anh người Kinh ấy cũng không trốn được bao lâu thì bị bỏ ngải, trong đêm tồng ngồng đi bộ từ dưới xuôi lên đến tận bản của người tình cũ. Đến khi tới nơi, anh này đã bị gai rừng cào khắp người, thịt lộ ra đỏ ỏm, đám sâu bọ cứ thế rúc vào mà không thể gỡ ra, khắp người lỗ chỗ là tổ của mấy con côn trùng ấy.

Cô gái Mường mang cái thai oan nghiệt kia đi khỏi bản, đã mấy lần căm phẫn đập bụng vào đá, lấy cuống lá ngón ăn vào để nôn cái thai ra. Chẳng hiểu sao mấy lần chẳng được, cái thai mỗi lúc một lớn, đành để vậy, đẻ ra rồi đem đi dìm sông. Lúc mang đứa bé còn nguyên dây cuống rốn ra đến bờ sông định thả xuống thì có anh lái đò gần đó, thấy cô xinh đẹp, lại nhìn mình chưa có vợ liền đưa tay làm phước, cả hai rổ rá cạp lại nên nghĩa vợ chồng, đứa trẻ may thay được anh thương nên còn sống.

Cả hai sống với nhau, rốt cuộc được vài năm lại sinh ra cãi vả chỉ vì cái nghèo đeo bám. Cô vợ nhớ lúc còn ở bản, mấy già làng thường ngồi cạnh nhau hút quả Mê Mắc, tức là quả anh túc theo cách gọi bây giờ, thở khà ra một tiếng thỏa mãn. Cô nghĩ loại quả ấy có thể bán được ở đây, liền đi lên Thượng, hái cả rổ to mang về phơi khô rồi mang ra chợ bán.

Thế nhưng người Kinh thích ăn trầu tôi vôi, nhuộm răng đen bóng chứ mấy ai hút cái thứ dị hợm không rõ hình thù kia. Đã thế nó còn hôi hám, lợm mùi phân chuột, vương trong họng là vị đắng nhằn nhẵn. Vì thế mà cả ngày chẳng có ai ghé thăm, nghèo lại hoàn nghèo. Lúc ấy lại có cái đám rước tượng Phật đi ngang qua, hương trầm bay phảng phất, ai nấy cũng hít hà, tranh nhau mua trầm về thỉnh. Cô vợ lại nghĩ ra cách mua số trầm ấy về, đem quả anh túc khô tán ra trộn vào. Lúc mua thì hai hào một nén, lúc bán cũng chỉ hai hào một nén, thế là hết sạch. Đến sáng, cả trăm người đổ xô đến mua trầm của cô, lúc này ba hào một nén, bốn hào năm xu một nén cũng không đủ mà bán.

Cái hiệu trầm Huỳnh Trinh ấy là của gia tộc này đấy, bán buôn cái thứ quái gở trêu ngươi thần phật kia, qua mấy đời tích lũy gia tài vô kể. Nhưng lúc ấy không ai chê cái thứ trầm kia, mà là chê cô gái bỏ cả quê, bán cả họ mà đổi tên sang người Kinh, không bao giờ nhận cái gốc gác của mình.

Cái gia tộc này ban đầu chỉ buôn bán trầm, đến đời thứ hai thì bất thần làm thêm nghề thuốc, mà chỉ bán độc một loại đó là xuân dược. Thứ thuốc này công hiệu vô cùng, tán ra cho vào đồ ăn thức uống, nữ nhân ăn phải lập tức trong lòng rừng rực như lửa đốt, tâm niệm phật nhưng cơ thể cứ muốn giao hoan, lao vào nam nhân như con thú hoang, đến lúc tỉnh lại thì thân thể đã bị vấy bẩn, đành theo kẻ đó mà làm vợ. Tiếng xấu đồn xa, nhưng thế lực Huỳnh gia quá lớn, lại sẵn sàng vung ít tiền bố thí xem như đền bù. Cái cảnh nghèo đeo bám, bậc phụ mẫu cũng sáng mắt vì kim tiền mà bỏ đời tử nữ. Tính ra cái nghiệp của gia tộc này quá lớn, đến mức quả báo cũng không xuể được. Nhưng thói đời, kẻ ác thì càng sống lâu, kẻ keo kiệt lại mau phú quý, thế nên Huỳnh gia mỗi lúc một giàu có, cứ ăn trên ngồi trốc, đè cổ thiên hạ mà hưởng thụ.
________________

Gia tộc này vốn đã chẳng tốt lành, nên con cháu cũng trở thành kẻ thị phi, tâm địa nham hiểm. Tuy trời cao không có mắt, nhưng cao nhân đã từng nói "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", thế nên đến đời thứ ba thì bắt đầu xảy ra chuyện kinh dị.

Nguyên con trai trưởng của nhà ấy là Huỳnh Thái Bảo, vốn là kẻ khó ưa, ngoại hình lại xấu xí nên dù gia tộc giàu có cũng chẳng ai dám gả con gái cho. Thế là hắn lao đầu vào tửu điếm, suốt ngày quện mùi son phấn của gái lầu xanh, họa hồ muốn lấy cảnh hoan dục mà che đi cái sự khốn nạn của mình. Nơi hắn thường đến là Nguyệt Hoa Lầu, chốn ăn chơi bậc nhất Kinh Bắc khi ấy. Hắn đến đây không phải vì có mỹ nhân bâu lấy xung quanh ve vãn moi tiền, mà hắn đến để được nhìn ngắm Nguyệt Nương, vốn là kỹ nữ chỉ bán nghệ không bán thân, tọa ở đỉnh lầu đánh đàn cho thi sĩ ngâm thi họa. Nàng ấy đẹp đến nao lòng, cái buồn man mác như đóa hoa mùa thu, muốn vương mà trời chẳng chịu. Tiếng đàn lại lay lắt xao xuyến, bao kẻ nghe xong chỉ muốn đục thủng lỗ tai để sau này không còn quyến luyến nữa.

Nói về Nguyệt Nương, vốn là con gái của nhà người tộc Hán, sau vì lộ thân phận, cả nhà tuyệt diệt, may nhờ nàng vốn là quốc sắc thiên hương nên bà chủ Nguyệt Hoa Lầu động lòng, chuộc ra mà không ép nàng bán thân, chỉ cần dùng tài nghệ thâu khách lữ hành, còn muốn theo ai thì cứ dùng bạc mà bà cho, tích cóp đủ thì tự chuộc mình đi theo người ấy.

Nhớ khi ấy, có chàng thư sinh nghèo tên Trần Giang, vì trót mê đắm tiếng đàn của nàng mà bao nhiêu của cải đều đổ vào, chỉ để có một ngày được nghe nàng ngâm khúc. Đến khi tiếng đàn nghe đủ, chàng trai ấy mới ôm đầu bật khóc.

"Phụ thân, mẫu thân, tội nhi bất hiếu…"

Nguyệt Nương thấy lạ mới gặng hỏi, thì ra chàng trai ấy khi vừa dứt cơn u mê, mới nhận ra thứ mình muốn chỉ là viễn vông, còn cha mẹ là người còn, lại chẳng có gì báo hiếu. Nàng bỗng cảm động, vì chàng trai ấy không si mê dại khờ khúc ngâm của nàng, mà còn có tâm thiện, biết đúng sai lễ nghĩa.

"Huynh đừng vậy, nếu muốn báo hiếu, chẳng phải huynh cần công thành danh toại, vinh quy bái tổ mà làm phụ mẫu hài lòng hay sao?"

Giang sinh nghe vậy, cho là phải, bèn dứt áo ra đi, quyết không đến Nguyệt Hoa Lầu lần nào nữa. Mỗi sáng lại đi ra chợ phụ người ta làm việc, tối đến lại chong đèn đọc sách, dùi mài kinh sử, quyết chí làm nên đại sự. Nguyệt Nương từ đỉnh lâu nhìn xuống, cũng thấu hiểu, trong lòng lại cảm thấy có gì đó khác lạ. Tâm tình, hay nguyệt đã biết thẹn vân? Có lẽ là sự đồng cảm, chỉ một chút thôi, thế là nhớ nhau đến trọn đời suốt kiếp. Vậy rồi sáng nọ, không ai cần hầu mà nàng vẫn mang đàn ra trước khuê phòng, chờ lúc Giang sinh đi qua mà tấu khúc. Tiếng đàn ngân nga khúc "Hữu nhân", mang theo ẩn ý nàng muốn gắm gửi.

"Ngọa hồ hương thủy kiếp hồ ly,
Song vương bát đế tán họa thi.
Huynh về ngâm nga câu kinh sử
Liệu có thoái hồi đón hồ ly…"

Chàng trai ấy nghe câu hát của nàng, lại vội quay đi chẳng nói gì, cũng không một lần ngoái nhìn lại. Nguyệt Nương trong lòng cảm thấy hổ thẹn, nhưng lệ cứ tuôn chẳng kiềm nén được, đành vào khuê phòng rưng rưng nước mắt, không muốn tiếp ai. Nhưng đến đêm, lại có tiếng sáo lảnh lót, ngâm khúc "Mê Hồn".

"Điểu họa thi thử vương vấn ai?
Ngâm nguyệt mê hồn chốn nguyệt lai,
Tuyệt lòng ngóng chờ hạ nhân cố,
Xin đợi tứ hồi, định thành giai…"

Nguyệt Nương nghe tiếng sáo, hiểu là Giang sinh đã ngỏ ý đồng thuận, trong lòng vui mừng khôn xiết. Từ đó tiếng đàn đã trở nên tươi tắn hơn, mỗi ngày nàng không nhọc nề hà, tiếp bao nhiêu quan khách. Tuy người thấm mệt, nhưng nhìn số bạc tích trữ ngày một tăng, tựa hồ sắp được thuộc về người mình yêu thương, nàng lại gượng dậy mà hầu hạ.

Giang sinh cũng chẳng phụ lòng nàng, ngày đêm đèn sách, thi thoảng lại ngâm khúc động viên, cả hai tuy xa mà lại gần, tâm hồn luôn hướng về nhau. Đến ngày chàng lên kinh thi cử, đến lúc xem khoa mục, hạ danh bảng thì trong lòng không kiềm nổi vui sướng, tay chân cứ múa loạn cả lên. Nguyệt Nương, giờ lại gần chàng hơn lúc nào hết.

Chuyện tình ấy, đáng lẽ có kết cuộc đẹp, chỉ là khi Nguyệt Nương không vướng vào đôi mắt đê tiện của Huỳnh tử. Hắn say mê nàng, muốn nàng là của mình, muốn giày vò nàng trong thân thể xấu xí của hắn. Hắn vung tiền, Nguyệt Nương cảm tạ. Hắn muốn nghe đàn, Nguyệt Nương chiều ý. Nhưng hắn muốn giao hoan, muốn chuộc nàng về làm thê tử, nàng quyết đoạn mệnh chứ không theo.

Huỳnh Thái Bảo tâm địa khốn nạn cũng không có cách nào, cho người dò la, mới biết Giang sinh và Nguyệt Nương có mối tâm tình. Nhưng Giang sinh đã có tiếng đồn là thủ khoa bảng, nay mai trở về vinh quy, hắn muốn hại cũng không được. Nhìn người trong mộng sắp thuộc về kẻ khác, mắt hắn đỏ ngầu, chợt nghĩ đến xuân dược.

Thứ thuốc quái thai ấy đã hại đời biết bao nhiêu xử nữ, tại sao hắn không dùng nó cho mình? Nhưng dù có làm vậy, liệu Nguyệt Nương có theo hắn, hay là quyên sinh để giữ tiết hạnh? Nhưng hắn chỉ có vẻ ngoài xấu xí, còn trong tâm là một kẻ lõi lọc, hắn nghĩ ra một kế ác ôn.
_________________

Nguyệt Nương khi nghe tin Giang sinh vinh quy trở về thì trong lòng khấp khởi. Chọn lúc chàng gần đến thì tự tay sửa soạn cơm nước, đem tận khuê phòng chờ chàng, bên cạnh là một vạn nén bạc để chuộc thân. Sau đêm nay, nàng sẽ thoát khỏi nơi này, cùng Giang sinh kết mối lương duyên, uống hôn tửu mà nên nghĩa bách niên phu thê.

Nhưng nàng chỉ chờ một lúc thì có tiếng ai đó gọi, là Hoa Nhi, kẻ hầu của nàng. Cô hầu ấy vừa tháy nàng đang ngồi đợi, vội bảo.

"Nguyệt tỷ, sao còn chưa làm lễ đón Giang huynh?"

Nguyệt Nương không hiểu, liền hỏi ngay.

"Sao thế em, chẳng phải ta đã chuẩn bị đủ sao?"

"Không, Nguyệt tỷ phải uống ly Nữ nhân tửu, như vậy má mới hồng, mới đúng lễ đón hứa phu…"

Nguyệt Nương vốn không rõ lắm phong tục của người Nam, nghe vậy lại thấy Hoa Nhi đã đem một ly rượu đưa trước mặt, vội cảm ơn mà uống lấy.

Hoa Nhi đã đi một lúc, trong lòng nàng đã thấy như thiêu đốt, nhưng vốn biết giữ lễ nghĩa, nàng vẫn gượng mà chờ. Đến khi trong lòng rạo rực, trời hơi tối thì có ai như Giang sinh bước vào. Nàng vội ôm chầm lấy chàng, không để chàng nói mà đã đặt lên môi chàng một nụ hôn say đắm. Giang sinh cũng đê mê, ôm lấy nàng, từ từ trút bỏ y phục, Giang sinh bế nàng lên giường, hai thân thể bắt đầu hòa làm một.

Cả hai giao hoan, hưởng thụ cảm giác tân nam xử nữ hòa hợp, mãi quyến luyến chẳng dừng được. Đến nỗi đến khi trời đã xẩm tối, mặt trời đã khuất bóng vẫn còn nhịp hoan thai. Nhưng khi ấy, chợt có tiếng như chết lặng.

"Nguyệt nhi, nàng…"

Người đứng trước cánh cửa khuê phòng đang mở là Giang Sinh, bên cạnh là con hầu Hoa Nhi đang cười nham hiểm. Giang sinh đứng chết trân, nhìn người trong mộng của mình lõa lề, uốn éo trên thân thể kẻ khác, đôi mắt tràn đầy hoan lạc.

Nguyệt Nương nhận ra Giang sinh, vội nhìn kẻ đang giao hoan cùng mình. Dưới ánh trăng lờ mờ, nàng nhận ra đó là Huỳnh Thái Bảo. Than ôi, cái thứ xuân dược quái ác ấy đã khiến nàng vì quá mong mà bị che mắt, không nhận ra được người thương, lại thất thân với thứ uế tạp kia.

Giang sinh trong lòng uất hận, bất chợt thổ huyết phun ra đầy ngực. Chàng lẩy bẩy, run rẩy đi đến cánh cửa đỉnh lầu trong khuê phòng. Chàng nhìn Nguyệt Nương, nở nụ cười đầy đau khổ.

"Nguyệt nhi, chúc nàng… hạnh… phúc…"

Nói rồi Giang sinh ngã từ trên cao xuống dưới Nguyệt Hoa Lâu, thân thể đập bét nát tươm, lục phủ ngũ tạng văng ra tứ phía, chỉ còn cái miệng vẫn còn lắp bắp khẩu hình như muốn nói.

"Nguyệt...nhi…"

Nguyệt Nương lúc tâm trí đã trở lại, chỉ biết lao đến gào thét.

"Giang huynh!!!!"

Nhưng bàn tay rắn chắc của Huỳnh tử kéo nàng lại, dốc vào miệng thêm thứ xuân dược kia. Nàng gào thét vùng vẫy, cũng chỉ khiến cho thứ thuốc ấy phát tác, thân thể rã rời. Huỳnh tử cứ vậy giày vò thân thể của nàng. Trong cơn u mê, Nguyệt Nương vẫn tràn nước mắt, miệng lẩm bẩm u phẫn mà tràn đầy cay đắng. Túi bạc đã đổ ra, lách cách những tiếng khô khốc.

"Ta… và… chàng… là…phu thê…"

Chỉ còn tiếng khóc nấc, tiếng cười khoái trá, mặc kệ những tiếng la hét kinh người dưới kia. Tiếng giường vẫn kẽo kẹt, răng rắc khốn khổ như đời người kỹ nữ, bạc phận, vô duyên.
_________________

Chỉ vài ngày sau cái chết của Trần Giang, được phán là tự vẫn do con Hoa Nhi làm chứng, Nguyệt Nương trở thành thê tử của Huỳnh Thái Bảo. Bà chủ Nguyệt Hoa Lâu cũng không hiểu tại sao nàng lại đau buồn đến mức trở nên vô hồn, khi Huỳnh tử đòi chuộc cưới, nàng cũng không có phản ứng. Không làm gì, tức là đồng ý, bà chủ đành cho Huỳnh tử chuộc nàng ra, lúc nhìn nàng, trong lòng bỗng cảm thấy nặng nề lạnh lẽo.

Nhưng cái kinh khiếp nhất, lại là mấy hôm sau, người ta ngửi thấy mùi hôi thối ở trong gian để củi. Lúc vào thì thấy con hầu Hoa Nhi nằm chết trong đó, phía trên là đám củi đổ vào người. Người nó nham nhở bấy bá thịt nát, trên lưng đã bị chuột ăn, khoét một lỗ to đến tận xương sống. Hai con mắt bị ép bẹp, cứ như quả chanh bị dẫm nát, máu trào ra từ miệng đen kịt lại, cái lưỡi thì bị kiến ăn chỉ còn một mẩu, cũng nham nhở kiến làm tổ trong cái họng xảo trá của nó. Phía dưới thân thì không nhận ra thứ gì của con người, lại nghe mùi tinh khí, cứ như nó bị hãm hiếp rồi giết vậy. Cái đáng nghi nhất là trên tay nó vẫn còn cầm cãi túi, bên trong có mười đồng bạc nhỏ. Thế nhưng quan tỉnh về thẩm tra, chẳng hiểu sao phán nó vào đây bị củi đè chết, cho khép lại chẳng đả động gì thêm.

Còn Nguyệt Nương, u uất trở thành vợ Huỳnh Thái Bảo. Bắt đầu từ đây, nghiệp báo của gia tộc này đã dần thành hình, nhưng lại kinh tởm ghê rợn.
_________________
[ Hết màn 1 ]
Truyện này được lấy từ 1 trang trên Facebook: Thế giới truyện kinh dị, trinh thám

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdi