Chương 16

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  "Anh nhớ em buồn vui nơi đó
Anh nhớ em từng đêm gió về
Bao ước mơ một đời thiếu nữ
Theo lá rơi con sông mùa thu....."

Sau nhiều ngày giam mình trong phòng, khiến cho cả nhà lo lắng, sốt ruột, tôi rốt cuộc cũng cảm thấy mình như vậy là không đúng. Trong tôi có một niềm tin mãnh liệt,anh nhất định sẽ trở về bên tôi. Nếu như có một ngày nào đó anh quay về, tôi không sống tốt, anh sẽ buồn. Vì vậy, sinh mệnh tôi kể từ giờ phút này, chính là mỗi phút mỗi giây, tôi đều sống vì anh.Sau đó không lâu, tôi có tìm Tuấn để hỏi thăm tình hình cụ thể của anh, nhưng cậu ấy chỉ bảo lâu rồi chưa thấy mẹ anh liên lạc về. Không có tin tức gì, chính là tin tốt. Như vậy lại khiến cho tôi yên tâm hơn.
Ngày nhập học, tôi luôn mỉm cười, nhìn vào ảnh của anh trong di động mà nói rằng: "Anh, em đã mười tám tuổi rồi. Em là sinh viên đại học đấy. Anh cứ chờ mà xem, em sẽ kiếm thật nhiều tiền, sau đó thuê xã hội đen chuyên đòi nợ thuê đến phá tan nhà anh ra". Anh ở trong ảnh, cũng cứ như vậy mà cười với tôi. Tôi còn nhớ, hôm tôi khăng khăng chụp bức ảnh này, anh còn bảo trong điện thoại của em, ngoài ảnh của chính em ra, thì cũng chỉ có ảnh của anh, em không thấy nhàm chán hay sao? Anh thật là ngốc, làm sao mà nhàm chán được cơ chứ, anh, là cả thế giới của tôi kia mà.
Thời tiết đã dần chuyển sang thu, gia đình tôi đang vô cùng bận rộn để chào đón một thành viên mới, cô công chúa của anh trai và chị dâu tôi. Chị ấy đã nặng nề lắm rồi, nhưng cũng may, thời gian này việc học hành của tôi vô cùng nhàn hạ, công việc gia đình tôi có thể đảm đương, từ nấu cơm cho tới rửa bát, lau chùi nhà cửa. Hiếu à, khi nào anh trở về, nhất định sẽ không thể ngờ được vì sao em lại đảm đang được đến như thế.
Khi nào quá nhớ anh, tôi sẽ đi ra Lăng Bác, sẽ đứng nhìn lá cờ Tổ Quốc tung bay mạnh mẽ ở trên cao, ở đó có tình yêu của anh, có lý tưởng của anh, có khao khát và ý chí kiên cường của anh. Anh vẫn luôn cười, cười để vượt lên tất cả. Có khi nào anh thấy mệt mỏi, có khi nào anh thấy cô đơn không? Khi ấy, anh hãy kéo em vào lòng, để cảm nhận sự tồn tại của em, anh nhé.
Lớp cấp ba của tôi có một buổi họp lớp sau ngày các trường nhập học. Tỷ lệ đỗ khá cao, khiến cho thày chủ nhiệm của tôi ngay cả khi ngà ngà say cũng vẫn thấy ánh mắt toát lên niềm tự hào.Bạn có ngờ được khi một cô bé luôn dịu dàng, trầm lặng như Quyên, lại thi vào trường cảnh sát hay không? Còn cô nàng ngổ ngáo tên Thu với mong ước lâu bền bên cạnh anh Nam lại học ngành Sư phạm để trở thành một cô giáo dịu hiền. Cuộc đời này đúng là có quá nhiều điều không thể lường trước được. Quang không tham gia họp lớp nên tôi không có dịp hàn huyên cùng cậu ấy, chỉ nghe bạn bè nói cậu ấy thi đỗ trường Ngoại thương, lại một tài năng tương lai của đất nước. Tôi bắt đầu phát hiện, mình đặc biệt có thiện cảm với các chàng trai Ngoại thương. Một tập thể gắn bó với nhau, bây giờ mỗi đứa mỗi một con đường riêng, tiếp tục thích nghi với một tập thể khác.
Tập thể mới của tôi khác hoàn toàn với những gì tôi đã quen trước đó. Thứ nhất, toàn là phái đẹp, không có một cậu con trai nào. Thứ hai, mọi người từ khắp nơi trên đất nước tụ họp, không phải chỉ chen chúc trong cái Hà Nội chật hẹp này. Trong lớp còn có một cô bạn nói tiếng miền Trung mà thời gian đầu hầu như tôi không thể nghe hiểu những lời cô ấy nói. May mắn thế nào tôi lại được phân làm lớp trưởng. Mỗi khi thày cô có thông báo gì về lịch học hay nghỉ, hoặc kiểm tra, tôi lại đi làm Mõ cho cả làng.
Đối với tôi, chức danh lớp trưởng của lớp đại học đúng là không khác gì nhà Mõ năm xưa, ngoài việc thông báo cho các bạn về tất cả các vấn đề, sau đó lại là thông báo, thông báo nọ nối tiếp thông báo kia. Thời buổi hiện đại, mạng xã hội phát triển, đến mời cưới cũng chỉ cần lập một sự kiện trên Facebook là xong, huống chi là công việc "chiềng làng chiềng chạ" của tôi. Mõ thời hiện đại như tôi, chỉ cần đăng một cái "sờ tây tợt" trên Facebook rồi tag tên các bạn trong lớp vào, thế là xong. Lại nói đến thói quen dùng Facebook của thanh niên thời nay, tin nhắn điện thoại có thể quên không đọc, chứ lướt chang chủ Facebook nó trở thành thói quen của mỗi người hàng ngày, giống như đánh răng, rửa mặt hay đi vệ sinh vậy. Thế nên đôi khi thông báo trên đó quần chúng lại có thể đọc được sớm hơn.
Lan man quá rồi, quay trở lại cô bạn miền Trung ở lớp tôi, bạn ấy đặc biệt hơn tất cả những người khác, cứ mỗi khi tôi thông báo gì đó trên mạng xong, mọi người đọc được sẽ vào Like hoặc để lại bình luận ở dưới, nhưng riêng cô ấy, lần nào cũng như lần nào, nhất định là phải gọi điện trực tiếp cho tôi và thắc mắc rất nhiều điều, thí dụ như tại sao lại nghỉ, hay là vì sao lại chuyển sang nhà C mà không phải nhà D như trước. Ngặt một nỗi nghe cô ấy nói chuyện trực diện tôi còn chẳng thể hiểu hết, nữa là nghe qua điện thoại. Lần nào hai chúng tôi nói chuyện cũng rất chật vật, nội dung thì ngắn gọn đơn giản nhưng có khi phải kéo dài tới vài phút đồng hồ bởi những câu hỏi như: "Gì cơ?", "Cậu nói lại được không? Nói chậm một chút". Nhưng cứ như vậy, lâu dần tôi với cô ấy lại trở nên thân thiết với nhau. Mà giọng nói của cô ấy, càng ngày tôi nghe lại càng thuận tai, những câu hỏi như trên giữa chúng tôi ngày một ít đi.
Cô bạn miền Trung của tôi là một cô gái hừng hực ý chí Cách mạng ngay cả trong thời bình. Nhạc chuông điện thoại của cô ấy cũng là ca khúc Dậy mà đi của một thời lịch sử oanh liệt. Tất cả những hoạt động Đoàn Đội hay Thanh niên của Khoa, của trường, cô ấy đều năng nổ tham gia. Chính vì thế, cô ấy được bầu làm Bí thư của lớp tôi. Từ đó, tình hữu nghị gắn bó keo sơn của lớp trưởng – bí thư, hai cán bộ cốt cán của lớp đã hình thành và ngày một bền vững. Quên không giới thiệu, tên cô ấy là Hiên.
Quãng thời gian mới vào đại học là lúc tôi cảm thấy tự ti về bản thân mình nhiều nhất. Trong khi các bạn từ bốn phương đổ về đã bắt đầu biết tự lập, hạch toán chi tiêu, tự trang trải cho cuộc sống xa nhà của mình, thì tôi vẫn sống trong vòng bao bọc của cha mẹ. Vốn muốn tìm công việc làm thêm nào đó, nhưng lịch học của tôi không cố định, nên cũng khó sắp xếp ca làm việc, chính vì thế, để tự khích lệ cho bản thân, tôi rất hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện cũng như văn nghệ của trường. Tôi phát hiện ra rằng điều này mang lại cho bản thân rất nhiều ích lợi, thứ nhất, bản thân mỗi con người sẽ trở nên bạo dạn hơn, cách ứng xử trong tập thể cũng phóng khoáng và khéo léo hơn, quan hệ trong trường rộng hơn, thậm chí còn có thể mở rộng một vài mối quan hệ trong xã hội, được các thày cô lưu ý và cất nhắc, tóm lại là được rất nhiều thứ. Cái đó, người ta gọi là nhiệt huyết của tuổi trẻ sao?
Tôi càng ngày càng trở nên bận rộn, nào lên lớp, nào làm bài nhóm, nào là tập văn nghệ, đi tình nguyện, nhưng đôi khi, nỗi nhớ về anh vẫn có thể thừa cơ mà len lỏi vào những khe hở trong tâm trí tôi. Hiếu à, em bận lắm, em bắt đầu cảm thấy mình là một người có ích cho xã hội rồi, anh có nhìn thấy không? Có nhìn thấy em đang từng bước trưởng thành hay không? Nếu anh đã có thể hài lòng gật đầu mỉm cười về từng bước em đi, vậy anh hãy mau trở lại, xoa đầu em rồi nói: "Cô bé, em đã trưởng thành rồi, anh chính thức cho em một cơ hội cạnh tranh với những người con gái khác". Em sẽ chờ câu nói đó của anh.
Một buổi chiều cuối thu chớm đông được nghỉ học đột xuất, hiếm khi lại nhàn rỗi như vậy, tôi tự thưởng cho bản thân mình một góc bình lặng của tâm hồn. Tôi đi dọc quanh các con phố Hà Nội. Mọi con phố, mọi nẻo đường đều gợi lên hình ảnh anh đèo tôi trên chiếc xe đạp điện cũ của những năm tháng đã qua. Lưng anh dài rộng, bờ vai anh thường xuyên che khuất cả tầm nhìn của tôi, dựa vào cảm giác thật vững chắc. Nhưng anh bảo ngồi trên chiếc xe bé tí teo của tôi lúc nào cũng phải gù lưng, cứ như vậy chắc anh sẽ thành Lưu Dung mất. Hóa ra, mọi lời nói của anh, dù là bâng quơ, cũng đều hằn in trong tâm trí tôi, chưa từng phai nhòa dù chỉ một dấu phẩy.
Xe tôi bất giác lại dừng lại bên hàng cháo trai quen thuộc. Tầm này mà ăn uống, người phương Tây tao nhã đặt tên cho nó là bữa trà chiều, người Trung Quốc thì gọi là ăn điểm tâm, còn dân ta thì gọi là ăn quà chiều, hay còn có cách nói khác là ăn quà vặt. Nếu nói về cái thú ăn quà vặt của người Việt Nam, những tiệm bánh tiệm trà có điều hòa cửa kính sang trọng chưa chắc đã mang đến cho người ta lạc thú, mà phải ngồi ở những hàng quán vỉa hè ven đường như thế này, người đi một mình có thể không cần bất cứ hình tượng nào mà thoải mái ăn uống, còn những ai đi theo một tốp thì tha hồ mà nói chuyện, cười to cỡ mấy cũng chẳng ảnh hưởng đến ai.
Cháo trai cũng là một món ăn vặt như thế. Một hàng cháo trai muốn đông khách, cháo ngon thôi chưa đủ, thơm thôi chưa đủ, mà quẩy cũng phải ngon, phải tươi mới. Quán cháo trai tôi hay ăn này nằm ở một cái sân của khu tập thể. Lần đầu tiên, là Hiếu dẫn tôi tới ăn. Thực ra cháo ở đây cũng không có gì đặc biệt, cũng chẳng phải tiếng tăm gì, đa số là phục vụ cho người dân quanh đây thôi, điều đáng chú ý, là anh chủ quán.
Lần đầu tiên tôi bước vào quán, chưa kịp ngồi xuống, mới nhìn mặt anh chủ mà chân đã bủn rủn, chẳng dám ngồi. Không phải vì chưa từng thấy con trai ngồi bán cháo trai đâu, mà bởi vì vẻ bề ngoài của anh ấy. Bạn biết không, anh ấy trẻ trung, tuấn tú, nhưng có đôi môi đặc biệt thâm tím. Tôi biết đó là biểu hiện vô cùng dễ nhận ra của những người bị nghiện. Không phải là tôi kỳ thị, nhưng tâm lý chung của mỗi người, đặc biệt là phái yếu đều có sự dè chừng, lo sợ khi tiếp xúc với những người bị nghiện hút. Chưa kể đến những vụ cướp của, giết người do con nghiện gây ra được đăng trên báo đài, riêng suy nghĩ họ đã từng chạm vào ma túy thôi cũng khiến cho tôi không thể can đảm mà đối diện với họ.
Tôi quay sang e ngại nhìn Hiếu, dường như anh hiểu tôi đang lo lắng điều gì, chỉ cho tôi một cái nhìn yên tâm rồi mỉm cười ngồi xuống. Chắc Hiếu là khách quen, nên anh chủ cũng cười gật đầu chào anh. Mẹ tôi hay kể chuyện mấy vụ trộn thuốc phiện hay gì đó vào đồ ăn để gây nghiện cho người khác, nên khi anh chủ quán đặt hai bát cháo trai lên bàn của tôi và Hiếu, tôi cũng không dám động thìa vào, thấy thế, anh liền bảo: "Yên tâm đi, cả khu dân cư ở đây ai cũng ăn cháo ở hàng này cả, không có gì đâu", nói xong còn nháy mắt với tôi, mặt đầy ý cười. Anh đã nói đến như vậy, tôi cũng đánh liều, lấy thìa, rắc hạt tiêu và ớt, trộn đều rau thơn và quẩy lên, rồi xúc ăn. Nếu bỏ qua thành kiến lúc ban đầu, thì cháo ở đây ăn cũng được lắm, thơm, ngọt, thịt trai không quá dai. Thấy anh chủ quán mải mê với công việc, không để ý gì đến chúng tôi, Hiếu mới bảo:
- Em sợ anh chủ quán là nghiện hút, đúng không? – Tôi không biết nói gì, chỉ gật đầu lia lịa, lại nghe anh nói tiếp – Chính xác, anh ấy trước đây có bị nghiện, nhưng đi cai rồi.
- Đã nghiện rồi thì hiếm ai cai được hoàn toàn lắm. Em thấy khả năng bị tái nghiện là rất cao.
- Đúng thế, thế nên bao năm qua, anh thường xuyên qua đây ủng hộ quán của anh ấy
- Sao lại phải ủng hộ, để anh ý có tiền mà mua thuốc lúc tái nghiện à?
- Em đúng là một người điển hình về kiểu quy chụp và tiêu cực. – Anh cười bất đắc dĩ lại xoa đầu tôi – Thực ra cuộc sống này nói dài thì rất dài, nhưng nói ngắn thì cũng vô cùng ngắn. Chẳng biết ta có thể sống được bao lâu. Anh chủ quán này đã bán cháo trai ở đây được khoảng ba năm nay rồi. Ngày nào cũng bán, mưa gió cũng không nghỉ.Quán cháo bán rất được, ngày nào cũng hết hàng. Có một lần anh đang ăn, thì thấy bố anh ấy ra, vỗ vỗ vào vai con trai, rồi bảo rằng, con thấy không, con đang nuôi bố mẹ sống qua ngày bằng hàng cháo này đấy. Khi đấy anh đã nghĩ, khi người ta vì một ai đó mà vất vả, vì một ai đó mà hi sinh, người ta sẽ cảm thấy bản thân mình có ích, mình không phải thừa thãi. Khi ấy, trong tâm trí người ta sẽ hình thành một khái niệm gọi là trách nhiệm. Và chỉ có khi nào những gì người ta làm ra, người ta bỏ ra thu được thành quả nhất định, người ta mới cảm thấy vai trò, vị trí của mình trong cuộc đời này, điều đó sẽ trở thành kim chỉ nam vĩnh viễn để người đó không lầm đường lỡ bước nữa.Vì thế mà anh luôn ra đây ăn, ủng hộ cho anh ấy dù ít dù nhiều, để công việc kinh doanh của anh ấy có thể đạt hiệu quả, hy vọng như vậy, anh ấy sẽ không đi vào con đường sai lầm một lần nữa. Anh nghĩ rằng, một người dù có phạm phải sai lầm lớn cỡ nào đi nữa, chỉ cần có con đường khác để họ có thể đi, chúng ta cần phải giúp đỡ họ tìm thấy con đường đó, thay vì kỳ thị họ, đẩy họ ra, như thế họ chỉ còn cách quay lại con đường tối tăm mà họ vừa mới bước qua.
Cho đến ngày hôm nay, hàng cháo này vẫn tồn tại, vẫn còn rất nhiều người ăn. Có thể thấy rằng anh chủ quán đúng như lời Hiếu nói, anh ấy tìm ra điều ý nghĩa hơn trong cuộc sống của mình. Tôi cũng bắt đầu tin vào những điều mà anh nói, một người như anh, số phận cho anh một sinh mệnh đầy tiêu cực, nhưng anh lại dùng một ý chí, một lý tưởng tích cực nhất để đối diện với nó.
Ở nơi phương trời xa cách ngàn trùng mây bên kia trái đất, Hiếu của tôi có khỏe không? Từng thìa cháo đi vào miệng tôi có vị mặn chát của nước mắt. Tôi đã tự nói với bản thân hàng vạn lần rằng không được khóc, phải kiên cường, linh hồn tôi phải trao cho anh một sức mạnh vô hình để đối diện với số mệnh, để đánh bại sự khắc nghiệt của nó, nhưng nỗi sợ hãi đôi khi vẫn cứ trút đi những giọt lệ trong tôi.Còn nhớ chị Trang Hạ từng viết một câu như thế này: "Sao những khi em yếu đuối nhất, là khi em vô cùng nhớ anh....", Hiếu ơi, em nhớ anh, nhớ đến nỗi ngay cả linh hồn cũng không tìm thấy lối đi, em đã nghe lời anh phải thật mạnh mẽ, nhưng không có những lời nói của anh dìu em từng bước trưởng thành, thế giới của em thật cô đơn.
Sau bao ngày tháng chờ đợi, cuối cùng cô công chúa nhỏ của gia đình tôi cũng chào đời. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một sinh mệnh đến với cuộc đời này, đó là một cảm xúc thiêng liêng, kì diệu biết bao nhiêu. Không gì quý giá hơn việc một sinh linh bé bỏng cất tiếng khóc đầy khỏe mạnh để chào đón thế giới. Khỏe mạnh, lành lặn, hai từ ấy như một nhát dao cứa vào trái tim tôi. Nếu như bất cứ ai sinh ra cũng bình thường, không tì vết như vậy thật tốt biết bao nhiêu.
Nhà có thêm một đứa trẻ có thể nói là càn khôn xoay chuyển, bão lốc ập tới. Con đầu cháu sớm chính là như vậy đấy, cha mẹ đứa bé thì chưa có kinh nghiệm, ông bà thì có kinh nghiệm, nhưng qua bao năm tháng của thời gian, kiến thức về chăm trẻ cũng bị phai nhòa đi không ít, thế nên ai nấy đều phải học lại từ đầu. Tuy nhiên tôi và anh trai vẫn bị xem là vụng về nhất.
Mới đầu, nhìn cục cưng quá nhỏ bé yếu ớt, tôi còn không dám bế, được một hai tuần mới dám bế cô công chúa nhỏ, nhưng cũng phải đợi chị dâu tôi bế nó lên rồi trao tay cho tôi, chứ tôi cũng không dám nhấc bé từ giường lên. Nhà có trẻ sơ sinh, việc không tên nhiều lên rất nhiều, riêng việc giặt tã thôi tôi cũng cảm thấy như một dây chuyền sản xuất liên hoàn vậy, có khi vừa bê được chậu tã này lên phơi, đi xuống đã thấy chậu tã mới đầy ùn ùn ngồi đó như chờ đợi rồi. Chị dâu tôi sợ hăm nên hạn chế tối đa việc dùng tã giấy cho em bé, thế nên lực lượng hậu cần như tôi đây khi ở nhà, công việc chủ yếu là giặt và phơi tã. Mệt thì mệt thất đấy, nhưng vui và ấm áp. Những sinh mệnh nhỏ bé như vậy là để yêu thương, để che chở, để ấp ôm.
Chị dâu tôi trong thời gian ở cữ vô cùng khổ sở. Thấy chị ấy buồn bực cả ngày chẳng được bước ra khỏi phòng, thi thoảng rảnh rỗi là tôi lại vào phòng ngồi tâm sự với chị ấy. Có một lần, tôi thấy chị ấy bỗng nhiên lại hỏi:
- Ly này, em vẫn chưa quên được Hiếu, đúng không?
- Em sẽ không bao giờ quên anh ấy
- Nhưng em tuổi còn trẻ, còn có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người khác. Đừng bỏ lỡ cả tuổi trẻ tươi đẹp nhất của mình vì một người, đến lúc lỡ dở rồi, em có hối hận cũng không kịp nữa.
- Em biết chị chỉ muốn tốt cho em, nhưng suy nghĩ đó của chị thật tàn nhẫn. Tình yêu của em dành cho Hiếu là một sự tồn tại hết sức tự nhiên. Nếu có một ngày nào đó em không còn yêu anh ấy nữa, thì tự khắc em sẽ không còn nhớ đến anh ấy như bây giờ. Nhưng ở thời điểm hiện tại, em không thể bắt ép trái tim mình thôi yêu anh ấy
- Nhưng lỡ như...lỡ như....
- Không có lỡ như, sẽ không có đâu.
- Vậy tại sao em không xin mẹ cho đi du học, rồi sang đấy tìm nó?
- Chị nghĩ đi du học đởn giản thế sao? Hơn nữa, bởi vì tin tưởng vào anh ấy, nên em nhất định sẽ ở đây chờ anh ấy quay về.
- Thực ra, hôm trước chị nghe thấy mẹ nói chuyện với anh Linh, mẹ cũng bắt đầu nghi ngờ em có tình cảm với Hiếu. Anh Linh phải bảo đảm bao nhiêu lần mẹ mới tin là hai đứa bọn em không có gì đấy.
- Sao lại thế? Em cũng mười tàm tuổi rồi, hơn nữa, mẹ rất quý Hiếu còn gì?
- Quý là quý như con trai, chứ không phải quý như con rể. Mẹ coi Hiếu cũng như anh Linh của em, muốn nó coi em như một đứa em gái. Chưa tính khoảng cách tuổi tác, bây giờ mẹ biết tình hình bệnh tình nó như thế, làm sao mà mẹ để yên cho hai đứa yêu nhau? Tính chị là cứ thẳng ruột ngựa như vậy, có gì nói nấy. Nếu em vẫn nhất định cố chấp với tình yêu này, thì em phải chuẩn bị tinh thần, sẽ rất khó khăn trắc trở đấy.
Đối với tôi, những điều này chẳng đáng là gì. Chỉ cần anh quay về, có khó khăn thế nào, gian nan biết bao, tôi vẫn vượt qua được.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro