Review

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

I. Thông tin tác phẩm:

*Tên truyện: Hỉ Nộ Ái Ố.

*Tác giả: Ayu

*Thể loại: đoản văn, cổ trang.

*Tình trạng: 4 chương. (Hoàn)

*Reviewer: Aki.

II. Giới thiệu chung:

Lấy đề tài là bốn cảm xúc chủ yếu của con người vui, giận, yêu, khổ, câu chuyện thời cổ đại đã khắc họa cuộc sống của một lãnh phi trong cấm cung, một vương gia đôi chút cuồng nộ, một tỳ nữ với tình yêu non trẻ, và hoàng thượng dại khờ nhưng vẫn rất đáng thương.

III. Nhận xét.

1. Hình thức:

-Câu chuyện được trau chuốt kĩ, không có lỗi sai chính tả.

-Nên để ý xuống dòng nhiều hơn một chút.

2. Cảm nhận:

Đọc đề bài, đã thấy có chút gì rất Hán, có chút gì rất cổ xưa. Không biết mọi người thế nào nhưng Aki nghĩ viết theo thể loại cổ trang để biểu lộ bốn yếu tố tâm hồn này là lựa chọn vô cùng phù hợp. Vì người xưa, họ có cách thể hiện cảm xúc rất khác biệt, nhưng rất mãnh liệt.

Đoản là một đề vừa hay vừa khó, cho cả hai chúng ta. Nhưng Ayu lại vận dụng nó như là công cụ biểu đạt suy nghĩ đã quen tay từ lâu. Và tâm tư tình cảm vẫn đong đầy không kém gì một câu chuyện dài cả. Đọc lên luôn thấy ăm ắp trong mình, đôi khi nồng nàn ấm áp, lúc lại tức giận vô duyên, hay thì dịu dàng thanh khiết. Và cuối cùng lại thấy vô cùng tiếc thương.

Nghĩa ra Aki phải đề cập vấn đề này ở phần hình thức, nhưng vì ý nghĩa của nó như là biện pháp nghệ thuật, nên Aki sẽ nói ở đây. Đó là dấu câu. Đọc qua sẽ thấy có khá nhiều dấu phẩy, nhiều lắm nhưng khi tĩnh tâm đọc lại sẽ thấy trong cái vô thức của việc dùng dấu của Ayu lại là sự ý thức của tác giả. Ở phần Hỉ, nhịp văn rất lúc chậm lúc nhanh. Tựa như nàng đang háo hức nhưng cũng đượm buồn lo lắng. Thường thì người ta dùng dấu phẩu để ngắt, nhưng Ayu khi tả và kể dùng những câu ngắn và dấu phẩy phối kết hợp làm tăng nhịp đọc, đẩy nhanh khiến ta thấy sự vui vẻ của lãnh phi, nàng mong muốn kể cho phu quân nhanh thế nào. Nhưng khi biểu cảm, là những lúc nàng nghĩ đến sứ mệnh của hoàng thượng, giọng văn bỗng dưng chậm lại, dài ra và dường như dấu phẩy ở đây như cái gảy lướt nhẹ nhàng trong cả khung đàn cảm xúc.

Ở phần Nộ, đa phần dùng những câu ngắn, những câu hỏi tu từ đầy oán trách. Đọc rất nhanh, nhưng lại không hề bị tụt hứng hay hẫng một tí nào.

Còn Ái và Ố, tớ sẽ không nói nhiều. Sự vẹn nguyên của biện pháp này lôi cuốn đến tận dòng cuối, tận dụng triệt để đến tận dòng cuối.

Nếu được, chắc tớ sẽ xin làm chú bồ câu trắng ấy. Khi đậu ở bên thềm trước điện, tớ thấy lãnh phi trải một tấm nệm trắng với chiếc bàn gỗ nho nhỏ cùng một cây đèn dầu. Nàng một tay xoa bụng nhô lên một chút, một tay cầm bút viết. Trông nàng còn tinh khiết hơn cả tuyết trắng phủ đầy sân. Và khi viết, có lẽ nàng đã mỉm cười thật nhiều, thật nhiều lần. Cả bầu trời của nàng mang tên Đường Nguyên, và giờ càng mở rộng để dành cả cho tiểu hài tử. Nhưng có lẽ hoàng thượng sai. Uyển Thanh không hề yếu ớt và ngây thơ. Nàng biết bản thân là ai, và chàng là ai. Nàng biết thân phận của mình là gì và cũng biết nhiệm vụ của chàng, sứ mệnh của chàng. Nàng không ích kỷ và không phải là tiểu bạch thỏ hay chỉ biết mơ mộng.

Nàng vẫn biết chữ Hỉ của nàng là bao nhiêu. Cũng biết chữ Hỉ của muôn dân lớn thế nào. Nếu là tớ, tớ thích Hỉ với chữ y dài. Vì tớ cũng là người thích những điều đẹp đẽ, hạnh phúc. Không phải y dài sẽ kéo dài hơn sao? Nhưng nếu dành cho Uyển Thanh, ừ thì có lẽ với nàng "Hỉ" là đủ rồi. Vì trong Hỉ không chỉ đơn thuần là niềm vui, mà còn là niềm vui trong nỗi buồn và nỗi buồn trong niềm vui. Cuối cùng, ước mơ to lớn nhất của nàng chỉ là một đốm lửa nhỏ, nhỏ nhưng đủ ấm để đem hạnh phúc cho người mình yêu thương.

1 tháng trôi qua. Tớ nhìn thấy nàng, với máu còn vương lại trên nền đất ẩm ướt, với đứa con có lẽ hình hài chưa rõ, đỏ hỏn trong nước ối với da bọc xương. Mặt vương gia, đau xót khôn cùng. Chắc hẳn Đường Vũ là người chôn cất mẹ con nàng. Và khi tớ đậu trên cửa sổ, tớ thấy ngài mất bình tĩnh ngồi xuống thư phòng, con ngươi ngầu đỏ, mạnh bạo lắm. Mặc dù đâu đâu cũng sạch nhưng sao vẫn thấy mùi máu tanh. Sự cuồng nộ ấy làm tớ sợ, nhưng cũng làm tớ tức giận theo. Nhưng trong giận còn là đau xót vô hạn, yêu thương vô hạn, buồn thương vô hạn. Chắc không chỉ mình tớ mà ai cũng thấy tình yêu của Đường Vũ với Uyển Thanh phải không? Ai cũng thấy Đường Vũ đã từng vô cùng tôn trọng với hoàng huynh của mình. Tất cả những điều ấy, dồn nén bao lâu nay hóa thành cuồng nộ. Chẳng hề e dè mà lấn lướt như một cơn sóng. Khi mang lá thư đến chỗ hoàng thượng, "tớ" vẫn thấy bức xúc vô cùng. Tớ đã nghĩ, có lẽ để Đường Vũ là hoàng thượng, có lẽ câu chuyện sẽ khác.

Cách miêu tả cảnh và nội tâm ở phần Ái thật chuyên nghiệp. Không đơn thuần là những từ Hán Việt hoa mỹ được xếp cạnh nhau vô duyên và thừa thãi. Nó mang một chút gì đó mới lạ nhưng không kém phần hoài cổ. Và cả chút tò mò của tỳ nữ này nữa. Cảnh này rất đẹp, nhưng cũng rất thê lương. Tình uyên ương rất đẹp, nhưng cũng rất đau buồn. Việc tả cũng đã hé lộ rất nhiều điều. Giọng kể của tỳ nữ này chỉ xuất hiện ba phần tư chương. Phần còn lại có lẽ là tác giả đã lấn lướt một chút. Riêng phần này yếu tố biểu cảm có vẻ khá mờ nhạt và khá ít. Nó không được sâu sắc bằng ba phần còn lại. Tớ đã tìm kiếm thêm nữa cảm xúc, nhưng nó vẫn chưa đủ sâu để tớ thấy tâm tư của nhân vật. Cơ mà tả thực sự rất đẹp, rất tốt, tự nhiên và nhẹ nhàng. Có lẽ sẽ rất tuyệt vời nếu dùng tả để cảm đấy.

Trước khi đọc Ố, tớ khá là ác cảm với Đường Nguyên. Ayu đã đánh bật tớ đi rất xa so với thực tế của truyện. Hắn là đồ vô tâm tàn nhẫn, khờ dại ngu xuẩn, ai oán nỗi gì, khóc lóc nỗi gì? Nhưng mà đó chỉ là mặt váng. Khi từ "nhưng" được bật ra, kéo theo một chuỗi sự việc, tớ mới thấy hoàng thượng đáng thương hơn là đáng trách. Cái này giống kết cấu đầu-cuối tương ứng thật đấy. Là nhiều đoản nhưng không bị mất liên kết, đó là điều rất đáng phát huy. Nàng và chàng giống nhau thật. Họ mơ chung một giấc mơ, ước nguyện chung một điều ước. Nhưng họ không đau chung một nỗi đau. Uyển Thanh nàng ấy đau cả thể xác cả tinh thần, nhưng ít ra nàng cũng được giải thoát. Còn hắn kiếp này mãi mãi cũng chỉ ôm một nỗi oán hận bản thân mà sầu một mình, buồn một mình. Hắn mất đi em trai, mất đi đứa con, mất đi nương tử. "Tớ" dụi mỏ vào lông cổ, chớp mắt nhìn Đường Nguyên cười vu vơ, rồi khóc vu vơ. Khi người ta đau khổ, người ta càng mơ mộng. Nhưng khi càng mơ mộng, người ta lại thấy thực tế khắc nghiệt như vậy, người ta lại càng đau khổ. Suy cho cùng, kẻ đáng thương nhất không phải người ra đi mà là kẻ ở lại.

Nhưng, ta nguyện phải tha thứ cho tất cả những điều ấy, bởi vì khi yêu, ai cũng là một gã khờ.

Xuyên suốt cả câu chuyện, cánh trắng bồ câu đã đưa những lá thư chứa nhiều tâm tư của từng nhân vật. Nếu được xàm xí và ví von một chút, thì tớ sẽ nói giọng văn của Ayu giống vỏ quế, cay nồng nhưng cũng rất ngọt. Còn cốt truyện thì lại là món sô cô la dung nham, pha trộn giữa cái cũ và cái mới. Khi cắn lớp vỏ mềm bên ngoài, nhân bên trong hơi đăng đắng sẽ ứa ra. Càng đi sâu ta càng thấy tò mò, càng đi sâu lại càng thấy có ngọt nhưng cũng đắng cay muôn phần. Tớ đã rùng mình rất nhiều lần khi đọc câu chuyện này. Dù là phần Hỉ, Nộ, Ái hay Ố, chúng đều mang gam màu đỏ. Lúc thì đỏ tươi, khi đỏ hồng, khi đỏ nhạt lúc lại đỏ mận. Những gam màu ấy, những cảm xúc nồng nàn ấy càng như nổi bật trên nền cánh trắng bồ câu. Tớ thích nó lắm, thích vô cùng. Vì đây là đoản nên tớ gần như có thể bỏ qua mọi quy tắc ràng buộc mà đón nhận Hỉ Nộ Ái Ố với cả tấm lòng một cách trọn vẹn.

3. Tổng kết:

+ Nên phát huy việc xử dụng đan xen các biện pháp nghệ thuật. Đặc biệt nên chú ý miêu tả để biểu cảm để làm tác phẩm thêm trọn vẹn.

+ Nên để ý phần nội tâm ở chương Ái nhiều hơn nữa. Ở chương này còn phải lưu ý một chút khi tả cảnh điện của lãnh phi sau này. Cảnh đẹp nhưng phải đẹp một cách thê lương chứ đừng đẹp theo kiểu rực rỡ.

+ Phần Nộ nên khai thác kỹ hơn về cảnh cái chết của lãnh phi, đừng chỉ nói đơn thuần là bị phi tần nào giết. Đoạn này có thể đẩy cao trào hơn nữa, mãnh liệt và cuồng nộ hơn.

+ Có hai dòng có thể gọi là thơ ở phần Ái. Ayu có thể tham khảo cách gieo vần hay chọn thể thơ hợp lý để làm điểm nhấn sâu hơn nữa.

4. Một số tác phẩm nên đọc:

- Cách miêu tả nội tâm nhân vật hoặc các tình huống trái ngược gây bất ngờ cho người đọc: Hoa Tư Dẫn, Hệ liệt Tam sinh tam thế. (Đường Thất Công Tử)

- Sự khờ dại mang đôi chút điên loạn về tình yêu: Cô gái văn chương và gã khờ bị trói buộc. (Nomura Mizuki)

- Những mộng tưởng và thực tại: Nhớ rừng (Thế Lữ) (Cái này chắc ai cũng học rồi nhưng Ayu cứ thử đọc lại một lần. Không hiểu sao khi đọc về những điều hoàng thượng mơ mộng tớ lại nhớ đến khổ cuối bài thơ này.)

Một vì sao sáng giữa những thiên hà là tác phẩm của Ayu. Câu chuyện của Ayu làm Aki rất bất ngờ, cũng được học hỏi rất nhiều. Mong rằng nhận xét trên đây có thể giúp Ayu cải thiện tác phẩm và làm Hỉ Nộ Ái Ố tuyệt vời hơn nữa.

"Vậy nên, xin chàng, nếu chàng là người vẽ tranh cho hàng vạn con người đó, chàng tô điểm muôn sắc màu cho bức tranh đó, thì ta nguyện vẽ một đốm đỏ lên bức tranh có chàng, như ánh đèn trong đêm đông buốt giá, chỉ một nhưng đủ ấm lòng người.

Hỉ này, gửi chàng.

Mặc Uyển Thanh."

Trích: Hỉ Nộ Ái Ố.

Chúc Ayu thành công trên con đường viết lách.

03/08/2018

Reviewer: Aki

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro