Chương 4 Trở lại mái nhà xưa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TRỞ LẠI MÁI NHÀ XƯA(Câu chuyện của Maggie)

Một việc làm có ý nghĩa đặc biệt cho nhiều người trong chúng ta, là thực hành với đầy thiện chí những gì đã học hỏi được về cơn giận ngay trong chính gia đình gốc của mình. Liên hệ giữa chúng ta với cha mẹ, anh chị em ruột là những mối liên hệ có ảnh hưởng lớn nhất lên cuộc đời chúng ta, vì chúng ta không hề đơn giản. Gia đình có khuynh hướng thiết lập nên những quy tắc, những vai trò để quy định mỗi thành viên phải cảm, nghĩ, cư xử như thế nào – những quy định đó không dễ gì mà thách thức hay lay chuyển. Khi một cá nhân trong gia đình bắt đầu cư xử theo một cung cách mới, thì âu lo sẽ lập tức tăng vọt nơi mọi người và mọi người đều có khuynh hướng tìm cách phục hồi lề lối cũ.

Thay vì trực diện với những kinh nghiệm lo âu, bực bội không tránh được lúc cần phải thanh minh lập trường mới của mình trong những mối liên hệ gốc rễ đó, chúng ta lại có thể ngăn chặn mọi khả năng đổi thay khi giận dữ làm một trong thứ hai, hoặc cả hai điều này:

Thứ nhất, có thể chúng ta đối đầu với người thân để giảng giải về những sai lầm cũ của gia đình và chỉ ra cho người đó biết cảm, nghĩ, cư xử thế nào mới là đúng – nghĩa là chúng ta cố gắng sửa đổi người kia. Người này khó chịu vì cảm thấy bị tấn công (cũng dễ hiểu thôi) cho nên sẽ có thái độ phòng vệ hoặc chống trả. Trước phản ứng đáp trả đó, chúng ta – hoặc sẽ bực mình, hoặc cảm thấy mình có lỗi – đành phải buông xuôi cho mọi sự trở lại như cũ. "Má tôi (hay ba, anh, chị, em...của tôi) không thể nào thay đổi được!", chúng ta chỉ còn biết kết luận như vậy.

Thứ hai, có thể chúng ta tự mình cắt đứt liên hệ tình cảm với người thân và/hoặc đi khỏi nhà. Quả vậy, khi sống trong gia đình cứ phải cay đắng và giận dữ kinh niên thì cách giải quyết nhanh gọn nhất là cứ đi ra khỏi nhà và tìm một tâm lý trị liệu đồng tình làm cha mẹ mình.Có thể chúng ta cố đi xa nhà và liên lạc ít dần, thưa dần hoặc có thể chúng ta vẫn ở gần nhưng lại biến mối liên lạc trở nên hời hợt như kiểu lịch sự, xã giao. Giải pháp "xa lánh" trong những mối liên hê ruột thịt như vậy phần nào giúp chúng ta được khuây khỏa, giảm bớt được những lo âu căng thẳng và tránh được những tình cảm khó chịu mà sự gắn bó gần gũi có thể đem đến. Nhưng, vấn đề ở đây là chúng ta sẽ phải trả giá dài hạn cho giải pháp đó. Tất cả những xúc cảm sâu đậm chưa được giải quyết này sẽ như "sống lại", sẽ tái xuất hiện trong một mối liên hệ quan trọng khác của chúng ta, ví dụ với chồng, vợ, người yêu, hoặc với con cái nếu chúng ta đã là cha mẹ. Một điều cũng quan trọng không kém, là sự cắt đứt liên lạc tình cảm trong những mối liên hệ ruột thịt cũng sẽ khiến chúng ta khó đạt tới sự bình tĩnh và minh bạch trong những mối liên hệ mới. Nếu chúng ta đã có thể tự đổi thay và "thoát sa lầy" trong những mối liên hệ ruột thịt thì chúng ta cũng sẽ có thể đảm nhiệm phần mình trong mọi mối liên hệ khác một cách hiệu quả và mãn nguyện hơn. Câu chuyện của Maggie sau đây chứng minh là chúng ta hoàn toàn có thể "trở lại mái nhà xưa" – trở lại với những mối quan hệ mật thiết trong gia đình gốc – để học sử dụng cơn giận theo một cách khác hẳn so với cách mà chúng ta vốn đã quen thuộc.

Maggie, hai mươi tám tuổi, tốt nghiệp đại học, tới gặp tôi vì cứ bị nhức đầu hoài và vì không cảm thấy hứng thú gì trong chuyện gối chăn với chồng. Tuy nhiên, ngay từ buổi trị liệu đầu tiên, nàng chỉ nói chuyện quanh đề tài duy nhất: mối liên hệ với mẹ nàng. Dù hai mẹ con đã sống ở hai thành phố khác nhau và xa nhau, nhưng khoảng cách thời gian cũng như không gian vẫn không giúp nàng chữa nổi vết thương lòng.

Maggie không gặp vấn đề gì trong việc ý thức cơn giận của mình đối với mẹ, và khi để nàng cứ bộc bạch tùy ý thì nàng bày tỏ cơn giận đó rất hăng. Theo lời kể của Maggie thì nàng với mẹ không bao giờ hòa thuận được với nhau, và sự thể đó cũng chẳng khá hơn chút nào khi nàng đã sống xa khỏi nhà cũng khi nàng đã lập gia đình riêng. Một thời gian ngắn sau đám cưới nàng, cha mẹ nàng đã ly dị nhau – hai sự kiện này xảy ra khoảng năm năm trước thời điểm nàng bắt đầu cuộc trị liệu. Maggie và cha ngày một cách xa nhau, trong khi mối liên hệ của nàng với mẹ ngày càng thêm căng thẳng, kể cả sau khi hai mẹ con không còn sống gần nhau.

Hàng năm Maggie vẫn làm bổn phận mời mẹ tới thăm một lần, nhưng chỉ mới đến ngày thứ ba là nàng đã cảm thấy bực mình và giận dữ không chịu nổi. Suốt buổi trị liệu, nàng thuật lại những điều kinh khủng mà nàng đã phải chịu đựng trong các cuộc viếng thăm của mẹ. Bằng một giọng chán chường và giận dữ, nàng như cho đang phát lại một cuốn băng ghi nhận tất cả những tật xấu của mẹ, từ đầu chi cuối, với đầy đủ những chi tiết sinh động. Nàng như "ghi lại" và nhớ mãi biết bao hành vi tiêu cực và xâm phạm trắng trợn của mẹ. Chẳng hạn những gì xảy ra trong chuyến viếng thăm mới nhất vừa rồi: Mẹ nàng đã chẳng hề chú ý gì đến chuyện vợ chồng nàng bỏ công sửa sang, trang trí lại phòng khách để tiếp đón; khi chồng nàng vui vẻ khoe là sắp được tăng lương và thăng cấp, bà đã nín thinh không một lời bình phẩm; nàng đã tốn nhiều công sức để đãi bà bữa ăn tối đặc biệt thì bà lại than phiền là quá nhiều thức ăn và chê trách nàng không biết tiết kiệm. Chưa hết, bà lên lớp rằng nhà bếp gì mà quá ngổn ngang và bề bộn, rằng nàng phải sắp xếp lại như thế này, như thế kia mới là ngăn nắp. Khi Maggie báo là nàng đã mang thai được ba tháng, bà đáp: "Cái nhà mà mày chưa giữ nổi cho sạch thì không biết mày sẽ nuôi con làm sao!?".

Ban đầu thì Maggie làm thinh, hậm hực trong bụng. Nhưng sau đó, nàng giận quá không nhịn nổi nữa, đáp lại bằng những câu mỉa mai, xiên xỏ...và thế là cuộc cải vã ghê gớm nổ ra, đánh dấu cho cái ngày mẹ nàng hầm hầm dọn va-li bỏ về. Khi kể lại tất cả những chuyện này, Maggie thừa nhận mình thực sự uất hận, và nàng quan niệm rằng cuộc trị liệu tâm lý sẽ giống như một nơi để mình có thể "xả hết những uất hận ấy ra cho được thông thoáng". Nhưng nàng cũng chỉ biết làm có vậy. Nàng đã không biết nói với mẹ, chẳng hạn như: "Má, việc con mang thai có ý nghĩa rất lớn đối với chúng con. Chúng con rất phấn khởi. Mặc dầu đôi khi con cũng lo đấy nhưng con tin rằng rồi chúng con sẽ chu toàn tốt đẹp trách nhiệm của chúng con". Nàng cũng chẳng biết nói: "Má, con biết là cách tiêu xài của con rất khác với má. Nhưng những gì con chọn làm là để thích hợp cho cuộc sống của con, cũng như má phải làm điều thích hợp cho cuộc sống của má". Trái lại, nàng chỉ biết tiếp tục làm thinh trong lúc thật sự bất bình vì bị chê bai và đánh giá thấp. Nàng cứ hết nín chịu những cảm xúc giận dữ thì lại lánh ra xa, để rồi kết cuộc là cơn giận nổ tung. Cả ba cách phản ứng trên đây không cách nào đã có thể giúp nàng tìm ra lối thoát.

Rõ ràng là không cần thiết – cũng không nên – quá bận tâm vào những gì bất công và bực bội mà mình gặp phải. Có những trường hợp phải biết bỏ qua không để bụng những gì không đáng thì mới là thái độ trưởng thành. Nhưng với Maggie thì "làm thinh – bùng nổ" đã trở thành quy tắc não nề cho nàng trong mối liên hệ với mẹ. Maggie đã tự từ bỏ bản ngã qua việc không thể phát biểu hữu hiệu những vấn đề cốt thiết liên quan đến chính mình. Và, như một hậu quả tất yếu, nàng cảm thấy cay đắng, bực bội, chán chường, và thấy mình trở thành nạn nhân.

Khi tôi hỏi Maggie về những lúc nàng giữ im lặng, nàng nêu ra vô số biện minh vì sao mình không thể cất lời được. Chẳng hạn: "Không bao giờ tôi có thể nói như thế!", "Má tôi không chịu nghe đâu!", "Nói ra chỉ tổ làm sự việc xấu thêm!", hay: "Tôi đã thử làm như vậy tới cả trăm lần rồi mà chẳng ăn thua gì!", "Chuyện giữa tôi với má tôi quả thực hết thuốc chữa rồi!", "Má tôi không chịu nổi đâu nếu tôi nói như vậy!", "Bà chưa hiểu tính khí của tôi đâu!", hoặc là: "Mặc kệ má tôi muốn nói gì thì nói, điều đó chẳng còn quan trọng gì với tôi nữa!".

Những lý lẽ như thế có lẽ chúng ta đã được nghe quá nhiều. Trong các mối liên hệ gia đình, khi xúc cảm dâng cao, chúng ta thường truyền đạt những gì mình cảm, nghĩ một cách thật vụng về, nhưng phần lớn chúng ta lại đổ trách nhiệm về điều đó lên người khác. Đó là tại má (hay ba, anh, chị...) không muốn nghe, thủ thế quá đi, nổi cơn khùng lên rồi, hết thuốc chữa rồi, tính khí đã như vậy rồi...Luôn luôn là người kia đã làm cho tình trạng không thể thay đổi. Chúng ta chối bỏ phần trách nhiệm của mình trong những tác động qua lại đó, và vì thế, cũng từ bỏ cả khả năng của chúng ta trong việc cải thiện mối liên hệ.

Maggie đã hành động như là nàng chỉ có thể hoặc làm thinh hoặc cải vã hơn thua cho bằng được, mặc dầu kinh nghiệm bản thân cho nàng hay rằng cả hai điều đó đều chẳng đem lại kết quả gì. Quả vậy, cơn giận sau khi đã nổ bùng ra thì chỉ còn lại cảm giác chán nản, và rồi vì chán nản mà nàng lại bước vào một chu kỳ mới của làm thinh và xa lánh.

TIẾN TỚI GIAO TRANH:

Nhiều tháng sau buổi trị liệu đầu tiên của Maggie, mẹ nàng lại đến thăm lần nữa. Lúc này thì bé gái đầu lòng của vợ chồng nàng vừa tròn hai tháng tuổi. Sự căng thẳng giữa nàng với mẹ đã lập tức vút cao, ngay từ lúc bà mẹ vừa mới mở va-li ra, rồi cứ thế leo thang trong suốt thời gian bà ở lại. Mới có con, nên "tinh thần chiến đấu" của Maggie tăng cao hẳn, và lần này nàng có vẻ ít ngần ngại trong việc cãi vã hơn thua với mẹ, đặc biệt trên đề tài săn sóc cháu bé.

Khi Maggie quyết định cứ để cho bé khóc chán rồi ngủ, bà bảo nàng hãy bế bé lên, nhấn mạnh cách nuôi con cẩu thả như vậy là rất có hại. Khi bé khóc đòi bú thì Maggie cho bú, bà lại khuyên phải cho con bú đúng giờ, trách nàng nuôi con như vậy là làm hư con. Và cứ như vậy tiếp tục...

Maggie đã không chịu ngồi yên nghe mẹ lên lớp và phẩm bình. Sử dụng tất cả những điều đã học hỏi được về y tế, về tâm lý hay về khoa chăm sóc trẻ sơ sinh, nàng bác ngay từng điểm sai mẹ nêu ra. Nàng thường xuyên tranh cãi với mẹ. Maggie càng đưa ra thêm chứng cứ, bà mẹ càng bám chặt vào ý kiến mình. Khi diễn biến đó đạt tới mức không thể chịu đựng được nữa, nàng đã giận dữ lên án mẹ là cứng nhắc, không thể nói chuyện gì được, không biết nghe lẽ phải và cứ thích điều khiển nàng. Mẹ nàng thế là cũng to tiếng quát gắt ngược lại, đến khi Maggie rút lui trở lại thái độ làm thinh thì bà cũng hậm hực tránh đi chỗ khác. Hai bên chỉ tạm dịu đi trong một thời gian ngắn, rồi lại nhanh chóng nổ ra một cuộc cãi vã mới.

Sang đến ngày thứ tư tính từ hôm mẹ tới thăm, Maggie đến phòng trị liệu và kể lại tôi rằng nàng chẳng còn chút xíu dũng lực nào nữa để chịu đựng, và bệnh nhức đầu thì đang trở lại hành hạ nàng kinh khủng. Một lần nữa, nàng kết luận rằng mẹ mình quả thực là "hết thuốc chữa", và cay đắng tuyên bố rằng mình không còn chọn lựa nào hơn là trở lại câm lặng như xưa, gặp mẹ càng ít càng hay trong tương lai.

Cái gì đã sai trái ?

Một vấn đề có lẽ đã quá hiển nhiên với chúng ta khi nhận xét về cung cách tranh cãi hơn thua của Maggie đối với mẹ: nàng cứ cố sửa đổi mẹ hơn là nói rõ lập trường của mình và giữ vững lập trường đó. Đòi sửa đổi người khác, đặc biệt khi người đó là cha mẹ mình, là một việc làm tự nó đã thất bại. Có thể biết trước là mẹ của Maggie thế nào cũng bám chặt hơn nữa vào những tin tưởng của bà, trước ý đồ của con gái cứ muốn ép bà phải tự nhận là sai lầm. Maggie cần hiểu rằng: nàng không thể điều khiển hay sửa đổi những suy nghĩ và tình cảm của người khác. Càng cố làm như vậy với mẹ, Maggie chỉ càng làm cho mẹ bực mình thêm, và do đó mà càng làm mẹ chống lại bằng cách trở nên cực đoan hơn nữa.

Một vấn đề thứ hai mà có thể bạn đọc cũng thấy ra được, đó là Maggie vẫn chưa nhận định rõ nguồn gốc chính của sự giận dữ nơi nàng. Như vẫn thường xảy ra, hai mẹ con đã chỉ tranh cãi nhau trên những vấn đề giả. Cho em bé bú đúng giờ giấc hay cứ cho bú lúc bé khóc đòi, bồng ru bé ngủ hay cứ để mặc bé khóc chán thì thôi...tất cả những chuyện cãi vã đó chỉ là để che đậy một vấn đề thực: Maggie muốn độc lập với mẹ.

Sự phản ứng dữ dội với mẹ đã khiến Maggie không còn đủ khả năng để làm sáng tỏ hoàn cảnh và lập trường của nàng. Chỉ khi nàng có thể dịu bớt và tự nhìn lại mình nhiều hơn, nàng mới có thể nhận rõ được vấn đề chính của mình là đâu, và xác định được những gì mình muốn để đối phó với nó. Nếu cứ đơn giản cho bùng ra những giận hờn chất chứa, thì không giúp được gì đáng kể cho việc giải quyết vấn đề . Việc bùng nổ như thế có thể đem lại sự khuây khỏa nguôi ngoai – đặc biệt cho người đã bùng nổ cơn giận – và thường thường, trong "bữa tiệc dữ dằn" đó, hai bên chỉ đãi đằng nhau bằng những lời công kích, kết tội cũ kỹ. Nhưng, giải pháp đó nếu có giá trị gì thì cũng chỉ là tạm thời.

Đánh giá hoàn cảnh:

Maggie vẫn đang tả oán về một vụ cãi cọ khác với mẹ, cũng quanh đề tài chăm sóc cháu bé, tôi quyết định ngắt lời nàng:

– Cô biết không, tôi thực tình kinh ngạc về việc cô rất bênh vực mẹ – tôi nêu nhận xét.

– Tôi mà bênh vực mẹ? – Maggie ngạc nhiên nhìn tôi như nhìn một người khùng – Mẹ tôi làm tôi phát điên lên được. Tôi không bênh vực mẹ! Tôi chống lại mẹ thì có!

– Và kết quả của sự chống lại đó là gì ? – tôi hỏi ngắn gọn.

– Chẳng có gì! Chẳng có gì thay đổi cả! – Maggie tuyên bố.

– Đúng vậy – tôi nói – Cô đã bênh vực mẹ cô như vậy đó. Cô lao vào những cuộc cãi vã không đưa đến đâu cả và không bao giờ đề cập trực tiếp đến vấn đề thật. Cô cứ tranh cãi với mẹ cô thay vì giúp bà hiểu rõ lập trường của cô.

– Lập trường của tôi ư ? Và vấn đề thật nào? – Maggie hỏi.

– Vấn đề ở đây là ai chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc cháu bé. Ai là người có quyết định sau cùng về việc đó? Lập trường của cô trên vấn đề này là gì?

Maggie im lặng một lúc lâu. Nét mặt bừng giận của nàng từ từ chuyển thành phiền muộn và lo âu:

– Vâng, hình như tôi đã không xác định rõ lập trường của mình.

– Có thể – tôi đáp – Vậy thì trước hết chúng ta hãy xem xét rõ hơn vấn đề này.

Sau cuộc trao đổi này, Maggie bắt đầu chuyển sang hướng mới. Nàng đã bắt đầu suy nghĩ kỹ về hoàn cảnh của mình thay vì bày tỏ cảm xúc về nó, và bắt đầu làm sáng tỏ vị trí của mình hơn là cứ tiếp tục công kích mẹ. Trong tiến trình này, nàng dần dần có được cái nhìn mới hơn về "mô hình cư xử" giữa nàng với mẹ trong mối liên hệ mẹ con này. Nàng ngạc nhiên khám phá ra rằng: mình quả đã có mặc cảm phạm lỗi về việc không muốn mẹ xen vào gia đình của mình, nghĩ rằng cư xử như thế tức là muốn loại trừ mẹ khỏi gia đình riêng của mình. Một phần nào đó trong thâm tâm, nàng muốn "chia sẻ" với mẹ đứa con mình, để mẹ khỏi cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị mất giá. Maggie nghĩ tới vụ ly dị của cha mẹ – vốn xảy ra liền ngay sau việc nàng rời xa nhà, nhất là sau việc nàng lấy chồng – và nàng tự hỏi liệu những chọn lựa lúc đó của mình có dính líu gì tới sự đổ vỡ giữa cha và mẹ hay không? Tới lúc đó nàng mới tiết lộ thêm một thông tin quan trọng mà nàng đã quên không nói trong suốt thời gian chúng ta làm việc với nhau: mẹ nàng đã có lần phải điều trị bằng phương pháp chạy điện vì những triệu chứng bệnh tâm thần, việc này xảy ra ngay sau khi Maggie chào đời. Tuy nhiên, ban đầu Maggie đã không nhận thức được nỗi lo âu tiềm ẩn này của nàng: nàng e rằng mẹ nàng có thể khủng hoảng trở lại vào dịp nàng sinh con.

Trong những tháng kế tiếp, Maggie đã thám hiểm vào những khía cạnh khác nhau trong hợp đồng vô thức giữa hai mẹ con nàng. Nàng đã bắt đầu cảm thấy ít giận hơn và thông cảm mẹ nhiều hơn. Nàng cũng đã hiểu rõ hơn vì sao mọi người trong gia đình, kể cả nàng, đều cố gắng – một cách vô thức – bảo vệ mẹ khỏi cô đơn, khủng hoảng, bất kể là trong thực tế bà có thích được che chở như vậy hay không. Quan trọng hơn nữa, Maggie đã nhận ra, nơi những cung cách cũ của mình trong mối liên hệ với mẹ, nỗi ao ước của chính nàng muốn mọi việc vẫn được y nguyên: được mẹ giữ riết trong vòng tay, được gần gũi mẹ như xưa. Và dù bấy lâu Maggie vẫn chọn thái độ tranh cãi hay thái độ làm thinh với mẹ mỗi khi phải tỏ lập trường về những vấn đề quan thiết của chính nàng, nàng cũng chưa bao giờ thực sự rời khỏi mái nhà của mẹ. Dù hồi đó nàng có dọn lên cung trăng mà sống đi nữa, nàng đã vẫn cứ muốn rằng mình mãi mãi chỉ là đứa con bé bỏng của mẹ.

Càng ít sợ, càng bớt cảm thấy phạm lỗi về việc tỏ ra quyết tâm độc lập với mẹ, nàng cũng sẵn sàng hơn trong việc tự sửa đổi phần mình trong mối liên hệ này. Nàng không muốn dự phần vào những cuộc cãi vã như xưa nữa. Nàng cũng không muốn làm thinh mỗi khi nổi giận vì bị mẹ phủ nhận khả năng làm mẹ và làm một người phụ nữ trưởng thành của mình. Maggie đã bắt đầu biết khẳng định sự độc lập của bản thân.

PHÁ BỎ KHUÔN MẪU CŨ

Cuộc viếng thăm kế tiếp của mẹ Maggie xảy ra lúc con nàng đã gần được một tuổi rưỡi. Buổi trưa oi nồng hôm ấy, ngày thứ hai sau khi mẹ đến và chồng nàng thì không có ở nhà, Maggie vừa đặt con vào nôi để bé ngủ thì bé cất tiếng khóc. Chừng năm phút trôi qua, mẹ nàng vùng lên khỏi ghế, chạy tới bồng bé lên và gắt: "Tao không chịu nổi khi nghe con bé khóc! Tao phải ru nó ngủ!".

Maggie cảm thấy nỗi bực tức dâng lên trong giây lát, nàng đã muốn gầm lên với mẹ. Nhưng bây giờ thì nàng đã hiểu: cãi vã chỉ để bảo vệ cả mẹ lẫn chính nàng, mà nín thinh chịu đựng thì cũng vậy. Cả hai đường cãi và làm thinh đều chắc chắn làm cho nàng không bao giờ bày tỏ được với mẹ sự độc lập của nàng. Thốt nhiên, cơn giận của Maggie chìm đi.

Với một sự tự kềm chế tối đa có thể có, Maggie đứng dậy, bế con ra khỏi tay mẹ, đặt nhẹ bé xuống nôi. Rồi nàng quay lại nói với mẹ bằng một giọng không chút giận dữ hay phẩm bình: "Má à, xin má ra ngoài hiên, con muốn nói với má một vài điều quan trọng đối với con".

Maggie cảm thấy tim mình đập mạnh, tưởng có thể xỉu. Thoáng một phần giây đồng hồ, nàng nhận ra cãi vã còn dễ hơn là làm cái việc nàng đang cần làm. Nàng sắp bày tỏ với mẹ sự tách biệt và độc lập của nàng. Và nàng phải thực hiện điều đó với một cung cách trưởng thành và có trách nhiệm. Mẹ nàng rõ ràng cũng tỏ ra bứt rứt lắm, như thể không ngờ con gái mình lại phản ứng bằng một cung cách dịu dàng nhưng vững chãi đến vậy.

Hai mẹ con ngồi trên ghế đu dưới hiên nhà. Bà mẹ nói trước, bằng một giọng giận dữ vừa đủ đế giấu nỗi âu lo:

– Margaret! (lúc giận Maggie bao giờ bà cũng gọi tên nàng như vậy) Tao không thể ngồi yên mà nghe co bé khóc. Khi nghe một đứa trẻ khóc thét lên đòi bế, tao không thể ngồi tỉnh bơ giả điếc như vậy!

– Má! – giọng Maggie ôn tồn, tự tin. Nàng nhìn thẳng vào mẹ, điềm đạm trả lời – Con cám ơn má đã lo lắng nhiều cho cháu. Con hiểu má luôn luôn muốn cháu phải được săn sóc cẩn thận. Nhưng có vài điều mà con nghĩ phải thưa má...

Maggie ngưng một lúc. Nàng cảm thấy sợ đến lạnh tim mà không hiểu vì sao. Nàng đoán là mẹ nàng cũng cảm thấy vậy. Nhưng nàng vẫn cố giữ bình tĩnh:

– Má thấy đó, nó là con của con. Con đã tận tâm tận lực để học cách làm một bà mẹ tốt và gầy dựng một mối tương quan tốt với nó. Điều hết sức quan trọng cho con, là con được làm cho con của con những điều mà con tin là đúng. Con biết là đôi khi con sẽ thiếu sót, đôi khi con sẽ làm sai. Nhưng ngay lúc này đây, con cần để mặc cho bé khóc như vậy. Đó là cách mà con cho là thích hợp nhất. Con cần làm như thế, vừa là cho bé mà cũng vừa là cho chính con nữa. Và con rất muốn là má giúp đỡ cho con điều đó.

Maggie ngạc nhiên cảm thấy sức mạnh cùng sự trưởng thành trong giọng nói của mình. Nàng tiếp tục, nồng ấm và chân thành:

– Má, khi má bảo con là phải làm thế này hay thế khác, muốn con thay đổi cách con đã chọn, hay má trực tiếp ra tay để sửa đổi, thì việc đó không giúp ích gì cho con. Thật là ích lợi cho con nhiều lắm nếu má thôi đừng làm như vậy nữa.

Một lúc lâu im lặng như chết. Maggie có cảm tưởng vừa lụi mẹ một mũi dao. Rồi giọng nói quen thuộc của mẹ nàng cất lên, giận dữ, như thể vừa rồi bà không nghe gì cả:

– Maggie, tao không thể ngồi yên mà nhìn con bé khổ sở như vậy. Một đứa bé cỡ tuổi nó thì không thể để mặc cho khóc hoài hoài trong nôi được! – Bà tiếp tục diễn giải dài dòng về những tác hại tâm lý cho trẻ con nếu cứ chăm sóc chúng theo kiểu của Maggie.

Maggie muốn bênh vực lập trường của mình, nhưng nàng biết ngưng lại, không làm thế. Nàng đã hiểu tranh luận với mẹ về những điều đó thì chỉ làm nàng quên tập trung vào vấn đề mà nàng vừa mới khởi sự đưa ra mà thôi. Vấn đề mà nàng muốn trình bày với mẹ là: nàng muốn được là chính mình – tất nhiên độc lập và khác với má – theo cách thức hiện hữu độc đáo của riêng mình trên cõi đời này.

Maggie kiên nhẫn và lễ phép lắng nghe cho đến khi mẹ nói xong. Nàng không phản đối, cũng không cãi lý. Maggie lần này hành động khác hẳn, và cả hai mẹ con đều biết rõ điều đó.

– Má – nàng nhỏ nhẹ – Con nghĩ hình như má chưa nghe con. Có thể con sai lầm trong việc để bé khóc trong nôi, hoặc cũng có thể là con đúng. Con không dám nói chắc. Nhưng điều quan trọng nhất cho con lúc này là: con đã là một bà mẹ, và con có trách nhiệm phải làm cho cháu cái điều con cho là đúng nhất. Con không nói là mình không bao giờ lầm lỗi, hoặc dứt khoát đòi sự việc phải luôn theo ý con. Con chỉ muốn nói là con đã hết sức cố gắng để học cho biết tự tin và tự quyết định trong vai trò làm mẹ của con. Điều quan trọng là, với đứa con của con, con phải làm cái điều mà con tin là đúng.

Bà mẹ càng tỏ vẻ lo lắng hơn, và càng tỏ ra vô lý hơn:

– Tao đã nuôi bốn đứa con cho tới lớn. Có phải bây giờ mày nói thẳng vào mặt tao là mày không thèm nghe gì nữa, là những gì tao nói đều sai bét hết ? Ý mày nói là tao nên ở nhà chứ đừng tới đây phá mày phải không? Mày biết mà, nếu cần là tao có thể bỏ về ngay cho mà coi. Mày làm như tao tới đây chỉ toàn làm cho mọi chuyện xấu thêm không bằng!

Maggie lại cảm thấy đợt sóng giận dữ cồn lên, nhưng lần này qua đi rất nhanh chóng. Maggie biết giữ vững lập trường, không để mình bị cuốn vào cuộc cãi vã. Như vậy, nàng đã không để cho khuôn mẫu cư xử cũ giữa hai mẹ con được tái xuất hiện. Trái lại, nàng đáp:

– Không phải đâu má. Chúng con rất cám ơn má đã ở đây với chúng con.Concũng biết má có nhiều kinh nghiệm về việc nuôi con. Có lẽ rồi đây con sẽ còn xin má chỉ bảo thêm nhiều điều nữa, sau khi con đã yên tâm nhiều hơn về lòng tự tin và trách nhiệm làm mẹ của con.

– Nhưng bây giờ mày đâu có cần lời khuyên của tao! – đây là một lời kết tội hơn là một câu hỏi.

– Dạ đúng, thưa má! Con không muốn như vậy, chỉ trừ khi con đặc biệt hỏi xin má lời khuyên.

– Tao không thể ngồi đây mà nhìn mày làm hư con bé.

Mẹ nàng càng trở nên phi lý và khiêu khích hơn. Nhưng để đáp lại một mệnh lệnh vô thức, bà đang cố kéo Maggie trở về vị thế kẻ tranh cãi cũ, để hai bên cùng nhau phục hồi lại lối cư xử đã được quy định biết bao lâu nay trong mối liên hệ giữa mẹ con bà.

– Má biết đấy – Maggie nói – Chúng con đã cố gắng nhiều, như những người làm cha làm mẹ khác đã phải cố gắng. Nhưng con nghĩ chúng con đã làm khá tốt và sẽ càng ngày càng tốt hơn. Con tin rằng chúng con không làm hư con của chúng con đâu!

– Và mày chê trách tao chứ gì? – bà mẹ tiếp tục như thể Maggie chưa kịp nói gì – Tao muốn giúp đỡ mày mà mày ném trả lại vào mặt tao!

– Má – giọng Maggie vẫn điềm đạm – Con đâu chê trách má. Con đâu có nói là má đã làm sai. Con chỉ bày tỏ với má phản ứng của con, sự bất bình của con. Con bất bình vì má lập tức bồng cháu lên, ngay khi con vừa quyết định đặt nó xuống. Con không thể không phản đối má, vì con tin là con cần phải đặt cháu xuống lúc đó. Không phải con chỉ trích má đâu. Con đang chia sẻ với má là con nghĩ ra sao và con muốn thế nào.

Mẹ của Maggie đứng phắt dậy, đi vào nhà, đóng rầm cánh cửa. Maggie hoảng hốt, tưởng như mẹ sắp sửa tự sát đến nơi và nàng sẽ chẳng bao giờ còn được thấy mẹ nữa. Bỗng nhiên, nàng nhận ra đầu gối mình cũng run run và cảm thấy chóng mặt. Cả nàng lẫn bà mẹ đang kinh nghiệm nỗi âu lo – âu lo trước nguy cơ chia rẽ. Maggie cảm thấy cần phải đi đâu đó, và nàng rời khỏi nhà.

HIỂU PHẢN ỨNG CỦA BÀ MẸ

Khi Maggie thoát ra khỏi thế đứng cũ của nàng trong mối liên hệ giữa hai mẹ con, nàng đã kinh nghiệm nỗi sợ hãi – sợ cho sự an toàn của mẹ và của chính nàng. Mẹ nàng phản ứng lại cung cách cư xử mới của nàng trong mối liên hệ, bằng cách bà càng bám chặt hơn vào cách cư xử cũ của bà tới mức hầu như phi lý. Bà đang gắng hết sức bảo vệ chính bà lẫn con gái bà trước nỗi âu lo lớn lao vốn thường xảy tới khi một trong hai bên của mối liên hệ mật thiết bắt đầu khẳng định sự độc lập của mình.

Có thể là thoạt trông, thái độ của Maggie có vẻ như tàn nhẫn với mẹ, đang khi lối cư xử của bà phản ảnh một ước nguyện sâu xa là muốn được gần gũi con gái và muốn bảo vệ cho cả hai mẹ con trước cơn đau cô đơn vì sự tách xa và độc lập kia. Thật ra, nếu như mẹ nàng cũng có được phản ứng điềm tĩnh và hợp lý thì chính Maggie sẽ phải hoang mang hơn nữa – bởi vì nàng sẽ kinh nghiệm nhiều hơn nỗi lo âu tách biệt, nỗi lo mà nàng cảm thấy cứ thỉnh thoảng dâng lên trong lòng trong lúc đang nói chuyện. Ngoài nỗi lo sâu xa sợ mất nhau, cả mô hình tác động qua lại trong mối liên hệ của hai mẹ con – vốn ăn quá sâu và quá lâu vào nếp cư xử của cả hai bên – cũng khiến cho cả Maggie lẫn mẹ nàng bối rối không biết phải liên lạc với nhau bằng cung cách mới nào. Hay nói chính xác hơn, cung cách mới để thay vào thì có đó, nhưng xa lạ và đáng sợ cho cả hai biết mấy. Như vậy, khi Maggie phá vỡ mô hình liên lạc cũ, lập tức mẹ nàng cảm thấy – một cách vô thức – mối liên hệ bị đe dọa, và một thôi thúc từ bên trong khiến bà phải bảo vệ nó cho thật chặt, không để cho có một tí thay đổi nào kẻo có thể làm nó đổ vỡ.

Mặc dầu Maggie đã khôn ngoan chuẩn bị trước để đón nhận những diễn tiến sẽ xảy ra, nàng vẫn cảm thấy xúc động và mất tinh thần. "Mình có mắc phải một sai lầm nào không nhỉ?", nàng tự hỏi. "Má mình có sẽ hành động điên khùng không?", "Liệu mình có vĩnh viễn mất má chỉ vì can đảm quyết định nói rõ quan điểm của mình ?".

Câu trả lời là không. Khi chúng ta bắt đầu dám khẳng định bản ngã trong các mối dây liên hệ gia đình, đương nhiên biện pháp đối phó của các người thân cũng sẽ cùng nhịp với bước tiến của chúng ta. Phản ứng nghịch chiều của bà mẹ ("Hãy đổi trở lại đi!") là một cách để bà thông báo với Maggie rằng: đối với bà sự tự khẳng định bản ngã của nàng là một thái độ cắt đứt quá tàn nhẫn. Kèm theo thông báo đó là những dọa nạt – công khai hay ám chỉ – rằng mẹ sẽ bị khủng hoảng, mẹ sẽ rút lui, sẽ lánh xa, và mối liên hệ giữa hai mẹ con sẽ chấm dứt...Như chúng ta vẫn thường thấy, biện pháp đối phó đầy xúc cảm đó của những người thân ("Mày sai rồi", "Hãy đổi ngược lại đi", "Nếu không thì...") là có thể đoán trước được, là dễ hiểu, và phần nào là phổ biến. Nhưng sau đó, chuyện sẽ xảy ra tiếp tục như thế nào là tùy thuộc vào Maggie.

Rất từ từ. Kiên nhẫn từng bước một!

Công việc của Maggie mới chỉ bắt đầu. Khi mẹ nàng giận dữ trở vào nhà, Maggie cảm thấy sợ hãi và có lỗi. "Bây giờ, tốt hơn cả là tránh mặt mẹ thôi!" – nàng muốn "rút lui khỏi chiến trường". Đã nói hết những điều cần nói, nàng giờ đây chỉ còn mong hoặc mình hoặc mẹ biến mất khỏi chỗ đó cho rồi.

Chưa xong đâu! Với một mối liên hệ quan trọng như vậy thì chỉ một hai cuộc chạm trán chớp nhoáng không thể đem lại thay đổi lâu dài. Nếu quả thực Maggie muốn đổi thay, nàng còn phải trải qua một quãng đường gian khổ nữa.

Thứ nhất, điều mà Maggie cần nói lên (cho chính nàng cũng như cho mẹ nàng) là lời khẳng định về nhu cầu độc lập và tách biệt của mình, chớ không phải lời tuyên bố mình không muốn săn sóc hay gần gũi mẹ nữa. Độc lập có nghĩa là chúng ta dứt khoát khẳng định bản ngã, nhưng không có nghĩa là phải xa cách về mặt tình cảm. Do đó, Maggie còn cần phải tỏ ra – qua lời nói, cử chỉ lẫn hành động – rằng mặc dầu nàng vẫn cương quyết về những gì nàng muốn và tin tưởng, nhưng nàng vẫn còn là con gái của mẹ, vẫn thương yêu bà lắm.

Công việc điều đình để được độc lập nhiều hơn – đặc biệt giữa một người mẹ và một người con gái – có thể chứa đựng nhiều âu lo bị bỏ rơi, bị mất mát, đến mức kẻ khởi xướng (trong trường hợp này là Maggie) phải có trách nhiệm gìn giữ liên hệ tình cảm với người kia (mẹ nàng). Nếu Maggie quên làm việc này, thì mẹ nàng sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi, bị xúc phạm, và chính Maggie cũng sẽ cảm thấy lo lắng, có lỗi. Hậu quả tiếp theo là cả hai bên sẽ đồng tình với nhau – một cách vô thức – quay trở lại khuôn mẫu liên hệ cũ.

Maggie có thể làm cách nào hay nhất để gìn giữ tình cảm gần gũi với mẹ vào lúc này? Nàng có thể hỏi thăm mẹ về cuộc sống và sở thích của mẹ. Nàng có thể tỏ ý thiết tha muốn biết thêm về những chuyện riêng, về dĩ vãng của mẹ. Đây là một trong những cách tốt nhất để chúng ta giữ gìn mối liên lạc thân tình với người thân trong gia đình, hơn nữa, còn giúp chúng ta hiểu biết thêm về chính mình (xin xem chương 6). Khi sự căng thẳng đã dịu đi, mối liên hệ đã trở lại êm ả, Maggie cũng có thể chủ động gợi chuyện trước với mẹ để trao đổi về vấn đề nuôi con – một lãnh vực mà mẹ nàng quả thực có nhiều kinh nghiệm đáng giá. Chẳng hạn, Maggie có thể hỏi: "Má cũng thấy đó, nhiều khi con cố gắng dỗ dành em bé mà nó cứ khóc hoài. Tụi con hồi còn nhỏ chắc cũng vậy ? Những lúc đó thì má thường làm gì?", hay: "Má đã nuôi bốn đứa con. Theo má thì phải làm gì nếu trong số hai đứa cách nhau chỉ vừa một tuổi?". Có thể mẹ nàng sẽ trả lời một cách hờn dỗi: "Thôi, tao có nói ra thì mày cũng đâu thèm nghe những lời khuyên của tao!". Dù vậy, Maggie vẫn có thể đáp lại một cách vừa chín chắn vừa trung thực rằng: "Má à, đúng là theo con, kể cả những lời khuyên có giá trị đi nữa cũng không giúp đỡ được nhiều cho con. Đó là vì con nghĩ chính con phải đích thân vật lộn với vấn đề và tìm ra giải pháp riêng. Nhưng nếu được biết thêm những kinh nghiệm của má thì đó vẫn là điều ích lợi cho con lắm. Nhất là con thực tình muốn biết hồi đó má đã từng đối phó ra sao với những khó khăn khi nuôi nấng tụi con". Từ chối những lời khuyên, nếu cần phải làm như thế vì nhu cầu độc lập, không đồng nghĩa với cắt đứt liên lạc. Càng trưởng thành, độc lập, chúng ta càng nên – chứ không phải không nên – hiểu biết nhiều hơn nữa về những người thân của chúng ta, và ngược lại, càng có khả năng chia sẻ với họ nhiều hơn nữa những gì "là" chính mình.

Thêm vào với nhiệm vụ là kẻ có bổn phận gìn giữ mối liên hệ tình cảm, Maggie từ nay còn phải đối mặt với một vài cuộc "trắc nghiệm" của mẹ. Mẹ nàng cần "xác minh" xem có thực nàng đã chắc chắn muốn thay đổi lề lối liên hệ cũ, hay là nàng – vì quá lo âu hoặc vì lý do nào khác – muốn được trở lại như xưa. Mẹ của Maggie sẽ "thử thách" nàng, không phải vì bà là một người khắt khe hay "không bình thường". Trái lại, đó là một động tác đáp trả đương nhiên trong mọi hệ thống gia đình, một loại phản ứng cơ bản, giống như quy luật vật lý vậy. Maggie phải chuẩn bị đón nhận sự tấn công, rút lui, dọa nạt của mẹ, và có thể cả những chăm sóc "cổ hũ" một cách cực đoan mà mẹ nàng sẽ làm cho con nàng. Nàng cũng phải chuẩn bị để lặp lại với mẹ niềm tin tưởng của mình nhiều lần nữa nếu cần, như thể phát đi phát lại một băng nhạc cũ kỹ. Tuy nhiên nàng đồng thời vẫn phải, với hết khả năng có thể, giữ mối liên lạc tình cảm tốt với mẹ. Có một điều mà nhấn mạnh bao nhiêu cũng chưa đủ, đó là: không thể đạt được nhiều độc lập hơn nếu chỉ trông cậy vào một cuộc chạm trán chớp nhoáng.

Như vậy là, kể từ lúc mẹ nàng đứng phắt dậy rút lui vào phòng, công việc của Maggie phải còn lâu nữa mới hoàn tất. vào buổi trưa đặc biệt này, Maggie chỉ mới bắt đầu tiến trình sống tách biệt nhiều hơn với gia đình gốc của nàng. Nếu nàng có thể duy trì dài lâu tiến trình đó, thì dần dần nàng sẽ ngày càng độc lập hơn và hiểu biết chính mình hơn, và điều đó sẽ được tỏ hiện nơi nàng trong mọi mối liên hệ quan trọng khác. Cả mẹ nàng cũng vậy, điều đó cũng sẽ làm cho bà dần dần tiến tới một cung cách tách biệt hơn trong các mối tương giao và đạt được nhiều mãn nguyện hơn trong cuộc sống riêng của bà.

Maggie liệu có thể vững vàng chấp nhận được nỗi âu lo và mặc cảm phạm tội trong tiến trình tự khẳng định bản ngã độc lập của nàng ? Hay nàng sẽ bị choáng ngợp vì bao cảm xúc trước phản ứng của mẹ, đành rơi trở lại vào cung cách cãi vã trước đây – quen thuộc và có vẻ an toàn – để rồi hai mẹ con vẫn bị cột chặt vào nhau trong điệu múa cũ? Thế chủ động giờ đây đang thuộc về Maggie, và do đó, sự chọn lựa khó khăn cũng là dành cho nàng.

"Có nhau" nhưng "khác nhau":

Maggie đã chọn thay đổi lề lối cư xử. Nhiều lần nàng đã nhất thời thất bại vì đã trở lại những cung cách cũ: cãi cọ, khuyên bảo, chỉ trích hoặc xa lánh mẹ. Nhưng điều quan trọng nhất, là nàng có thể tự đứng dậy sau mỗi lần té để tiếp tục cuộc chạy đua. Nàng vẫn tiếp tục tuyên bố nhu cầu độc lập của mình, cố gắng càng lúc càng bớt trách móc, bớt xa lánh mẹ. Trong lúc làm như vậy, nàng đã thiết lập được mối liên hệ mới với mẹ và dần dần cư xử trưởng thành hơn. Nàng đã bắt đầu nói với mẹ về những đề tài vốn trước đây bị lu mờ bởi những năm dài không ngớt cãi vã. Maggie bắt đầu hỏi về dĩ vãng của mẹ, về ông ngoại, bà ngoại, về thuở ấu thơ và những biến cố đáng ghi nhớ trong đời mẹ. Nàng còn dám gợi chuyện về cả những đề tài trước đây bị coi là "cấm kỵ", ví dụ: " Má, má nghĩ ra sao về gia đoạn bị khủng hoảng sau khi sinh ra con?". Maggie nói chuyện với mẹ theo một cung cách mà trước đây giữa hai mẹ con chưa bao giờ có. Sau nhiều lần chuyện trò với mẹ theo cung cách đó, Maggie đã dần dần có thể nhìn lại những hành vi và thái độ "đáng ghét" của mẹ nàng trước đây dưới một ánh sáng mới. Nàng chợt hiểu ra rằng: việc mẹ cứ hay xía vào những chuyện riêng của nàng mà chỉ trích, chính là cách mẹ tỏ bày niềm ước ao muốn giúp đỡ con gái. Cũng như bên dưới những cư xử quá đáng kia của mẹ, là nỗi sợ ngấm ngầm rằng nếu không làm thế thì sẽ mất con. Ngoài những lời chỉ vẽ và phẩm bình, mẹ nàng cũng hoang mang bối rối như nàng, không biết làm cách nào khác để có thể giúp đỡ và gần gũi con gái mình hơn. Maggie tin rằng mẹ nàng đã từng lờ mờ cảm nhận được nỗi sợ không dám "buông thả" của nàng, sự cố bám vào cung cách liên hệ cũ của nàng. Và nàng cũng nhận ra xưa kia mẹ đã từng có mối liên hệ tương tự như thế với bà ngoại, nghĩa là gìn giữ sự gần gũi bằng cách thường xuyên gây chuyện cãi vã.

Còn mối liên hệ giữa Maggie với cha thì sao ? Giống như nhiều ông bố khác, trước đây cha của Maggie thường ít có mặt trong gia đình. Sau vụ ly dị, hai cha con càng xa cách nhau thêm, nhưng một phần cũng vì nàng là con gái – cứ sự thường thì "nhiệm vụ" của đứa con gái là phải đứng về "phe" mẹ nếu cha quyết định chia tay. Giờ đây, khi Maggie không cảm thấy cần phải duy trì hợp đồng vô thức đặc biệt đó với mẹ nữa, nàng đã bắt đầu có thể liên hệ "mặt đối mặt" với cha một cách trưởng thành và hiệu quả.

Việc này cũng không dễ dàng gì, vì cả hai cha con thế nào cũng cảm thấy âu lo và mất tự nhiên khi nối lại dây liên hệ với nhiều gần gũi và thân thiết hơn. Khi Maggie bắt đầu bằng cách viết thư cho cha, phản ứng của ông là tỏ ra tránh né và xa lánh con gái. Đó là một trong những biện pháp đối phó mà một người cha có thể dùng khi đứa con gái chủ động cải thiện mối liên hệ. Thực ra, phản ứng nghịch chiều ("Thay đổi ngược lại đi!") của cha Maggie cũng bi thảm chẳng kém phản ứng của mẹ nàng, mặc dầu dưới hai hình thức khác nhau. Maggie vẫn vững tin vào điều mình đang muốn làm, nàng không phản ứng đáp trả lại theo cách thức xưa nay nàng từng làm trong mối liên hệ với cha. Nàng quyết tâm tiếp tục, bằng một hành động xem ra ít rủi ro nhất, đó là lại viết tiếp những lá thư trong đó nàng tâm sự với cha về những biến cố, những khó khăn đáng nhớ nhất xảy đến trong cuộc sống đã qua của nàng. Mặc dầu những chuyện liên quan đến cuộc sống nàng vốn từng là đề tài thường khiến ba má nàng gây gỗ, bất hòa nhưng giờ đây sự độc lập của Maggie đã tăng cao và điều đó giúp nàng khéo léo đứng ra ngoài cuộc tranh chấp của cha mẹ – một tài khéo hết sức cần thiết cho công việc tự khẳng định của nàng. Qua thời gian, mối liên hệ giữa nàng với cha đã dần dần trở nên gắn bó và sâu xa hơn.

Do kết quả của sự đổi thay mà Maggie thực hiện trong mối liên hệ với cha và với mẹ, nàng tiến tới chỗ thoát khỏi được những triệu chứng vốn khiến nàng trước đây phải tìm đến tôi. Nàng không còn nhức đầu nữa, biết đáp ứng tình dục hơn với chồng. Nàng cũng cảm thấy minh bạch hơn, dứt khoát hơn trong mọi liên hệ khác.

Việc làm của Maggie sẽ còn gây được ảnh hưởng tốt nơi thế hệ kế tiếp. Khi đám con nàng lớn lên, nàng sẽ biết cách cho chúng được hưởng độc lập đúng mức, tách biệt đúng mức – vì mức độ độc lập chúng ta đạt được khi còn sống với gia đình gốc luôn luôn tái hiện trong thế hệ kế tiếp. Nếu như Maggie đã không giải quyết được công việc này, sẽ tới lúc nàng bắt gặp mình cũng bảo bọc khuyên răn và phản ứng quá đáng – như mẹ nàng, như bà ngoại nàng – đối với một hoặc nhiều đứa con của nàng sau này. Hoặc cũng có thể nàng sẽ tách xa quá mức hay cắt đứt liên hệ tình cảm với con cái nàng khi chúng đã lớn. Dù lối cư xử sau có vẻ như đối lập với lối cư xử trước, nhưng thực chất đó chỉ là hai cách biểu hiện khác nhau của cùng một thái độ căn bản, đó chỉ là hai mặt của cùng một đồng tiền. Mặc dầu chưa ý thức được điều lợi trên, Maggie đã học được một trong những bài học đáng giá nhất, trong số đó tất cả những gì nàng muốn tìm học để mong trở thành một bà mẹ tốt.

TRỞ NÊN CHÍNH MÌNH :

Quyền tự trị, sự tách biệt, độc lập, sống lấy sự độc đáo của chính mình, đó là những giá trị và mục tiêu mà các nhà tâm lý trị liệu đều đặt lên hàng đầu. Đó cũng chính là những điều mà các phụ nữ đã thực sự tìm kiếm khi đến các phòng trị liệu để nhờ giúp đỡ: "Tôi muốn tìm lại chính mình!", "Tôi muốn khám phá ra mình thực sự là ai và muốn cái gì?", "Tôi quá mệt mỏi vì đã cứ phải mong cầu sự tán thành của người khác, tôi không muốn như vậy nữa!", "Tôi muốn có những mối tương giao gắn bó nhưng vẫn giữ được chính con người riêng biệt của tôi!".

Công việc xác định và gìn giữ bản ngã riêng rẽ trong những mối liên hệ mật thiết, là công việc chúng ta đã khởi sự làm ngay từ thuở sống với cha mẹ trong gia đình gốc, và không chấm dứt ở đó. Giống như Maggie, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục công việc đó – vào bất kỳ chặng tuổi đời nào – để đạt được độc lập nhiều hơn, và do đó cũng đạt được nhiều khả năng xây dựng tình thân và sự hòa hợp hơn. Trở lại mái nhà xưa, trở lại với những mối liên hệ gia đình cũ, để dàn xếp lại những vấn đề tình cảm chưa được giải quyết, là một việc làm vô cùng ích lợi, vì những gì ta đạt được sẽ ảnh hưởng lớn lao tới tận bản chất mọi mối liên hệ hiện tại của chúng ta.

Trong công việc suốt đời rèn đúc một bản ngã trong sáng, cơn giận của chúng ta là một con dao hai lưỡi. Một mặt nó giúp ta bảo vệ được sự toàn vẹn của bản ngã, gìn giữ được lòng tự trọng. Cơn giận của Maggie đối với mẹ là tín hiệu báo cho nàng biết là mình không thể thoải mái dễ chịu trong mô hình cư xử cũ giữa hai mẹ con, và mình cần phải thay đổi nó. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, mặt trái của cơn giận là: nếu như đơn giản xả nó ra cho hả tức, thì không giúp giải quyết được vấn đề mà chính nó đã thông báo. Maggie sở dĩ thành công trong việc tiến tới một bản ngã độc lập, chính là vì nàng đã có khả năng chia sẻ với cha và mẹ một cách thẳng thắn, không kết án, và vẫn giữ mối liên lạc tình cảm trong suốt quá trình cải thiện mối liên hệ đó. Khi "xử lý" những cơn giận của mình, Maggie đã biết giữ vững lập trường một cách quyết tâm nhưng hòa dịu. Nàng đã biết giữ không để lòng mình rối bời nao núng trước những biện pháp đối phó và phản ứng nghịch chiều không thể tránh được khi nàng muốn thực hiện cuộc thay đổi. Đó, việc sử dụng cơn giận để trở nên chính mình và đạt tới độc lập là như vậy, mặc dù chính cơn giận cũng gây khó khăn rất lớn cho chúng ta, trước hết trong khả năng trao đổi với người thân bằng một cung cách rõ ràng và minh bạch, đặc biệt khó làm khi chúng ta giận.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro