Chương 3 Điệu múa giữa hai người

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ĐIỆU MÚA GIỮA HAI NGƯỜI(Khi nổi giận mà chẳng đi đến đâu)

Khoảng sáu tháng sau khi sanh đứa con trai đầu lòng, tôi đọc được một cuốn sách nói về sự phát triển của trẻ em do một chuyên gia viết. Tim tôi hơi se lại khi thấy rằng cứ theo như sách thì con tôi, với độ tuổi đó, là bất bình thường. "Trời ơi!" – tôi thầm nghĩ – "Con tôi chậm phát triển mất rồi!". Tôi ôn nhanh những rắc rối đã gặp vào kỳ mang thai mà lạnh cả người: "Liệu có điều gì xấu cho thằng bé không?".

Buổi chiều, khi chồng tôi về, tôi kể lại nỗi lo lắng cho anh ấy. Phản ứng của anh ấy bình thản lạ lùng. "Quên chuyện đó đi em!", anh đáp tỉnh bơ, "Trẻ thơ phát triển theo nhịp độ khác nhau. Thằng bé nhà mình không sao đâu!". Phản ứng của anh ấy (mà tôi cho là để chặn họng tôi) chỉ làm tôi càng thêm bực bội. Tôi phản ứng lại bằng cách cố minh chứng quan điểm của mình. Tôi kể ra từng chi tiết những gì cuốn sách nói và nhắc lại những triệu chứng mà tôi nhận thấy trong thời kỳ mang thai. Anh đáp rằng đó là vì tôi cứ phóng đại vấn đề, cứ lo lắng quá mức: "Không có gì đáng lo cả!". Tôi bực mình, kết tội ngược lại là chính anh chối bỏ và giảm thiểu vấn đề: "Chuyện như vậy mà không đáng lo sao?". Anh bèn lạnh lùng nhắc là tôi đi vào vết chân cũ của má. Tôi nổi giận, trả đũa: "Gia đình anh có truyền thống không biết lo thì có, vì vậy mà đâu có ai biết thấy ra vấn đề!"...Và rồi cứ tiếp tục lời qua tiếng lại như thế, càng lúc càng nẩy lửa hơn.

Chúng tôi trở đi trở lại cũng một đề tài tranh cãi đó, cũng y theo cung cách đó, liên tục suốt sáu tháng sau – trong khi rõ ràng con của chúng tôi không có điều gì như trong sách nói. Tháng thứ chín, tôi đem cháu đến một nhà tâm lý học để trắc nghiệm. Bà này nói rằng cháu quả có chậm tiến ở một vài khía cạnh, nhưng cũng khó mà kết luận được điều gì vào lúc này. Bà khuyên chúng tôi nên chờ một thời gian nữa xem sao, và đến lúc đó, nếu chúng tôi vẫn chưa hết lo lắng thì hãy đến tham khảo ý kiến của một nhà thần kinh học trẻ em.

Chúng tôi càng lúc càng cãi vã và đối đầu nhau gay gắt hơn. Một cách máy móc, chúng tôi cứ tuần tự hết phiên người này tới lượt người kia lặp lại những động tác cũ: Tôi càng níu lấy anh và bộc lộ nỗi lo lắng, anh càng lảng ra xa và tìm cách giảm thiểu vấn đề; anh càng tránh né và giảm thiểu vấn đề, tôi càng xáp lại gần và phóng đại vấn đề hơn nữa. Trò chơi cò cưa này càng lúc càng leo thang, chỉ tạm kết thúc khi hai bên đều cảm thấy hết chịu nổi. Những lúc chịu hết nổi như vậy, chúng tôi giận dữ chỉ tay vào mặt nhau và người này đổ lỗi cho người kia là đã gây chuyện trước.

Chúng tôi bị sa lầy. Những năm tháng học hỏi về tâm lý và văn hóa cạn sạch! Rõ ràng là phản ứng của bên này chỉ làm bên kia phản ứng trở lại mãnh liệt thêm, nhưng cả hai không bên nào có khả năng làm gì khác để thay đổi tình trạng đó.

– "Con của anh chị khỏe manh!", nhà chuyên môn thượng thặng về khoa não học nhi đồng ở Kansas City dịu dàng nói thế. "Cháu có một kiểu phát triển hơi khác thường, nhưng những trường hợp như vậy không phải hiếm. Một số em bé có vẻ như kém hoạt động cho tới khi biết đi". Lúc ấy, con trai chúng tôi đã gần tròn một tuổi. Và quả sau đó, dù không hề tập bò hay tập đứng chập chững, cháu vẫn bắt đầu biết đi đúng thời hạn không kém những trẻ bình thường khác. Từ đấy, những cuộc cãi vã triền miên của chúng tôi cũng chấm dứt.

Sau này chúng tôi mới nhận ra các điều lợi vô thức đã được hưởng trong những cuộc cãi vã đó. Cãi nhau như vậy giúp cả hai cùng bớt lo lắng về đứa con và đánh lạc hướng nỗi âu lo của mỗi bên trước trách nhiệm làm cha, làm mẹ mới mẻ. Nhưng có một điều gây ấn tượng thật sâu sắc, là lúc đó chúng tôi đã không thoát được khỏi vũng lầy như thế nào. Cả hai cùng cư xử như thể chỉ độc nhất có một cách đáp ứng "đúng" cho hoàn cảnh gay go của gia đình, như thể chúng tôi cùng bị hút vào một điệu múa mà trong đó hai bên đều cố sức sửa đổi bước nhảy của nhau, nhưng đồng thời chẳng ai muốn tự đổi bước nhảy của mình. Kết cục: điệu múa vẫn tiếp diễn và chẳng có gì được thay đổi.

BỊ SA LẦY – THOÁT SA LẦY:

Các cặp vợ chồng thường bị sa lầy ra sao ? Trọng tâm của vấn đề không luôn luôn là việc không thể bày tỏ cơn giận: nhiều phụ nữ chẳng gặp khó khăn gì trong việc biểu lộ sự giận dữ – tôi cũng thuộc số đó. Trái lại, vấn đề ở chỗ biểu lộ cơn giận rồi mà sự việc vẫn chẳng đi tới đâu, có khi còn tệ hại thêm.

Nếu đã tỏ bày cơn giận mà vẫn không thấy đạt được kết quả mong muốn, thì hợp lý hơn cả là hãy thử làm cái gì khác. Trong trường hợp của tôi, tôi có thể tự thay đổi lối hành xử với chồng bằng nhiều cách. Rõ ràng là sự nôn nóng bày tỏ nỗi lo của tôi chỉ kích thích anh ấy phủ nhận nỗi lo của anh ấy, và hậu quả là tôi lại càng thêm lo lắng. Giả dụ tôi có thể ngưng không giãi bày với anh nữa mà tìm đến tâm sự với một người bạn thân, và giả dụ tôi đã làm được như thế trong vài tuần lễ, thì chắc anh ấy rồi cũng có cơ hội đê kinh nghiệm nỗi lo lắng của chính anh. Hoặc giá như tôi biết đợi lúc vợ chồng thân mật gần gũi để chia sẻ với anh ấy nỗi lo và tỏ ý mong anh ấy giúp tôi đối phó. Cách hành xử này thật ra rất xa lạ với tôi. Tôi không quen làm như thế. Tôi thường cứ phải thổ lộ với chồng những nỗi lo của mình, bằng một cung cách phải "nghiêm trọng" mới được, và còn ngầm ý trách móc anh vì đã không phản ứng giống tôi. Chồng tôi cũng vậy, anh ấy cũng có thể dễ dàng chấm dứt sự cãi cọ dai dẵng này giữa chúng tôi – phá vỡ mô hình cư xử này của chúng tôi – bằng cách thử làm một điều gì đó khác với những gì anh quen làm. Chẳng hạn anh ấy có thể chủ động gợi chuyện với tôi trước, và qua đó bày tỏ nỗi lo lắng của anh về đứa con.

Về mặt lý trí thì tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng: nếu cứ lặp lại những cố gắng vô hiệu quả, chúng ta chẳng hoàn tất được chuyện gì, có khi còn làm cho sự việc tệ hại thêm. Song, thực lạ lùng là phần lớn chúng ta cứ muốn tiếp tục làm như cũ, một cách mạnh hơn nữa, đặc biệt khi bị căng thẳng. Ví dụ: Một bà vợ "lên lớp" ông chồng vì ông không chịu tuân theo đúng chế độ ăn kiêng, bà càng tăng cường thêm mức độ cũng như nhịp độ lên lớp, trong khi ông chồng vẫn cứ làm ngược lại những gì bà căn dặn. Một cô gái giận dữ thúc dục người yêu phải biểu lộ tình cảm, càng ngày cô càng thúc dục và giận dữ mạnh mẽ hơn, trong khi người yêu cô càng thêm tỏ vẻ lạnh lùng. Vấn đề không phải ở chỗ bà vợ và cô gái nói trên không thể nổi giận. Vấn đề nằm ở hai điểm sau: cách thức mà họ đã dùng để "xử lý" cơn giận đã chẳng đem lại kết quả gì, và họ cứ vẫn tiếp tục làm theo cách đó mãi.

Ngay con chuột trong phòng thí nghiệm cũng biết thay đổi lối hành động khi thất bại cứ lặp đi lặp lại, tại sao con người chúng ta lại có thể hành xử kém thông minh đến thế? Bây giờ thì câu trả lời có thể rõ ràng được rồi: vì lặp đi lặp lại đường lối đấu tranh cũ là một cách che chở chúng ta khỏi những âu lo mà chúng ta buộc phải kinh nghiệm khi tiến hành một cuộc đổi thay. Khi việc nỗ lực làm sáng tỏ vấn đề hàm chứa một mối nguy quá lớn, thì dồn năng lực vào việc đấu tranh vô hiệu quả là một phương thế hữu hiệu giúp chúng ta tránh khỏi mối nguy đó. Đôi khi cứ bị sa lầy lại là điều chúng ta cần, cho tới khi chúng ta tin là có thể thoát khỏi sa lầy một cách an toàn.

Tuy nhiên, kể cả khi sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong cuộc đổi thay, chúng ta thường vẫn cứ tiếp tục tranh cãi theo lối cũ không đi đến đâu cả. Con người là như vậy, khi nổi giận là chúng ta phản ứng rất mạnh đối với điều người khác gây cho ta mà mất đi khả năng quan sát phần của ta trong mối liên hệ. "Tự quan sát" không phải là "tự trách mình" – như một số phụ nữ thành thạo làm như thế. Hơn nữa, quan sát chính mình là phương cách giúp chúng ta nhận ra sự tác động qua lại trong mối liên hệ giữa chúng ta với người khác, nhận ra cách người khác cư xử với ta ảnh hưởng trên cách ta đối xử với họ như thế nào. Chúng ta không thể làm kẻ khác thay đổi, nhưng khi chính chúng ta tự đổi thay bước nhảy của mình, điệu múa cũ không thể nào tiếp tục được nữa.

Câu chuyện của vợ chồng Sandra dưới đây là một ví dụ về việc thoát khỏi sa lầy. Nội dung cuộc đấu tranh của họ có thể hoặc không thường gặp nơi các cặp khác, nhưng hình thức của điệu múa giữa họ thì gần như phổ biến. Cặp này – giống như bao cặp khác – bị cuốn hút vào điệu múa, trong đó bước nhảy của kẻ này giữ gìn và kích thích bước nhảy của người kia. Khi đã dự phần vào một mối liên hệ tay đôi (như vợ chồng, cặp tình nhân...) chúng ta có thể dễ dàng bị cuốn vào sức hút của điệu múa. Và khi hai bên đã sa vào điệu múa như vậy, thì càng tìm cách sửa đổi nhau họ càng làm cho tình trạng cũ không thể thay đổi.

CÂU CHUYỆN CỦA VỢ CHỒNG SANDRA:

"Anh và chị, mỗi người nhìn cuộc hôn nhân của mình ra sao?", tôi hỏi trong buổi gặp gỡ đầu tiên với cặp vợ chồng này. (Sandra là người khởi xướng việc đến phòng gia đình trị liệu và đã yêu cầu chồng cùng đi). Thoạt tôi hướng tia nhìn vào người chồng, sau đó tới Sandra. Nàng lập tức thấy là được mời nói, bèn quay người về phía tôi, lấy hai bàn tay che mặt như để khỏi phải nhìn thấy chồng.

Bằng một giọng không che đậy cơn bực tức, Sandra kể lể một thôi những than phiền. Dĩ nhiên nàng nói về chuyện nàng trước. Và cũng dĩ nhiên, theo nàng nghĩ thì "vấn đề" là do nơi chồng.

– Trước hết – nàng bắt đầu – ảnh chỉ ham mê công việc, chẳng để ý gì đến đám con và tôi. Tôi dám chắc ảnh không còn biết quan hệ với mẹ con chúng tôi ra sao nữa! Anh sống trong nhà mà như khách trọ vậy! – Sandra ngừng lại, hít một hơi dài, rồi tiếp – Làm như ảnh giao hết việc nhà cửa, con cái cho một mình tôi. Hễ có chuyện gì cần tới ảnh, ảnh lại nói là tôi sao mà dễ xúc động quá, sao mà ưa lo lắng quá! Ảnh đâu có mặt ở nhà! Và có khi nào ảnh thèm nói với tôi về những chuyện ảnh lo lắng đâu?

– Khi ảnh về đến nhà và trong nhà có chuyện gì đó làm chị lo nghĩ, chị đã nhờ anh giúp đỡ ra sao? – tôi hỏi.

– Tôi nói với ảnh rằng tôi thiệt tình bực bội. Tiền nong trong nhà thì hết, đứa con gái lớn thì đau, bao nhiêu việc phải bỏ dở, còn thằng nhỏ thì làm tôi phát điên lên được...Vậy mà ảnh chỉ chăm chăm nhìn tôi rồi tỉnh bơ trách móc: "trễ giờ cơm tối rồi đấy". Ảnh còn nói là tôi sao lúc nào cũng cứ nóng nảy về đủ thứ chuyện, lúc nào cũng quan trọng hóa vấn đề...Ảnh làm tôi muốn hét lên!

Sandra im lặng và chồng nàng thì không nói gì cả. Nhiều phút sau nàng lại tiếp tục, lần này còn ứa nước mắt:

– Tôi mệt mỏi lắm rồi! Ảnh coi tôi không bằng một góc ba cái công việc của ảnh! Ảnh làm như gắn bó gần gũi với tôi một chút là cực khổ lắm vậy! Ảnh cũng không để mắt coi mấy đứa nhỏ sống ra làm sao...Rồi khi nào ảnh muốn tỏ ra là cha, ảnh làm như thể chỉ có mình ảnh phải lo lắng cho tụi nó!

– Chẳng hạn như...? – tôi hỏi

– Chẳng hạn ảnh đi phố mua cho con gái cái bàn trang điểm đắt tiền mà có lần con bé để mắt tới, không thèm hỏi tôi một tiếng! Chỉ sau khi mua rồi ảnh mới nói! – Khi kể lại chuyện này, Sandra quay sang nhìn chồng chăm chú, trong khi anh lảng tránh ánh mắt của vợ.

– Khi anh làm điều gì mà vợ không đồng ý, tỉ như vụ mua cái bàn, chị làm cách nào để cho ảnh biết? – tôi hỏi tiếp.

– Không có cách nào cả! – Sandra nhấn mạnh giọng – Thiệt là không có cách nào hết!

– Không có cách nào cả về chuyện gì ?

– Nói chuyện với ảnh! Chạm trán với ảnh! Ảnh không chịu nói cho biết ảnh đang nghĩ gì. Ảnh không biết bàn hỏi với nhau sao. Ảnh không có trả lời trả vốn gì hết. Ảnh cứ ngồi im thin thít và muốn được để mặc ảnh một mình. Ngay cả lúc ảnh phản đối, ảnh cũng chả biết tranh cãi ra làm sao nữa. Hoặc là ảnh cứ lý luận cao siêu ở đâu đâu, hoặc là ảnh không thèm nói năng một câu, thậm chí ảnh còn dán mắt vô tờ báo hay là ngó chằm chằm vào tivi!

– Được rồi – tôi nói – Tôi nghĩ là đã hiểu cách Sandra nhìn vấn đề. Bây giờ đến lượt anh. Anh nhận định vấn đề trong cuộc sống hôn nhân của anh ra sao?

Chồng của Sandra tuần tự nói, kiểm soát và cân nhắc giọng nói, gần như anh cố tình làm ra vẻ anh cũng giận dữ không kém gì chị: "Sandra không "tự lập" đủ, không tự giúp mình đủ. Cô ấy luôn luôn muốn tôi phải bồng trên tay! Tôi nghĩ vấn đề chính là ở chỗ đó". Rồi anh ngưng bặt – đột ngột – như thể anh đã nói đủ cho cả ngày rồi.

– Sandra mềm yếu và phải nương tựa vào anh, nhờ anh giúp như thế nào? Anh có thể cho một ví dụ đặc biệt ?

– Ừm...Thực khó nói! Cô ấy hành hạ tôi đủ thứ, đó là một chuyện. Hay...tôi về đến nhà là đã 6 giờ chiều, tôi mệt và muốn có được một chút yên tĩnh, thì cô ấy cứ làm ầm ĩ lên với những chuyện về tụi nhỏ hay là chuyện của cô ấy, hoặc cô ấy than thở hết chuyện này đến chuyện nọ...Tôi vừa ngồi xuống ghế, mong được nghỉ ngơi chừng năm phú, thế là cô ấy xáp lại và bàn luận về những chuyện làm như động trời lắm – như chuyện cái thùng rác bị hư! – Lúc này thì anh quả đã giận thật, nhưng vẫn giữ gìn kỹ lưỡng giọng nói sao cho giống như đang bàn chuyện trời trăng mây nước vậy.

– Có phải ý anh muốn nói là anh cần một khoảng cách nào đó? – tôi hỏi.

– Không hẳn là vậy – anh đáp – Tôi muốn nói là Sandra hay phản ứng quá đáng. Cô ấy rất đa cảm. Cô ấy tưởng tượng ra vấn đề, trong khi thực ra không có gì quan trọng cả. Chuyện nào cũng thành chuyện lớn được hết!...Và...vâng, có thể là ý tôi muốn nói như vậy, tôi cần một khoảng cách, xa hơn một chút nữa.

– Thế còn những đứa con? Liệu anh có...- tôi chưa kịp dứt câu thì anh đã ngắt lời:

– Sandra là một bà mẹ quá ư mắc mứu với bầy con – Rồi anh giải thích cặn kẽ, như thể một bác sĩ đang chẩn đoán bệnh nhân – Cô ấy quá ư lo lắng về con. Cô ấy hưởng tính đó từ bà mẹ. Giá như bà có dịp gặp bà ngoại các cháu, bà sẽ hiểu!

– Anh có lo lắng cho bọn trẻ không? – tôi hỏi.

– Chỉ khi nào có điều gì đáng lo. Với Sandra thì tựa như cô ấy phải lo suốt ngày.

Thật không thể đoán trước được là cặp vợ chồng này lại "cột chặt vào nhau" (trong điệu nhảy) sâu xa đến thế! Tuy nhiên, trong buổi gặp đầu tiên này, họ xuất hiện như một cặp chỉ có một điểm chung duy nhất: trách móc. Giống như nhiều cặp vợ chồng khác, mỗi người đều nhìn thấy nơi người kia nguồn gốc của tất cả những khó khăn trong đời sống hôn nhân giữa họ. Và khi đến với nhà trị liệu để được làm một cuộc trị liệu gia đình, mỗi bên đều ngầm quan niệm rằng sẽ chỉ có kết quả khi nào người kia được "sửa đổi", được "uốn nắn".

Chúng ta hãy xem xét kỹ những chi tiết trong câu chuyện của vợ chồng Sandra, có nhiều điều học hỏi được lắm. Mặc dầu hoàn cảnh mỗi cặp mỗi khác, nhưng cái cách mà họ sa lầy thì rất giống nhau.

"Anh ấy cứ lạnh lùng!" – "Cô ấy quá đa cảm!"

Những lời than phiền này ra như rất quen thuộc? Điểm then chốt trong những lời trách móc nhau của cặp vợ chồng này đáng là tiếng chuông cảnh giác cho nhiều cặp khác. Thái độ xa cách, không động lòng, không sẵn sàng giúp đỡ của chàng là nguyên do khiến nàng nổi giận: "Chồng tôi lẩn tránh không đối mặt với tôi, cũng chẳng hề chia sẻ với tôi những tình cảm thực của anh ấy", "Chồng tôi sống trong nhà mà lầm lì như một cái máy", "Chồng tôi không chịu trao đổi, bàn bạc chuyện gì cả", "Chồng tôi quá mê đắm công việc". Và quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, chàng than phiền ngược lại rằng: "Vợ tôi hay phản ứng quá đáng", "Vợ tôi sao mà dễ dàng trở nên phi lý quá", "Vợ tôi ưa lải nhải về đủ thứ chuyện trên đời", "Tôi ước sao cô ấy thay đổi và chấm dứt cái tật nói dai và hung dữ".

Đặc biệt là chính những điều hai bên than phiền về nhau lại là những phẩm chất đã thu hút họ đến với nhau. Tỉ như Sandra bị hấp dẫn bởi sự chừng mực, vững chải của chồng và chàng thì phải thán phục về sự mẫn cảm, hồn nhiên của vợ. Khả năng trực giác, nhạy cảm của nàng khi tiếp cận với thế giới bên ngoài đã quân bình hóa khả năng hợp lý, dè dặt của anh – và ngược lại. Những gì đối nghịch thường hấp dẫn nhau, đúng không?

Hai đối cực quả có hấp dẫn lẫn nhau, nhưng không phải luôn luôn hòa hợp hạnh phúc với nhau mãi mãi. Một mặt, thực là yên tâm khi sống với người nào biểu lộ phần bản ngã của chính mình mà mình ngại không muốn biết tới. Tuy nhiên về mặt khác, sự thuận lợi này phải trả cái giá không tránh được của nó. Người đàn bà khi cứ biểu lộ tình cảm không chỉ riêng cho mình mà còn cho cả chồng nữa, thì rồi ra sẽ có lúc hành xử một cách "cuồng loạn" và "phi lý". Người đàn ông khi cứ ủy thác cho vợ làm thay "công việc tình cảm", sẽ mất lần khả năng tiếp xúc với phần quan trọng đó của bản thân, và đến lúc cần phải huy động nguồn cảm xúc thì có thể anh ta sẽ nhận ra tâm hồn mình trống rỗng quá chừng.

Trong đa số các cặp vợ chồng, người đàn ông giữ vị trí thấp kém trong trò chơi cò cưa, xét về phương diện tình cảm. Chúng ta đều biết có những người đàn ông tuy thật khéo tay, có tài làm những công việc tỉ mỉ, tinh tế, nhưng vẫn không thể cảm biết là vợ mình đang chán nản hoặc xuống tinh thần. Có thể ngay từ hồi còn ở với cha mẹ trong gia đình cũ, anh ta ít có được những liên lạc về cảm xúc với những thành viên khác trong nhà và cũng thiếu một người bạn thân để thổ lộ tâm tình. Đây là "nam tính" mà xã hội chúng ta nuôi dưỡng: người đàn ông thấy quen thuộc trong thế giới sự vật và ý tưởng trừu tượng, nhưng ít liên hệ cảm thông được với người khác, ít lắng nghe thế giới nội tâm của chính mình, ít sẵn lòng – và cũng ít có khả năng – để "bám trụ" khi mối liên hệ gặp mâu thuẫn và căng thẳng. Theo cách phân công truyền thống, nam giới được khuyến khích phát triển loại thông minh trước nhưng họ lại bị sút kém về loại thông minh sau, dù cả hai đều quan trọng. Phần đông họ là những người thiếu khả năng trong việc cảm xúc tương xứng với hoàn cảnh, với thực tại. Và, những chàng "bất cập" này có khuynh hướng chỉ tìm liên hệ với những nàng "quá đáng" – trong cùng lãnh vực mà các chàng yếu kém. Chẳng phải do ngẫu nhiên mà tính cách "đa cảm", "cuồng loạn", "quá đáng" của người đàn bà thường được tạo thành dưới cùng một mái nhà có người đàn ông "vô cảm", "lạnh lùng", "bất cập".

Trò chơi cò cưa trong cuộc sống hôn nhân như vậy khó mà đạt được thế quân bình, bởi khi hai bên càng cố đạt tới thế quân bình, đặc biệt trong những lúc gặp căng thẳng, những giải pháp của họ chỉ càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Người vợ quá nhạy cảm càng đòi chồng biểu lộ tình cảm chừng nào thì càng chỉ thấy ông chồng trở nên lãnh đạm chừng nấy, có khi đến độ như vô cảm xúc. Người chồng lạnh lùng, trí thức càng dùng lý luận khuyên người vợ bình tĩnh lại chừng nào thì cô vợ càng như bị khích động thêm. Đúng theo mô hình cư xử của những cặp bị sa lầy: bên này cứ giữ nguyên bước nhảy cũ trong khi tìm cách sửa đổi bước nhảy của bên kia. Ở đây, chính giải pháp nhằm giải quyết vấn đề lại trở thành một vấn đề nữa.

CẢM XÚC THAY CHO CHỒNG:

Đã từ lâu Sandra bất bình về thái độ thiếu phản ứng của chồng, mà không nhận thức được phần của mình trong điệu múa. Nàng không thấy là mình đã quá thành thạo, quá mau mắn trong việc biểu lộ tình cảm, đến nỗi nàng đã biểu lộ đủ cho cả hai. Như vậy, nàng đã bảo vệ chồng để anh khỏi phải cảm thấy những gì đáng lẽ anh phải cảm. "Công việc cảm xúc" – cũng như công việc lau chùi quét dọn – từ lâu đã được coi là "công việc của nữ giới". Và, cũng như đối với việc nội trợ, người đàn ông sẽ không "nhúng tay" vào việc chia sẻ cảm xúc cho đến khi nữ giới thôi không sốt sắng làm giúp nữa.

Mặc dầu không chủ tâm, Sandra vẫn giúp chồng giữ vững sự "bất cập" của anh ta bằng cách càng cảm xúc "quá đáng" hơn. Cặp vợ chồng này có với nhau một hợp đồng vô thức: Sandra phụ trách việc biểu lộ cảm xúc, còn chồng nàng chuyên lo việc hoạch định hợp lý. Như vậy, Sandra đã cảm xúc thay cho chồng. Phản ứng xúc cảm của nàng chẳng những đủ để đáp ứng cho những mối căng thẳng trong gia đình liên quan đến cả hai, mà còn dư sức đáp ứng giùm cho chồng những căng thẳng riêng của anh ấy, như trong hai trường hợp sau đây:

"Anh không biết nổi giận hả?"

Một tối nọ, chồng Sandra thuật lại cho nàng nghe một chuyện bất công ở sở làm mà chính anh là nạn nhân. Sau khi hỏi thêm vài chi tiết, Sandra bừng bừng nổi giận. Trong lúc cảm xúc đang mạnh mẽ như vậy, nàng chợt nhận thấy chồng trở nên lạnh lùng và có ý lảng tránh. "Chuyện như vậy mà anh không bất bình hả?", nàng hỏi. "Anh thừa biết đó chính là cuộc sống của anh mà! Anh không cảm thấy gì hết sao?"...

Tất nhiên chuyển xảy ra ở sở có gây cảm xúc nơi chồng của Sandra. Đó là chuyện sự nghiệp của anh, một bất công cho anh. Tuy nhiên, cung cách cũng như cường độ và thời điểm phản ứng của anh rất khác với vợ. Anh cũng đã "sử dụng" vợ để nàng phản ứng thay cho anh. Sự hùng hổ mau lẹ của nàng thật sự giúp anh nguội hẳn. Anh khỏi phải phẫn nộ, vì đã có vợ làm giúp việc đó. Nàng càng tỏ ra giận dữ, anh càng được thêm bình tĩnh.

Sandra đã bực mình – một cách có ý thức – vì chồng nàng tỏ vẻ thản nhiên trước sự bất công. Tuy nhiên trong vô thức, nàng đang giúp anh giữ vững sự lạnh lùng, bình tĩnh và "tư cách phái mạnh" của anh. Sách lược vô thức mà nàng đã áp dụng (chỉ trích chồng về việc không biểu lộ cảm xúc, không bày tỏ đúng mức thái độ bất bình) chỉ làm tăng thêm sự bực tức cho chính nàng. Sandra không thể làm cho chồng phản ứng cách nào khác hơn được nhưng chính nàng thì có thể làm khác. Một khi nàng có thể ngưng không cảm xúc thay cho chồng, điệu múa sẽ bị phá vỡ.

Thực không dễ cho Sandra để nàng có thể tự đổi thay cách hành động. Tuy nhiên ít lâu sau, nàng đã có được một thay đổi quan trọng một cách ngẫu nhiên, không cố ý. Một lần nữa chồng nàng bị đối xử bất công ở sở làm và anh lại kể cho nàng. Lần này Sandra đã lắng nghe một cách điềm đạm và bình tĩnh. Nàng đã không biểu lộ những tình cảm – vốn đáng ra là những tình cảm của anh. Nàng cũng đã không đề nghị những giải pháp cho vấn đề – vốn đâu phải là vấn đề của nàng. Thái độ mới này của Sandra đã giúp chồng nàng có đủ thời gian và khoảng trống cho chính anh. Quả thực, anh đã bắt đầu phản ứng và đối phó với tình trạng tiến thoái lưỡng nan của mình. Anh tỏ ra thực sự chán nản, xuống tinh thần...Nhưng, khi nhìn ông chồng phải chiến đấu lao đao như vậy, Sandra chợt cảm thấy mình không an tâm chút nào. Nàng chợt hiểu là co dù nàng đã cố tình – chứ không phải ngẫu nhiên – tìm kiếm hay tạo ra kết quả đó ("cứ để cái anh- chàng-không-biết-phản-ứng này biểu lộ cảm xúc một lần xem sao!") thì rồi nàng cũng sẽ cảm thấy bất an y như vậy. Nàng đã ngạc nhiên nhận ra rằng: một phần nào đó trong thâm tâm, chính mình muốn chồng vẫn giữ vai trò một người chồng bình tĩnh, lạnh lùng, mạnh mẽ như trước.

"Chuyện đáng giận như vậy mà anh không cho tôi giận!":

Sandra cũng đã giúp chồng khỏi phải thừa nhận tình cảm giận dữ đối với cha mẹ anh. Nàng đã bảo vệ anh bằng cách chỉ trích họ và nổi giận với họ thay cho anh. Thế là anh chuyển sang làm cái việc dễ dàng hơn, là bênh vực cha mẹ mình.

Chuyện này xảy ra vào dịp nàng sinh đứa con đầu lòng. Cha mẹ chồng của Sandra, vốn giàu có và thong dong, hầu như suốt năm ấy chuyển sang sống ở Paris. Cả hai không tỏ vẻ nồng nhiệt khi biết họ có cháu nội, và cũng chẳng tỏ ra thiết tha gì việc thấy mặt cháu. Sandra hết sức căm phẫn vì điều đó. Nàng nói thẳng với chồng rằng hai ông bà là những người lạnh lùng, ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Mấy năm sau nàng vẫn còn hằn học về thái độ thờ ơ đó, tuy nhiên nàng vẫn chỉ nói với anh, chưa hề một lần trực tiếp nói với ch mẹ chồng.

Chồng nàng xử trí ra sao? Anh bênh vực cho cha mẹ, nêu những lý lẽ bào chữa cho thái độ của ông bà. Điều đó chỉ khiến nàng giận dữ thêm. Lại một điệu nhảy nữa đã được khởi sự, trong đó phản ứng của người này càng kích thích người kia phản ứng trở lại bằng một cung cách không những hệt như cũ mà còn mạnh hơn. Nàng càng bày tỏ với anh nỗi bất bình về bố mẹ chồng, anh càng ra sức bênh vực cha mẹ; anh càng ra sức bênh vực cha mẹ, nàng càng bày tỏ công khai hơn, mạnh mẽ hơn nỗi bất bình đó.

Thực ra trong thâm tâm, anh còn giận cha mẹ mình hơn cả vợ nữa: dù sao thì họ cũng là cha mẹ anh, và anh là con họ. Nhưng bởi nàng đã biểu lộ sẵn những tình cảm giận dữ đó thay cho anh rồi, anh chỉ còn có thể nhận thức được một khía cạnh tình cảm khác – cũng có thật và cũng quan trọng – nơi bản thân anh: đó là lòng trung thành với cha mẹ, nhất là khi cha mẹ mình "đang bị công kích".

Thái độ của anh đối với cha mẹ anh được Sandra nhìn như là anh phản đối cơn giận của mình đối với cha mẹ chồng, điều này càng làm vấn đề thêm rắc rối. Thực ra, việc cứ chăm chú vào những phản ứng của chồng như vậy đã làm Sandra quên mất đâu là vấn đề thật mà mình đang cần giải quyết.

Cha mẹ chồng của Sandra – vốn đi du lịch rất thường – mỗi năm ghé thăm vợ chồng nàng một lần. Năm đó, ông cụ đột ngột gởi đến một cái thư, báo trước về ngày giờ sẽ ghé thăm và ở lại bao lâu. Nhận thư của ông, Sandra không ngớt bực bội vì thấy vợ chồng mình đang bị ra lệnh hơn là được hỏi han. Nàng thúc ép chồng phải trình bày thẳng vấn đề với cha mẹ nhưng anh từ chối. Trước thái độ giận dữ của vợ, anh bèn đứng về phía cha mẹ, nêu những lý do thích hợp đã khiến hai cụ phải hoạch định giờ giấc như vậy.

Sandra cảm thấy chính mình phải làm gì đó để giải quyết vấn đề này. Nàng rất có lý để nghĩ như vậy: nàng đã thúc ép chồng phải hành động, nhưng anh đã không làm (mà anh không làm cũng phải thôi, vì từ đầu đến giờ, nàng đã tỏ lộ giùm anh hết mọi nỗi bất bình của anh rồi!). Sandra sau đó đã có một hành động mà đã khiến cho cả hai mối quan hệ của nàng (với chồng và với bố mẹ chồng) đều thay đổi.

Nàng đã thừa nhận rằng việc mình quả thực bực bội cha mẹ chồng trước hết là việc riêng của mình, chính mình phải đối phó. Thế là nàng đối phó. Trong một bức thư – không tấn công, không trách móc – nàng đã chỉ giải thích với cha mẹ chồng là mình cần được hỏi ý kiến trước, để có thể sắp xếp tiện lợi cho cuộc viếng thăm của ông bà thêm phần mỹ mãn. Nàng bày tỏ lập trường của mình với lời lẽ nồng nàn nhưng minh bạch, thẳng thắn, không ở thế bị động nữa. Nàng ngạc nhiên thấy nỗi ấm ức bấy lâu của mình với cha mẹ chồng bắt đầu tan biến đi, và cảm thấy tự tin hơn trong việc phát biểu những gì mình không đồng ý. Nàng cũng ngạc nhiên vì sau đó cha mẹ chồng đã trả lời bức thư của nàng một cách nồng nhiệt, còn cám ơn thái độ thẳng thắn của nàng nữa. Đó là bước đầu tiên mà trong đó Sandra đã biết tự đảm nhận phần mình trong mối liên hệ với cha mẹ chồng. Và nếu cứ theo đường lối đó, nàng sẽ càng ngày càng có thể liên hệ trực tiếp, "mặt đối mặt" với từng người trong họ – với cha chồng và với mẹ chồng.

Chồng của Sandra – lo lắng về thái độ khẳng định của vợ – thoạt tiên chống lại việc nàng viết lá thư. Theo cung cách đặc biệt của anh, anh nêu lên một lô những lý luận trí thức để ngăn cản nàng. Tuy nhiên, Sandra vẫn dứt khoát làm thay đổi sự việc. Nàng tránh cãi lại, vì kinh nghiệm đã cho nàng thấy cãi cọ như vậy chẳng đi đến đâu. Nàng giải thích với anh rằng nàng không phản đối quan điểm của anh, nhưng dù vậy nàng vẫn phải quyết định cho riêng mình về cách đối phó như thế nào và khi nào, đối với những vấn đề mà nàng nghĩ là quan trọng.

Khi chồng của Sandra không thấy nàng tiếp tục phê bình, công kích cha mẹ nữa, thì chúng ta có thể đoán trước điều sẽ xảy ra là: những vấn đề chưa được giải quyết trong mối liên hệ giữa anh với cha mẹ bắt đầu nổi lên trên bề mặt ý thức của anh. Anh bắt đầu cảm thấy một thúc đẩy "từ bên trong" đòi anh phải tự lo lấy việc của mình.

Người phụ nữ khi giận dữ một cách vô hiệu quả (như Sandra giận cha mẹ chồng nhưng lại xả cơn giận đó ra với chồng) hay khi biểu lộ cơn giận với cảm xúc thái quá, thì không làm cho "người đàn ông của mình" e ngại chút nào. Trái lại nếu nàng cư xử như vậy, nàng có thể giúp anh ta cứ lạnh lùng, bình thản theo nam tính, trong lúc chính nàng lại bị coi là ấu trĩ và vô lý. Nếu nàng biết làm sáng tỏ những vấn đề và biết sử dụng cơn giận để đạt tới những gì khác hơn, mới mẻ hơn, thì đổi thay sẽ xảy ra. Nếu nàng thôi không "phản ứng thái quá" – phản ứng thay cho cả anh ta – và bắt đầu hành động cho chính nàng, thì anh chàng "bất cập" "không biết phản ứng" kia có lẽ sẽ bắt đầu thừa nhận và đối phó với những âu lo của mình.

TRÒ CHƠI TRÁCH MÓC:

Sandra và chồng nàng đã tiêu phí quá nhiều năng lực vào việc trách móc nhau trong các cuộc cãi vã bất tận. Cũng giống như phần lớn chúng ta, phương sách mà hai bên áp dụng để trách móc nhau là: người này đổ lỗi cho người kia đã gây sự trước. "Tại anh hết!" hay "Tại em hết!", đó là một kiểu "trò chơi trách móc" rất quen thuộc nơi các cặp.

Hãy thử xem xét những tác động qua lại trong một mối liên hệ tay đôi, chẳng hạn giữa một người vợ đeo bám, lắm lời với một anh chồng rút lui, lảng tránh. Chàng càng lánh xa, không muốn nghe thì nàng lại càng xáp tới gần mà "lải nhải"; nàng càng xáp tới, càng "lải nhải", chàng càng lảng tránh không thèm nghe và rút lui xa hơn nữa v.v...Trong hai người, ai là kẻ đáng trách? Tại nàng nên chàng mới lạnh lùng? Hay tại chàng nên nàng mới lắm chuyện ?

Sự tranh cãi qua lại xem ai là kẻ có lỗi trước – trong việc mối liên hệ trở nên có vấn đề – thực chất cũng là một thứ trò chơi cò cưa mà thôi. Chúng ta đã biết sự tác động qua lại xảy ra trong điệu múa như thế nào. Ở đây, sự trách móc và đổ lỗi của người này sẽ củng cố, kích thích sự trách móc và đổ lỗi của người kia. Nói cho cùng, cố phân tích bằng được xem ai là kẻ đã có lỗi trước, việc đó đâu quan trọng. Việc thực sự quan trọng là: "Làm cách nào để phá vỡ điệu múa?".

Một cách hữu hiệu để chúng ta phá vỡ nó, đó là nhận rõ phần đóng góp của mình trong việc gìn giữ và khích lệ những hành vi, thái độ của người kia. Dù chúng ta tin tưởng rằng người kia có lỗi đến chín mươi bảy phần trăm, chúng ta vẫn nên tự kiểm để sửa đổi ba phần trăm thuộc trách nhiệm của mình. Như vậy, trọng tâm của vấn đề sẽ là: "Tôi có thể thay đổi bước nhảy của tôi trong điệu múa này như thế nào?".

Nói như vậy không có nghĩa chúng ta không đủ lý do để được quyền nổi giận với kẻ khác. Nói như vậy cũng không có nghĩa cách "phân công" hiện hành của xanên nàng mới lắm chuyện ?

Sự tranh cãi qua lại xem ai là kẻ có lỗi trước – trong việc mối liên hệ trở nên có vấn đề – thực chất cũng là một thứ trò chơi cò cưa mà thôi. Chúng ta đã biết sự tác động qua lại xảy ra trong điệu múa như thế nào. Ở đây, sự trách móc và đổ lỗi của người này sẽ củng cố, kích thích sự trách móc và đổ lỗi của người kia. Nói cho cùng, cố phân tích bằng được xem ai là kẻ đã có lỗi trước, việc đó đâu quan trọng. Việc thực sự quan trọng là: "Làm cách nào để phá vỡ điệu múa?".

Một cách hữu hiệu để chúng ta phá vỡ nó, đó là nhận rõ phần đóng góp của mình trong việc gìn giữ và khích lệ những hành vi, thái độ của người kia. Dù chúng ta tin tưởng rằng người kia có lỗi đến chín mươi bảy phần trăm, chúng ta vẫn nên tự kiểm để sửa đổi ba phần trăm thuộc trách nhiệm của mình. Như vậy, trọng tâm của vấn đề sẽ là: "Tôi có thể thay đổi bước nhảy của tôi trong điệu múa này như thế nào?".

Nói như vậy không có nghĩa chúng ta không đủ lý do để được quyền nổi giận với kẻ khác. Nói như vậy cũng không có nghĩa cách "phân công" hiện hành của xã hội chúng ta – căn cứ theo giới tính – nhằm tổ chức các "vai diễn" cho những mối liên hệ tay đôi là không có lỗi gì cả. Có chứ, chính nó tạo ra và nuôi dưỡng những điệu múa này! Đúng hơn, nói như vậy chỉ đơn giản có nghĩa là: chúng ta không có khả năng thay đổi người khác nếu người đó không muốn đổi thay, và những cố gắng của chúng ta nhằm đổi thay người đó có thể chỉ là bảo vệ cho người đó khỏi phải đổi thay. Đó là điều nghịch lý của những điệu múa mà chúng ta đang tích cực dự phần.

KẺ RƯỢT ĐUỔI – NGƯỜI LẢNG TRÁNH, MỘT ĐIỆU MÚA RẤT XƯA:

"Kẻ rượt đuổi" là những người tự làm giảm âu lo bằng cách mong cầu được tiếp xúc gần gũi và thổ lộ tâm tình. "Kẻ lảng tránh" là những người tự làm giảm âu lo bằng cách lý luận trí thức và tránh né những tình cảm thân mật. Trong các cặp đôi nam nữ, người nữ thường là kẻ rượt theo và người nam thường là kẻ lảng tránh.

Trong hoàn cảnh sóng yên biển lặng, kẻ rượt theo và người lảng tránh tựa như kết thành một cặp bổ sung tuyệt hảo. Nàng thì hồn nhiên, sinh động và phản ứng với nhiều cảm xúc. Chàng thì đúng mực, bình tĩnh và hợp lý. Nhưng khi gặp mặt biển nổi sóng thì mỗi bên đều cường điệu hóa cung cách của mình, và đó là lúc bắt đầu có lộn xộn.

Cái gì sẽ xảy đến khi cặp này vấp phải những khó khăn? Khó khăn đây có thể là ốm đau, đứa con gặp điều nan giải, khó khăn tài chánh, chuyển đổi nghề nghiệp...Bất kể nội dung vấn đề ra sao, hai nếp phản ứng nay bỗng dưng trở thành xa lạ. Nàng phản ứng tức thì, tìm cách giáp mặt chồng càng sớm càng tốt và tìm ẩn náu trong mối liên hệ. Nàng thổ lộ tâm tình, mong chàng cũng làm như vậy. Chàng lại phản ứng rất hợp lý, rất chừng mực theo cách khiến nàng không sao chấp nhận nổi. Do đó nàng càng rượt theo sát hơn, muốn được biết nhiều hơn chàng đang nghĩ gì, cảm thấy gì...và chàng bèn lảng tránh xa hơn. Chàng càng lảng tránh, nàng càng rượt theo; nàng càng rượt theo, chàng càng lảng tránh. Nàng trách chàng là lạnh lùng, lãnh đạm, thiếu cảm thông. Chàng trách nàng là cuồng nhiệt, gây áp lực và muốn kiểm soát chàng.

Thường thì đoạn kết cho kịch bản quen thuộc này sẽ ra sao ? Điệu múa kẻ rượt theo – người lảng tránh này càng lúc càng leo thang. Nhưng ít lâu sau, thường là người nữ sẽ đi đến cái mà các nhà trị liệu gọi là "phản ứng dội ngược": Cảm thấy bị chối bỏ và chán ngấy, sau cùng nàng bèn tiến thẳng vào công việc của mình. Chàng bây giờ được hưởng khoảng cách quá rộng nên đôi khi sấn lại gần nàng, hy vọng tiếp xúc. Nhưng muộn mất rồi! "Khi tôi cần đến anh, anh ở đâu?", nàng giận dữ hỏi. Tới điểm này thì kẻ chạy và người rượt có thể đảo vai với nhau trong ít lâu.

Người rượt đuổi bảo vệ người lảng tránh. Khi mau mắn biểu lộ nhu cầu gắn bó, gần gũi, thân thiết đủ cho cả hai, người rượt đuổi có thể giúp người lảng tránh khỏi phải thừa nhận khía cạnh lệ thuộc và lo âu của chính mình. Khi bên này còn tiếp tục rượt đuổi, bên kia vẫn còn được kinh nghiệm sự độc lập, bình thản và tách biệt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nữ giới thường – tuy không phải là luôn luôn – trở thành kẻ rượt đuổi, bởi truyền thống giáo dục đã quy định như vậy. Đây là một thí dụ nữa cho thấy nữ giới thường "cảm xúc thay" cho nam giới: khi nàng thôi không không rượt đuổi nữa, tập trung nghị lực vào chính cuộc sống của mình – nhất là khi nàng có thể làm như vậy với một vẻ tự trọng và không thù nghịch – thì chàng dễ dàng thấy mình cũng cần được gần gũi, tiếp xúc...và chàng bắt đầu trở thành kẻ rượt đuổi. Nhưng xin lưu ý, điều này không dễ dàng đạt được đâu. Phần lớn nữ giới khi "dội ngược" thì lại phản ứng một cách giận dữ và lạnh lùng như thể muốn "trả thù". Và như thế, sự đảo vai chỉ xuất hiện tạm thời trong điệu múa và không đem lại hiệu quả nào đáng kể cho cả hai bên.

TỪ BỎ VỊ THẾ KẺ RƯỢT ĐUỔI

Cặp vợ chồng Sandra bị kẹt trong chu kỳ leo thang của đuổi theo và lảng tránh nhiều năm trước khi đi đến quyết định tìm sự giúp đỡ. Sau lúc Sandra sanh đứa con đầu tiên, anh đã giảm bớt tình cảm gắn bó với nàng mà dồn năng lực vào công việc cùng sở thích riêng. Còn Sandra khi thì tích cực đuổi theo và giận dữ trách móc chồng, khi thì lại lạnh lùng cay đắng rút lui. Thật đáng buồn – nhưng có thể đoán trước – là mối liên hệ của họ cứ thế chuyển hóa từ xấu đến xấu hơn.

Khoảng gần một năm sau buổi trị liệu đầu tiên, Sandra đã từ bỏ được vai trò kẻ rượt đuổi. Điều này có nghĩa là nàng đã ý thức nhiều hơn về trách nhiệm của mình đối với những nhu cầu bản thân, nàng đã nhận thức rõ hơn rằng nàng không thể khiến chồng thay đổi được, và nàng có thể đạt được điều đó bằng một cung cách hành động hoàn toàn khác. Quả là Sandra đã làm được những hành động hoàn toàn mới mẻ.

Tối hôm đó, khi các con đã lên giường nằm và chồng nàng thì lục lọi hồ sơ ra để làm việc – thường là hai tiếng đồng hồ nữa mới chịu thôi, Sandra bước tới, dịu dàng ngồi sát bên chồng. Anh gườm gườm đợi nàng tấn công như thường lệ, nhưng không thấy gì. Trái lại, Sandra bắt đầu nói bằng giọng đầm ấm và tự tin:

– Anh ạ, em phải xin lỗi anh. Suốt bao lâu nay em đòi hỏi quá nhiều thứ. Em đã hiểu là những thứ đó đúng ra chính em phải tự cung cấp cho mình. Có lẽ một phần nguyên do là anh vừa có gia đình, vừa có công việc, trong khi em thì chỉ có anh và tụi nhỏ. Cái khó khăn của em là như vậy đó. Bây giờ em đã hiểu ra là chính mình phải làm một điều gì để giải quyết nó.

– Ồ – chồng của Sandra thốt khẽ, vẻ mặt hơi bối rối, tìm không ra lời – Ừ, em nói đúng đấy!...

Ngay tối hôm sau, Sandra nhờ anh trông nom cho bọn trẻ ngủ vào mỗi thứ ba và thứ sáu hàng tuần. Nàng giải thích là có việc phải vắng nhà trong hai ngày này. Anh trả lời rằng anh bận quá nhiều công việc. Thay vì biện luận, Sandra thu xếp thuê một người tới chăm sóc các con thay mình. Mỗi tối thứ ba nàng dự một lớp tập thiền, và các tối thứ sáu thì dành để đi giải trí, thăm viếng bạn bè. Nàng không đeo bám chồng nữa, nhưng cũng không tỏ vẻ lạnh lùng hay lảng tránh. Nếu có điều gì đó trục trặc, nàng còn tỏ vẻ nồng nàn hơn thường lệ, mặc dầu vẫn biểu lộ quyết tâm giữ đúng những công việc và thời biểu mà nàng đã nói trước.

Sau ba tuần như vậy, chồng nàng – vốn trước đây không đòi hỏi gì hơn là được để cho yên – bắt đầu thấy bứt rứt. Chàng ngạc nhiên cảm thấy thiếu vắng tiếng léo nhéo của vợ. Thoạt tiên, chàng gắng khiêu khích nàng bằng cách kiểm soát và cho nhận xét về những việc nhà mà nàng thực hiện ban ngày, Sandra không hề trả đũa. Nàng giải thích rằng nàng là con người ưa sống tập thể, có những nhu cầu tập thể. Nàng không thể đáp ứng phần quan trọng đó của cuộc sống mình. Thái độ vững chãi một cách nồng nàn của vợ – khác hẳn những lần hai vợ chồng mâu thuẫn trước đây – khiến anh thấy rõ là quả thực nàng đang hành động cho chính nàng chứ không phải đang chống lại anh.

Kế đó, anh bắt đầu theo sát nàng: Đáng lẽ mang công việc về nhà làm, anh đề nghị với nàng là đã có người trông trẻ, anh và nàng sẽ cùng đi chơi buổi tối – một điều trước đây chưa bao giờ họ làm. Trong khi anh ngày càng tỏ ra bồn chồn, lệ thuộc, thì thực ngộ nghĩnh là lần đầu tiên Sandra cảm thấy muốn được yên thân một mình. Trong một thời gian ngắn, họ đảo vai nhau trong điệu múa rượt theo – lảng tránh, nhưng rồi sau cùng họ cũng tạo lại được thế quân bình tốt đẹp. Và khi đạt được điều đó, cả hai mới nhận ra là mỗi người đều có trong thâm tâm mình ao ước được lệ thuộc vào người kia, đồng thời có cả ao ước được tách xa mỗi khi cảm thấy người kia đang quá sát, quá gần.

Vì sao mà sau cùng, chính Sandra là người có sáng kiến phá vỡ điệu múa? Sandra bị xúc động nhiều hơn Larry. Vai trò kẻ rượt đuổi trong mối liên hệ đã khiến nàng ở vào vị trí dễ bị chao đảo hơn. Khi nàng bắt đầu tin là những đường lối cũ không còn giúp đỡ gì cho nàng nữa, nàng thấy cần hành động khác đi. Vì sao chính nàng gánh trách nhiệm làm cuộc đổi thay đó? Chỉ đơn giản là sẽ chẳng có ai đứng ra gánh vác việc ấy thay cho nàng.

Việc từ bỏ vị thế kẻ rượt theo tự nó không phải là điều giúp Sandra làm cho mối liên hệ tình cảm vợ chồng được cải thiện. Còn có nhiều ngăn trở quan trọng khác mà cả hai phải nỗ lực đấu tranh để dẹp bỏ. Tuy nhiên, từ sau cuộc đổi thay mà Sandra thực hiện, cả hai đã có thể hành động hữu hiệu hơn khi họ đã nhận rõ một vấn đề chung: mỗi người đều vừa muốn gần gũi vừa sợ gần gũi. Trước đó, chồng nàng cứ nghĩ rằng tất cả những nhu cầu và ước vọng gần gũi đều do nơi nàng, và ảo tưởng này làm anh thấy vững tâm. Cả Sandra cũng vậy, nàng cứ tưởng mọi thái độ tránh né, rút lui khỏi sự thân mật gần gũi đều chỉ có nơi chồng.

Khi kẻ rượt đuổi ngưng không đuổi theo nữa và bắt đầu biết sử dụng nội lực để phục vụ cho chính đời sống của mình – không lảng xa hay tỏ thái độ giận dữ với người kia – thì điệu múa cũ xưa nay sẽ chấm dứt. Nhưng, sự từ bỏ vị thế kẻ rượt đuổi lại có thể bị nữ giới cho là "không làm được" hoặc "rất khó làm" – truyền thống giáo dục, áp lực xã hội, kinh nghiệm riêng...bao nhiêu thứ đã dạy chúng ta phải nghĩ như thế. Hoặc nữ giới cũng có thể nghĩ rằng cư xử trong mối tương giao bằng một cung cách mới mẻ và khác lạ như thế thì có vẻ như mình không "trung thực". Tuy nhiên, cứ tiếp tục hoặc đuổi theo hoặc lảng tránh thì cũng chẳng trung thực chút nào! Trái lại, những kinh nghiệm của mỗi bên trong khi liên hệ với người kia sẽ trở nên "thực" hơn, quân bình hơn khi kẻ rượt đuổi có thể tự thừa nhận và bày tỏ cả những nguyện vọng về độc lập, và người lảng tránh cũng có thể bắt đầu nhận ra và bày tỏ cả những nhu cầu về lệ thuộc và gần gũi nơi chính mình.

NGƯỜI MẸ QUÁ LO LẮNG – NGƯỜI CHA QUÁ LƠ LÀ:

VŨ ĐIỆU CUỐI CÙNG

"Sandra là một bà mẹ quá mắc mứu. Cô ấy thừa hưởng tính đó từ bà mẹ". Đó là lời người chồng nói về cung cách làm mẹ của Sandra trong buổi trị liệu đầu tiên. Đúng vậy, Sandra quả có lo lắng cho nàng. Nàng bối rối khi đám con bối rối, và do vậy, nàng khó có thể giúp chúng biết sử dụng chính những thất vọng và đối phó với những nỗi buồn, cơn giận của chúng. Nàng nhanh chóng phát hiện ra những "vấn đề" tiềm ẩn nơi chúng, tựa hồ nàng ước ao chúng hãy đem lại cái gì để nàng lo. Chồng nàng đã nói đúng khi bảo nàng là bà mẹ quá lo lắng về con. Song, anh đã không nhận ra phần trách nhiệm của chính anh trong việc khích lệ và duy trì tình trạng này.

Sự ham mê đặc biệt của anh đối với công việc khiến anh quên lãng vợ con và vụng về trong thái độ làm cha. Nàng càng gánh vác hết cho anh, anh càng rút lui, sống tách biệt. Mỗi khi anh kịp nổi giận vì cảm thấy mình đang ở "bên lề gia đình", anh bèn hùng hổ tiến vào đánh rầm một cái! Đúng như Sandra đã tả trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, anh cứ làm theo kiểu một chiều, như thể có một mình anh chịu trách nhiệm. Lại thêm một điệu múa khác mà hai người bị hút vào: việc anh quá lơ là với con cái càng khiến Sandra lo lắng thêm về chúng, và việc nàng quá mắc mứu với con cái càng khiến anh coi nhẹ chuyện chăm sóc chúng. Vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn, đôi khi được tô điểm một chút bằng thái độ tích cực của anh, nhưng rồi điệu múa lại mau chóng trở về khuôn mẫu cũ.

Vũ khúc này rất khó ngưng lại vì cả gia đình cứ ra sức làm cho nó tiếp tục. Một mặt, Sandra và chồng nàng kẻ này đòi người kia thay đổi. Anh trách nàng quá lo lắng về con, thì nàng cũng thống trách kiểu làm "bố hờ" của anh. Mặc dù vậy, cả hai đều cùng muốn vũ điệu cứ tiếp tục như thế. "Hãy sửa đổi đi!" và "Đổi ngược lại đi!" là hai thông điệp được họ trao đổi cho nhau. Cũng giống như nhiều cặp khác, người này muốn người kia đổi thay và tăng tiến, song lại sợ điều đó, chống lại điều đó.

Sandra chẳng hạn, nàng than phiền không ngớt về thái độ bê trễ của chồng đối với đàn con. Nhưng hễ anh có ý tiến tới gần gũi với gia đình, lập tức nàng tìm cách phê bình và sửa đổi một vài cung cách nào đó của anh, hoặc cho ý kiến là anh nên cư xử thế nào đối với tụi nhỏ...Thực là một điều cực kỳ khó khăn nếu bắt nàng cứ để yên cho anh gần gũi con cái theo kiểu của anh. Sandra muốn anh để tâm săn sóc bầy con, nhưng cũng đồng thời vẫn muốn giữ sao cho vai trò săn sóc con cái của mình mới là chính yếu, mới gây nhiều ảnh hưởng. Nếu nàng từ bỏ địa vị đặc biệt đó, cảm giác thấy mình là kẻ vô dụng em rằng sẽ rất mạnh nơi nàng, và thái độ bất mãn trong hôn nhân của nàng càng tăng thêm cường độ. Như vậy, nàng gửi tới anh một bức thông điệp rắc rối, một mặt muốn anh săn sóc con cái hơn, mặt khác, vô tình nàng lại tìm cách ngầm phá không để anh thực hiện điều đó theo cách của anh. Cả anh cũng thế, anh trao cho nàng một lượt hai thông điệp: "Xin hãy thay đổi!" và "Hãy đổi lại đi!".

Vào giai đoạn cuối của cuộc trị liệu gia đình, Sandra cũng đã có thể thay đổi được bước đi trong vũ khúc này. Vì càng ngày càng chú ý đến việc đáp ứng chính sự tăng trưởng của mình, nàng không còn quá mắc mứu với các con, không còn mong chúng khỏa lấp khoảng trống vắng mà nàng đang cảm thấy. Sandra trước đây cứ hướng về chồng con để bảo vệ mình khỏi phải chạm trán với những câu hỏi như: "Những ưu tiên của tôi hiện là gì?", "Có sở thích hay tài năng nào mà tôi muốn phát triển?", "Mục tiêu cho riêng tôi vào những năm tháng kế tiếp là đâu?"...Một khi Sandra đã biết dành năng lực để đấu tranh với những vấn đề này, thì chi bằng cứ mặc cho chồng liên hệ với đám con theo cách của anh, không sửa chữa hoặc xen ngang vào làm chi nữa. Khi nàng rút lui như vậy, anh bèn tiến tới. Đám con cũng thế, khi chúng cảm thấy mẹ đang dồn năng lực vào đời sống của mẹ, không còn cần chúng phải trung kiên coi mẹ như "người thân số một", chúng sẽ được tự do gần gũi thay đổi này quả là khó khăn đối với người chồng, vì anh phải trực diện với những điều như vừa lúng túng trong việc làm cha, vừa phải để tâm cố gắng sao cho mình có khả năng trong lãnh vực đó.

GẮNG SỬA ĐỔI CHÀNG:

Trong nhiều năm, Sandra tìm cách thay đổi chồng. "Chỉ cần anh ấy chịu thay đổi!", "Chỉ cần anh ấy cư xử khác đi!"...Nàng thực tình tin tưởng việc chồng thay đổi sẽ làm hạnh phúc của nàng được bảo đảm hơn. Nhưng Sandra càng nỗ lực tìm cách thay đổi và kiểm soát chồng, thì càng làm tình trạng cũ bị giữ nguyên. Sửa đổi và kiểm soát người khác là việc không bao giờ thực hiện nổi. Và, khi Sandra dồn hết mọi năng lực vào việc sửa đổi người khác, thì chính nàng không thể thay đổi – nàng không còn đủ năng lực nữa để tự đổi thay chính mình.

Thừa nhận sự bất lực của mình trong việc gắng sửa đổi chồng, điều đó không có nghĩa là Sandra âm thầm chịu đựng và đành cố nuốt giận. Khi có chuyện bất bình với chồng, nàng đã biết cách truyền đạt những phản ứng của mình một cách rõ ràng và chắc chắn. Tuy nhiên, nàng cũng nhận thức rằng mình làm vậy chỉ là để đáp ứng cho chính mình, cho những nguyện vọng của chính mình khi muốn cải thiện một hoàn cảnh cụ thể. Chồng nàng có thể thay đổi hay không, việc đó không do nàng quyết định. Nếu như chàng không thay đổi, thì công việc tiếp theo của nàng là quyết định xem từ nay nàng nên làm gì hoặc không nên làm gì. Cư xử như vậy có phần khó hơn so với việc cứ tiếp tục tăng cường đấu tranh, một việc vốn chỉ làm hoàn cảnh giữ nguyên cũ.

Chẳng hạn Sandra rất bực bội vì chồng nàng cứ hay bỏ ngang nửa chừng những công việc cần làm. Phản ứng thường xuyên của nàng trước đây là thúc giục anh hoàn tất công việc cho bằng được. Đáp lại, anh càng trì hoãn công việc hơn nữa, rồi điều đó càng khiến nàng thúc giục mạnh hơn. Điệu múa ở đây là: trì hoãn – thúc giục – trì hoãn – thúc giục...Nàng thường cố sức buộc chồng phải hoàn tất công việc, và cứ phải bực tức thêm vì xem ra điều đó không thể đạt được như ý.

Như vẫn thường xảy ra, sự thúc giục của Sandra quả thực càng bảo vệ chồng nàng khỏi phải tự khó chịu về cố tật thiếu trách nhiệm của anh. Anh dồn năng lực vào việc bực tức và chống đỡ sự chỉ trích của nàng, điều đó giúp anh tránh phải đương đầu với mặc cảm phạm tội và nỗi lo âu về sự thiếu khả năng hoàn tất nhiệm vụ của chính mình.

Nhưng bây giờ thì Sandra đã có thể nói với chồng một cách rõ ràng những gì làm nàng bực mình: cái trần phòng tắm đang dở vết sơn, các lon đựng sơn thì ngổn ngang trong bếp...Nếu anh không chịu đáp ứng tích cực lời than phiền đó, nàng sẽ dồn năng lực vào việc suy tính và quyết định xem có thể làm được gì để giải quyết nỗi bực bội. Nàng có thể xử sự như vậy khi bắt đầu cảm thấy mình không kiên nhẫn thêm được nữa, cảm thấy phẫn uất, cảm thấy là phải như thế còn hơn để cơn giận dữ cứ tích tụ. Lúc đó, nàng có thể nói với chồng ý định của mình, với một vẻ không chút hằn học, giải thích rằng nàng làm như vậy cho chính nàng chứ không phải để dằn mặt chàng.

Sau khi đã cân nhắc các giải pháp, nàng có thể lựa lời để nói với chồng. Giải pháp đó có thể là: "Thôi được, em không thích nhà cửa bề bộn, nhưng em cũng có thể chấp nhận chờ co tới khi anh làm xong". Hoặc: "Công việc này anh đang làm dở nên em cũng thích để anh hoàn tất hơn, nhưng nếu hết tuần này anh không thể làm xong, thì dù có thể hơi nặng nhọc đối với em, em sẽ tự làm". Hoặc: "Em chỉ có thể chịu đựng một tuần nữa thôi, và em cũng không thể tự mình làm cho xong mà không cảm thấy bực bội. Theo anh thì nên giải quyết thế nào để anh không cảm thấy bị hối thúc mà em cũng không phải nổi khùng? Em có một ý kiến, là nếu thứ bảy này anh chưa thể làm xong thì chúng ta chịu tốn tiền một chút mà kêu thợ tới làm vậy". Rõ ràng, Sandra vẫn có thể làm một điều gì đó cho sự bực mình của nàng, vì giả như chồng nàng bỗng biến khỏi trái đất này, không lẽ nàng đành sống suốt quãng đời còn lại với cái trần nhà còn sơn dở dang đó sao? Trong hoàn cảnh như Sandra, thay đổi cung cách cư xử cũ là điều hợp lý. Tuy vậy, nhiều người trong chúng ta vẫn làm như cung cách cũ của Sandra, dồn quá nhiều năng lực vào việc sửa đổi chồng, đến nỗi bỏ quên khả năng tự thay đổi hành vi và chọn lựa của chính mình. Xét cho cùng, đó chính là khả năng duy nhất mà chúng ta có.

– – – – –

Trong nguyên bản tiếng Anh, tên của người chồng Larry. Cũng như tên của vài nhân vật khác nữa trong các chương sau, chúng tôi xin mạn phép lược bớt để tránh gây khó khăn có thể có cho độc giả Việt Nam.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro