Chương 6. Nghiên cứu di sản gia đình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NGIHÊN CỨU DI SẢN GIA ĐÌNH

(CÂU CHUYỆN BÀ KATY VÀ CỤ THÂN SINH)

Bà Katy năm mươi tuổi, nội trợ, đứa con út của bà vừa mới rời khỏi nhà để vào đại học. Cụ thân sinh bà bảy mươi tuổi, một giáo viên hưu trí, góa vợ đã mười năm, sức khỏe tương đối kém. Bà gọi điện cho tôi vì nghe nói tôi là một "chuyên gia về cơn giận". Suốt cuộc điện đàm đầu tiên đó, bà kể lại cho tôi một nếp sống đã khiến bà phát khùng suốt gần mười năm qua.

– "Ba tôi có một vấn đề lớn", bà giải thích bằng một giọng không che giấu nỗi thất vọng. "Ông cụ đòi hỏi tôi quá mức, đặc biệt từ khi cụ không còn lái xe được vì mắt yếu. Tôi phải thường xuyên chở ba tôi đi mua hàng hoặc tới những chỗ hẹn. Cụ cứ bắt tôi làm việc này việc nọ, rồi trách móc là tôi làm không đúng cách. Có nhiều việc ba tôi tự làm lấy được, nhưng cụ cứ đòi tôi giúp như một đứa trẻ! Có khi cụ gọi điện cho tôi tới hai ba lần trong một ngày. Nếu tôi mà trả lời "không", thì cụ liền tỏ thái độ hờn dỗi vùng vằng, khiến cho tôi cảm thấy mình có lỗi quá. Thực tình là tôi thấy mình giống như bị cột cổ lôi đi vậy!".

Lần đầu tiên khi tôi gặp bà để hỏi cho sáng tỏ vấn đề, tôi lại nghe kể gần như cũ:

Bà thấy vấn đề của bà ra sao?

Vấn đề là ba tôi không chịu thấy rằng tôi còn cuộc sống riêng của tôi. Ông cụ đòi hỏi tôi lúc nào cũng phải sẵn sàng túc trực bên ông cụ. Từ ngày má tôi mất, ba tôi cứ dùng tôi để lấp bớt sự cô đơn trống trải.

– Bà đã nói với ông cụ về vấn đề này thế nào?

Tôi đã có nói: xin ba hiểu cho là con còn cuộc sống riêng của con nữa, ba đã đòi hỏi ở con quá nhiều! Tôi cũng xin ba tôi đừng làm cho tôi cảm thấy có lỗi, khi tôi không thể ở suốt bên ba. Tôi khuyên ba tôi nên gặp gỡ tiếp xúc thêm những người khác, đừng chỉ trông cậy mỗi một mình tôi như thế.

Ông cụ trả lời ra sao?

– Cụ nổi giận. Có khi cụ ngồi lặng thinh một hồi lâu, không thèm nói một tiếng. Cũng có khi cụ lại bắt đầu than thở về sức khỏe, bệnh tật, làm tôi cảm thấy mình có lỗi quá mức.

Ông cụ phản ứng như vậy thì sau đó bà làm gì?

Chả làm gì cả! Chả làm được gì! Vì thế mà tôi tới đây. Điều đáng chú ý và cũng rất đặc biệt trong cái nhìn tổng quát của bà Katy, là mọi sự bà nói đều hướng về người cha:

"Ba tôi không nhận ra là tôi còn có cuộc sống riêng."

"Ba tôi cứ nghĩ là thế giới của tôi phải xoay quanh người"

"Ba tôi sử dụng tôi"

"Ba tôi đòi hỏi quá nhiều"

"Ba tôi làm tôi mặc cảm phạm lỗi"

"Ba tôi cần gặp gỡ tiếp xúc thêm những người khác"

Bà Katy đã làm như hầu hết chúng ta từng làm khi nổi giận: lên án, trách móc, phê bình, dạy luân lý, thuyết giảng, ra chỉ thị và phân tích tâm lý. Không có một câu nào bà nói về mình.

Xin bạn đọc nhớ lại những chương trước: vấn đề của bà Katy với người cha chắc chắn cũng tương tự vấn đề của Maggie với bà mẹ. Trước khi tiếp tục, xin bạn hãy tự "đấu tranh" một chút, bằng chính tư tưởng và phản ứng của bạn, về những vấn đề sau đây:

– Liệu cụ thân sinh bà Katy có sai trái không khi đòi hỏi bà như vậy ?

Tôi không biết. Ai trong chúng ta có thể đoán chắc mức độ nào là đúng đắn để một người cha góa vợ bảy mươi hai tuổi có quyền đòi hỏi người con gái đã năm mươi của cụ? Nếu hỏi ý kiến mười người, chúng ta có thể sẽ nghe được mười ý kiến khác nhau, tùy tuổi tác, tôn giáo, quốc tịch, giai cấp xã hội, vị thứ anh chị em và bối cảnh gia đình. Nếu tôi ở vào hoàn cảnh bà Katy, chắc tôi cũng than phiền như bà rằng cha tôi "đòi hỏi quá nhiều". Nhưng vì tôi là tôi nên sự thể mới như thế! Một người khác trong hoàn cảnh này có thể lại cảm thấy thích thú vì mình được cha cần tới như vậy. Chắc chắn chúng ta không sao đạt tới "chân lý rốt ráo" cho vấn đề, vì cùng một hoàn cảnh có biết bao người nhận định khác nhau, cảm nghĩ khác nhau, phản ứng khác nhau. Sở dĩ tôi cố tình nhấn mạnh điểm này, chính vì đây là một quan niệm cực kỳ khó bám chắc và khó giữ vững vào lúc chúng ta nổi giận. Có quá nhiều ước muốn mâu thuẫn và nhận định dị biệt trong cõi đời này, khiến chúng ta không thể dễ dàng cho phép mình đánh giá bên nào "đúng", bên nào "sai".

– Liệu bà Katy có quyền nổi giận? Cơn giận của bà đối với cha có chính đáng không?

Dĩ nhiên là bà có quyền! Như đã nói, chúng ta có quyền cảm nghĩ về mọi sự. Cơn giận của bà Katy đáng được bà quan tâm và tôn trọng. Việc cảm thấy giận dữ tự nó không "đúng" mà cũng không "sai", không "chính đáng" mà cũng không "không chính đáng". Nhưng, nói bà Katy có quyền giận dữ không có nghĩa là nói cụ thân sinh bà đáng trách. Trái lại, sự giận dữ và hằn học kinh niên của bà là dấu hiệu đòi bà phải xét lại phần bà trong các tác động qua lại giữa bà với người cha, xem nên sửa đổi phần mình thế nào cho thích hợp nhất với mối liên hệ mật thiết này.

Lời lẽ của bà Katy khi nói lên vấn đề có gì sai trái không?

Trước hết, nếu là người khơi chuyện trước thì bà quả là đặc biệt kém ý nhị, không có tầm nhìn chiến lược. Ít người chịu nghe khi bị phê bình hoặc bị nói là mình sai lầm. Trừ khi Katy có được ông bố tính tình cực kỳ mềm dẻo, nếu không, bà chỉ khiến ông cụ càng nhiệt tình tự bảo vệ, và do đó những lý lẽ bà đưa ra khó được cụ chấp nhận. Thứ hai, cách diễn đạt của bà tỏ ra là bà cứ muốn chứng minh mình hiểu thấu những cảm nghĩ của cha. Bà coi ông cụ như một người cha vị kỷ, bị bệnh tâm thần, và dùng con gái mình để khỏa lấp khoảng trống do người vợ quá cố để lại. Cách giải thích tâm lý này có thể thích hợp, có thể không. Còn vô số cách giải thích khác nữa về thái độ đó của người cha.

Khi mối tương giao lâm vào tình trạng căng thẳng, phần đông chúng ta thích chẩn đoán người kia, như thế đó là một kiểu trò tiêu khiển ưng ý nhất. Mặc dầu điều đó có thể phản ánh nguyện vọng của chúng ta muốn giúp người kia sáng suốt hơn, nhưng phần lớn thì đó chỉ là một hình thức trách móc tế nhị, thái độ kẻ cả, nhận định một chiều. Khi chúng ta chẩn đoán, chúng ta tự cho mình là có thể hiểu thấu kẻ khác, có thể biết họ đang thực sự cảm, nghĩ hoặc muốn gì, hoặc biết họ suy tư như thế nào, cư xử ra sao. Nhưng chúng ta làm sao có thể biết chắc điều đó? Biết những điều đó nơi chính mình cũng đã là chuyện khó rồi.

Vậy vấn đề là của ai?

Theo bà Katy thì chính cụ thân sinh bà có vấn đề: "Ba tôi có một vấn đề lớn. Người đòi hỏi quá mức nơi tôi". Hơn nữa, cứ theo cách bà mô tả, thì bà cho là cụ có khả năng nhận ra được những sở nguyện của cụ một cách sáng tỏ và có khả năng tự xoay sở để thỏa mãn nữa.

Chính bà Katy đang có một vấn đề. Bà là người đang phải đấu tranh vất vả, đó là vấn đề của bà. Và bà còn phải tìm ra cách làm sáng tỏ những ranh giới giữa mình với cha để giải quyết vấn đề đó – tức để không còn phải chua chát và hờn giận. Tuy nhiên khi nói là có vấn đề, chúng ta không ngầm ý cho rằng bà đã lầm, đã có lỗi hay đáng trách. "Ai có vấn đề" không phải là câu hỏi hàm ý bắt lỗi. Người có vấn đề chỉ đơn giản là người cảm thấy bất mãn, bối rối, khó xử trong một hoàn cảnh nào đó.

Vậy vấn đề của bà Katy là gì

Vấn đề của bà là đã không thể có lập trương dứt khoát và mạch lạc và một số câu hỏi quan trọng đang ám ảnh bà: "Nhiệm vụ tôi đối với cuộc sống của chính tôi ra sao? Và đối với cuộc sống của ba tôi?", "Thế nào là ích kỷ, và thế nào là đúng với những nhu cầu và quyền ưu tiên của tôi?", "Tôi có thể giúp ba tôi chừng nào, để tôi không cảm thấy hờn giận?". Chỉ khi đã trả lờ dứt khoát những câu đó, bà mới có thể trao đổi hiệu quả với cụ thân sinh trên những vấn đề của cụ.

Vấn đề của bà không phải vì ông cụ thân sinh cứ "làm" bà cảm thấy phạm lỗi. Kẻ khác không thể "làm" chúng ta cảm thấy phạm lỗi, mặc dù có thể họ cố gắng làm điều đó. Có thể chính cụ thân sinh đã lường trước, là bà sẽ phải sống một thời gian khó khăn bực bội khi phải thay đổi nếp sống cũ để phục vụ cụ, nhưng chính bà phải chịu trách nhiệm về việc đó – kể cả việc bà tự thấy mình có lỗi.

Chắc chắn không có lời giải đáp đơn giản. Thái độ của bạn ra sao nếu bà Katy quyết tâm làm sáng tỏ ranh giới mới với cụ thân sinh? Bạn có cho là bà ta ích kỷ? Hay bạn hoan nghênh thái độ khẳng định bản ngã của bà? Ai có thể phán xét được? Ai là người trong chúng ta dám tin mình có thể phân biệt rạch ròi nhiệm vụ của mình bắt đầu từ đâu, chấm dứt ở đâu? Làm sao mà nữ giới – vốn được huấn luyện từ nhỏ là phải thân ái săn sóc kẻ khác – có thể biết chắc lúc nào thốt ra được lời dứt khoát: "Đủ rồi!"?

"Công việc của người đàn bà không bao giờ có thể chấm dứt!", đó là niềm tin của bà Katy, chứng tỏ qua cách sống của bà với lũ con. Và bây giờ, khi đứa con út đã rời khỏi nhà, bà lại tiếp tục bi kịch với ông bố già nua. Tôi biết bà đã "hiến dâng" gần trọn vẹn đời bà, giống như má bà, như bà ngoại trước đây. Trong thâm tâm, bà rất sợ và cảm thấy có lỗi khi khám phá ra phần sâu kín của bản ngã cứ muốn đòi thỏa mãn những nhu cầu của mình trước đã. Bà tận tâm tận lực phục vụ người thân, đến nỗi bà đã tự phản bội, nếu không nói là đã tự đánh mất bản ngã của bà. Bà cảm thấy phần bản ngã bị vùi lấp đó đang lồng lộn lên, nhưng bà vẫn chưa thể dùng nó để thực hiện cuộc đổi thay.

Dù chúng ta có cảm tình hay tự đồng hóa với hoàn cảnh của bà Katy đến đâu đi nữa, thì đó vẫn chỉ là vấn đề riêng của bà. Nói như vậy không phải ngầm ý cho rằng bà cư xử sai lầm hay lệch lạc tâm lý. Cũng không thể bảo bà là " nguyên nhân" gây ra hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan của bà. Những quy tắc và những vai trò định sẵn trong gia đình, xã hội đã khiến nữ giới đặc biệt gặp khó khăn trong việc khẳng định chính mình và tách được mình khỏi những mong muốn đợi chờ kẻ khác. Và khi phụ nữ chúng ta bắt đầu chú ý tới chất lượng và đường hướng cuộc sống riêng của mình, thì những qui định đó lại khiến chúng ta phải tự thấy lo âu và phạm lỗi.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không sử dụng sự bất bình để tự xác định bản ngã một cách minh bạch hơn trong những mối liên hệ với người thân – và điều khiển những tình cảm của mình theo như cách chúng nổi dậy – thì sẽ không một ai có thể lãnh lấy trách nhiệm đó thay cho chúng ta.

Biết suy nghĩ, thay vì cứ phản ứng trước hoàn cảnh:

Bà Katy xin tôi giúp đỡ vì bà "muốn là một cái gì đó" đối với cụ thân sinh, và đồng thời muốn tôi cho hay điều đó là điều gì. Thực ra, bà Katy – cũng như nhiều phụ nữ khác trong chúng ta – đã từng được biết bao người mách nước. Chẳng hạn má bà trước đó đã dạy bà rằng đừng nghĩ đến mình, rằng xả thân hầu hạ là bổn phận của nữ giới. Còn các bạn hữu cùng thế hệ với bà thì nói: "Bà phải tự khẳng định mình thôi. Đó là chìa khóa để tự giải phóng!". Một số vị cố vấn khác lại không ngừng nhấn mạnh: "Đừng đáp "dạ" khi lòng bạn thực thì muốn trả lời "không"!...Đến nỗi bây giờ chính bà cũng hiểu và tin rằng vấn đề của bà chỉ có thể giải quyết nếu bà đủ can đảm thốt ra hai chữ: "dạ" và "không" đó.

Điều bà Katy thực sự cần, là cứ hãy dịu xuống và đừng làm gì cả, ít nhất trong một lúc. Chẳng khôn ngoan chút nào nếu ta chọn một quyết định, hay cố gắng làm thay đổi mối liên hệ, vào lúc ta đang nổi giận và căng thẳng. Thực ra, bà Katy đã chưa suy nghĩ nhiều về hoàn cảnh của mình, bởi vì bà cứ phải bận rộn đối phó với nó.

Bà sẽ thoát khỏi thế bí và có được một khởi điểm tốt nếu biết ngừng trách móc, ngừng chẩn đoán ông cụ thân sinh. Bà có thể bắt đầu nhận thức rằng công việc của bà là hãy tự tách ra một chút khỏi những ước muốn và mong đợi của cụ, để sau đó mới có thể làm sáng tỏ những giá trị, đánh giá những chọn lựa ưu tiên, và quyết định xem mình muốn làm hay không muốn làm gì. Có thể bà sẽ nhận ra rằng mình chưa được sáng suốt về những điều đó cho lắm, cũng như chưa biết giải quyết vấn đề ra sao. Nhận thức ra là mình chưa đủ sáng suốt, tự nó đã là một bước tiến có ý nghĩa.

Sau đó bà phải làm gì? Ai trong chúng ta có thể làm được gì khi cứ cảm thấy giận hờn vì bị đòi hỏi quá đáng nhưng lại chẳng biết lựa chọn cách hành động thế nào cho phải? Cơn giận của chúng ta báo hiệu một vấn đề, nhưng lại không cho lời giải đáp, không cho cả đầu mối giải quyết. Cơn giận đơn giản chỉ là cái mà chúng ta cảm thấy hoặc cho phép mình cảm thấy. Nhưng đồng thời có cũng bảo chúng ta là: Hãy từ từ! Hãy chờ suy nghĩ sáng suốt hơn đã về bản ngã! Quả như vậy, cơn giận làm chúng ta khó suy nghĩ cho sáng suốt.

Tới đây, nhiệm vụ của bà Katy không phải là "làm điều gì đó" cho cơn giận của bà, mặc dù phê bình cụ thân sinh hay làm những điều tương tự, có thể đem lại sự nguôi ngoai ngắn hạn, hoặc cảm giác mình đạt được sự thắng lợi tinh thần cách nào đó. Muốn được an tâm lâu dài, bà phải giảm bớt xúc động và gia tăng việc làm sáng tỏ "cái tôi" của chính bà. Bằng cách nào? Có hai cách giúp bà thấy sáng suốt hơn về những tin tưởng và chọn lựa của mình: Thứ nhất, bà có thể chia sẻ vấn đề của mình với những người thân khác trong gia đình, kể cả với cụ thân sinh. Thứ hai, bà có thể thu nhập dữ kiện, bằng cách tìm hiểu xem những người thân khác ở các thế hệ đi trước trong gia đình bà – đặc biệt là phái nữ – đã đối phó với những vấn đề tương tự ra sao.

Chia sẻ vấn đề của mình với người thân:

Khi bà Katy chia sẻ với ông cụ thân sinh đôi chút về vấn đề của bà, thì đó cũng là lúc lo âu trong mối liên hệ đạt tới cao điểm – không kém phần ý nghĩa so với cuộc trao đổi giữa Maggie với bà mẹ. Bằng cách bình tĩnh san sẻ tâm tư về vấn đề của mình trong gia đình, bà đã có thể tự bứt mình ra khỏi mô hình cư xử cứng nhắc cũ trong mối liên hệ với cha. Cuộc trao đổi đại khái đã diễn ra như sau:

– Ba ơi! Ba biết đó, con có một chuyện khó nghĩ. Con vẫn chưa hình dung được làm cách nào để có thể quân bình trách nhiệm của con đối với ba và trách nhiệm của con đối với chính con. Tuần trước con đã lái xe đưa ba đi mua hàng hai lần, con cũng lái xe đưa ba đúng hẹn tới bác sĩ. Nhưng con cảm thấy rất căng thẳng và khó chịu, vì con thực sự muốn dùng thời gian đó để lo chuyện riêng của con. Nhưng nếu con nói "không" với ba để đi làm công việc của con, thì bao giờ con cũng cảm thấy mình có lỗi – cứ như dù có làm gì, con cũng thấy rõ trước mắt hình ảnh ba đang phải tự xoay sở một mình.

– Ồ, nếu ba đã là một gánh nặng cho con như vậy thì thôi! Ba sẽ tự tách ra – cụ lạnh lùng đáp. Trông cụ như vừa bị xô té.

Bà Katy đã chuẩn bị trước cách đối phó với phản ứng đó, nên vẫn cảm thấy vững vàng, không để mình sa vào xúc cảm như thường lệ.

– Không đâu, ba! – bà đáp lại – Con không muốn vậy. Con không nói ba là gánh nặng cho con. Sự thực, chỉ muốn được thảnh thơi một chút bằng cách nhờ người khác giúp đỡ con một tay. Điều con vừa nói là vấn đề của con, con nên làm thế nào cho mình được thảnh thơi một chút. Con cần ước lượng xem con có thể giúp ba tới mức nào, và khi nào con đành phải nói không để phải làm trước công việc của con!.

– Katy, con làm ba ngạc nhiên. Má con săn sóc cả hai vị phụ mẫu khi các cụ về già, và bà có bao giờ cất tiếng than van đâu? Má con chắc không hãnh diện về con cho lắm!

– Con hiểu ý ba – bà tránh cắn câu, và dễ dàng tiếp tục nói lên vấn đề của chính mình. Con vẫn luôn luôn thán phục má vì má đã tận tình phục vụ các cụ. Theo con thì hình như má có được một khả năng đáng kinh ngạc: cho đi mà không cảm thấy bị lừa hoặc là uất ức. Nhưng con không phải là má. Con khác, và thực tình con không nghĩ mình có thể làm được điều đó. Con nghĩ con quả có ích kỷ hơn má hồi xưa.

Qua đi vài phút yên lặng ngượng ngập, rồi ông cụ lên tiếng: "Này Katy, vậy thì liệu ba có thể làm được gì cho vấn đề của con?". Không thể lẫn được giọng nói của cụ vừa có ý mỉa mai vừa có ý mếch lòng.

Bà Katy thoáng cảm thấy một thúc đẩy cũ, là hãy cho những lời khuyên, hãy gợi ý ông cụ nên tiếp xúc, gặp gỡ thêm những người khác như một cách giải quyết vấn đề. Nhưng kinh nghiệm đã cho bà biết là như vậy chẳng đi đến đâu. Bà tiếp tục bàn về chính vấn đề của bà:

– Con mong có được ai đó giải quyết vấn đề giúp con và quyết định thay giùm con, nhưng con hiểu đó là việc chính con phải làm – bà nói với vẻ nghĩ ngợi – Ba à, thực ra con nghĩ: nếu được ba san sẻ cho một vài kinh nghiệm của ba thì điều đó sẽ hữu ích cho con lắm. Có bao giờ ba gặp phải một vấn đề tương tự như con không? Hồi đó, khi bà nội già yếu không thể tự săn sóc, ba cảm thấy vấn đề ra sao? Ai là người trong gia đình quyết định đưa bà nội đi viện dưỡng lão? Lúc đó ba có suy nghĩ hay dự định gì không?

Khi trực tiếp đề cập vấn đề gia đình (trong trường hợp này là: "Ai sẽ chăm nom cha mẹ lúc về già?"), bà Katy đã hóa giải được vấn đề thay vì tức giận phản ứng với nó bằng cách công khai nêu nó lên. Kết quả là: nỗi âu lo tiềm ẩn, chung quanh những khó khăn về cảm xúc chưa được xác định, sẽ giảm đi, và bà thấy mình có thể suy nghĩ khách quan hơn về hoàn cảnh của mình. Thêm vào đó, bà còn biết thực tình hỏi cụ thân sinh về những kinh nghiệm bản thân của cụ đối với vấn đề. Tìm hiểu những người thân thuộc thế hệ đi trước trong gia đình đã từng xử trí ra sao với những vấn đề giống như của mình hiện tại, đó là đường lối hữu hiệu nhất để làm dịu bớt phản ứng và nâng cao sáng suốt bản thân. Thực ra, trước khi bà Katy có thể khai mào câu chuyện này với ông cụ một cách vững chãi, bà đã phải học hỏi nhiều về kho tàng kinh nghiệm mà các thế hệ trước trong gia tộc bà để lại, chung quanh vấn đề săn sóc người thân già yếu.

NGHIÊN CỨU DI SẢN CỦA GIA ĐÌNH:

Trong các thế hệ đi trước, những phụ nữ nào trong họ hàng thân tộc của bà – chị, cô, gì, bà nội, bà ngoại...đã phải tranh đấu với những vấn đề tương tự? Họ đã giải quyết như thế nào? Họ đã đạt được thế quân bình giữa trách nhiệm với người khác và trách nhiệm với chính mình ra sao? Họ đã thành công tới mức nào? Sự việc đã xảy ra thế nào để mẹ bà chu toàn được bổn phận săn sóc các bận phụ mẫu già nua? Và trong khi mẹ bà đảm đương công việc, thì các anh chị em của mẹ bà suy nghĩ ra sao, xử sự thế nào? Phải quyết định ra sao cho những thế hệ kế tiếp, về việc ai sẽ săn sóc những người thân già yếu?

Chúng ta không bao giờ là kẻ đầu tiên phải vật lộn với vấn đề, mặc dầu có vẻ là như vậy. Tất cả chúng ta đều thừa hưởng những vấn đề còn dang dở trong dĩ vãng. Và bất kỳ chúng ta đang chiến đấu với vấn đề, chúng ta đều thực sự kế thừa cuộc đấu tranh đã từng xảy ra trong các thế hệ trước. Nếu chúng ta không rõ về lịch sử gia đình mình, chúng ta rất dễ hoặc lặp lại những mẫu mực phản ứng của quá khứ, hoặc ương ngạnh chống lại chúng một cách máy móc. Đồng thời, chúng ta làm như thế mà chẳng hiểu rõ được mình thực sự là ai, giống ai, khác ai trong gia tộc mình, giống hay khác như thế nào, và làm thế nào để mình có thể tiến hành cuộc đấu tranh đó một cách tốt nhất nơi cuộc sống mình.

Muốn sử dụng cơn giận cách hiệu quả thì trước hết và trên hết là: phải làm minh bạch hơn "cái tôi". Nhưng nữ giới chúng ta lại thường xuyên bị ngăn trở mỗi khi muốn bắt đầu hướng tới điều đó. Tuy nhiên, chúng ta không thể hy vọng khẳng định được bản ngã khi đứng biệt lập khỏi các cá nhân khác trong phả hệ gia tộc mình. Không có cuốn sách nào hay nhà tâm lý trị liệu nào về vấn đề này có thể giúp chúng ta hoàn tất nhiệm vụ, nếu chúng ta tự cắt đứt với gốc rễ. Phần lớn chúng ta phản ứng mạnh mẽ với những người khác trong gia đình – đặc biệt với cha mẹ chúng ta – nhưng chúng ta lại không biết trao đổi với các vị một cách sâu xa, không biết thâu thập dữ kiện và học hỏi kinh nghiệm của các vị. Chúng ta có khi chẳng biết chút gì về những sức mạnh đã khuôn đúc đời sống cha mẹ chúng ta, cũng như đời sống của chính chúng ta, và cũng không biết ông bà cha mẹ đã từng phải đối phó với những vấn đề giống như chúng ta ngày nay như thế nào. Nếu không biết đến những điều này, chúng ta sẽ không thể nào hiểu biết bản ngã. Và khi không thể làm sáng tỏ hơn bản ngã bắt rễ từ lịch sử đó của mình, chúng ta sẽ có khuynh hướng giận dữ ghê gớm trong mọi tình huống của hoàn cảnh, và phản ứng lại bằng cách oán trách, tự cách ly hay thụ động chiều theo, hoặc nữa, là cứ xoay tròn trong vòng lẩn quẩn của những phản ứng đó.

Chính vì vậy mà bà Katy có vài công việc gia đình phải làm. Bà tiếp xúc rộng rãi với nhiều người thân trong dòng họ – đặc biệt với các phụ nữ – và học hỏi, trước hết là, kinh nghiệm và cách nhìn của các vị đó về những vấn đề tương tự như vấn đề bà đang gặp phải. Từ những người thân còn sống, bà hiểu rõ hơn về những người đã khuất, trong đó có mẹ bà. Nhờ làm như vậy mà bà đã hiểu rõ vấn đề của bà với ông cụ thân sinh trên một phạm vi rộng lớn hơn.

Bà Katy khám phá ra rằng nữ giới trong gia tộc bà có khuynh hướng chia làm hai phe đối lập: những người giống như mẹ bà thì muốn hy sinh cá nhân để chăm sóc những người thân già yếu, trong khi những người giống như bà dì Peggy của bà thì bà lại muốn ngoảnh mặt làm ngơ. Trong trận tuyế này, có nhiều yếu tố giao tranh nhau, chẳng hạn mẹ bà, suốt nhiều năm sau ngày bà ngoại mất, đã không thèm mở miệng nói một lời với dì Peggy, vì giận dì đã chẳng hề góp phần vào việc săn sóc bà ngoại. Còn theo cách nhìn của dì Peggy, thì mẹ của Katy đã có những quyết định một chiều, kém khôn ngoan trong việc săn sóc người già yếu. Việc chăm sóc cha mẹ già từng là một vấn đề căng thẳng nơi các thế hệ đi trước bà Katy, cho nên dễ hiểu rằng bà phải qua một thời gian khó khăn lắm mới có thể tìm được thế quân bình dễ chịu giữ trách nhiệm với chính bà và nhiệm vụ phục dịch người cha.

Sau khi đã trao đổi được với những người thân đi trước và thu nhập thêm nhiều hiểu biết, bà cảm thấy an tâm hơn về hoàn cảnh của mình, và tìm được những chọn lựa mới thích hợp cho bà bà cho cụ thân sinh – điều mà trước đây bà tưởng là vô phương. Không thể có lời giải đáp dễ dàng hay cách giải quyết không đớn đau. Đã có lần bà lược tóm hoàn cảnh khó xử của bà như sau: "Dù tôi có được trị liệu lâu đến đâu, tôi vẫn cứ tiếp tục cảm thấy có lỗi nếu đáp "không" với ba. Nhưng nếu cứ tiếp tục đáp "có", tôi lại cảm thấy nổi giận. Như vậy, nếu muốn thay đổi, tôi đoán có lẽ là tôi phải học để đôi khi cũng biết cách sống chung với chính mặc cảm phạm lỗi của mình". Quả thật, bà Katy đã làm đúng như vậy: bà quả có sống với một vài mặc cảm phạm tội, nhưng không đến nỗi gì ghê gớm lắm, và về sau càng nhẹ đi dần dần.

Những thay đổi đặc biệt mà bà Katy đã thực hiện với cụ thân sinh tựa như chẳng có gì đáng nói đối với người ngoài cuộc. Bà quyết định ăn cơm chiều với ông cụ hai lần một tuần thay vì ba lần như trước, và chở cụ đi mua đồ vào mỗi thứ bảy thay vì bất cứ lúc nào cụ gọi điện tới. Đây là những thay đổi mà chính bà đề nghị trước và giữ vững chúng. Cuộc sống của bà đã đổi khác hẳn. Sau đó ít lâu, đến lượt ông cụ có thay đổi: cụ quen thân với một cụ bà trong khu lân cận, và hàng ngày họ gặp nhau trò chuyện nhiều giờ. Bà Katy thấy vững dạ, nhưng hơi băn khoăn về chuyện này. Bà bắt đầu nhận ra rằng trước đây, vì bận bịu hầu hạ người cha, tất cả thời gian của bà có vẻ như đã "chật cứng" những công việc, điều đó giúp bà tránh phải đối diện với nếp sống cô lập của bà, tách khỏi những người bạn cùng lứa. Đồng thời, điều đó cũng làm bà hiểu ra là mình chỉ quen cho đi, hơn là biết xin và biết nhận lãnh.

Những gì bà Katy quyết định làm hay không làm cho cụ thân sinh thực ra chỉ là một phần ít quan trọng hơn trong cả câu chuyện về đời bà. Giải pháp của bà về vấn đề nay không nhất thiết là đúng nhất đối với bạn hay với tôi. Điều có ý nghĩa nhất, là chính hàng động của bà đối với gia đình gốc của bà đã giúp bà cảm nhận sâu xa hơn về một bên là sự gắn bó mật thiết với gốc rễ cội nguồn, và bên kia là tính chất riêng biệt và sự tỏa sáng của mỗi cá nhân. Bây giờ thì bà có thể biết cách sử dụng giận dữ như một tấm ván nhún lấy đà để suy tư về hoàn cảnh của mình, hơn là cứ coi mình như một nạn nhân của nó. Và, như chúng ta sẽ thấy, suy nghĩ sáng suốt về những vấn đề như: "Tôi chịu trách nhiệm về cái gì đây?", vẫn luôn là một vấn đề gay cấn đối với hầu hết mọi người trong chúng ta.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro