Chương 7:AI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ ĐIỀU GÌ?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ ĐIỀU GÌ?

(CÂU HỎI LẮT LÉO NHẤT VỀ CƠN GIẬN )

Vào một dịp đi dự hội nghị tại New York, tôi và hai bạn đồng nghiệp cùng lên xe buýt tới thăm viện bảo tàng Metropolitan. Tôi ít thông thạo về thành phố này, và các bạn tôi thì chỉ mới đến đây lần đầu tiên. Có lẽ vì lo âu trong một "đô thị khổng lồ" như vậy, nên chúng tôi nhắc hơi nhiều với anh tài xế rằng nhớ cho chúng tôi xuống xe đúng chỗ. Thật bất ngờ, anh ta bỗng nổi giận thốt mấy câu mỉa mai độc địa, đến nỗi nhiều người trong xe phải quay lại nhìn. Cả ba chúng tôi lặng người, choáng váng.

Sau đó, chúng tôi vừa uống cà phê vừa kiểm điểm lại những phản ứng của mình. Một trong hai chị bạn cảm thấy buồn. Chị nhớ đến ông chồng cũ cũng thường hay có thái độ độc địa quá đáng như vậy, và còn trùng hợp hơn, những ngày này lại là những ngày kỷ niệm vụ ly dị của hai người. Chị bạn thứ hai thì giận lắm, nhưng có vẻ nguôi đi nhiều khi nghĩ ra được những lời đối đáp xứng với cách ăn nói của anh chàng tài xế – chị còn tưởng tượng ra những kiểu trả thù thật ngộ nghĩnh. Phản ứng của riêng tôi là bỗng nhớ nhà, nhớ nếp sống lễ độ miền Trung Tây đã quen thuộc với tôi. Việc xảy ra tại New York này lại làm tôi nghĩ về Topeka ở bang Kansas.

Xin hãy xét lại câu chuyện này một chút. Chúng ta hẳn đồng ý là thái độ người tài xế quả có xấu, nhưng liệu anh ta có phải chịu trách nhiệm về phản ứng của ba người nữ hành khách? Giả dụ một trong ba đứa chúng tôi phản ứng lại sự thô bạo của anh bằng cách nhảy từ cầu Brooklyn Bridge xuống nước, liệu anh ta có phải chịu trách nhiệm về cái chết đó hay không? Hay nhìn ở một góc độ khác, chính chúng tôi phải chịu trách nhiệm về cơn giận của anh ta?

Thường thì chúng tôi dễ có khuynh hướng nhìn mọi liên hệ nhân sinh theo quan niệm nhân quả giản đơn như vậy. Nếu tôi nổi giận, hẳn phải có kẻ nào đó là nguyên nhân. Nếu có ai đó nổi giận với tôi, thì hoặc tôi có lỗi, hoặc người đó không có quyền nổi giận khi tôi hoàn toàn vô tội. Những mối liên hệ xưa trong gia đình gốc (ý tôi muốn nói khuynh hướng quá trọng "cái chúng ta", đến nỗi "cái tôi" thường bị lấn áp) càng làm chúng ta quen gánh trách nhiệm về những cảm nghĩ, phản ứng của người khác, và vì thế mà hay tự trách mình. ("Mày luôn luôn làm má cảm thấy có lỗi!", "Con làm cho ba thấy nhức đầu!", "Chú ấy có say sưa nhậu nhẹt là cũng tại thím mà ra cả!"...). Quả vậy, chúng ta thường đổ trách nhiệm về hành vi của người thân lên chính mình hay lên một người thân khác.

Nhưng, những quan hệ giữa người và người không vận hành theo kiểu đó – hay ít nhất cũng không theo kiểu đó một cách trôi chảy. Chúng ta chỉ có thể bắt đầu sử dụng cơn giận của mình như một phương tiện để đổi thay, nếu biết bày tỏ nó mà không bắt người kia phải chịu trách nhiệm về nó, cũng không tự trách mình về những phản ứng đáp lại của người kia. Chúng ta có trách nhiệm về cách cư xử của mình, nhưng không có trách nhiệm về những phản ứng của người khác, cũng như người khác không có trách nhiệm về những phản ứng của chúng ta. Nữ giới thường lật ngược trật tự này: chúng ta dồn hết năng lực của mình vào việc gánh trách nhiệm về những cảm nghĩ và hành vi của người khác, rồi lại bắt người khác phải gánh lấy trách nhiệm của chúng ta. Khi đã xảy ra như vậy, thì những quy tắc cư xử cũ của mối liên hệ sẽ rất khó – nếu không nói là không thể – thay đổi.

Để chứng minh cho điều này, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của bà Katy với người cha góa vợ. Lúc đầu, bà mô tả là ông cụ đòi hỏi quá nhiều và thường làm cho bà cảm thấy có lỗi. Nếu bà cứ khăng khăng rằng ông cụ là nguyên nhân của tình cảm giận dữ và/hoặc mặc cảm phạm tội nơi bà, bà sẽ không có lối thoát. Bà sẽ cảm thấy vô vọng và bất lực vì không làm sao sửa đổi được tính tình ông cụ. Cũng vậy, nếu bà cho rằng mình có trách nhiệm đã gây nên những cảm nghĩ và phản ứng của ông cụ, bà cũng bị sa lầy. Tại sao? Vì giả như bà làm điều đó để thay đổi hoàn cảnh, ông cụ sẽ vẫn phản ứng lại với hành vi mới đó của bà. Rồi nếu bà lại cảm thấy mình có trách nhiệm vì đã khiến ông cụ phản ứng như thế, thì bà chỉ còn nước trở lại lối cư xử cũ và củng cố lại sự gắn bó "ăn ý" trước đây, để tránh cho cả ông cụ lẫn bà khỏi những tình cảm khó chịu. "Ba tôi giận dỗi vùng vằng khi tôi đáp "không", đến nỗi tôi không thể làm được bất kỳ thay đổi nào!". Hoàn cảnh của bà tới đây xem như vô vọng.

Vì sao mà câu hỏi "Ai-chịu-trách-nhiệm-về-điều-gì?" lại quá rắc rối đối với nữ giới? Đặc biệt, phụ nữ chúng ta thường hay nản chí trong việc tự lãnh trách nhiệm giải quyết những vấn đề và những chọn lựa của mình, cũng như kiểm soát chất lượng và đường hướng cuộc sống của mình. Vì chúng ta từ bỏ trách nhiệm về bản ngã như vậy, chúng ta dễ có khuynh hướng trách cứ người khác đã không lấp đầy khoảng trống hoặc mang lại hạnh phúc cho chúng ta- trong khi điều này đâu phải là phần việc của họ! Hơn nữa, khi không đảm nhận trách nhiệm về bản ngã mình, chúng ta không những đổ trách nhiệm ấy lên người khác, mà còn có khuynh hướng vơ lấy trách nhiệm của người khác làm của mình. Chúng ta cảm thấy mình có trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra chung quanh chúng ta. Chúng ta mau mắn tự trách mình khi thấy người thân khổ sở hay gặp vấn đề khó khăn. Chúng ta mau mắn nhận lỗi, đồng thời thực tình tin rằng mình có thể giải quyết giùm cho người thân nếu mình cố gắng đủ. Mặc cảm phạm lỗi kiểu đó quả thực là "vấn đề của nữ giới", có tầm cỡ phổ biến. Một cô bạn của tôi kể lại chuyện này: trong một dịp chơi trượt tuyết, vì muốn dừng lại để ngắm cảnh nên cô bị một người đàn ông vô ý tông phải. Một cách phản xạ, cô buột miệng: "Ấy chết! Xin lỗi ông!", mặc dù đang té sấp trong khi ông kia trượt vèo qua.

Trong chương này, chúng ta sẽ thấy bối rối trong việc nhận định "Ai-chịu-trách-nhiệm-về-điều-gì?" chính là nguyên do của việc tự trách mình và trách người không hiệu quả. Việc nhận định không đúng đó giống như một cái rào cản không cho chúng ta có thể cải thiện tình hình. Làm thế nào để chúng ta biết lãnh thêm trách nhiệm bản thân và bớt gánh trách nhiệm về cảm nghĩ và thái độ của kẻ khác? Tới đây, hẳn bạn đã nhận định vấn đề sáng suốt hơn lúc ban đầu, nhưng tôi xin tiếp tục phân tích rõ hơn nữa những khía cạnh của vấn đề rắc rối này. Xin nhớ cho: tự lãnh trách nhiệm về bản thân không chỉ có nghĩa là phải làm sáng tỏ cái "tôi" mà thôi, còn phải biết quan sát và thay đổi phần đóng góp của mình trong mối liên hệ bị sa lầy đó. Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét kỹ một kiều sa lầy phổ biến mà trong đó, mô hình "kẻ quá đáng – người bất cập" rất thường được chúng ta tích cực tham dự như thế nào.

CÂU CHUYỆN CỦA STEPHANIE VÀ NGƯỜI CHỊ:

Stephanie và chị cô dù đã lớn nhưng vẫn sống chung với nhau suốt bao nhiêu năm nay. Hai chị em có nuôi một con chó chăn cừu giống Đức, được cả hai rất mực cưng chiều. Một đêm kia, tiếng tru của con chó đánh thức hai chị em dậy. Thì ra nó đang bệnh và cứ rên hư hử không dứt. Stephanie cho là tình hình nghiêm trọng mất rồi, phải điện thoại gọi ngay bác sĩ thú y, nhưng chị cô nó là có thể đợi đến sáng cũng được. Đã vậy, chị còn tỉnh bơ tuyên bố rằng cô chỉ giỏi các tật lo lắng quá đáng.

Buổi sáng, bệnh tình con chó xem chừng nặng hơn. Vị bác sĩ thú y nói với hai chị em sau khi khám xong: "Lẽ ra hai cô phải gọi điện cho tôi ngay lúc đó. Con chó này chắc không qua khỏi!". Thế là Stephanie giận dữ chì chiết: "Nó mà có chuyện gì là tại chị hết!"...

Quan điểm của bạn về câu chuyện này ra sao? Bạn sẽ phản ứng thế nào nếu bạn là Stephanie? Bạn thấy đâu là phần trách nhiệm của mỗi người trong chuyện này? – Chúng ta có thể thông cảm cho cơn giận của Stephanie, tuy nhiên, vẫn cần phải phân tích lại cho rõ xem "ai chịu trách nhiệm về điều gì".

Chị của Stephanie có trách nhiệm trong việc làm sáng tỏ và hành động thích hợp với niềm tin tưởng của mình, và chị ấy đã làm như vậy. Chị cho là con chó chưa cần chạy chữa ngay nên đã không gọi điện cho bác sĩ. Cũng thế, phần của Stephanie là chịu trách nhiệm việc làm sáng tỏ và hành động theo đúng với niềm tin tưởng của cô, nhưng cô đã không làm. Cô nghĩ rằng con chó cần được chữa trị ngay, nhưng lại không gọi điện.

Tôi không nói rằng Stephanie không nên nổi giận với chị. Nếu cô nổi giận, thì cô cứ việc giận. Cô có thể giận vì bị đánh giá thấp nỗi lo và phán đoán của mình. Cô cũng có thể giận vì thái độ kẻ cả, thái độ "ta đây biết rõ mọi chuyện" của chị cô. Tuy nhiên, chính cô – chớ không phải người chị – mới là người chịu trách nhiệm tối hậu về những gì cô đã quyết định, những gì cô đã làm hay đã không làm.

"Nhưng bạn chưa hiểu tính khí của chị tôi đâu!"

Stephanie giải thích: "Sở dĩ tôi không gọi bác sĩ thú y là vì: chị tôi không hứa hẹn trước với tôi, là chị sẽ phản ứng ra sao nếu tôi lầm. Tôi mà đánh thức ông ta vào lúc đêm hôm khuya khoắt, bắt ông ta phải đội mưa tới nhà, để rồi rốt cuộc chẳng có gì nghiêm trọng, thì chị tôi sẽ được nước mà ca cẩm suốt tuần, lại còn có cớ mà chế nhạo tôi là "cả lo như đứa khùng"! Tôi mến chị ấy, nhưng bà không biết chị ấy tính khí tới mức nào đâu! Chị ấy luôn cho mình là đúng, đến nỗi tôi cứ phải tự kiểm điểm lại ý kiến của tôi". Theo như cách nói này thì Stephanie vẫn cứ tiếp tục trách móc và bắt chị cô phải chịu trách nhiệm về hành vi của cô.

Dĩ nhiên, giả như Stephanie bắt đầu biết khẳng định bản ngã, thì chị cô có thể sẽ phản ứng lại mãnh liệt – đặc biệt nếu bà chị này bám quá chắc vai trò "kẻ quyết định" của mình trong mối liên hệ. Nhưng nếu Stephanie biết vừa giữ vững lập trường, vừa không tỏ vẻ lánh xa hay tạo thêm căng thẳng, thì có nhiều hy vọng là chị cô sẽ biết tự kiểm soát các cảm xúc và biết phản ứng đúng đắn hơn.

Chúng ta có thể tiến hành ra sao để chuyển cơn giận của mình thành một nhận định sáng suốt về trách nhiệm bản thân, hầu biết cư xử hiệu quả hơn trong các mối liên hệ với người khác? Trong trường hợp của Stephanie chẳng hạn, những bước cô có thể tuần tự thực hiện là: – quan sát, – nhận ra mô hình cư xử của mối liên hệ và – thu thập thêm dữ kiện.

Quan sát:

Hãy tưởng tượng bạn là Stephanie. Bạn đang nổi giận, không phải vì chuyện con chó mà thôi, mà còn vì qua chuyện này, bạn càng thấy rõ hơn vị thế của mình trong mối quan hệ bấy lâu giữa hai chị em. Vậy bây giờ bạn sẽ làm gì tiếp theo?

Trước hết, để có thể trả lời sáng suốt hơn câu hỏi "Ai chịu trách nhiệm về điều gì?", bạn hãy bắt đầu bằng cách quan sát kỹ lưỡng xem những tác động qua lại giữa bạn và người chị đã diễn tiến như thế nào mà dấn đến việc bạn nổi giận? Ví dụ, Stephanie sau khi nhớ lại và quan sát kỹ lưỡng, cô nhận ra đây không phải là lần đầu hai chị em cư xử với nhau như thế. Đã có nhiều lần xảy ra những chuyện tương tự và diễn tiến cũng lập lại y khuôn, đại khái như sau:

Một hoàn cảnh xảy tới, đòi hỏi phải có một quyết định (trong trường hợp này là con chó bị bệnh). Stephanie mau mắn phản ứng trước bằng cách bộc phát thốt ra liền một ý kiến, sau đó mới tới phiên chị cô phát biểu. Ý kiến của chị cô có thể giống,có thể khác với ý kiến của cô, nhưng luôn được nói lên với một mức độ tự tin cao nhất. Thế là cô bắt đầu tự ngờ vực ý kiến của mình, hoặc cũng có khi chỉ đơn giản nhủ thầm: "Ôi, sao cũng được, có gì đâu mà phải tranh cãi!". Như vậy là trong mọi trường hợp, cô đều chiều theo quyết định của chị. Thường thường thì lối hành động này xem ra tốt cho cả hai chị em, và mọi việc đều được êm xuôi. Nhưng, khi âu lo và căng thẳng dâng cao (như ở đây là sau khi nghe vị bác sĩ thú y nói) thì cô lại nổi giận với chị, vì hậu quả do quyết định của chị không hợp ý cô. Những lúc như vậy thì hoặc cô hậm hực lánh xa, hoặc cô giận dữ công kích chị, để rồi hai bên tranh qua cãi lại. Nhưng cũng chỉ qua ngày hôm sau là mọi chuyện trở lại êm ả như thường.

Nhận ra "mô hình cư xử":

Những gì mô tả trên đây có thể khác biệt đôi chút với những gì Stephanie quan sát được, nhưng điều chính yếu là cô đã bắt đầu nhận ra mô hình cư xử "kẻ quá đáng – người bất cập" trong mối liên hệ giữa hai chị em, vào những lúc phải ra quyết định. Bà chị càng "quá đáng" (dứt khoát quyết định cho cả hai, không biểu lộ một chút ngờ vực hay bất an nào, như thể không them đếm xỉa gì đến phần đóng góp của em), thì cô càng "bất cập" (trông chờ chị quyết định giùm, cảm thấy làm biếng hay kém cỏi trong việc đưa ra những quyết định quan trọng, bực dọc xa lánh hay không phản ứng gì cả khi chị đã quyết định). Tiếp theo, khi cô càng cư xử "bất cập" thì chị cô lại càng "quá đáng" nhiều hơn. Thế là Stephanie đã nhận ra: hai bên đang kích thích và củng cố hành vi của nhau trong một vòng tròn luẩn quẩn.

Như vậy, Stephanie tìm hiểu "mô hình cư xử" bằng cách ghi nhận những dữ kiện khách quan chung quanh việc: " Ai đã làm gì? Khi nào? Theo thứ tự nào?". Cách tiếp cận này đã khó áp dụng được khi mọi sự đều êm ả, chúng ta càng không thể nào áp dụng được nó nếu để mình bị kẹt trong những cảm xúc mạnh và trong tư thế của kẻ than phiền trách móc. Chúng ta đã thấy nữ giới quen phản ứng với quá nhiều xúc cảm ra sao trong các mối liên hệ – nhất là khi bị căng thẳng – cho nên có lẽ chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn và phản ứng ít hơn, để tập trung chú ý vào việc nắm vững các dữ kiện thực tế.

Thu thập thêm dữ kiện:

Sẽ càng thêm có ít nếu Stephanie biết thu thập thêm dữ kiện về "mô hình cư xử" này từ các thế hệ đi trước trong gia đình. Chẳng hạn tìm hiểu xem khi cần có quyết định chung, cha mẹ hay ông bà mình xưa đã bàn bạc với nhau như thế nào? Việc chia sẻ quyền quyết định trong mối liên hệ giữa chị em cô giống và khác ra sao so với liên hệ giữa cha và mẹ cô? Có những người than nào đạt được thế quân bình và thoát khỏi mô hình cư xử đó trong những mối liên hệ gia đình của họ? Có cuộc hôn phối nào trong gia tộc mà ở đó người vợ hay người chồng luôn hành động "quá đáng" và nắm hết quyền hành? Có những phụ nữ nào trong gia đình cô đã phấn đấu để thoát khỏi vị trí "kẻ bất cập" và họ thành công tới mức nào?...Như chúng ta đã thấy trong câu chuyện bà Katy, những cuộc đấu tranh hiện tại của chúng ta khi liên hệ với người thân chắc chắn là kế thừa từ một di sản đã có rất lâu, trước cả khi chúng ta được sinh ra. Càng hiểu biết nhiều hơn về di sản đó, chúng ta càng dễ khách quan hơn khi đánh giá cung cách cư xử của chính mình.

Thứ hạng trong nhà cũng là một yếu tố nữa có ảnh hưởng lớn tới lề lối cư xử của chúng ta. Ví dụ trong trường hợp hai chị em Stephanie, mô hình cư xử của họ thích nghi theo vị trí trưởng và thứ trong gia đình. Đã là chị thì dễ tự đặt mình vào vị thế kẻ chỉ huy, dễ tin tưởng tự thâm tâm là mình biết cái gì tốt nhất, không chỉ cho mình mà cho cả các em nữa. Stephanie là em, nên thường thoải mái hơn khi để người khác quyết định thay mình. Dù có thể đôi khi cô tranh đấu quyết liệt với chị đấy, nhưng nếu có được dâng tận tay chức vụ chỉ huy, thì chắc là cô sẽ né tránh. Vị trí trưởng thứ trong gia đình ảnh hưởng đến chúng ta ra sao trong cung cách tiếp cận với cuộc sống, chỉ riêng việc nhận thức ra điều đó thôi cũng đã giúp ích chúng ta thật nhiều. Nếu Stephanie cảm thấy khó nhọc khi phải tự mình gánh vác công việc, và nếu chị cô cũng cảm thấy như vậy khi không gánh vác công việc thay cho em, thì mỗi bên sẽ có thể "thương lượng" với hoàn cảnh của mình một cách hài lòng hơn. Trong trường hợp này, cả hai sẽ ít tự trách mình và những khi gặp căng thẳng, vì đã ngầm đồng tình cho là họ đã cư xử theo đúng tập tục hay đúng lẽ thường tình.

Vậy thì ai có vấn đề?

Hãy ví dụ Stephanie đã tiến từng bước như sau khi nhận định vấn đề: Trước tiên, cô biết từ bỏ tư thế kẻ trách móc ("Nếu con chó có chuyện gì là tại chị hết!") và bắt đầu suy nghĩ về hoàn cảnh của mình hơn là phản ứng với nó. Thứ đến, cô quan sát kỹ và đã hình dung khá rõ sự việc diễn tiến như thế nào ("Ai đã làm gì? Khi nào? Trình tự ra sao?"), và hiểu ra rằng mỗi lúc gặp căng thẳng, cô thường phản ứng cách "bất cập" còn chị cô thì "quá đáng". Thứ ba, cô đã hiểu "mô hình cư xử" trong mối liên hệ giữa hai chị em chịu ảnh hưởng thế nào từ di sản của gia đình và gia tộc. Sau cùng, cô kết luận rằng mình đang đứng trong vị trí của kẻ tự từ bỏ bản ngã, và hiểu ra cơn giận của mình chính là dấu hiệu cho thấy mình muốn đạt lại thế quân bình nhiều hơn nữa trong mối liên hệ này, nhất là vào những lúc cần có quyết định.

Hai cách phát biểu sau đây phản ánh hai lề lối sử dụng cơn giận khác nhau: Trong phát biểu thứ nhất, Stephanie cho là chị cô có vấn đề và chị cô có trách nhiệm về vấn đề đó. Trong phát biểu thứ hai, Stephanie cho là chính cô có vấn đề và cô phải tự lãnh trách nhiệm về nó.

Cách phát biểu thứ nhất:

– "Chị à, chị có thái độ quá tự tin đi. Không thể bàn cãi gì với chị, bởi luôn luôn chị tự cho mình là đúng và không thực tình lắng nghe ý kiến của em. Chị tiến hành công việc kiên quyết đến nỗi không ai tranh cãi được. Em thực tình hết ý kiến về thái độ cái-gì-cũng-biết của chị. Khi em nêu ý kiến, chị phê bình cái này đúng, cái kia sai, cứ như thể chỉ là thần thánh không bằng! Chị làm em không dám tự tin vào những gì em nghĩ nữa. Chị luôn luôn chiếm ưu thế và điểu khiển mọi chuyện, để đòi theo ý của chị cho bằng được".

Cách phát biểu thứ hai:

"Chị biết đó, em đã nghĩ nhiều về mối liên hệ giữa hai chị em mình. Em cần phải xét xem vì sao em thấy khó nhọc quá mỗi khi phải tự quyết định và gánh vác chuyện gì. Em sở dĩ không gọi bác sĩ thú y đêm hôm đó, là vì em mất tự tin về phán đoán của mình khi thấy chị quá tự tin như vậy. Khi chị phê bình và gạt phắt ý kiến của em – cho là em quá lo – em không thích như vậy chút nào. Vậy mà em chỉ biết phản ứng có mỗi một cách là sẵn sang rút lui ý kiến. Em đã nhiều lần làm như vậy. Em dự định sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để biết tự quyết định và giữ vững lập trường của mình. Chắc chắn sẽ có lúc em quyết định sai, hay có lúc em sẽ làm liên hệ giữa chị em mình bị căng thẳng. Nhưng đành vậy thôi, chứ thực sự em chẳng hài lòng chút nào với sự việc như hiện giờ. Em cũng biết là em khó đạt được điều đang muốn làm, bởi vì hình như nhiều phụ nữ trong họ hang nhà mình đã thất bại trong dự định đó".

Chúng ta có thể nói gì về cách phát biểu thứ nhất ? – Có một số tương giao được làm cho thêm phong phú bằng sự đương đầu dữ dội. Nói trắng ra những bất đồng và đấu tranh liên tục, đó là những điều có thể được cả hai bên coi là có giá trị và làm mối liên hệ thêm hào hứng. Trong trường hợp của Stephanie, với tất cả những gì chúng ta được biết, thì có thể đoán rằng chị cô sẽ phản ứng lại với cách phát biểu một bằng thái độ suy tư và nói: "Ừ, chị cũng đã từng nghe người khác nói về chị như vậy. Chị chắc em phần nào có lý trong đó. Chị tiếc là đã có thái độ quá hùng hổ. Thôi được, để rồi chị sẽ coi chừng chuyện đó!".

Cách phát biểu một này quả có phản ánh sự bối rối của Stephanie trước vấn đề trách nhiệm cá nhân. Bạn có nhận thấy điều đó không? Phát biểu như thế, trước hết Stephanie cho là chị cô có trách nhiệm về hành vi của chính chị (không thèm nghe ý kiến của em), điều này hợp lẽ công bằng. Nhưng đồng thời cô cũng muốn bắt chị phải chịu trách nhiệm về cả hành vi của cô (chị làm em mất tự tin, chị làm em không thể giữ vững lập trường): trách móc như vậy là không công bằng, hơn nữa, còn xóa mờ ranh giới giữa "cái tôi" với người khác trong mối liên hệ.

Thế còn cách phát biểu thứ hai ? – Ở đây, Stephanie chỉ chia sẻ những gì mình suy nghĩ và không tự cho là mình biết rõ về chị. Cô chỉ đề cập đến thế tiến thoái lưỡng nan của mình trong mối liên hệ, và cô chịu trách nhiệm về phần đóng góp của mình trong "mô hình cư xử" đó. Nếu cách phát biểu một có thể càng làm leo thang thêm sự căng thẳng vốn đang có giữa hai bên, thì cách phát biểu hai có thể làm cho tình hình dịu bớt, giúp cả hai cùng có được cái nhìn khách quan hơn.

Cách phát biểu nào hợp với cá tính của riêng bạn? Theo tôi thì còn tùy vào mối liên hệ. Với chồng tôi, đôi khi tôi phải xả bớt căng thẳng của mình bằng cách đấu tranh theo phát biểu một (tuy nhiên sau này khi có tuổi hơn, tôi ít làm như vậy.) Trong công việc, giao tế, hay đối với bạn bè và người thân lâu ngày mới gặp, tôi cảm thấy thoải mái hơn nếu tôi theo lối phát biểu thứ hai, và thấy rằng điều đó cũng gây hiệu quả tốt. Chọn cách nào là tùy theo từng hoàn cảnh, tùy mục đích của bạn, tùy mối liên hệ, và tùy những gì đã xảy ra trước đó trong mối liên hệ mà vốn vẫn còn làm bạn cảm thấy dễ chịu hay bực tức.

Dĩ nhiên điều quan trọng nhất không phải là những gì Stephanie nói mà là những gì cô làm. Có khi rồi đây cô vẫn nghe theo ý kiến của chị và xét lại quan điểm của mình, nhưng cô sẽ cư xử như vậy với một thái độ mới: tự gánh vác trách nhiệm về những gì mình chọn lựa, những gì mình làm hoặc không làm. Chỉ mới phát biểu lập trường thì không có gì đáng kể, nếu sau đó ta không quyết tâm giữ vững và thực hiện lập trường đó.

Trong khi chúng ta học nhận diện những "mô hình cư xử" trong mối liên hệ, chúng ta chứng kiến một mâu thuẫn đặc biệt. Một mặt, công việc của chúng ta là học gánh trách nhiệm về những suy nghĩ, tình cảm, hành vi của chính ta, đồng thời để cho người khác chịu trách nhiệm về những thứ đó nơi họ. Thế nhưng cùng một lúc, cách thức mới đó – mà chúng ta phản ứng với người kia – sẽ rất ảnh hưởng đến cách người đó phản ứng với ta. Chúng ta không thể không tác động vào "mô hình cư xử" một khi chúng ta đang còn liên hệ. Cả một chuỗi tác động qua lại giữa hai bên trong mối liên hệ chắc chắn sẽ thay đổi, chắc chắn sẽ ra khỏi vòng lẩn quẩn, nếu có một bên bắt đầu tự lãnh trách nhiệm và tự thay đổi phần đóng góp của mình.

Gánh lấy trách nhiệm không có nghĩa là chúng ta phải tự trách móc mình, tự hạ thấp mình. Quan sát và thay đổi phần mình trong một mối liên hệ là một "quá trình tự trọng", làm sao ta có thể thực hiện được điều ấy trong tâm trạng tự chỉ trích? Loại tâm trạng này thường ngầm phá hoại hơn là khích lệ khả năng quan sát mối liên hệ. Nó có thể góp phần vào trò chơi cò cưa mà chúng ta đang muốn rời bỏ, bởi có thể mục tiêu vô thức của nó là duy trì trò chơi, bằng cách cố tình xuống thấp để giúp người kia được cảm thấy lên cao hơn.

Ngược lại, cho phép mình bày tỏ rõ ràng (cả cho mình lẫn cho người kia) rằng: "Tôi đã quan sát phần của tôi trong mối liên hệ này, và bây giờ tôi bắt đầu thay đổi nó!" là một lập trường đầy danh dự và sức mạnh. Tự lãnh trách nhiệm phần mình không phải là làm thinh, mặc cho người khác cứ việc tránh né trách nhiệm của họ và lạm dụng mình tùy thích. Trái lại, như chúng ta đã thấy, đó chính là sẵn sàng trực diện với người khác với một bản ngã tách biệt, độc lập, đồng thời tôn trọng để cho người khác cũng được quyền làm như vậy.

CÂU CHUYỆN CỦA VỢ CHỒNG LISA:

Sau khi đã tranh đấu không biết bao nhiêu lần với chồng về vấn đề nội trợ, Lisa quyết định ngưng tranh đấu theo lối cũ và bắt đầu làm sáng tỏ vấn đề của chính mình. Nàng chọn lúc tương đối bình tĩnh và nói: "Anh ạ, em có vấn đề này, liên quan đến những việc nội trợ em phải làm. Đó là em cảm thấy hờn giận vì bị đùn đẩy cho quá nhiều công việc. Em kiệt sức rồi. Vấn đề lớn nhất của em lúc này là đã quá mỏi mệt, cần tìm gấp cách nào đó để gìn giữ sức lực và có thêm thời giờ cho chính em". Rồi Lisa nói với chồng những điều nàng mong anh gánh vác để giúp nàng ra khỏi tình trạng đó.

Lisa không phê bình chồng hoặc bảo một người chồng tốt phải cư xử như thế nào. Nàng chỉ chia sẻ những gì nàng cảm thấy về hoàn cảnh ngày một nặng nề thêm của nàng. Khi chồng nàng nói: "Ồ, anh thấy các bà khác chu toàn tốt đẹp công việc nhà mà có vấn đề gì đâu?", Lisa chỉ nhẹ nhàng đáp: "Em không phải là các bà ấy. Em là em!".

Mấy tháng sau, chồng nàng vẫn không làm gì thêm ngoài việc đổ rác và quét sân, trong khi Lisa thì vẫn thấy hờn giận. Tuy nhiên, qua những lần nói chuyện với nàng, tôi nhận ra rằng nàng không thay đổi chút gì trong hành động cả. Như thường lệ, nàng vẫn tất bật tiếp khách khi những bạn đồng nghiệp của chồng đến nhà. Nàng vẫn giặt giũ, làm cơm tối, rửa bát đĩa và quét dọn phòng làm việc của chàng. Nàng đã tự nhủ: "Ta mệt mỏi, giận hờn, và cần phải làm cái gì đó mới được!", nhưng hành động thì nàng lại giữ nguyên như cũ. Nàng đã không thực hiện trách nhiệm của mình, là phải "làm cái gì đó" để giải quyết vấn đề của mình.

Nhưng tại sao nàng lại phải "làm cái gì" ? Chẳng lẽ chồng nàng lại là một người không biết tự thay đổi cách cư xử sao? Chẳng phải anh ta có trách nhiệm cư xử cho tốt đẹp và công bằng với vợ sao? Nàng luôn muốn khởi xướng cuộc thay đổi trong mối liên hệ này, há không phải đến lượt anh ta tiếp tay vào sao?

Bạn và tôi, chúng ta có thể nghĩ thế, nhưng nghĩ như vậy là đặt sai trọng tâm rồi. Anh chồng không thấy có vấn đề gì về hoàn cảnh hiện tại. Anh hài lòng với những gì đang xảy ra, và anh không quan tâm đến việc cần thay đổi. Nếu Lisa không làm một cái gì cho vấn đề của nàng, thì sẽ chẳng có ai làm thay cho nàng, kể cả chồng nàng.

Cho đến ngày Lisa không thể kham nổi được nữa, nàng mới bắt đầu hành động theo những gì nàng đã nói. Trước hết, nàng thiết lập một bảng kê những công việc nàng sẽ tiếp tục gánh vác (ví dụ quét dọn phòng khách và nhà bếp, những việc mà đối với nàng là quan trọng, vì nàng không thể để mọi thứ ngổn ngang chồng chất ở hai nơi này), và một bảng kê những công việc nàng sẽ không tiếp tục làm nữa (những việc này nàng muốn chồng cáng đáng giùm, nếu không thì cũng mặc). Kế đó, nàng nói cho chồng biết những gì nàng đã hoạch định, và nàng cương quyết thực hiện theo như vậy.

Lisa giữ vững lập trường, trong khi chồng nàng nghe ngóng, quan sát suốt hai tháng liền. Anh lại còn bê bối chểnh mảng hơn trước nữa, đến nỗi làm nàng phải tốn công nhiều hơn trong việc quét dọn nhà cửa – công việc này đối với anh ta thì không quan trọng chớ với nàng thì có. Tuy nhiên, so với trước thì nàng cũng tiết kiệm được thời giờ và sức khỏe hơn cho nàng. Cứ ba lần mỗi tuần, nàng làm bánh kẹp nhân thịt cho mấy mẹ con ăn chiều, mặc cho chồng tự sửa soạn lấy bữa ăn lúc đi làm về. Nếu anh mời bạn bè đồng nghiệp về nhà dùng bữa tối, nàng không đi chợ hay nấu nướng cho như trước nữa – mặc dầu trong thâm tâm, nàng rất muốn giúp đỡ. Lisa đã cẩn thận lựa chọn những công việc nào nàng bỏ công sức ra làm, những việc nào không, để còn bảo vệ thời giờ và sức khỏe của mình.

Có vài điều cần ghi chú thêm cho câu chuyện này. Trước hết, trong khi người chồng bắt đầu có vài đổi thay thì Lisa lại phản ứng với những đổi thay đó bằng những "biện pháp đối phó". Chắc là bạn vẫn còn nhớ: "Hãy thay đổi đi!"và "Hãy đổi ngược lại như cũ!" là những thông điệp lẫn lộn mà chúng ta vẫn thường trao đổi với nhau. Khi anh chồng bắt đầu biết gánh vác vài việc nội trợ, Lisa lại cứ ở đấy để cho ý kiến hay phẩm bình là anh làm chưa được như ý nàng. Đòi hỏi chồng đỡ đần công việc nội trợ hay nuôi con để rồi bảo: "Phải làm như thế này mới đúng!" hay "Hãy làm như em chỉ này!"...đó là một hành động ngăn cản đổi thay. Nếu Lisa thực sự sẵn sàng để cho chồng cộng tác nhiều hơn trong việc nội trợ (nghĩa là sẵn sàng chia sẻ với anh quyền kiểm soát trong lãnh vực đó), thì nàng cũng phải sẵn lòng để anh làm theo cách thức của anh. Nếu muốn chồng thôi không "bất cập" trong lãnh vực này, nàng phải thôi những hành vi "quá đáng". Rõ ràng là anh không bao giờ có thể quét dọn nhà cửa sạch sẽ theo đúng tiêu chuẩn của nàng, bởi nó khác với tiêu chuẩn của anh. Nếu như Lisa biết tin tưởng anh, hoàn toàn đứng ngoài, đừng xía vào – trừ khi anh hỏi ý kiến – thì công việc đó sẽ đạt được kết quả tốt hơn.

Lisa còn một vấn đề nữa khi chồng nàng bắt đầu thay đổi: nàng không những muốn chàng gánh đỡ công việc nhà, mà còn muốn chàng thích thú khi làm như vậy nữa. "Tối hôm qua anh ấy rửa chén bát", nàng rên rỉ, "nhưng rồi anh ấy hờn dỗi, nhăn nhó suốt buổi. Thực chẳng đáng!". Như vậy, chúng ta thấy Lisa vẫn không thoải mái với sự thay đổi. Hờn dỗi và nhăn nhó là việc của anh, việc của Lisa đâu phải là buộc anh phải cảm nghĩ thế này hay thế khác? Mặc dầu chưa ai chết vì hờn dỗi, phái nữ chúng ta – những người "cứu nguy tình cảm cho thế giới" – thường cảm thấy khó khăn kinh khủng khi phải để cho những người khác tự chịu đựng, điều khiển những cảm xúc của họ. Nếu Lisa giữ được sự tách biệt và tránh chỉ trích, tránh phản ứng, cứ để cho chồng một thời gian được hờn dỗi như ý muốn, thì đương nhiên sự hờn dỗi của chàng sẽ dịu đi. Nhưng khi nàng nói "Thực chẳng đáng!", thì điều đó lại trở thành vấn đề của chính nàng mất rồi! Điều này phản ánh những tình cảm trộn lẫn trong nàng: vừa muốn thay đổi mô hình cư xử cũ lại vừa muốn duy trì nó trong mối liên hệ.

Làm sao mà Lisa dễ dàng từ bỏ được thái độ kiểm soát trong lãnh vực nội trợ cho được, khi đây là lãnh vực mà thẩm quyền của nữ giới đã được đương nhiên chuẩn nhận tự bao thế hệ tiếp nối? Đảm trách công việc nội trợ là một phần trong những gì nàng kế thừa từ truyền thống gia đình, và là cách để nàng liên kết với mẹ cũng như với mọi người nữ của những thế hệ đi trước. Đó là chưa kể việc nội trợ tự thân nó đã là một việc quan trọng và có giá trị – dù điều này ít được người ta công nhận. Cho nên, có thể hiểu được tại sao Lisa có những tình cảm phức tạp và lẫn lộn như thế, dù việc nội trợ có khi tẻ nhạt, nặng nề và nếu được chồng chia sẻ bớt thì đương nhiên cuộc sống nàng sẽ dễ chịu hơn. Ta cũng có thể đoán rằng Lisa ít có lãnh vực nào khác mà ở đó nàng có được thẩm quyền nhiều hơn chồng.

Một câu hỏi chót: nếu Lisa nghiêm túc trong việc thay đổi, tại sao nàng không đấu tranh bằng cách nói trắng ra mọi sự? Nàng không thể lên tiếng (dù có phải "to tiếng") để khẳng định với chồng sự nghiêm túc đó của mình hay sao ? – Tranh đấu không có gì là sai trái cả, nếu việc đó giúp ta cảm thấy khá hơn và là một phần trong quá trình giúp ta thêm sáng suốt, biết chấm dứt cách hành động cũ. Trong chiều hướng đấu tranh như thế, thì điều quan trọng nhất không phải là cãi cọ hay không cãi cọ, to tiếng hay ôn tồn, nhưng là xác tín "tự bên trong" rằng mình không thể tiếp tục hành động quá đáng nữa (trong trường hợp của Lisa là quá mau mắn lo việc nội trợ), vì nhu cầu của chính mình.

CẢM XÚC QUÁ ĐÁNG: LẠI MỘT "THÀNH TÍCH" NỮA CỦA NỮ GIỚI!

Ở các chương trước, chúng ta đã đề cập tới những cung cách tự từ bỏ bản ngã cư xử bất cập vốn được "qui định cho nữ giới" trong nhiều lãnh vực của cuộc sống – và quả thật nữ giới chúng ta "được giao phó" vai trò kẻ cư xử quá đáng, thì chúng ta có khi lại bám chặt lấy vai trò này như thể để "trả thù" – mà đồng thời vẫn than thở – giống như lối hành động cũ của Lisa trong việc nội trợ. Nhưng ngoài việc nội trợ, chúng ta còn hành động quá đáng trong lãnh vực nào nữa?

Thường thường trong liên hệ, nữ giới còn hành động quá đáng trong vai trò kẻ "cứu gỡ" hay "làm ổn định". Chúng ta cư xử như thể chúng ta có trách nhiệm phải uốn nắn hoặc giải quyết giùm những vấn đề của người khác, hơn nữa, như thể chúng ta có khả năng làm được điều đó. Nhất cử nhất động của người khác, và cả sự non kém không thể hành động của họ, đều có thể làm chúng ta phản ứng lại với đầy cảm xúc, có khi từ phiền lòng chuyển sang giận dữ hay thất vọng. Và khi nhận ra rằng chúng ta không giúp đỡ gì được cho người kia, chúng ta có biết ngưng đi và thử làm cái gì khác không? – Đáng tiếc là không! Giống như Sandra cư xử với chồng (chương 3), chúng ta có thể lại còn tăng gấp đôi nỗ lực vô vọng, để rồi giận dữ hơn nữa vì không sao uốn nắn được "kẻ bất cập" đó.

Chúng ta cảm thấy khó khăn làm sao khi kiên nhẫn giữ một khoảng cách tách biệt để người khác có thể tự đảm nhận việc giải quyết những đau khổ, những vấn đề của họ! Nam giới cũng gặp khó khăn trong việc giữ quân bình hai khuynh hướng "tách biệt" và "hòa hợp", tuy nhiên họ thường chế ngự âu lo bằng cách lánh xa và không nhập cuộc (hy sinh "cái chúng ta" cho "cái tôi"). Trong khi đó, nữ giới thường bị lo âu thúc đẩy phải hòa hợp thêm nữa và phải "cảm xúc thay" cho người thân (hy sinh "cái tôi" cho "cái chúng ta"). Sự phân công gây bất hạnh và mất quân bình này không có gì đáng kinh ngạc! Xã hội chúng ta quen giảm thiệu tầm quan trọng của khả năng gắn bó thân tình nơi nam giới, lại còn nuôi dưỡng nơi họ khả năng cô lập và tách biệt tình cảm. Nữ giới thì được huấn luyện ngược lại, để cứ khuyến khích mình chăm chú quá đáng vào những vấn đề của người thân, thay vì dồn " năng lực lo âu" của mình vào những vấn đề của chính mình. Khi chúng ta không ưu tiên dồn năng lực cảm xúc của mình vào việc giải quyết những vấn đề của mình, chúng ta sẽ đổ năng lực ấy vào việc ôm đồm những vấn đề của kẻ khác.

Nhưng gánh vác trách nhiệm cho kẻ khác thì có gì sai trái không? – Trong một số khía cạnh thì không. Qua bao thế hệ, chính sự tận tâm che chở, giúp đỡ, dưỡng nuôi, an ủi người khác đã làm nên "căn tính" – và sự đáng kính nữa – của nữ giới. Chắc chắn là khả năng hiệp thông, thông cảm, thương yêu tha nhân, cũng như lòng tận tâm nuôi dạy con cái, là những đức tính cao cả nhất cho cả nữ lẫn nam giới. Chỉ thành vấn đề khi chúng ta cứ phản ứng quá mức trước những khó khăn của kẻ khác, cứ ôm lấy trách nhiệm không phải của mình, cứ muốn kiểm soát những việc ngoài tầm kiểm soát của mình. Phản ứng quá mức cho người khác thường dẫn đến kết quả là chúng ta lại đi đến chỗ nổi giận, và một tiến trình như vậy chẳng thể nào giúp cho người khác được trưởng thành thêm.

Câu chuyện giữa Lois và cậu em trai sau đây có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn kết quả của lối phản ứng quá đáng trước vấn đề của người khác. Khi đọc, xin bạn luôn nhớ rằng đây cũng có thể là chuyện giữa Lois với con nàng, với ông nội, với bà mẹ chồng, với người làm công hay với bạn hữu...

Câu chuyện của Lois và cậu em trai:

Tôi không muốn tỏ ra ghét nó hay nhẫn tâm với nó", Lois giải thích, nàng đang lo lắng nhiều cho cậu em, vì theo nàng, cậu ta chỉ toàn để cho bạn bè lợi dụng, bòn rút. "Tuy nhiên, tôi bực mình vì nó quá, nhất là về hai chuyện mà nó cứ làm tôi muốn nổi khùng lên: Trước hết, mỗi khi túng kẹt là nó luôn gọi điện thoại đến – tiền điện thoại dĩ nhiên tôi phải trả – để hỏi vay tiền và xin lời khuyên. Kế đó nó xài hết tiền – không bao giờ trả lại – và quên bẵng những lời khuyên. Tôi đã đưa nó đến hai nhà trị liệu, nhưng nó không chịu theo lâu. Tôi gợi ý những cuốn sách cho nó đọc để sống cho ra sống. Tôi đã hết lời khuyên bảo nó phải sống sao cho ra người. Nó nghe đấy, nhưng rồi không làm. Tôi đã thử vài biện pháp dữ dằn hơn mà cũng không hiệu quả. Tôi giận lắm, và cảm thấy mình kiệt sức rồi. Nhưng nó là em tôi, không lẽ tôi quay lưng với nó? Cha mẹ tôi vốn đã ghét bỏ nó cho nên nó còn biết đi đâu!?"

Mô hình cư xử trong mối liên hệ giữa Lois và cậu em là gì? – Khi cậu ta kêu cứu: "Hãy giúp em!", nàng liền nhảy xổ tới giúp. Sau đó cậu ta vẫn chứng nào tật ấy, và không sớm thì muộn lại gọi điện thoại tới kêu cứu nữa. Mỗi lúc như vậy, hoặc nàng sẵng giọng, hoặc dịu giọng khuyên răn. Nàng cứ luôn khuyên bảo cậu em (đã hai mươi bốn tuổi) phải sống thế nào cho có nề nếp. Cậu em không chịu sửa đổi. Nàng nổi cáu...Và chu kỳ cứ thế mà tiếp diễn.

Vậy thì ai là kẻ đáng trách trong trò chơi này? Hy vọng là tới đây bạn không còn suy tư theo kiểu đặt câu hỏi như trên nữa. Mối liên hệ vận hành theo vòng tròn (A và B hỗ tương thúc đẩy nhau ngày một mạnh thêm) chứ không phải theo đường thẳng (A đã là nguyên nhân cho B, hay Ba là nguyên nhân cho A). Một khi mô hình đó đã được thiết lập rồi, thì hai bên cứ thế mà tiếp diễn.

Phần của Lois trong điệu múa này là gì? – Nàng càng xử sự "quá đáng", cậu em càng "bất cập" thêm. Nghĩa là Lois càng lăn xả vào giúp đỡ em, ông em càng ỷ vào để xin chị giúp đỡ. Nàng càng không nói lên minh bạch những nghi ngờ, tổn thương và sự bất lực của mình cho em nghe, cậu ta càng biểu lộ những thứ đó đủ cho cả hai. Nàng càng lo lắng cho những vấn đề của em, cậu ta càng buông thả chẳng cần lo nghĩ gì nữa. Cách cư xử của nàng – như một người chị có cả trách nhiệm – xét về phương diện nào đó thì quả là tốt, tuy nhiên, chỉ có hại cho khả năng của ông em mà thôi.

Nói vậy có phải là Lois chịu trách nhiệm về những vấn đề của cậu em trai? – Không chút nào cả! Nàng cho không làm cho cậu em mất khả năng tự điều hành cuộc sống nhiều hơn là cậu em làm cho nàng phải tới cứu cậu. Mô hình "kẻ cứu giúp – người được cứu" trong mối liên hệ hiện nay giữa hai chị em vốn bắt nguồn từ nếp sống gia đình và có thể đã trải dài qua bao thế hệ. Mỗi người trong hai bên đều phải chịu trách nhiệm về những gì nàng đang than thở. Theo bạn thì Lois cần tiến hành những bước ra sao để có thể sửa đổi lại hoàn cảnh đó?

Có phải Lois nên chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề đó với cậu em bằng một thái độ không trách móc? Phải chăng nàng nên lựa lúc mọi sự êm ả để nói với em: "Khi em gọi điện tới chị để hỏi mượn tiền và xin lời khuyên, phản ứng đầu tiên của chị là đồng ý. Nhưng sau khi đã cho, chị thấy điều đó chẳng thực sự giúp em được gì, và chị cảm thấy hối hận. Có lẽ một phần lý do chị giúp em là để cho xong chuyện, để khỏi bị quấy rầy bực mình. Nhưng chị không muốn sự việc tiếp tục theo đường hướng này nữa. Từ nay đừng xin chị lời khuyên nếu em vẫn cứ chứng nào tật nấy"...?

Không đi đến đâu cả! Hay ít nhất là không thay đổi được chút nào nếp cư xử đó! Nói vậy chỉ là để khỏi phải trực tiếp trách móc cậu em ("Em là một kẻ tâm bệnh, bóc lột, vô trách nhiệm!"), hay giải thích động cơ hành động của cậu em ("Chị nghĩ là em lạm dụng và muốn giật dây chị"). Nếu Lois muốn thay đổi mô hình này, nàng không thể chỉ đơn giản bày tỏ cảm nghĩ của mình và đòi hỏi cậu em phải thay đổi. Nàng phải ngưng hẳn việc phản ứng quá đáng. Điều đó có nghĩa là gì?

Biết cách từ chối giúp đỡ:

Nếu Lois muốn có sự thay đổi, nàng phải ngưng không giúp đỡ nữa. Nghe tưởng như đơn giản? Đối với những ai trong chúng ta tin rằng bổn phận thiêng liêng của mình là cứu giúp người khác và sửa đổi họ, việc phải ngưng không tìm cách giúp đỡ nữa là một việc khó làm nhất trên đời này. Một người như thế sẽ làm cách nào để thôi không cứu giúp quá đáng? Dưới đây là một cách có thể:

Lần sau, cậu em lại gọi điện tới kêu cứu. Lois bình tĩnh, thân ái lắng nghe và đặt câu hỏi về hoàn cảnh em. Nàng trầm giọng hỏi: "Hình như em đang gặp khó khăn phải không? Thật đáng tiếc!". Nếu cậu mở miệng hỏi tiền, nàng đáp: "Chị đã quyết định ngưng không cho em vay tiền nữa. Chị có để dành được một số, nhưng chị phải giữ cho chị. Em có phận của em, em ạ!". Nếu Lois vui vẻ và hài hước nói được như vậy là tốt hơn cả. Giả như cậu em lên án: "Vậy là chị ích kỷ!", nàng có thể trả lời: " Em nói đúng! Chị thấy mình càng về già càng thêm ích kỷ". Nếu cậu xin lời khuyên, nàng có thể đáp: "Em ạ, chị cũng mong có thể giúp em, nhưng chị không biết nói sao nữa bây giờ". Kế đó, nàng có thể chia sẻ chút đỉnh những gì nàng đang phải vật lộn chiến đấu, và hỏi em nghĩ gì về hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan của nàng. Hoặc một cách khác nữa, là nàng biểu lộ niềm tin rằng cậu có thể tự tìm ra giải pháp thích hợp: "Chị biết em đã phải tranh đấu từ lâu rồi trước khi sự việc đến chỗ như ngày nay. Chị tin tưởng em sẽ tìm ra lối thoát. Em là một chàng trai thông minh".

Khi phải học cách làm sao để không giúp đỡ, thì điều đòi hỏi đầu tiên là phải có một lập trường nhất định về mối liên hệ và về mức độ quân bình giữa "tách biệt" và "hòa hợp". Nếu Lois lên giọng: "Đừng tìm cách kéo chị vào, đây không phải là vấn đề của chị! ", mô hình cũ sẽ không thay đổi. Đây chỉ là phản ứng chống lại và lảng tránh. Cũng thế, nếu Lois nói: "Kể từ nay chị không còn khuyên em hay cho em tiền, vì điều đó không có lợi cho em!", thì nàng chỉ đơn giản sửa đổi chút ít cách phản ứng cũ của nàng, vì đây cũng là thái độ "dư biết điều gì có lợi cho em". Muốn biết cách để không giúp đỡ nữa, chúng ta không được có sẵn những câu trả lời và những giải pháp cho vấn đề của người khác. Trong thực tế, cả những câu trả lời cho các vấn đề của chính mình chúng ta cũng chưa thể có cho trọn vẹn nữa là!

"Cho lời khuyên" thì có gì sai ?

Liệu điều này có nghĩa là Lois không bao giờ khuyên bảo cậu em nữa? – Theo dõi thêm một thời gian, khi mô hình cư xử đã bắt đầu thay đổi, Lois có thể cho lời khuyên nếu cậu em yêu cầu, và nếu nàng nhận thấy lời mình sẽ hữu ích. Nhưng dù vậy, "cho lời khuyên" vẫn là một hành động cân nhắc.

Không có gì sai trái khi cho người khác lời khuyên ("Đây là những gì tôi nghĩ...) hoặc (Theo kinh nghiệm của tôi thì điều này đã giúp ích cho tôi..."), miễn là chúng ta luôn nhớ rằng ý kiến của chúng ta có thể hợp, có thể không hợp với người khác. Sẽ là "kẻ quá đáng" nếu chúng ta cứ khẳng định điều nào là tốt nhất cho người khác và muốn người đó làm theo ý của ta. Nếu Lois cảm thấy giận khi cậu em không chịu theo lời khuyên của mình, nàng hãy nên ngừng cho ý kiến.

Một trường hợp nữa: người thân của chúng ta có thể rất khó xử khi lời chúng ta khuyên có vẻ như một quyết định cuối cùng cho cuộc sống của họ. Cách nói của Lois khi "lên lớp" em rằng phải đọc sách này hay tới nhà trị liệu nọ – rồi lại giận dỗi khi thấy cậu em không làm như lời – là một thí dụ. Cậu em sẽ có cơ hội cân nhắc lời khuyên đó nếu như Lois biết nói (và chỉ nói sau khi được hỏi): "Cách trị liệu này khá tốt với chị nên chị hoàn toàn tán thành. Nhưng không phải ai cũng giống chị. Điều này còn tùy ở chính em nữa. Em nghĩ sao?". Cho lời khuyên như vậy không những là đúng theo "chiến lược" mà còn là một thái độ trưởng thành, vì biết tôn trọng sự độc lập và khác biệt của cậu em. Hơn nữa, đó là biết công nhận một sự thực là chúng ta không ai giống ai, và mỗi người đều có khả năng hiểu rõ nhất về bản thân mình.

Vẫn giữ chặt mối liên hệ tình cảm:

Như đã thấy với Maggie và bà mẹ, một điều rất quan trọng là chúng ta phải gìn giữ dây liên hệ tình cảm – nhất là khi chúng ta chủ động thay đổi mô hình. Lois có bổn phận phải bày tỏ sự quan tâm của nàng đối với em, ngay vào lúc nàng ngưng giúp đỡ cậu em. Nàng phải làm cách nào để được như vậy?

Lois có thể gọi điện tới cậu em khi cậu ta đang trong cơn túng quẫn, chỉ đơn giản để tỏ tình gắn bó. Nàng có thể nói: "Chị biết lần này chị không thể giúp em được, nhưng chị thực lòng muốn được em cho biết tình hình ra sao, và muốn em biết rằng chị lo cho em lắm!". Nàng có thể tăng thêm sự tiếp xúc, chẳng hạn mời em cứ đến dùng bữa chiều với gia đình nàng. Lui một bước để người khác tự chiến đấu với vấn đề của họ thì không giống với việc rút lại tình cảm. Lois có thể ngưng cho em vay tiền nhưng đồng thời vẫn bày tỏ sự yểm trợ và quan tâm đến em.

Giữ được dây liên hệ tình cảm không phải là chuyện dễ vào lúc đổi thay cung cách liên hệ. Có lẽ khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là hoặc đấu tranh hoặc xa lánh. Nguyên do của khuynh hướng này là chúng ta không tin chắc vào lập trường của mình, và không biết làm cách nào giữ vững nó trước lực chống lại đổi thay nơi chính nội tâm mình (sợ sự thay đổi). Việc vẫn gìn giữ mối liên hệ tình cảm đòi hỏi chúng ta phải chống lại lực kéo nghịch chiều nó, cái vốn thường thúc đẩy ta oán giận ("Tại sao tôi lại phải tiếp xúc với nó khi nó cứ cư xử như vậy?") hoặc thụ động ("Tôi thực tình không thích khởi xướng chuyện gì với nó").

Chia sẻ với người kia "khía cạnh bất cập" của mình:

Trong những buổi trị liệu, Lois có trao đổi với tôi về những vấn đề khó xử trong cuộc sống riêng của nàng. Nhưng đối với gia đình – nhất là với cậu em trai – thì nàng luôn tỏ ra nàng vững vàng, không cần ai giúp đỡ cả. Giống như tất cả những ai thiện nghệ trong vai trò "kẻ quá đáng", Lois tin rằng: chia sẻ những chiến đấu và tổn thương của mình với cậu em là một điều hoàn toàn không thể được. ("Tôi sẽ không bao giờ nói với cậu ấy là tôi cũng phiền muộn khổ sở. Tôi tuyệt đối không định làm thế. Cậu ấy vốn đã dư vấn đề để lo âu rồi", "Cậu ấy không thể kham nổi những vấn đề của tôi đâu", "Chất nặng lên cậu ấy mà làm gì? Có bao giờ cậu ấy giúp đỡ được tôi đâu"). Mối liên hệ giữa Lois và cậu em đã hoàn toàn ở thế "phân cực", ai giữ vai nấy, cậu em chỉ biết bộc lộ những nhược điểm và Lois thì luôn ôm đồm giải quyết giùm.

Nếu Lois muốn thay đổi môi hình cũ, nàng có thể tự nghĩ về mình một cách quân bình hơn và chia sẻ bớt cho em một số điều nặng lòng của mình. Chẳng hạn như khi cậu em gọi điện tới kể lể nỗi khó khăn đang gặp phải, nàng có thể nói: "Em ạ, chị mong có thể giúp được em hơn, nhưng hiện giờ thì vô phương. Thực tế giờ đây chị cảm thấy mình hà tiện làm sao ấy. Rất tiếc là em đang khổ tâm, nhưng chị không có nhiều khả năng để san sẻ cho em. Đàng khác, chị cũng bất mãn từ lâu rồi với lối sống ôm đồm gánh vác người khác của chị. Thực sự tới nay chị cảm thấy ngán quá. Đúng là chị đang sa lầy!". Nếu chúng ta phải tiếp xúc với một người nản chí hoặc "bất cập" thì cách giúp đỡ ít nhất mà chúng ta có thể làm là tiếp tục tập trung vào vấn đề của họ và cố gắng giúp đỡ họ, và cách giúp đỡ tốt nhất mà chúng ta có thể làm là bắt đầu chia sẻ khía cạnh bất cập của chính chúng ta.

Vâng, đúng rồi! Còn "biện pháp đối phó" của cậu em nữa!

Sau cùng, Lois còn phải chuẩn bị đương đầu với "biện pháp đối phó" của cậu em. Chắc chắn như mặt trời mọc lên buổi sang, cậu em sẽ tìm cách lăm le trở lại mô hình cư xử cũ. Nếu lần trước anh chàng xin tiền, nói là để thanh toán tiền điện thì lần sau anh xin tiền, nói là để thanh toán tiền điện thì lần sau anh xin tiền vì chết đói hay sắp vào từ tới nơi. Đây mới là điểm thực sự thử thách chúng ta. Chúng ta hoặc sẽ cho phép mình cư xử lại như cũ – kể cả việc trách móc người kia – ("Làm sao tôi nỡ để thằng em tôi chết ngoài đường cho được?"), hoặc chúng ta phải chịu đựng một nỗi âu lo phạm lỗi nào đó và giữ vững lập trường mới, đồng thời vẫn yểm trợ em về mặt tình cảm và tiếp xúc, thì biện pháp đối phó của cậu em có thể giảm đi rõ rệt. Biện pháp đối phó chỉ xuất hiện từng lúc thôi, và đó là những lúc mà người kia thử trắc nghiệm lại xem ta có thực sự quyết tâm đổi mới không.

Câu chuyện của Lois và cậu em làm sáng tỏ thêm vấn đề: "Ai – chịu – trách – nhiệm – về – điều –gì ?". Câu chuyện cho chúng ta thấy vì sao chúng ta cứ phải gánh trách nhiệm cho kẻ khác và đồng thời chểnh mảng trách nhiệm của chính mình. Lois cảm thấy giận dữ vì đã gánh quá nhiều trách nhiệm cho cậu em. Nàng đã khuyên lơn, cứu giúp, gỡ rối cho em. Nàng khó có thể chỉ đơn giản có mặt bên cạnh em và để cho cậu tự chiến đấu. Đồng thời, nàng cũng đã không biết quan sát phần đóng góp của mình ra sao cho chính những điều mà nàng đang muốn sửa đổi. Nàng đã bị sa lầy và quên mất rằng mình đang tìm cách thoát khỏi vai trò cũ, qui tắc cũ.

Nếu chúng ta không chấp nhận những cái giá phải trả để thay đổi, thì càng về sau ta lại càng phải trả những cái giá dài hạn hơn vì đã duy trì tình trạng cũ. Cái giá dài hạn trước tiên – và rõ ràng nhất – là dành cho cậu em. Lois là bà chị tận tâm, nhưng vì cứ tiếp tục thất bại trong việc khuyên răn, cứu giúp em, nàng đã làm việc giúp đỡ ít nhất mà nàng có thể làm cho em mình – một "kẻ bất cập". Một cái giá khác, kém rõ ràng nhưng không kém quan trọng, là cái giá mà chính Lois phải trả: nàng trở nên cáu gắt kinh niên và luôn luôn bị căng thẳng cao độ. Khi đã bám chặt vào vai trò "kẻ quá đáng", chúng ta sẽ khó mà để cho kẻ khác được tự lãnh trách nhiệm, và vì vậy mà chúng ta lại cảm thấy mình không hề có chút nào được nghỉ ngơi. Lois, người "chuyên giúp đỡ, săn sóc", đã không nhận ra những nhu cầu và thử thách đang lớn dần nơi chính nàng, bởi vì nàng còn đang "cần phải" chăm sóc cậu em. Khi cứ tiếp tục gánh thay trách nhiệm cho người, thì hậu quả chúng ta trở thành kẻ bất cập đối với chính bản thân.

NỔI GIẬN VỚI CON CÁI

Tự trách mình và trách con cái là một "tai nạn nghề nghiệp" cho những bà mẹ ngày nay. "Tôi có gì sai không nhỉ?" và/hoặc "Con tôi có gì sai không?" là hai câu hỏi mà các bà mẹ thường tự nêu lên khi lãnh trách nhiệm về hết mọi vấn đề cho con cái. Chúng ta đã khiến các bà mẹ thường xuyên tin một cách kỳ quặc rằng: hành vi của đứa trẻ – những cái thực sự "là" nó – là do bà mẹ tạo nên. Nếu đứa trẻ sống sót, bà mẹ được coi là bà mẹ tốt. Nếu đứa trẻ sống không tốt, thì "con hư tại mẹ". Cứ như thể bà mẹ toàn bộ môi trường sống của đứa con. Cho mãi tới gần đây, người cha, gia đình, và xã hội là những yếu tố vẫn chưa được thực sự kể tới.

Là mẹ, chúng ta bị buộc phải tin rằng chúng ta có thể phải kiểm soát những việc mà thực tế không nằm trong quyền kiểm soát của chúng ta. Nhiều bà mẹ trong chúng ta cảm thấy mình quá cần phải kiểm soát hành vi của con cái để chứng tỏ với mình, với cha mẹ xưa của mình – và với cả thế giới nữa – rằng mình là một bà mẹ tốt. Tuy nhiên, khi nhận ra một sự thực là không ai có thể hoàn toàn kiểm soát được con cái, chúng ta lại có thể bị đè bẹp bởi chính những tình cảm giận dữ của mình (trách mình và/hoặc trách con), và như thế chúng ta lâm vào thế tự mâu thuẫn. Khi chúng ta cứ tự coi là mình có trách nhiệm về những điều vốn ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, chúng ta lại dễ bỏ quên "quyền làm mẹ" mà thực sự chúng ta có – vốn là cái quyền bính cần thiết để chúng ta thực thi trách nhiệm làm mẹ. Một người mẹ tuy không thể làm cho con cái mình cảm, nghĩ hay sống theo một đường lối nào đó, nhưng lại có thể vững chãi, tự tin, kiên quyết mà cho chúng biết rõ rằng hành vi nào của chúng sẽ làm bà hài lòng hoặc bà không chấp nhận, và rằng nếu hành động sai trái thì chúng sẽ phải chịu hậu quả nào.

Cũng vậy, người mẹ có thể tự thay đổi phần đóng góp của mình trong các mối liên hệ với con cái, để giúp cả gia đình thoát ra khỏi thế sa lầy. Muốn vậy, bà đừng nhận định vấn đề như thể nó là do nơi một mình bà – hay chỉ nơi đứa con, hoặc chỉ nơi cha nó. Cách nhìn vấn đề như thế không sao tránh được thất bại, dù bất cứ chúng ta hành động như thế nào để giải quyết. Không bao giờ có vấn đề nào trong mối liên hệ gia đình lại chỉ do một thành viên duy nhất, dù thoáng trên bề mặt thì có vẻ như vậy.

Nổi giận và đấu tranh với con cái thường có thể cô đọng lại như sau: Có thể chúng ta phản ứng quá đáng – hoặc can thiệp quá nhiều – trước một vấn đề mà đứa trẻ chỉ vừa mới cảm nghĩ tới. Nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể đóng vai kẻ bất cập khi vấn đề đó trở thành một quy định trói buộc cả mẹ lẫn con, và bất cập trong việc làm sáng tỏ lập trường của chúng ta cho con cái biết. Đây là một ví dụ điển hình:

Alicia và đứa con gái bốn tuổi:

Alicia đã ly dị chồng được nhiều tháng, và đang hẹn hò với một người đàn ông. "Tôi thích anh ấy, nhưng con gái tôi thì không", nàng giải thích. " Khi tôi và anh ấy chuẩn bị đi khỏi nhà với nhau, con bé bắt đầu khóc lóc thật bi thảm, dường như trái tim nhỏ bé của nó sắp vỡ ra. Có thể nó nghĩ tới cha nó, nhưng đúng là nó không ưa anh ấy và không thích tôi ngồi một mình với anh ấy. Nó xử sự rất sỗ sàng và không thèm nói chuyện với anh ấy. Đôi khi nó đùng đùng nổi giận khi hai chúng tôi sắp ra khỏi nhà. Tôi giận con bé đến mức không giữ được thái độ thương mến nữa".

– Và bà làm gì khi con bé xử sự như vậy ? – tôi hỏi.

– Khi tôi bình tĩnh trở lại, tôi thử tìm cách thảo luận với nó – Alicia đáp – Tôi nói cho nó biết là tôi cần phải ra khỏi nhà, và nó không việc gì phải giận dỗi cả. Tôi bảo rồi nó sẽ quen dần với việc tôi đi vắng và không còn thấy khó chịu nữa. Tôi giải thích cho nó rằng anh ấy là một người rất tốt, chỉ cần biết cố gắng một chút nó sẽ mến ngay.

– Thế cô bé phản ứng ra sao? – tôi hỏi.

– Nó không chịu nghe. Nó trùm chăn hay bịt tai lại. Hoặc nó thét to hơn nữa, nổi khùng hơn nữa. Tuần rồi, sự việc gay cấn đến mức tôi phải hủy bỏ chương trình với anh ấy và bảo anh ấy cũng như cô giữ trẻ hãy trở về nhà. Thường thì tôi cứ đi, nhưng tôi cảm thấy có lỗi đến mức chẳng còn vui nổi. Tôi biết nó đã phải qua một thời kỳ khó khăn sau vụ tôi với ba nó ly dị, nhưng tôi thực sự vẫn nổi giận vì sự kiểm soát khắt khe của nó. Nó đúng là một đứa bé độc tài!

Cái gì đã sai trái nơi đây? Bạn có thể nhận ra vấn đề của Alicia không?

Lý luận với trẻ con:

Lý luận với trẻ con là một điều tốt với bất kỳ bậc cha mẹ sáng suốt nào. Tuy nhiên, trong thực tế, thường thường đó là nỗ lực thuyết phục chúng nhìn sự việc theo cách nhìn của chúng ta. Alicia nói với đứa con đang giận dữ và thất vọng rằng bé đã "lầm", đã đi quá mức, và rằng không cần phải như vậy. Nàng không chỉ muốn hẹn hò với người ạn trai, mà còn muốn chính đứa bé gái bốn tuổi của nàng cũng thích điều đó. Nàng không chỉ muốn con nàng phải chấm dứt lối cư xử thô bạo (đây chắc chắn là một đòi hỏi hợp lý) mà còn muốn con nàng mến người đàn ông đó, và nghĩ như nàng rằng anh ta thật đáng mến. Đúng là Alicia đã ước muốn như vậy. Nhưng ta không thể thay đổi cách cảm nghĩ của trẻ thơ được! Hơn nữa, đó không phải là công việc của chúng ta. Nếu cứ cố gắng làm điều đó, ta chỉ tổ thất bại và thêm giận dữ mà thôi. Chưa hết, khi làm như vậy, ta còn cản trở đứa bé không thể phát huy và xác định rõ "cái tôi" của nó sau này.

Vì sao Alicia cảm thấy khó khăn không thể đơn giản chấp nhận sự bực bội và buồn rầu của con gái? – Có thể chính nàng cũng lo âu về việc ra khỏi nhà, dù nàng không ý thức điều đó. Cũng có thể là nàng đang phản ứng quá mức hoặc mau mắn "cứu nguy" khi âu lo xảy tới cho người khác – đặc biệt xảy tới cho con mình, như rất nhiều người trong chúng ta đã làm như vậy. Con trai hoặc con gái ta vừa tỏ bày giận dỗi, buồn phiền, đau lòng hay ghen tức, phản ứng đầu tiên của chúng ta là vội vàng nhảy xổ tới "làm một cái gì" để xua đuổi giúp con những tình cảm nặng nề đó, hoặc cứu gỡ cho sự việc được khá hơn. Có thể là chúng ta khuyên giải, trấn an, lảng sang chuyện khác, khích lệ đứa bé vui lên, hoặc là cố thuyết phục để nó tin rằng không nên cảm nghĩ theo kiểu đó.

Người "quá đáng" về mặt cảm xúc thường muốn tự đồng hóa mình với mọi người thân. Những vai trò và luật tắc trong gia đình đã được xã hội chúng ta quy định sẵn, để sao cho khích lệ người cha giữ thái độ xa cách và người mẹ thì sấn lại gần để ôm đồm lo toan. Nếu đứa con ngứa, bà mẹ mau mắn gãi cho nó. Lực hòa hợp giữa mẹ và con mạnh đến nỗi nhiều người trong chúng ta khó mà giữ được một khoảng cách đủ để có thể lắng nghe con nói chuyện một cách thông cảm, mời gọi chúng nói thêm và nói rõ ra nữa nếu chúng muốn. Khi chúng ta biết dừng lại, đừng thủ vai kẻ phản ứng quá đáng nữa, đừng đòi "uốn nắn, sửa sai", thì con cái chúng ta – dù mới lên bốn hay đã bốn mươi tuổi – sẽ chứng tỏ cho chúng ta thấy khả năng đáng kể của chúng trong việc tự điều khiển cảm xúc, tự giải quyết vấn đề và chỉ xin được giúp đỡ khi thực sự cần thiết.

Bạn sẽ làm gì trong trường hợp của Alicia ? – Bé gái của nàng sẽ nguôi đi rất nhiều khi nàng thực hiện được ba bước sau đây:

Thứ nhất, biết lắng nghe cảm nghĩ của con mà không tìm cách sửa đổi hay gạt đi. Nàng sẽ thôi không khuyên răn, trấn an, phê bình, giảng giải hay ra lệnh. Thay vào đó, nàng nói những lời thông cảm, không uốn nắn, chẳng hạn: "Hình như con khá giận về việc mẹ ra khỏi nhà tối nay?", "Con không ưa ông ấy phải không?"..Cháu bé sẽ an tâm khi thấy mẹ bình tĩnh nghe mình nói mà không phản ứng và vì thế bé càng có thể công khai bày tỏ cơn giận, nỗi lo sợ và sầu khổ về việc ba mẹ ly dị. Alicia sẽ như cất gánh được một gánh nặng nếu nàng biết lắng nghe để hiểu vấn đề của con gái mà không hăm hở "làm một cái gì".

Thứ hai, biết rằng mình có quyền và có trách nhiệm về quyết định hẹn hò với người bạn trai của mình – cũng như về bất kỳ việc gì khác của mình – và những quyết định đó không thể căn cứ vào cảm xúc của con gái. Nàng công khai tôn trọng tình cảm của con gái, không phản ứng trước những xúc cảm bùng nổ của con. Chẳng hạn nàng có thể nói: "Mẹ biết con sẽ khó chịu tối nay, nhưng mẹ và ông ấy đã quyết định phải đi coi chiếu bóng, rồi sau đó còn đi ăn. Mẹ sẽ về nhà khoảng mười một giờ rưỡi , lúc đó con đã ngủ rồi". Và khi cô bé nước mắt ròng ròng thốt lên: "Con ghét ông ta!", nàng chỉ đơn giản gật đầu: "Mẹ hiểu điều đó". Cô bé, cũng như những đứa trẻ khác, sau cùng sẽ thấy yên lòng, vì biết rằng mình có quyền trình bày toàn thể những gì mình cảm nghĩ. "Nhưng mẹ phải khác chứ. Mẹ là người lớn,mẹ chịu trách nhiệm về những quyết định đã suy nghĩ kỹ cho riêng mẹ và cho cả con nữa!". Cách cư xử cũ của Alicia là nhượng bộ con, rồi sau đó tức giận vì đã bị con điều khiển ("Con bé đó cứ luôn làm theo ý nó!").

Thứ ba, biết trách nhiệm của mình là nêu rõ những quy tắc hành động cho con và buộc con phải tuân theo. Chẳng hạn nàng nói rõ là nàng không thể chấp nhận được nếu con tỏ vẻ giận dỗi với người bạn trai của nàng ngay trước mặt ông ấy. Nếu cô bé lại có thái độ này, Alicia có thể kéo bé đứng dậy, dắt về phòng, bắt ở trong đó co đến khi bình tĩnh lại. Nàng cũng phải nói cho con gái rõ là không được phép làm thinh không trả lời khi người bạn trai nàng ngỏ lời hỏi chuyện. "Con không bị bắt buộc phải nói chuyện với ông ấy nếu con không muốn. Nhưng khi ông ấy hỏi con điều gì, con hãy nói với ông ta là con có muốn nói về điều đó hay không, thay vì con làm như không thèm biết tới ông ta". Thế là trong nhiều tuần liền, cô bé cứ trả lời với mọi câu hỏi của người đàn ông: "Cháu không muốn nói về chuyện đó!". Alicia cho rằng cô bé thay đổi như vậy là cũng được rồi. Nàng cũng quan sát và nhận ra rằng: nàng càng bắt con gái phải liên hệ với người bạn trai của mình, thì anh ta lại càng tìm cách lẩn tránh. Cả nàng lẫn anh ta đều cần phải lùi lại một chút để bé có được một khoảng cách mà bé có thể chịu đựng được. Khi bé không còn cảm thấy bị áp lực phải mến hoặc phải có thái độ gần gũi với anh ta, bé sẽ thấy yên tâm và thoải mái hơn khi có mặt anh. Với thời gian, bé sẽ có thể có cảm tình dần với anh ấy.

Với trẻ thơ cũng như người lớn, chỉ có được đổi thay nếu chúng ta biết thôi ý định muốn uốn nắn, sửa đổi họ, đồng thời biết quan sát phần mình trong mối liên hệ và biết chọn cách cư xử khác. Nếu chúng ta biết luyện cho mình ngày càng thêm khả năng quan sát nhạy bén, thì một vài mô hình cư xử chúng ta có thể dễ dàng nhận ra. ("Tôi nhận thấy rằng tôi càng thúc hối bé thảo luận với tôi về vụ ly dị thì bé càng khép kín. Nhưng khi tôi để bé được bình tĩnh một mình, hoặc khi tôi chia sẻ một vài ý kiến của chính tôi về vụ đó, thì có khi bé lại tự ý đề cập đến câu chuyện giữa tôi và ba nó").

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro