Chương 15: Vé số

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi thị trường sụp đổ vào đầu năm 2020, Margaret Brown, một thành viên hội đồng quản trị CalPERS, bắt đầu tò mò về các chiến lược phòng hộ sự kiện hy hữu mà họ mới áp dụng trong vài năm gần đây. Bà đặt vấn đề với tổng giám đốc đầu tư của CalPERS, Ben Meng, tại một cuộc họp vào tháng 3.

"Ben, anh có thể cho tôi biết kết quả của khoản đầu tư sự kiện bên trái không?" bà hỏi, ám chỉ đến ván bài của Universa (sự kiện hy hữu bên trái đường cong chính là phía sụp đổ). "Chúng có mang lại hiệu quả như chúng ta nghĩ trong tình hình kinh tế đi xuống như thế này không?"

"Có, đối với các chiến lược phòng hộ sự kiện bên trái mà bà nói, chúng nhất định phải có kết quả tốt trong thị trường giá giảm như thế này, vì nó nằm trong thiết kế sản phẩm mà," Meng trả lời. "Theo tôi được biết, hầu hết các chiến lược này đều có kết quả như kỳ vọng."

Không lâu sau đó, Brown phát hiện hầu hết các chiến lược phòng hộ sự kiện hy hữu mà quỹ hưu trí đã đầu tư trong những năm gần đây đều đã chấm dứt trong tháng 1. Bà nổi giận. "Câu trả lời của Ngài Meng đã không đề cập đến việc ông ấy đã chấm dứt chiến lược phòng hộ của Universa," bà viết trên Facebook. "Hội đồng quản trị phải xác định trách nhiệm của Tổng giám đốc và Tổng giám đốc đầu tư."

Hóa ra là chiến lược phòng hộ sự kiện hy hữu mà Meng nhắc đến là vị thế nắm giữ số lượng lớn trái phiếu kho bạc mà một số đầu tư cổ phiếu giảm thiểu rủi ro. Trong một đoạn phim gửi đến cho nhân viên CalPERS, Meng bảo vệ động thái cắt giảm đầu tư vào Universa bằng lời phê bình tiêu chuẩn của quỹ hưu trí rằng nó quá tốn kém và không thể mở rộng đến một quy mô có ý nghĩa đối với quỹ. "Việc mua phòng hộ sự kiện hy hữu là không có hiệu quả về mặt kinh tế, nhất là khi cân nhắc chi phí và khả năng không thể mở rộng đối với chiến lược bảo hiểm này," ông nói.

"Vì vậy, về cơ bản, chúng tôi chọn những giải pháp thay thế tốt hơn để bảo vệ trong trường hợp thị trường giảm giá, và chúng đúng là những giải pháp thay thế tốt hơn trong tình hình thị trường hiện tại," ông nói. "Hai phân khúc rủi ro đó đã mang lại hơn 11 tỉ đô la cho ma trận giảm thiểu rủi ro."

Để biện minh cho quyết định của mình, Meng nhắc đến một bài báo năm 2012 của AQR Asset Management, một quỹ phòng hộ khổng lồ ở Greenwich được thành lập bởi nhà quản lý huyền thoại trong lĩnh vực định lượng Cliff Asness, phân tích về các chiến lược phòng hộ sự kiện hy hữu. Bài báo được chấp bút bởi nhà quản lý danh mục Antti Ilmanen tại AQR, với nhan đề "Thị trường Tài chính có Ưu ái cho việc Mua và Bán Bảo hiểm và Vé số?" Nghiên cứu kết luận rằng về dài hạn, sẽ có lợi hơn khi bán bảo hiểm (quyền chọn bán sẽ hưởng lợi khi cổ phiếu giảm giá) và bán vé số (quyền chọn mua hưởng lợi khi cổ phiếu tăng giá) hơn là mua vào, chính là chiến lược đã làm bốc hơi các quỹ như Malachite.

"Bán tính biến động ở phía bên trái (bảo hiểm) hay bên phải (vé số) đều mang lại giá trị về dài hạn," Ilmanen đã viết. Ngược lại, việc mua bảo hiểm sự kiện hy hữu dựa trên quyền chọn trong trường hợp có thảm họa tài chính và sau đó là nắm giữ đầu tư có tính biến động cao như vé số sẽ có kết quả kém trong dài hạn."

Kết luận này hoàn toàn trái ngược với chiến lược của Spitznagel-Taleb, theo đó họ đề xuất "nhà đầu tư giảm bớt thay vì gia tăng xác suất của sự kiện," Ilmanen đã viết. Bằng chứng cho thấy "ngược chiều Taleb."

Taleb dĩ nhiên là không đồng tình. Trong một đoạn phim đăng trên trang web Naked Capitalism, ông cho rằng con số 11 tỉ thu lợi mà Meng khoe khoang đã không tính đến chi phí cơ hội do phải mua một lượng lớn vị thế trái phiếu kho bạc ngay từ đầu. Do phải sở hữu một lượng lớn trái phiếu, chiến lược này đã đánh mất cơ hội thu lợi từ thị trường chứng khoán. "Hiệu quả nhất, theo tôi nghĩ, nếu tính một cách phóng khoáng, thì chiến lược được gọi là giảm thiểu rủi ro này đã làm lỡ mất khoảng 30 tỉ đô la trong năm trước," ông nói. "Như vậy là để kiếm được 11 tỉ, anh đã bỏ ra 30 tỉ, cũng không phải là kết quả quá tốt. Và dĩ nhiên là càng không tốt nếu xét trong một thời gian dài, khi anh thua lỗ khi thị trường tăng giá và kiếm được một ít khi thị trường giảm giá. Đó không phải là chiến lược giảm thiểu rủi ro."

Không lâu sau đó, Cliff Asness – công ty của ông ấy đã có nhiều báo cáo tấn công chiến lược phòng hộ sự kiện hy hữu trong nhiều năm qua – và Taleb đã đấu với nhau trên Twitter. Taleb mở màn:

@nntaleb

AQR công bố báo cáo sai lệch cho rằng phòng hộ sự kiện hy hữu không hiệu quả (trên lý thuyết), quyền chọn là 'đắt đỏ'

Nhưng họ không tiết lộ rằng

1) Chiến lược quản trị rủi ro của họ thua lỗ

2) Các mớ tào lao khác có kết quả kém hơn thị trường.

Hạ nhục khách hàng và thế giới thật

Trong khi đó quỹ phòng hộ Universa có kết quả tốt hơn S&P trong khi mớ tào lao AQR và mớ rác rưởi Rủi ro tương đương có kết quả kém hơn

Asness đáp trả:

@CliffordAsness

Tôi đã cố gắng tránh đụng độ với gã điên này rồi, mặc dù có lúc gã cũng thông thái, nhưng thường là sai lầm và rõ ràng là khùng điên và tồi tệ đẳng cấp thế giới. Không cần những người như thế trong cuộc sống này. Nhưng đôi khi người điên vẫn cứ lẩn quẩn bên bạn.

Ông tiếp tục cho rằng Taleb là bị điên, trong đầu toàn những thứ nhảm nhí cay cú và ý đồ xấu xa.

@CliffordAsness

Tranh luận là tốt. Nhưng rõ ràng ông ta không thể nào tranh luận mà không dùng những lời dối trá, tránh né, buộc tội. Ông ta chỉ muốn càn quét bằng những lời khoa trương, nhảm nhí, xấu xa, thuật ngữ này nọ.

Taleb lại tập trung vào kết quả thua kém của một số quỹ thuộc quản lý của AQR. Asness cho rằng điều này không liên quan đến chiến lược phòng hộ sự kiện hy hữu.

@nntaleb

Có lẽ Ngài Asness đây có thể chỉ cho những con người thực dụng chúng tôi, khi nhìn lại quá khứ, những quỹ nào ông ấy đề xuất để có kết quả tương đương thị trường. PS – tôi không quan tâm đến Asness, thậm chí cũng không quan tâm AQR, nhưng họ không thể tự do đưa ra những luận điểm vô căn cứ về rủi ro sự kiện hy hữu.

@CliffordAsness

Làm giàu và nổi tiếng nhờ lên tiếng "thỉnh thoảng có những sự việc cực đoan" và sau đó kêu gào là "nhìn thấy" sau khi sự việc xảy ra, mặc dù đã nhiều lần mất hết tiền, sau đó đem luận điểm ra chặt chém tấn công người khác, thật là gớm. Tôi là tôi nghĩ thế đó.

@nntaleb

Gửi công chúng đang theo dõi trận đấu khẩu của Ngài Asness đã trả lời nhầm dòng tweet trước của tôi: AQR đã lên tiếng [trích nguyên văn] rằng: rủi ro sự kiện hy hữu là không cần thiết đối với các quỹ vì họ có cách làm khác tốt hơn. Sự thật chúng tôi nhận thấy: kết quả của AQR không thể hiện được như lời họ nói.

Tranh cãi cứ thế tiếp diễn. Một bài báo trên Bloomberg đã viết: "Tác giả của Thiên nga đen tranh cãi với Kỳ tích Định lượng về Phòng hộ Rủi ro Hy hữu." Spitznagel cảm thấy chuyện này thật mất mặt. Ông ấy không sử dụng Twitter, và ông ấy rõ ràng không thể hiểu được việc kéo nhau lên truyền thông tranh cãi với các giám đốc quỹ phòng hộ. Nhưng ông ấy ủng hộ quan điểm dè bỉu của Taleb đối với nghiên cứu phòng hộ sự kiện hy hữu của AQR. Có gì ngạc nhiên đâu khi AQR không thể mang lại kết quả như Universa? Ông ấy đã dành hơn 20 năm để hoàn thiện chiến lược này. "Kết quả kinh doanh trong 12 năm của Universa là minh chứng rõ ràng nhất," Spitznagel nói với Institutional Investor. "Dẫn chứng ngược lại từ những nhà nghiên cứu tầm thường chỉ là sự quấy nhiễu đáng tiếc."

Điều làm cho Spitznagel nổi giận nhất là kết quả nghiên cứu của AQR đã góp phần thuyết phục CalPERS vứt bỏ khoản lợi nhuận kếch sù mà đáng lẽ ra họ đã nhận được trong tháng 3/2020. Và cả những khoản tiền mà đáng lẽ họ có thể kiếm được trong những năm sau này cho những người gửi tiền nhận lương hưu đều đã tan thành mây khói. Năm 2021, quỹ hưu trí này đã quyết định thực hiện kế hoạch của Meng là dùng đòn bẩy – tăng thêm vay nợ - để mở rộng đa dạng hóa. Kế hoạch của họ bao gồm gia tăng phân bổ tài sản cho quỹ chủ sở hữu tư nhân (đồng thời cắt giảm danh mục cổ phiếu). Bản thân quỹ chủ sở hữu đã là một dạng đòn bẩy (họ thường dùng tiền vay để mua cổ phần), họ xem như đang đặt đòn bẩy trên đòn bẩy.

Khi thông tin rò rỉ về việc kết quả vượt bậc của Universa vào tháng 3 đã mang lại cho nhà đầu tư khoản lợi nhuận 4.144% - tức là 1 đô đầu tư mang lại cho họ 41 triệu đô – thì hành động ấm đầu từ bỏ phòng hộ sự kiện hy hữu của Meng lại càng trở nên rõ ràng. Ron Lagnado là người đã theo dõi hoạt động đầu tư vào Universa, quyết định nghỉ việc vì ghét bỏ. Ông ấy liền chuyển qua Universa làm giám đốc nghiên cứu.

Meng bị săm soi chặt chẽ. Ông nói với tờ Wall Street Journal rằng mình không hối hận khi từ bỏ quỹ phòng hộ Universa. "Dựa trên những gì đã biết, chúng tôi vẫn sẽ không thay đổi quyết định," ông nói. Giữa những lời chỉ trích vì bỏ lỡ khoản tiền lời khổng lồ từ Universa, ông đã từ chức vào tháng 8.

CalPERS ước tính đã bỏ lỡ 2 – 3 tỉ đô la lợi nhuận khi rời bỏ Universa tại thời điểm sai lầm. Trong năm sau, họ lại có kết quả tồi tệ - thêm một lần nữa. Trong năm tài chính kết thúc vào 27/7/2021, CalPERS có lợi nhuận là 21%, chủ yếu đến từ đợt tăng giá kỷ lục của thị trường chứng khoán. Đây là kết quả kém thứ hai trong tổng số các quỹ hưu trí do Pensions & Investment theo dõi trong cùng thời điểm, chỉ cao hơn một chút xíu so với Texas Municipal Retirement System. Một quỹ anh em của họ, CalSTRS, quản lý danh mục cho các giáo viên của tiểu bang, đạt kết quả 27%.

Trong lúc này, các nhà đầu tư đổ xô vào Universa, lặp lại lịch sử sau vụ sụp đổ 2008. Spitznagel được xem là Bậc thầy trong Vũ trụ quỹ phòng hộ. Tờ Wall Street Journal gọi ông là "ngôi sao của quỹ phòng hộ." Forbes thì nhận định: "Góc nhìn toán học của Spitznagel về thế giới có nhiều mặt giống với Warren Buffett, bậc thầy lạc quan của chủ nghĩa tư bản. Việc ông ấy bán đi sự thỏa mãn trước mắt để đổi lấy khoản lợi nhuận khồng lồ trong tương lai, nói cho cùng, là cách thiết kế để hưởng lợi về tiền bạc và lợi nhuận khi có sụp đổ."

Forbes ước tính Spitznagel trị giá 250 triệu đô la – có thể là đánh giá hơi thấp – và tự hỏi sự thành công này có thu hút những kẻ bắt chước, và cạnh tranh sẽ khiến cho chiến lược này kém thu lợi đi. "Nên là như thế," Spitznagel nói với Forbes. "Nhưng tôi có mất ngủ vì chuyện này không? Không một chút nào hết ... Trong tài chính có một thứ gọi là tâm lý đám đông."

Đến cuối năm 2021, Spitznagel và đội ngũ đang quản lý khoảng 16 tỉ đô la giá trị chứng khoán, tăng lên từ 4 tỉ khi đại dịch bùng nổ - con số lớn hơn rất nhiều so với ngay cả trước khi CalPERS rút lui.

Universa cũng không phải là quỹ duy nhất hưởng lợi từ sự điên rồ của tháng 3/2020. Ngoài ra còn có quỹ Pershing Square của Bill Ackman, dĩ nhiên, thu được 2,6 tỉ đô la. Một quỹ phòng hộ sự kiện hy hữu khác của Saba Capital, do Boaz Weinstein, cựu thiên tài giao dịch của Deutsche Bank, điều hành, đã thu lợi gần 100% chỉ riêng trong tháng 3 khi đặt cược ngược hướng với các trái phiếu rác. Một quỹ khác thuộc quyền điều hành của LongTail Alpha, cũng là một quỹ phòng hộ sự kiện hy hữu khác nhận được tiền của CalPERS, đã công bố lợi nhuận từ khoản tiền họ đặt cược là gần 1.000% (CalPERS được biết cũng đang trong giai đoạn rút lui khỏi vị thế LongTail lúc diễn ra sụp đổ và có lẽ chỉ nhận được một khoảng lợi nhuận khiêm tốn trong số này).

Trong khi đó, AQR của Cliff Asness, cũng như nhiều quỹ phòng hộ khác, thì máu chảy đầu rơi. Đến 31/3, tài sản do họ quản lý đã giảm mạnh 43 tỉ xuống còn 143 tỉ, so với cuối năm 2019, và còn giảm mạnh hơn nữa nếu so với con số 226 tỉ đỉnh điểm trong năm 2018. "Mọi thứ đang thật tồi tệ, nhưng 43 tỉ chính là tín hiệu của cái chết," một giám đốc quỹ phòng hộ nói trên tờ New York Post.

Thị trường phục hồi mạnh mẽ sau tháng 3 cũng không giúp được gì nhiều. Đến cuối 2021, tài sản của AQR đã giảm còn 137 tỉ. Dĩ nhiên, quỹ phòng hộ là một hình thức đã có từ lâu và từng sống sót qua nhiều lần biến động kéo dài hơn, ví dụ như bong bóng dot-com và Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu. Tuy nhiên, khả năng Ngài Asness & Co có sống sót để tiếp tục đầu tư lâu dài trong tương lai thì phải chờ xem xét lại.

****

Didier Sornette cúi rạp trên chiếc mô tô S1000 RR BMW và vặn hết ga – 150 ... 170 ... 175 dặm/giờ. Thành phố Rome lướt qua như cái bóng khi ông phóng như bay về San Cesareo. Sáng hôm đó ông rời khỏi Zurich và cố gắng hoàn thành trong ngày một việc đáng lẽ cần đến hai hay ba ngày, đó là: đi hết quãng đường 650 dặm từ quê nhà ở Thụy Sĩ đến Naples ở miền nam nước Ý.

Thật thần kỳ là ông sống sót toàn vẹn. Cũng như khi còn ở LA, Sornette vẫn tiếp tục có những kỳ tích dựng tóc gáy trên những chiếc siêu mô tô của mình, nhưng lúc này là ở Châu Âu. Và ông vẫn tiếp tục săn đuổi bong bóng – những Vua Rồng thoắt ẩn thoắt hiện của mình.

Năm 2020, ông tin rằng mình đang chứng kiến sự hình thành của một trong những bong bóng lớn nhất trong sự nghiệp săn đuổi bong bóng: nhà sản xuất xe điện Tesla. Elon Musk là một bậc thầy tạo bong bóng, trở thành tỉ phú vào đầu những năm 2000 khi bong bóng dot-com bắt đầu nổ. Cú đấm của ông ấy là gì? Bán PayPal cho eBay với giá 1,5 tỉ đô la – Musk là cổ đông lớn nhất nắm giữ khoảng 12% cổ phần. Với Tesla, ông ấy đang lợi dụng Bong bóng Năng lượng xanh, theo cách gọi của Sornette, mà Musk là một trong những người chủ chốt khởi tạo nó. Musk cũng thử sức với tiền điện tử - cũng lại là một bong bóng khác, theo phân tích của Sornette.

Báo cáo Thực trạng Bong bóng Toàn cầu xuất bản hàng tháng của Sornette vào tháng 2/2020 đã ghi nhận: "Là chiếc đầu rồng của các công ty sản xuất xe điện, Tesla đã thuyết phục được nhiều người rằng họ chính là Apple của thế kỷ mới và tất cả những công ty xe hơi chạy bằng xăng khác đều chẳng khác gì Nokia." Báo cáo gọi Musk là "một CEO khôn khéo có nhiều chiến lược tiếp thị sáng tạo," và cho rằng Tesla gợi nhớ đến cổ phiếu bong bóng dot-com và "rất nguy hiểm đối với những người bán khống." Báo cáo chê cười Ron Baron, cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất xe điện này, đã tiên đoán Tesla sẽ sớm đạt giá trị thị trường 1.000 tỉ trong vòng 10 năm.

Tesla đang ở trong bong bóng, nhưng là "bong bóng tích cực từ góc nhìn dài hạn." Cùng với Tesla, bong bóng xuất hiện trong ngành năng lượng xanh và ô tô điện. "Do đó, một sự điều chỉnh kỹ thuật là không thể tránh khỏi," Báo cáo Thực trạng Bong bóng Toàn cầu viết. Khi sự điều chỉnh diễn ra, giá trị cao nhất của Tesla (do thiếu các yếu tố nền tảng hợp lý để xác thực cho giá trị) sẽ trở thành con dao cuối cùng đâm thủng lớp bao phủ."

Vào thời điểm này, giá trị thị trường của Tesla là 160 tỉ đô la. Sornette cho rằng bong bóng sẽ chưa nổ ngay. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, Tesla tăng vọt lên hơn 1.000 tỉ - sớm hơn dự báo của Baron đến 9 năm. Giá trị của nó bằng tổng của toàn bộ 8 công ty sản xuất lớn nhất thế giới đứng sau đó. Elon Musk trở thành người giàu nhất hành tinh. Time bình chọn ông ấy là Nhân vật của Năm 2021.

Sornette nhìn thấy vấn đề. "Tín hiệu cảnh báo của chúng tôi cho thấy Tesla sẽ sớm trải qua giai đoạn điều chỉnh," Báo cáo Thực trạng Bong bóng Toàn cầu tháng 11/2021 đã viết. Các dấu hiệu cảnh báo tràn lan. Các nhà đầu tư lớn đang bán, kể cả bản thân Musk. Vị CEO này đã bán đi khoản cổ phiếu tương đương 10 tỉ đô la.

Dĩ nhiên, vào lúc này, Đội săn rồng của Zurich không phải là chuyên gia thị trường duy nhất cảnh báo về Tesla. Cũng đồng thời với lúc Sornett xuất bản báo cáo tháng 11, nhà đầu tư huyền thoại Jeremy Grantham cho rằng Tesla bắt buộc phải trở thành "một trong những công ty thành công nhất trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản" mới đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư thể hiện qua mức giá cổ phiếu cao ngất ngưỡng. Nó sẽ sớm đối mặt sự cạnh tranh gay gắt khi mọi công ty sản xuất ô tô lớn trên thế giới đều nhảy vào lĩnh vực xe điện. "Không thể nào thỏa mãn được kỳ vọng từ giá cổ phiếu," Grantham nói. Thực tế, cả hai nhà tiên đoán thị trường đều chứng tỏ được bản lĩnh khi cổ phiếu của Tesla đạt mức cao kỷ lục là 410 đô/cổ phiếu vào tháng 11 năm đó. Đến cuối năm 2022, khi Musk vật lộn với thương vụ tiếp quản Twitter đầy kịch tính, cổ phiếu đã giảm gần 100 đô, xóa sổ gần 800 tỉ đô la tiền của các nhà đầu tư. Musk dĩ nhiên cũng không còn là người giàu nhất hành tinh.

Nhìn rộng hơn, Grantham cho rằng bản thân thị trường chứng khoán đang trong tình trạng "siêu bong bóng" mang tính lịch sử, khi các nhà đầu tư lại càng hưng phấn hơn so với trước vụ sụp đổ năm 1929 hay 2008. "Lần này lại càng có nhiều người tin tưởng rằng giá cổ phiếu sẽ không bao giờ giảm và bạn chỉ cần bỏ tiền mua là có lợi nhuận ... như thế khi thật sự cổ phiếu giảm giá thì tác hại của nó càng lớn và đáng sợ hơn bất cứ sự kiện nào từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ."

Vua Rồng đang ngấp nghé.

Sornett, cũng như hầu hết tất cả những người nào có chút quan tâm đến tài chính trong lúc này, bắt đầu tò mò về bitcoin, đồng tiền điện tử do máy tính tạo ra. Bitcoin là "một trong những bong bóng đầu cơ lớn nhất trong lịch sử nhân loại," ông và một đồng nghiệp là giáo sư tại ETH đã viết trong một bài báo năm 2020. Nó được tiếp nhiên liệu bằng một hiện tượng mà hai người gọi là Giả thiết Bong bóng Xã hội. Bong bóng trong trường hợp này là tốt cho đổi mới, thúc đẩy công nghệ phát triển nhờ sự ủng hộ và mở rộng quy mô của xã hội. Khi nhà đầu tư đổ xô vào bitcoin – đẩy tổng giá trị của nó lên đến 300 tỉ đô la vào năm 2018 – khả năng trở thành một công cụ tài chính hữu hiệu của nó đã tăng đáng kể. Bong bóng bitcoin là "cần thiết để khởi động và mở rộng quy mô cho giao thức và tiền số," hai vị giáo sư đã viết.

Sornett cũng giống như Grantham đang chờ đợi những sự kiện kịch tính – nhưng ở một tầm vóc hoàn toàn khác. Ngược lại từ năm 2001, trong một bài báo nghiên cứu tỉ lệ tăng trưởng dân số, sản xuất kinh tế, và thị trường chứng khoán toàn cầu, ông đã phát hiện các mô hình dài hạn giống một cách đáng sợ như những gì nhìn thấy được trong bong bóng và sụp đổ. Từ đó ông đã đưa ra những dự báo tưởng chừng như điên rồ và xa vời, ông cho rằng nhân loại được bước vào một "chế độ" mới, có đặc trưng là sự phát triển kinh tế tăng nhanh theo cấp số nhân vào những năm cuối thế kỷ (nếu không muốn nói là cuối thiên niên kỷ) và sẽ chấm dứt vào khoảng 2050.

"Về mặt này, lịch sử cho chúng ta biết rằng các nền văn minh đều mong manh, vô thường," ông viết. "Nền văn minh hiện tại của chúng ta còn tương đối mới, nối tiếp theo sau nhiều nền văn minh khác đã biến mất." Các yếu tố gây ra sự sụp đổ của nền văn minh trong quá khứ là: tầng tầng lớp lớp sự phức tạp, chiến tranh, dịch bệnh, và phá hoại môi trường. Quá nhiều người và quá ít nước ngọt là một nguyên nhân quen thuộc dẫn đến sụp đổ. Kết quả là, Sornette viết, nền văn minh chịu tổn thương trước các yếu tố gây áp lực cho môi trường ví dụ như hạn hán kéo dài hay sự biến đổ khí hậu nghiêm trọng.

Ghi chép lịch sử không thiếu những thực trạng khí hậu mất cân bằng, ví dụ như sự xuất hiện đột ngột của những đợt hạn hán kéo dài nhiều thế kỷ, tàn phá xã hội vốn chưa kịp chuẩn bị để đối phó. Những sự kiện như thế "có tính gián đoạn cao, dẫn đến sự sụp đổ của xã hội như một cách phản ứng trước những áp lực không thể vượt qua nổi."

Thế giới hiện đại với công nghệ phức tạp và nguồn năng lượng tưởng chừng như không bao giờ cạn là một con quái vật hoàn toàn khác với những xã hội còn đơn giản trước kia. Liệu chúng ta có tìm ra con đường và dùng công nghệ để dọn dẹp thoát ra khỏi thảm họa sắp đến? Liệu chúng ta có thể vượt qua và chinh phục nó? Có thể có, mà cũng có thể không, Sornette cho biết. Một phần của vấn đề là sự phức tạp và đột phá tạo ra tăng trưởng cũng chính là yếu tố chủ chốt gây nên bất ổn. Thúc đẩy tính phức tạp trong công nghệ "mang theo mình nguy cơ gây ra sụp đổ cho chính mình," ông nói.

Ông lưu ý rằng một số hệ thống phức tạp trên thực tế đã phát triển được sức mạnh để đối đầu những nhiễu loạn lớn, nhưng chúng cũng có thể "siêu nhạy cảm trước những sai sót trong thiết kế hay các sự kiện hy hữu." Sinh vật và hệ sinh thái có thể rất mạnh mẽ trước sự dao động lớn về nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, và săn mồi – nhưng chúng cũng nhạy cảm đến mức thảm họa trước những nhiễu loạn nhỏ như một đột biến gene kỳ dị, loài ngoại lai, hay một loại virus mới.

Xã hội đã hưởng lợi từ cuộc đua ngày càng tăng tốc tiến đến chinh phục công nghệ, nhưng theo Sornette, cuộc đua này không thể duy trì mãi được vì nó đã gần đến mức siêu phức tạp gây tự hủy. Đó là lý do nền văn minh của chúng ta "có thể mong manh trước một thay đổi toàn cầu đòi hỏi một chế độ mới có sự tương tác mới."

Khi thập niên 2020 khởi đầu với những màn pháo hoa đen tối – Covid-19 và thị trường sụp đổ, hỗn loạn chính trị và biểu tình trên đường phố - Sornette không có lý gì lại gạt bỏ những tiên đoán của mình về một giai đoạn thay đổi tác động đến nền văn minh của nhân loại. Thực tế, trước những tác động ngày càng tồi tệ do trái đất nóng dần lên, bất ổn địa chính trị, khủng hoảng dân chủ, sự tiến bộ của AI, và tàn dư của đại dịch với nhiều phiên bản Covid, và còn nhiều thứ khác, tiên đoán của ông ấy, dù đưa ra cách đây hơn 20 năm, dường như ngày càng đúng đến ám ảnh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#taichinh