Chương 17: Chuyển pha đến diệt vong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Taleb gặp Yaneer Bar-Yam lần đầu khi tham gia một hội nghị của New England Complex Systems Institute tại Cambridge năm 2010. Bar-Yam là một người mảnh khảnh, điềm đạm, mái tóc xoăn dày, đặc biệt thích mặc áo len. Taleb đang giảng bài bằng quyển sách giáo khoa của Bar-Yam, Dynamics of Complex Systems, cho sinh viên tại NYU, và nhìn ra được sự liên kết thú vị giữa chuyên môn của Bar-Yam, lý thuyết phức hợp, và thế giới quan Thiên nga đen của ông. Ông tin rằng Bar-Yam là chuyên gia hàng đầu của thế giới về lý thuyết phức hợp.

Đây là một nhận định to lớn. Không thua kém tuyên bố của Stephen Hawking, "Phức hợp là bộ môn khoa học của thế kỷ 21." Bar-Yam vừa là nhà sáng lập NECSI, vừa là chủ tịch Hội nghị Quốc tế về Hệ thống Phức hợp, và từ lâu đã là người đi đầu trên mặt trận phức hợp.

Nghiên cứu về các hệ thống phức hợp là phân tích mối quan hệ qua lại và các đặc tính nổi lên của hệ thống và các thành tố trong đó và mối liên hệ của chúng với thế giới bên ngoài (hệ thống phức hợp có đến hàng trăm định nghĩa khác nhau, và không phải định nghĩa nào cũng đồng dạng nhau). Điều này nghe có vẻ mơ hồ, nhưng nó có ý nghĩa trong thực tế cuộc sống. Đặc tính của một tổ kiến không thể tìm thấy trong một con kiến riêng lẻ, mà là đặc tính chung khi cả bầy kiến sinh hoạt với nhau, tạo thành một hệ thống phức hợp là tổ kiến. Bản chất của một đội hình quân Hy Lạp cầm khiên giáo tiến về Marathon không thể nắm bắt qua tâm lý một người lính đơn lẻ - đội quân là một hệ thống phức hợp với những quy định và đặc tính riêng. Bản chất của hàng phòng ngự NFL càn quét về phần sân của đối phương trong hai phút cuối cùng của hiệp thứ tư khi tỉ số đang hòa nhau không thể nắm bắt bằng não bộ của một hậu vệ. Bạn phải phân tích toàn đội, từ huấn luyện viên, đội phòng ngự, luật chơi, và nhiều yếu tố khác nữa mới nắm bắt được sự tương tác của hệ thống. Việc nghiên cứu hệ thống phức hợp là phản rút gọn – bạn phải nghiên cứu cả một tập thể, một đội nhóm. Nhà nghiên cứu về phức hợp Peter Dodds đã nói: "Không có tình yêu trên một nguyên tử carbon, không có cơn bão trong một phân tử nước, không có khủng hoảng tài chính trên một tờ đô la."

Sự nghiệp của Bar-Yam trong lĩnh vực toán và khoa học dường như đã được định sẵn từ khi còn trong nôi. Ông sinh năm 1960 tại Boston, và đã học toán với chị từ khi còn nhỏ xíu. Cha của ông là người sống sót sau Holocaust, là một nhà vật lý học phân tử từng theo học tại ĐH Carnegie Mellon và MIT; mẹ ông là chuyên gia về tâm lý phát triển trẻ em.

Năm 1967, tại trường tiểu học, ông được xem đoạn phim truyền hình về trẻ em chết đói, nạn nhân của cuộc Nội chiến Nigeria. Ông không bao giờ quên được những hình ảnh khủng khiếp ấy, và sau này ký ức về những đứa trẻ bụng ỏng đã góp phần vào quyết định tập trung vào những giải pháp thực tiễn để xóa đói giảm nghèo. Ông tốt nghiệp MIT năm 1978. Sáu năm sau, ông nhận bằng Tiến sĩ về vật lý ứng dụng, cũng tại MIT.

Bar-Yam thành lập NECSI năm 1996. Viện này nhanh chóng trở thành điểm nóng của các học giả để phát triển các mô hình dự báo và xử lý các vấn đề gai góc, ví dụ như nạn đói, sụp đổ tài chính, hiện tượng trái đất nóng dần lên, thanh lọc sắc tộc, khủng hoảng kinh tế - và nhiều vấn đề khác nữa. Các nhà nghiên cứu đi tìm mô hình, tín hiệu trong mớ tiếng ồn có thể dự báo các sự kiện cực đoan, nhiều nguy hiểm, với hy vọng, thỉnh thoảng, có thể ngăn chặn bước tiến của nó hay đưa ra các biện pháp làm giảm nhẹ tác động của nó. Hay thỉnh thoảng, kiếm được tiền từ nó.

Khoa học phức hợp có chút đáng sợ do bản chất phức hợp của nó – nhưng đồng thời nó cũng cực kỳ thú vị do tiềm năng vô hạn để ứng giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống. Bar-Yam đã viết về một số các ứng dụng này trong quyển sách xuất bản năm 2004, Making Things Work: Solving Complex Problems in a Complex World. Các chủ đề được trình bày bao gồm chiến tranh quân sự, giáo dục, chăm sóc y tế, bạo lực sắc tộc, và khủng bố. Một cẩm nang bất đắc dĩ dành cho người không chuyên về cách ứng dụng lý thuyết phức hợp, nội dung quyển sách xoay quanh một nội kiến duy nhất: Một tổ chức nào được thiết kế để giải quyết các vấn đề phức hợp cần phải tương xứng (hay vượt qua) tính phức tạp của vấn đề cần giải quyết. Điều này có nghĩa là theo định nghĩa từng cá nhân không thể nào giải quyết được các vấn đề phức tạp. "Thách thức cơ bản của quyển sách này là câu hỏi: Làm thế nào chúng ta thiết lập được tổ chức phức tạp hơn một cá nhân đơn lẻ?"

***

Một trong những lĩnh vực trọng tâm quan trọng nhất của Bar-Yam là bản chất ngày càng biến thể đáng sợ của đại dịch trong một thế giới toàn cầu hóa. Năm 2006, ông là đồng tác giả trong một nghiên cứu về việc chỉ cần một sự gia tăng nhỏ trong lượng di chuyển toàn cầu cũng làm tăng đáng kể nguy cơ bùng phát trên diện rộng. "Sự pha trộn toàn cầu," như cách gọi của bài báo, có thể gây ra sự bất ổn đột ngột trong dân số, ví dụ như đại dịch chết người. Đáng sợ hơn, điều này có thể xảy ra "với rất ít cảnh báo khi sự pha trộn toàn cầu ngày càng tăng cường tần suất."

"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đề xuất cần có một phản ứng phối hợp, bao gồm phát triển y tế, và cả những thay đổi xã hội," bài báo kết luận. "Do việc di chuyển toàn cầu ngày càng tăng, con người có thể vượt qua quá trình chuyển tiếp mà không được báo trước và hứng chịu những đại dịch lớn nếu không có những biện pháp phòng ngừa để làm giảm giao thông toàn cầu hay tác động của nó."

Trong năm sau đó, Bar-Yam đóng góp tạo ra mô hình toán học mà ông tuyên bố có thể dự báo sự bùng nổ của mâu thuẫn sắc tộc. Áp dụng các phương pháp truy tìm sự hình thành của hình mẫu, giống như cách tương tác của các hóa chất, mô hình này phân tích các dấu hiệu có thể chỉ ra sự hình thành bạo lực trong tương lai. Ví dụ, nguy cơ bạo lực thường cao tại những vùng có nhiều nhóm sắc tộc khác nhau và không có nhóm nào chiếm quyền thống trị. Tình hình này mở ra cánh cửa gia tăng mâu thuẫn.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bạo lực diễn ra khi một nhóm sắc tộc trở nên đủ lớn mạnh để áp đặt các quy chuẩn văn hóa trong không gian chung, nhưng lại chưa đủ lớn để đảm bảo các quy chuẩn này không bị phá vỡ," một nhà khoa học tham gia trong nhóm nghiên cứu đã nói. Bài báo đã được đăng trên tạp chí Nature.

Một công cụ chủ chốt của các nhà nghiên cứu phức hợp là nghiên cứu về vật lý đứng sau giai đoạn chuyển pha – khi nước biến thành hơi, hay khi đá tan thành nước, hay một đoạn thị trường suy thoái tăng tốc thành sụp đổ. Chính những giai đoạn chuyển pha này đã thu hút Didier Sornette, bắt đầu từ phân tích của ông ấy về vụ nổ đột ngột của thùng áp suất trên tên lửa Ariane, dẫn đến khái niệm về Vua Rồng. Những chuyển tiếp này thường đột ngột và gây gián đoạn. Khi áp dụng vào các hiện tượng xã hội, chuyển pha có thể giúp giải thích tại sao một việc đang ổn định lại đột ngột trở nên bất ổn và hỗn loạn, ví dụ như bùng phát bạo động sắc tộc.

Quá trình chuyển pha này, về lý thuyết, có thể xảy ra ở quy mô của nền văn minh. Năm 2008, tạp chí New Scientist đã đăng hai bài viết đáng báo động: "Liệu một đại dịch có hủy diệt nền văn minh?" và "Tại sao nền văn minh sụp đổ là không thể tránh khỏi." Bar-Yam là nguồn chính. "Giả sử bản chất của một nền văn minh là đã xác định sẽ sụp đổ, sớm hay muộn mà thôi, cho dù đó là nền văn minh của chúng ta?" bài báo thứ hai đã đặt câu hỏi. "Nhiều nhà nghiên cứu đã tuyên bố như thế suốt nhiều năm. Đáng lo ngại là, những nội kiến gần đây từ những lĩnh vực như lý thuyết phức hợp cho rằng họ nói đúng. Dường như rằng một khi xã hội phát triển vượt qua một tầm vóc phức tạp nhất định thì nó ngày càng trở nên mong manh. Cuối cùng, nó sẽ đạt đến một điểm ngưỡng mà chỉ cần một chút xáo trộn nhỏ cũng đủ làm cho cả hệ thống sụp đổ."

Trích dẫn nghiên cứu của Joseph Tainter, một giáo sư nhân chủng học tại ĐH Bang Utah và tác giả của quyển sách cột mốc năm 1988, The Collapse of Complex Societies, bài báo miêu tả các nền văn minh trong lịch sử, trải qua quá trình đấu tranh để giải quyết các thách thức từ vấn đề khan hiếm thức ăn nước uống đến sự xâm lăng của tộc người man rợ, đã tiến hóa thành những cấu trúc phức hợp với những tầng cấp tinh tế. Xã hội phải liên tục giải quyết các vấn đề mới nhằm tồn tại và phát triển. Điều này có nghĩa là càng thúc đẩy mức độ phức tạp nhanh hơn. "Thành công tạo ra một dân số đông, thêm nhiều loại chuyên gia khác nhau, thêm nhiều nguồn lực để quản lý, thêm nhiều thông tin để cân nhắc, và cuối cùng là thu lợi từ các nguồn lực ngày càng giảm. Đến một lúc nào đó, theo lời Tainter, xã hội đạt đến một điểm ngưỡng mà tất cả nguồn lực nguồn năng lượng trong xã hội đều cần dùng đến chỉ để duy trì mức độ phức tạp hiện hữu."

Cũng chính hiện tượng này đã khiến Sornette (trích dẫn nghiên cứu của Tainter) đưa ra dự báo về nguy cơ xã hội sụp đổ đang rình rập – và Bar-Yam hoàn toàn đồng ý. "Phức tạp dẫn đến khả năng dễ bị thương tổn cao hơn," ông nói với tờ New Scientist. "Điều này không phải ai cũng hiểu." Sự cố trong một hệ thống vô cùng phức tạp có thể lan rộng do mạng lưới liên kết nhau, giống như chuỗi cung ứng toàn cầu, vận hành như một hệ sinh thái rộng khắp với vô số điểm nghẽn. Một đại lý ô tô tại Rapid City không thể bán được xe hơi vì Ford không có con chip máy tính vì một nhà máy ở Đài Loan bị ngập lụt. Một chiếc tàu chở côngtenơ bị chìm ở Kênh đào Suez làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. "Mạng lưới kết nối chúng ta có thể khuếch đại một cú sốc. Một sự cố ở bất cứ đâu cũng có thể trở thành sự cố ở khắp nơi," Bar-Yam nhận xét.

Các tập đoàn hoạt động đơn thuần vì lợi nhuận càng làm cho tình hình thêm trầm trọng khi họ tối ưu vận hành đến mức cao nhất. Giao nhận just-in-time có thể mang lại lợi nhuận cao, miễn là chuỗi cung ứng phải vận hành đúng kế hoạch. Trường hợp ngược lại, cả một chuỗi cung ứng có thể rạn nứt khi điểm nghẽn bị chậm lại dần lan rộng khắp hệ thống. Thử tưởng tượng toàn bộ nền kinh tế thế giới đều lệ thuộc vào chuỗi cung ứng được tối ưu (và chuỗi thức ăn), được quản trị và chống đỡ bằng thị trường tài chính do máy tính điều tiết, ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện cực đoan. Các cộng đồng kết nối với nhau bằng vệ tinh, mạng xã hội, đoàn máy bay.

Đây chính là thực trạng thế giới năm 2020 khi Covid-19 bùng phát. Khi các doanh nghiệp và hoạt động kinh tế toàn cầu phải tạm ngừng, một chuỗi phản ứng dây chuyền của tình trạng chậm lại hay ngừng trệ đã khiến cho chuỗi cung ứng quốc tế bị đóng băng – và khi đó, nhân loại bị đẩy ra đối mặt với tác động đáng sợ của trái đất nóng dần lên, bao gồm lũ lụt, lũ nhiệt, cháy rừng, siêu bão.

Bar-Yam đã nhìn thấy cảnh tượng này từ năm 2008. "Nền văn minh rất dễ bị tổn thương," ông đã cảnh báo.

***

Cuối năm 2010, Bar-Yam lưu ý thấy tình trạng giá thực phẩm tăng lên một cách đáng lo ngại tại Trung Đông. Theo dõi mối liên hệ trong lịch sử giữa giá thực phẩm tăng cao và bất ổn xã hội, ông nhận thấy hễ mà chỉ số giá lương thực FAO của UN tăng trên 210, thì rủi ro bùng phát bạo động lại xuất hiện. Điều này đáng lo ngại, vì giá thực phẩm đang tăng dần đều trong suốt một thập niên trước, với những khoảng thời gian biến động mạnh. Các nhà nghiên cứu của NECSI tìm ra hai nguyên nhân chính kích hoạt chi phí lương thực tăng cao, và đều bắt nguồn từ chính sách của Mỹ. Một là việc bãi bỏ kiểm soát thị trường hàng hóa năm 1999 đã giải phóng hoạt động đầu cơ của các nhà giao dịch. Thứ hai là việc Mỹ sử dụng bắp để sản xuất ethanol, đẩy giá tăng lên dưới thời của Tổng thống George W. Bush.

Giá lương thực tăng vọt cộng với dấu hiệu của sự bất ổn xã hội và bất ổn chính trị ngày càng tăng đã khiến Bar-Yam dự báo sẽ có hỗn loạn cùng cực tại Trung Đông và Bắc Phi. Tháng 12, ông đã báo cáo nghiên cứu này với chính phủ Mỹ. Nhiều ngày sau, Mohamed Bouazizi, một người bán trái cây và rau củ 26 tuổi tại Tunisia, bị cảnh sát địa phương quấy rối, đã chết vì tự thiêu, tạo ra làn sóng biểu tình, nhanh chóng lan sang các nước khác, trở thành phong trào Mùa xuân Arab. Dự báo chính xác đến kỳ lạ của Bar-Yam đã đưa ông trở thành tâm điểm của thế giới, bên cạnh sự nổi lên của ngành khoa học nghiên cứu hệ thống phức hợp.

"Những lần thay đổi có thể rất thảm khốc – cách mạng lật đổ nhà độc tài, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt làm chết hàng chục ngàn người, thị trường sụp đổ đẩy người ta vào cảnh nghèo – nhưng đối với các nhà nghiên cứu hệ thống phức hợp thì chúng là mảnh đất màu mỡ," một bài báo trên Reuters tháng 3/2011 đã viết. "Theo như Yaneer Bar-Yam ... môn khoa học này là công cụ thiết yếu để bảo vệ xã hội khỏi những mối nguy hiểm như đại dịch, thiên tai, khủng bố, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và khủng hoảng kinh tế."

Mục tiêu, theo Bar-Yam, không chỉ là dự đoán kết quả và cân nhắc xác suất giống như một người đặt cược trong sòng bạc. Thay vào đó, mục đích của họ là tìm hiểu cơ chế vận hành của mọi thứ, tìm hiểu xem thứ gì bị sai lệch, từ đó xử lý vấn đề trước khi nó bùng phát vào tập thể. Theo một cách nào đó, nó cũng giống như một hình thức chủ động bảo hiểm. "Dự báo cho bạn biết một việc gì đó sắp xảy ra, và như vậy thật hữu ích vì bạn có thể chạy thật xa nếu cần thiết," ông nói với Reuters. "Nhưng còn tốt hơn nếu bạn hiểu được lý do tại sao nó xảy ra, vì như vậy ta có thể hành động để ngăn chặn được nó."

***

Sau cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu, Bar-Yam bắt đầu nghiên cứu hệ thống phức hợp là thị trường chứng khoán. Ông tuyên bố đã góp phần phát hiện một hiện tượng mà những kẻ hoài nghi như Taleb vẫn luôn cho là không thể - một hệ thống dự báo thị trường sụp đổ, giống như mô hình LPPLS của Didier Sornette có thể phát hiện Vua Rồng. Tháng 4/2011, Bar-Yam và đội ngũ nghiên cứu tại NECSI đăng một bài báo trong đó xác định cơ chế nội bộ thị trường mà họ cho rằng có thể báo trước cú sụp đổ. Khi một loạt các cổ phiếu di chuyển tăng giảm cùng nhau – theo một cơ chế được gọi là bắt chước – thì đó là dấu hiệu cho thấy thị trường đang đứng trước bờ hoảng loạn, theo kết luận của nghiên cứu, dựa trên những lần thị trường sụp đổ từ năm 1985. "Chúng tôi đã chứng minh bằng toán học rằng có những cảnh báo rõ ràng từ sớm để lại dấu hiệu của một vụ sụp đổ sắp xảy ra," Bar-Yam không ngại khoe.

Tháng 1/2014, Bar-Yam phát biểu tại Tổ chức Y tế Thế giới ở Geneva về tác động của việc đi lại đường dài đối với sự tiến hóa của mầm bệnh. Ông trình chiếu một đoạn phim cho thấy Ebola có thể lan rộng khắp trái đất như cơn cháy rừng do sự đi lại gia tăng giữa các lục địa. Ban đầu chỉ là một cụm nhỏ, tưởng chừng như vô hại tại Trung Phi, nhưng đã di căn thành nhiều cụm xuất hiện ở Châu Âu, Cuba, Mỹ, và sau đó là lan rộng khắp Nam Mỹ, Nga, Châu Á, Châu Úc, trước khi xâm chiếm gần hết hành tinh (trừ các đại dương, Nam Cực, và phần lớn Bắc Canada). Sự gia tăng tình trạng pha trộn toàn cầu đang khiến cho trái đất trở nên bất ổn và khó lường hơn. "Suy nghĩ thông thường là kinh nghiệm trước kia là chỉ báo cho các sự kiện tương lai," ông viết lại về quá trình nghiên cứu, "nhưng trong trường hợp này thì không đúng."

Một vài tháng sau, đợt bùng phát Ebola lớn nhất thế giới đã nổ ra tại Tây Phi. Số trường hợp nhiễm bệnh tăng gần gấp đôi sau một tuần. Các viên chức y tế công bắt đầu truy xuất dấu vết tiếp xúc để ngăn chặn căn bệnh. Nhưng tất cả đều không có hiệu quả, phân tích tình huống sau sự việc của NECSI đã chỉ ra. Thứ nhất, hầu hết người ta thoạt đầu không biết mình đã nhiễm Ebola, và triệu chứng ban đầu của nó không khác gì nhiễm virus thông thường. Ngoài ra, nhiều người sống ở các thành phố Tây Phi thường đi chung xe, nên gần như không thể biết người bệnh đã tiếp xúc với ai. Cuối cùng, căn bệnh lan rộng theo cấp số nhân, số người phải truy vết mở rộng lên đến mức bất khả thi về mặt logistic. Những người theo dõi nạn dịch Ebola bùng phát lo ngại số người chết sẽ lên đến 10 triệu, chỉ tính riêng tại Châu Phi.

Bar-Yam và các đồng nghiệp tại NECSI bắt đầu cân nhắc một biện pháp phản ứng khác khi nhận thấy rõ ràng việc truy vết là không thể. Họ tập trung vào can thiệp tận gốc trong cộng đồng, hạn chế đi lại trong những khu vực khoanh vùng đang có dịch, và chủ động tìm ra những người bị nhiễm bệnh bằng cách truy soát từng nhà. Biện pháp này sẽ bóp nghẹt con virus cho đến khi nó không thể lan ra được nữa, hy vọng là thế. Phối hợp với Công binh Lục quân Mỹ, họ phác thảo một kế hoạch. Bar-Yam kết nối với các viên chức chủ chốt tại LHQ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch, và Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà trắng. Nhưng ông vẫn không ngừng lo lắng nếu biện pháp can thiệp không diễn ra kịp thời thì căn bệnh chết người sẽ vẫn tiếp tục lây lan.

Càng ngày càng hốt hoảng, ông đã liên hệ với những người trực tiếp trú tại Liberia, nơi Ebola bùng nổ nghiêm trọng nhất. Đó là vào tháng 10. Ông thật nhẹ nhõm khi biết một số nơi đã bắt đầu áp dụng biện pháp do ông đề xuất. Từng nhóm đi đến từng nhà, mang theo nhiệt kế hồng ngoại để sàng lọc sốt. "Kết quả thật khả quan," Bar-Yam viết trong bài phân tích sau đó. "Nạn dịch vốn đang bùng lên theo cấp số nhân thì cũng suy giảm theo cấp số nhân."

Biện pháp này sau đó cũng được triển khai tại Sierra Leone, và cũng cho ra kết quả đáng mừng tương tự. Đến năm sau, Ebola đã bị xóa sổ khỏi Liberia, và sớm bị kiểm soát gói gọn trong lục địa này. "Nếu ngay từ đầu khi bùng nổ bệnh dịch người ta đã có biện pháp này, thì đã tránh được nhiều người chết và đau đớn khôn nguôi, cũng như không bị gián đoạn xã hội và kinh tế," Bar-Yam nhận xét.

Lo lắng bắt nguồn từ bùng phát dịch Ebola, và phát triển thêm từ nghiên cứu năm 2006 về tác động của đi lại làm lây lan virus, Bar-Yam đã chấp bút cho một báo cáo đáng báo động mang tên Transition to Extinction: Pandemics in a Connected World. Ông quan sát thấy, trong lịch sử, các mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm ban đầu lây lan rất nhanh nhưng lại sớm tàn vì chúng đã tiêu diệt hết vật chủ.

Nhưng giống như trận cháy thiêu rụi hết cả một khu rừng, hệ thống giao thông hiện đại, với khả năng "đi đến bất cứ nơi nào chỉ mất tối đa một ngày rưỡi," cung cấp cho mầm bệnh thêm nhiều vật chủ. Thực tế, gần như tất cả mọi người trở thành vật chủ. Khi mầm bệnh lây lan không mệt mỏi, nhân loại sẽ tiến đến một thời điểm bản lề như tên gọi bài báo: "chuyển pha đến diệt vong." Hay là sự diệt vong của nhân loại.

***

Sau hội thảo NECSI năm 2014 tại Cambridge, Bar-Yam bắt đầu nghiên cứu về công trình nguyên tắc phòng ngừa của Taleb và Read, lúc này chỉ mới là bản phác thảo khá sơ sài với nhiều chủ đề cho từng phần như "Tại sao diệt vong là chuyện nghiêm trọng" và "Sự kiện hy hữu có xác suất cao là gì" và khoảng năm trang nội dung. Ông chuyển giao một phần nhiệm vụ viết bài cho một trợ lý. Cô ấy bối rối và tìm đến một đồng nghiệp trẻ là một nhà nghiên cứu mới tại NECSI tên là Joe Norman để được hỗ trợ.

"Tôi không biết làm gì với bài này cả," cô nói.

Norman liếc qua bài thảo và cảm thấy phấn khích. Đây là một chủ đề hấp dẫn. Đây là một lập luận hay, anh nghĩ. Thêm nữa, nó còn có tên của Taleb trên đó. Norman ngưỡng mộ công trình nghiên cứu của Taleb, đặc biệt là Khả năng cải thiện nghịch cảnh. Sau khi đọc qua tác phẩm này, anh đã mua 20 bản để gửi tặng cho bạn bè.

"Để tôi thử xem," anh nói.

Norman quả thực được sinh ra trong một thế giới các hệ thống phức hợp. Cha của anh, Douglas, là một kỹ sư hệ thống phức hợp, tham gia áp dụng những khái niệm bí truyền trong lĩnh vực này vào công việc xây dựng trong thế giới thực. Công việc của ông ấy bao gồm các hợp đồng quân sự, ví dụ như thiết kế và xây dựng căn cứ kiểm soát không lưu tại Afghanistan và Iraq. Thỉnh thoảng, ông hợp tác với Bar-Yam tại NECSI.

Chàng Norman trẻ tuổi lớn lên bên cạnh những quyển sách về khoa học phức hợp nằm rải rác trong nhà. Theo chân của cha, anh học cơ khí tại ĐH Central Florida nhưng sau đó chuyển sang triết học và sinh học. Anh bị hấp dẫn trường phái chủ nghĩa thực thi, như diễn giải của nhà sinh học người Chile Humberto Maturana và Francisco Varela trong bộ sách năm 1992 The Tree of Knowledge: The Biological Roots of Human Understanding, trong đó (nói một cách tóm tắt quá mức là) đi sâu vào mối quan hệ tương tác giữa bộ não con người và thế giới.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Central Florida năm 2009, Norman tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ trong ngành hệ thống phức hợp và khoa học não bộ tại ĐH Florida Atlantic. Công việc đầu tiên của anh sau khi tốt nghiệp, năm 2014, là tại NECSI. Bài báo đầu tiên anh là đồng tác giả tại đây là "Nguyên tắc phòng ngừa." Nó phải qua nhiều lượt bản thảo qua lại giữa Taleb, Read, Norman, và Bar-Yam.

Họ cuối cùng cũng hoàn thành bài báo vào mùa thu. Ngày 17/10/2014, lúc 12:30 chiều, Taleb nhấn nút cho đăng bài trên trang web của ĐH Cornell "Nguyên tắc phòng ngừa (và Ứng dụng vào Biến đổi gene của sinh vật)."

Với cái nhấn nút này, Taleb đã nhảy thẳng vào một cơn bão lửa nóng bỏng căng thẳng nhất trong sự nghiệp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#taichinh