Chương 18: Diệt vong là chấm hết

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tóm tắt – Nguyên tắc Phòng ngừa (PP) cho rằng nếu một hành động hay một chính sách có nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho công chúng (ảnh hưởng đến sức khỏe chung hoặc môi trường toàn cầu), thì hành động đó không nên được thực hiện khi chưa có dữ liệu khoa học gần như chắc chắn về độ an toàn của nó. Theo điều kiện này, nghĩa vụ phải chứng minh nó không gây tổn hại thuộc về người đề xuất hành động, chứ không phải người phản đối hành động.

Đây là lời mở đầu cho Nguyên tắc Phòng ngừa.

Nguyên tắc này mang theo nó một lời phàn nàn từ lâu rằng: Nó quá mơ hồ. Khi nào thì rủi ro quá lớn khiến người ta phải vận dụng nguyên tắc phòng ngừa? Để giải quyết câu hỏi hóc búa này, Taleb triển khai nghiên cứu lịch sử lâu dài của các sự kiện cực đoan và biên soạn chiến lược giao dịch để bảo hộ trước Thiên nga đen. "Chúng tôi tin rằng Nguyên tắc này chỉ nên được viện dẫn trong những tình huống cực đoan: khi tác hại tiềm tàng mang tính hệ thống (không chỉ là cục bộ) và hệ quả của nó có thể là sự diệt vong không thể đảo ngược, ví dụ như sự tuyệt chủng của nhân loại hay của toàn bộ sự sống trên trái đất."

Câu từ rất mạnh mẽ. Nhưng như vẫn thường gặp trong những vấn đề vô cùng phức tạp, điểm mấu chốt là ở dữ liệu. Làm thế nào để xác định sự khác biệt giữa rủi ro mang tính hệ thống, diệt vong không thể đảo ngược, và tác hại cục bộ? Câu trả lời có mối liên quan trực tiếp với chiến lược giao dịch tại Universa.

Thử tưởng tượng có 100 tay chơi bước vào sòng bạc. Mỗi người đặt cược 1.000 đô tại bàn roulette. Có người thắng, có người thua trắng. Người chơi thứ 59 bị thua không ảnh hưởng gì đến người chơi 60. Khi họ bước chân ra khỏi sòng bạc, tổng kết lại họ thu lợi được 10 đô – xem như một ngày không may đối với sòng bạc.

Tiếp theo thử tưởng tượng một người chơi bước vào sòng bạc với ý định đặt liên tục 100 ván tại bàn roulette. Anh ta đặt hết tiền vào ô đỏ, và liên tục như thế. Liệu anh ta có chơi được đến ván thứ 100 hay không? Chắc chắn là không, với giả định là anh ta chỉ thua 1 ván (giả định hoàn toàn hợp lý!) Nếu anh ta thua toàn bộ số tiền ở ván thứ 59, thì anh ta không qua được ván 60. Số phận của anh ta ở đây là chấm hết, trắng tay.

Đây là một vấn đề diệt vong – sự diệt vong của một con bạc. Thay vì là trung bình của tổng một loạt các lần đặt cược rời rạc của một nhóm, vấn đề diệt vong áp dụng cho quỹ đạo của một cá nhân theo thời gian. Đây cũng là nguyên nhân làm nổ tung các ngân hàng hay quỹ phòng hộ nếu họ không quản lý rủi ro một cách đúng đắn. Họ có thể gặp một chuỗi may mắn dài và đánh bại người chia bài 10 lần liên tiếp, nhưng đến lần đặt cược thứ 11 họ vẫn mất hết. Taleb và các đồng tác giả mô tả sự việc này như là sự khác biệt giữa "tác động cục bộ không lây lan" và "tác động đâm chồi gây ra kết quả không thể đảo ngược và tổn hại quy mô lớn."

Đó là hình thức rủi ro mà Universal không bao giờ chấp nhận. Spitznagel chỉ có thể chịu đựng những cú va đập nhỏ - cắt lỗ theo nguyên tắc chào đón thua lỗ của Everett Klipp – chứ không thể nổ tung theo kiểu các quỹ phòng hộ và ngân hàng đầu tư chẳng chút e dè vì kho bạc của họ chất lên đến nóc các khoản đòn bẩy (các nhà đầu tư bình thường chỉ đổ tiền vào quỹ hỗ tương kinh doanh danh mục cổ phiếu và trái phiếu không phải đang chơi ván cờ diệt vong, vì thị trường không bao giờ mất hết toàn bộ 100%, nhưng họ phải chịu đựng thua lỗ lớn khi thị trường sụp đổ và gây tổn hại cho tài sản lâu dài của họ). Spitznagel có thể chảy máu, nhưng không thể xuất huyết đến chết chỉ trong một ngày.

Thống kê cho thấy, một người bước vào cuộc chơi diệt vong, ngày qua ngày, đến cuối cùng sẽ tan xác. Hãy thử xem qua một cuộc chơi diệt vong khác – bàn cờ roulette kiểu Nga. "Theo các lý thuyết về diệt vong, nếu bạn gặp phải một "rủi ro một lần" có xác suất rất nhỏ là vấn đề diệt vong, bạn sống sót, và lại gặp một lần nữa (lại thêm một cơ hội "rủi ro một lần"), thì cuối cùng bạn sẽ phá sản," Taleb và các tác giả nhận định.

Nguyên tắc phòng ngừa tìm cách bảo vệ nhân loại khỏi những mất mát có tính diệt vong bằng cách từ chối những rủi ro có thể gây ra hậu quả hệ thống cho toàn cầu – "chấm dứt và không thể đảo ngược sự sống ở một quy mô nào đó, có thể là trên toàn bộ hành tinh."

B. Diệt vong là chấm hết

Khi tác động của nguy hại kéo dài đến tương lai, mãi mãi, và mối nguy hại trở thành vô hạn. Khi mối nguy là vô hạn, tích của một xác suất gần như bằng 0 với nguy cơ vô hạn cũng là vô hạn, và không thể nào cân bằng với bất cứ lợi ích tiềm tàng vốn dĩ là hữu hạn.

Đứng trước một vấn đề diệt vong, không thể nào cân nhắc tỉ lệ thắng cược hay phân tích lợi ích – chi phí. Không có kết quả nào là đáng để phải mạo hiểm, vì kết quả diệt vong là điều chắc chắn về mặt toán học nếu kéo dài cuộc chơi. Bạn có thể may mắn và vượt qua được vài vòng trên bàn roulette, nhưng cũng có khả năng ngay vòng đầu tiên cũng là vòng cuối cùng. "Bởi vì bản chất của 'chi phí' của diệt vong là vô hạn, việc phân tích lợi ích – chi phí không phải là mô hình có ý nghĩa nữa," bài báo nêu rõ. "Trong trường hợp này, chúng ta phải bằng mọi cách tránh xa thảm kịch."

Và bởi vì chúng ta đang đối mặt với một hệ thống vô cùng phức tạp – toàn bộ tự nhiên và nhân loại – các mô hình được thiết kế để đánh giá rủi ro đều có giới hạn về bản chất. Rõ ràng là không thể nào chứng minh "không có tác hại."

Nhân loại vì thế đứng ở một điểm khó. Bạn không thể dùng dẫn chứng, vì như thế có nghĩa là phải chấp nhận rủi ro để biết chuyện gì sẽ xảy ra – ý tưởng không ổn chút nào khi phải đặt nhân loại vào tình thế nguy hiểm – và bạn cũng không thể nào mô hình hóa tất cả các tình huống, vì hệ thống phức tạp đến mức xoắn não. Câu trả lời, theo Taleb và các cộng sự, là phải xác định xem rủi ro đang phân tích có tính hệ thống toàn cầu. "Câu hỏi thiết yếu là nó có khả năng gây ra tổn hại cho toàn cầu hay không," họ viết.

Liệu có những mối liên kết nào trong chuỗi, những yếu tố phụ thuộc lẫn nhau, gây ra tình trạng đổ lan, như cách gọi của các tác giả, khiến cho tổn hại lan ra ngoài biên giới vùng và lãnh thổ?

"Hãy xem xét vụ sụp đổ tài chính toàn cầu năm 2008," họ viết. "Khi các công ty tài chính ngày càng phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn trong nửa sau thế kỷ 20, những dao động nhỏ trong thời kỳ bình ổn đã che khuất tính tổn thương của hệ thống khiến sự cố có thể lan rộng. Đáng lẽ chỉ có một cú sốc cục bộ tại một khu vực độc lập trong hệ thống, chúng ta đã chứng kiến cú sốc toàn cầu với những hệ quả lan rộng."

Cuộc khủng hoảng cũng chỉ là một ví dụ về những sự kiện hy hữu có tính rủi ro càng cao do năng lực gia tăng trong lĩnh vực viễn thông, giao thông, và phụ thuộc về kinh tế. "Mối nguy mà chúng ta đối mặt ngày nay đó là chúng ta là một nền văn minh kết nối toàn cầu, và tác động của một sự kiện hy hữu gây sốc có thể mở rộng ra toàn cầu, gây hại cho sự sống," họ viết. "Khi sự kết nối càng tăng, nguy cơ diệt vong lại càng tăng theo hàm số phi tuyến tính."

7. Tính mong manh

Nguyên tắc phòng ngừa chỉ áp dụng cho những tác động quy mô lớn do bản chất nội tại của hệ thống chống đỡ nó là mong manh. Khi quy mô của tác động gia tăng thì mối nguy hại cũng gia tăng theo hàm phi tuyến tính đến điểm phá hủy.

Các hệ thống phức tạp dễ bị sụp đổ vì các mối liên kết đan xen nhau sâu bên trong cấu trúc của nó, gắn kết phần này với phần khác. Kéo một đầu sợi chỉ từ chiếc mạng nhện và cả một tấm mạng nhện có thể bị bung bét. Tác động diễn ra phi tuyến tính vì tác động đầu vào nhỏ cũng có thể làm sụp toàn bộ tòa nhà, giống như quả ngư lôi proton nhỏ xíu của Luke Skywalker làm nổ tung Death Star trong chớp mắt.

Quy mô là yếu tố đáng cân nhắc, như Taleb đã viết trong thư gửi đến Stewart Brand. Ném một hòn đá nặng 25kg vào đầu một người có thể gây ra tổn hại lớn. Ném 10.000 viên sỏi có khối lượng tổng cộng là 25kg, thì tổn hại có thể là bằng 0.

Sự không chắc chắn về tác động và độ tin cậy của các mô hình càng làm tăng nguy cơ diệt vong và kêu gọi có thêm nhiều biện pháp phòng ngừa. "Càng hoài nghi về các mô hình có nghĩa là càng không chắc chắn về các sự kiện hy hữu, và do đó đòi hỏi phải cẩn trọng hơn đối với các kỹ thuật mới được triển khai, hay mở rộng quy mô lớn hơn," Taleb và các đồng tác giả đã viết. "Tự nhiên có thể không thông minh, nhưng với chuỗi thời gian kéo dài của nó thì sự không chắc chắn càng nhỏ."

***

Một phần nội dung về "Nguyên tắc Phòng ngừa" đã mở ra một đợt phối hợp tấn công vào các tác giả, và người hứng chịu nhiều áp lực nhất chính là Taleb do ông là người nổi tiếng, đó chính là đoạn kêu gọi cấm hoàn toàn GMO. "Sinh vật Biến đổi Gene (GMO) và rủi ro của chúng hiện tại vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi," họ viết. "Do đó chúng tôi lập luận rằng chúng hoàn toàn thỏa các điều kiện của Nguyên tắc Phòng ngừa vì rủi ro từ chúng có tính hệ thống."

Taleb và các đồng tác giả tin rằng ba thập niên nghiên cứu về GMO là chưa đủ để kết luận rằng những thí nghiệm gene trên diện rộng này là vô hại đối với thiên nhiên. Và vấn đề chính là đây, vì họ lập luận rằng GMO mở ra rủi ro một sự kiện hy hữu – rủi ro diệt vong. Nếu một giống lúa đã được biến đổi gene bằng cách nào đó lai giống với lúa tự nhiên – hay nếu ADN mới được đưa vào các sinh vật khác, như vi khuẩn, thì kết quả là không thể biết được. Ngay cả khi những rủi ro này là nhỏ, sự tồn tại của nó cũng đã đủ để buộc chúng ta phải áp dụng Nguyên tắc Phòng ngừa. Những người ủng hộ GMO, họ nói, cần phải chứng minh rõ như ban ngày rằng nguy cơ diệt vong là gần như bằng không – đây nhất định là một thách thức không dễ xử lý.

Tấn công vào những nhóm ủng hộ GMO cũng có rủi ro của nó. Những người chỉ trích GMO vẫn thường gánh trên mình cái danh là âm mưu phản khoa học, gom chung nhóm với đám đông phản đối vắc xin hay phủ nhận biến đổi khí hậu. Đây là sự mỉa mai sâu sắc đối với Read, vì ông đã dành nhiều năm chiến đấu với nhóm người phủ nhận biến đổi khí hậu. Read lập luận rằng không có gì gọi là "phản khoa học" khi phản đối việc triển khai ồ ạt một phương pháp kỹ thuật mới trên cây trồng là thức ăn cho phần lớn hành tinh, không có gì là phản khoa học khi đặt ra những câu hỏi mang tính logic, triết lý, đạo đức, chính trị và thống kê, về quá trình triển khai vì lợi nhuận của một công nghệ mang theo nó rủi ro tiềm ẩn quá lớn. Taleb và cộng sự muốn thay đổi cuộc tranh luận. Không phải là khoa học hay phản khoa học, mà là liều lĩnh hay cẩn trọng.

Theo lập luận của họ trong bài báo, GMO có thể "tràn lan mất kiểm soát" và không thể khoanh vùng lại, chúng sẽ vượt qua biên giới quốc gia và lãnh thổ, giống như virus, và lan tỏa theo cấp số nhân trong các hệ sinh thái trên trái đất. Tác động của nó là không thể kiểm tra vì tự nhiên có tính phức tạp quá lớn và chất chứa nhiều sự ngẫu nhiên, hỗn loạn. Nói ngắn gọn: Tạo ra những giống loài mới bị biến đổi gene là một cú ném xúc xắc quá nguy hiểm.

GMO không giống như canh tác có chọn lọc hay lai giống có chọn lọc các giống loài cây trồng khác nhau, như giống ngô đặc hữu của Bolivia với giống ngô đặc hữu của Iowa, họ lập luận. Lai giống có chọn lọc diễn ra chậm và cần nhiều thế hệ. Nó thường giới hạn trong vùng, cho phép sai lầm nếu có bị dập tắt trước khi lan tỏa. "Không thể so sánh giữa việc mày mò lai giống có chọn lọc để thu được những thành tố gene từ các sinh vật đã trải qua một lịch sử chọn lọc lâu dài với việc áp đặt công nghệ để cấy gene của loài cá vào gene của cây cà chua," họ viết. "Chúng ta phải áp dụng nguyên tắc phòng ngừa ở đây ... vì chúng ta không muốn phát hiện ra sai lầm sau khi đã có những tổn hại đáng kể và không thể đảo ngược cho môi trường và sức khỏe."

Đối với lập luận chung của những người ủng hộ GMO rằng việc ngăn cấm họ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra nạn đói, bài báo lưu ý rằng nạn đói lan rộng thường là do các chính sách kinh tế và nông nghiệp yếu kém. Rủi ro diễn ra thảm họa, cho dù chỉ là thoáng qua, cũng là không đáng nếu vẫn còn nhiều cách khác để giải quyết vấn đề, ví dụ như cải thiện hệ thống vận tải lương thực từ những vùng dư thừa sang vùng thiếu hụt. Đâu đó khoảng 1/3 số lương thực sản xuất trên thế giới phải bỏ đi, theo công ty theo dõi cung ứng Wiliot. Chỉ cần tận dụng một phần nhỏ trong số thực phẩm bị lãng phí kia cũng đủ sức giải quyết vấn đề nạn đói trên thế giới.

Bài báo lập luận, "Xét thấy sự giám sát còn hạn chế đối với việc triển khai GMO tại Mỹ, và tác động toàn cầu của việc triển khai này, chúng ta rõ ràng đang đứng trước một vấn đề diệt vong."

Một vấn đề khác: sự tích tụ khổng lồ hóa chất diệt cỏ và côn trùng trong môi trường, vì một trong những mục tiêu của GMO là tạo ra giống cây trồng có khả năng kháng thuốc, ví dụ như thuốc diệt cỏ Roundup – như vậy cũng chính là khuyến khích việc sử dụng rộng rãi các hóa chất này trên khắp thế giới. Việc sử dụng quá nhiều các loại thuốc diệt cỏ như Roundup chẳng khác nào một thí nghiệm khổng lồ đối với môi trường toàn cầu. Nếu chỉ thử nghiệm với lượng nhỏ, rủi ro có thể không đáng kể. Nhưng khi thử nghiệm ở quy mô toàn cầu, rủi ro gộp lại có thể trở thành rủi ro hệ thống – một tảng đá khổng lồ ném vào mẹ thiên nhiên thay vì những hòn sỏi nhỏ.

Monsanto vẫn luôn nói giảm nói tránh về rủi ro các loại cỏ dại mà Roundup không thể tiêu diệt sẽ tiến hóa và trở nên có hại hơn cho cây trồng, so với những chủng loại cỏ trước đó, giống như một loại virus gây chết người có thể kháng được vắc xin. Thực tế đã diễn ra. Vào giữa thập niên 2010, một loại cỏ sinh trưởng mạnh có tên là rau dền Palmer đã kháng được thuốc Roundup. Đến đầu những năm 2020, nó đã lan ra trên hàng chục tiểu bang tại Mỹ, gây bất ngờ cho những nông dân vốn đã quen dùng chỉ một loại thuốc diệt cỏ là Roundup. Loại rau dền này làm giảm năng suất của đậu nành và đậu phọng đến 68%, giảm năng suất của ngô đến 91%. "Cỏ dại kháng thuốc diệt cỏ, đặc biệt là nếu nó kháng nhiều loại thuốc khác nhau, trở thành một mối nguy lớn cho nền nông nghiệp toàn cầu," một nghiên cứu về cỏ dại tháng 1/2021 đã cảnh báo.

Roundup còn có nhiều vấn đề khác nữa. Năm 2020, ông khổng lồ ngành dược của Đức là Bayer, trước đó đã mua lại Monsanto năm 2018, đã đồng ý trả 10 tỉ đô la để giải quyết hàng ngàn đơn khiếu nại rằng Roundup gây ung thư. Bất chấp số tiền chi trả này, Bayer vẫn nhất quyết tuyên bố loại thuốc diệt cỏ này là an toàn.

Những vấn đề như vậy không chỉ giới hạn trong Roundup. Các loại hóa chất thí nghiệm của con người có mặt khắp nơi, trong rất nhiều thứ. Nhựa có thể tìm thấy trên đỉnh Everest, hay thật sâu dưới đáy đại dương. Đến năm 2022, hành tinh đang tiến gần đến – hay biết đâu đã vượt qua – điểm bùng phát của tình trạng ô nhiễm hóa chất. Một nghiên cứu mới sâu rộng của 14 nhà khoa học tại Trung tâm Phục hồi Stockholm và nhiều nơi khác đã ghi nhận mức tăng 50 lần các hoạt động sản xuất hóa chất so với năm 1950, và họ dự kiến sẽ tăng thêm gấp 3 lần so với hiện tại nếu tính đến năm 2050. Tình trạng đại sản xuất mất kiểm soát này đang đẩy hệ sinh thái toàn cầu đến bên "bờ vực của hành tinh" mà nếu vượt qua mức đó thì hệ sinh thái sẽ không thể nào hồi phục, báo cáo cảnh tỉnh. "Gánh nặng hóa chất trong môi trường có tính lan tỏa và ngấm ngầm," Ian Boyd, nhà sinh vật học tại ĐH St Andrews, Scotland, đã nói với tờ Guardian, khi nhận xét về nghiên cứu này. "Có vẻ chúng ta khá mù mờ về những gì đang diễn ra. Trong tình huống này, khi chúng ta còn chưa nắm rõ về mặt khoa học các tác động của nó, thì chúng ta cần áp dụng Nguyên tắc Phòng ngừa cho các loại hóa chất mới và mức độ triển khai trong môi trường tự nhiên."

***

"Nguyên tắc Phòng ngừa" được đăng trực tuyến và nhanh chóng được truyền tay trong giới chuyên gia GMO. Họ không mấy thích thú. Các tác giả bị gom vào chung một nhóm với những người theo thuyết âm mưu phản đối vắc xin, hay thậm chí còn tệ hơn. Một giáo viên trung học tên là Stephan Neidenbach, người sáng lập trang web có tên Chúng tôi Yêu thích GMO và Vắc xin, đã so sánh Taleb với Hitler. ĐH New York, nơi vẫn giữ Taleb làm giáo sư, đã nhận được hàng trăm thư phàn nàn về bài báo. Nhiều người còn vận động nhà trường chấm dứt hợp đồng với ông ấy. Ông đã từng gặp nhiều tranh cãi trong sự nghiệp, nhưng chưa bao giờ đứng trước phản ứng cay nghiệt như thế.

Ông tham gia tranh cãi trên Twitter với những người mà ông gọi là bọn lừa đảo, bọn tuyên truyền GMO, giải tỏa trình độ chỉ mặt đặt tên của mình. Các đối thủ của ông là bọn ngu, bọn mãi dâm, bọn khủng bố, bọn súc vật. Phần tính cách này của Taleb khiến nhiều người bạn của ông không thấy thoải mái. Ông xem Twitter như một đấu trường trí tuệ và tấn công "kẻ thù" như một nhà tiên tri mở đôi mắt hoang dã chà đạp tà giáo và ném ra những ngôn ngữ khắc nghiệt. Nạn nhân của ông có thể là một kẻ vô danh nào đó, những cũng có cả người từng nhận giải Nobel. Ông đã thấm nhuần lời khuyên từ một người bạn, Roy Sutherland, vị phó chủ tịch mạnh miệng của công ty quảng cáo Ogilvy UK, người hay lấy câu nói cửa miệng rằng đóa hoa chẳng qua là một loại cỏ dại được đổ cho ngân sách quảng cáo, và từng nói với Taleb rằng ông ấy vẫn khuyên các CEO phải biết thô lỗ và dùng ngôn từ thô tục, vì như vậy người ta mới thấy họ chân thành, trung thực, tự do không bị ràng buộc bởi những chuẩn mực giới hạn. Những lời chỉ trích nặng nề và ngôn từ tiểu học đã làm hại đến danh tiếng của Taleb trong cả hai nhóm bạn và thù. Nhưng rõ ràng ông không quan tâm.

Đây không phải là tính cách gì mới. Những người quen biết Taleb đã lâu đều nói trong con người ông ấy có một khía cạnh sắc bén, một khuynh hướng mà ông ấy đã mài dũa khi làm nhà giao dịch tại New York và Chicago, nơi mà ai cũng bắt buộc phải chửi thề như một thủy thủ say rượu. Nhiều người chấp nhận sự xúc phạm này, xem đó như là cái giá phải trả cho Taleb đi thẳng vào vấn đề chính, đôi khi là thô tục. "Nassim Taleb là kẻ to mồm thô tục khoa trương," nhà kinh tế học và chủ blog Noa Smith từng viết. "Nhưng tôi lại rất thích anh ấy." Và có lẽ cũng cần một người có tính cách thô bạo mới dám hạ bệ đại đa số ở Phố Wall như một băng lang băm lừa đảo. "Nếu ông ấy lịch sự quá, chưa chắc đã thu hút được sự chú ý," người bạn và nhà phê bình thường trực Aaron Brown đã nói với tôi. "Nếu anh nói một cách lịch sự, người ta gạt qua một bên. Anh phải nói là mọi người đều là một bọn ngu ngố, một bọn lang băm, thì người ta mới chú ý xem anh nói cái gì – rằng ở đây đang có vấn đề."

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của Taleb và nhiều người khác về GMO và các hình thức điều chỉnh di truyền khác, con quái vật biến đổi gene cũng đã bị thả ra khỏi cái chai. GMO có mặt khắp nơi. Khoảng 90% lượng ngô, đậu nành, củ cải đường trên thị trường Mỹ là GMO. Biến đổi khí hậu làm thay đổi hình thái thời tiết trên khắp thế giới, các nhà khoa học có thiện chí đang dốc hết sức tạo ra các giống cây trồng có thể chống chọi với nhiệt độ cao hơn, môi trường khắc nghiệt hơn, và nhiều hệ quả đen tối khác do biến đổi khí hậu. Quan điểm theo trường phái Promethea của Steward Brand, "chúng ta là thần thánh," đang dâng cao.

***

Năm 2015, Taleb, Read, Bar-Yam, và Norman biết một báo cáo ngắn về việc áp dụng Nguyên tắc Phòng ngừa cho một rủi ro toàn cầu khác – hiện tượng trái đất nóng dần lên đang lan tỏa. Các tranh luận chính sách về biến đổi khí hậu thường chỉ xoay quanh tính chính xác của các mô hình, họ viết. Những người tin tưởng vào mô hình lập luận yêu cầu hành động cụ thể để ngăn chặn tổn hại sắp xảy ra. Người hoài nghi chỉ vào sự không chắc chắn và nói rằng chưa có đủ dẫn chứng đến mức phải có hành động quyết liệt.

Các tác giả đặt ra một câu hỏi thú vị. Giả sử chúng ta không có một mô hình nào đáng tin cậy cả thì sao? "Cho dù không có mô hình chính xác nào, chúng ta vẫn có thể lý giải rằng việc gây ô nhiễm hay thay đổi môi trường quá mức sẽ đặt nhân loại vào một lãnh đại hoàn toàn mới, chưa có các thông số thống kế và tiềm ẩn hệ quả lớn."

"Chúng ta chỉ có một hành tinh này," họ viết. "Dữ kiện này triệt để giới hạn các hình thức rủi ro có thể chấp nhận ở quy mô lớn. Ngay cả một rủi ro có khả năng rất thấp cũng trở thành không thể chấp nhận được khi nó tác động đến tất cả chúng ta – sai lầm ở quy mô này là không thể nào đảo ngược.... Chúng ta đẩy hệ thống phức tạp đi quá xa và rồi nó không thể nào quay lại được nữa."

Kết luận: Cắt giảm khí thải CO2, "bất kể mô hình khí hậu có nói gì chăng nữa."

***

Taleb xem xét lại Nguyên tắc Phòng ngừa năm 2018 trong tác phẩm mới nhất, Skin in the Game, Da thịt trong cuộc chơi, quyển sách thứ năm trong bộ sưu tập Incerto, theo cách gọi của ông, là quá trình nghiên cứu cách sống và hành xử trong một thế giới chịu sự thống trị của sự bất ổn cực độ, bao gồm các tựa sách Fooled by Randomness, The Black Swan, Antifragile, và The Bed of Procrustes. Cũng giống như những quyển trước đó, Skin in the Game cũng bao quát nhiều lĩnh vực, từ những chủ đề như lý thuyết phức hợp đến tâm lý học hành vi, đến sự khác biệt giữa các hệ thống chính trị (dân chủ hay là độc tài). Trên hết, đây là quyển sách về đức hạnh của da thịt (hay thiếu da thịt) trong cuộc chơi. Những ông chủ ngân hàng không phải khổ sở khi ngân hàng của họ sụp đổ vì họ không mất miếng da miếng thịt nào trong cuộc chơi. Ngược lại, các giám đốc quỹ phòng hộ có thể mất đi phần lớn tài sản khi sụp đổ do họ có da thịt trong cuộc chơi và do đó có động lực phải làm sao đừng để sụp đổ (mặc dù vẫn có nhiều quỹ bị sụp đổ).

Đối với các nhà đầu tư, phần quan sát ý nghĩa nhất của Taleb nằm ở chương cuối, "Logic của việc chấp nhận rủi ro," khi ông so sánh hai cách phân tích rủi ro khác nhau, "xác suất tập hợp" và "xác suất thời gian." Hãy nhớ lại hay cách đánh bạc để định nghĩa một vấn đề diệt vong. Một cách là, một trăm tay chơi bạc đặt cược 1.000 đô trên bàn roulette. Có người thắng, có người thua. Nếu tay chơi số 59 thua trắng, thì cũng không ảnh hưởng gì đến tay chơi 60, và lợi nhuận trung bình của cả nhóm là 10 đô/ lần cược. Đó là xác suất tập hợp.

Tiếp theo, một tay chơi duy nhất đặt cược 100 lần trên bàn roulette, lần nào cũng chỉ đặt hết tiền vào ô đỏ. Tay chơi này không bao giờ đi đến được ván thứ 100. Đó là tư duy xác suất thời gian đối với rủi ro, nghĩa là nó lệ thuộc vào thời gian. Taleb lập luận rằng đây chính là cách tư duy đúng đắn về rủi ro, nhất là trong rủi ro diệt vong. Và mặc dù rõ ràng "xác suất thời gian" chính là cách vận hành của thế giới, ngành tài chính hiện đại lại không cân nhắc rủi ro thị trường theo hướng này. Lý thuyết tài chính hiện đại vẫn đi theo hướng trung bình của các tay chơi và xem đây là đại diện cho rủi ro của từng cá nhân người chơi. Theo quan điểm này, xác suất chiến thắng bàn roulette là 83% - cũng không quá tệ. Nhưng là một rủi ro mà thực tế không ai dám nhận, ngay cả có cho họ 1 triệu đô.

Việc lấy trung bình các ván bài của tập thể đã che dấu rủi ro xảy ra thảm kịch – thua trắng tay. Như Taleb đã viết trong quyển sách này, "đừng băng qua dòng sông nếu độ sâu trung bình của nó là 1,2 mét." Nếu tư duy rủi ro theo hướng này, "hơn hai mươi năm trước, những người làm nghề như Mark Spitznagel và tôi đã xây dựng toàn bộ sự nghiệp dựa trên đó.... Trong khi tôi đã nghỉ hưu để theo đuổi hoa lá, Mark vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ (và tiếp tục thành công) tại Universa."

Những kịch bản rủi ro có mối liên kết với nhau, tác động lẫn nhau chính là nơi cần áp dụng Nguyên tắc Phòng ngừa. Trong không gian "xác suất thời gian," mỗi lần ném xúc xắc hay quay bàn roulette đều có mối liên kết với nhau. Chúng không thể bị tách biệt thành những đơn vị độc lập để rồi lấy trung bình. Cũng tương tự, rủi ro hệ thống xuất hiện khi có sự tương quan và liên kết giữa những người đối mặt rủi ro. Một người chết trong bồn tắm sẽ không làm tăng nguy cơ cho người hàng xóm cũng chết trong bồn tắm. Một người chết vì bệnh truyền nhiễm chắc chắn có làm tăng nguy cơ cho hàng xóm cũng bị bệnh mà chết. Khi những rủi trở thành tính hệ thống, và đặt ra nguy cơ diệt vong cho toàn xã hội, thì người ta nhất định phải vô cùng cẩn trọng.

***

Taleb không phải là chuyên gia duy nhất về rủi ro hệ thống và áp dụng các bài học vào Phố Wall cho các nguy cơ thách thức thế giới. Những năm 2010, Bob Litterman, người đã từng quản lý một danh mục cổ phiếu lớn nhất thế giới tại ông khổng lồ trong lĩnh vực đầu tư ở New York là Goldman Sachs, đã dùng hàng chục năm kinh nghiệm quản trị rủi ro của mình vào một trong những nguy cơ tồi tệ nhất: trái đất nóng dần lên.

Taleb dẹp qua một bên các mô hình và lập luận rằng chính yếu tố bất ổn trong việc dự báo biến đổi khí hậu khiến cho người ta phải vô cùng cẩn trọng; nhưng Litterman thì lại đổ công sức xây dựng một mô hình để vận dụng Nguyên tắc Phòng ngừa theo đúng cách của những ông vua của thời hỗn loạn: Khi gặp rủi ro diệt vong, bạn phải biết hoảng sợ từ sớm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#taichinh