Chương 22: Bay mù

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Phía Tây trước điện Capitol! Chúng tôi bị ép sát và mất vị trí!" Robert Glover, sĩ quan cảnh sát thủ đô chịu trách nhiệm kiểm soát đám đông, hét lên hoảng loạn qua đường truyền nội bộ khi đám người nổi dậy tràn vào cánh tây của Điện Capitol Mỹ. Đó là 2:13 chiều ngày 6/1/2021. Một đám đông những người ủng hộ Donald Trump đã xâm nhập vào tòa nhà, đập vỡ cửa sổ, tràn vào tổng hành dinh của nền dân chủ Mỹ nhằm đảo ngược kết quả bầu cử của Joe Biden. Những kẻ bạo loạn dồn dập chen nhau trên hành lang của Điện Capitol kêu gào "Treo cổ Mike Pence," trút cơn thịnh nộ vào vị phó tổng thống. Không lâu sau đó, lúc 2:24, Donald Trump viết trên Twitter rằng Pence "không có đủ can đảm để làm những gì cần phải làm để bảo vệ đất nước và Hiến pháp."

Trong nhiều ngày nhiều tuần sau đó, giới truyền thông cánh hữu đã đảo ngược câu chuyện về một đám đông bạo lực tấn công vào Quốc hội trên sóng truyền hình trực tiếp thành câu chuyện về những người biểu tình ôn hòa diễu hành vì dân chủ. Sự thật là nền dân chủ Mỹ đã ở mức nguy hiểm cao nhất kể từ Nội chiến. Sau vụ tấn công, Ian Bremmer, tác giả sách và nhà phân tích rủi ro chính trị, đã nói rằng mối nguy lớn nhất của thế giới là sự phân cực chính trị tại Mỹ. "Nước Mỹ là nền dân chủ tư bản hùng mạnh nhất, bị chia rẽ về mặt chính trị và bất bình đẳng về mặt kinh tế," ông viết.

Richard Hasen, một giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH California-Irvine, nói với nhà báo Barton Gellman của tờ Atlantic là "Tình trạng khẩn cấp dân chủ đã đến rồi. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ nền dân chủ Mỹ sẽ chấm dứt vào cuối năm 2024."

Dân chủ không chỉ gặp nguy hiểm tại Mỹ. Chỉ số dân chủ toàn cầu theo tính toán của Freedom House đã giảm trong năm thứ 16 liên tiếp tính đến 2021. "Trận tự thế giới đang tiến gần đến điểm bùng phát và nếu những người bảo vệ dân chủ không đoàn kết để bảo vệ tự do cho tất cả mọi người, mô hình độc tài sẽ chiếm ưu thế," nhóm giám sát đã viết trong báo cáo Tự do Thế giới 2022 "Chế độ Độc tài Mở rộng Toàn cầu."

Mức độ dân chủ của thế giới đã giảm đến mức thấp nhất kể từ 1989, khi Liên bang Nga sụp đổ, đồng thời gia tăng chế độ độc tài, theo một báo cáo tháng 8/2022 của tổ chức Varieties of Democracy chuyên theo dõi xu hướng dân chủ hóa. "Dân chủ vẫn tồn tại ở Mỹ, nhưng nó đang gặp nguy," tổ chức này cảnh báo.

Càng đáng sợ hơn khi các nhà đầu tư hoàn toàn thờ ơ (chỉ số Dow tăng 438 điểm trong ngày 6/1). Một báo cáo tháng 1/2022 của Viện Brookings cho thấy nền dân chủ gặp nguy cơ tại Mỹ là một rủi ro mang tính hệ thống đối với thị trường vốn. Chế độ độc tài nói chung không tốt cho hoạt động kinh doanh. "Thị trường tự do và dân chủ có mối quan hệ phụ thuộc, nên rủi ro hệ thống đối với thành phần này, thì về nguyên tắc, cũng là rủi ro hệ thống đối với thành phần kia," Brookings viết.

Mối nguy hiểm của nền dân chủ Mỹ nếu không phải là Thiên nga đen thì ít nhất cũng là Thiên nga Xám, hay Vua Rồng, bay lững lờ trên bầu trời.

***

Một tháng sau sự kiện tấn công Điện Capitol, một ngày thứ 3, một quan chức tại Hội đồng Điện lực Texas, cơ quan quản lý lưới điện của tiểu bang, lưu ý trong buổi họp hội đồng quản trị là "nhiệt độ khá lạnh" sẽ đến tiểu bang này trong tuần tới. Cuộc thảo luận về cơn bão chỉ kéo dài chưa đến 1 phút. Ngày thứ 2 tuần sau, người dân San Antonio thức dậy đón lớp tuyết dày gần 15 cm. Nhiệt độ giảm xuống còn -12 độC.

Mạng lưới điện ngừng hoạt động lan rộng dần khắp tiểu bang. Một đợt không khí lạnh tràn từ Canada xuống nước Mỹ, lan qua Ohio, Oklahoma, Mississippi, Louisiana, Texas, và hàng chục tiểu bang khác. Nhưng chỉ có Texas là phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên nga đen. Mạng lưới điện của họ không được chuẩn bị trước nhiệt độ lạnh kéo dài đã sụp đổ, khiến cho gần 10 triệu người dân Texas không có điện, nhiều nơi kéo dài hàng tuần. Hàng trăm người bị lạnh đến chết trong nhà của mình. Tối ngày 14/2, lưới điện suýt chút nữa thì đứt hẳn trên toàn tiểu bang, khi đó việc cung cấp điện có thể phải tạm ngừng hàng tuần, hay hàng tháng.

Cơn bão là lời nhắc nhở sống động về những hình mẫu thời tiết hỗn loạn, thay đổi tạo ra mối nguy cho nền hạ tầng thiết yếu vốn dĩ được thiết kế cho một hình thái thời tiết này giờ lại gặp một hình thái cực đoan khác. Một sự kiện tương tự lại diễn ra vào tháng 8/2022, khi hệ thống xử lý nước phục vụ cho Jackson, Mississippi, cũng bị quá tải bởi lũ lụt, khiến 150.000 dân không có nước sạch trong nhiều tuần. Đây không phải là một xu hướng ngắn hạn có thể đảo chiều, nó đã trở thành hiện tượng bình thường mới. Climate Central, một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận, nhận thấy trong thập niên 2010, các cơn bão, cháy rừng, bão nhiệt, và nhiều hình thái thời tiết cực đoan khác đã gây ra đến 60% nhiều hơn số lần mất điện trên nước Mỹ so với thập niên trước đó.

Sau đợt lạnh đến đóng băng của Texas là hỏa hoạn. Tháng 6/2021, một vòm nhiệt kỷ lục đã hình thành ở Tây Bắc Thái Bình Dương, đẩy nhiệt độ tại Portland, Oregon đến mức cao nhất là 46 độ C. Nhiệt độ cao biến những cánh đồng cỏ và rừng thành củi chín. Một ngọn lửa ở đông nam Núi Rainier do sét đánh vào tháng 8 đã trở thành siêu hỏa hoạn trong tháng 9 sau khi đã tàn phá hơn 40.000 ha. Khói từ đám cháy tỏa ra khắp khu vực và cả Canada, lởn vởn khắp lục địa, che phủ bầu trời của New York và gây báo động sức khỏe tại Toronto và Philadelphia.

Khi nhiệt độ tăng thêm, một người dự báo thời tiết tại Seattle đã lưu ý: "Trong hồ sơ khí hậu không có trường hợp nào tương tự, nên thật đáng lo ngại khi không có gì để so sánh phân tích."

Buổi sáng ngày 27/8, một chiếc máy bay trực thăng của Học viện Hải quân Mỹ đã đưa thiết bị xuống Vịnh Mexico để đo nhiệt độ của nước trong lúc Bão Ida tấn công về Louisiana. Thiết bị phát hiện nhiệt độ cao ở gần mặt nước, là một dấu hiệu xấu. Trong ngày hôm đó, Pat Harr, một nhà khoa học tại cơ quan theo dõi thời tiết cực đoan Jupiter Intelligence, đã gửi email đến khách hàng. "Cơn bão Ida đang hình thành dự kiến sẽ đi qua những khu vực đại dương có nhiệt độ cao trên Vịnh Mexico và nhanh chóng phát triển thành cấp độ CAT 3-5," Harr viết. "Hướng đi hiện tại của Ida là ngoài khơi LA và tối chủ nhật một cơn bão lớn sẽ quét qua phía Tây vùng Đồng bằng Mississippi."

Đó là một dự báo bất ngờ, và cũng chính xác đến ngạc nhiên. Vào lúc này, Ida vẫn còn là một cơn bão Cấp 1 tương đối yếu. Hai ngày sau, cũng là ngày kỷ niệm bão Katrina 16 năm trước, bão Ida đã đạt Cấp 4 với tốc độ gió duy trì 150 dặm/giờ khi nó tấn công vào Cảng Fourchon, trở thành cơn bão mạnh nhất từng đến tiểu bang này. Cái đuôi của Ida gây ra mưa xối xả xuống New Jersey và New York, hệ thống tàu điện ngầm của thành phố New York phải đóng cửa, hàng chục người chết vì bị kẹt trong tầng hầm.

Ida gia tăng sức bão quá nhanh do nhiệt độ nước cao bất thường ở Vịnh Mexico đã làm rối loạn các kế hoạch chuẩn bị. Các chuyên gia khí hậu bắt đầu lo lắng họ sẽ phải từ bỏ các mô hình cũ dùng để dự báo hướng đi và sức mạnh của bão. "Thời gian tăng tốc của cơn bão hầu như đã trung hòa mất lợi thế của việc quản trị nguy cấp, và như vậy đã làm tăng đáng kể nguy cơ của tài sản và con người," Jesse Keenan, một chuyên gia hàng đầu về nguy cơ tài sản trong các sự kiện thời tiết cực đoan, đã nói với tôi. "Lợi thế về mặt công nghệ mà chúng ta tích lũy từ các cơ quan phân tích khí hậu đã bị hóa giải trước tốc độ thay đổi gia tăng quá nhanh. Đến một lúc nào đó, chúng ta bắt buộc phải nhắm mắt mà bay."

***

Tấn công an ninh mạng. Thảm họa khí hậu. Khủng bố. Đại dịch. Mất điện. AI đen tối. Một tương lai toàn những điều cực đoan. Đây là thgoi của Marcus Schmalbach, là cân đường hộp sữa, là chuyện kinh doanh của anh. Schmalbach là CEO và nhà sáng lập Ryskex, một hình thái doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ tập trung vào thảm họa mang tính hệ thống. Cơn bão làm đứt gãy chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp. Cú rơi chết người làm ngừng hoạt động cả một đội bay của hãng hàng không. Vụ tấn công mạng phá hỏng danh tiếng của một công ty. Con virus tàn phá toàn bộ lực lượng lao động.

Vận dụng trí tuệ nhân tạo và blockchain, Schmalbach đã tạo ra một hạng mục tài sản để trao đổi hoàn toàn mới: rủi ro hệ thống. Với Ryskex, quỹ phòng hộ và ngân hàng có thể mua và bán rủi ro hệ thống giống như mua một thùng hạt ngô. Các công ty Fortune 500 có thể dùng nó để phòng hộ trước những cú sốc mang tính thảm họa.

Vào cuối những năm 2010, nó chỉ là một nỗ lực mới nhú. Thuở ban đầu, cũng giống như Mark Spitznagel trong những đầu tại Universa, Schmalbach chỉ có vài người đón nhận lời chào mời sản phẩm khác lạ và độc đáo như thế. Và rồi Covid-19 xảy ra. Rủi ro hệ thống đột nhiên trở nên hiện hữu rõ ràng, bạn có thể nghe nói hàng ngày trên báo, trên mạng xã hội. Đến cuối 2021, doanh nghiệp của Schmalbach với trụ sở tại Berlin và New York đã dàn xếp được gần một chục hợp đồng. Trong số các khách hàng của họ có hai công ty sản xuất ô tô mua bảo hiểm trước các sự kiện biến đổi khí hậu và một hãng hàng không lớn của Châu Âu mua bảo hiểm tránh cho kinh doanh bị gián đoạn – như trường hợp của đại dịch.

Đây không phải là một sản phẩm bảo hiểm thông thường. Các hợp đồng được thu xếp bằng blockchain, dịch vụ sổ cái Internet không thể truy soát được các giao dịch tài chính. Khác với bảo hiểm truyền thống có thể phải đợi nhiều tháng nhiều năm mới gặp trường hợp phải chi trả, đây là hình thức bảo hiểm tham số. Với bảo hiểm tham số, hoạt động chi trả xảy ra tự động khi có một điểm kích hoạt đạt ngưỡng. Giả dụ Công ty X mua bảo hiểm Ryskex đề phòng lũ lụt nghiêm trọng làm giá cổ phiếu của họ giảm 20%. Lũ lụt xảy ra, giá cổ phiếu giảm, và thế là tiền chi trả được thực hiện qua blockchain. Người chấp nhận rủi ro, là những người bán sản phẩm bảo hiểm, thường là các quỹ phòng hộ muốn kiếm nguồn tiền chênh lệch bảo hiểm ổn định, không khác gì mấy so với những công ty bán cho Universa các quyền chọn mua hợp đồng tương lai đã quá cách biệt với giá gốc chỉ có thể thu lợi khi thị trường sụp đổ.

Thật khó dự báo phương thức kinh doanh này có phát triển mạnh mẽ hay không. Schmalbach tin rằng rủi ro hệ thống là một hạng mục tài sản có giá trị lên đến 1.000 tỉ đô la – thậm chí còn cao hơn. Điều thú vị về Ryskex là họ đang cố gắng làm một điều mà hầu hết mọi người trong ngành bảo hiểm đều cho là không thể: định giá cho rủi ro hệ thống – đặt cái dấu đô la trước con Thiên nga đen.

***

Schmalbach bị thu hút vào thế giới ngành bảo hiểm từ rất sớm vì những đặc trưng riêng của nó. Mỗi năm có hai hội nghị lớn do ngành tái bảo hiểm tại Châu Âu tổ chức (tái bảo hiểm là các sản phẩm mà người bán bảo hiểm chọn mua để tự bảo vệ nếu gặp trường hợp phải chi trả bảo hiểm quá lớn). Một hội nghị là tại Monte Carlo. Một cái khác là tại Baden-Baden, một thành phố nghỉ dưỡng cổ kính ở miền tây nam nước Đức là Northern Black Forest, quê nhà của Schmalbach. Mỗi năm, dòng người bao gồm các doanh nhân trang phục lịch sự, đeo đồng hồ đắt tiền, đi xe hơi hào nhoáng, ví tiền dày cộp đột nhiên xuất hiện. Schmalbach cũng muốn tham gia trong nhóm này.

Schmalbach tốt nghiệp ngành bảo hiểm tại đại học, làm thực tập sinh tại tập đoàn tài chính lớn của Đức là Allianz, sau đó thì tìm được việc tại Munich Re, cũng là một tập đoàn lớn khác của Đức. Tại đây, anh chuẩn bị nghiên cứu tiến sĩ và giảng dạy về bảo hiểm và tài chính.

Sau một buổi giảng nọ năm 2015, một sinh viên tìm đến Schmalbach và nói, "Tôi nghĩ có điều gì đó thú vị với blockchain," người đó nói. "Nó ngày càng trở nên quan trọng. Tôi nghĩ nó có thể tàn phá toàn bộ ngành này."

Schmalbach từ lâu đã chú ý tìm kiếm các hình thức thay thế cho kiểu bảo hiểm truyền thống, mà anh cho là đã trở nên kém hiệu quả, bị ngăn trở bởi chuỗi cung ứng dòng tiền phức tạp, kéo dài, quan liêu. Từ gợi ý của người sinh viên, anh bắt tay tìm hiểu blockchain và sớm nhận thấy nó có thể là phương pháp bảo hiểm thay thế. Blockchain có một tính năng gọi là "hợp đồng thông minh," là một phần mềm có thể tự động thực hiện giao dịch khi thỏa các điều kiện nhất định. Vì thế nó trở thành công cụ lý tưởng cho bảo hiểm tham số, chuyên môn của Schmalbach. Nếu một hãng hàng không muốn bảo hiểm rủi ro bão cấp 5 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, thì hợp đồng sẽ ngay lập tức được kích hoạt và chi trả diễn ra nếu trên thực tế có một cơn bão cấp 5 xảy ra và ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh có thể đo lường, ví dụ như sân bay đóng cửa hơn một tuần.

Schmalbach nhớ lại một quyển sách đã đọc trong năm 2008 khi đang làm luận văn tiến sĩ: Thiên nga đen. Tỉ lệ rủi ro là bao nhiêu cho trường hợp một sự kiện thảm họa – Thiên nga đen – có thể làm phá sản một tập đoàn lớn như Tesla hay Apple? Những công ty Fortune 500 có thể gặp những rủi ro diệt vong gì? Loại hình sự kiện nào có thể gây ra ảnh hưởng sâu sắc, không thể đảo ngược trên bảng cân đối của một công ty?

Có lẽ khó mà tưởng tượng Tesla hay Apple đột ngột bị phá sản. Năm 2008, cũng khó mà tưởng tượng Bear Stearns hay Lehman Brothers and AIG bị phá sản. "Đó là những rủi ro hệ thống," Schmalbach nói với tôi. "An ninh mạng, đại dịch, biến đổi khí hậu. Chúng tôi định nghĩa và phát triển rủi ro thành một hạng mục tài sản."

Nhìn vào toàn bộ ngành bảo hiểm để tìm cách tiếp cận tương đương đối với những rủi ro một lần mang tính thảm họa, anh chỉ thấy một công ty duy nhất có sản phẩm tương tự: Lloyd's của London, công ty bảo hiểm có lịch sử hàng trăm năm với rất nhiều câu chuyện. Từ thời của Nữ hoàng Elizabeth, Lloyd's Coffee House, thuộc sở hữu của Edward Lloyd và có trụ sở gần sông Thames, là nơi tụ họp yêu thích của các thủy thủ và chủ tàu. Các chủ tàu này sở hữu rất nhiều tàu chở nô lệ; họ quan tâm đến một sản phẩm ngày càng phổ biến trong giới chủ hàng: bảo hiểm hàng hải. Mọi thứ phát triển từ đây.

Schmalbach hỏi thăm người quen tại Lloyd's xem cách họ đánh giá và định giá rủi ro hệ thống. Anh nhanh chóng đi đến kết luận rằng họ không hề có một mô hình mạnh mẽ. Họ giống như đang ném phi tiêu từ chỗ ngồi, giống như đánh bạc hơn là quản trị rủi ro.

Anh quyết định Ryskex phải tự mình làm hết mọi việc. Anh thuê một công ty phân tích có chuyên môn về trí tuệ nhân tạo, bắt đầu đổ vào đó dữ liệu để tạo ra một bộ chỉ số rủi ro toàn cầu và Ryskex từ đó điều chỉnh tùy theo từng khách hàng. Mô hình này thu thập dữ liệu từ Internet, tìm kiếm hình mẫu hay mối tương quan với các sự kiện cực đoan, quét các tờ báo như New York Times và Wall Street Journal. Mô hình này không tập trung vào dự báo sự kiện cực đoan như mô hình LPPLS của Sornette, mà nó chỉ được thiết kế nhằm đánh giá xác suất dựa trên hàng loạt các yếu tố khác nhau để giúp khách hàng nhìn nhận nguy cơ của mình nếu chẳng may chạm trán với thảm họa. Nếu bạo lực tăng mạnh tại Mỹ, dữ liệu lịch sử cho thấy có tác động ngược đến số lượng người Châu Âu du lịch đến Mỹ, và như vậy có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng hàng không. Sau mỗi lần tấn công khủng bố số lượng xe hơi bán ra bị sụt giảm. Đây là những gì diễn ra với chuỗi cung ứng nếu thế giới gặp phải một đợt Covid-19 khác, vân vân.

Với cỗ máy AI, Schmalbach tạo ra Chỉ số Rủi ro Toàn cầu VUCA, viết tắt của tính biến động, không chắc chắn, phức tạp, và mơ hồ. Được giới thiệu từ cuối thập niên 1980 bởi ĐH Quân sự Mỹ giữa bối cảnh mờ mịt kết thúc chiến tranh lạnh, VUCA đã được áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp (và nhiều chuyên gia tư vấn quản trị kinh doanh) để giúp ban lãnh đạo xử lý khủng hoảng và thảm họa. Thuật toán của Schmalbach dựa trên thước đo này và tự động hóa nó để đo lường rủi ro cho đại dịch, tấn công mạng, trái đất nóng dần lên, khủng bố... Về lý thuyết, chỉ số này thể hiện cho công ty thấy mức độ dễ tổn thương của họ và các hạn chế rủi ro của mình.

Dẫu sao, đây cũng chỉ mới là ý tưởng trên giấy. Schmalbach có một ý tưởng độc đáo – nhưng lại chưa có khách hàng nào. Anh phải lăn lộn trên thị trường để khua chiêng đánh trống thu hút chú ý. Hầu hết những công ty anh tiếp xúc đều không quan tâm. Anh nhận thấy đó là do mình đang bán sai sản phẩm – xem nó là bảo hiểm. Thay vào đó, anh nói với khách hàng đây là cấp vốn cho rủi ro. Bạn có nguy cơ gặp phải rủi ro này, anh giải thích. Nếu bạn trả một khoản tiền là X, thì phần rủi ro này không còn nằm trên sổ sách – giống như các nhà đầu tư vào Universa trả tiền để loại bỏ rủi ro một cú sụp đổ thị trường (hay ít nhất cũng là giảm tác động của nó lên bảng cân đối). Cách chào hàng này có vẻ hiệu quả với một vài công ty.

Sau đó anh bắt đầu tiếp xúc với một nhóm trên Phố Wall mà anh nghĩ có quan tâm đến việc cấp vốn cho rủi ro – các ngân hàng đầu tư. Anh gặp lãnh đạo của J.P. Morgan, Goldman Sachs, Morgan Stanley, và nhiều ngân hàng khác. Câu trả lời thống nhất của họ là: Tại sao chúng tôi phải mua? Có vẻ như nó quá rủi ro.

Schmalbach bắt đầu thảo luận kế hoạch của mình với John Thomson, một cựu binh trong ngành bảo hiểm và là phó trưởng khoa tại Trường Kinh doanh Barney của ĐH Hartford. Thomson cho rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng ông cũng nhận thấy những thách thức của Schmalbach. Sai lầm lớn nhất của anh, Thomson nói, đó là đặt trụ sở công ty tại Vermont, nơi đây có môi trường kinh doanh thân thiện đối với một số hình thức công ty bảo hiểm, nhưng lại không có nguồn vốn.

"Tôi sẽ nhìn vấn đề theo một hướng khác," Thomson nói với Schmalbach. "Anh cần ở gần trung tâm tài chính thế giới. Burlington, Vermont thì không được rồi. Tôi nghĩ anh nên chuyển về càng gần ba tiểu bang New York, New Jersey, Connecticut càng tốt. Đây là thủ đô tài chính của thế giới. Nơi đó tốt hơn nhiều."

"Quan chức ở Vermont nói họ muốn làm việc với tôi," Schmalbach nói, ám chỉ những người làm luật cho ngành bảo hiểm của tiểu bang.

"Đúng là họ nói thế thật, nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì," Thomson trả lời.

Theo lời của Thomson thì Schmalbach có ý tưởng hay, nhưng lại không có tiền.

Hãy tìm đến nơi nào có tiền.

Mùa thu năm 2020, Schmalbach nhận được cuộc gọi từ Andrew Mais, ủy viên bảo hiểm của bang Connecticut. Mais cho biết ông có nghe Thomson nói về sản phẩm của Schmalbach và cảm thấy quan tâm. Ông cảm thấy ngành bảo hiểm đã thất bại ở những điểm cơ bản nhất trong cơn đại dịch, khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với rủi ro không lường trước. Nó đã không thể bảo vệ cho doanh nghiệp và gia đình khỏi những tác động ngày càng tồi tệ của thời tiết cực đoan.

Mais nói với Schmalbach rằng mình có thể giúp anh tiếp cận nguồn vốn mà Thomson đã từng đề cập.

Ông muốn nói đến mảnh đất khởi nghiệp của Taleb và Spitznagel – vùng đất của quỹ phòng hộ: Greenwich, Connecticut.

Schmalbach nhanh chóng bắt tay vào gõ cửa các quỹ phòng hộ tại Greenwich. Nhiều người tỏ ra hoài nghi. Các sản phẩm này là cực kỳ rủi ro và cơ chế blockchain khiến họ phải chi trả gần như tự động – thường là trong vòng 48 giờ - thay vì bình thường một công ty bảo hiểm chỉ phải thanh toán sau nhiều tháng hay nhiều năm. Điều này có nghĩa là quỹ phòng hộ bán sản phẩm bảo hiểm cần phải sẵn sàng hoàn thành nghĩa vụ chi trả ngay khi có yêu cầu. Nó lại gắn liền với những rủi ro vô cùng lớn, và gần như không thể định lượng.

Nhưng một số người khác thì thấy thú vị. Thương vụ này có những khía cạnh phức tạp, hấp dẫn, thu hút những quỹ phòng hộ có tỉ lệ định lượng cao như bầy ong bay đến hũ mật. Đến cuối năm 2021, Schmalbach đã ký được 6 hợp đồng trị giá khoảng 3 tỉ đô la (nghĩa là, sản phẩm được bảo hiểm có giá trị 3 tỉ đô la).

Đến năm 2022, Schmalbach một lần nữa nghe theo lời khuyên của Thomson, mở văn phòng tại Hartford, Connecticut, thuận tiện ở gần các nhà làm luật bảo hiểm của tiểu bang và cách Greenwich chỉ 45 phút lái xe. Tích cực mà nói, dường như không thiếu các công ty tìm kiếm sản phẩm bảo hiểm hệ thống để bảo vệ họ tránh những thảm họa từ tấn công mạng đến cháy rừng đến lũ lụt.

Rủi ro liên quan đến khí hậu là mối lo lớn nhất, các lãnh đạo nói với Schmalbach. Các công ty ở California, Texas, Florida, và nhiều nơi khác ngày càng lo lắng nhiều hơn về tác động của bão, lũ quét, cháy rừng đối với nhà máy và chuỗi cung ứng của họ.

Một lo lắng khác: rủi ro tiềm ẩn của phát thải khí carbon chìm sâu trong chuỗi cung ứng của công ty khi các nhà làm luật ngày càng ép buộc công ty phải công bố lượng phát thải trong báo cáo của công ty. Một công ty sản xuất ô tô hạng sang của Đức nói với Schmalbach rằng họ ngày càng lo ngại chuỗi cung ứng kéo dài của mình có thể phát thải khí CO2 nhiều hơn mức họ công bố. Nếu bị vạch trần la họ đang công bố báo cáo sai lệch về phát thái khí, công ty có thể đối mặt hàng tỉ đô la tiền phạt. Họ không lo ngại về nhà cung cấp trực tiếp các phụ tùng, hay nhà cung cấp cho nhà cung cấp. Họ lo lắng về nhà cung cấp của nhà cung cấp của nhà cung cấp của nhà cung cấp, rẽ nhánh đâu đó vài lớp trong chuỗi cung ứng. Giả sử, một công ty tại Thái Lan cung cấp một nguyên liệu được dùng trong lớp sơn xe hơi có lượng phát thải khí nhà kính cao, công ty sản xuất ô tô lo ngại họ sẽ bị phạt nặng vì đã không tiết lộ thông tin này – cho dù có thể là vì họ không biết đến những phát thải đó.

Nhưng khi Schmalbach mang đến chào cho quỹ phòng hộ một sản phẩm tài chính được thiết kế để bảo vệ công ty sản xuất ô tô Đức, quỹ đòi một khoản phí cao hơn mức mà công ty sẵn sàng chi trả. Rủi ro hệ thống vô hình hóa ra rất khó định giá.

Một rủi ro khác liên quan đến khí hậu mà các công ty càng lo ngại là những vụ cháy rừng không thể kiểm soát ngày càng tăng tại miền Tây, nơi có những trung tâm lưu trữ dữ liệu khổng lồ trị giá hàng tỉ đô la thuộc sở hữu của những ông khổng lồ công nghệ như Microsoft, Google, Apple, Amazon. Nếu một vụ hỏa hoạn gây mất điện và làm ngừng hoạt động một hay nhiều hơn trong số các trung tâm dữ liệu này, làm mất khả năng cung cấp dịch vụ cho toàn bộ khách hàng của công ty, thì tác động tài chính có thể là vô cùng thảm khốc cả về mặt uy tín và tiền bạc. Đây là một sự kiện có xác suất thấp – nhưng lại có tác động nghiêm trọng, thảm họa.

Giải pháp: Ryskex và quỹ phòng hộ phía sau của họ sẵn sàng gánh rủi ro này.

Ai dám nghĩ Ryskex vậy mà thành công? Năm 2022, khi cuộc chiến tranh giành lãnh thổ nổ ra tại Châu Âu và râm ran bàn luận về chiến tranh hạt nhân như một nguy cơ thật sự, rủi ro hệ thống đột nhiên xuất hiện trong đầu tất cả mọi người. Biến đổi khí hậu, đại dịch không thấy hồi kết, nguy cơ tấn công mạng luôn lơ lửng – thế giới dường như đang chuông treo mành chỉ trước một thảm kịch mới. Và Ryskex dường như có giải pháp cho những ai muốn được bảo vệ tránh khỏi hỗn loạn sắp đến.

Cũng không hẳn là điên rồ khi cho rằng Schmalbach có thể thành công. Lịch sử đã có nhiều trường hợp một công cụ đặc biệt trở thành sản phẩm cốt lõi trên Phố Wall. Trong thập niên 1970, rất ít nhà giao dịch từng nghe nói đến quyền chọn, lại càng không biết phải định giá như thế nào. Trong thập niên 1990, một sản phẩm khác có đặc tính giống bảo hiểm – là hợp đồng hoán đổi nợ xấu – cũng chỉ mới manh nha là ý tưởng được vẽ ra trên tấm bảng trắng của các nhóm chuyên gia tài chính định lượng của Phố Wall. Đến 2008, loại hợp đồng hoán đổi này có giá trị hàng ngàn tỉ đô la, euro, yên và lan rộng khắp mọi ngõ ngách của hệ thống tài chính toàn cầu như một con virus không thể ngăn chặn.

Và rồi sau đó chúng nổ tung, gây ra sụp đổ cho hệ thống khiến nó đến nay vẫn chưa thể hồi phục.

***

Vào đầu những năm 2020, Schmalbach không phải là người duy nhất trong ngành bảo hiểm nghiên cứu về rủi ro hệ thống, vốn dĩ là một chủ đề cấm kỵ trong ngành. Bộ khung toán học chống đỡ ngành bảo hiểm là Định luật Số lớn, địa hạt vững vàng của đường cong hình chuông với chiếc tháp béo mập, an toàn, có thể dự đoán. Rủi ro tử vong của một người hút thuốc kinh niên ở tuổi 75 là bao nhiêu? Tỉ lệ bị thương của công nhân làm việc trong mỏ đồng tại Arizona là bao nhiêu? Tỉ lệ thường xuyên lái xe gây tai nạn của một nam thanh niên 16 tuổi là bao nhiêu? Ngành bảo hiểm có thể tính toán những con số này trong chớp mắt, chính xác đến con số thập phân thứ n.

Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Bảo hiểm lũ lụt, bảo hiểm hỏa hoạn, bảo hiểm sự kiện thảm họa đều bị đảo lộn hoàn toàn vì quá khứ không còn là yếu tố tin cậy để dự báo tương lai. Rủi ro hệ thống bỗng dưng trở thành chủ đề nóng. Các sếp trong ngành bảo hiểm nhìn thấy Thiên nga đen đáng sợ của Taleb ở khắp mọi nơi. Aon PLC, một tập đoàn bảo hiểm lớn của Anh-Mỹ, cho biết họ không tập trung vào Thiên nga đen, mà chú ý đến Thiên nga xám, là những sự kiện cực đoan, hiếm gặp nhưng có khả năng được dự báo, giống như Vua Rồng của Sornette.

"Chúng tôi chứng kiến các khách hàng khắp thế giới sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của mình," CEO của Aon, Greg Case, phát biểu tháng 4/2021 khi giới thiệu dự án nghiên cứu mới, Tôn trọng Thiên nga xám. "Đó cũng là lý do tại sao, ngay lúc này, hơn bao giờ hết, các khủng hoảng danh tiếng vẫn là một trong những nỗi lo lớn nhất đối với các tổ chức trên thế giới. Rõ ràng, cách phản ứng của các lãnh đạo trước những rủi ro Thiên nga đen hay các sự kiện hy hữu là một chỉ báo quan trọng về sức mạnh lãnh đạo của họ nói riêng và của doanh nghiệp nói chung."

Năm 2020, Lloyd's of London, có lẽ bị thúc đẩy sau thảo luận với Schmalbach, đã đề xuất ý tưởng về một sản phẩm tái bảo hiểm Thiên nga đen được chính phủ bảo trợ để giúp doanh nghiệp phòng hộ trước các cú sốc hệ thống như: tấn công mạng, bão mặt trời, đại dịch (sau hai năm, nó vẫn chỉ là ý tưởng). Tháng 2/2021, Lloyd's đã có dự án Futureset để tái định nghĩa vai trò của ngành bảo hiểm trong một thế giới ngày càng rủi ro và hỗn loạn. Dự án bao gồm một loạt các thảo luận được phát sóng mang tên Lớp học Chuyên gia về Rủi ro Hệ thống, là nơi tụ họp của những nhà tư tưởng và nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới trong ngành bảo hiểm.

Trong bài phát biểu mở đầu cho loạt Lớp học, John Neal, CEO của Lloyd's nói rằng rủi ro hệ thống là một thách thức mà ngành bảo hiểm cần phải xử lý, nhưng đây chính là một vấn đề cực kỳ thách thức.

"Thế nào là rủi ro hệ thống hay một sự kiện thảm kịch mang tính hệ thống?" ông đặt câu hỏi. "Rủi ro hệ thống, hay sự kiện Thiên nga đen, là những vấn đề khó mà định lượng, thấu hiểu, hay bảo vệ phòng ngừa. Khi sự việc nó diễn ra trở thành sự kiện thảm kịch hệ thống, nó có thể tác động trên quy mô toàn cầu, tấn công nhiều ngành nghề lĩnh vực, nhiều quốc gia, và hàng tỉ người cùng lúc, với những hệ quả nhiều khả năng là vô cùng tàn khốc." Một ví dụ cho trường hợp này: đại dịch Covid-19. Những cơn đại dịch sau này "sẽ còn nguy hiểm hơn, để lại hệ quả tai hại hơn," Neal nói.

Neal liệt kê thêm ví dụ về các rủi ro hệ thống đang rình rập khác. Một cơn bão mặt trời địa từ khắc nghiệt có thể làm mất những hạ tầng quan trọng như nguồn điện, GPS, và hạ tầng giao thông trên khắp thế giới suốt nhiều ngày hay nhiều tháng. Trái đất nóng dần lên với tốc độ nhanh hơn trở thành hệ số nhân rủi ro làm trầm trọng thêm cháy rừng, lũ lụt, và nhiều thảm họa thiên nhiên khác. Bệnh động vật. Thiếu hụt hực phẩm hay nguồn nguyên liệu thiết yếu, tạo ra cú sốc chuỗi cung ứng toàn cầu. Mạng lưới điện gặp sự cố lan rộng. Mạng lưới viễn thông gặp sự cố lan rộng. Tấn công mạng khắp nơi.

"Mặc dù những kịch bản này nghe có vẻ cực đoan, nhưng trong xã hội liên kết chặt chẽ này, thì chúng có nhiều khả năng xảy ra hơn so với hình dung của chúng ta," Neal cảnh báo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#taichinh