Chương 6: Vấn đề con gà tây

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Brandon Yarckin vẫn luôn là một cá thể nhiều mâu thuẫn. Khi còn thiếu niên, anh là một người thấp bé và gầy. Nhưng cái đầu của anh lại rất lớn khiến cho bạn bè nói đùa là nhìn anh giống như trái cam gắn lên cây tăm. Khi gia nhập đội bóng chày của trường trung học, anh phải đội mũ của đội trường đại học thì mới vừa cái đầu của mình. Anh là một người có bản tính bảo thủ nhưng lại say sưa các chiêu trò trượt ván táo bạo. Năm 17 tuổi anh đậu vào ĐH Duke, trong tay đã tích lũy đủ một năm tín chỉ từ các lớp nâng cao ở trường trung học, anh quyết định chọn ngành kinh tế học – và cũng ngay lập tức xác định các nguyên lý trung tâm của lý thuyết kinh tế học hiện đại đều là nhảm nhí.

"Bài giảng đầu tiên là về thị trường hiệu quả," anh nhớ lại, ý muốn nói đến lý thuyết cho rằng giá cả trên thị trường phản ánh tất cả thông tin có sẵn, do đó khiến cho chúng hoàn toàn hiệu quả. Lý thuyết này là hệ luận của giả thuyết bước đi ngẫu nhiên, theo đó tương lai của thị trường là không thể biết trước, là cú tung đồng xu ngẫu nhiên. "Giáo sư dành hết cả buổi để giảng về thị trường hiệu quả. Tôi giơ tay đặt ra những câu hỏi hoài nghi. Tôi thấy nó thật ngu ngốc. Chẳng hợp lý gì cả. Tại sao người ta lại tham gia thị trường?"

Đây là câu hỏi hóc búa làm xoắn não của rất nhiều sinh viên ngành kinh tế. Nếu thị trường lúc nào cũng hiệu quả, tại sao lại còn tồn tại nhà môi giới? Theo lý thuyết, nhà giao dịch là phương tiện để giúp cho thị trường hiệu quả. Nếu cổ phiếu có giá quá cao, người ta sẽ bán nó. Nếu cổ phiếu có giá quá thấp, người ta sẽ mua. Nhưng quá cao hay quá thấp dường như đã vi phạm vào giả thuyết thị trường hiệu quả, mà cũng theo giả thuyết này thì người giao dịch không thể nào liên tục chiến thắng thị trường. Làm sao mà thắng được khi thị trường lúc nào cũng đúng?

Mặc dù Yarckin còn hoài nghi, sau ba năm theo học anh vẫn tốt nghiệp với tấm bằng kinh tế học và năm 2000 bắt đầu phỏng vấn tìm việc tại các tổ chức tài chính lớn ở New York. Anh đã từ chối lời mời của Morgan Stanley. Sau đó anh nhận được lời mời hấp dẫn về làm phòng kinh doanh của Cantor Fitzgerald, lôi kéo khách hàng vào các giao dịch khác nhau, tại văn phòng của họ trên tầng 107 của tòa World Trade Center. Anh vừa định nhận việc nơi này thì lại có một lời mời khác từ KBC Financial Products (sản phẩm tài chính là thuật ngữ của Phố Wall dùng để chỉ sản phẩm phái sinh). KBC là một công ty môi giới tinh hoa vừa được tách ra từ D. E. Shaw, quỹ đầu tư khổng lồ tại New York đã gây thống khổ lớn cho Donald Sussman năm 1998. Nó được mua lại bởi KBC Bank, một công ty của Bỉ muốn thâm nhập vào ngành tài chính đang bùng nổ tại Mỹ.

Yarckin nhận lời đi làm cho KBC. Một năm sau, tất cả mọi nhân viên của Cantor đi làm buổi sáng ngày 11/9 tại World Trade Center đều đã chết.

Cùng với KBC, Yarckin đứng ở trung tâm ngành phái sinh biến hóa đầy ảo diệu của New York. Công việc của anh là tìm kiếm đối tác giao dịch cho các khách hàng của KBC. Nếu có một khách hàng gọi đến và nói, "Tôi muốn mua 10.000 quyền chọn bán IBM," thì nhiệm vụ của Yarckin là gọi cho tất cả mọi người quen biết tại các công ty khác để cố gắng tìm người bán ra 10.000 quyền chọn bán này. Nhưng quan trọng hơn, Yarckin phải tìm ra được giao dịch có giá rẻ hơn đối thủ cạnh tranh, mà kỹ năng này được anh nhanh chóng thành thạo.

Năm 2001, Yarckin bay đến Tampa Bay để tham dự một hội thảo về quyền chọn. Trong lúc giải lao, anh đứng xếp hàng lấy món ăn trưa. Đứng trước anh là một người đàn ông đầu hói với bộ râu muối tiêu – Nassim Taleb. Hai người bắt đầu trò chuyện, và sau khi lấy đồ ăn, thì cùng ngồi chung bàn. Như thường lệ, Taleb là người nói chủ yếu.

Sau khi quay lại New York, Yarckin tìm hiểu thêm về Empirica và người đứng đầu giao dịch tại đây, Mark Spitznagel. Anh lập tức nhận ra Empirica là một khách hàng lý tưởng. Trong vòng vài tháng sau đó, Yarckin liên tục nhì nhằng với Spitznagel để anh phụ trách các yêu cầu mua bán của Empirica. Hai bên rất hợp ý nhau. Họ có nhiều mối quan tâm chung, ví dụ như triết lý chính trị của chủ nghĩa tự do và trượt ván. Chẳng bao lâu sau, cả hai đã thách đấu nhau trên con đường nguy hiểm bao quanh Central Park và những tài xế taxi "cảm tử." Yarckin liền trở thành người môi giới lớn nhất của Empirica.

Taleb và Spitznagel đã có bước khởi đầu ấn tượng trong năm 2000. Gần như phải nói là họ quá may mắn, trộm vía. Họ giống như đang sở hữu chiếc máy in tiền khi bong bóng dot-com sụp đổ đến choáng váng. Có những lúc ngày nào họ cũng có lời, và tổng kết năm họ thu lợi được gần 60% - một kết quả khủng khiếp trong khi nhiều quỹ đầu tư khác đang loạng choạng. Donald Sussman, lúc này là người đầu tư duy nhất của Empirica, rất hài lòng với thử nghiệm nhỏ này.

Văn phòng của họ nằm ở vùng ngoại ô Greenwich, khá khiêm tốn với một phòng giao dịch nhỏ nhìn ra khoảng cây xanh rộng lớn. Tiếng ầm ì từ máy bay lên xuống ở sân bay Westchester County gần đó giống như một loại tiếng ồn trắng diễn ra phía sau, cạnh tranh với điệp khúc của Bach, Mahler, Wagner. Một chiếc TV bị tắt tiếng đang mở kênh tài chính CNBC treo trong góc phòng. Các bức tường chủ yếu là trống trơn, ngoại trừ một tấm bảng trắng khổng lồ lúc nào cũng chằng chịt những phương trình toán học không thể đọc nổi, và một bức tranh nhỏ vẽ bằng bút mực về Karl Popper, người được miêu tả trong bài đặc san giới thiệu của Gladwell trên tờ New Yorker là thánh bảo trợ cho Empirica. (George Soros là một học trò khác của Popper.)

Một trong những triết lý quan trọng nhất của Popper, Nguyên tắc Phản nghiệm, cho rằng khoa học không tiến bộ bằng cách chứng minh định lý là đúng, mà tiến bộ bằng cách chứng minh giả thuyết là sai. Do đó niềm tin của người châu Âu rằng tất cả thiên nga đều có màu trắng đã bị chứng minh là sai khi các thủy thủ phát hiện ra thiên nga đen ở Úc. "Cho dù có gặp được thiên nga trắng bao nhiêu lần cũng không thể chứng minh được giả thuyết cho rằng tất cả thiên nga đều màu trắng. Chỉ cần bắt gặp một con thiên nga đen đã đủ để phủ nhận mệnh đề trước," Popper đã viết trong tác phẩm The Logic of Discovery, 1934.

Lý thuyết này là một công thức để cẩn trọng, đặc biệt đối với một nhà giao dịch tham gia các sản phẩm phái sinh phức tạp, là vũ khí hủy diệt hàng loạt của Buffett. Bạn có thể cho rằng mình hiểu hết về thế giới xung quanh, biết nó sẽ đi về đâu, và tại sao. Phản nghiệm cho rằng, thực tế, bạn không hiểu đâu – và Thiên nga đen đang lẩn khuất đâu đó trong góc chỉ đợi cơ hội chứng minh là bạn sai.

Để minh họa cho ý kiến này, Taleb thường dùng ví dụ về con gà tây trong dịp Lễ Tạ ơn. Ông gọi nó là Vấn đề con gà tây. Mỗi ngày trong đời, con gà tây đều được bác nông dân cho ăn. Con chim này (một con chim đặc biệt có khả năng suy nghĩ trừu tượng) giả thuyết rằng tình trạng này sẽ kéo dài mãi mãi, rằng người nông dân có tình yêu sâu sắc dành cho gà tây. Đến ngày Lễ Tạ ơn, xuất hiện vấn đề điêu tàn của nó, Thiên nga đen. Triết gia người Anh Bertrand Russell cũng sử dụng hình ảnh ẩn dụ này, nhưng thay vì con gà tây thì ông lấy ngay ví dụ về con gà bình thường. Trước đó nữa, triết gia siêu hoài nghi Scot David Hume cho rằng không ai biết một cách chắc chắn tuyệt đối rằng ngày mai mặt trời sẽ mọc, đây là Vấn đề Quy nạp trong triết học. Cách nhìn nhận sự việc như thế làm giảm khả năng tiên đoán cho các sự kiện tương lai từ 100% xuống mức thấp hơn. Ví dụ, chúng ta có thể tuyên bố rằng chúng ta tin mặt trời sẽ mọc với mức độ chắc chắn là 99,9999, dựa trên tất cả những buổi sáng mà mặt trời đã mọc. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể nói chắc chắn 100%. Nào ai biết được, lỡ đâu có một cái hố đen từ phòng thí nghiệm của một nhà khoa học điên rồ nào đó sẽ nuốt chửng toàn bộ hệ mặt trời chỉ trong một nano giây.

Lấy cảm hứng từ các cuộc tranh luận về những vấn đề như Bài toán Quy nạp và Bài toán Gà tây, Empirica rất giống như một phòng thí nghiệm tiến hành theo thời gian thực khi Taleb và Spitznagel tìm kiếm chiến lược tối ưu để thu lợi từ các vụ sụp đổ, đồng thời giảm thiểu thua lỗ. Sử dụng những chương trình máy tính có những cái tên như Igor, công ty mỗi đêm sẽ tải về hàng trăm ngàn hợp đồng quyền mua. Ngày hôm sau, chương trình máy tính sẽ đề xuất một loạt giao dịch. Taleb và Spitznagel tìm được con đường riêng trong giao dịch đi ngược chiều dòng chảy của các tổ chức lớn và biết rõ cách chọn vị thế của các nhà giao dịch khác nhau – từ đó tìm được lợi thế về giá. Bằng cách theo dõi các nhà giao dịch cần phải xoay vòng và hạ bớt các vị thế lớn họ đã tích lũy từ khách hàng, Spitznagel biết phải nhắm vào đâu để có giá tốt nhất. Ví dụ, nếu Goldman Sachs có một khách hàng muốn bán 1 triệu đô la quyền chọn bán cổ phiếu S&P 500 đang thua lỗ quá mức, những người dò la của Spitznagel trên Phố Wall biết ông lúc nào cũng hứng thú mua những quyền chọn này, sẽ gợi ý cho ông về cơ hội giao dịch tiềm năng. Các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư khác thường bán quyền chọn bán cho ngân hàng vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là vì họ dễ dàng thu được tiền mặt sau khi bán – đây là một cách ổn định để kiếm thu nhập của quỹ đầu tư (miễn là thị trường đừng sụp). Người bán không thể tin vào vận may của mình. "Mấy thằng ngu này là ai vậy, sao lại mua cái thứ rác rưởi này?" họ nghĩ. "Làm gì có chuyện thị trường sụp 20% trong tháng sau." Empirica trở thành một thằng ngu ổn định đang đứng ở phía đối diện trong những vụ giao dịch điên khùng này.

"Đây là một quá trình khám phá, đây là một phòng thí nghiệm, và chúng tôi đang tìm nghiệm cho mọi thứ," Spitznagel nhớ lại. "Chúng tôi nhúng tay vào mọi thứ." Spitznagel phụ trách bàn giao dịch. Taleb nghiên cứu các vấn đề toán học và gặp gỡ nhà đầu tư.

Nhiều lúc Spitznagel trở lại hình tượng tay chó điên giao dịch trên sàn hàng hóa khi hét lên với các nhà môi giới qua điện thoại. "Đồ thứ nhảm nhí mà anh cũng biết là nhảm nhí!" ông hét lên, mặt đỏ ngầu, khi được báo giá cho rổ quyền chọn mà ông biết là giá ảo. "Một tuần nữa cũng đừng gọi cho tôi!" và ông dập máy.

Chiến lược đặt cược vào sụp đổ của Empirica được thiết kế ra để kết hợp với các chiến lược khác để cân bằng danh mục rủi ro của công ty. Quá rủi ro với cổ phiếu? Hãy thêm một chút Empirica. Nó không phải là chiến lược độc lập. Không ai chịu đổ hết tiền vào quỹ đầu tư kiểu Empirica, ngồi nhịp tay suốt nhiều năm đợi thị trường sụp đổ.

Nó cũng hoàn toàn độc đáo. Suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, chiến lược nhìn giống như một kẻ thất bại. Như Klipp đã nói, anh phải có bề ngoài như kẻ khốn nạn và cảm thấy mình đúng là khốn nạn. Và rồi, đột ngột, nó thành công như một hiện tượng. Spitznagel so sánh nó như một nghệ sĩ dương cầm còn không biết cầm đũa mà chỉ qua một đêm đã trở thành nghệ sĩ điêu luyện không thua kém gì Rachmaninoff.

Taleb và Spitznagel có cách tiếp cận trái ngược hoàn toàn trong giao dịch. Spitznagel làm việc hoàn toàn theo sách vở, tuân thủ theo hệ thống chính xác mà họ đã thiết lập và thử nghiệm – giao thức Thiên nga đen. Taleb thì cảm tính hơn, đôi khi giao dịch theo trực giác chứ không theo một công thức sẵn có, với hy vọng sẽ chạy trước một đợt biến động. Hôm nay mình bi quan đến mức nào? Taleb có thể tự hỏi khi ngồi xuống trước chiếc máy Bloomberg của mình. Ông cảm thấy bứt rứt khi Spitznagel mở nhạc của nghệ sĩ yêu thích của ông ấy là Mahler. "Mahler không tốt cho biến động," ông phàn nàn.

Ở cuối hành lang, một quỹ đầu tư khác do Sussman tài trợ cũng đang thành lập – Amaranth Advisors. Empirica dùng chung khu vực vệ sinh với công ty này. Sáu năm sau, họ bị nổ tung vì những ván cược tồi tệ vào khí thiên nhiên, mất gần 7 tỉ đô la chỉ trong vài ngày – vào thời đó là vụ sập quỹ lớn nhất trong lịch sử tài chính hiện đại, vượt qua cả thất bại kinh điển của Long-Term Capital Management. May mắn cho Sussman là ông ấy đã rút lui khỏi quỹ này trước đó vài năm, vì cho rằng nó đã quá lớn.

Taleb vẫn tiếp tục giảng dạy tại NYU. Sau giờ dạy, ông thường ngồi ở The Odeon, một nhà hàng thời thường tại Tribeca, trao đổi ý tưởng và tư duy với bạn bè như Aaron Brown và Neil Chriss về các chủ đề toán học, triết học, cờ vua, thơ ca, vật lý học. Spitznagel từng tham dự một lần và không thích chút nào. Đối với ông ấy, những cuộc trao đổi này quá sức lý thuyết, triết học, suy đoán – không dựa trên thực tế rõ ràng và lạnh lùng về cách vận hành của thế giới.

Thành tích nổ tung bảng giá của Empirica năm 2000 đã gây được tiếng vang với những khu tụ tập bàn chuyện trên Phố Wall. Quỹ đầu tư này hoạt động theo đúng nguyên tắc của một quỹ phòng hộ - rẽ trái khi toàn bộ thế giới rẽ phải. Theo nghĩa đen, nó là một quỹ phòng hộ thuần khiết. Các nhà đầu tư bên ngoài bắt đầu tranh giành để được tham gia. Taleb là một người đại diện kỳ quặc. Một trong những điểm kỳ quặc đó là niềm đam mê đạp xe. Hầu như ngày nào cũng vậy, miễn là thời tiết phù hợp, ông sẽ đạp xe khoảng 16 km từ nhà mình ở Larchmont đến văn phòng Paloma tại Greenwich. Sau đó, ông cũng không thay bộ đồ đạp xe bó sát thành bộ đồ tây, cũng không thay thành quần jean, thậm chí là khi gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng. Có một ngày, Yarckin dẫn theo một nhóm từ KBC. Và trước mặt họ là Taleb trong bộ đồ đạp xe, râu còn dính vụn bánh mì. Khi họ hỏi ông về chiến lược và dự báo thị trường – những câu hỏi tiêu chuẩn mà mọi nhà đầu tư đều đặt ra cho giám đốc quản lý trước khi quyết định bỏ ra hàng triệu đô la – Taleb tỏ ra mất kiên nhẫn.

"Ai mà quan tâm đâu," ông ngắt lời. "Đừng hỏi mấy câu ngu ngốc."

Họ đã không đầu tư.

Đó là thời điểm bắt đầu bùng nổ các quỹ đầu tư phòng hộ khi có sự gia nhập của các nhà đầu tư tổ chức như quỹ hưu trí. Quỹ phòng hộ vẫn luôn được xem là vùng đất Cao bồi trong thế giới đầu tư, chịu sự kiểm soát của những tay súng như George Soros hay Paul Tudor Jones, sẵn sàng đặt cược hàng tỉ đô la chỉ dựa trên trực giác. Nhưng càng ngày, với sự nổi lên của chiến lược giao dịch dựa trên toán học xuất phát từ một thế hệ nhà giao dịch mới được gọi là "tài chính định lượng," quỹ phòng hộ ngày càng được xem trọng hơn trong những vùng đất trầm tĩnh hơn của Phố Wall. Năm 1999, chỉ có 189 tỉ đô la tài sản thuộc quyền quản lý của quỹ phòng hộ. Đến năm 2007, gay trước khi Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu, quỹ phòng hộ quản lý 2.300 tỉ đô la (và con số này là 5.100 tỉ đô la năm 2022).

Bất chấp sự yêu thích của các tổ chức đối với quỹ phòng hộ, cỗ máy của Empirica bắt đầu khục khặc năm 2001. Thị trường đã tìm lại được nền tảng và giảm tính biến động. Áp lực mỗi ngày đều mất tiền bắt đầu đè nặng lên Taleb. Ông và Spitznagel bắt đầu có những trận đấu khẩu nặng nề về lý thuyết toán học bí ẩn ví dụ như ý nghĩa của phân bổ Pareto-Levy, là một phương pháp định lượng để đo lường các hiện tượng cực đoan. Nhưng tranh cãi cũng không ảnh hưởng đến tình bạn và sự tôn trọng dành cho nhau, và thường thì cả hai chọn đi bộ thật lâu trong khu rừng bên ngoài khuôn viên văn phòng Paloma, vừa đi vừa chia sẻ ý tưởng để cải tiến chiến lược cho Empirica.

***

Một tuần trước vụ tấn công ngày 11/9, Taleb đã xuất bản quyển sách đầu tiên dành cho độc giả nói chung, Trò đùa của sự ngẫu nhiên. Đây là tập hợp các bài tiểu luận nổi tiếng và đa dạng các chủ đề như tâm lý học hành vi, thống kê, triết học, lịch sử cổ đại, v.v.; về bản chất nó như một nhát dao đâm vào tim câu chuyện kể của những Bậc thầy Vũ trụ tự phong tại Phố Wall. Câu chuyện đó tóm tắt như sau: Chúng tôi thông minh hơn bạn, hãy đưa tiền của bạn cho chúng tôi. Nhảm nhí, Taleb vạch trần, qua 250 trang sách. Hầu hết những người được gọi là thần đồng chỉ đơn giản là may mắn, hưởng lợi từ tính ngẫu nhiên. Đồng xu đã lật mặt theo hướng có lợi cho họ hơn 50%, mà xu hướng này cuối cùng sẽ phải kết thúc, khi đó sẽ đốt cháy hết tiền của nhà đầu tư còn vị giám đốc quỹ phòng hộ thì đã hạ cánh an toàn lên chiếc du thuyền tư nhân nằm ở Bahamas. Thị trường mang tính ngẫu nhiên. Những người cho rằng họ đã tìm được mẫu hình, và dựa vào đó để giao dịch, đều là kẻ ngu. (Taleb không hề nói rằng không có nhà đầu tư nào có kỹ năng, chỉ nói hầu hết không có kỹ năng.)

Malcom Gladwell đã nhận xét quyển sách này "đối với trí tuệ truyền thống của Phố Wall cũng giống như 95 luận đề của Martin Luther đối với Nhà thờ Công giáo." Nó lặng lẽ trở thành một hội đình đám thu hút giám đốc và người giao dịch của quỹ phòng hộ, hầu hết những người này đều tự nhận mình có kỹ năng thực thụ, chứ không hề ăn may, cho đến khi chính bản thân họ cũng bị nổ tung.

Trong số những điểm kỳ quặc của quyển sách có việc giới thiệu cặp đôi nhân vật hư cấu đại diện cho các phương pháp giao dịch khác nhau: Tony Béo và Tulip Đen. Tony Béo là nhà giao dịch gốc Brooklyn, và từ cái tên có thể suy ra, anh ta giao dịch dựa trên trực giác. Anh dùng trực giác và chiếc máy phát hiện nhảm nhí được dày công thiết lập của mình để hết lần này đến lần khác hạ gục những kẻ tinh hoa xuất thân từ trường đại học danh tiếng, mang tấm bằng Wharton sống trong dinh thự xa hoa. Về mặt tính cách, anh nghiêng về phía gai góc, xù xì trên Phố Wall, một phần giống như Gordon Gekko, một phần giống như Al Capone.

Tulip Đen, một nhân vật mảnh mai đại diện cho Nassim Taleb, là một trí thức đạo mạo đã thiết kế hệ thống giao dịch không bao giờ bị nổ tung. Cũng giống như Taleb, Tulip là một nhà toán học chuyên về thống kê. Cũng giống như Taleb, anh trở thành một nhà giao dịch trên sàn hàng hóa. Cũng giống như Taleb, anh chuyển đến một công ty đầu tư ở New York. Cũng giống như Taleb, anh có một "phút huy hoàng sớm." Cũng giống như Taleb, anh làm giảng viên thỉnh giảng môn "tư duy xác suất" tại NYU.

Phong cách giao dịch của Tulip có phần giống với chiến lược học theo Klipp của Spitznagel là cắt lỗ ngay lập tức. "Tulip Đen nhanh chóng thoát ra khỏi giao dịch sau một mức lỗ định trước," Taleb viết. "Tôi thích nhận những khoản lỗ nhỏ," Tulip tuyên bố.

Trong nhân vật Tony Béo cũng có bóng dáng của Taleb, lớp vỏ khôn khéo trường đời so với Tulip học thuật. Cũng giống như Taleb, Tony Béo cũng mỉa mai những nhà giao dịch cho rằng họ có thể dự báo thị trường và anh ta thích chọn vị thế phía đối lập với những người đặt cược mù mờ này, cược cho một vụ nổ tung.

Taleb cũng ám chỉ đến chiến lược nổ tung của Empirica.

"Trong thị trường, có một nhóm nhà giao dịch đảo ngược các sự kiện hiếm, đối với họ biến động là dấu hiệu của tin tốt," ông viết. "Những nhà giao dịch này thường xuyên thua lỗ, nhưng với khoản tiền nhỏ, và hiếm khi thu lợi, nhưng mỗi lần thu lợi là được một khoản tiền khổng lồ. Tôi gọi họ là những kẻ đi săn khủng hoảng. Tôi rất vui khi mình cũng nằm trong nhóm này."

***

Một buổi chiều thứ ba, trong lúc quá cảnh tại London, Taleb đang ăn trưa với bạn thì nhận được cuộc gọi từ Spitznagel. "Có một tay phi công nghiệp dư mới vừa lái máy bay đâm vào World Trade Center," Spitznagel nói với ông, lặp lại giả định ban đầu phổ biến trong buổi sáng ngày 11/9 hôm đó rằng cuộc tấn công khủng bố của Al Qaeda chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên.

Mười bảy phút sau vụ tấn công đầu tiên, trong khi đội ngũ ứng cứu khẩn cấp đang đổ về hiện trường, thì một chiếc Boeing 767 thứ hai đâm vào tòa phía nam của trung tâm thương mại, khiến cho tình hình trở nên rõ ràng không còn là tai nạn. Đến 10:30 sáng, hai tòa tháp đôi trở thành đống đổ nát, chất chồng kim loại và kính. Một giai đoạn mới trong lịch sử thế giới hiện đại đã mở ra – Thời đại Khủng bố. Đối với hầu hết người Mỹ, đây là con Thiên nga đen trong bầy Thiên nga đen.

Các thị trường đóng cửa ngay lập tức sau khi các vụ tấn công nổ ra, và vẫn đóng cửa trong suốt một tuần. Điều này cũng đồng nghĩa Empirica không thể bán đi vị thế của mình, vốn dĩ đã nhanh chóng tăng vọt trong buổi sáng hôm đó. Khi Sàn Giao dịch Chứng khoán New York mở cửa lại vào thứ Hai, ngày 17/9, cổ phiếu sụp đổ. Chỉ số công nghiệp Dow giảm 684 điểm, là mức giảm cao nhất trong một ngày, tính đến thời điểm đó. Đến cuối tuần, chỉ số Dow đã giảm 14%. Ước tính 1.400 tỉ đô la giá trị thị trường đã bốc hơi.

Đây dường như là thị trường lý tưởng cho Empirica. Nhưng nỗi lo sợ có thêm nhiều cuộc tấn công khủng bố khác vẫn tràn lan. Một số nhà đầu tư của quỹ, bao gồm Paloma, đã không muốn ra tay thu tiền. Empirica đáng lẽ đã có thể thu được một khoản kếch sù, bảo vệ nhà đầu tư tránh thua lỗ lớn, nhưng họ đã không làm như thế. Thay vì bán đi vị thế và tranh thủ lúc thị trường lao dốc đột ngột, Taleb và Spitznagel lại tiếp tục nắm giữ, phòng hờ lại có thêm vụ tấn công và thị trường lại sụp một lần nữa – nhưng hóa ra đây là sai lầm lớn, vì nỗi lo sợ có thêm tấn công dần phai nhạt và thị trường nhanh chóng quay đầu. Vào lúc này, giá trị danh mục dường như không còn quá quan trọng. Nước Mỹ, dưới sự dẫn dắt của chính phủ Bush, đang gồng mình bước vào cuộc chiến lâu dài chống khủng bố.

Tuy nhiên, Taleb và Spitznagel vẫn ghi chép chờ đến vụ sụp đổ tiếp theo, chưa biết khi nào sẽ xảy ra. Họ vẫn tích lũy bài học trong lúc tiếp tục điều chỉnh giao thức giao dịch của mình.

Sau sự kiện 11/9 và tác phẩm Trò đùa của sự ngẫu nhiên, Taleb bắt đầu có danh tiếng rộng rãi như là một nhà giao dịch đột phá và hoài nghi. Ngày 23/11, ông có buổi phỏng vấn trên đài CNBC, kênh tin tức tài chính; đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trên đài truyền hình phủ sóng toàn quốc. Ron Insana, người chủ trì, đã giới thiệu Taleb như sau:

"Anh ấy điều hành quỹ phòng hộ Empirica Capital chuyên săn tìm khủng hoảng và là tác giả của một quyển sách mới xuất bản nhan đề Trò đùa của sự ngẫu nhiên."

Insana dường như bối rối trước cách nhìn nhận riêng của Taleb về thị trường. "Hầu hết người ta đều bị hoa mắt trước những đợt biến động bất ngờ. Anh lại lập công ty cố gắng tận dụng tính biến động này và giúp cho khách hàng phòng hộ trước những sự kiện không thể đoán trước. Chính xác thì anh đã làm như thế nào?"

"Đó cũng không phải là một chiến lược giao dịch phức tạp," Taleb nói. "Theo tôi, kiếm tiền từ biến động rất đơn giản. Nếu bạn nhìn thấy chỉ số S&P hay Dow Jones dịch chuyển hơn hai trăm điểm, hai mươi điểm đối với S&P, hai trăm điểm đối với Dow Jones, thì đó là biến động. Vấn đề là không có nhiều ngày có biến động."

Insana hỏi Taleb làm thế nào dự đoán những sự kiện lớn này.

Không có dự đoán, Taleb trả lời. "Anh phải kiên nhẫn, là quy tắc số 1, rất kiên nhẫn, kiên nhẫn đến tối đa ... Anh chảy máu. Giống như mỗi ngày anh bị mất đi một miếng da. Anh phải ngồi yên đó, đây là một chiến lược biến động dài hạn, và mất máu."

Taleb so sánh chiến lược này giống như mở một cửa hàng quà tặng nhưng không biết khi nào Giáng Sinh mới đến. "Mùa lễ Giáng sinh đến một cách ngẫu nhiên, còn bạn mỗi ngày mỗi ngày đều phải trả tiền thuê mặt bằng."

"Nói ngắn gọn, nó cũng giống như bạn mua bảo hiểm," Insana nói.

"Nó còn hơn mua bảo hiểm chứ," Taleb trả lời. "Nó là hình thức bảo hiểm hung hãn."

***

Một ngày cuối năm 2001, Taleb có buổi trò chuyện trên đài phát thanh ở New York. Trong văn phòng của đài, ông tình cờ gặp nhà văn Susan Sontag. Có người nói với bà ấy rằng người đàn ông lịch lãm với bộ râu kỳ cục đang ngồi trong phòng thu kia đã viết một quyển sách về ngẫu nhiên. Bà tò mò và đến bắt chuyện. Khi bà biết rằng ông là một nhà giao dịch, bà tuyên bố mình là người phản đối hệ thống thị trường và dậm chân bỏ đi trong lúc Taleb còn đang lắp bắp bối rối.

Cuối ngày hôm đó, ông được gặp một người mà ông sẽ sớm xem là thần tượng: Benoit Mandelbrot. Nhà toán học lỗi lạc người Pháp này, người phát minh ra hình học phân dạng, người tiên phong về lý thuyết hỗn loạn, đang giảng bài tại Viện Courant của NYU về hai chủ đề tưởng chừng như không có điểm chung: phân dạng và tài chính. Taleb cảm thấy hứng thú. Ông không hiểu tài chính thì có liên quan gì đến hình học phân dạng.

Hình học phân dạng, như Mandelbrot đã chứng minh qua nhiều thập niên nghiên cứu, xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trong khoa học, kỹ thuật, trong đám mây, hoa, và bông tuyết. Một ý tưởng lớn rút ra từ hình học phân dạng là sự tự đồng dạng (hay tự tương thích). Để giải thích thì Mandelbrot đã đặt câu hỏi, rất nhiều năm trước, từ 1967: Chiều dài bờ biển của Anh là bao nhiêu? Nhìn bờ đá từ trên máy bay, hay nhìn qua một chiếc kính lúp, bạn có thể thấy hình dạng zigzag giống nhau của những đợt sóng đập vào. Câu trả lời cho câu hỏi, do đó, là tùy vào kích cỡ của cây thước. Những đường gân lá có hình dạng giống như nhánh cây giống như một cái cây, một hòn đá có hình dạng giống như quả núi, v.v.

Hình học phân dạng chịu tác động của định luật lũy thừa, biểu thức toán học phi tuyến tính. Khi bạn nhảy từ chiếc lá sang cành cây sang cái cây, bạn đang thực hiện những bước nhảy phi tuyến tính về quy mô.

Đây là tin xấu cho mô hình tài chính. Mandelbrot đã lập luận, từ hàng chục năm trước, rằng các mô hình truyền thống trong ngành tài chính sử dụng toán học Gaussian, hay là đường cong hình chuông, có rất nhiều thiếu sót. Được phát triển bởi nhà toán học Carl Friedrich Gauss trong thế kỷ 19 để đo lường thiên văn, đường cong hình chuông (hay thường gọi là đường Gaussian) đã trở nên vô cùng phổ biến trong các mô hình kinh tế và tài chính như Giá trị chịu Rủi ro. Nó đo lường một hiện tượng có sự chuyển tiếp từng bước từng bước suôn sẻ, với hầu hết các mẫu đều nằm trong giới hạn an toàn là khoảng giữa của đường cong.

Đường cong hình chuông không ghi nhận tính biến động cực đoan có thể xảy ra trong thế giới phân dạng – một thế giới chịu quy luật lũy thừa, những cú nhảy đột ngột, những cú phóng hoang dại. Phần lớn công trình nghiên cứu của Mandelbrot dựa trên quy luật lũy thừa tác động đủ các dạng thức hiện tượng, từ giá sợi bông đến phân bổ thu nhập đến mật độ dân số trong thành phố. Thay vì cộng theo phương pháp tuyến tính (1 + 2 + 3 v.v.) nằm gọn trong đường cong hình chuông, những sự vật chịu tác động của quy luật lũy thừa có thể tạo ra những bước nhảy kịch tính, bất ngờ nằm ở phía đuôi của đường cong.

Mandelbrot, với cái đầu bóng nhoáng to như trái bóng rổ và đôi tai to mọc ra hai bên, đứng bên cạnh chiếc máy tính Apple đặt trên bục phát biểu, nói với khán giả tại NYU bao gồm nhiều chuyên gia tài chính định lượng, nhà giao dịch, giáo sư tài chính rằng nếu đường cong hình chuông mà thật sự phản ánh được thực tế thị trường chứng khoán, thì những vụ sụp đổ lớn như Thứ hai đen tối đã không bao giờ xảy ra. Đây là một vấn đề, theo ông, bắt nguồn từ một thế kỷ trước, liên quan đến công trình nghiên cứu của một nhà kinh tế học điên cuồng người Pháp tại Paris.

"Giá cả dĩ nhiên sẽ tăng hay giảm, điều này ai cũng biết, và người ta có đủ các thể loại châm ngôn gắn liền với nó," Mandelbrot nói bằng một giọng Pháp đặc sệt. "Năm 1900, một thiên tài đã chú ý đến vấn đề. Tên của ông ấy là Louis Bachelier. Không ai chú ý đến ông ấy. Ông ấy sống một cuộc sống rất khốn khổ. Nhưng năm 1900 ông đấy đã viết một luận văn toán học, bạn có tin không, có nhan đề là 'Lý thuyết suy đoán.' Suy đoán ở đây là suy đoán trên thị trường chứng khoán hay thị trường trái phiếu. Và ông ấy đã lần đầu tiên giới thiệu chuyển động Brown, tuy còn lỏng lẻo và chưa hoàn thiện," ông nói, nhắc đến quan sát của nhà thực vật học người Scotland ở thế kỷ 19, Robert Brown, rằng chuyển động của phấn hoa trong chất lỏng là một quá trình ngẫu nhiên.

"À thì, quan điểm của Bachelier đâu đó là giá thay đổi một cách ngẫu nhiên. Bạn không thể dự đoán. Bạn có thể tung đồng xu. Nếu nó là mặt hình, giá tăng. Nếu nó là mặt chữ, giá giảm. Và bạn có thể làm mãi làm mãi như thế. Mãi sau này có một lý thuyết mới về thị trường chứng khoán dựa trên nền tảng cho rằng mô hình của Bachelier quả thật là thể hiện của thực tế. Và mức độ thay đổi giá, mức độ này được gọi là tính biến động. Mô hình giả định sự biến động không đổi."

Mandelbrot chiếu lên một biểu đồ cho thấy lịch sử một loạt các biến động giá tài chính, một số là thật, một số là giả dựa trên các mô hình đơn giản do ông thiết lập. "Tất cả những hiện tượng này có một đặc tính rất kỳ lạ. Chúng đều có những đỉnh rất cao. Và đỉnh này không tự nhiên nảy sinh. Chúng phát sinh giữa giai đoạn biến động lớn, và rồi có những giai đoạn biến động cực kỳ, cực kỳ thấp. Có những giai đoạn biến động đột ngột thay đổi. Biến động, khi bạn cố gắng nắm bắt chúng trong chuỗi số liệu này, dù là thật hay giả, đều rất khó. Thực tế, bạn không thể nắm bắt được nó."

Theo mô hình Gauusian (hay đường cong hình chuông), những cú biến động nhảy vọt như vậy là không bao giờ xảy ra, Mandelbrot nói. "Bạn có thể thấy ở đây," ông nói, "chúng xảy ra thường xuyên. Người ta rơi vào tình huống mà các giá trị cực lớn chi phối tất cả mọi thứ một cách mạnh mẽ."

Trong một thập niên qua, chỉ có mười ngày thật sự quan trọng xét về mặt được và mất. "Của cải khổng lồ được làm ra chỉ trong vài ngày. Và những vụ điêu tàn khủng khiếp cũng xảy ra trong vài ngày. Thế là người ta bị rơi vào một tình huống rất là đáng lo ngại. Nghĩa là, trong bối cảnh này, chỉ có vài sự kiện hiếm hoi lại mang tính áp đảo toàn diện. Những ngày còn lại gần như không cần quan tâm."

Taleb bị mê hoặc. Mandelbrot đang miêu tả chính xác trải nghiệm của ông khi còn là nhà giao dịch, theo đó chỉ có một vài ngày quan trọng là đáng chú ý. Sau buổi giảng, ông tìm đến Mandelbrot để tự giới thiệu và hỏi thăm xem tại sao ông ấy lại quan tâm đến thế giới tài chính nhàm chán – một thế giới mà Taleb chỉ xem như là nơi để ông ấy kiếm tiền phung phí trước khi chuyển sang những thế giới cao cấp hơn, thanh tao hơn, thế giới của văn học, lý thuyết, triết học.

"Dữ liệu," Mandelbrot vừa cười vừa nói, "Một kho vàng dữ liệu."

Sự nghiệp của Taleb xoay quanh nghiên cứu về tính không chắc chắn, biến động, và tác động của nó đến giá của quyền chọn. Ông đã viết hẳn một quyển sách về nó. Nhưng ông lại chưa bao giờ nhận ra mối liên kết giữa cái đuôi dài của đường cong hình chuông và hình học phân dạng và những hàm số toán học thú vị đằng sau nó. Đây sẽ là một góc nhìn hoàn toàn mới để tư duy về tính ngẫu nhiên và Thiên nga đen, ông nhận ra.

Taleb chẳng mấy chốc đã trở thành người hợp tác thân thiết với Mandelbrot, cả hai tình cờ sống chỉ cách nhau vài dặm đường tại Larchmont. Năm 2006, họ đồng chấp bút "A Focus on the Exceptions that Prove the Rule| Các ngoại lệ chứng minh quy luật," một bài báo như là dàn ý phác họa các chủ đề lớn trong quyển sách Thiên nga đen. "Phương pháp truyền thống Gaussian nhìn vào thế giới là tập trung vào những điều bình thường, sau đó là giải quyết các ngoại lệ, hay còn gọi là giá trị bất thường như các yếu tố thứ cấp," họ viết. "Nhưng còn một cách thứ hai, đó là dùng ngoại lệ làm điểm khởi đầu và giải quyết những điều bình thường như yếu tố thứ cấp – đơn giản là vì 'bình thường' thì không gây ra hệ quả lớn."

Tuy nhiên, trong quá trình cộng tác, thay vì trao đổi về bản chất của sự không chắc chắn và Thiên nga đen, họ lại trò chuyện về văn học, lịch sử, nghệ thuật, và hàng loạt những nhân vật thú vị mà Mandelbrot đã từng gặp gỡ trong suốt quãng đời sự nghiệp dài của mình (Margaret Mead, Noam Chomsky, Robert Oppenheimer, Stephen Jay Gould, John von Neumann, và nhiều người khác). Mandelbrot qua đời năm 2010; ông để lại dấu ấn lớn cho Thiên nga đen. Thực tế, tác phẩm này được Taleb đề tặng cho ông ấy.

Nhưng kiến thức mới của Taleb về hình học phân dạng trong các vụ sụp đổ thị trường đã không giúp được ông nơi ông cần đến nhất – tại Empirica.

***

Empirica đang mất máu dần. Họ thua lỗ 8% trong năm 2001. Trong hai năm tiếp theo, họ gặp áp lực khi thị trường chứng khoán đảo qua đảo lại nhưng thật sự không có biến động lớn. Cục Dự trữ của Alan Greenspan, phản ứng lại trước các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, đã bơm tiền giá rẻ vào hệ thống tài chính. Tăng trưởng không đột biến, nhưng cũng tăng một chút, nhờ bong bong nhà đất đang phình to ra trên cả nước – mớ bùi nhùi cho cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu sắp tới.

Những thua lỗ hàng ngày, chảy máu không ngừng nghỉ, khiến Taleb thấy mệt mỏi. Spitznagel khuyên bảo ông đừng chú trọng đến lời lỗ mỗi ngày, vốn dĩ là thước đo thành công hay thất bại vụn vặt của quỹ. Taleb vẫn cứ theo dõi thường xuyên. "Anh phải học cách yêu thích thua lỗ," Spitznagel cứ nhai đi nhai lại.

"Nassim sẽ phấn khích khi chúng tôi làm tốt và chán nản khi chúng tôi làm tệ," Spitznagel nhớ lại. "Như vậy rất không tốt cho sức khỏe."

Còn có một điều khó chịu khác cũng ảnh hưởng đến tinh thần của Taleb. Khách hàng hay khách hàng tiềm năng vẫn liên tục hỏi tại sao ông không thể làm được như kết quả của một công ty giao dịch thành công khác cũng tuyên bố họ có chiến lược giao dịch quyền chọn đẳng cấp: Bernard L. Madoff Investment Securities LLC.

"Nếu anh nói anh thông minh như vậy, sao anh không làm được như Madoff?" họ hỏi. "Tại sao ông ấy làm được, còn anh không làm được?"

Và rồi họ đưa ra kết quả kinh doanh của Madoff – mức lợi nhuận phi thường 15 – 20% mỗi tháng, tháng nào cũng vậy, năm này qua năm khác. Taleb cố gắng tái lập một chiến lược trên máy tính có thể tạo ra lợi nhuận kinh khủng như vậy, nhưng không thể.

"Mức lợi nhuận này là không thể," ông nói với họ.

"Vậy là anh chỉ ganh tị thôi," họ đáp trả. Mức lợi nhuận này, dĩ nhiên, là ảo. Madoff đang điều hành một kế hoạch đa cấp lớn nhất trong lịch sử, và năm 2009 ông ấy đã phải vào tù, nhận bản án chung thân.

Taleb và Spitznagel tiếp tục điều chỉnh chiến lược, nhưng Taleb dần dần cảm thấy mất hứng thú. Một bài viết chủ đề của Malcom Gladwell trên tạp chí New Yorker về Taleb và Empirica, nhan đề "Blowing Up: How Nassim Taleb Turned the Inevitability of Disaster into an Investment Strategy | Nổ tung: Nassim Taleb đã biến Thảm họa không thể tránh khỏi thành chiến lược kinh doanh," đã kích hoạt lại mối quan tâm của ông dành cho quỹ đầu tư, và vuốt ve cái tôi đã bị bầm dập của Taleb. Bài báo gán cho ông là phản anh hùng của Phố Wall và nắm bắt được tư tưởng bất an của thời đại. Chỉ vài năm trước, cuộc cách mạng dot-com làm thay đổi thế giới – dường như theo hướng tích cực. Nền kinh tế Mỹ đã thẳng tiến về phía trước. Chủ nghĩa tư bản và dân chủ đang lan tỏa trên khắp địa cầu. Ngay cả nước Nga cũng tổ chức bầu cử. Đến năm 2002, tất cả rơi vào nghi hoặc. Bong bong dot-com đã nổ tung. Bọn khủng bố đã hạ gục đất nước, và Mỹ đã khởi động chiến tranh trả đũa tại Afghanistan, và chính quyền Bush liên tục đe dọa tấn công Iraq. Nền kinh tế đang bò lên, từ từ, thoát khỏi suy thoái. Anh chàng này đây là người vẫn luôn có lời giải thích cho sự điên rồ - mọi việc bùng nổ bất cứ lúc nào và không ai có thể dự báo được! Còn những con mèo béo trên Phố Wall? Đều là những kẻ bất tài bị mờ mắt vì tính ngẫu nhiên.

Nó có thể khiến bạn cảm thấy hứng khởi về bản thân.

***

Taleb nhìn xuống khán giả và lau giọt mồ hôi chảy trên trán. Đó là năm 2004. Ông đang diễn thuyết tại Rome về một chủ đề ông đã giới thiệu trong quyển sách Trò đùa của sự ngẫu nhiên: Thiên nga đen. Ông thẳng thừng nói với khán giả đa phần là các nhà tài chính, rằng họ chẳng có chút manh mối gì về những rủi ro lớn nhất mà họ đối mặt. Nhìn vào vẻ mặt chua loét của họ, ông có thể đoán là họ không mấy đón nhận thông điệp này. Thực tế, họ rất tức giận. Sau buổi thuyết trình, chủ tịch hội nghị nói với khán giả rằng sẽ không có phần đặt câu hỏi cho diễn giả. Taleb bước xuống khỏi sân khấu, nhìn quanh một cách lo lắng, có phần lo ngại ban tổ chức sẽ túm lấy mình quăng ra khỏi tòa nhà.

Diễn giả tiếp theo sau đó bước lên. Đó là Daniel Kahneman, nhà tâm lý học tại ĐH Princeton, năm trước đó đã nhận giải Nobel kinh tế cho công trình đột phá, cùng với Amos Tversky, thể hiện các loại thành kiến kỳ lạ khi con người phải ra quyết định trong tình trạng không chắc chắn. Kết quả nghiên cứu của Kahneman đã đi ngược lại với giả định lâu đời trong kinh tế học, có từ thời của Adam Smith, rằng con người ra quyết định một cách lý trí dựa trên lợi ích cá nhân. Kahneman và Tversky chứng minh rằng người ta thực tế khá là rối loạn về rất nhiều thứ và thường đưa ra quyết định phi lý trí dựa trên một số yếu tố (thường là sai lệch) như cảm nhận về tính công bằng, gắn bó quá mức vào con số ngẫu nhiên, ác cảm với mất mát, và nhiều yếu tố khác. Ví dụ, người ta phản ứng tích cực khi được nói cho biết rằng chiến dịch có 90% khả năng thành công. Nhưng khi được nói cho biết rằng chiến dịch có 10% rủi ro thất bại, họ lại phản ứng tiêu cực.

Nỗi lo sợ bị dùng vũ lực đuổi ra khỏi phòng đã nhanh chóng được giải tỏa khi câu nói đầu tiên của Kahneman là ông ấy sẽ làm rõ những luận điểm do diễn giả trước nêu ra, mà ông ấy hoàn toàn đồng tình.

Taleb và Kahneman nhanh chóng trở thành bạn bè, gặp nhau tại quán café hay tại căn hộ của Kahneman ở Greenwich Village, hay cùng nhau lái xe đường dài – có lần họ lái xe năm tiếng đồng hồ đến Delaware, bị lạc dọc đường và bị một tài xế nổi điên theo đuôi do Taleb tạt đầu xe người ta. Lĩnh vực mà Kahneman và Tversky tiên phong, tài chính hành vi, là thần dược cho một kẻ hoài nghi về lý trí con người như Taleb, khi ông đã tự thuyết phục rằng hầu hết những người giao dịch chuyên nghiệp thành công đều nhờ may mắn hơn là kỹ năng, đặc biệt là trong những lĩnh vực có rủi ro cực lớn. Thái độ ác cảm bẩm sinh của người ta đối với mất mát, trước rủi ro 10% có thể chết trên bàn mổ, đã giúp lý giải tại sao hầu hết nhà giao dịch chỉ thích nhận được khoản lợi nhỏ, hàng ngày – kèm theo rủi ro có thể nổ tung – thay vì chấp nhận những khoản lỗ nhỏ (yêu thích thua lỗ) và đợi thu về một lần độc đắc khổng lồ, không thường xuyên.

Tháng 11 năm đó, Taleb gửi một bài viết đến hội nghị về rủi ro do Lầu năm góc tài trợ. Có nhan đề" Thiên nga đen: Tại sao chúng ta không hiểu rằng chúng ta không hiểu?," bài viết cho rằng lịch sử được tạo dựng bằng những sự kiện lớn không thể dự báo – những ngoại lệ. "Khả năng dự báo những sai lệch quy mô lớn có thể làm biến đổi lịch sử gần như là bằng 0," ông viết. Chúng ta không nhìn thấy ngoại lệ xuất hiện vì chúng ta dự báo tương lai dựa trên các sự kiện quá khứ, giống như một tài xế lái xe trên đường mà chỉ nhìn vào kính chiếu hậu.

Taleb đã có một góc nhìn thực tiễn của một sự kiện Thiên nga đen bao phủ vào đầu năm khi một phóng viên trẻ của tờ New York Times tên là Alex Berenson (anh này sau đó là người phát tán âm mưu chống vắc xin Covid 19) bước vào văn phòng của mình, mang theo báo cáo rủi ro tuyệt mật của gã khổng lồ trong lĩnh vực cho vay mua nhà thế chấp được chính phủ hậu thuẫn là Fannie Mae. Báo cáo này do một cựu nhân viên Fannie Mae gửi cho Berenson, cho thấy nếu lãi suất đột ngột tăng 1,55% thì họ sẽ mất khoảng một nửa giá trị thị trường. Báo cáo cũng cho thấy Fannie Mae đang sử dụng đòn bẩy với tỉ lệ 50:1 – nghĩa là với 1 đô la họ sở hữu thì họ mắc nợ 50 đô la, một tỉ lệ đòn bẩy đáng sợ. Các mô hình của Fannie Mae hẳn đã gây biết bao nỗi sợ cho đội ngũ nhân viên tuân thủ rủi ro của họ nếu không nhờ có mức lãi suất được duy trì tương đối ổn định.

Nhảm nhí, Taleb nói với Berenson. "Việc họ trước kia chưa bị nổ tung không có nghĩa là họ sẽ không bị nổ tung trong tương lai," ông nói. "Phép toán này quá ảo."

Năm năm sau Fannie Mae và người anh em Freddie Mac đã phải được chính phủ ra tay cứu vớt giữa bối cảnh sụp đổ của thị trường cho vay nhà dưới chuẩn của Mỹ. Họ thất bại không phải vì lãi suất tăng. Thực tế, người Mỹ cả nước đã chấp nhận bùng kèo không trả nợ vay mua nhà khi giá nhà tụt dốc khắp nơi – chiều hướng của sự kiện này thậm chí còn không có trong kịch bản của các mô hình.

Trong khi danh tiếng của Taleb nổi lên như một nhà giao dịch phản truyền thống, ông lại đứng trước điểm thấp nhất trong vai trò nhà quản lý tài sản. Khách hàng theo dõi thị trường chứng khoán tăng mạnh trong năm 2003 sẽ tức tối gọi đến công ty vì Empirica vẫn liên tục thua lỗ. Mặc dù khách hàng có thể hiểu được chiến lược giao dịch của Empirica, nhưng họ vẫn cảm thấy khó mà chấp nhận chịu đựng. Tất cả những gì họ nhìn thấy là số tiền thua thiệt trong khi đáng lẽ họ có thể kiếm được khoản lời to nếu tham gia vào thị trường – hay tham gia một quỹ phòng hộ khác.

Taleb nghĩ đến một khái niệm mà ông học được từ Kahneman gọi là bỏ neo. Ý nghĩa của nó như sau. Giả sử bạn đang mua sắm trên Amazon và thấy một chiếc áo khoác lông cừu có giá 500 đô. Có vẻ hơi đắt so với một chiếc áo khoác. Sau đó bạn thấy một chiếc áo tương tự có giá 1.500 đô. Tự dưng chiếc áo 500 đô kia không còn có vẻ đắt lắm. Nhà bán lẻ lợi dụng tư duy này khi liên tục giảm giá. Bán một chiếc áo giá 500 đô với mức chiết khấu 50% có vẻ là một khoản hời.

Taleb quyết định đề nghị khách hàng cho ông ấy một con số mà họ sẵn sàng chấp nhận thua lỗ trong một năm, giống như một khoản tiền bảo hiểm phòng ngừa sụp đổ. Sau đó ông sẽ cho họ thấy báo cáo rằng công ty đang làm tốt hơn ước tính của họ. "Nó giống như viên thuốc thần," ông viết lại. "Khách hàng cảm thấy hào hứng vì khi đó họ không xem đó là khoản lỗ nữa mà là tiền lời."

Để gây chút xáo động, Empirica chuyển đến một văn phòng nhỏ ở khu Upper East Side của Manhattan – khiến cho việc đi làm bằng xe đạp của Taleb từ Larchmont lại càng thêm rùng rợn. Spitznagel đã quay lại chơi trượt ván và thích trượt ván đến văn phòng từ căn hộ của mình trên đường 68 và Central Park West. Một lần, một chiếc taxi vượt đèn đỏ ngay khi ông vừa trượt xuống dốc băng qua ngã tư. Trong lúc hoảng loạn, ông nhảy khỏi tấm ván trượt và lăn lông lốc trên đường. Chiếc taxi chạy mất, Spitznagel tự mình đứng dậy và phủi bụi trên người.

"Anh bạn, anh suýt chết đấy," một người đi xe đạp bên cạnh ông nói. Bánh xe của chiếc taxi chỉ cách đầu của anh một gang tay. May mắn cho Spitznagel, anh chỉ bị trật khớp vai và bể chiếc đồng hồ.

Có lẽ để bù đắp cho thái độ tránh né rủi ro cực đoan tại Empirica, Spitznagel có sở thích đối với những môn nguy hiểm đến tính mạng. Cuối tuần, ông bay đến Los Angeles thăm vợ đang theo đuổi sự nghiệp diễn viên. Tại đây, ông tham gia vào một môn sớm biến thành môn yêu thích của mình: bay tự do. Ông lái xe đến vùng sa mạc và nhảy lên một chiếc tàu lượn không động cơ, đã được kéo lên trời bằng một chiếc máy bay khác. Khi được thả rơi, nó sẽ lắc lư và chao lượn thành những vòng cung rộng nhờ hơi nóng sa mạc và luồng khí thổi ngược bên trên dãy núi Sierra Nevada. Spitznagel yêu thích cảm giác kiểm soát được một tình huống nhìn tưởng chừng như hoàn toàn không thể kiểm soát được.

Taleb thì lại rất ghét cảm giác ấy. Ông lại có cảm giác ấy ngày càng nhiều hơn tại Empirica. Sự tra tấn nhỏ giọt túc tắc mỗi ngày thua lỗ trong khi ngồi chờ đợi một cú sụp đổ tuy biết là không thể tránh khỏi nhưng cũng không biết khi nào mới đến khiến ông phát điên. Ông cũng bắt đầu lo ngại áp lực ảnh hưởng đến sức khỏe. Sợ rằng ung thư quay lại thì sao? Mùa hè năm 2004, ông gặp riêng Spitznagel trong văn phòng mới.

"Tôi phải thoát ra khỏi Empirica thôi, Mark ạ," ông nói.

"Anh bị điên cỡ nào đấy?" Spitznagel lắp bắp. Ông thực sự tin tưởng vào chiến lược này, rằng nó có tiềm năng cực lớn. "Anh không thấy chúng ta có thể làm gì với nó sao? Tôi thật không thể tin anh thế mà quay lưng bỏ hết."

Mọi thứ kết thúc. Taleb và Spitznagel đã kề vai sát cánh suốt năm năm, trao đổi ý tưởng về giao dịch, triết lý, thống kê, cuộc đời. Tình bạn của họ hoàn toàn là công việc. Họ chưa từng có một chuyến đi chơi chung không liên quan đến công việc. Spitznagel rất cố gắng tránh xa vòng tròn xã hội kỳ dị của Taleb. Nhưng ông cũng thấy tiếc những lúc kích thích trí tuệ, tranh luận nảy lửa, những lần đi bộ dài trên đường phố Manhattan, những cuộc tranh cãi vung tay vung chân diễn ra hàng ngày.

Chẳng mấy chốc, Taleb bắt đầu lên kế hoạch cho bước đi tiếp theo. Ông muốn viết một quyển sách mới. Ông sẽ đặt tên cho nó là Thiên nga đen; nó sẽ vinh danh và làm nổi bật quan điểm của ông rằng tương lai là không thể dự đoán và rằng những sự kiện choáng ngợp, khủng khiếp sẽ quyết định lịch sử - và kết quả kinh doanh của danh mục đầu tư.

Nhưng không phải ai cũng đồng ý rằng thị trường vận hành như một bàn roulett ngẫu nhiên và lộn xộn. Tại Zurich, Thụy Sĩ, một nhà khoa học thông thái đã tuyên bố mình khám phá được thế lực bí ẩn gây ra các vụ sụp đổ - rằng thực tế, ông có quả cầu phù thủy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#taichinh