Chương 7: Người săn rồng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Con đường chuyển sang màu xám mờ sương khi Didier Sornette, nhà nghiên cứu lý thuyết phức tạp, vật lý kinh tế, tầm nhìn thị trường chứng khoán, phóng điên cuồng trên xa lộ Los Angeles trên chiếc mô tô Kawasaki Ninja ZX-12R. Đó là năm 2006. Vị giáo sư UCLA đang đặt mình đến ngưỡng giới hạn, tăng tốc đến 100 dặm/giờ, vút một cái qua mặt cả chiếc xe tải 18 bánh, băng băng trên xa lộ, tăng ga, 125, 150, 175 dặm/giờ ....

Sornette thích đùa với rủi ro mạo hiểm. Nhưng trên nữa, ông thích thuần hóa nó, thống trị nó. Lớn lên ở miền nam nước Pháp, ông đã làm quen với việc kiểm soát nguy hiểm khi cầm lái chiếc trực thăng bên cạnh cha mình, một nhân viên của tập đoàn điện lực lớn của Pháp, EDF. Nhiệm vụ của cha của ông là theo dõi đường dây tải điện bằng máy quay hồng ngoại đặt trên chiếc trực thăng. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải kiểm soát cực độ và thao tác táo bạo đôi khi đặt mình chỉ cách đường dây điện chết người chừng một gang tay. Để chứng tỏ kỹ năng, ông ấy đã từng có lần cho Didier đứng dưới đất và giơ tay lên trên đầu trong lúc ông ấy từ từ hạ chiếc trực thăng xuống cho cái càng tiếp đất chạm vào đầu ngón tay của con trai mình.

Ngay từ nhỏ, Sornette đã có năng khiếu toán học. Năm 1977, khi ông 20 tuổi, ông đã được nhận vào trường năng khiếu tại Paris; đây là học viện vật lý và toán học hàng đầu của nước Pháp. Ông tốt nghiệp với tấm bằng khoa học vật lý sau đó 4 năm và nhanh chóng có được vị trí chính thức tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) của Pháp. Không lâu sau đó, trong lúc đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc một năm tại Pháp, ông đã tổ chức nghiên cứu về sự nhiễu loạn của nước tác động đến tàu ngầm – là lần tiếp xúc đầu tiên của ông với toán học hóc búa đứng sau các hệ thống động và lý thuyết hỗn loạn.

Đầu thập niên 1990, khi làm việc cho Aérospatiale, công ty hàng không vũ trụ thuộc sở hữu của chính phủ Pháp, Sornette bắt đầu nghiên cứu phương pháp phát hiện và dự báo sự cố nổ tung bình áp lực Kevlar trên tên lửa Ariane của Châu Âu, có nhiệm vụ đưa các vệ tinh thông tin liên lạc đi vào quỹ đạo. Để thử nghiệm khả năng đàn hồi của tên lửa, Sornette và đồng ngihệp phải đặt bình dưới áp lực ngày càng tăng và dùng máy đo âm thanh để phát hiện những trận động đất nhỏ trên bình Kevlar. Đến một lúc nào đó, các cơn địa chấn này nhanh chóng tăng cường độ, tạo thành một cú nổ thảm kịch. Áp dụng những phương pháp mà ông đã học được từ hình học phân dạng của Mandelbrot, ông có thể xác định mô hình toán học của các âm thanh phát ra – những trận động đất nhỏ - báo hiệu cho sự cố không thể tránh khỏi.

Sornette chợt nhận ra các vụ sụp đổ tài chính – và bong bóng xuất hiện trước đó – cũng giống như thị trường "bung chỉ." Sau nhiều năm nghiên cứu thùng áp suất và nhiễu loạn cho tên lửa, ông bắt đầu nhận ra chúng và những hệ thống phức tạp khác có mẫu hình giống nhau, từ đó ông có thể đo lường theo những thang đo tính bằng phút đến cực lớn – và có thể được xem như dấu hiệu cảnh báo sớm trước khi xảy ra thảm họa. Để minh họa cho ý tưởng này, Sornet dùng hình ảnh ẩn dụ về một người lêo núi bằng dây. Khi người đó leo lên cao, từng mảnh nhỏ của sợi dây bị đứt ra dưới sức nặng của người leo hay do ma sát. Nhưng người leo không chú ý đến những điểm đứt nhỏ này, cho đến một lúc nào đó, đột ngột, nó đứt hẳn, và người này bị rơi xuống. Nếu người leo có phương pháp phát hiện điểm đứt, anh ta có thể kịp thời từ bỏ sợi dây.

Cũng vào khoảng thời gian Sornette đang nghiên cứu thùng áp suất, một nhà vật lý học khác tại CNRS, Jean-Philippe Bouchaud, cũng bắt đầu có hứng thú với tài chính. Sau khi rời khỏi trung tâm nghiên cứu năm 1992, Bouchaud đã thành lập công ty mang tên Science & Finance, hướng đến sự giao thoa giữa vật lý và thị trường. Sornette gia nhập năm 1995, và hai người cộng tác trong một bài báo ứng dụng công thức phát hiện tên lửa rơi vào thị trường chứng khoán. Bài báo có nhan đề, "Thị trường Chứng khoán Sụp đổ, Dấu hiệu cảnh báo, và Bản sao," đưa ra một mẫu hình cho vòng lặp phản hồi tích cực, theo đó sức mua nhân lên với tốc độ ngày càng lớn đến mức không thể duy trì, dẫn đến bong bóng – và sau đó là sụp đổ. "Mô hình này phân tích một tình huống đầu cơ thuần túy, dựa trên khuynh hướng của nhà giao dịch hay bắt chước nhau," họ viết. "Giả sử có một loạt lệnh mua được đưa ra, kết quả là nhu cầu tăng lên, và nó có tính tự củng cố. Việc gia tăng này là không thể duy trì mãi mãi, đến một ngưỡng nào đó, một cú sụp đổ sẽ chấm dứt chuỗi gia tăng."

Sornette rời khỏi Science & Finance một vài năm sau đó. Năm 2000, nó sáp nhập với Capital Fund Management, và trở thành một trong những quỹ phòng hộ thành công nhất, lớn nhất thế giới.

***

Trong lúc áp dụng mô hình sụp đổ của mình cho thị trường, Sornette vẫn tiếp tục nghiên cứu một hiện tượng thảm khốc khác: động đất. Mọi việc bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ tình cờ tại UCLA với nhà địa vật lý Leon Knopoff, một người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu động đất. Sornette ngày càng bị mê hoặc bởi tính chất vật lý còn mơ hồ của đỗng đất, và bản chất khó nắm bắt để dự báo chúng. Ông tự hỏi liệu phương pháp phân dạng mà ông đã dùng để dự báo tên lửa Ariane nổ tung có thể dùng cho động đất hay không. Knopoff cũng tò mò về công trình nghiên cứu này và mời ông đến UCLA. Thế là năm 1996, Sornette đóng gói hành lý và chuyển đến Los Angeles, trở thành giáo sư ngành vật lý thống kê tại đây (và vẫn giữ nguyên chức danh tại CNRS). Cuộc sống ở Nam California đã thỏa mãn được tâm tính hoang dã của Sornette. Ông lái mô tô với tốc độ kinh hoàng, thường xuyên tận hưởng đam mê lướt ván, và bay đến Hawaii để cưỡi những cơn sóng lớn.

Đó là những năm 1990, cả nước dường như đều say mê với cổ phiếu. Thị trường đang trong giai đoạn tăng giá kéo dài khi bong bóng dot-com bắt đầu bơm căng và giao dịch hàng ngày trở thành mốt trên toàn quốc. Sornette nhớ lại nghiên cứu của mình với Bouchaud tại Science & Finance, và bắt tay vào phân tích sâu hơn về các vụ sụp đổ tài chính. Hợp tác với một nhóm chuyên gia tài chính tại Trường Quản trị Anderson của UCLA, bao gồm Olivier Ledoit và nhà địa vật lý Anders Johansen, ông đã chung tay viết một loạt bài điều ta về cấu trúc của sụp đổ và bong bóng với những tựa đề ấn tượng như "Dự đoán Sụp đổ Tài chính bằng Tính bất biến theo tỉ lệ rời rạc" và "Tầm quan trọng của Cảnh báo tuần hoàn Logarit trong Sụp đổ Tài chính."

Mùa hè năm 1997, Sornette để ý thấy một điều khác thường – một hình mẫu khủng hoảng trong thị trường chứng khoán rất giống với chỉ báo trước khi nổ tung của thùng áp suất trên tên lửa Ariane. Ông gọi điện cho Ledoit. Thị trường sắp sụp đổ, Sornette nói, một tuyên bố khá ấn tượng, vì mặc dù có những lúc này lúc kia loạng choạng, nhưng cổ phiếu, nhờ hoạt động giao dịch hàng ngày và bong bóng dot-com đang căng lên, dường như vẫn khá ổn định. Và đáng nói hơn, Sornette cho rằng sụp đổ sẽ xảy ra trong vòng một vài tháng nữa, vào khoảng cuối tháng 10. Ledoit nói với Sornette rằng họ nên ghi chép lại dự đoán này. Hai người họ, cùng với nhà địa vật lý Johansen, đã viết đơn xin cấp bằng sáng chế cho mô hình chi tiết (sau này được đặt tên là mô hình Johansen-Ledoit-Sornette, JLS), và gửi đến văn phòng cấp bằng sáng chế Pháp.

Sau đó Sornette và Ledoit quyết định sao lại không thử kiếm tiền từ vụ sụp đổ này. Giữa tháng 10, họ mua các quyền chọn bán đã thua lỗ rất lớn với tổng giá trị 30.000 đô la. (Cũng chính là những hợp đồng mà Universa đã mua.) Và họ ngồi chờ. Thị trường vẫn bình tĩnh. Và rồi, ngày 27/10, một cú sụp đổ đột ngột. Chỉ số công nghiệp Dow giảm 554 điểm, mức giảm cao thứ ba tính đến lúc này. Đây cũng là vụ cúm châu Á đã mang lại độc đắc cho Spitznagel.

Sornette và Ledoit bán đi, dễ dàng kiếm được lợi nhuận 300%. Họ đáng lẽ có thể kiếm được nhiều hơn, vì họ chỉ bán đi một phần vị thế của mình. Sornette dự đoán sẽ có một vụ sụp đổ lớn hơn nữa, lần này có thể mang lại cho họ lợi nhuận 10.000%. Họ tiếp tục nắm giữ, chờ đợi hỗn loạn lớn hơn. Nhưng không có hỗn loạn. Thực tế, thị trường đã gồng mình trong ngày hôm sau và chẳng mấy chốc cú sụp đổ kinh hoàng ngày 27/10 đã trở thành ký ức xa xôi.

Sornette sau đó phát hiện ông có thể áp dụng phương pháp này để dự đoán thị trường phục hồi từ mức thấp trong thị trường con gấu, mà ông gọi là "bong bóng ngược" của mức giá thấp đến phi lý. Tháng 1/1999, ông dự báo chỉ số Nikkei sẽ sớm hồi phục từ sau 14 năm ảm đạm, bật lại 50% tính đến cuối năm – và thực tế đúng là vậy.

Nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính của ông đã kết tinh trong quyển sách Why Stock Markets Crash: Critical Events in Complex Financial Systems xuất bản năm 2003. Một công trình đáng ngưỡng mộ về phân tích thị trường lịch sử, quyển sách áp dụng các khái niệm của lý thuyết phức tạp, hình học phân dạng, lý thuyết mạng lưới, kinh tế học hành vi, sinh học tiến hóa, lý thuyết hỗn loạn, nghiên cứu động đất, và nhiều lĩnh vực khác vào nghiên cứu bong bóng và sụp đổ. Như ông đã lập luận lần đầu trong bài báo năm 1995 với Bouchaud, bong bóng bắt đầu một cách lý trí, khi các nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty mà họ tin rằng sẽ có thể gia tăng thu nhập trong tương lai. Ngày càng có nhiều người mua tham gia, khiến cho càng có thêm nhiều người tham gia, mua đuổi và đẩy giá lên cao, cao hơn nữa, dẫn đến hiệu ứng bầy đàn phi lý trí, thổi phồng bong bóng. Cổ phiếu (hay rộng hơn là thị trường chứng khoán) bị tách rời khỏi những yếu tố cơ sở, và bong bóng nhanh chóng mở rộng. Mô hình của Sornette, theo ông tự nhận, có thể phát hiện các giai đoạn cuối của hiện tượng này khi nó biến thành vụ sụp đổ bùng nổ.

Hãy nghĩ đến một quả bóng bay. Khi chưa căng phồng, sẽ rất khó chọc thủng bằng cây kim. Thổi nó lên một chút thì nó vẫn trơn trượt khỏi cây kim. Thổi lên thật to, thì chỉ cần cây kim nhỏ xíu cũng đủ khiến nó nổ bùm. Đó là hình động mà mô hình của Sornette có thể phát hiện. Khi bong bóng tài chính đã đến giai đoạn siêu căng phồng, nó có thể nổ tung bất cứ lúc nào, chỉ cần một chút áp lực từ kim nhọn gây ra vụ sụp đổ.

Phép toán nền tảng của mô hình Johansen-Ledoit-Sornette là do Sornette lần đầu tiên phát hiện trong thập niên 1990 khi ông đang chẩn đoán những điểm đứt gãy quan trọng trong bình áp suất của tên lửa Ariane, cũng như phương pháp dự báo động đất. Hiện tượng này có những điểm tương đồng với phân dạng của Mandelbrot, là một thứ còn to tát hơn định luật lũy thừa tiêu chuẩn – nó là một định luật siêu-lũy thừa tô điểm bằng những dao động lên xuống rất nhanh đến chóng mặt.

Nhà vật lý người Pháp tuyên bố đã khai quật được một bóng ma. Một hiện tượng mà, theo như lý thuyết tài chính và kinh tế hiện hữu, là không tồn tại. Thị trường, theo lý thuyết này, hành xử như một cuộc dạo chơi ngẫu nhiên. Nó là lý thuyết từng được đưa ra năm 1900, bởi nhà toán học người Pháp Bachelier, theo miêu tả của Benoit Mandelbrot tại NYU. Đôi khi còn được gọi là cuộc dạo chơi của kẻ say rượu, lý thuyết này cho rằng thị trường – tất cả mọi hình thức thị trường – đều hoàn toàn ngẫu nhiên và do đó là không thể dự đoán. Thử hình dung cảnh một kẻ say rượu bước đi từ cột đèn. Mỗi bước chân lại đi về một hướng, đôi khi hướng vào cột đèn, đôi khi lại hướng ra ngoài. Theo phép toán này, sẽ không thể nào dự đoán đến hết đêm thì kẻ say rượu này đang nằm cách cột điện bao xa. Đối với nhà đầu tư, điều này có nghĩa là đừng cố gắng canh thời điểm trong thị trường, vì không thể nào dự báo nó sẽ đi lên hay đi xuống trong một khoảng thời gian nhất định. Bạn không thể nào biết một cách tự tin rằng khi tung đồng xu lần sau bạn sẽ bắt được mặt hình hay mặt chữ. Lúc nào cũng là 50-50. Cuộc dạo chơi ngẫu nhiên là mặt bên kia của đồng xu thị trường hiệu quả đã khiến Brandon Yarckin cảm thấy bức bối trong bài giảng tại Duke. Thị trường lúc nào cũng tổng hợp tất cả mọi thông tin đã biết vào giá, bước dịch chuyển tiếp theo của nó cũng giống như một đồng xu được tung lên, hoàn toàn không thể dự báo.

Sornette đồng ý rằng, trong hầu hết các trường hợp, lý thuyết bước đi ngẫu nhiên là đúng cho thị trường. Tuy nhiên, có những lúc, ông nói, thật sự có thể dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra. Thời điểm quan trọng nhất: khi nó đang ở trong một cái bong bóng. Ông gọi những sự kiện này là "không gian có thể dự đoán." Các mô hình thông thường đã không nắm bắt được sự dịch chuyển cực đoan như trong các vụ sụp đổ, ví dụ như Ngày thứ hai đen tối, tháng 10/1987. Các mô hình thường cho rằng khả năng xảy ra những vụ sụp đổ như vậy là không thể về mặt thống kê, chỉ xuất hiện một lần trong một tỉ năm (hay nhiều hơn). Điều này có nghĩa là, mô hình có thể sử dụng bình thường cho hầu hết các ngày giao dịch, sẽ không còn hợp lý khi gặp sụp đổ. "Nếu mức giảm lớn nhất là ngoại lệ, chúng ta phải cân nhắc khả năng là chúng mang theo một mức độ dự đoán cao hơn các dịch chuyển thị trường nhỏ hơn," Sornette đã viết trong quyển sách Why Stock Markets Crash.

Bất chấp tất cả những phép toán phức tạp, ít người tin rằng Sornette đã giải mã được bong bóng. Làm sao bạn biết đó là bong bóng? Biết đâu giá đang phản ảnh chính xác kỳ vọng tập thể về lợi nhuận tương lai đạt mức phi thường. Hầu hết các nhà kinh tế học đều cho rằng bạn chỉ biết nó là bong bóng sau khi nó đã nổ. Alan Greenspan, khi đó là Chủ tịch Cục Dự trữ, đã nói rằng không thể nào xác định được bong bóng khi nó đang được bơm căng. Nhắc đến bong bóng dot-com, ông ấy đã nói trong một bài phát biểu tại Jackson Hole, Wyoming, tháng 8/2022: "Khi các sự kiện phát triển, chúng tôi nhận ra rằng, mặc dù có nhiều nghi ngờ, nhưng rất khó để xác định chắc chắn được bong bóng cho đến sau khi sự việc đã diễn ra – nghĩa là, khi nó nổ tung thì nó mới xác nhận sự tồn tại của mình."

Phố Wall vẫn luôn không thiếu những người tự nhận là có tầm nhìn, đã phát hiện được mẫu hình ẩn giấu trong những sợi dây đan dọc đang ngang của thị trường. Nguyên tắc sóng Elliott, được chuyên gia kế toán Ralph Nelson Elliott phổ biến vào đầu thế kỷ 20, cho rằng có thể dự báo chu kỳ và xu hướng thị trường bằng cách xác định điểm cực đoan về giá và tâm lý nhà đầu tư. Theo lý thuyết này, các chu kỳ dịch chuyển như những làn sóng có thể xác định sóng sánh lên và xuống – bong bóng và sụp đổ. Bản thân Sornette cũng nói rằng mô hình của ông có nhiều điểm tương đồng với sóng Elliott.

Nhưng mặc dù phân tích kỹ thuật đôi khi cũng đạt được thành công ngắn hạn, về lâu dài không có nhiều bằng chứng cho thấy nhà đầu tư có thể áp dụng nó mà dự báo thị trường một cách chính xác. Về phần mình, Sornette cho rằng phương pháp của mình vững vàng hơn nhiều, dựa trên các phương pháp tiên tiến trong vật lý học, và có thể chứng minh được bằng dữ liệu khách quan, có thể kiểm chứng. Tuy nhiên, các nhà khoa học khác đã thử chơi trò này qua nhiều năm, và đều thất bại. Năm 2002 Sornette đưa ra dự báo rằng cổ phiếu Mỹ sẽ vẫn bị mắc kẹt trong thị trường con gấu trong vài năm tiếp theo, nhưng thực tế nó đã gồng mình bước vào vùng thị trường con bò; và như vậy cũng chẳng chứng minh được gì. Tuy nhiên, nó cũng không hề ngăn được việc ông ấy tiếp tục cố gắng nhả ra vài dấu hiệu bí mật nằm khuất trong mớ bong bóng và sụp đổ.

***

Năm 2005, Sornette đến Viện Công nghệ Liên bang Thụy sĩ (ETH Zurich) – MIT của Châu Âu – để phát biểu trong một buổi hội thảo. Sau đó, một vài giáo sư ETH đã mời ông ăn tối. Trong bữa tiệc, họ nói cho ông biết tại Viện đang có một vị trí trống. "Sao anh không thử nộp đơn đi?" họ hỏi. Vài tháng sau, ông dọn đồ đạc tại Los Angeles và chuyển đến Zurich, chọn nơi đây làm tổ ấm lâu dài.

Mang một chức danh khác biệt là giáo sư về rủi ro khởi nghiệp, ông tiếp tục tập trung tinh chỉnh cho mô hình của mình, mà ông thường gọi ngắn gọn là LPPLS, viết tắt của Mô hình hiếm định luật lũy thừa tuần hoàn logarit. Tháng 10/2007, ông có bài phát biểu chính trước khán giả là nhưng ngôi sao của quỹ phòng hộ tại Khách sạn Grand xa hoa ở Stockholm. Nhan đề của bài phát biểu cũng chính là nhan đề của quyển sách: "Tại sao Thị trường Chứng khoán Sụp đổ."

Trong bài phát biểu này, ông đưa ra một dự đoán đầy bất ngờ. Dựa trên kết quả của mô hình LPPLS, ông dự báo thị trường chứng khoán Trung Quốc, vốn dĩ đã tăng hơn 300% trong vài năm qua, là một bong bóng đang đứng trước bờ vực sụp đổ.

Những người tham dự đều hoài nghi. Các nhà dự báo suốt nhiều năm qua đều cho rằng phép màu kinh tế Trung Quốc sẽ nổ tung, nhưng họ đều sai. Và Sornette lại còn quên một điều. Đó là Thế vận hội Mùa hè tại Bắc Kinh sắp được tổ chức năm 2008. Các nhà hoạch định chính sách của quốc gia này không thể nào chấp nhận để kinh tế sụp đổ trước khi diễn ra sự kiện. Nhưng đúng là như thế, không lâu sau cuộc hội thảo, cổ phiếu Trung Quốc bắt đầu loạng choạng cùng với nhiều thị trường khác trên thế giới, bắt nguồn từ thị trường thế chấp nhà ở dưới chuẩn tại nước Mỹ, gây ra thua lỗ hàng tỉ đô la trên khắp thế giới. Đến tháng 10, thị trường cổ phiếu Thượng Hải của Trung Quốc đã mất giá 80%.

Dựa trên thành công này và nhiều dự đoán khác, tháng 8/2008 Sornette đã thành lập Nhóm Quan sát Khủng hoảng Tài chính tại ETH để phát triển thêm các phương pháp định lượng để phát hiện bong bóng tài chính, và hy vọng là dự đoán được thời gian chúng sẽ nổ tung. Ông cảm thấy rất bứt rứt trước lời bào chữa cho việc tại sao không có ai, từ những ông chủ ngân hàng lúc nào cũng chỉ biết nhún vai, đến các nhà kinh tế học đầu bù tóc rối, hay các giám đốc quỹ phòng hộ luôn mang ánh mắt đừng có mà nhìn tôi, đều không nhìn ra được khả năng xuất hiện Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu. Chỉ ba năm trước đó, Sornette đã có một bài báo chẩn đoán bong bóng siêu khổng lồ trong lĩnh vực bất động sản Mỹ và đã dự báo một cách chính xác rằng nó sẽ nổ tung vào giữa năm 2006. Mặc dù ông đã không tính được đến sự hỗn loạn diễn ra sau khi bất động sản sụp đổ sẽ lan tỏa trong cả hệ thống tài chính theo đường dây dẫn thuốc nổ là sản phẩm phái sinh, ông cũng đã đặt tay lên được sợi tim làm nổ quả bom. (Nhiều người khác cũng đã dự đoán được.)

Sornette vào khoảng thời gian này bắt đầu trở nên thù nghịch với lý thuyết Thiên nga đen của Nassim Taleb. Toàn bộ ý tưởng nền tảng của Thiên nga đen – rằng các sự kiện gây chấn động địa cầu là không thể dự đoán – theo ông, đều là sai lầm hoàn toàn. Nó khiến cho người ta giơ tay đầu hàng và không cố gắng tìm hiểu tương lai, hay thấu hiểu quá khứ. "Khái niệm Thiên nga đen là rất nguy hiểm," Sornette nói với tôi. "Nó đặt chúng ta quay lại thời chưa có khoa học, khi mà những cơn thịnh nộ của thiên nhiên, sấm sét, mưa bão được xem là do trời đất nổi giận."

Sornette cũng không phải xa lạ với Taleb. Ông đã từng là nguồn tại liệu cho Thiên nga đen. Thực tế, Taleb còn gửi lời cảm ơn ông trong quyển sách ("Didier Sornette có thể trò chuyện với tôi bất cứ lúc nào qua điện thoại và email, vẫn thường gửi cho tôi các bài báo về nhiều chủ đề khác nhau, không được quảng bá nhưng có liên quan, trong lĩnh vực vật lý thống kê"). Sornette cũng sớm tạo ra một con quái vật của riêng mình để đại diện cho vùng đất của những sự kiện siêu cực đoan: Vua rồng; thuật ngữ này được ông đưa ra năm 2009 để cạnh tranh với con chim ồn ào của Taleb. Vua rồng, theo lời ông, là những sự kiện ngoại lệ mang những đặc tính cụ thể, mà trong trường hợp cực đoan, là có thể phát hiện được và có thể được vận dụng để xác định khi nào nó sẽ nổ tung; đó là những cơn động đất nhỏ dẫn đến vụ bùng nổ lớn, được xác định bằng mô hình LPPLS.

Vua rồng là một hình ảnh ẩn dụ kép – đề cập đến một sự kiện vừa có quy mô vô cùng lớn (vua của một nước là người nắm giữ của cải nhiều nhất của nước đó) và có nguồn gốc đặc biệt (một con rồng của truyền thuyết). Các sự kiện cực đoan không diễn ra theo cùng một cơ chế như các sự kiện bình thường. Nó đòi hỏi phải có các quá trình khuếch đại đưa nó trở thành quan trọng, trở thành một hiện tượng lớn khủng khiếp, một điểm duy nhất sẽ nổ tung với lực tàn phá kinh hoàng. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Sornette viết, "là một trong những ví dụ nổi bật về Vua rồng, lan ra khắp các châu lục và ảnh hưởng đến kinh tế của cả thế giới."

Thách thức đặt ra là làm thế nào phát hiện con quái vật gớm ghiếc với mục tiêu tham vọng là thuần hóa nó. Với mô hình LPPLS tại Phòng Quan sát Khủng hoảng Tài chính, Sornette bắt đầu quét hàng trăm tài sản tài chính trên khắp thế giới để tìm dấu hiệu của con rồng. Khi tin đồn về con quái vật mới của ông bắt đầu lan rộng, ông được giới truyền thông Thụy sĩ đặt cho biệt danh là Người săn rồng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#taichinh