Chương 8: Phía bên đó là điên rồ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mark Spitznagel lao xuống từ sườn dốc trượt tuyết thẳng đứng của núi Whistler, tấm ván trượt lướt trên lớp bột dày, tươi mới. Ông và vợ, Amy, đang tận hưởng lễ hội trượt tuyết vòng quanh thế giới sau khi đóng cửa Empirica. Họ đi du lịch đến Whistler tại British Columbia, đến Aspen, Thung lũng Squaw, các khu nghỉ dưỡng tại Áo và Thụy Sĩ. Họ quyết định sẽ có con, và đây là chuyến đi chơi tung tăng tự tại cuối cùng trước khi ổn định cuộc sống.

Sức hút của hiểm nguy – loại hiểm nguy thể chất – là một điểm chung giữa Spitznagel và Sornette. Sornette cũng thích trượt tuyết, lướt ván, và còn phóng như bay trên xa lộ L.A với vận tốc 175 dặm/giờ (Spitznagel thì thích lướt ván mạo hiểm hay bay lượn không động cơ trên đỉnh núi). Taleb thì không. Ông ấy ghét xe mô tô, vì ông cho rằng nó nguy hiểm một cách liều lĩnh thiếu suy nghĩ. Taleb là một người của thành phố: của quán cà phê, hiệu sách, phòng hòa nhạc. Ông cũng tự nhận mình là người trung dung/ flaneur, một từ mượn của Pháp mang nghĩa là một người tự tại, lan man trên đường, kẻ mộng mơ, hay một người có hình ảnh gắn liền với chiếc khăn choàng bằng lụa và giày da bóng. Bạn muốn nghe Spitznagel tự gọi mình là flaneur thì hẳn bạn phải đợi cả triệu năm mới may ra.

Khi Spitznagel quay lại New York vào giữa năm 2005 sau chuyến trượt tuyết vòng quanh thế giới, ông hẹn gặp Yarckin, nhà môi giới của KBC từng phụ trách các giao dịch của Empirica. Họ ngay lập tức bàn nhau thành lập một quỹ phòng hộ mới dựa trên chiến lược phòng hộ sự kiện hiếm gặp của Empirica.

Spitznagel đang ấp ủ một kế hoạch đầu tư khác: Phí bản quyền phim. Hầu hết các bộ phim đều không có lợi nhuận. Do đó phần phí bản quyền phim – phần thanh toán bản quyền cho diễn viên, đạo diễn ... sau khi bộ phim đã có lợi nhuận – thường rủi ro và không đáng bao nhiêu. Giả sử có nhà đầu tư chấp nhận trả một khoản tiền bản quyền ngay từ đầu, nhận về rủi ro hoặc không kiếm được đồng nào, hoặc kiếm được một đống lớn nếu bộ phim bùng nổ doanh thu phòng vé?

Tỉ lệ rủi ro cũng tương đương với những quyền chọn bán đã quá cách biệt với giá gốc mà Empirica từng thu gom – chỉ là ngược lại. Hầu hết các quyền bán khi đến hạn đều không còn giá trị, do đó tạo ra một khoản lỗ nhỏ, nhưng gặp lúc thị trường sụp đổ thì chúng tạo ra lợi nhuận phi thường. Quyền giữ bản quyền phim cũng sẽ mang lại lợi nhuận khi gặp phim bom tấn. Trong vài trăm Battlefield Earths thì may ra bạn tìm được một Jurassic Park.

Diễn viên và đạo diễn dĩ nhiên là hiểu rõ rủi ro này. Có người thích nhận tiền mặt một lần ngay từ đầu mà bảo đảm, còn hơn đánh cược vào tương lai nở hoa, Spitznagel nghĩ vậy.

Ông đã nảy sinh ý tưởng này sau khi gặp gỡ ăn trưa cùng nhà sản xuất phim Lynwood Spinks, nổi danh với những bộ phim như Cliffhanger và Ghost Rider, tại Beverly Hills tại Ivy, một nơi gặp gỡ của những người nổi tiếng. Năm 2004, Spinks đã thành lập một công ty mang tên Relativity Media cùng với một nhà tài trợ phim mới nổi danh, Ryan Kavanaugh. Kavanaugh đang cố gắng bắc cầu giữa Phố Wall và Hollywood bằng một chiêu trò giúp cho mình thu hút được những tay chơi mê toán ở Phố Wall. Anh ta dùng một mô hình gọi là Monte Carlo thực hiện hàng ngàn mô phỏng để dự đoán thành công của một bộ phim. Giả sử một hãng phim đang chuẩn bị quay một bộ phim sử thi khoa học viễn tưởng do John Travolta đóng và Steven Spielberg làm đạo diễn. Mô hình này sẽ săm soi kết quả phòng vé của Spielberg và Travolta cũng như những trường hợp thành công và thất bại của dòng phim khoa học viễn tưởng gần đây. Từ những kết quả này, Kavanaugh có thể ước tính hãng phim nên đổ ra bao nhiêu tiền để đầu tư, nếu thật sự là nên đầu tư.

Kavanaugh đang lùng sục Phố Wall để tìm nguồn đầu tư. Spitznagel cảm thấy tò mò. Yarckin bắt đầu bay qua bay lại giữa New York và Los Angeles và kêu gọi cam kết góp vốn cho một quỹ đầu tư mới sẽ dùng mô hình định giá quyền chọn mà Spitznagel đã hoàn thiện để định giá bản quyền phim. Mọi thứ dường như đang tiến triển tốt đẹp thì Spitznagel rút lui. (Yarckin và Spitznagel đã may mắn thoát ra khỏi Kavanaugh. Sau một thời gian có vẻ như sắp trở thành một trong những nhà sản xuất hàng đầu tại Hollywood, tên tuổi gắn liền với những phim bom tấn như Mama Mia! Và The Social Network, anh ta đã lèo lái công ty đi vào phá sản giữa vô số những cáo buộc về gian lận.)

Một cơ hội tốt hơn đã xuất hiện. Neil Chriss, giáo sư NYU đã giúp kết nối Spitznagel với Taleb hồi năm 1999, báo cho ông về một vị trí đặc biệt tại một đơn vị giao dịch độc quyền bí mật tại Morgan Stanley, ngân hàng đầu tư khổng lồ của New York. Nó mang một cái tên rất lãng xẹt – Giao dịch Theo Quy trình, PDT – và có một bí mật thú vị. Mặc dù được ít người biết đến, PDT là một trong những hoạt động giao dịch có lợi nhuận tốt nhất trên Phố Wall.

PDT về cơ bản là đỉnh cao của tài chính định lượng. Với đội ngũ nhân sự bao gồm các tiến sĩ toán học, kỹ sư điện, lập trình máy tính, nhà vật lý học, nó được thành lập vào đầu thập niên 1990, khi Peter Muller, một nhà toán học thông thái, kỳ quặc, yêu thích môn poker, muốn thử xem chiến lược giao dịch mà ông vẽ ra trên giấy có thể áp dụng thành công vào thực tế cuộc sống. Họ triển khai một chiến lược phức tạp tên là chênh lệch giá thống kê. Chênh lệch giá là phương pháp đầu tư lâu đời, tìm kiếm sự chênh lệch giữa những tài sản giống hệt nhau hay gần giống nhau. Jay Gould, chủ ngân hàng khét tiếng ở New York, đã dùng nó để kiếm được kho báu từ vàng vào những năm 1800. Nếu vàng tại New York rẻ hơn vàng tại London, ông ấy sẽ mua của New York và bán cho London. Đây là hoạt động giao dịch hầu như không có rủi ro.

PDT áp dụng chiến lược này với tốc độ cao dành cho cổ phiếu. Các mô hình máy tính của họ quét qua thị trường để tìm mối tương quan giữa cổ phiếu của các công ty. Ví dụ, khi giá cổ phiếu GM tăng, giá của Ford thường cũng tăng – người Mỹ đang mua nhiều xe hơi. Nhưng chúng lại không phải lúc nào cũng di chuyển cùng một nhịp. Thế nên nếu GM tăng giá, bỏ lại Ford ở phía sau hít bụi, PDT có thể chọn mua cổ phiếu Ford với hy vọng nó sẽ nhanh chóng chạy theo. Dĩ nhiên, mô hình của PDT có tính phức tạp hơn nhiều so với lời diễn giải đơn giản như trên, và các giao dịch không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng họ có số lần thành công đủ lớn, để mà khi giao dịch hàng ngàn lần một ngày, thì hầu như ngày nào cũng có lời, giống như tại một sòng bạc có quá nhiều người đặt cược trên bàn đỏ đen khiến nó không bao giờ thua lỗ về lâu dài.

Đến cuối thập niên 1990, PDT đã trở thành đơn vị giao dịch có lợi nhuận cao nhất của Morgan Stanley, kết quả kinh doanh của họ đôi khi ngang hàng với quỹ phòng hộ lớn mạnh ở Long Island là Renaissance Technologies, mà nhiều người xem đây là cỗ máy giao dịch có kết quả tốt nhất mọi thời đại. PDT hoạt động liên tục nhiều năm mà chưa có tháng nào thua lỗ. Muller thành công đến mức thu nhập của ông còn cao hơn CEO của Morgan, do đó rất sợ chiến lược của mình bị sao chép, muốn giữ bí mật cho sự tồn tại của PDT, đến mức ám ảnh. Nhiều nhà quản lý cấp cao tại tập đoàn thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của nó. Ông không cho phép Aaron Brown, giám đốc rủi ro của Morgan Stanley vào lúc đó, tìm hiểu bất cứ thứ gì về chiến lược hay rủi ro tiềm ẩn, cho rằng đã từng bị một giám đốc rủi ro khác ăn cắp một phần mã phần mềm của mình.

Muller rút lui khỏi vị trí quản lý toàn thời gian cho PDT năm 1999, mặc dù ông vẫn giữ nhiệm vụ cố vấn. Sau một chuỗi kết quả kinh doanh mờ nhạt (đối với PDT, đó là lợi nhuận làng nhàng chứ không có gì siêu cấp), ông quyết định quay lại nắm quyền năm 2006. Ông đang tìm kiếm chiến lược mới để có thể đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh. PDT chuyên về cổ phiếu và chưa từng mở rộng ra các lĩnh vực khác trong thị trường. Quyền chọn thì sao? Neil Chriss, bạn của ông, cho biết có một nhà giao dịch quyền chọn nổi bật tại công ty Empirica Capital, gần đây vừa đóng cửa.

Sau vài lần gặp mặt Muller, Spitznagel đồng ý gia nhập PDT. Ngay từ đầu đôi bên đã không quá hợp nhau. PDT mang một cảm giác như một giáo phái. Các thành viên trong nhóm thường cùng nhau bay đi nghỉ dưỡng trong rừng hay những hòn đảo xa xôi. Nhiều người đã tham gia nhóm từ ngày đầu thành lập của những năm đầu 1990. Muller đeo dây chuyền vàng, hát dân ca tại các quán rượu ở Greenwich Village, không phải là khung cảnh yêu thích của Spitznagel. Ông ấy thỉnh thoảng còn leo xuống khu tàu điện ngầm bẩn thỉu của thành phố mà hát dạo, mở chiếc hộp đàn để trước mặt như thể đang hát rong kiếm tiền lẻ.

Vài tháng sau khi Spitznagel gia nhập vào đầu 2006, một số thành viên cũ của PDT đã nhảy tàu sang một quỹ phòng hộ đối thủ. Đối với Muller, đây là hành động phản bội. Thậm chí còn tệ hơn, nó là mối đe dọa. Các mô hình do ông và các cộng sự phát triển trong nhiều năm qua được xem là bí mật kinh doanh, có giá trị không thua kém gì công thức bí mật của KFC. Ông quyết định yêu cầu mọi nhân viên phải ký thỏa thuận không cạnh tranh, có nghĩa là họ không được áp dụng bất cứ chiến lược nào đang được triển khai tại PDT trong một số năm nhất định.

Đây là sự khởi đầu không suôn sẻ đối với Spitznagel. Chiến lược của ông không phải do ông học được của PDT. Chiến lược là do ông đã cùng Taleb phát triển từ trước. Nhưng Muller vẫn khăng khăng, và Spitznagel rời đi sau chưa đầy một năm, trước khi hoàn toàn bắt đầu chương trình giao dịch của mình.

Việc này cũng không thành vấn đề. Suốt thời gian đó, ông vẫn luôn bàn bạc với Yarckin về việc thành lập quỹ riêng của mình, áp dụng chiến lược đã phát triển qua nhiều năm tại Empirica, giữa lại những phần nào hiệu quả, loại bỏ phần nào không hiệu quả, và càng hoàn thiện thêm cho nó. Ngay cả trong thời gian trượt tuyết vòng quanh thế giới, Spitznagel vẫn thức đến khuya để lập trình trên máy tính, chỉnh sửa các mô hình và xem xét dữ liệu. Nó giống như một nỗi ám ảnh của ông. Giờ đây ông có linh cảm rằng thời điểm đã chín muồi đối với chiến lược Thiên nga đen. Thị trường chứng khoán đang vươn lên đỉnh cao kỷ lục ngay cả khi bong bóng thị trường nhà ở tại Mỹ có dấu hiệu bùng nổ. Ông không muốn bỏ lỡ cơ hội được xem là có một không hai trong đời. Trong những buổi chiều trượt ván qua Central Park với tốc độ chóng mặt, ông và Yarckin đã vạch ra các chi tiết. Trên ghế ngồi trong công viên, trong lúc đi dạo trên những con đường đi bộ ngoằn ngoèo trong công viên, họ đã thảo luận về những vấn đề khác nhau như bố trí văn phòng, tuyển dụng, bảo hiểm, mối quan hệ với các môi giới chính, hợp đồng thanh lý hợp đồng tương lai – những yếu tố cơ bản của một đơn vị hoạt động giao dịch chuyên nghiệp.

Spitznagel đặt tên công ty là Universa, dựa trên ý nghĩa rằng cái đuôi béo (sự kiện hiếm gặp) và Thiên nga đen là đặc tính phổ biến của thị trường tài chính, là hiện tượng đã được phát hiện bởi Mandelbrot và những nhà tiên phong khác trong toán học. Một hệ quả tất yếu của nội kiến này là hầu hết các nhà đầu tư đều không biết ý nghĩa này. Để làm nổi bật khoảng cách trong triết lý và thực nghiệm của công ty đối với lối tư duy đám đông ngột ngạt của Phố Wall, họ quyết định mở văn phòng tại Santa Monica, California. Vị trí này còn có ưu điểm là Spitznagel và vợ con có thể sống ở một nơi khác ngoài Manhattan, vì họ đã cảm thấy chán ghét nơi này. Lo lắng về động đất, Spitznagel chọn một tòa nhà tương đối nhỏ có rường mái bằng gỗ uốn cong, có tầng gác xép để làm văn phòng riêng và phòng hội nghị nhìn xuống tầng giao dịch bên dưới.

Universa ra mắt tương đối lặng thầm vào tháng 2/2007. Gần như toàn bộ tiền mặt của họ là của hai nhà đầu tư, một quỹ tài trợ, và một quỹ hưu trí. Vài tháng sau, hai quỹ phòng hộ tại Bear Stearns ôm hàng tỉ đô la tài sản thế chấp dưới chuẩn đã nổ tung. Đó là loạt đạn mở đầu cho Khủng hoảng Tài chính Thế giới làm rung chuyển cả nền kinh tế thế giới.

***

Spitznagel đang tự hỏi phải chăng mình đã phạm một sai lầm lớn. Ông đang theo học môn tán thủ, là bộ môn vật cổ truyền của Trung Quốc chủ yếu khóa chặt tay chân của đối thủ khiến họ không thể động thủ. Spitznagel cảm thấy thú vị trước tư tưởng đạo Lão dùng nhu chế cương, có thể hạ gục đối thủ chỉ bằng vài ngoán tay. Ông thuê một bậc thầy võ thuật Trung Quốc đến văn phòng mỗi tuần một buổi để dạy học. Ngay lúc này ông không thể nhúc nhích. Cơ thể ông đang bị khóa cứng. Thật khó hiểu. Chuyện này là thế nào chứ? Thậm chí đáng sợ hơn, đối thủ của ông là một ông lão. Ông đang luyện tập trong phòng hội nghị trên tầng gác của tòa nhà trụ sở Universa tại Santa Monica. Thật là một bài học quá khó để chấp nhận rằng một người già hơn mình vài chục tuổi lại có thể kiểm soát hoàn toàn cơ thể của mình.

Ông cũng gặp một bài học khó nhằn khác. Ngoài hai nhà đầu tư ban đầu, không có người nào khác quan tâm đến những gì Universa chào bán. Sau khi thành lập công ty, Spitznagel và Yarckin đã phải bôn ba trên đường để vắt từng đồng cho quỹ mới của họ. Họ gọi chiến lược này là Giao thức bảo vệ thiên nga đen (BSPP). Mọi chuyện không mấy suôn sẻ.

Nguyên tắc chủ đạo của BSPP là nó được thiết kế để mang lại lợi nhuận bùng nổ trong một thị trường có thể sụt giảm đến 20% trong một tháng. Vấn đề là, Thị trường như thế chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong ký ức của mọi người – ngày 19/10/1987, Ngày thứ hai đen tối, khi Chỉ số Công nghiệp Dow giảm 22,6% (và Taleb đã kiếm được khối tài sản đầu tiên).

Chuyện này không thể xảy ra, người ta trả lời với hai người, lần nào cũng vậy. Thứ hai đen tối là một sự kiện bất thường đáng sợ của một thời đại khác. Thị trường cũng đã không hề sụt giảm đến mức này khi bong bóng dot-com nổ tung.

Nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu có niềm tin vững vàng vào quyền lực của Cục Dự trữ có thể bảo vệ họ tránh những cú sụp đổ lớn. Bằng cách giảm lãi suất ngắn hạn vào thời điểm khó khăn, Cục Dự trữ giúp cho người đi vay dễ dàng tiếp cận tiền rẻ, tạo động lực cho nền kinh tế. Dưới thời của Alan Greenspan, biện pháp bảo vệ này được gọi là "Quyền bán Greenspan," dựa trên quyền chọn bán sẽ hưởng lợi khi cổ phiếu giảm giá. Đến khi Ben Bernake trở thành chủ tịch mới của Cục Dự trữ, chính sách này trở thành "Quyền bán Bernanke." Thái độ của các quỹ hưu trí trên Phố Wall là: Nào có ai cần đến Universa khi tôi được chống lưng bằng quyền lực tuyệt vời của Cục Dự trữ Liên bang?

Một rào cản khác nữa là quan điểm phổ biến trên Phố Wall rằng thị trường và nền kinh tế đang trong giai đoạn biến động thấp kéo dài. Ben Bernanke trong một bài phát biểu năm 2004 tại Washington D.C đã gọi đây là Giai đoạn Điều tiết Vĩ đại; lý thuyết này gây dựng trong lòng nhà đầu tư niềm tin rằng những cú sụp đổ và suy thoái lớn đã là chuyện của quá khứ. Có người gọi đây là nền kinh tế cân bằng Goldilocks – không quá nóng, không quá lạnh. Một cách lý giải cho sự thay đổi này có thể là vận may tình cờ, Bernanke đã nói như thế trong bài phát biểu của mình. Không hề đâu, ông tuyên bố. Chính các quan chức ngân hàng trung ương (mà bản thân ông cũng nằm trong số đó) đã góp phần tạo ra vùng nước tĩnh lặng để nâng đỡ mọi con tàu. "Quan điểm của tôi là những cải thiện trong chính sách tiền tệ, mặc dù không phải là lý do duy nhất, đã có đóng góp quan trọng cho Giai đoạn Điều tiết vĩ đại," Bernanke tuyên bố.

"Nếu nền kinh tế đang ở đoạn giữa của một giai đoạn dịch chuyển dài hạn về phía điều tiết không quá nóng, không quá lạnh, tại sao tôi phải đổ tiền vào một công ty sống chết đều phải nhờ vào sụp đổ?" nhà đầu tư hỏi.

Spitznagel cũng bị dằn vặt trước những tin đồn về Empirica. Nếu chiến lược của họ tốt, tại sao phải đóng cửa? Tại sao nhà đầu tư rút lui? Họ đã nổ tung sao? Ông không cho rằng chuyện đó quan trọng, ông biết họ đóng cửa vì Taleb đã chán việc mỗi ngày mỗi thua lỗ và gặp vấn đề sức khỏe. Universa lần này là của ông, không phải của Taleb.

Những người hoài nghi khác thì nhăn mặt trước tình cảnh nếu thị trường giảm 20%, thì tất cả mọi người đều cũng gánh chịu thảm họa như nhau. Và như thế đối với họ là bình thường. "Tôi chỉ quan tâm đến kết quả của đồng nghiệp," họ nói. Điều này là sự thật, dù không may. Giám đốc quỹ được đánh giá không phải dựa trên số tiền họ kiếm về cho nhà đầu tư, mà dựa trên kết quả so sánh với mức chuẩn của nhóm giám đốc quỹ tương tự. Nếu một giám đốc quỹ công nghệ thua lỗ 10%, nhưng mức chuẩn là giảm 12%, thì người này vẫn được thưởng cao – kết quả tốt hơn chuẩn đến 2 điểm phần trăm! Nhược điểm của cách đánh giá này, đối với nhà đầu tư, là các giám đốc quản lý thường có xu hướng sao chép nhau, hành xử như bầy đàn đi về cùng một hướng. Đi theo đám đông sẽ an toàn, và không có quá nhiều động lực phải chấp nhận rủi ro để nổi bật trong một năm thị trường tồi tệ. Hầu hết những nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo Spitznagel, đều chẳng khác gì một con cừu đội lốt cáo.

Nói cách khác, những nhà quản lý này muốn nói với Spitznagel và Yarckin rằng quỹ của hai người không có giá trị gì với họ. Thậm chí, nó giống như một dòng chữ đáng sợ trên báo cáo tài chính, không kỳ vọng thu lợi suốt nhiều năm, chỉ làm cho kết quả kinh doanh của họ nhìn có vẻ thêm tồi tệ - mặc dù nó có khả năng cải thiện đáng kể kết quả của họ trong một năm tồi tệ.

Đa phần, các nhà đầu tư tiềm năng thậm chí còn không hiểu cơ chế hoạt động của quỹ. "Chúng tôi đặt phòng hộ cho trường hợp rủi ro hiếm gặp," Spitznagel trình bày với họ, trước chiếc bàn bằng gỗ sồi to rộng trong phòng họp. "Quỹ Giao thức Bảo vệ Thiên nga đen mua lại các quyền chọn đã quá cách biệt với giá thực tế có khả năng mang lại lợi nhuận bùng nổ trong trường hợp gặp sụp đổ, trường hợp hiếm gặp ..."

Rủi ro hiếm gặp? Quyền chọn? Thiên nga đen?

Những ánh mắt ngơ ngác.

Có cảm giác họ đang nói bằng một thứ tiếng xa lạ.

"Tôi phải ngồi đó giải thích cho những người đang điều hành hàng trăm tỉ đô la," Yarckin nhớ lại. "Đa số những người đang điều hành đủ loại quỹ đều không hiểu toán cơ bản, không có kỹ năng quản trị rủi ro cơ bản. Tôi phải giải thích với họ cơ chế vận hành của quyền chọn đối với trái phiếu chuyển đổi. Mấy người này đang nắm quyền kiểm soát hàng tỉ đô la đó."

Một rào cản khác cho Spitznagel và Yarckin là chiến lược của họ không khớp với mô hình tiêu chuẩn của Phố Wall để đo lường rủi ro và lợi nhuận. Phương pháp đo lường này thường được gọi là Lý thuyết Danh mục Hiện đại, dựa trên một quan điểm đơn giản, trực giác: Đừng bỏ hết giỏ vào cùng một rổ. Quan điểm này được đề xuất bởi nhà kinh tế học người Mỹ, Harry Markowitz trong thập niên 1950, cho rằng khi đa dạng hóa danh mục, bạn sẽ giảm được rủi ro bị đánh sập bởi tin xấu tác động đến một công ty hay một ngành kinh doanh cụ thể. Từ đó bạn nhận lại một thứ được xem là bữa trưa miễn phía duy nhất trong kinh tế học: Bạn tối đa hóa được lợi nhuận. Giả sử bạn sở hữu cổ phiếu của Ford Motor và Exxon. Giá dầu cao ảnh hưởng xấu đến Ford (người ta giảm mua loại xe ngốn xăng F-150), nhưng Exxon lại đạt lợi nhuận kỷ lục. Trên Phố Wall, Lý thuyết Danh mục Hiện đại không đơn giản chỉ là lý thuyết, nó giống như sắc lệnh trời ban đến từ các trường đại học kinh tế hàng đầu của cả nước. Quỹ tài trợ, quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, quỹ phòng hộ lớn – tất cả đều cuối đầu dưới chân Lý thuyết Danh mục Hiện đại (MPT). Người nào không thuần phục là kẻ chống đối. Và Universa là kẻ chống đối số 1.

Nói một cách đơn giản nhất, MPT khuyên nhà đầu tư mua đa dạng trong rổ danh mục cổ phiếu. Chỉ số đại diện tốt nhất cho thị trường là chỉ số cổ phiếu Standard & Poor 500 – là 500 cổ phiếu lớn nhất đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ. Vanguard, một trong những giám đốc quản lý quỹ lớn nhất thế giới, đã trở thành một gã khổng lồ khi hướng nhà đầu tư vào danh mục dựa theo chỉ số S&P 500 với phí rẻ. Đối với hầu hết nhà đầu tư, cách làm này rõ ràng là hợp lý. Họ không có thời gian, kỹ năng, hay kinh nghiệm để chọn cổ phiếu. Thực tế, điều này đúng với hầu hết tất cả mọi nhà đầu tư, dựa trên rất nhiều nghiên cứu khảo sát về kết quả lựa chọn cổ phiếu.

Bản chất của nó quả là đơn giản. Nhưng với những kỹ sư tài chính của Phố Wall, không bao giờ hài lòng với thứ gì quá dễ dàng, đã bắt đầu thiết kế ra những gói danh mục hứa hẹn mang lại cơ hội lợi nhuận và rủi ro theo từng cấp độ khác nhau. Bằng cách hiệu chỉnh chiếc núm vặn ẩn dụ mà họ đã thiết lập, họ có thể đẩy cao rủi ro, kèm theo đó là gia tăng cơ hội lợi nhuận trên lý thuyết. Hay họ có thể hạ thấp rủi ro, nhưng đồng thời cũng giảm lợi nhuận. Tất cả đều kèm theo một mức phí, dĩ nhiên rồi.

Giảm rủi ro thông thường là kết quả của việc đầu tư vào trái phiếu, vốn dĩ có tính biến động thấp hơn cổ phiếu. Thực tế, trái phiếu thường tăng khi cổ phiếu giảm (mặc dù mức tăng cũng không được bao nhiêu). Một danh mục như thế thường chạy khá suôn sẻ, không gặp quá nhiều ổ gà ổ voi trên đường, giống như một chiếc xe hơi sang trọng được bảo dưỡng đầy đủ.

Thông điệp của Spitznagel lại là: Quên hết những lý thuyết trên. Bạn không muốn một chiếc Cadillac, bạn muốn lái một chiếc Ferrari. Khi nắm giữ một khối lượng lớn trái phiếu, bạn đang vung tiền qua cửa sổ khi thị trường tăng – và hầu như thị trường luôn tăng. Tại sao bạn không đổ gần hết tiền vào cổ phiếu – giả sử là 97% - và chuyển phần còn lại cho chúng tôi. Khi thị trường sụp đổ, đã có chúng tôi chống đỡ. Những cú sụp nhỏ, giảm 5, 6%, không quá quan trọng. Thứ quan trọng là cú suy sụp – Thiên nga đen. Nếu bạn thua lỗ 20% trong một tháng, bạn cần kiếm được 25% thì mới quay lại mức ban đầu. Thua lỗ 50%, bạn phải kiếm lại 100% thì mới hòa vốn. Bạn thấy sao, nếu với Universa, bạn không mất gì cả, thậm chí còn kiếm được tiền khi thị trường sụp? Nó cũng giống như bạn mua bảo hiểm hỏa hoạn cho căn nhà có giá 500.000 đô và nhận được khoản tiền bảo hiểm 5 triệu đô khi rủi thay nó bị cháy rụi.

Nghe thì hấp dẫn đấy. Nhưng nó không khớp với bộ khung MPT. Thứ nhất, lợi nhuận của Universa là vô cùng thất thường. Nó có thể trải qua nhiều năm không có lợi nhuận. Đứng từ góc độ MPT, đây là cơn ác mộng. MPT thích một danh mục đẹp đẽ suôn sẻ, mang lại lợi nhuận ổn định, vững vàng – cũng bởi vì các giám đốc quản lý danh mục mỗi năm được đánh giá dựa trên lợi nhuận họ mang lại. Thua lỗ liên tục hai hay ba năm thì chết mất rồi.

Nhà đầu tư cân nhắc giữa chi phí cơ hội tích lũy – tiền tốt lại bị đổ sông đổ biển – và quay lưng lại.

Spitznagel và Yarckin đã thu xếp hàng trăm cuộc họp trong năm 2007. Họ bay ngang bay dọc cả nước để giới thiệu dịch vụ. Không một nhà đầu tư mới nào cắn câu của quỹ Thiên nga đen.

***

Universa có thể không được ưa chuộng, nhưng ý tưởng của Taleb thì ngày càng lan tỏa, thoát ra khỏi những nhóm khắng khít bao gồm nhà giao dịch quỹ phòng hộ, đội ngũ định lượng tài chính, và nhà quản lý rủi ro trên Phố Wall. Nhà báo David Ignatius của tờ Washington Post trong một bài xã luận đăng tháng 2/2004 nhan đề "Và Thiên nga đen," đã nhận định báo cáo gửi cho Lầu năm góc năm 2003 của Taleb là "đáng chú ý" và áp dụng nó vào những sai lầm của chính phủ Bush tại Iraq. "Iraq cũng giống như Long-Term Capital Management, theo đó những con người thông minh lại đâm thẳng vào thảm họa tiềm tàng vì cho rằng mình hiểu rõ những gì mình đang làm," ông viết.

Taleb cũng trở thành một mục tiêu. Joe Nocera, một phóng viên nổi bật trong mảng tài chính của tờ New York Times, đã viết bài đánh giá về quyển sách Fooled by Randomness vào tháng 10/2005 như sau: "Đối với tôi, vấn đề không phải là chuyện ngài Taleb đã sai trong các phân tích của mình. Vấn đề nằm ở chỗ chủ nghĩa hư vô của ông ấy. Nếu xét ở điểm lập luận cực đoan nhất – đây là điều ngài Taleb rất thích làm – quan điểm của ông ấy nhất định cho rằng việc cố gắng dự báo giá cổ phiếu hay xu hướng kinh tế là điều hoàn toàn vô nghĩa. Cũng như việc chúng ta cố gắng quản trị rủi ro, dường như ông ấy muốn nói, là không cần thiết vì chúng ta thế nào rồi cũng không nắm bắt được cái thứ to tát khổng lồ thật sự có tác động lớn. Trên cả hai quan điểm này, tôi cho rằng ông ấy sai hoàn toàn."

Nocera cho rằng, mặc dù dự đoán giá cổ phiếu hay chu kỳ lên xuống của nền kinh tế vẫn còn nhiều khiếm khuyết, người ta cũng không thể nào giơ hai tay đầu hàng và dẹp hẳn chuyện dự báo này. "Chúng ta nên cố gắng không để bị dẫn dắt bởi sự ngẫu nhiên," ông viết. "Nhưng chúng ta cũng không nên hoài nghi đến cực đoan như tác giả của Fooled by Randomness. Hướng về bên đó là điên rồ."

Dĩ nhiên, nhận định rằng Taleb không hề quan tâm quản trị rủi ro là không đúng. Toàn bộ chiến lược đầu tư của ông tại Empirica đều xoay quanh quản trị rủi ro. Nhưng về cơ bản nó là một dạng quản trị rủi ro hoàn toàn khác với cách làm của mọi người tại Phố Wall. Đúng là ông ấy cho rằng người ta không thể nào dự báo được những sự kiện chấn động địa cầu có thể tái cấu trúc tương lai. Ai mà biết trước được sự kiện 11/9 (ngoài Osama bin Laden và hội khủng bố của ông ấy)? Ai mà nhìn thấy trước Ngày thứ hai đen tối? Chiến tranh Thế giới I và hệ quả của nó? Nhưng điều này không có nghĩa là người ta "bay nhắm mắt." Taleb lập luận rằng vấn đề ở đây là chúng ta đang tự huyễn hoặc mình bằng những dự đoán và chấp nhận rủi ro quá lớn. Thiên nga đen đang lẩn khuất trong bóng tối – ông cảnh báo, chúng ta hãy cẩn thận.

Mùa xuân năm 2007, tác phẩm Thiên nga đen, Xác xuất cực nhỏ, Tác động cực lớn ra mắt trên khắp các nhà sách ở Mỹ. Nó trở thành quyển sách bán chạy, xuất hiện thứ 5 trong danh sách bán chạy của New York Times. Ông dành hẳn một chương, "Cái đẹp của Ngẫu nhiên," để ca ngợi Benoit Mandelbrot, nhà toán học người Pháp với phân dạng hình học đã tác động sâu sắc đến tầm nhìn của Taleb về các sự kiện cực đoan và hiếm gặp – vùng đất này được Taleb đặt tên là "Vùng đất Cực đoan." Vùng lãnh thổ bình thường ở giữa đường cong hình chuông được ông gọi là "Vùng đất Tầm thường" – thế giới Gaussian được thuần hóa mà Mandelbort đã chứng minh rằng không tương thích với bản chất uốn lượn kịch tính của thị trường tài chính.

Thế giới vật chất của các ngôi sao, hành tinh, vật thể - đây là những cư dân của Vùng đất Tầm thường, chịu sự thống trị của Định luật con số lớn (càng nhiều lần tung đồng xu, tỉ lệ xuất hiện của hai mặt càng tiệm cận 50-50; nghĩa là khi số lượng mẫu tăng lên, kết quả có xu hướng tập trung về vùng giữa của đường cong).

Thế giới của tài chính, và đa số các lĩnh vực khác, vận hành trong Vùng đất Cực đoan, vùng đất của định luật lũy thừa, cú đại nhảy vọt, sự kiện hiếm gặp, bong bóng và sụp đổ. Nếu người đàn ông cao nhất thế giới gia nhập vào hàng người gồm 100 người, anh ta sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến chiều cao trung bình – đó là Vùng đất Tầm thường. Nhưng nếu Jeff Bezos bước vào một căn phòng có 1000 người, thu nhập trung bình của nhóm này sẽ thay đổi đáng kể. Nó cũng giống như một người đàn ông có chiều cao 30 mét bước vào phòng. Đó là Vùng đất Cực đoan. Đặt 1000 tác giả vào một căn phòng và tính doanh số trung bình của họ. Sau đó cho Stephen King bước vào. Đó là vùng đất tập trung cực đoan, toàn bộ tập trung vào 1 người. Nếu hai người có tài sản trung bình là 10 triệu đô, thì nhiều khả năng một trong hai người có 9.999 triệu, người còn lại có 1.000 đô. Sự kiện hiếm gặp trở thành trung tâm, và thực tế là thứ duy nhất cần quan tâm. Mọi thứ khác đều là tiếng ồn.

"Vấn đề, theo chấp nhất của ngài Taleb, là phần lớn thời gian chúng ta đang đứng trong vùng đất chịu sự tác động của định luật lũy thừa mà không hề biết," một nhà phê bình đã nhận xét trên tờ Wall Street Journal. "Chiến lược quản trị rủi ro của chúng ta, chẳng hạn, bao gồm cả Lý thuyết Danh mục Hiện đại và công thức Black-Scholes về định giá, đều có xu hướng thua thiệt ngay lúc thảm hại nhất ... bởi vì chúng thường được thiết kế (một cách sai lầm) dựa trên giả định đường cong hình chuông."

Quyển sách của Taleb trở thành một tiêu chuẩn mới và biến Thiên nga đen thành một hình ảnh phổ biến đại diện cho điều tồi tệ bất ngờ xuất hiện. Trong 14 năm trước khi quyển sách được xuất bản, thiên nga đen đã xuất hiện 16.569 lần dựa trên tìm kiếm của Factiva. Trong 14 năm từ khi nó được xuất bản, Thiên nga đen xuất hiện 92.561 lần. Thiên nga đen phủ kín bầu trời. Sau đợt bùng phát Covid-19, Lloyd's ở London đã đưa ra sản phẩm bảo hiểm Thiên nga đen giúp chính phủ tự bảo vệ trước đại dịch và các sự kiện cực đoan khác. "Bất chấp sự bất ổn tràn lan trong năm 2020 bắt nguồn từ hiệu ứng Thiên nga đen do đại dịch Covid, giá phế liệu sắt của Mỹ vẫn kết thúc ở mức cao," tờ Platts Daily Briefing nhận xét. "Trump là một sự kiện thiên nga đen điển hình," Lionel Shriver nhận định trên tờ Telegraph. Rượu có thiên nga đen, ngành xuất bản có thiên nga đen, yoga có thiên nga đen, thậm chí còn có một truyện tranh dị hợm vô cùng mang tên Thiên nga đen vẽ Taleb là một người cơ bắp, mặc trang bị đặc biệt để chiến đấu chống lại cái ác của bitcoin và Cục Dự trữ và ném ra những lời khuyên như "Chúng ta phải luôn cảnh giác trước vấn đề quy nạp."

Việc người ta hiểu sai thế nào là Thiên nga đen khiến cho Taleb mệt mỏi khôn nguôi. Người ta hỏi: "Sự kiện 11/9 có phải là Thiên nga đen?" Phải đối với những người ở trong World Trade Center, không phải đối với nhóm khủng bố đã gây ra nó. "Cuộc Khủng hoảng Tài chính Thế giới thì sao?" Không phải là thiên nga đen, Taleb nói. Nó hoàn toàn có thể dự báo được (Thiên nga xám). Thực tế, Taleb và Spitznagel đã dự báo về một vụ nổ tung ngành tài chính liên quan đến tín dụng trong nhiều năm. Chỉ là họ không biết chắc khi nào thì vụ nổ tung xảy ra.

Các chuyên gia cho rằng Taleb chẳng nói ra được điều gì mới ("nhiều người khác đã từng đề cập rồi," một nhà phê bình trên tờ New York Times đã chỉ ra với thái độ không quan tâm). Họ nói, ai cũng biết có sự kiện hiếm gặp. Quả thật điều này đúng với những người có hiểu biết về lĩnh vực tài chính định lượng. Nhưng Taleb cũng không hề tuyên bố mình là người phát minh ra khái niệm này. Ông hoàn toàn biết đến những phát hiện về định luật lũy thừa và sự kiện hiếm gặp trong thị trường tài chính của những người đi trước, như Mandelbrot, và ông cũng nhắc đến điều này trong quyển sách của mình. Nhận định của ông là mặc dù phe tài chính định lượng ở Phố Wall biết hết về sự kiện hiếm gặp và Thiên nga đen, nhưng họ lại chọn đeo bịt mắt và dùng các mô hình dựa trên đường cong hình chuông như VaR và Black-Scholes, là mô hình định giá phổ biến, và hành xử như thể các rủi ro cực đoan không hề tồn tại.

Aaron Brown cho rằng đóng góp quan trọng nhất của Taleb không phải là việc ông tuyên bố trong tài chính có sự tồn tại của những sự kiện cực hiếm, mà chính là sự khẳng định rằng kết quả dài hạn chịu sự chi phối lớn của các sự kiện cực hiếm này. "Người làm nghề tài chính định lượng đều biết rằng thỉnh thoảng xuất hiện những sự việc lớn đến bất ngờ, và điều quan trọng là phải chừa đường cho nó," ông nói với tôi. "Nhưng trước Taleb, mọi người đều cho rằng việc quản trị các sự kiện hàng ngày mới là việc chính; chỉ sau khi bạn đã sắp xếp ổn thỏa mọi thứ rồi thì bạn mới dành ra 5% thời lượng chú ý của mình cho 'thứ ngoại lệ.' Taleb chứng minh rằng nếu bạn kiểm soát tốt thứ ngoại lệ thì bạn làm tốt, còn nếu bạn không kiểm soát chúng tốt thì bạn sẽ không còn tồn tại được nữa, khiến cho hiệu suất chẳng còn ý nghĩa."

Một khái niệm quan trọng khác từ quyển sách này là nhận thức muộn – người ta có xu hướng tuyên bố sau khi sự kiện Thiên nga đen xảy ra rằng thực tế họ vẫn luôn thấy trước rằng nó sẽ xảy ra. Nhà khoa học chính trị Philip Tetlock minh họa khái niệm này trong quyển sách năm 2016 SuperForecasting: The Art and Science of Prediction. Ông kể lại năm 1988, khi tổng thống Nga Mikhail Gorbachev tiến hành một loạt cải cách lớn, ví dụ như glasnost (xã hội cởi mở hơn), ông ấy đã hỏi các chuyên gia ước tính tỉ lệ mất quyền kiểm soát của đảng Cộng sản trong nước sau năm năm. Vài năm sau, khi Liên bang Nga đã tan rã, ông ấy đề nghị cũng những chuyên gia này nhớ lại ước tính trước kia của họ. "Tính trung bình họ nhớ con số ước tính cao hơn 31 điểm phần trăm so với ước tính thực tế," Tetlock viết. Một chuyên gia nhớ là đã ước tính nguy cơ sụp đổ là 70%, trong khi thực tế ông này đã ước tính là 20%.

Tâm điểm của Thiên nga đen của Taleb có một nghịch lý, một sự đối nghịch không mấy dễ chịu, nhưng lại cần thiết. Thiên nga đen về bản chất là những khủng hoảng không thể định nghĩa, không thể kiểm soát, không thể thấu hiểu, không thể dự đoán, không chắc chắn, hỗn loạn, ngẫu nhiên, hoang dã, ngoài tầm khống chế. Khi gọi tên hiện tượng này, miêu tả nó, định nghĩa hó, Taleb đang cố gắng làm một điều mà chính ông ấy cũng biết là không thể - nhốt Thiên nga đen vào một chiếc hộp. Để kể chuyện về nó. Đây là sự vi phạm vào một khái niệm chủ đạo khác trong quyển sách mà Taleb gọi là Ngụy biện Tường thuật. "Góc độ tôi muốn nói đến có liên quan đến bản chất của tường thuật là đơn giản hóa thế giới xung quanh và tác động của nó đối với nhận thức của chúng ta về Thiên nga đen và sự thiếu chắc chắn," ông viết. Não bộ con người khao khát trật tự, cần có trật tự. Joan Didion đã viết trong White Album, "Chúng ta kể chuyện cho mình nghe để mà sống... Chúng ta sống trọn vẹn, đặc biệt đối với nhà văn, bằng cách áp đặt câu chuyện kể lên những hình ảnh rời rạc." Thế nên chúng ta áp đặt hình mẫu, cấu trúc, bộ khung mong manh vào một thế giới lúc nào cũng ngập ngụa trong hỗn loạn. "Bạn càng cố gắng tóm tắt," Taleb viết, "bạn càng cố gắng thiết lập trật tự, thì tính ngẫu nhiên càng giảm. Do đó, cùng một điều kiện khiến chúng ta đơn giản hóa lại khiến chúng ta nghĩ là thế giới không còn nhiều yếu tố ngẫu nhiên như thực tế của nó." Taleb cho rằng đây chính là sai lầm thường xuyên của nhà báo và nhà kinh tế học, khiến họ đưa ra những giả định mạnh mẽ trong những lĩnh vực hoàn toàn không chắc chắn.

Cùng suy nghĩ tương tự, tiểu thuyết gia người Ấn Độ Amitav Ghosh đã nêu vấn đề này trong tác phẩm phi hư cấu năm 2016 của mình, nhan đề The Great Derangement: Climate Change and the Unthinkable, cho rằng nó lý giải tại sao tiểu thuyết văn học hiện đại lại không thể nào đưa những sự kiện cực đoan như trái đất nóng dần lên thành những câu chuyện đáng tin. Tiểu thuyết văn học cần những câu chuyện được thiết kế một cách cầu kỳ, tinh tế, kể về nhân quả. Nó ngăn trở những thứ không thể hiểu được – những thảm kịch không thể lường trước, không có khả năng xảy ra, và thường được xếp vào thể loại giả tưởng và khoa học viễn tưởng, vốn dĩ không được xem trọng. Tiểu thuyết văn học là một mảng thể hiện cuộc đời nhỏ hẹp, những chuyện đến và đi hàng ngày, những vấn đề của thế giới nhỏ bé của những nhân vật thuộc tầng lớp trung lưu như Emma Bovary của Flaubert và Leopold Bloom của James Joyce. (Ngoại lệ của hiện tượng này là những trường ca như Chiến tranh và Hòa bình, hay Moby-Dick.) Ghosh viết: "Tôn chỉ trung tâm của học thuyết này là 'không gì có thể thay đổi ngoại trừ góc nhìn để thay đổi hiện tại.' Hay nói đơn giản hơn: 'Thiên nhiên không có bước nhảy vọt.' Tuy nhiên, vấn đề là trong thực tế Thiên nhiên quả thực có nhảy, thậm chí là nhảy vọt."

Thiên nga đen có rất nhiều. Nhưng quả thực là vô cùng khó để tư duy và trao đổi về nó. Triết gia người Anh Timothy Morton đã đặt ra một thuật ngữ riêng để mô tả một hiện tượng tương tự: siêu vật thể. Những vật thể trơn trượt này, đối với Morton chủ yếu là hiện tượng trái đất nóng dần lên, có độ rộng lớn về không gian và thời gian khiến cho lối tư duy truyền thống của con người không thể nào bao quát nắm bắt được nó. Thế nhưng, con người lại liên tục bị ám ảnh bởi nó, và đó là một phần lý giải cho thành công vượt bậc của Thiên nga đen, khi số bản in bán ra lên đến hàng triệu và giữ vững vị trí trong danh sách bán chạy suốt 36 tuần. Thành công này đã đưa Taleb trở thành một người nổi tiếng – một thế lực nhỏ, như lời ca ngợi của Bloomberg – và cho phép ông tính phí mỗi lần xuất hiện là từ 60.000 đô trở lên. "Chỉ sau một đêm, Taleb từ một giọng nói đơn độc trong không gian hoang dã, đưa ra những lý thuyết khác lạ, trở thành nhà tiên tri vĩ đại của thời hiện đại," tờ Guardian viết.

Nhưng sự nổi tiếng đột ngột này vẫn không đủ để thuyết phục nhà đầu tư ném tiền vào kế hoạch bảo vệ Thiên nga đen của Universa trong năm 2007.

Nhưng tìnhthế sẽ sớm thay đổi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#taichinh