Ổ bánh của ông ngoại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hôm nay bỗng dưng lại nhớ ông tôi, người vừa mới sang một thế giới khác được hơn 100 ngày. Có lẽ do đã nhắc đến ông từ bài trước, nên bỗng dưng tôi lại muốn viết lại một kỉ niệm đẹp với ông. Thế nhưng bỗng dưng từ hôm đó đến giờ đầu tôi lại chả có một chút kỉ niệm nào cả. Kiểu như mọi thứ về ông dường như bắt đầu mơ hồ rồi, chẳng bao lâu nữa tôi sợ sẽ không còn nhớ mặt ông nữa mất. Điều này thậm chí còn đáng sợ hơn cả lúc đưa ông về đất mẹ nữa.

Người ta nói, một người thực sự biến mất khi không còn ai nhớ đến họ nữa. Tôi không còn nhớ câu nói này xuất phát từ đâu, do ai nói, nhưng nghe lúc nào cũng buồn lắm. Giả như một ngày nào đấy, tôi quên đi mọi người, cả những người tôi yêu thương lẫn những người tôi không quý mến, hay là họ quên đi tôi, có lẽ đó là lúc mà mọi thứ thực sự kết thúc. Thế thì thật là buồn, thật là thảm. Mà tôi thì lại muốn cuộc sống nó tươi đẹp lên cơ.

Thế nên tôi đã đi nói chuyện với chị tôi  về việc không nhớ những ngày ông ở viện Phổi TW nữa. Chị tôi trái lại còn nói là hôm nọ mơ thấy ông tôi. Tôi lại hơi buồn. Chẳng bao giờ tôi nằm mơ mà thấy ông cả, ít ra tôi không nhớ có lần nào như thế cả. Tôi toàn mơ về những thứ xa lạ, hoặc chẳng có thật. Thế mà chẳng thấy ông xuất hiện lấy một lần. 

Có hôm tôi đi gọi ông ở nhà cô Hoài, 2 lần, một lần là 49 ngày, lần kia là 100 ngày. Ông đều có vẻ mệt lắm, và có hỏi chỉ gật đầu lại lắc đầu. Ý ông có nói là ở xa quá, ông mệt nên chẳng theo tôi và chị lên Hà Nội, hay theo bố mẹ tôi về Việt Trì được. Ông bảo ở đấy ông chỉ đi được xe đạp, ở nhà một mình tự nấu cơm ăn. Ông thương em tôi chảy nước mắt, dù mới chỉ nhắc mỗi tên. Ông không giận  bố tôi, nhưng lại giận mợ tôi cố đi chợ mà không đưa ông "đi chợ" với cậu, mẹ, cô Hường, Anh béo và tôi. Ông giận của bữa cỗ chẳng mời đủ anh em họ hàng, dù đã làm to hơn nhà khác nhiều rồi.

Ông tôi thích chơi bài, chắn cạ tổ tôm ông đều chơi được. Ông thích hút thuốc lào và hay mua thuốc sẵn để ở nhà, mọi người hay vào chơi với ông rồi cũng hút. Ông có hai loại chè trong tủ, một loại cho người sành, một loại cho người thường. Cái này chỉ em họ tôi mới phân biệt được, hiểu ý ông nhất nhà. 

Ông tôi thích nhờ vả, sai việc người khác, đặc biệt là bố mẹ tôi. Vì nói cái là bố mẹ tôi làm ngay, đúng ý ông, đã thế bố tôi còn làm được điện đóm mà cả nhà chả ai biết làm, hay mẹ tôi thì khá quen tay và làm việc nhanh lắm. Ông thích người nhanh nhẹn, nói cái làm ngay. Chứ lề mề như tôi ông ghét sai vặt lắm, chỉ khi không có ai sai việc nữa thôi. Thế nên tôi ít bị làm "cu li" nhất nhà.

Ông thích ăn đồ khô ra khô, nước ra nước, nhưng đa số ông thích đồ khô hơn. Món tủ của ông ngày tôi còn ở nhà ông học lớp 1, lớp 2 chính là bánh mỳ kẹp bánh đậu xanh, hoặc chỉ là bánh mỳ không. Khô, giòn, dễ ăn. Nếu ông có ăn ướt thì phải kiểu mỳ chẳng hạn, nhiều nước, nhiều hành, không ăn "mì tôm sếch" aka mì tôm không có thịt, rau, trứng. Ông thích mỳ tôm hảo hảo trứng hoặc thịt, nhiều hành.

Ông thích ăn mặn nữa, nhưng vì sức khỏe bị huyết áp cao, tim mạch, nên bị mẹ con tôi gàn không cho ăn mặn nữa. Nhiều khi ăn đồ của mẹ con tôi nấu hay mua cho ông thì ông kêu nhạt, nhưng mà cũng chỉ  dám cho kèm chút bột canh chấm thêm. Dần dần ông ăn nhạt hẳn, người cũng khỏe được một thời gian.

Ông bị viêm phế quản, nhiều bệnh khác nữa của người già. Uống thuốc quanh năm. Ngoài những đợt bệnh được bác sĩ kê đơn kháng sinh liều cao, ông còn mua thuốc liều thấp để "phòng bệnh hàng ngày". Mà đã uống liều cao rồi thì liều thấp có tác dụng gì đâu chứ. Nhưng nói thế ông vẫn cứ uống. Mẹ tôi ngâm cho ông một bát chanh mật ong, lúc ông đi còn chưa uống hết. Thuốc thang còn lại cũng chuyển cho bà dùng.

Ông không thích bà, thậm chí có lúc ghét nhau như kẻ thù, lí do khá phức tạp và tôi cũng chẳng rõ. Nhưng đến lúc sắp đi rồi ông lại dặn mẹ đừng cho ông ăn đồ tốt nữa, để cho bà ăn cho bà khỏe đi, vì ông chẳng sống được bao lâu nữa.

Ông rất quý em họ tôi, vì nó là cháu đít nhôm trong nhà nhưng nó là con trai lại được ông chiều từ bé nên làm nhiều việc không đúng lắm. Ngoài mặt ông nói với người nhà là nó còn đi làm nuôi vợ con, đến lúc người ngoài hỏi đến thì ông bảo "Đít nhôm hỏng rồi". Ông buồn mãi đến lúc mất rồi ông vẫn buồn vì "đít nhôm".

Ông nằm viện, nóng quá đòi về. Mà mẹ tôi nhất quyết bảo ông ở lại chữa. Rồi may mắn được nằm chung giường với toàn người dễ  tính, ông vẫn cố bám trụ mấy đợt điều trị dài. Có lúc về ông khỏe gần như chưa vào viện.

Ông nằm viện, mẹ và cậu thay nhau trông ông, còn em họ tôi nữa, cái Anh béo hợp tính ông nhất nhà. Ban đầu ông cứ thấy cậu lên là  bảo về nhà không ốm, để chị với con gái trông là được. Mọi người đều tưởng ông thiên vị con trai. Mãi sau này mới biết được, thì ra là con trai trông bố không tốt,  nên bố muốn con gái cháu gái trông thôi. Vì cả hai nhanh nhẹn, lại giỏi chăm và quan tâm người bệnh. Chứ cậu tôi thì đến giờ mua cơm về mời ăn, xong lại đi uống nước chè với hút thuốc ở rõ xa, làm ông mệt gọi không được, ông khó chịu. Còn mẹ tôi với em họ tôi thì lúc nào cũng ở bên giường ông, chỉ trừ lúc mua cơm với rửa đồ. 

Ông sợ cậu tôi chăm ông ốm lắm. Có lần đến lượt cậu tôi lên chăm ông, ông chỉ lo "không có miếng nước mà uống không", chỉ lo con trai mải uống nước chè bỏ đi đâu đâu. Có lần ông nghĩ nhiều đến nỗi ốm cả người, vì hôm đấy tôi với mẹ đợi ông khỏe rồi lên nhà ở Việt Trì. Sáng sớm hôm tôi định về cùng mẹ thì ông nhập viện, mẹ ở chăm ông. Mỗi lần sắp đên lượt cậu chăm là y như rằng hôm sau ông có vẻ mệt lắm, như ốm nặng hơn ấy.

Ông chê đồ ăn nhạt, có lần thế, ba mẹ con tôi nhất quyết không tin là nhạt, cứ nghĩ do ông ăn mặn. Cho đến khi ông không ăn được nữa, mẹ tôi lại tiếc ăn cố thì đúng là nhạt thật, bấy giờ mới tin.

Ông tôi rất thích xem TodayTV, cả nhà ngoại tôi cũng thế. Mà có khi là cả làng đấy thích xem vì mọi người ai cũng bàn phim trên kênh này. Từ "Cô Dâu 8 Tuổi", "Góa phụ nhí',... mấy cái phim nào chiếu trên kênh này là nhà tôi xem hết. Thế nhưng lại chẳng bao giờ thấy ông xem mấy chương trình ở VTV giống mẹ tôi. Thế nên cứ  về quê là chia ra VTV với TodayTV, may là có hai tivi không thì mẹ tôi chán chết.

Ông rất thích trẻ con, đặc biệt là thằng Kem nhà cô Hường. Chả nhớ tên nói là gì nữa vì từ lúc đẻ ra ông đã gọi là Kem, tôi cũng chỉ gọi là Kem như tất cả mọi người. Ông bảo nó giống ông hồi bé, hay đi ra gần chỗ các cụ xin ăn. Ngày xưa thiếu khổ nó mới có cái lưu giữ lâu ơi là lâu thế chứ ông nhỉ.

Ông thích nuôi động vật. Ngày xưa ông nuôi gà, nuôi chó và cả mèo nữa. Nhưng mèo thì vệ sinh không sạch sẽ nên bị nhà tôi xử lí đi đâu đó, hoặc nó tự đi mất. Chó thì bị câu trộm mấy con liền, dù nhà ngoại tôi lắm chó mà cứ thưa dần đều. Và chó hay rúc vào chỗ ông bẩn nữa. Nhất là khi con chó cứ sấn vào người của bọn cháu tôi  và hai chị em tôi, thế là ẻm bị bán mất tiêu. Đấy là em cuối cùng của nhà cậu tôi. Còn gà thì ông nuôi nhiều chỗ, nhưng mà hay bị chuột cắn rồi thì bụi bặm các thứ không tốt cho bệnh của ông nên bị mọi người bắt bỏ.

Ông luôn thích làm gà trong mỗi lần đón khách hoặc con cháu từ xa về. Mỗi lần nhà tôi về ông lại bắt một con gà trong vườn ra chiêu đãi cả nhà. Cho đến tận lúc chúng tôi nói tận tai ông là không thích ăn gà nữa thì ông mới chuyển sang món khác. Lúc ông không nuôi  gà nữa thì ông lại có con cháu nuôi gà, lại bắt gà của con cháu vào để mổ cho nhà tôi ăn. Tết nào về chúc cũng có gà mang về tận quê.

Ông thích đi xe máy đi chơi, nhưng ông khá nặng, lại thích ngó đường ngó phố nên mọi người không lai được. Ai đèo ông cũng sợ lạng xe vì ông hay quay bên này, xoay bên kia. Thế là ông toàn đi xe khách đường dài.

Ông hào phóng, lúc nào cũng thích chuẩn bị tươm tất cỗ bàn. Cỗ lúc nào cũng phải to hơn nhà người khác. Lần nào thiếu cỗ là ông ghét ghê lắm, tính cỗ toàn làm thừa bao nhiều, không ăn cũng phải làm đủ vì nhỡ thiếu cỗ.

Ông bảo tôi và chị gái chẳng thể nào học giỏi được, vì bố mẹ tôi đều học dốt. Nhưng cuối cùng cả hai vẫn đỗ đại học, trường xịn nhé. Rồi tôi đi thi được giải cấp thành phố thôi nhưng ông hay thưởng quà lắm, nào là xe đạp cấp 2, xe đạp điện cấp 3, rồi tiền mặt cho bố mẹ tôi đóng học nữa.

Ông quý bố tôi lắm luôn. Mỗi lần bố tôi làm gì cho ông là lại khoe với các ông khác. "Con rể tôi làm đấy". Con gái về thì bình thường thôi, cũng vui nhưng mà con rể về là làm cỗ tươm tất, à không hẳn, mà kiểu thái độ cũng vui vẻ hơn. Kiểu "Con rể tôi lại về thăm tôi đây này". Tự hào ghê lắm ấy.

Ông thích trồng hoa với cây cảnh. Vì thế mà trong nhà lúc nào cũng có vài chậu như thế. Có cây ông mua, có cây ông xin cành chiết hoặc xin giống về trồng. Lần nào về ông mệt không tưới được cây là lại bảo tôi đêm chậu đi tưới cây đi. Ông bảo "Người buồn rồi thì cảnh phải tươi mới được". Tôi nghe cũng thấy có lí lắm.

Ông quen biết siêu rộng, có thể do ngày xưa ông nhập ngũ, rồi về còn làm hiệu trưởng nữa. Mọi người gần như ai cũng biết ông. Có người chả biết tôi là ai nhưng nói là cháu ông thì được giảm giá chút ít =)))

Ông thích ăn canh chân giò, vì chân giò gặm không bị mắc răng lại còn ngầy ngậy đúng xì tai của ông. Ông ghét chấm nước mắm. Bữa ăn ở nhà cậu nước chấm thường là bột canh vắt quất hoặc vắt chanh, hoặc cho ít nước canh cũng bột canh là được.

Ông thích lên nhà tôi chơi, lại không thích lên nhà tôi chơi. Lên thì ở chung với con cháu, lại còn được đi Đền Hùng leo núi thắp hương, đọc bia chữ lịch sử. Nhưng lên ở nhà tôi lại chả có bạn bè ông, cũng chẳng được bật tivi to để xem vì xung quanh nhà tập thể sát nhau và trẻ con còn học bài.

Ông bị lãng tai, một bên tai nghe tốt hơn. Thế nên nếu ngồi bên tai điếc mà nói ông chả nghe thấy gì, còn nếu ngồi bên kia thì ông nghe cũng tạm được. Đi bệnh viện  bác sĩ nói ông không nghe thấy, mọi người đùa bảo "Ông cháu kiêu lắm, bác sĩ nói chả thèm thưa". 

Ông có máy trợ thính nhưng không dùng nhiều lắm. Ông dùng lúc nghe đài hay xem tivi, xem thời sự chẳng hạn, hoặc lúc nói chuyện uống nước chè. Ngồi thẳng mặt, ông nhìn khẩu hình cũng đoán được mọi người nói gì.

Ông lãng tai nhưng mắt lại rất sáng, hơn cả mắt mẹ tôi. Ông vẫn đọc được báo trong khi mẹ tôi nhìn thấy nhòe nhòe. Tôi có bật báo trên điện thoại cho ông coi, được một lúc là ông mỏi mắt. Thế nên ông thích xem báo nào có cả tiếng để nghe thôi đỡ mỏi mắt.

Ông có móng chân rất cứng,  móng tay cũng hơi cứng. Có lần cái cho ông mà nghiến răng. Cái này giống mẹ tôi. Ông có một cái u thịt ở gáy, mẹ tôi cũng có luôn. Thỉnh thoảng ông nhờ tôi cắt móng tay móng chân. Có lần tôi nhìn không cẩn thận bấm chảy máu ông, mẹ mắng tôi mà ông chả nói gì. Mẹ tôi và bố tôi cũng từng dính "huyết tiêu" của tôi rồi. Tôi không cố ý mà, ân hận muốn chớt.

Ông từng băm thịt cho tôi ăn vì tôi đòi ăn thịt băm mà chẳng ai làm. Lúc đấy ông bị đau tay nên cố bằm cũng chỉ băm được miếng vẫn hơi to. Hồi đó tôi còn nhỏ nên chê, ăn ít xong bị ai trong nhà mắng ấy. Giờ thấy thật mất mặt.

Ông luôn đưa tôi đều đặn tiền ăn sáng 2000 đồng mỗi ngày trước khi tôi đi học. Tầm trưa trưa, ông ngủ, tôi lay ông dậy chìa tay xin "Ông ơi tiền" thế là ông lại móc cho tôi 500 hay 1000 đồng ăn quà vặt. Thời đó tiền này to chứ, 2000 mà được hẳn bát bún riêu cua cơ mà.

Ông lúc nào cũng thích đông con đông cháu. Bữa cơm ngày nọ cả nhà tôi về, ông hơi mệt chút nhưng vẫn cố xuống bếp ngồi ăn với cả nhà cho vui. 

Ông đã từng đi bộ giảm cân và tăng cường sức khỏe. Thế mà tập không điều độ lắm, thấy mệt quá nên nghỉ luôn. Từ đấy đi xa nhất chỉ ra nhà cậu Bằng chơi thôi, cách khoảng 300m nhưng cũng thở hổn hển lắm.

Ông có thói quen kêu "ối giời ơi" mỗi lần bực mình gì đấy. Chẳng hạn như nóng hay là chán chẳng hạn. Hay đặc biệt là lúc ngáp, ngáy kêu to ơi là to chứ chả đùa.

Ông thích sống có ích, không muốn làm liên lụy con cháu. Có ích của ông tức là cho con cháu được nhờ chứ không bắt con cháu phải khổ vì chăm ông ốm. Như là hàng tháng lấy lương chẳng hạn, ông sẽ chia cho đứa này một ít, đứa kia một ít. Đấy là chia lộc, cho con cháu được nhờ. Còn cái lúc mà ông ốm, mọi người vào viện chăm ông cả ngày đêm, ông thỉnh thoảng lại bảo "sống thế này thì chết đi cho rồi, sống làm khổ con khổ cháu khổ cả chắt"'. Mẹ tôi mới hỏi là, "Chắt thì làm gì mà khổ?", vì chỉ có hàng con như mẹ tôi, cậu tôi và hàng cháu như tôi, chị tôi, em họ tôi chăm ông thôi. Thế là ông bảo "Thì mẹ nó đi chăm ông, nó không được ở gần mẹ là nó khổ". Thế là mọi người cười lăn.

 Thế mà ông chẳng chờ được tôi về vào ngày cuối cùng ấy, tôi về muộn 30 phút. Lúc tôi đến nơi thấy bàn ghế phông bạt có cả rồi, vẫn tự an ủi "chỉ là sân nhà rộng nên người ta bắc rạp nhờ thôi". Thế mà chả ai cho tôi được hoang tưởng thêm phút nào cả. Đấy thế là chẳng có lần cuối cùng, dù em tôi bảo ông cố chờ tôi tận 3 tiếng liền, mà 30 phút nó lại quá khó khăn. Trên đường tôi còn thầm cầu nguyện cứ lấy ít tuổi thọ của tôi bù cho ông tôi đi, đừng để ông ra đi hoặc chí ít cũng gặp tôi và bố một lần cuối. Thế mà có sự đời nào luôn theo ý ta đâu. Ông tôi vẫn chẳng thể chờ nổi. Có lẽ chẳng ai nghe thấy lời cầu nguyện của tôi chăng?

Ông ơi! Cháu vẫn chậm rồi ông ơi!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro