Giữa tháng mới thấy cô hồn cả khu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiến Dũng về phép mấy hôm, trong thời gian đó quản chế thằng em rất chặt chẽ, không cho nó đi tạo nghiệp với bọn nhóc con trong khu nữa. Khổ nỗi mình anh cũng chỉ quản được một thằng em không tạo nghiệp, còn trong khu có bao nhiêu cái miệng tạo nghiệp anh có quản hết được đâu, nhất là cái người tạo nghiệp nặng nhất chỗ này còn là người to nhất ở đây nữa chứ. Tất nhiên, chỉ có tớ mới dám nói vậy thôi, hehe.

Rằm tháng bảy, bác Huy bảo mọi người cùng nấu một bữa cơm cúng rằm, bếp núc bày cả ra ngoài sân nấu cùng nhau cho xôm tụ. Mỗi người một việc, rảnh rang nhất vẫn là đám trẻ con, chúng chạy loăng quăng vừa chơi vừa đưa chuyện, người lớn thi thoảng lại kể vài ba mẩu chuyện có tí li kỳ cho vui, riêng thằng Đại thiếu đánh thì vẫn đang trong quản chế của anh trai nên chỉ có thể đi làm nhà phê bình dạo, mà nó chỉ bình luận thôi thì cũng vẫn tỏ ra thèm đánh như thường.

Xuân Trường kể, ngày còn học ở quê, đến mùa gặt là bố mẹ nhận xát lúa buổi tối không trông em được, ở nhà thì ồn nên anh hay cắp Hà Thư sang nhà bạn chơi, học bài xong mới về nhà ngủ. Bình thường thì tầm 5 giờ chiều là hai anh em kéo nhau đi rồi, nhưng hôm ấy mẹ dở việc ngoài ủy ban nên về nhà muộn, ăn cơm xong đã hơn 6 giờ, trời nhá nhem tối. Mẹ sợ đi đường tối không an toàn nên định bảo ở nhà, nhưng anh lại có hẹn tối sang nhà bạn chơi đánh cù nên khăng khăng đòi cõng em đi. Nhà bạn cách nhà anh em Xuân Trường một quãng đồng, đoạn đường anh đi suốt từ bé đến lớn nên chả có gì phải sợ, về lý thuyết là thế.

- Chả hiểu sao hôm ấy trời lành lạnh, gió thổi u u gai hết cả người, Hà Thư ngồi trên lưng cứ bám chặt cổ anh, thì thào "anh ơi sợ quá, đi nhanh lên". Ra đến giữa đồng thì bọn anh thấy có người đi ngược đường, trời thì tối nhờ nhờ, chỉ nhìn được hình như là một người già mặc cái áo bông màu đỏ sậm, dáng đi tập tễnh liêu xiêu. Anh đứng lại một lúc, chợt nhớ ra hồi ấy truyền nhau cái tin đồn có bà già áo đỏ bị què hay đi lang thang ngoài đồng bắt trẻ con ăn thịt. Anh ngớ cả người, nghĩ bụng thôi xong rồi...

- Uâyyyyyy...

Mấy cái miệng thi nhau chành ra dài thượt, thằng oắt Hậu loi choi hỏi tiếp:

- Rồi sao nữa anh, anh phải chạy được chứ đúng không?

- Tất nhiên là chạy được rồi, anh mày...

- Anh mày thì chạy được, nhưng em của anh mày thì đáp xuống ruộng luôn rồi!


Xuân Trường gật gù ra vẻ, vừa nói được mấy chữ thì con em nhảy vào chặn họng, rồi cả bọn nhóc lại được dịp nhao nhao lên:

- Uây thế làm nào chị về nhà được thế?

- Rồi mày có bị bà già đó gặm mất miếng thịt nào không?

- Anh Trường đánh rơi chị ở đâu thế?

Hà Thư hôm nay mặt lạnh khác thường, lừ lừ liếc ông anh đang huýt sáo vu vơ mắt nhìn mông lung, hít một hơi kể tiếp:

- Anh Trường của tao chạy nhanh lắm, quặt từ bờ ruộng vào trong ngõ hất văng tao xuống ruộng vẫn chạy một mạch luôn không một lần ngoảnh lại. Cũng may lúc sau bà già áo đỏ chống gậy đi tới trông thấy, mới vớt tao lên dẫn tao về tận nhà. Bà ý ở cùng ngõ với nhà tao, làm qué gì có bà già ăn thịt trẻ con nào.

Thằng Đại ngồi một bên nghe xong, trỏ tay vào Xuân Trường:


- Rồi kết cục của anh mày như nào?

- 15 con lươn về các tội: không nghe mẹ nói, trông gà hóa cuốc và đánh rơi em xuống ruộng.

Vừa nghe xong, nó liền khoái chí ngoạc mồm hét tướng:

- Hoan hô, một pha xử lý cực kỳ chuẩn mực đến từ vị trí của bố mẹ Lương Xuân Trường!

- Đại, thôi chưa!?

Anh Tiến Dũng quát thì quát nhưng đằng nào thì thằng thiếu đánh nhà anh ý cũng đã kịp phun ra hết cái phát biểu đầy tính thiếu đánh kia rồi, cả bọn nhóc lăn ra cười ngặt nghẽo, riêng Hà Thư vẫn giữ vẻ mặt y nguyên, Dung Dung mới quay sang hỏi:

- Mà này, cảm nghĩ lúc bị ngã xuống ruộng như nào hả Thư?

- Lần duy nhất không muốn lấy anh Trường nữa! - con bé phụng phịu giận dỗi, còn anh Trường của nó thì cái mặt đúng như thế này 😑

Trọng Đại vẫn chưa thôi te tởn, chọc nó tiếp:

- Thư này anh bảo, quả đấy mà gặp phải anh em nhà anh á, thì dù có bỏ chạy anh Khoai Tây cũng không bao giờ để rơi anh lại đâu nhá!

- Èo ơi, chắc chưa? - Dung Dung bĩu môi.

- Chả, Khoai...

- Đại này! - thằng Đại vẫn đang hí hửng vênh mặt thì anh Tiến Dũng gọi nó.

- Dạ?

- Anh biết là em rất tự hào về anh! - anh đưa tay vỗ vai, nhìn nó bằng ánh mắt rất khó diễn tả - Nhưng tự hào được rồi Đại à, không cần phải bốc phét đâu!

- ...

Lần này bọn trẻ con chưa hiểu nhưng Xuân Trường với Dung Dung thì đã ôm bụng cười bò, thằng Đại thì ngậm ngùi dán miệng lại.

Cô vợ của cậu Đức Phan cũng hào hứng góp chuyện:

- Để chị kể cho mấy nhóc nghe cái này, mới tuần trước thôi, chị bị ốm nên nghỉ làm, ở nhà một mình còn cả khu mọi người đi làm hết, vắng tanh vắng ngắt luôn. Hôm ấy trời âm u từ sáng, đến trưa trời hửng lên một tí thì chị mới vác drap giường với chăn ra phơi cho khỏi mốc. Đang phơi thì nghe thấy tiếng cồm cộp ở dưới sân, chị đứng từ ban công nhìn xuống, sân chả có ai, lại nhìn thấy một tà áo màu trắng vụt qua, mất hút vào trong hành lang.

Chất giọng của cô nàng giả vờ hạ xuống tỏ vẻ bí hiểm, nét mặt thu lại nét tươi cười, bọn trẻ vừa rồi còn nhăn nhở cũng lập tức nghiêm mặt bặm môi ngồi trật tự, nghe cô nói tiếp:

- Lúc đầu chị chỉ nghĩ là có ai đó về nhà lúc giữa buổi thôi, nên không để ý nữa mà đi vào nhà lấy cháo ăn. Rồi không biết có phải chị ốm đến đầu óc mê sảng luôn rồi không, mà cái tiếng cồm cộp ấy cứ vang lên đều đặn, thậm chí càng lúc càng rõ hơn nữa. Mấy đứa biết đấy, giữa trưa yên ắng mà chỉ cần nghe thấy một âm thanh nào nổi lên thôi cũng đủ thấy kỳ quái rồi, đằng này cái tiếng ấy cứ văng vẳng bên tai mãi, ruột gan chị bắt đầu nhộn nhạo hết cả lên. Tiếng cồm cộp ấy không nhanh không chậm, ngày càng tiến gần thì chân tay chị càng lúc càng cứng đơ lại, không nhấc nổi tay lên cầm điện thoại gọi cho chồng, biết là cửa trước chỉ khép hờ chứ không cài then cũng không làm nào đứng lên chạy ra được. Lúc ấy ngột ngạt vô cùng luôn, tim thì cứ đánh lô tô trong lồng ngực ý.


Nét mặt bọn nhóc biến đổi theo sự trầm bổng trong giọng điệu của cô nàng, chúng ngồi nghe rất chăm chú không buồn gây mất trật tự luôn, thằng Thanh là đứa gan góc nhất trong đám, thấy cô dừng lại thì hỏi:

- Chị, rồi sao nữa ạ? Sau đó thế nào, anh Đức có thình lình xuất hiện xử lý nhân vật kia không?

- Xùy, anh nghĩ mày đánh giá anh ý hơi cao! - tiếp tục là Trọng Đại.

- Không, anh Đức lúc ấy đang đi sửa xe em ạ. Để yên chị kể tiếp nào. Đến lúc cái tiếng cồm cộp ấy vang lên gần như sát bên tai chị thì nó dừng lại, tiếp theo là tiếng lịch kịch lạo xạo bên ngoài hành lang, cả mấy phút đồng hồ. Chị nghiêng tai nghe ngóng thì hình như là bên phía nhà Mây Trang, sợ có chuyện không hay nên chị cố gắng đứng dậy, hết sức rón rén đi ra cửa, hé một cánh ngó ra ngoài. Rồi, mấy đứa biết chị nhìn thấy gì không?

- Thấy gì hả chị? - ba bốn cái đầu nhoài ra, đồng thanh hỏi.

- Chị thấy... - cô nàng cố tình dài giọng ra, rồi chợt ánh mắt nhướn lên nhìn ra ngoài, bất ngờ reo to - A Mây Trang đi làm về!


"Phụt!!!!"

- Á, thằng Đại kia!!!!

Cả đám lố nhố đều bị giật mình vì tiếng reo bất thình lình của cô, Trọng Đại đang uống nước phun phì một cái, Dung Dung ngồi cạnh lãnh trọn ngụm nước la lên bài hãi. Cô giáo Mây Trang từ nhà để xe đi lại, chào hỏi mọi người rồi quay ra nói:

- Mày bị gì đó nhỏ kia? Tự nhiên la rầm, tao lên cất đồ rồi xuống liền đây!

Nói xong cô quay người đi lên cầu thang, cũng không hiểu sao lúc đó không ai lên tiếng, thế là ai cũng nghe rõ tiếng giày cao gót đi trên nền xi măng vang lên cồm cộp, tà áo dài trắng phất phơ theo nhịp bước chân. Gần như ngay lập tức, tất cả hơn chục cặp mắt đều quay lại ngó cô gái vẫn đang đứng giữa đám cười đầy thiện lành, 20s sau, cả đám giải tán. Tớ thấy cô nàng cũng không có vẻ gì là tự ái hay giận dỗi, cũng yên tâm lượn lờ đi chỗ khác.

Sau khi bác Huy cúng rằm xong thì cả nhà sửa soạn dùng cơm, các bậc phụ huynh ăn uống xong thì rút quân sớm, còn lại để cho đám thanh niên với bọn trẻ con xúm nhau dọn dẹp. Đúng ra lũ lâu nhâu kia phải bị lùa về từ sớm, nhưng bà nội hai đứa sinh đôi hôm nay có nấu chè nên đứa nào cũng muốn ở lại ăn thêm một chập nữa. Quét dọn sân trước rửa ráy bát đĩa xong xuôi, một bầy thanh thiếu niên mười mấy hai mươi tên lại túm tụm lại, mỗi tên húp một bát chè ngồi nói chuyện tầm phào. Và hoạt động hấp dẫn nhất trong tháng cô hồn vẫn là kể chuyện ma, tất nhiên, phải là chuyện ma xịn chứ không phải ba cái chuyện bá láp trông gà hóa cuốc của hai thanh niên bên trên đâu.

Hình như không có ai phản đối, có lẽ thế, vì tớ thấy anh Tiến Dũng ngồi im, cắm cúi ăn chè không có ý kiến chi cả. Để tăng thêm không khí, Mây Trang đề nghị tắt hết đèn hành lang, bật một cái đèn flash của điện thoại rồi để chai nước lên trên, cứ như thế ngồi dưới trăng rằm sáng vằng vặc, đúng là chả còn gì bằng. Chậc, cũng không thấy Tiến Dũng phản đối, anh ngồi lọt giữa chị gái và em trai, không nói tiếng nào. Sắp xếp tương đối rồi, nhập tiệc thôi!

Câu chuyện mở màn có lẽ nên nhẹ nhàng chút, và cô vợ cậu Đức lại xung phong đầu tiên. Chưa kịp bắt đầu thì đồng chí thiếu đánh lại đã phủ đầu:

- Chị nhà kể chuyện nhẹ đô nhưng mà nhớ bổ sung iot hộ em ạ!

- Nhà cậu thiếu iot à? Chị lại tưởng cậu thiếu mỗi đánh thôi chứ?

Chuyện là hôm đầu tháng câu lạc bộ chỗ cậu Đức chơi bóng tổ chức liên hoan, cậu ý uống hơi nhiều Coca pha bia nên xỉn quắc cần câu, phải bắt taxi về nhà. À, vụ này tớ cũng biết nè. Hôm ấy hơn 9 giờ cậu Đức về đến đầu ngõ, say ngật ngưỡng xuống khỏi xe, bác tài cũng thương nên đỡ xuống, gặp đúng lúc bác Huy đi thể dục về, bác ý mới lấy điện thoại gọi vợ cậu xuống đón rồi mà trả tiền taxi luôn. Cô nàng xuống đón chồng, trả tiền thì bác tài cũng quay đi luôn thì tự nhiên Đức quay ngoắt lại, vừa cười toe toét vừa vẫy tay nhiệt tình:

- Nói chuyện với em vui tợn hầy, thôi anh về đạ nghe em, vợ anh đón rồi!

Cô vợ thấy lạ mới hỏi:

- Chồng chào ai vậy? Ở đây đâu có ai đáng tuổi em anh đâu?

- Răng hông cọ được nờ, cấy con bé ngồi chung xe vợi anh nớ, hấn dệ thương tợn! - cậu ý say nên không nhận ra vợ đang sắp cáu, vẫn cố cãi.

Thế là cô vợ ba máu sáu cơn nổi lên hất mạnh một cái, suýt thì cho chồng cắm mặt vào vũng nước mưa đằng trước, may mà có bác Huy níu lại, còn cô nàng hùng hùng hổ hổ định chất vấn bác tài. Ấy thế mà nhoằng cái đã không thấy người đâu, con ngõ thì sâu, xe còn đậu ngoài đầu đường, bác tài đi lối nào mà nhanh thế, mất tiêu luôn. Bác Huy xốc được Đức lên thì bảo:

- Khi nãy ông lái xe cũng bảo thằng này ngồi trên xe không nôn ói gì nhưng cứ lảm nhảm nói chuyện với cái ghế bên cạnh, nói chuyện rôm rả lắm, còn hỏi được tên với nhà người ta rồi hẹn hôm nào đến chơi cơ. Khéo nó bị ai theo rồi đấy!

Vợ cậu Đức kể đến đây thì đám nhóc tự động co hết lại một chỗ, thằng Toàn rúc chặt dưới nách bà nội nó, thò mỏ ra hỏi:

- Xong sao nữa chị, anh Đức có đến chỗ cô kia chơi không?

Thằng em nó ở bên kia đang bám tay bà, quay sang nạt:

- Mày nghe không hiểu à, kia có phải người đâu, anh Đức mà đi theo rồi bị bắt mất thì sao?

- Ừm, hôm sau anh Đức dậy thì nói không nhớ gì nữa, mấy hôm sau nữa vẫn đi đá bóng bình thường. Mà chị không yên tâm nên hỏi bạn bè anh ý, tìm bằng được bác tài hôm nọ hỏi chuyện. - cô nàng kể tiếp - Bác ý nhớ được láng máng anh Đức hỏi "em gái" kia là "nhà em ở đường Z ấy hả?". Chị đến tận nơi mới tá hỏa tam tinh về hỏi người lớn xem có biết thầy cô nào cao tay ấn không, bà nội bày cho chị tìm đến chỗ cô Điệp ngoài gò Đồng An. Cơ mà hôm vợ chồng chị sang chỗ cô, cô nhìn 3 lượt xong vứt cho hai củ tỏi rồi đuổi về.

- Đường Z có gì ghê lắm hả chị? - Đình Trọng.

- Em biết này, nhà bà trẻ em ngay gần đấy. Chỗ đường ấy là một cái nghĩa địa hoang. - oắt Hậu trả lời.

- Ơ thế rồi sao cô đồng lại đuổi anh chị về? - Công Phượng

- Cô bảo anh Đức đúng là bị người lạ đi theo, nhưng có người đuổi đi lâu rồi, còn đến thỉnh cô làm quái gì nữa.

- Thế 2 củ tỏi?

- Cô bảo mang về mà xào rau, tỏi nhà cô tự trồng ngon lắm!

- Bà bảo cô Điệp này vẫn vui tính thế nhỉ. - bà nội xoa đầu hai thằng cháu, hiền từ cười - Mà bọn cháu ở chỗ này thì cứ yên tâm làm ăn, đất này không phải ai muốn theo vào là theo vào được đâu.

Đúng rồi, chính là như thế đấy. À mà tớ sợ vợ cậu Đức tức xỉu thôi, chứ cái cô bé nhà ở đường Z kia cũng xinh đáo để ấy.

Bà nội vét hết nồi chè đủ cho mỗi đứa được thêm một bát nữa rồi ngồi vào góp chuyện với lũ trẻ ranh. Hai thằng cháu rúc vào hai bên nách ngồi thu lu, bà xoa đầu bọn nó rồi từ tốn kể:

- Chuyện này kể ra thì cũng xa xưa rồi, từ lúc thằng Triều còn mặc quần thủng đít dắt trâu đi chăn quanh làng, phải ba chục năm rồi ấy nhỉ? Lúa nhà ông nội nhiều vào mùa phải gánh mấy ngày mới hết, chỗ chưa gánh được để lại ngoài đồng. Nhà thì neo người, ông với bà thay phiên nhau ra đồng canh lúa. Có một hôm bà dậy nắm cơm đem đi, đi qua cái giếng đầu đình thì gặp bà Xoan hàng xóm cũng ra canh lúa, thế là hai chị em đi cùng nhau. Ra đến nơi không thấy ông đâu cả, bà Xoan thì bảo chắc ông về trước rồi, bọn bà lại ngồi nói chuyện linh tinh, giở cơm nắm ra ăn. Lúc sau bà Xoan nói đầu ngứa quá, rủ bà xuống ao gội đầu, bà cũng đi theo. Trời thì tờ mờ sáng, bà dội nước gội đầu cho bà ấy mà sờ vào tóc lại thấy xơ như búi cỏ, lẫn cả bùn, xong gãi mạnh thì bong ra cả mảng lớn. Bà thấy kỳ quặc nên vùng chạy lên bờ, bà Xoan còn í ới gọi theo. Chạy được một quãng thì vấp hòn đá ngã soài ra đất rồi ngất xỉu luôn. Đến lúc bà được người ta lay dậy thì trời đã sáng bảnh, ông thì ngồi bên cạnh hỏi làm sao lại lạc, làm ông ngồi chờ mãi không thấy bà ra, phải ngồi cố đến sáng mới dám về, vừa về đến cổng thì người ta đến báo bà ngủ ngoài nghĩa địa. Lúc ấy bà mới hoàn hồn, kể lại cho ông nghe, còn đến nhà tìm bà Xoan hỏi. Hỏi ra mới biết bà Xoan đêm qua vẫn ngủ ở nhà chứ không ra đồng canh lúa, còn bà là bị ma dắt ra tận nghĩa địa bên ngoài làng rồi dọa cho một trận mất hồn.

Tớ nghe xong thì ngó qua một lượt, hai đứa Duy Toàn tất nhiên là ôm bà chặt cứng, bốn đứa nhà VicLu thì túm chặt lấy Dung Dung, thằng Hải cũng bám cứng tay cô giáo Mây Trang, Hà Thư với oắt Hậu biến thành hai con koala kiên trì ôm chặt khúc cây mang tên Xuân Trường, vợ cậu Đức thì kê đầu lên đùi chồng ngủ ngon lành, thanh niên thiếu đánh cùng chị gái vẫn ngồi ăn chè khá là bình thản. Mà khoan, anh Tiến Dũng đâu rồi ý nhở? À, ngồi sau lưng em trai với chị gái kia kìa, vẫn một mực im lặng đắm đuối với bát chè trên tay. Thôi nào anh, chuyện ngày xửa ngày xưa rồi cơ mà ^^.

Bà nội kể chuyện xong thì đứng lên về nghỉ, hai thằng cháu đắn đo một lúc rồi quyết định ở lại nghe tiếp diễn đàn của Dung Dung, cô nàng này thì chắc không có chuyện ma để kể, nhưng so với những câu chuyện hư hư thực thực thì mấy câu chuyện của Dung Dung còn khiến người ta lạnh gáy hơn nhiều. Cô nàng hiện là sinh viên năm cuối chuyên ngành Luật, đang thực tập ở Viện kiểm sát thành phố. Vì có bác ruột làm Kiểm sát viên ở đó nên Dung Dung cũng hay được cho đi theo mỗi lần có công tác. Đi nhiều, biết lắm nên chuyện của cô nàng toàn là chuyện thật, còn có ảnh chụp hẳn hoi nên cái thằng thiếu đánh chuyên đi xóc họng ai được chứ chưa bao giờ dám không tin chuyện Dung Dung kể nhé. Mà nó chân thật như nào, hay là để cô nàng tự kể đi. Giới thiệu ráo nước miếng nãy giờ cũng không có đồng thù lao nào đâu à.

- Nào, bây giờ Dung Dung nói này, chuyện này hơi nặng đô, đúng ra không hợp cho trẻ con nghe...

- Gớm chị kể đi, mào đầu gì? Bọn em lớn cả rồi, ở đây lại đông người như này, chạ sợ! - thằng Trọng út nhà VicLu có vẻ hùng hồn ghê.


Dung Dung vờ lừ mắt liếc nó:

- Em lớn ghê nhờ! Tí nữa nghe xong sợ quá tè ra quần thì không được đổ tại chị đâu nghe chưa?

- Xì, tè dầm chỉ có mỗi thằng Hậu thôi! - nó trề cái mỏ dài thượt.

- Nài cái anh kia!

- Hai thằng mày trật tự xem nào, không nghe thì biến về đi ngủ đi!

Xem thằng thiếu đánh lại đi bắt nạt trẻ con kìa, mất một lúc ổn định lại thì Dung Dung cũng bắt đầu kể:

- Chuyện này xảy ra ở nhà xác bệnh viện tuyến tỉnh nhé. Thời gian ấy bệnh viện đang cho duy tu nên hầu hết các khoa với phòng ban đều phải dời sang khu bệnh viện tạm thời, còn nhà xác thì không dời được nên nó ở nguyên đấy. Mà mọi người nghĩ đi, một bệnh viện đang sửa chữa thì nó ngổn ngang và hoang vu cỡ nào, lại còn có mỗi cái nhà xác ở đó nữa chứ.

Gió lạnh thổi qua như phụ họa cho miêu tả của cô nàng, mấy thằng nhóc mới rồi còn cứng giọng giờ đã thấy lành lạnh chưa ta? Chắc là rồi, tớ thấy chúng nó tự động ngồi co sát lại chỗ mấy anh chị lớn hết.

- Đêm hôm ấy trời tối tăm mịt mùng, trăng sao đi đâu hết, 2 giờ sáng chị với bác chị đang trực ban ở Viện thì nhận được tin có một tử thi vừa được chuyển xuống nhà xác, mời các bên xuống làm công tác khám nghiệm tử thi. Trời thì tối mò mò, xuống đến nơi thì từ xa chỉ thấy độc một ngọn đèn vàng vọt treo trước cửa, gió thổi ánh đèn tròng trành nhìn phát sợ. Mở cửa vào bên trong bật đèn, ngoài trời nóng oi mà bên trong lạnh muốn thấu xương. Tử thi đặt trên băng ca ở giữa phòng, bác sĩ vừa mở tấm vải phủ ra thì bóng tuýp thình lình chớp tắt mấy lượt. Và ngay lúc đó bọn em biết chị thấy gì không? - Dung Dung cố tình nhấn mạnh, vẻ mặt hết sức nghiêm trọng nhìn bọn trẻ con một lượt - Đôi mắt của tử thi... đột nhiên... mở bừng ra!!

- Áaaaaaaaaaaaaaaaaa!

- Ái ui vỡ đầu tôi rồi!

- Huhu bố ơi chị Dung...

- Chị ơi em về đơn vị đây!

- Tiên sư đứa nào giẫm vào chân taoooo?

- Á chồng ơi ngã em!

- Toàn ơi chờ tao!

- Anh Hải ơi về đừng mách bố!

Chậc, nhốn nháo thật sự.

Sáng hôm sau các gia đình mới thống kê thiệt hại như sau:

Quán "Không thiếu" lỗ 7 cái bát bị bọn trẻ làm vỡ, cậu chủ quán thì trán u một cục to tướng vì thằng Trọng nhà VicLu trong lúc sợ quá đã tương luôn bát chè vào đầu, anh bộ đội Tiến Dũng thì từ 5 giờ sáng đã khăn gói quả mướp ra đi vội vã.

Oắt Hậu lại bị tét đít vì tiếp tục tè dầm.

Hà Thư thì đi cà nhắc vì không biết thằng ôn con nào giẫm bầm dập chân trái của nó.

Vợ cậu Đức cũng trầy trụa tay chân vì trong lúc mấy đứa nhóc xô nhau đã ngã xòe ra sân bê tông.

Và tiếp theo sau đồng chí thiếu đánh Trọng Đại, Dung Dung là cái tên thứ hai hân hạnh được bác Huy đưa vào danh sách những người mà bọn trẻ trong khu nên hạn chế nói chuyện cùng, để đảm bảo chúng phát triển một cách an toàn và lành mạnh.

- Gớm bác, bác cứ làm như không có cháu thì lũ lâu nhâu ấy không quậy phá ý!

- Ơ mà khoan, bác Huy ơi, từ hôm qua đến giờ ai là người kể chuyện vậy???

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro