4. Đợi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Warning:
- OOC nặng (ỷeh, thật ra lúc viết cái này tui cũng không biết mình có đang viết cho 2 bạn này không nữa)
- Có yếu tố BajiFuyu
- Những tình tiết trong đây không nằm trong cốt truyện chính, chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
- Trong quá trình tìm kiếm thông tin bởi vì tôi không thuộc lĩnh vực này nên có thể sẽ có sai sót. Bạn nào phát hiện xin hãy nhắc trực tiếp mình để mình sửa lại nhằm đem đến chiếc fanfic tốt nhất cho nhà chúng ta

     ♤♡◇♧

Chuyện kể ở nước Tô năm thứ X vào đời vua Minh, dân chúng cơ cực, lầm than. Máu, mồ hôi, nước mắt của họ không thôi đổ vào những thành trì, tháp cao mà vua cho xây dựng.

Dẫu cho kinh đô của đất nước luôn ngập tràn cờ hoa, đèn lồng nhiều màu lộng lẫy thì ở ngoại ô, dân nghèo lại phải oằn mình tìm đủ cách để tồn tại ngày qua ngày. Nhà nào còn đất còn ruộng thì làm nông, có nghề được truyền thì làm mộc, làm gốm. Chỉ đáng tiếc cho những sinh mạng được sinh ra bởi những cặp vợ
chồng trắng tay, bọn họ chỉ có hai con đường là đi làm thuê cuốc mướn, nếu là con gái thì được tuyển vào cung.

Còn con đường học vấn? Nó như một thứ xa lạ đối với bọn dân đen bởi chỉ có con quan liêu mới được cho ăn học chữ nghĩa

Tóm lại là từ trên xuống dưới cái đất nước này chỉ có thể tóm gọn trong chữ: "Nát"

Dân chúng chi biết chờ một ngày nào đó, một vị tướng lĩnh nào đó, giờ còn đang lưu lạc xứ nào đó đứng lên nổi dậy
   
         ________________________________________________

I.
“Thiên Chú! Thiên Chú!” Tiếng gọi oai oái của toáng nhóc lên mười như muốn làm rung động cả cái làng nghèo rách vào buổi ban trưa.

Từ trong ngôi nhà tràn ngập mùi gỗ, một con nhóc trạc tuổi cả lũ chạy ùa ra nhập bọn. Tụi này quen mặt gần như người trong làng bởi tụi nó không rõ cha mẹ mình là ai, người nuôi tụi nó phải kể là cả cái làng nghèo xơ nghèo xác này mới đúng, trừ mỗi con bé kia là có bố mẹ hẳn hoi. Cả bốn đứa chẳng nói chẳng rằng, tự hiểu ý nhau mà chạy ùa về phía cuối làng – nơi có dòng sông mát trong vắt ngang qua. Ba thằng lỏi con kia vừa tới nơi thì tự động cởi áo rồi nhảy ùm xuống sông, bỏ con nhãi duy nhất trong đám ở trên bờ đang từ từ lôi trong túi nó ra một sấp gỗ với con dao đã cũ lắm rồi. “Đàn ông” làm chuyện của đàn ông, “đàn bà” làm chuyện của đàn bà. Chớp mắt mấy cái thì ba đứa kia cũng thấm mệt rồi từ từ leo lên.

“Nay mày bày ra cái gì nữa đây? Mê mấy cái này dữ” - Cậu trai trông chững chạc nhất đám lên tiếng hỏi, tay nó chỉ chỉ  vô sấp gỗ nằm la liệt dưới đất

-  Không biết nữa, chắc là con ngựa gỗ

Hai đứa kia cũng vừa mặc lại áo, vừa dán mắt vô mấy đường quạch nguệch ngoạc trên tấm gỗ được tạo ra bởi con dao trên tay Thiên Chú.

"Rồi mày tính làm gì để ra con ngựa?”. Vừa dứt câu hỏi thì thằng nhóc với mái tóc đen dài đã bị bạn mình huých mạnh vào bả vai

“Thì làm sao cho ra hình thù con ngựa rồi đẽo theo, mày chưa nhìn thấy người ta làm mộc bao giờ à mà hỏi ngộ thế?”

-  Sáng ngày bửng mắt dậy phải xách đầu đi làm, giờ chơi với tụi bây rồi chuẩn bị đi làm tiếp thì hơi sức nào mà coi mấy cái này.

Thằng Địa xoa xoa vai bị Thiên Đông huých vào, càm ràm ra mặt. Đang đăm đăm thì tự dưng thằng Địa sáng mắt lên bởi nhớ ra cái gì đấy. Nó “ê” lên một tiếng mà cả bọn liền quay mặt về phía nó

-  Tối mai đi coi múa rối nước không tụi bây?

Con Thiên Chú với thằng Thiên Đông nghe “rối nước” thì mừng húm bởi hai đứa này chưa đi coi xem mấy thứ đấy bao giờ cả, chỉ nghe người lớn nhắc đâu đó mấy lần. Chữ “nhà quê” thiếu điều viết luôn trên mặt cả hai. Trái với hai ranh con chưa trải sự đời này, Nhược Hiệp phản ứng trưởng thành hơn hẳn:

-  Đi thì đi. Mày định dắt tụi tao đi coi ở đâu đây?

“Trong thành”, Trường Địa vỗ ngực trả lời. Còn ba đứa nghe xong thì mắt trợn tròn lên.

Đừng nói đến tụi trẻ con, đến cả người lớn trong làng nghe tới chuyện vào thành cũng lắc đầu ngán ngẩm. Không phải là không vào được mà họ phải bỏ ra mấy chục đồng mới vào cửa, vào rồi họ lại chả còn hào nào để chi trả cho mấy thứ trong đấy. Có người đùa là “vào rồi đi mấy bước chắc cũng thu tiền tại đi trên đất”.

- Điên hả mậy?

Nhược Hiệp mắt ngờ vực nhìn thằng bạn của mình, mong rằng không phải do nó đi nắng nhiều quá mà lên cơn rồi.  
-  Tao đang nghiêm túc. Mày muốn đi không? Thằng Đông con Chú muốn đi không?

Địa nó chỉ vào mặt từng đứa hỏi tới tấp, được cái cả ba đều gật đầu lia lịa.

- Vậy chiều mai đứng đợi ở đây đi, tao dắt cả đám đi

Trẻ con “lên kèo” dễ hơn người lớn nhiều. Tụi nó lên giờ, hứa với nhau sẽ tới đúng hẹn rồi ngoảnh đít đi về, dễ ợt!

II.
Trời chập choạng tối, có một sắp nhỏ khom người, bước đi nhè nhẹ ở mé góc tường thành.

- Mày nói mày dắt đi coi rối nước mà mày dắt tụi tao đi đâu vậy?

- Chờ xíu, tao nhớ nó nằm ngay đây rõ ràng

Trường Địa đi tới một bụi cây rồi thọt tay vô đó, vô hết cả cánh tay nó luôn.

-  Nè ở đây, chui vô.

Chắc chắn đây là lần đi nhớ đời của cả lũ vì cái “cửa sau” này. Lần lượt bò vào là Địa, Đông, Hiệp rồi Chú.

Với tụi nó, trong đây như một thế giới mới vậy. Người người nườm nượp quá lại, đếm còn không xuể, khác hẳn với cái làng ngoại thành hiu quạnh sát bên mà tụi nó đang ở. Mỗi nhà, mỗi hàng quán ở đây đều treo trước cửa một, hai cái đèn lồng sáng trưng. Chả bù cho cây đèn dầu nhà tụi nó, lúc nào cũng nghoe nghoe trước gió thiếu điều sắp tắt đến nơi. Chỗ này cũng ồn ào, náo nhiệt. Những tiếng reo hò cứ thay nhau chồng chất:

-  Ai hồ lô không?

-  Bánh bao, xíu mại đi bà con ơi

Tụi nhỏ đi thành hàng phía sau thằng Địa, mắt e dè dòm xung quanh. Bọn người trong đây cứ dòm chúng nó bằng ánh mắt khinh bỉ, xem chúng nó như hạng ruồi muỗi vậy. Có người đi ngang còn vẫy tay xua xua cả lũ

- Mẹ tụi mày! Đi thẳng thóm lên coi, đi vậy thì người ta biết mày ở ngoài chui vô đó

“Nghe sợ vậy? Sắp tới chưa?” Con Chú mắt dáo dác nhìn xung quanh, lo sợ nép sau lưng thằng Đông trong khi chính thằng Đông thiếu điều muốn thằng Hiệp đô con hơn để che nó nữa.

“Ở đây!”

Tụi nhỏ dừng trước một cái lầu cao, gần đó có một đám người rất rất đông, bu vào và tìm những chỗ gần đố để xem cái thứ nằm ngay chỗ hồ nước kia. Thì ra đây là múa rối nước.

"Rồi giờ làm gì nữa? Tụi bây coi coi đủ tiền”

Nhược Hiệp đang moi mấy đồng trong túi quần nó ra thì thằng Địa chặn lại, phán câu xanh rờn

"Đi coi cọp trả tiền chi ba?”

Xong nó chỉ tay lên cái tháp: “Leo lên đây mà coi nè”

Dứt câu thì thằng Địa với tay tới cái thang ở đó leo trước coi như “minh họa”, ba đứa kia lù lù leo theo sau. Tuy nhiên, chỉ mới đi quá nửa đường thì nó dừng lại.

“Rồi đó, đu ở đây mà coi nè”

- Thiệt luôn hả ba?

Thằng Đông chán chường thở một hơi dài

- Chứ đi coi cọp mà. Leo lên nữa ông lính bắt được là đi luôn cả bọn bây giờ. Giờ im mà coi đi.

Cả đám đánh đu trên cái thang gỗ chắc chắn kia, ngước mắt xuống phía dưới chúng nó để xem kịch. Tay cả đám dần mỏi, chân cũng bắt đầu có mấy nốt đỏ do muỗi cắn nhưng vẫn không khiến chúng nó quay về phía khác được. Cả bốn đứa đắm say trong màn rối nước thú vị đấy cho đến khi trên đầu chúng nó có tiếng thét lớn, nghe rõ sự giận dữ: “Con cái nhà ai đây?”

- Chạy bây ơi!

Thằng Địa hét cho cả ba đứa bạn mình nghe, chân giẫm giẫm cái thang. Con Chú nhanh nhạy nên đã leo xuống được mấy bậc từ khi nghe tiếng lính gác. Nhưng dù cho vậy, cũng không khiến cả ba thằng lỏi trên kia đỡ hấp tấp hơn nên lần lượt từng đứa một, nhảy thẳng xuống dưới nền đá, con Chú thấy vậy cũng nhảy xuống theo. Cả lũ chạy trối chết, lão lính gác kia đuổi được một đoạn đã đời nhưng có vẻ thấy không khả quan lắm nên đã lui về lầu canh, tiếp tục công việc cùa mình.

Cả tụi chạy được một đoạn, thấy không ai đuổi theo mình nữa thì ung dung tự tại mà bước. Dù gì cũng là lần đầu vào thành, phải đi đây đi đó cho biết chứ. Chúng nó đã chơi rất vui, mặc cho việc xung quanh không ít kẻ đời chỉ trỏ vào đống áo rách rưới chúng nó đang mặc trên người.

Hôm nay là rằm, trăng sáng soi cả quãng đường chúng nó về.

“Mọi người!” Thiên Chú lên tiếng phá tan cả bầu không gian tĩnh mịch.

- Hả

Thằng Đông đang nằm lim dim trên lưng Trường Địa quay đầu lại, ngơ ngác hỏi

- Tôi có cái này nè

Nói đoạn con Chú ngồi bệt xuống đất, moi từ trong túi ra mấy tấm gỗ. Là mấy tấm hôm qua nó ngồi đục khoét đây mà. Những đường chạm non nớt bởi người thợ trẻ tuổi hiện ra rõ mồn một dưới ánh trăng. Nhược Hiệp cầm bừa một tấm lên, lật đi lật lại
- Ủa tao nhớ mày nói mày khắc con ngựa mà

- Con ngựa khắc không đủ, nên tôi khắc đầu rồng.

Thiên Đông bước cà nhắc tới mấy cái sấp gỗ, giọng uể oải bởi nó đã mệt nhừ rồi: “Mày làm cho tụi tao hả?”

“Ừa”, Thiên Chú gật đầu, “Cho tôi với mọi người, ở đây có bốn tấm lận mà”

Ba thằng mừng húm, tự lựa cho mình một “đầu rồng” thích hợp. Đồ được cho thì tụi nó không thiếu nhưng mà đồ gỗ như này thì đây là lần đầu tiên chúng nó sở hữu.

III.
Trời chiều, tiếng nức nở của con Chú làm tụi nhỏ hú hồn một phen.

"Mày làm nhiều mà, đưa tụi tao mấy cái có sao”

“Mày đừng có ích kỉ”

“Đưa cho tụi tao cái mày chết ha gì”

Tụi nhóc lớn gấp hai, gấp ba con Chú, khoác trên người một đống lụa đắt đỏ chỉ nói cho sang mồm thế thôi chứ chúng nó đã giật hết đống gỗ trên tay con Chú từ lâu. Tụi ranh con nhà ông phú hộ tay xoay xoay mấy miếng gỗ, trề môi: "Cái này xấu hơn đống đồ gỗ nhà tao nữa, có cho cũng không thèm"

"Không thèm thì trả lại đây", con Chú nói với sự giận dữ của mình

- Nè

Một tiếng rắc vang lên giòn tan. Thằng cầm đầu bẻ đôi miếng gỗ đang khắc dở một loài hoa rồi quăng về phía con Chú.

Sau đó là tiếng khóc của một đứa con gái, mấy thằng Hiệp Địa Đông đang căng diều chuẩn bị thả thì nghe tiếng khóc của con gái liền ba chân bốn cẳng chạy theo hướng đó. Tới nơi thì chỉ thấy ba thằng con trai nằm đo đất, con Chú thì loay hoay với đống gỗ không còn nguyên vẹn.

Thằng Đông bước tới vỗ về đôi vai bé nhỏ: "Thôi mày đừng buồn, mày giỏi nên làm lại cái khác được mà, đẹp hơn nhiều nữa đó"

Địa, Hiệp cũng theo đà hùa vào: "Đúng rồi, mày giỏi quá trời quá đất"

Sau đó là một màn kẻ tung người hứng, tụi nó "quăng" Thiên Chú lên tới chín tầng mây rồi đỡ, rồi lại "quăng". Cả đám chỉ dừng lại khi mà người con gái trước mặt lấy một tay quệt đi nước mắt, tay con lại thì xòe thứ mình đang giữ ra.

Con dao mà nó dùng bấy lâu nay cũng bị hư trong cuộc ẩu đả rồi.

Cả ba thằng ngớ người ra vì cái này chả biết dỗ nó như nào cả. Chẳng lẽ lại đòi làm ông Bụt để hô biến cho nó về nguyên dạng à?

"Cảm ơn mọi người nhưng tôi không sao đâu", xong nó liền ngồi dậy, lủi thủi đi về. Nhìn bóng lưng đượm buồn của nó làm thằng Hiệp thấy nhoi nhói trong lòng. Chợt có cái ý nghĩ chạy ngang qua đầu nó....

Trưa nhiều ngày sau đó, mình thằng Hiệp đứng trước cửa xưởng mộc nhà con Chú gào mồm kêu tên nó, chỉ đến khi thấy cái mặt đang buồn so của nó thì mới nín.

- Lần sau anh đừng kêu lớn như vậy nữa, người xung quanh nghe thấy thì họ sẽ quở đó

- Kêu nhẹ nhẹ nào mày ra? Cho mày nè

Nhược Hiệp dúi vô tay Thiên Chú con dao mới toanh. Lưỡi dao là hàng mới mài, còn bóng loáng, chuôi dao thì con Chú vẫn không biết Hiệp nó "chôm" ở đâu đẩu đầu đâu về nhưng nó mạnh dạn đoán là đồ hạng xoàn, không bằng cả mấy miếng gỗ thừa trong xưởng nhà nó.

- Cái này là?

- Tao ngồi ê đít rồi mài muốn gãy tay cho mày đó. Không lấy tao giận á

- Ai bảo tôi không nhận? Cảm ơn anh rất nhiều, chỉ là anh tặng tôi như vầy thì tôi hơi ngại

- Tao là tao biết mày còn buồn chuyện hôm hổm nên tao mài con dao khác cho mày, mắc gì ngại?

Bất chợt có giọng thằng Địa từ xa vọng tới:

- Đi ăn bưởi tụi bây ơi! Tao với thằng Đông mới hái trộm được một trái nhà ông phú hộ nè!

Nhược Hiệp nghe thì không còn quan tâm xem bản thân vừa hỏi gì hay người đối diện sẽ trả lời thế nào, anh chả cầm tay người ta chạy một mạch về phía thằng bạn nối khố của mình. Con Chú không kịp phản ứng, cũng đành theo đà đó chạy theo. Hôm nay lại đủ mặt bốn đứa, lại bóc trái bưởi này coi như ăn mừng vậy!

Thời gian thấm thoát thoi đưa, lũ nhóc ngày nào đã khôn lớn. Mỗi đứa tuy có công việc như con Chú thì cả ngày cùng cha lăn lộn trong xưởng mộc, thằng Hiệp thằng Đông thì bán lưng cho trời. Riêng Địa thì đã đầu quân cho một nhóm khởi nghĩa, đợi ngày nổi dậy chống lại triều đình. Cả bốn con người đều đã đến tuổi cập kê nhưng vẫn chưa đứa nào yên bề gia thất. Có đứa do đã có bến đỗ mong muốn nhưng chưa thể “đỗ” được, có đứa lại muốn hết lòng với niềm say mê của mình.

IV.
Hôm nay Nhược Hiệp phải vào thành sắm đồ. Đi một mạch từ lúc chiều đến khi tối mịt, lúc về đến cổng làng thì trời tối đen như mực. Từ xa có ánh đèn léo lắt đang tiến về phía anh.

- Sao mày ra đây giờ này

Hiệp ngỡ ngàng khi thấy con Chú đơn độc bước đến gần mình, tay nó cầm một chiếc đèn lồng, tay kia thì là một túi đồ nặng trịch

- Con gái con lứa, về nhà đi. Nguy hiểm lắm

- Hiệp, anh có còn giữ tấm gỗ mà hồi đó tôi làm cho bốn đứa mình không?

- Còn, lúc nào tao cũng đem kè kè nó theo mình. Mà sao mày lại hỏi cái đó? Về về, mai có gì tao đưa

- Anh cho tôi mượn nó bây giờ được không? Tôi muốn sửa sang lại nó một chút, lát nữa tôi phải đi rồi

Hiệp bị một đòn giáng thẳng xuống đầu. Đi? Đi đâu? Nó muốn đi đâu? Rời khỏi làng thì nó một thân một mình ở đâu?

- Mày định đi đâu? Nói tao nghe coi

- Tôi vào cung

Như tiếng sét đánh ngang tai vậy!

- Mày điên hay sao mà vô đó? Ở lại làng mình, nghèo chút nhưng mà vui mày ơi. Mày đi vô đó là mất cả đời đó

Hiệp bỏ đống đồ xuống đất, bàn tay chắc khỏe của anh nắm chặt vai Thiên Chú lắc mạnh. Ánh lửa từ đèn soi vào cả hai người, Nhược Hiệp đã thấy Thiên Chú nở nụ cười nhẹ.

- Anh hiểu sai ý tôi rồi, tôi không vào đó làm cung nữ.

“Tôi vào đó để xây dựng Kinh Hòa Thành”, Thiên Chú thở dài, “Tôi cũng không mong muốn mình vào đó nhưng mà”

- Mày không muốn vào thì không vào, mày bị bọn quan liêu đó ép chứ gì

- Xin lỗi, tôi có nỗi lòng riêng nên không thể nói với anh lúc này được.

Tiếng gió rít gào trong màn đêm đen hoắm không thôi lùa qua vành tai của Nhược Hiệp. Từng đợt từng đợt, mỗi lúc mỗi lạnh toát.

- Anh đưa tôi, để tôi sửa sang lại nó một chút trước khi đi.

- Mày không đi đâu hết!

Nhược Hiệp ôm chằm lấy Thiên Chú. Anh không nhớ rõ lần cuối cả hai ôm nhau với tư cách như thế này là ở đâu nữa. Thiên Chú càng trưởng thành thì càng đẹp và cũng càng xa cách với mọi người. Nó vùi mình trong xưởng mộc cả ngày, không giao tiếp với mấy ai trong làng. Nhược Hiệp cũng quần quật cả ngày, chỉ có thể nhìn nó chăm chú vào mấy thớ gỗ khô cằn thông qua cái ô nhỏ trên tường nhà xưởng mỗi lần anh dắt trâu đi ngang đấy. Cũng có khi anh cùng đi chợ với nó, hay vào những ngày nó cảm giác chán chường, anh sẽ ra khúc sông cuối làng cùng nó trò chuyện, đủ thứ chuyện trên đời cả.

"Hay để tao dắt mày đi trốn, đợi nào thằng Địa thắng trận rồi mình về” Anh xoa nhẹ đầu nó.

“Quân khởi nghĩa bại trận rồi, toàn bộ binh lính bị quân triều đình đuổi cùng giết tận. Bọn họ đang định sẽ chém đầu thị chúng tướng quân vào giờ Ngọ trong mấy ngày nữa”, Thiên Chú nói bằng giọng một giọng vô hồn.

"Sao mà mày biết?”, giọng Nhược Hiệp run rẩy, anh không dám tin vào tai mình, lòng thầm cầu cho chỉ là nó nghe lầm

- Kinh Hòa Thành là để đánh do cho chiến thắng chớp nhoáng này. Sứ giả đã kể tôi nghe như thế.

- Tụi nó gạt mày

- Bọn họ không có lí do gì để gạt tôi cả, đúng không?

Nhược Hiệp buông thỏng người ra, quỳ xuống trước Thiên Chú. Mặt anh cúi xuống đất để nó không thấy nước mắt của mình. Anh biết nó cũng vô dụng thôi bởi anh không ngăn được cái giọng nhẹn ngào của mình. Hai tay anh nắm chặt bàn tay bé nhỏ nhưng đã có vài vết chai sạn.

“Làm ơn, coi như tao xin mày”

Thiên Chú không đáp, nó ngẩng mặt nhìn về xa xăm, nhìn vào cái màn đêm u sầu như chính vận mệnh đất nước này sắp tới đây.

"Tôi xin lỗi”. Nó liền giật tay ra, tiến về phía trước cùng đống đồ nặng trịch. Nhược Hiệp chết lặng sau đó. Sau đó anh nghe có tiếng ngựa hí, tiếng lộc cộc của xe đang ngày một gần. À, thì ra là đã đến giờ rồi. Anh nên cảm thấy may mắn vì về kịp trước khi Thiên Chú rời đi hay sao?

“Thiên Đông vẫn chưa biết chuyện, xin hãy lựa lời nói với cậu ấy. Tôi không dám nói bởi sợ nếu cậu ấy có ý định gì, tôi lại không đủ sức cản. Tôi cũng không chắc Trường Địa có nằm trong số đấy không nhưng khả năng cao là lành ít dữ nhiều rồi"

Đó là lời cuối cùng Thiên Chú nói với Nhược Hiệp.

“Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, đằng này lửa đã tắt ngóm từ lâu”


Mùa thu năm đó, khắp đất nước nhao nháo chuyện vua cho xây dựng “Kinh Hòa Thành”. Người thiết kế là một cô gái trẻ tài ba ở một cái làng nghèo.

Và rồi những gánh nặng cho dân chúng lại càng nặng hơn. Tiền sưu thuế tăng, dân chúng không có việc làm thì chỉ có nước đi xây Kinh Hòa Thành đấy. Ngốn không biết bao tiền của, vàng bạc, công sức mà vẫn chưa hoàn thành, cái công trình đó còn tồn tại ngày nào là cực khổ cho bá tánh ngày đó.

Bạo loạn, khởi nghĩa diễn ra khắp nơi nhưng còn lẻ tẻ nên chưa đủ sức để lật đổ triều đình. Nhận thấy tình hình không ổn, Nhược Hiệp đã tham gia vào nhóm quân khởi nghĩa sau đó biệt tích khỏi làng. Được một thời gian thì có người đứng lên kêu gọi, huy động toàn bộ quân khởi nghĩa còn nhỏ lẻ về bên mình. Tại đây, Nhược Hiệp đã gặp lại người bạn mà mình ngỡ đã mất từ lâu - Trường Địa. Bọn họ vui mừng khôn xiết. Trường Địa kể cho anh nghe đầu đuôi câu chuyện.

Quân khởi nghĩa đã bại ở vài trận nhỏ vì không xác định được lực lượng hay thực lực của bọn chúng. Ai ngờ bọn chúng dò ra cứ điểm rồi đánh úp, tướng quân bại trận thê thảm. Tuy nhiên lúc đó Trường Địa cùng ba phần quân đang ở gần kinh thành để do thám nên thoát nạn, biết không thể manh động nên họ chỉ đành lui về, chờ thời cơ chín muồi.

Lúc này, Kinh Hòa Thành đã xây dựng xong quá nửa. Nó xây càng cao, càng rộng , càng bánh trướng đến đâu thì ngọn lửa trong lòng dân lại càng bỏng rát đến đấy.

V.
Mùa màng thất thu, dân chúng ngày một đói khổ
Tiền sưu thuế cứ như diều gặp gió,
Lửa hận cũng theo đà mà bừng bừng cháy

Thu Đông năm ấy, quân khởi nghĩa cùng nhân dân như hòa làm một.
Đoàn quân đi đến đâu, chiến thắng đi đến đấy
Quân triều đình lần lượt đầu hàng, các quan to quan nhỏ cũng phải bỏ mũ
Chỉ trong vài ngày, đoàn quân đã tiến rất gần đến kinh đô


Nhược Hiếp thúc ngựa đi trước, bỏ lại đoàn binh một quãng xa. Kinh Hòa Thành hiện ra nguy nga hoành tráng trước mắt anh. To lớn là vậy, song, xung quanh lại không có bóng dáng của một cung nữ hay lính canh nào cả, hiu quạnh tận cùng.
Kinh Hòa Thành lúc này không có cửa, Nhược Hiệp bước vào rồi lần mò lên những bậc thang gỗ để bước lên những tầng cao hơn. Chỗ này quá đỗi rộng lớn đối với tầm mắt của anh. Đến tầng cao nhất, Nhược Hiệp đã thấy một bóng dáng thân thuộc. 

“Rời khỏi chỗ này đi. Bọn họ sẽ kéo tới rồi thiêu rụi nơi này”

Thiên Chú không nghoảnh mặt nhìn lấy người bạn từ lúc tấm bé một lần. Mắt nó, à không, là mắt “nàng” bởi vì Thiên Chú giờ đây đã là một thiếu nữ đôi mươi, đau đáu nhìn về phía Tây đang hửng đỏ.

- Về thôi, tao sẽ tìm đường bao che cho mày

- Tôi thích màn rối nước đó, dù chỉ mới xem được một đoạn

- Hả?

Thiên Chú im lặng một hồi lâu. Xung quanh chỉ nghe được tiếng chim đang ríu rít

- Lúc đó tôi không chỉ thấy bọn họ diễn một vở kịch mà còn thấy cả chuyện bọn họ làm gì với lũ rối kia. Đứng từ trên cao nhìn xuống, mọi chuyện liền trở nên khác hẳn. Tôi nghĩ tôi thích việc ngắm nhìn giang sơn từ trên cao. Chả rõ tại sao lại như thế nữa.

Vẫn giọng nói đó, vẫn bóng lưng đó nhưng Nhược Hiệp cảm giác xa cách vô cùng. Khoảng cách này không phải giữa hai người dưng mà là giữa hai người thuộc hai cõi khác nhau.

- Tôi đã mơ về một tòa thành cũng những cơ quan huyền diệu hay một ngôi chùa được đục đẽo, chạm khắc đầy tinh xảo. Nếu tôi ở lại đó, mọi thứ sẽ chỉ là cát bụi.

-  Vậy cảm giác đứng ở đây thế nào?

Trống rỗng? Nó cũng chẳng biết phải diễn tả thế nào.

- Thứ này là một mối ràng buộc với tôi, nhưng tôi yêu nó. Dù Kinh Hòa Thành là vua đem mạng sống cả làng ra bắt ép nhưng nó vẫn là đứa con tinh thần của tôi.

- Mạng sống? Bắt ép? Thiên Chú, mày nói rõ tao nghe

Vua đòi giết cả làng để bắt Thiên Chú phải xây Kinh Hoành Đài, Thiên Chú đã chọn tự giết chết bản thân

- Mày có biết là cái thứ này đã cướp đi sinh mạng bao nhiêu người không?

Thiên Chú không trả lời, kế tiếp đó là tiếng thở dài của nó. Nhược Hiệp đã nghe tiếng thở dài này cả một thời cởi truồng tắm mưa.

- Chỉ có lấy mạng đền mạng thôi. Kinh Hoà Thành là mồ chôn của bao nhiêu người, Thiên Chú này nguyện làm trâu làm ngựa suốt bấy nhiêu kiếp.

Nó đáp một cách bình tĩnh quá, như thể giờ Nhược Hiệp có rút đao ra và kết liễu nó thì nó cũng cam lòng vậy.

“Mày....”

"Mày....”

- Anh rút kiếm đâm tôi bây giờ cũng được, có lẽ chết dưới tay anh cũng không tồi. Chết cháy cũng khá đau đó

- Mày muốn xem hết màn múa rối nước đó không? Tao sẽ cho người làm lại, chúng ta cùng về làng...

Bất chợt Thiên Chú quay người lại đối mặt với anh, nó đã khác xa rất nhiều. Môi nó ửng hồng, khóe mắt có những nét vẽ sắc lẹm khiến nó trông trưởng thành hơn so với Thiên Chú trong trí nhớ của anh. Nó nhìn anh cười nhẹ, nụ cười mà Nhược Hiệp nghĩ đã đánh mất từ lâu giờ đây lại xuất hiện trên con ngươi anh lần nữa, chỉ mỗi mình anh thôi

- Không cần đâu, tôi phải xem múa rối hay xem kịch suốt hai năm nay rồi.

Thiên Chú dứt lời đã quay trở về hướng của nghĩa quân, họ đang đến ngày một gần rồi.

- Giết tôi rồi rời khỏi đây hoặc ra về tay trắng. Tôi mong anh sẽ chọn phương án đầu

- Tao phải rời khỏi đây cùng với mày!

Nhược Hiệp tiến hai bước, Thiên Chú lùi một bước.

- Xin lỗi , tôi không đủ can đảm để đối mặt với mọi người.

- Mày về với làng, với ba mẹ mày, với tao rồi Trường Địa

- Trường Địa vẫn còn à, tốt rồi. Còn Thiên Đông nữa nhỉ?

- Đông nó mất rồi

Một thoáng vụn vỡ đã chảy ngang cuộc đời Thiên Chú. Có lẽ nó đã bỏ qua rất nhiều điều bên dưới trong khi bản thân chỉ ở đây và ngắm nhìn từ trên cao.

“Mày rời đi một thời gian thì nó mất. Nó chờ thư của thằng Địa, lâu quá không nhận được hồi âm thì nghĩ lành ít dữ nhiều rồi. Nó biết chuyện mày là người đứng sau cái thứ này nên đã nằng nặc đòi lên kinh thành tìm mày. Tao đã bảo nó ở lại nhưng nó nằng nặc đòi đi bởi nó đã mất ba mẹ, mất cả người mà nó trông chờ, giờ tới cả bạn nó mà nó còn không giữ được thì còn sống làm gì”

- Tôi không hề gặp được cậu ấy , đã có chuyện gì?
- Tao chỉ nghe kể lại là nó đã đi vào để xây Kinh Hoà Thành, trong lúc xây thì một mảnh bị sập, nó cứu người ta mà bị đè chết.

Bấy giờ chỉ còn tiếng hò hét của dân chúng, tiếng ngựa hí vang trời đang từ từ tiến đến. Trên tay bọn họ nào rơm, nào đuốc để tự giải thoát mình khỏi cái guồng xích gỗ này

- Tao không dám nói cho thằng Địa. Tao cũng là con người, tao cũng sợ cô đơn mà. Mày không về cho mày thì về cho tao đi, Thiên Chú. Mày mà không về thì tao cũng đi với mày

Tiếng gào thét của Nhược Hiệp xé toạc tâm can của người con gái trước mắt anh. Mặt trời khuất bóng sau sườn núi, nhường chỗ cho màn đêm sẽ được thắp sáng bởi những người dân đã phải chịu nhiều cơ cực.

Anh nghe tiếng bước chân của nó lướt qua mình.

- Đi thôi. Anh hứa sẽ bao che cho tôi rồi đấy nhé.

Nhược Hiệp không dám tin vào bản thân mình nữa, nó đã chịu trở về cùng anh rồi sao? Thật sao? Mà thôi, anh chả quan tâm nữa. Nó đã chịu suy nghĩ lại về một quyết định ảnh hưởng đến mạng sống của bản thân là anh hạnh phúc lắm rồi.

VI.
Cả hai cùng nhau bước xuống từng lầu một. Lúc này Nhược Hiệp mới có thể nhìn kĩ hơn bên trong Kinh Hoà Thành. Ở giữa là một cái cột to đùng được khắc, đẽo một cách tinh xảo, kĩ công. Anh tự hỏi nó đã tự tay tạo ra tuyệt tác đấy sao. Nhược Hiệp đi trước cứ ngước nhìn xung quanh làm Thiên Chú bật cười, buộc miệng bảo:

- Nhìn anh giờ y hệt lần đầu chúng ta vào được trong thành

- Nhìn y như nhà quê ấy hả? Có sao, tụi mình nhà quê thật mà.

Thiên Chú đưa tay lên che miệng cười.

Cả hai đi đến tầng lầu cuối cùng, chỉ còn một vòng cầu thang nữa là đã đến điểm cuối cùng. Bất chợt Thiên Chú rẽ sang hướng khác, tiến về phía cửa lớn gần đó rồi mở toang ra. Nghĩa quân đã đến rất gần, tiếng khua chiêng, tiếng la ó hòa vào dòng người giận dữ đã gần đến bên Thiên Hòa Thành. Nó bước ra và lại bắt đầu nhìn xuống, Nhược Hiệp cũng tiến đến gần bên Thiên Chú.

"Sao vậy?”, Nhược Hiệp nghĩ nó còn e sợ, “Tao nói là sẽ tìm cách cứu mày mà”

Thiên Chú xoay người ôm chằm lấy anh. Tay nó vòng qua eo người trước mặt, nhướng chân lên thì thầm:

- Xin lỗi, nếu làm vậy thì tôi sẽ sống trong dằn vặt cả đời mất

- Hả?
Chưa kịp nói gì thêm, Nhược Hiệp cảm giác dưới hông mình là một cơn đau nhói. Không cần nhìn đâu, anh đã hiểu chuyện gì đang diễn ra rồi.

- Mày không muốn về sao? Về với tao.

- Xin lỗi vì khước từ ý tốt của anh

- Vậy kiếp sau nhé?

Dòng máu đỏ tưởi bắt đầu rỉ ra, nhuộm một màu bi thảm lên cả tấm áo của anh lẫn Thiên Chú.

- Anh quên tôi đã nói gì rồi à, tôi còn món nợ phải trả đâu đó hàng ngàn năm đấy

- Tao đợi

Lúc này Nhược Hiệp đã không còn đủ sức để cử động lấy cánh tay hay đôi chân của mình nữa. Anh để mặc cho người con gái của mình xoay thân xác này về phía bên dưới rồi nhẹ nhàng đẩy xuống. Nghĩa quân đã trông thấy vị tướng anh dũng của họ sắp bị địch sát hại, liền cho người vây quanh để đỡ lấy  Khoảnh khắc họ đỡ được tướng quân thì những mồi lửa cũng bắt đầu được ném vào tòa nhà cao ngút kia.
Tầm nhìn của Nhược Hiệp đã mờ đi, anh không còn thấy bóng người con gái kia đâu cả. Vào thời điểm bị đấy xuống, anh đã thấy nơi khóe mắt người có chút long lanh. Em đã rơi lệ vì điều gì? Vì mạng sống của bản thân? Vì tội lỗi của em? Hay vì em phải rời xa mọi người?

Chẳng ai biết.

VII.
Ý thức cũng theo đó mà mất đi, lúc Nhược Hiệp tỉnh dậy đã là sáng ngày hôm sau. Anh bật dậy thì cơn đau ở vết đâm liền chạy lên dây thần kinh để “nhắc nhở”. Lính gác nghe tiếng động liền xô cửa vào, thấy anh đã tỉnh liền mừng rõ chạy đi gọi Trường Địa. Lát sau, anh đã mặt đối mặt cùng người bạn nối khố. Giờ đây gian phòng chỉ có hai người, những người lính đã vâng lời Trường Địa rời đi

- Trận chiến sao rồi?

- Giờ Dần hôm nay chúng ta đã toàn thắng.

-  Vậy thì tốt

Nhược Hiệp đưa tay xoa vết thương của mình, mặt đượm buồn.

“Tao cho mày xem cái này”, nói là làm, Trường Địa lấy ra một món dồ đang được quấn bằng một thứ vải rẻ tiền. Hiệp biết mình anh phải làm gì tiếp theo. Từng lớp vải được chính đôi tay của anh gỡ ra. Càng gỡ ra bấy nhiêu, anh càng không dám gỡ tiếp đến chừng nấy.

Con dao ngày xưa anh mài cho Thiên Chú, nay lại nằm ở đây, ngay trước mắt anh.

- Đây là thứ đã đâm mày. Người dân cứu mày rồi vứt thứ này đi, tao chỉ vô tình nhặt được thôi.

Nhìn con dao trên tay mà Nhược Hiệp chết lặng. Trường Địa cũng hiểu ý mà cả buổi trò chuyện đã không nhắc một chữ nào đến người con gái đấy. Lúc rời đi, Địa chỉ hối Nhược Hiệp mau chóng bình phục để ăn mừng chiến thắng

Nói thế thôi chứ anh vốn là trai tráng, khỏe như hùm nên dăm ba vết đâm nông như này có là gì, chiều hôm đó anh đã lên ngựa để tới tàn tích. Xung quanh là tro bụi, duy chỉ có chiếc cột to lớn là vẫn còn sừng sững ở đấy bởi nó được làm từ loại gỗ đốt không thế nào cháy. Dân chúng thấy anh liền chạy đến xung quanh để quan tâm, hỏi đủ điều. Anh cũng vui vẻ cùng với bọn họ. Lúc tàn cuộc thì có một ông lão đâu đấy gần sáu mươi, mái tóc đã bạc phơ bước tới. Anh theo lễ mà cúi đầu

- Thưa cụ

- Già không tìm được xác người trong đám tro tàn

- Cụ nói gì, cháu nghe không hiểu

Cụ chỉ tay về đống đổ nát chỉ toàn tro cháy đen ngòm:

- Tướng quân đã bị một người đẩy xuống nhưng sau đấy già để ý không có người bước ra. Nếu người đó bị chết cháy thì kiểu gì cũng tìm được xác nhưng mà già cùng vài người cố gắng tìm cả đêm rồi. Chẳng thấy gì cả.

- Cháu cảm ơn rất nhiều. Mọi người không cần làm như vậy đâu

- Dám đâm rồi đẩy tướng quân của chúng tôi từ tầng cao xuống như thế thì chắc hẳn phải là kẻ to gan lắm, ai ngờ lại tìm cách chuồn rồi

Nói xong ông lão cúi đầu rộ chắp tay sau lưng đi thẳng. Chỉ có Nhược Hiệp là còn lâng lâng. Vậy là nó còn sống sao? Nó đẩy anh xuống rồi rời đi. Đúng vào phút cuối cùng, nó đã chịu thông suốt rồi. Không biết phép màu nào đã giúp nó giữ lại mạng sống nhưng anh không quan tâm, như vậy là anh đã mừng lắm rồi. Có lẽ Thiên Chú vì quá hổ thẹn nên nó đã chọn đi biệt tích. Dẫu biết bản thân có hỏi tham lam song anh vẫn sẽ lên đường đi tìm nó dù cho nó có trốn ở chân trời góc bể. Nhược Hiệp nắm chặt mặt dây chuyền mình đang đeo – chuôi của lưỡi dao ngày xưa cùng với mảnh gỗ khắc đầu rồng nay đã cũ, tự nhủ rằng khi dọn dẹp mọi thứ xong, sẽ một mình một ngựa chu du khắp thế gian này để tìm Thiên Chú.

Đáng tiếc cho cả một đời trai, bởi người mà anh sẽ đi tìm vốn đã trốn sang thế giới bên kia.

Vài ngày sau khi đại thắng, lật đổ được chế độ đương thời, nhân dân ở phía hạ nguồn dòng sông nằm ở phía Bắc kinh thành đã bị một phen hốt hoảng khi họ vớt được xác của một thiếu nữ đôi mươi. Nàng đẹp, tới lúc rời khỏi dương gian cũng là một nét mặt hạnh phúc. Mọi người trong làng đó đều bước đến xem và tin rằng cái chết là sự giải thoát cho cô gái đấy. Khắp cánh tay, lưng, chân đều chằng chịt những vết khứa của dao, vết bầm tím đã lâu ngày do roi da để lại. Nào ai biết, có ai hay nàng đã trải qua một cơn ác mộng dài dằng dặc như thế nào. Nàng ra đi cùng một niềm hạnh phúc và bàn tay nắm chặt mảnh gỗ khắc hình đầu rồng một cách tinh xảo, không thể chê vào đâu được. Nàng ra đi, bỏ lại một mảnh đời trai đang thầm mong gặp lại một kẻ đã không còn hình bóng nơi thế gian hiu quạnh.

Cho đến cuối cùng, quyết định của nàng vẫn như đinh đóng cột. Việc duy nhất chàng làm là khiến nó đóng vào cột nào.

Violetta.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro