Nút "LIKE" - ĐỒNG CẢM hay VÔ CẢM?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

QUAN ĐIỂM CỦA TÔI

---------------   ---------------

Nhắc đến nút "LIKE", thứ các bạn nghĩ đến đầu tiên là gì?

- FACEBOOK.

Vâng, Facebook - nó chính xác là thứ mà tôi đang muốn nói đến. Trước khi bắt đầu bài viết, chúng ta cùng đọc một đoạn ngắn bài viết về sự phổ biến của trang mạng xã hội này tại Việt Nam nhé!

Link: http://vtv.vn/thi-truong/viet-nam-co-hon-30-trieu-nguoi-dung-facebook-2015061710512952.htm

Dựa theo bài viết trên, có thế thấy, Mạng xã hội (MXH) "Facebook" là một cái tên đã quá quen thuộc, quá phổ biến với cộng đồng mạng chúng ta, đặc biệt là với giới trẻ.

Facebook có thể được xem là nơi để giao lưu, kết bạn, nơi để giải trí hoặc là một dạng "Nhật kí điện tử" với chức năng lưu trữ những kỉ niệm của người sử dụng,... Facebook không chỉ đơn thuần được xem là một trang giải trí, mà còn được tận dụng trong việc chia sẻ những kinh nghiệm, những câu chuyện trong đời sống, trong học tập, vân vân...

Như vậy có thể nói, MXH Facebook mang màu sắc rất đa dạng và khá hữu ích đối với cuộc sống con người. 

Giả sử, bạn là một người rất ít tiếp xúc với thế giới xung quanh, nhưng kể từ sau khi hoạt động cùng MXH Facebook, bạn đã bắt đầu biết nhiều hơn về những sự việc đang diễn ra bên ngoài. Hoặc, trường hợp bạn là một người sống khá khép kín, không dễ dàng để có thể mở miệng trò chuyện với người khác. Nhưng nhờ có mạng xã hội, bạn đã có thể dễ dàng kết bạn với nhiều người chỉ qua một cái click chuột. Rồi lại có thể hàn thuyên thâu đêm mà không cần phải mở miệng. Thật sự quá tiện lợi phải không?

Có một thứ mà tôi đặc biệt thích ở Facebook, đó chính là việc chia sẻ về những câu chuyện đáng thương, hay chia sẻ về những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống,... Nhờ có sự phổ biến của MXH mà một phần mặt trái của cuộc đời được mọi người biết đến. Nhờ có MXH mà họ nhận được sự quan tâm từ mọi người, nhận được sự giúp đỡ từ những nhà hảo tâm,... 

Từ trước đến nay, tôi được biết có hai kiểu giúp đỡ được gọi là: Giúp đỡ về vật chất và Giúp đỡ về mặt tinh thần. Nhưng trường hợp ở Facebook, có một kiểu "quyên góp, giúp đỡ" khác được gọi là: nút "LIKE".

LIKE, dịch từ tiếng Anh có nghĩa là Thích (dành cho những bạn không biết tiếng Anh, nhưng tôi dám cá hầu hết mọi người sử dụng đều biết nghĩa của nó). Hay khi bạn cài đặt phiên bản tiếng Việt, thì "LIKE" chính xác được đổi là "Thích". Tôi không biết bạn nghĩ thế nào về kiểu "quyên góp" này, nhưng cá nhân tôi sẽ không đặt nó trong mục Giúp đỡ về mặt tinh thần, vì sao nhỉ?

- Vì không xứng đáng. Vì nó vô nghĩa và vì nó quá vô cảm!

Tôi rốt cuộc không hiểu, sức mạnh của nút "Thích" to lớn đến mức nào, tôi càng không hiểu, các bạn có bao giờ nghĩ lúc nào mới thích hợp để nhấn nút "Thích" kia hay không? Riêng cá nhân tôi, tôi sẽ không tùy tiện "tặng" cho ai một cái "Thích", mà sẽ "luôn luôn" chọn lọc khi nào nên, khi nào không nên!

Tôi sẽ không bảo nút "Thích" đó hoàn toàn vô nghĩa, có lẽ trong một vài trường hợp nào đó, nó có thể là một động lực cho người khác. Nhưng nó chỉ trở nên vô nghĩa và vô cảm khi bản thân người sử dụng không biết lúc nào cần đến "sự giúp đỡ" của nó.

Thế này nhé, tôi đã thấy hàng trăm lần, hàng vạn (hơn thế nữa) người vô cảm đến mức vô nhân tính (đối với tôi) khi nhấn nút "Thích" một cách vô tội vạ trước một bức ảnh (hoặc bài viết) về một vụ tai nạn khủng khiếp, một tình cảnh thương tâm nào đó. Buồn cười hơn là sau khi họ nhấn nút "Thích", chính họ lại bình luận bảo rằng làm như thế là câu "Like", làm như thế là "nhẫn tâm", làm như thế là "nghịch đạo lí",...

- Cái quái gì thế này? Đừng có vờ vô tội thế chứ! Đừng có giả tạo như thế chứ!

Các bạn có hiểu, chỉ duy nhất một hành động rất nhỏ cũng đủ để người khác đánh giá về một ai đó không? Và tôi, trong mắt tôi, đối với tôi, chính cái hành động mà các bạn tưởng chừng như rất nhỏ đó cũng đủ để tôi thấy "sự giả tạo" hay "sự vô nhân tính" của một con người. Như vậy thì nên gọi là ĐỒNG CẢM hay VÔ CẢM đây? Bạn "thích thú" trước sự mất mát của người khác? Bạn "thích thú" trước nỗi đau của người khác? Bạn đang thấy "vui vẻ" với điều đó sao?

Có thể bạn vô tình ấn nút "LIKE" vì không hiểu nó nghĩa là gì, nhưng càng tệ hơn nếu bạn hiểu nghĩa của nó mà vẫn vô cảm nhấn một cách máy móc!

Mau ngụy biện cho tôi nghe lí do chính đáng của bạn đi! Tôi sẽ cúi mình xin lỗi nếu những gì bạn nói là hợp lí đấy!

- - -

Xin lỗi vì những lời nói dưới đây. Nhưng...

Bạn có biết loài người khác loài vật ở điểm nào không? 

Tôi không giỏi sinh học, nhưng tôi biết đôi chút về việc loài người được xếp vào hàng "động vật bậc cao" với bộ não phát triển. Loài người có suy nghĩ, có tình cảm, có trí thông minh cao hơn so với đa số các loài động vật khác. Vì sao tôi lại đem vấn đề sinh học khá tế nhị (có lẽ) này vào đây nhỉ? 

- Vì tôi muốn dùng nó để nhấn mạnh, muốn dùng nó để dành cho bạn một vài lời khuyên: Hãy suy nghĩ trước khi làm một điều gì đó. Chúng ta có một bộ não phát triển, có tình người, có trí thông minh, và hãy tận dụng nó vào đời sống của chúng ta. Hãy chứng tỏ bộ não của chúng ta vẫn đang hoạt động tốt đi nào!

Có thể bạn không đủ khả năng để giúp đỡ người khác về mặt vật chất, cũng chẳng ai ép buộc bạn phải bỏ tiền ra để giúp đỡ người khác cả. Bạn vẫn có thể giúp họ về mặt tinh thần kia mà. Không có vật chất, chúng ta sẽ giúp bằng sự cảm thông, bằng tình người. Nó không hề xa vời, nó vốn nằm sẵn trong mỗi con người chúng ta, là thứ xuất phát từ tâm hồn, còn nút LIKE đó, nó chẳng giúp được gì cả, đừng "mượn" nó để làm một "vị anh hùng" nữa! Tôi nói rất chân thành đấy!

"Có thể bài viết này mang tính chất khá gay gắt, nhưng đó là sự phẫn nộ của tôi đối với hành động máy móc vô cảm của người dân trong cộng đồng mạng. Vì tôi không chịu được khi nhìn thấy các bạn quá đề cao nút "LIKE", thậm chí dựa vào nó để đánh giá tình người. Bạn sở hữu hàng triệu nút "LIKE" cũng không bằng một người yêu thương thật lòng xuất phát từ sự cảm thông sâu thẳm trong tâm hồn. Có thể một vài ý kiến trái chiều sẽ không đồng ý với tôi, nhưng tôi vẫn hi vọng bài viết này hữu ích với đa số các bạn."

Cảm ơn vì đã đọc bài viết này!

- Van Ashton -

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro