Ba Mươi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bữa nay vẫn như mọi khi, cuộc sống lại diễn ra theo đúng trình tự mà nó có. Mặt trời lên cao, bầy gà tranh nhau gáy, các cô các dì ra chợ, các ông các chú làm việc của mình. Cả Bích Điệp cũng thức giấc, chỉ khác là đặc biệt dậy sớm hơn mọi hôm.

- Thế nào? Ổn không con? Mần ăn êm xuôi chớ?

Vừa mới bước ra gian trước đã bị bà hội đồng tóm vào mà hỏi lấy hỏi để làm cổ mém tí ngả ngửa. Nghe hỏi là biết đề cập tới chuyện gì rồi, Bích Điệp chỉ cười cười, giọng nhẹ tênh:

- Con từ bỏ rồi. Con không thương anh Thuân nữa.

Dĩ nhiên sau đấy cô hai bị bà hội đồng tra khảo còn hơn cả tù binh, rằng là Đang tốt thế sao lại bỏ? Hay là thương ai khác rồi? Nhắm được mối nào ngon hơn phải không? Tất tần tật câu nào bà cũng hỏi cả, nhưng Bích Điệp chỉ nhẹ lắc đầu.

Vào cái lúc cô chứng kiến cậu dịu dàng hôn nhè nhẹ lên vầng trán nhỏ của Phạm Khuê, cô biết, cô thua rồi. Chẳng phép màu nào có thể xảy ra cả, và cũng chẳng có ai có thể khiến Nhiên Thuân từ bỏ Phạm Khuê mà bước đến với cô.

Bà hội đồng nói rằng, sao không cố gắng một chút nữa? Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Ừ thì đúng đấy. Nhưng với tình cảnh này, nếu cô không chịu từ bỏ, thì đó là cố chấp chứ chẳng phải cố gắng nữa. Buông bỏ là cách tốt nhất. Nhiên Thuân có thể thoải mái ở bên người thương, cô cũng chẳng phải ghen tức khi thấy cậu ở bên nó, sẽ chẳng phải khóc đến đỏ mắt mỗi đêm.

Cô sẽ buông cậu, buông bỏ đoạn tình cảm cố chấp này. Mặc dù cô hai thương cậu nhiều, nhưng cái hôn của cậu cả dành cho Phạm Khuê đã vả cô một cái thật đau. Đồng thời cô cũng hiểu, dù cô là tiểu thơ được nuông chiều, từ nhỏ đến lớn muốn gì được nấy, nhưng để mà nói thì tình cảm không phải thứ cô muốn là có được. Đêm qua cô đã khóc đỏ cả mắt, tự hỏi sao cái đạo lý đơn giản như vậy mà đến giờ cô mới hiểu. Bấy lâu nay cô chìm trong ghen tuông, đổi lại thì được cái gì?

                                  ●●

Chợ làng đông đúc và nhộn nhịp như bản chất nó vốn có. Ở sạp vải Chín Lụa, người ta thấy có hai cô gái, một cô dáng vẻ yêu kiều tao nhã, trông rất có dáng dấp tiểu thư, còn cô đứng bên cạnh thì mặc trên người áo bà ba sờn cũ, gương mặt đen nhẻm trông bần cùng chết đi được. Ấy vậy mà giữa hai người họ lại chẳng có khoảng cách chủ tớ gì cả, nói chuyện với nhau nom rất vui vẻ.

- Nụ thấy cái này đẹp hông?

Cầm một mảnh vải lụa ngà lên xem qua một lượt, Út Thư cười toe toét hỏi người bên cạnh.

- Đẹp quá, hợp với cô út lắm đó.

Con Nụ được hỏi thì tíu tít trả lời, nụ cười chợt nhoẻn theo người kia.

- Vậy...không hợp với cậu hai hả?

Nghe vậy, con Nụ lại càng khen lấy khen để, dòm cái mặt nó cũng thiệt thà, chắc là muốn nịnh cô út đó. Cả cái nhà này, có ai không biết Út Thư thích cậu hai Bân đâu, tới cậu cả lầm lì ít nói còn rõ tường tận mọi chuyện đây này.

- Cô út mua cho cậu hai Bân đúng không? Vậy để tui lựa giùm nghen, tui bán lâu năm, tui biết cái nào hợp người.

Nghe rộn ràng quá nên bà chủ sạp cũng hiểu phần nào, nhân lúc cô út đang lựa vải, bà liền đề nghị. Mà đề nghị chính đáng thì cô út nhận thôi. Thế là cả cái sạp vải Chín Lụa hôm đó rôm rả tiếng cười tiếng nói, ai đi qua cũng phải ngó vào xem xem có chuyện gì.

Mải mê lựa đồ đến quên cả trời đất, tới khi nhận ra thì đã gần trưa trời trưa trật mất rồi. Vội trả tiền bà chủ sạp, Út Thư nhanh nhanh chóng chóng xách cái giỏ đặng mà về dinh hội đồng. Bởi nếu về trễ, người bị rầy là con Nụ chứ không phải cổ, mà không lẽ để người ta chịu thiệt vì mình, làm người ai làm thế.

Ai có ngờ đâu, mới ra tới đầu ngõ chợ đã gặp kì đà cản mũi.

- Nè cô em xinh đẹp, cô đi đâu đấy?

Định thần lại một hồi, Út Thư mới ngớ ra. Cái mặt cợt nhả này, cái dáng gầy đét này, á à, là thằng công tử hôm qua gạ gẫm cổ đây mà.

Ai xui ai khiến mà cổ lại gặp hắn thế nhở?

- Tui đi đâu thì liên quan gì tới anh?

Hắn trề môi, điệu bộ bỡn cợt:

- Ơ sao cô em cộc cằn thế? Đờn bà con gái mà thô lỗ là khó lấy chồng đó, nhưng không sao, dù cô có đanh đá chua ngoa thì tôi đây vẫn muốn cưới cô.

Mấy lời đó vừa phun ra, gương mặt cô út đã nhăn nhó đến mức gọi là khó coi. Khiếp, nghe mà phát ớn, loại đờn ông vô sỉ thế này đến giờ vẫn còn sao? Nhưng mà thôi, thời gian là vàng là bạc, Út Thư hổng có rảnh mà phí vàng bạc của mình đặng đứng đây đôi co với mấy thằng trẻ ranh. Cổ chỉ đơn giản là quăng cho hắn ta một cái nhìn khinh khỉnh, đoạn kéo tay con Nụ đi thẳng luôn.

Về tới dinh hội đồng thì đã hơn mười một giờ trưa, vậy mà cơm canh gì vẫn chưa thấy đâu cả. Khỏi phải nói bà hội đồng giận đến mức nào, bà còn suýt lôi con Nụ ra đánh mấy roi cho bõ ghét cơ, bởi từ xưa nay việc bếp núc nhà này đều một tay nó lo hết, hôm nay nó lại dám bỏ việc đi chơi tới khi mặt trời đứng bóng, chẳng phải là hư thân mất nết quá hay sao?

Cũng hên cho nó, có cô út nói đỡ vài câu, chứ nếu không chắc mềm mình như chơi rồi. Cái tội bỏ đói chủ thì nhẹ lắm chắc?

Khi con Nụ đang xắt thịt ở gian sau, Út Thư mới rón rén đi tới, chẳng quan tâm ý tứ gì mà ngồi xổm xuống bên cạnh, ríu rít xin lỗi. Tuy nó không bị đòn nhưng cũng bị bà rầy cho một trận đã đời, cũng do cô út hết. Nhưng mà nó không giận cổ đâu, nó hiểu lý do mà.

Nghe con gái út nhà họ Châu cứ nài nỉ bên lỗ tai mãi, con Nụ mới giả bộ giận. Vừa hay thấy cậu hai Bân đi xuống thì nó liền la lên oai oái:

- Con không nói là hồi nãy cô út nói chuyện thân thiết với trai đâu, con hổng biết gì hết!

Đang yên đang lành tự dưng bị úp sọt như vậy, Út Thư chỉ biết trố mắt ra nhìn, tới khi thấy cậu hai đứng gần đó mới hoảng hồn, ấm ức nhéo vào tai con Nụ vài cái, vậy mà nó chỉ cười hề hề.

- Anh Bân, chuyện không phải như Nụ nói đâu. Em hổng có thân thiết với hắn gì hết.

Trời đất, mày báo cô út quá rồi Nụ ơi!

Từ lúc chuyện bị phanh phui, Út Thư cứ lẽo đẽo theo cậu hai mãi. Miệng liên tục năn nỉ như sợ cậu giận, mặc dù nhìn cổ hiện giờ đương giống bào chữa hơn.

- Em nói thiệt, anh hổng tin em hả?

Mặc kệ cô út cứ léo nhéo bên lỗ tai, cậu hai vẫn bình thản làm công chuyện của mình. Thiệt ra hồi nãy đứng ở đầu ngõ chợ, Tú Bân thấy hết rồi. Là tên kia gạ chuyện cô út trước, là cô út mặt sưng mày sỉa làm hắn quê một cục. Và cái nguyên do mà cổ lẽo đẽo theo xin lỗi cậu mặc dù cổ chẳng làm cái gì trái khuấy cả, cũng là vì cổ sợ cậu giận.

- Em nói thiệt, em thương có mình anh thôi à.

Chuyện này ai mà chẳng biết, cô út nhỉ?

Tuy biết cô út không làm lỗi gì, Tú Bân vẫn một mực không chịu mở miệng ra phủ nhận. Cậu cứ để cổ nhỏ giọng nỉ non hoài vậy đó, coi mà tức dễ sợ. Bình thường cậu hai vui vẻ với người ta lắm mà, sao lúc ở gần cô út lại làm như ai giật sổ gạo vậy nhỉ? Cậu hai kì cục ghê.

Nghĩ vẩn vơ đi đâu, cô út chợt giật mình. Thôi chết! Bình thường cậu hai đã như muốn cách xa cổ, bây giờ còn nghe cổ nói chuyện thân thiết với trai, hổng lẽ, cậu ghét cổ luôn rồi? Nghĩ tới đây, nước mắt ấm ức chực trào ra. Mặc dù là cổ hổng có làm sai gì đó, nhưng mà bị người thương hiểu lầm thì lại chẳng ức chết đi được.

Ấy vậy mà trước những giọt nước mắt oan ức kia của cành vàng lá ngọc nhà họ Châu, cậu hai lại chẳng có gì gọi là mủi lòng hay xuống nước dỗ dành. Cậu chỉ cười cười rồi đưa cho cổ trái dừa đã đục lỗ sẵn, sau đó không nói không rằng liền bỏ đi. Tội nghiệp, Út Thư ngơ ngác đứng đó với trái dừa non vỏ xanh mướt trên tay. Một hồi sau mới lờ mờ hiểu ra được cái gì đó rồi, cô út bật cười toe toét, tay đưa lên lau vội nước mắt.

Ôi trời, ai đời đờn ông con trai đi dỗ con gái mà lại chỉ đưa cho mỗi trái dừa rồi lẳng lặng bỏ đi, hay là cậu hai ngại?

Ơ, mà ngại thì có nghĩa là cậu thích cổ rồi đúng không? Trời ơi, thích thì cứ nhích, sao cứ phải vòng vo cho mệt ấy nhỉ?

                                    ●●

Gần cuối năm, người người nhà nhà tất bật sắm sửa đồ đạc đặng mà đón Tết. Không khí lạnh tràn về, gió heo may khẽ lùa vào từng thớ da thớ thịt.

Phải hoà mình vào dòng người mới hiểu được cái cảm giác nô nức lúc ấy, cả năm cày bừa cuốc vác đến rã rời chân tay, được dịp cuối năm rỗi rãi, nom ai nấy cũng đều vui lung lắm.

Bước trên con đường mòn quen thuộc, Phạm Khuê hơi run lên vì lạnh. Nhìn nét mặt rạng rỡ của người xung quanh, nó chợt nhoẻn miệng cười, tay ôm chặt mảnh vải lụa. Về đến nhà, Phạm Khuê đã nhanh nhanh chóng chóng chạy vọt vào chỗ ngủ của nó mà giấu nhẹm mảnh vải đi, như không muốn ai thấy, vì với nó, đây là vật được đánh đổi từ mồ hôi và nước mắt nhiều ngày.

Cho đến khi trăng đã treo lủng lẳng ngoài trời, đợi đám gia đinh lẫn chủ đi nghỉ hết, nó mới âm thầm lấy mảnh vải kia ra, ngắm nghía một hồi lâu. Kì lạ là, trên mảnh vải chỉ độc một màu duy nhất, cái màu ngà ngà như màu men sứ nom thật đơn điệu. Thoáng nhìn qua thì chẳng có gì đặc biệt cả, vậy mà chẳng hiểu sao Phạm Khuê lại mê mẩn đến vậy.

Vì vốn dĩ, nó biết cậu cả chẳng thích mấy thứ phức tạp chút nào, cậu rất thẳng thắn, đôi khi còn hơi nóng tánh nữa, và cái bản tính thì khỏi nói rồi, thích cái gì là phải có cho bằng được.

Cũng như cái cách cậu thương nó vậy đó.

Nó biết cậu chẳng ưa ba cái thứ màu mè hoa lá hẹ, mà đơn giản quá thì cậu cũng không hứng thú, cậu làm nó nghĩ đến mức đầu óc xoắn cả vào nhau mà chẳng biết nên mua thế nào cho vừa ý cậu, Cuối cùng nó lựa thế nào lại lấy luôn mảnh vải màu trắng ngà ngà.

Sắp sang năm mới rồi, mà Tết thì phải có áo mới mặc cho hên cả năm chứ nhỉ? Thế là Phạm Khuê moi hết tiền dành dụm mấy tháng nay ra, hào hứng chạy đi mua vải đặng mà may áo cho cậu. Nó mang ơn cậu nhiều lắm, cậu vừa là ân nhân, vừa là người thương của nó, bấy nhiêu đồng bạc lẻ và công sức để đổi lấy một cái áo mới cho cậu thì có đáng là gì đâu, thậm chí chỉ cần cậu bảo nó làm trâu làm ngựa cả đời cho cậu, nó cũng cam lòng.

Trong đêm khuya tĩnh mịch, Phạm Khuê ngồi một mình ngoài hiên nhà, cẩn thận luồn từng đường kim mũi chỉ vào mảnh vải quý giá trước mặt, cặp mắt chớp liên hồi vì cơn buồn ngủ. Ánh trăng ngả bóng xuống sân nhà vắng lặng, Phạm Khuê bất giác nhìn lên. Nỗi nhớ cậu lại tràn về.

Mấy bữa nay cậu lên tỉnh coi sóc mấy kho lúa, vì gần cuối năm rồi, phải tổng thu hết vào sổ sách đặng mà phát lương cho tá điền. Ông hội đồng bận giao lưu với quan chức lớn, thành ra công việc cứ vậy mà đổ hết lên đầu con trai cả.

Nhớ cậu, thương cậu, xót cậu nhiều lắm.

Chẳng biết giờ này ở trên đó cậu đã ăn uống gì chưa hay lại để bụng đói mà đi ngủ? Chẳng biết cậu có làm việc mệt quá mà lên cơn cáu gắt. Và chẳng biết, cậu có lỡ phải lòng một ai đó hay không?

Dù gì thì, ở trên tỉnh có mấy cô tiểu thơ xinh xắn phải biết, có khi còn hơn cả cô hai Điệp. Cơ mà nếu cậu có lỡ thương người ta đi chăng nữa thì nó cũng chẳng dám trách móc nửa lời, có chăng, chỉ là thương thay cho số phận nghèo hèn của nó.

Và nếu như cái chuyện nó qua lại với cậu cả mà vỡ ra, thì nó chỉ còn biết bỏ xứ mà đi. Bởi lẽ trên đời, ai lại chấp nhận một đứa đồng bóng bao giờ?

Trăng đêm nay tròn và sáng, trong vắt như đôi mắt người nó thương.

Cậu ơi, Khuê nhớ cậu da diết.

Mải mê tương tư về người ở trên tỉnh, kim đâm vào tay lúc nào chẳng hay, nó cuống quýt lên một hồi, trông điệu bộ vừa thương vừa buồn cười. Nhưng rồi tự nhiên, giữa không gian vắng lặng, có tiếng guốc mộc vang lên và ngày một đến gần. Nó thấy cái dáng mảnh mai nhưng hơi cao một chút, bận bộ đồ ngủ bằng lụa, từ từ tiến lại gần chỗ nó, và ngồi xuống.

Trong bóng tối, Phạm Khuê vẫn lờ mờ nhìn ra được, và rồi nó hoảng hồn.

Là cô hai Điệp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro