2.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lớn hơn chút nữa tôi gặp Phạm Khuê, người gây cho tôi bao thương nhớ, nó cũng đồng thời khiến cho tôi khổ đau khổ đớn về sau này. Tôi thường gọi nó là ngắn gọn là Khuê.

Gia đình Khuê mới chuyển xuống làng được một tuần rưỡi. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Khuê là nó rất ngốc, cực kì ngốc. Một đứa nhóc năm tuổi nhưng không thể thuộc nổi họ tên của mình mặc dù họ tên của nó chỉ có ba chữ: Thôi Phạm Khuê. Ấn tượng thứ hai về nó là nó có cùng họ "Thôi" với tôi, Thôi Nghiên Thuân - Thôi Phạm Khuê. Bà con trong xóm hay trêu tôi với nó là anh em một nhà, mà tôi chẳng lấy gì làm phước khi được đùa như vậy. Tôi thà làm anh em một nhà với Tú Bân còn hơn, vì nếu phải chọn một người anh em đi theo mình đến suốt cõi đời hay khắp trần gian này thì tôi thà chọn đứa thông minh như thằng Tú Bân còn hơn đứa ngốc xít, lại còn nói ngọng như Phạm Khuê. Vả lại Khuê lại là cậu bé rất hiền lành và dễ thương. Mắt nó tròn tròn, nếu nhìn tổng thể khuôn mặt nó bạn cũng có thể nhận ra điều ấy, nhìn nó rất giống một chú cún con. Nhưng sức mạnh của nó không nằm ở hai con mắt bồ câu ấy, mà lại nằm hở hai cái má phúng phính và đôi môi. Má nó hồng hồng, không biết có phải bẩm sinh hay không nhưng lúc nào tôi nhìn nó, cũng thấy má nó đang hơi ửng hồng, lúc thì hồng đầm đậm, lúc thì hồng cả khuôn mặt luôn. Mấy lúc nó nhai chóp chép cái gì đó, hay tức giận, ấm ức với điều vì đó, hay thậm chí là đang cười, đang khóc hay chỉ đang ngồi chơi bình thường trước hiên nhà tôi, tôi đều để ý thấy má nó có phồng lên đôi chút, môi chu chu ra. Những cảm xúc "dễ ghét" đó của nó, kết hợp với đôi má lúc nào cũng ửng đỏ khiến tôi luôn phải trố mắt nhìn. Kể cả khi nó có liếc xéo tôi, hay lè lười chọc tôi thì hai bên má nó vẫn luôn ửng hồng như thế, trông vừa lạ vừa kháu khỉnh.

Khuê quý tôi. Từ ngày nó gặp tôi là nó bám rít lấy tôi, không rời nửa bước. Mẹ tôi thường bảo:

"Khuê mới về, chưa quen ai, con với Tú Bân ở gần nhất thì chơi với em cho em đỡ buồn."

Tôi không ghét Khuê, nhưng chơi với Khuê thì chán chết. Nó chẳng thích chạy nhảy hay leo trèo, đánh nhau như tôi. Nó chỉ thích ngồi trong nhà vẽ, đọc truyện những trò mà có đến chết tôi cũng chẳng muốn động đến. Hồi nhỏ tôi rất nghịch. Ăn đòn như ăn cơm bữa. Đã thế còn hay nghịch dại. Thằng Tú Bân chẳng thể nào nghịch ngợm bằng tôi, dì Mai với dì Trân lại càng không (vì dì là con gái, chỉ khoái chơi mấy trò ô quan thôi), bất ngờ thay, thằng Khuê lại càng không nữa.

Dạo ấy nhà bà Thơm có trồng cây ổi to tướng, nhưng bà trồng trong sân. Tôi thật ra chẳng khoái ăn ổi xíu nào, vừa chua vừa chát, lại toàn là hột ăn chán bỏ xừ. Nhưng Khuê thích, nó bảo tôi ở chỗ cũ của nó không có ổi, muốn ăn thì phải mua mà mẹ nó thì không cho nó tiền để ăn. Về làng mới, nó thấy cây ổi sau sân nhà bà Thơm thì như bắt được vàng. Nó chạy sang nhà tôi rồi kéo kéo tay áo tôi:

"Anh Thuân, anh Thuân ra hái ổi với Khuê khâng?"

"Tao đâu thích ăn ổi, với ổi đâu mà hái?"

"Ở nhà bà Thơm, anh không ăng thì Khuê với anh Tú Bân ăn."

"Mày với Bân đâu có biết gọt ổi?"

"Khuê nhờ chị Trân gọt hộ"

Nó vừa năn nỉ, môi nó lại vừa hơi chu chu lên. Tôi chẳng kiềm lòng được trước vẻ mặt nỉ non vừa mắc cười vừa dễ cưng của nó nên cũng đành cùng thằng Bân theo nó đi hái ổi. Khuê bảo đi hái nhưng nó không hái, nó đứng nhìn tôi với Tú Bân hái, vì nó...không biết trèo vách. Chồng bà Thơm có xây một vách tường cao để ngăn bọn trẻ con vào nhà hái trộm quả nhà bà. Ngoài ra vợ chồng bà còn có thêm một đứa con gái tên Trúc Quỳnh. Trúc Quỳnh nổi tiếng là đứa có tật ranh ma, hay mách lẻo. Điều đó khiến đầu óc non nớt của chúng tôi phải cật lực tìm cách đối phó trước những tiếng mắng chửi của bà Thơm, những tiếng quát đó kiểu gì cũng đến tai ba tôi và ba thằng Bân, và chúng tôi lại tiếp tục phải tìm cách chống trả lại những đòn roi trừng phạt của ba chúng tôi.

Vách tường nhà bà Thơm xây cao, che lấp cả cây ổi. Khiến cho tôi với thằng Bân phải bắc thang mới vào leo vào được. Bọn tôi chỉ mới là những đứa trẻ con, bắc thang, bê thang thì tụi tôi chẳng thể làm được. Do ấy mà ba đứa chúng tôi đành đánh liều lẻn vào bằng cửa trước. Giờ này vẫn còn sớm, bà Thơm hay chồng bà đều đi cấy cả rồi, chỉ còn mỗi con Trúc Quỳnh ở nhà một mình. Nó ở nhà một mình chẳng có ai, nên tôi nghĩ nó đồng thời cũng khó mà mách lẻo được ai. Chúng tôi lẻn vô nhà nó ngon ở, Trúc Quỳnh mải chơi đồ hàng với Bống Sún nên chẳng để ý đến anh em bọn tôi. Đúng hơn là nó không biết đến sự xuất hiện của chúng tôi trong nhà nó. Tôi ung dung trèo lên cây ổi, để thằng Khuê ở dưới nhặt, còn thằng Bân thì canh chừng con Trúc Quỳnh với con Bống Sún phòng trường hợp nó bắt quả tang, sẽ chạy ra đồng mách má nó hoặc chạy về nhà tôi mách ba tôi. Một quả, hai quả, ba quả...chẳng mấy chốc đã lên sáu quả. Tôi mải hái cho Khuê mà chẳng để ý con Trúc Quỳnh đã chạy ra ngoài mách bác Phùng từ thuở nào, còn bác Phùng thì chắc chắn đã kéo thằng Bân về cho nó một trận ra trò. Tin tức này kiểu gì cũng sẽ đến tai ba tôi. Và nó đến tai ba tôi thật.

Tối hôm ấy, tôi kiểu gì cũng phải ăn cơm chan canh nước mắt. Bố tôi sáng đi làm trên huyện nhưng chỉ đến trưa là về, nên việc hàng xóm kể tội tôi với bố tôi vào buổi chiều hôm ấy cũng chẳng mấy kì lạ. Thoạt đầu tôi phải đứng thật nghiêm, nghểnh cổ nghe bố tôi luận tội và lí nhí trả lời những câu hỏi đầy đe dọa của bố tôi. Tiếp theo, tôi phải ngậm ngùi nằm úp người hoặc ngồi lên phản, giơ chân xuống đất thực hiện nốt phần cuối cùng của phiên xét xử. Thú thật mỗi lần bố tôi luận tội hay khuyên răn tôi trước khi cho ăn đòn, tôi chẳng thèm mảy may đến những lời răn đe của bố tôi. Lòng tôi chỉ cầu mong mẹ tôi, dì Trân hay dì Mai, bác tôi, bà tôi thấy tôi bị đánh liền mủi lòng thương bèn tấp nập tới van xin bố tôi tha cho tôi. Nhưng tôi biết thế nào là thực tế, thế nào là ảo tưởng. Đời sẽ chẳng khi nào như mơ. Tôi bèn phải nhắm mắt hứng chịu những đòn roi trừng phạt của bố tôi. Bố tôi vừa đánh vừa đếm, thường bố sẽ phạt ít nhất là ba roi, nặng nhất là năm roi. Hôm nay tôi lãnh chịu hình phạt nặng nhất, năm roi. Tôi nghiến răng chịu đựng nhưng lần nào cũng vậy, đến roi thứ tư là tôi khóc òa.

Mặt tôi lấm lem nước mắt, ngó ngó ra ngoài tôi có thể thấy bóng dáng thằng Khuê đang đứng nhìn tôi với vẻ mặt lo lắng tột cùng. Tôi đứng dậy, phủi phủi chân rồi xỏ dép mà chạy ra ngoài.  Ra đến hiên nhà tôi gặp thằng Khuê, tôi ngồi thụp xuống nền gạch mà khóc thút thít như thể tôi là đứa trẻ bất hạnh nhất trần đời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro