Chương III: Còn duyên kẻ đón người đưa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bạc Liêu mấy năm trở lại phồn hoa đáo để.

Khắp phố thị hàng quán sát rạt nhau. Hàng Pháp có, hàng Việt có. Tiếng í ới mời chào rộ cả góc đường. Mấy nàng tiểu thơ bận áo dài tân thời, tay đeo vòng mã não, duyên dáng ghé tai ráo chuyện nhau, cười khúc khích, nắng đổ lên gò má các nàng màu hây hây. Các anh hàng thợ tay phì phèo điếu thuốc cháy nửa, chép miệng nhìn nàng này nàng nọ, mồm huýt sáo dài trêu ghẹo. Có giai thoại rằng cậu công tử xứ này vung tay, đốt tiền nấu chè mà rộ lên cả vùng Đông Dương một thời là đủ hiểu, dân xứ Bạc Liêu sống nhung lụa không kém dân đất Viễn Đông mấy hồi.

Nhắc đến phồn thịnh xứ này thì không thể không kể đến nhà ông Bá Mẫn. Cơ ngơi nhà họ Mẫn bộn bàng, ba đời giàu nứt đổ vách, có lời đồn nhà họ Mẫn giàu như thế vì chơi bùa thiêng ngải lú, cũng không ai biết thực hư. Ông Bá Mẫn là chủ vài chục ruộng muối, lại có dao du với chính quyền nên giàu càng giàu thêm. Mỗi tội ông trót phải lòng "nàng tiên nâu", đêm đêm lại mơ màng bên bàn đèn thuốc phiện. Cả đời chỉ lấy một bà vợ, trước là huê khôi đất Sài Thành, này là bà Bá Mẫn nhóp nhép nhai trầu phun bả vào ống nhổ trên tay con người ở. Mà cũng chả ai biết ông Bá Mẫn có bao nhiêu đứa con rơi rớt ngoài kia qua mấy cuộc tình chóng vánh thời trai trẻ. Chỉ biết ông và bà ở với nhau có được đứa con cầu tự, Mẫn Duẫn Kỳ, dân xứ này hay gọi là cậu hai Kỳ.

Cậu hai Kỳ đi du học đất Pháp mới về hơn năm trước, lấy được tấm bằng cậu cũng không tha thiết ở lại đất khách quê người làm gì nên về lại Bạc Liêu tiếp ông Bá Mẫn quản lý cơ nghiệp. Cậu hai Kỳ không ăn chơi tiêu pha, chỉ hay ra phố mua đồ linh tinh như lần cậu khất tiền bún được người ta trả hộ. Tính cậu cũng hiền, không có tiền án tình ái dan díu với ai bao giờ.

Hai hôm đoàn Quỳnh Hoa về đây rồi, cả đoàn ai cũng khấp khởi mừng thầm, tính ra về Bạc Liêu là đúng đắn, dân ở đây cởi mở, không lời ra tiếng vào chuyện kép hát giả nữ, tiền hoa hồng cũng hậu hĩ. Có mấy chị đào đã lọt vào mắt các ông lớn, đêm lại đi cùng các ông vào các sòng bạc, châm thuốc, hầu rượu, tình một đêm là dư dả tiêu pha cả tháng. Chỉ là các ông không bao giờ hỏi các chị về làm vợ dù có sắc hương như thế nào đi nữa, bởi có vợ là cái loại xướng ca vô loài sẽ mang đến sự nhục mạ. Mà các chị cũng chả muốn làm vợ lẻ, lấy về cho vợ cả nó chì chiết à? Hay miệng đời lại miệt thị các chị "đũa mốc đòi chòi mâm son". Cứ sống thế này, đon đả một tí mà lại dễ thở dù có bị gọi là điếm đàng cũng chả ai nặng lòng.

Ông bầu Sang vừa nhận được bưu thiếp, ông Bá Bạc Liêu mời đoàn Quỳnh Hoa tới dinh thự họ Mẫn diễn riêng cho chính quyền mua vui. Ông mừng quá thể, lớn tiếng gọi cả đoàn tụ lại thông báo tin này, cả đoàn ai cũng trợn trừng ngạc nhiên. Trời, là diễn cho quan coi đó, ở dinh thự đất Bạc Liêu đó, tiền công không như diễn cho dân coi đâu, được trả chục ngàn là ít. Mọi người tất bật sửa soạn, vừa cười nói ha hả. Hiệu Tích cũng mừng, tay dọn đồ diễn vào hòm đựng, miệng nhắc Chính Quốc nhớ chỉnh dây đờn, sợ thằng nhỏ hoảng quá quên bén. Từ hôm qua tới giờ, Quốc cứ bám lấy Hiệu Tích mà lừ mắt nhìn, cậu cứ phải xuống nước dỗ ngọt ông thầy đờn trẻ này. Cả đoàn vội vàng đẩy nhau lên xe, người bưng người khiêng hòm đựng đạo cụ, đồ diễn.

Dinh thự ông Bá Mẫn đồ sộ, nhìn vừa Tây vừa Việt, vật liệu gia công chắc cũng là hàng ngoại nhập, lựa được mảnh đất kế cạnh Dinh Đốc lý Bạc Liêu nên nhìn càng bành trướng. Bước vào cổng thôi mà đã nghe mùi đàn hương đắt đỏ thơm phức. Cả đoàn lặng thinh đi vào sảnh phụ theo lời người ở để sửa soạn. Mọi người hội ý nhau hay là nên diễn tuồng Tàu đi, chứ diễn tuồng Việt mình mấy ông quan Tây chướng mắt thì quở là khổ cả đoàn. Vậy là diễn "Lữ Bố hí Điêu Thuyền", mọi người thống nhất rồi đi hóa trang, nhẩm tuồng.

Hiệu Tích điểm trang tí chút rồi kéo Chính Quốc ra một góc, dúi vào tay thằng nhỏ mấy thanh sô-cô-la Pháp. Chính Quốc cười cười, tròn mắt nhìn Hiệu Tích:

-Ở đâu ra dị anh? Cái này mắc dữ thần đó, năm ngoái đợt ở Sài Gòn em thấy mà hổng được ăn.

-Người ta cho anh.-Hiệu Tích xoay người định đi lại chỗ đào kép đang tụ lại.

-Ai cho? Ai cho anh hở?-Quốc gọi giật lại.

-Cậu khán giả hôm trước, khi nãy đi ngang sảnh chính người ta tặng anh, mà cho thì ăn đi.-Hiệu Tích nhìn Quốc đang ngớ ngớ.

-Gì? Thằng cha hôm qua đó hả? Nhà chả đây à? Sao anh nhận cái này?-Chính Quốc lại bắt đầu gắt gỏng.

-Người ta là con nhà gia thế, em giữ mồm giữ miệng, kín kẽ vào, không thì mang tội.-Hiệu Tích vò đầu Chính Quốc rồi quay gót đi.

Đoàn bắt đầu diễn ở sảnh chính, cũng như bao lần, rất được lòng người coi, ông bà Bá Mẫn ưng dạ ra mặt, mấy ông quan Tây coi đâu cũng hứng chí lắm.

Hết vở, ông Bá Mẫn mời đoàn ở lại ăn cơm, dúi vào tay ông bầu Sang xấp bốn chục tờ năm trăm đồng. Ông bầu ngơ ngác chưa tin được một tuồng diễn thu được hai chục ngàn, bằng hơn tháng đi diễn tứ xứ. Đồ ăn được đãi cũng đàng hoàng, vịt tiềm, gà quay, bia đá. Cả đoàn nhao nhao ăn cơm. Ông bầu Sang ghé tai Hiệu Tích:

-Hay mình ở đây thêm vài thêm vài tuần nữa nghen con, tiền cho đoàn cũng dư dả, con với mấy đào kép cũng cần nghỉ lại sức ít hôm, hát quá hư giọng hết.

Hiệu Tích gật đầu rồi giục ông nói mọi người ăn nhanh mình về, ở lại lâu cũng kì. Đoàn ăn xong rồi thu dọn ra xe chuẩn bị về chỗ trọ. Hiệu Tích bê chồng đồ chưa kịp nhét vào hòm đựng, lật đật đi ra ngoài, đi qua sảnh chính thấy cậu Kỳ nọ đang nhìn mình, Hiệu Tích gật nhẹ rồi lên tiếng:

-Cậu đây, tôi về!

-À, ừ, cậu về, à, còn chuyện tôi nói cậu ban nãy, ừm...cậu...-Người kia ngắt ngứ, ngài ngại nói.

-Cậu xem trong túi áo đi nhé, tôi về, chào...-Hiệu Tích bước đi, bỏ lửng câu chào chưa hết.

Màu trời chiều đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn ngoài cửa đổ một màu điệp trùng lên bóng lưng lững thững nhỏ dần kia.

Duẫn Kỳ rũ mắt, bối rối lục tay vào túi áo sơ mi, bắt được mảnh giấy nhỏ gấp đôi thẳng thớm, kèm dòng chữ ngã nghiêng bằng mực máy: " Chuyện cậu đây mời, tôi đồng ý, mai cậu dẫn tôi đi thăm ruộng muối, tám giờ sáng, hàng bún."

____________________________________________________________________________

(*) Lữ Bố hí Điêu Thuyền: là một điển tích Trung Hoa được Việt Nam cải biên phục dựng lên cải lương, chi tiết có thể xem Tam Quốc Diễn Nghĩa, wikipedia và các nguồn tư liệu khác.

Sở dĩ mình viết là diễn tuồng Tàu chứ không dám diễn tuồng Việt vì đa phần tuồng Việt mình đều có nhân vật phản diện là thực dân Pháp hoặc Việt gian theo Pháp, bị bêu xấu, mấy ông quan Tây không để yên cho đoàn hát đâu.

Chương này chủ yếu để nói về nét phồn hoa một thời của Bạc Liêu thôi, hai anh cũng không tiếp xúc nhiều nên chờ chương kế nhé.

Kể ra viết chương này mà hoài niệm ghê, chả là hồi hè được xuống Bạc Liêu chơi, thăm nhà Công tử Bạc Liêu mà ấn tượng quá thể, đẹp một cách xa xỉ, nguy nga. Chắc hè kế xin cho đi Bạc Liêu tiếp, tương tư xứ này mãi thành bệnh mất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro