Phần II : Dấu Ấn Yves Congar

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1-        Dẫn  nhập

         Tôi xin gọi Hồng Y Congar là cha Congar vì đã được biết ngài từ thuở còn là sinh viên ở Paris. Cha Congar là một nhà ngôn sứ xuất sắc đã dày công đóng góp cho nền Thần học Đại kết của Giáo hội Công giáo và Giáo hội toàn cầu.

         Sau những năm dài đầy trăn trở và phấn đấu để vượt qua những nghi kỵ và cấm đoán phát xuất từ cấp cao của Giáo hội Công giáo, cha Congar với một lòng kính yêu và trung tín với Thiên Chúa và với Mẹ giáo hội, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI  đề cử tham gia Công đồng Vatican II với tư cách là chuyên gia của Ban xây dựng Đại kết – Hiệp thông Kitô hữu.

         Công trình nầy là một vấn đề khẩn cấp và trọng yếu cho Giáo hội toàn cầu vì làm sao để loan báo Thiên Chúa Tình yêu nếu những môn đệ của Ngài chống đối, chia rẽ bài bác nhau, thậm chí còn tuyệt thông nhau .... Trong khi đó, lời di chúc tối hậu và tối cao của Chúa và Thầy Giêsu là :

      “Lạy Cha, xin Cha cho tất cả  NÊN  MỘT như Cha ở trong con và con ở trong Cha, cho họ nên một trong chúng ta để thế trần tin là Cha đã sai con “ (Ga 17, 21).

Tinh thần Hiệp nhất này được Thánh Phaolô  nhấn mạnh như sau: “Anh em hãy duy trì thiết tha sự Hiệp nhất mà Thần Khí ban cho, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một Thân thể, một Thần Khí cũng  như anh em đã được ơn chia sẻ một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một Niềm tin, một Phép Rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người.” (Ep 4,3-6).

2-         Tình Trạng Ly Khai Qua Dòng Lịch Sử               

Lời di chúc của Chúa Giêsu và lời căn dặn của Thánh Phaolô quả là trọng đại và thiết tha như thế nhưng qua bao nhiêu thăng trầm éo le của lịch sử và những hẹp hòi, yếu nhược của con người, các cộng đoàn Kitô giáo đã không thông đạt với nhau, trái lại đã loại trừ và ly khai nhau:

1)-   Ly khai giữa Giáo hội Đông và Tây, Giáo hội Chính thống và Giáo hội Rôma đã tách biệt và tuyệt thông nhau, vào thế kỷ XI. Có nhiều lý do dẫn đến thảm trạng này, trong đó có sự khác biệt về văn hóa, não trạng, ngôn ngữ, tâm lý, tín lý, suy tư thần học (như cách giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi), đặc biệt hơn nữa là vì tinh thần TỰ TRỊ. Theo Giáo hội Đông phương: chỉ cần hiệp thông trong Đức tin, không cần dựa vào cấu trúc đẳng cấp đặt dưới quyền một vị  lãnh tụ tối cao duy nhất là đức Giáo Hoàng. Khi cần lấy quyết định quan trọng thì có Công đồng hoặc Hội đồng các Giám mục tổng quản các giáo phận (gọi là métropolite hoặc patriarche ).

2)-        Ly khai với  Giáo phái Tin Lành vào thế kỷ 16 do nhà thần học Luther, người Đức (1483-1546) quan niệm rằng ơn cứu độ chỉ bắt nguồn từ đức tin vào Đức Kitô mà thôi, không dựa vào công nghiệp cá nhân, lại càng không dựa vào ân xá của Giáo hội ban phát. Uy quyền duy nhất là Thánh Kinh. Chức thánh là ơn phổ quát cho mọi người đã lãnh nhận phép rửa tội là Bí tích do Chúa Giêsu lập ra cùng với bí tích Thánh Thể.

        Calvin (1509-1564): gốc Thụy sĩ cùng một đường hướng với Luther nhưng nhấn mạnh hơn về sự dấn thân hoạt động và sức mạnh của lời cầu nguyện.

3)-        Anh giáo (Anglicanisme) nẩy sinh trước tiên là do hoàng đế Henri VIII (1509-1547) tách khỏi Giáo hội Rôma vì đức Giáo Hoàng không chấp nhận sự ly hôn giữa nhà vua với Hoàng hậu Catherine d’Aragon. Từ đó Nhà vua trở nên vị Lãnh đạo Anh giáo và có quyền đề cử Giám mục. Dần dần Anh giáo trở nên Giáo hội tự trị mà người lãnh đạo là Tổng Giám mục Canterbury thuộc nước Anh…      

        Từ gốc các giáo phái trên, đã nẩy sinh vô số chi nhánh khác như các phái : Methodisme, Baptistes, Presbyteriens, Pentecôtisme v.v. Mỗi giáo phái nhấn mạnh một điểm nào đó trong giáo huấn của Chúa, tùy theo não trạng và phong tục, văn hóa, tâm lý xã hội của mỗi địa phương.

        Trước Công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo lên án các Giáo hội và Giáo phái đa dạng nói trên dựa trên quan điểm là không chấp nhận uy quyền tối thượng  của đức Giáo hoàng. Do đó Vatican không ngần ngại đánh giá các giáo phái ly khai là “lạc giáo”, không cho phép người Công giáo tham gia các sinh hoạt của họ, kể cả không được đọc Kinh Thánh của anh em Tin Lành... Mỗi bên bám chặt vào quan điểm của mình như một chân lý tuyệt đối. Giáo hội Công giáo mong chờ các giáo phái khác mau ăn năn trở lại như đứa con hoang trở về nhà Cha. Các nhà thần học sau Công đồng gọi thái độ bảo thủ nầy là quan  điểm vũ trụ tiền Coopernic: Giáo hội Rôma là Mặt trời trung tâm, thường hằng bất biến, còn các Giáo hội khác là những hành tinh bé nhỏ phải xoay xung quanh mặt trời Rôma.

3-         Công đồng Vatican II

Công đồng Vatican II đã làm một cuộc cách mệnh Coopernic về Giáo hội học: Giáo hội Công giáo không phải là trung tâm, mà cũng ở ngoại vi như các Giáo hội khác, vì chỉ có một trung tâm duy nhất là Đức Giêsu Kitô.

         Nhưng không phải một sáng một chiều mà cuộc Cách mệnh trên đã bùng nổ. Tinh thần Đại Kết là hoa quả đã thu gặt được sau những năm dài gian khổ của các nhà Thần học can trường dũng cảm trong đó cha Congar là một gương mặt nổi bật. Cha rất phấn khởi được đồng hành, đồng cảm với linh mục Paul Couturier (1881-1953) thuộc Hiệp hội Thánh Irênê cũng là một vị tông đồ và ngôn sứ tiên phong của Đại kết.

       Sau đây là vài mốc lịch sử mở màn cho hành trình Hiệp nhất của giáo hội Công giáo ở Pháp :

       1935, Cha Paul Couturier công khai thuyết giảng về chương trrình xây dựng Hiệp nhất, gây một tác động lớn: Cha xác quyết rằng Hiệp nhất là một bản Hoà tấu mà Chúa Thánh Thần là Đấng chỉ huy dàn nhạc..

       1936, lần đầu tiên tuần lễ Hiệp nhất được rao giảng và thực hiện tại thánh đường Thánh Tâm  ở Montmartre, Paris.

        1937, tác phẩm “Chrétiens désunis” (các Kitô hữu  chia rẽ) của cha Congar ra đời, trình bày nguyên tắc của tinh thần Đại kết nơi người Công giáo. Đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng mà quan điểm căn bản là: thay vì chiến đấu để đè bẹp đối phương, người Kitô hữu phải tìm hiểu, đón nhận và tôn trọng những giá trị chân lý nơi kẻ khác, phải nghiền ngẫm thấm đậm lời của Gioan Tiền hô : “ Đức Giêsu phải lớn lên và tôi phải  nhỏ bé lại” (Ga 3,27).

Trong tác phẩm nầy, cha Congar nhấn mạnh: “Giáo hội Công giáo phải trong sáng và sống trọn vẹn Tin mừng, nhân ái, cầu nguyện sâu xa, hiệp nhất với Thiên Chúa. Chúng ta phải hấp thụ những gì tốt đẹp trong Chính thống giáo, trong Giáo hội Cải cách, trong Anh giáo và cố gắng giải đáp những vấn nạn được nêu lên cho chúng ta” .

        Tập sách nầy đã bị cấm phổ biến, tác giả phải sống tha hương nhiều năm. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, cha Congar can đảm vác thập giá và vẫn hoạt động không ngơi nghỉ, vì con đường Đại kết còn gặp những hàng rào sắt  đầy  gai nhọn. Năm 1950, một tác phẩm khác của Cha được phát hành với tựa đề : “Cải cách  đúng và cải cách sai trong Giáo hội” (Vraie et fausse réforme dans l’Eglise). Sách nầy không khỏi gây thêm dị ứng, nhưng cha Congar vẫn tiếp tục triển khai Thần học Đại kết, gặp gỡ các tín hữu Chính thống giáo, Tin lành, đặc b iệt là giao lưu chan hoà với Cộng đoàn Đại kết Taizé, cùng 2 vị lãnh đạo nổi tiếng  là Roger  Schutz và Max Thurian.

        Trong tác phẩm “Cuộc đối thoại giữa người Kitô hữu” (Les chrétiens en dialogue), cha Congar nhấn mạnh: “Mỗi  người, mỗi phía có một vai trò, một tiếng nói trong lịch sử thánh mà Thiên Chúa đã viết ra. Mỗi bên có một nét dẹp riêng biệt do Thiên Chúa trao ban... Mỗi người lớn lên không phải bằng cách hạ thấp kẻ khác mà vì biết đón nhận ánh sáng Thiên Chúa từ kẻ khác và truyền đạt cho kẻ khác những gì Chúa giúp mình thực hiện..”.

         Qua những tháng năm bị nghi ngờ, lên án, kể cả bị vu khống, cha Congar ôn lại lời của cha Lacordaire, O.P: “Những thời điểm thuận lợi nhất để gieo vãi và vun trồng là thời hỗn loạn và bão táp”. Đúng như thế, sau những năm dài trăn trở và chiến đấu trong tín thác, thân cây Hiệp nhất đã nẩy mầm và trổ nụ đâm hoa:

       Năm 1960, đức Giáo hoàng Gioan XXIII, với sự đóng góp cực lực của các nhà thần học Đại Kết hàng đầu, trong đó có Cha Congar, đã sáng lập “Văn phòng Hiệp nhất Kitô hữu”, khai mạc một cuộc TÁI NGỘ đầy hứa hẹn:

        Đức Thánh Cha đã mời đại diện của các Giáo hội không Công giáo đến dự Công đồng Vatican II với tính cách là quan sát viên. Lẽ tất nhiên, Cha Congar là một chuyên gia cột trụ của Giáo hội trong tinh thần Canh tân và Hoà giải.

       Sau một giáo triều hết sức ngắn ngủi, nhưng cũng hết sức năng động và ngôn sứ, đức Gioan XXIII vội vã ra đi. Trước giây phút lâm chung, ngài nhắn nhủ: “Đối thoại Đại kết là nhìn nhận chân giá trị của kẻ khác, không phải để chinh phục, không dẫm chân lên những gì là ánh sáng lương tâm của họ, không quan tâm  đến những e ngại của mình, mà trước tiên là tin tưởng vào cái tốt nơi họ”.

            Năm 1964, đức Giáo hoàng Phaolô VI đến gặp đức Thượng phụ giáo chủ Athenagoras ở Giêrusalem trong tinh thần giao hảo. Năm 1965 kết thúc Công đồng, hai Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo bắt tay nhau hủy bỏ vạ “tuyệt thông” của năm 1054. Thật là một bước ngoặt hết sức trọng đại !

Một bó hoa thơm khác là “Hội đồng Đại kết các Giáo hội” (COE, Conseil  oecumenique des Eglises), đặt tại Genève, Thuỵ Sĩ, với 400 triệu thành viên Kitô hữu  thuộc trên 100 nước, do các Kitô hữu Tin Lành sáng lập, vào những năm 1948 – 1950. Giáo hội Công giáo tuy chưa gia nhập với tích cách là thành viên chính thức, nhưng tham gia các sinh hoạt và xây dựng những mối tương giao ngày càng chặt chẽ và tích cực.

Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần và ở nhiều nơi, nhất là những lần đến thăm các nước Tin Lành, đã khẳng định rằng xây dựng Hiệp nhất là một nhu cầu cấp bách và trọng yếu của mọi Kitô hữu. Ngày 28-6-1985, Ngài đã phát biểu trước hàng Giáo phẩm Rôma:   “Hiệp nhất Kitô giáo là một cam kết bất khả phân ly với sứ vụ của Giáo hội Công giáo, là sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần trong tôi và tôi tự thấy có trách nhiệm đối với Ngài”.

Chính đức Gioan Phaolô II cũng đã thực hiện nhiều chuyến công du vì  Đại kết :

1979 đến Constantinople gặp  đức Giáo chủ Chính thống giáo.

1982 đến Canterbury gặp  vị chủ chăn Anh giáo.

1983 đến viếng Nhà thờ giáo phái Tin Lành Luther ở Rôma.

1984 đến Genève gặp Hội đồng Đại kết các Giáo hội (COE)

1986 tại Nhà thờ Luther ở Rôma, đức Gioan Phaolô II đã phát biểu: “Lúc nầy tôi tưởng niệm đến thời điểm mà Luther đến Rôma năm 1510 như một kẻ hành hương viếng mộ các Thánh Tông Đồ... Hôm nay, tôi đến đây như một kẻ hành hương đến với di sản thiêng liêng của Luther... Tôi đến đây như một nhịp cầu Hiệp thông vào Mầu nhiệm trọng tâm của một Đức tin duy nhất của chúng ta”.             

Hiện nay, thân cây Đại kết đang đâm chồi nẩy lộc ở nhiều nơi trên thế giới. Giáo hội Công giáo Âu châu đã có những văn phòng, những Hội Đồng Đại kết hoạt động rất năng nổ: năm 2001, đã phát hành Bản Hiến chương Đại Kết rất phong phú và đang động viên  một sức sống mới dưới tác động của Chúa  Thánh Thần.

Xin cảm tạ Chúa Thánh thần đã khởi công xây dựng Đại kết qua các Ngôn sứ  kiệt xuất trong đó có tầm vóc  đáng kính của  Hồng y Yves  Congar  .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro